Tuyệt chiêu làm phần đọc hiểu môn Văn thi vào lớp 10 đạt điểm cao năm 2024

CÁCH LÀM BÀI ĐỌC HIỂU MÔN VĂN THI VÀO 10

I. CÁCH LÀM CÁC DẠNG ĐỀ ĐỌC HIỂU 

1. Dạng 1: Nêu tên tác giả, tác phẩm, xác định phương thức biểu đạt

- Các phương thức biểu đạt chính bao gồm: tự sự, miêu tả, nghị luận, biểu cảm và thuyết minh, hành chính công vụ. Theo đó, học sinh cần phân biệt giữa hai kiểu hỏi: 

+ Phương thức biểu đạt chính: chỉ nêu lên DUY NHẤT 01 phương thức biểu đạt chính. 

+ Những phương thức biểu đạt: phải nêu tất cả các phương thức biểu đạt của văn bản. 

Ngoài ra có một số đề thi sẽ hỏi về thể thơ. Do đó, khi ôn thi vào lớp 10 môn văn học sinh chú ý phân biệt các thể thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, lục bát, song thất lục bát, thơ tự do,… để xác định cho chính xác

Ví dụ mẫu: Trích đề ôn thi vào lớp 10 môn văn trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ – Hà Nội

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB. Giáo dục, 2014).

Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào? Giới thiệu ngắn gọn về tác giả và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm ấy?

Đáp án:

Đoạn thơ nằm trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (0,25đ)

- Tác giả: Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, năm 1964 gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. (0,5đ)

- Bài thơ được sáng tác năm 1969 lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt (0,25đ)

2. Dạng 2: Nêu nội dung chính/ chủ đề văn bản

- Trong câu hỏi tìm nội dung chính/ chủ đề văn bản đòi hỏi học sinh phải xác định được nhanh nội dung đoạn văn nhắc tới là gì. Do đó, để làm tốt câu hỏi này, học sinh hãy xác định nhanh câu chủ đề của đoạn văn ở vị trí đầu hoặc cuối đoạn văn.

- Đối với các văn bản nghệ thuật ví dụ như thơ, truyện thì học sinh hãy chú ý đến các từ ngữ, hình ảnh xuất hiện xuyên suốt ở trong nội dung của văn bản đó. Vì đó là những từ ngữ, hình ảnh tập trung thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Với những văn bản mà có nhiều đoạn văn, mỗi đoạn văn lại thể hiện một chủ đề khá độc lập thì học sinh cần phải đặt các đoạn văn cạnh nhau và suy nghĩ xem các chủ đề độc lập đó có liên quan gì với nhau không. Khi đó, học sinh sẽ nhìn thấy một nội dung xuyên suốt tác phẩm và tìm ra được chủ đề chỉnh của tác phẩm.

3. Dạng 3: Xác định và nêu ý nghĩa của các biện pháp tu từ

98% đề thi vào lớp 10 chắc chắn có dạng bài này đó, nên các em nhớ ôn thật kỹ các biện pháp nghệ thuật chính hay gặp nhé. Bao gồm so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ,… Sau đó làm theo 3 bước xác định biện pháp tu từ sau

Bước 1: Nêu chính xác tên gọi của các biện pháp tu từ đó

Bước 2: Nêu lên các cụm từ, câu nói trong bài thể hiện biện pháp tu từ

Bước 3: Nêu tác dụng, ý nghĩa của biện pháp tu từ đó đến toàn bộ đoạn văn. Đây là bước mà học sinh thường quên, dẫn đến mất điểm đáng tiếc, cần chú ý khi ôn thi vào lớp 10 môn văn nhé. 

Ví dụ mẫu: Trích đề Chuyên Sư phạm

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

(Ngữ văn 9, tập 2)

Chỉ ra các điệp từ và từ láy trong khổ thơ trên? (0,5 điểm)

Đáp án:

– Từ láy trong đoạn thơ trên: nho nhỏ, xao xuyến.

– Điệp từ: “ta”, “một”, “dù”.

4. Dạng 4: Giải thích ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, lời nhận định, quan điểm 

- Khi giải thích các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết thì học sinh cần lưu ý dựa vào nội dung văn bản để giải thích, áp dụng đúng vào văn cảnh đề bài ra để trình bày đầy đủ các nét nghĩa thì các bạn học sinh sẽ dễ được điểm tối đa.

- Để làm tốt dạng bài này cần chú ý đọc kỹ càng văn bản, sau đó liên hệ cụm từ/hình ảnh/ quan điểm đó với nội dung văn bản. Thường mỗi hình ảnh thơ hay quan điểm sẽ có từ 2 đến 3 lớp ý nghĩa bao gồm ý nghĩa chính. Học sinh cần phải khai thác đầy đủ các lớp nghĩa này mới có thể đạt được điểm tối đa. Nhưng chú ý khi ôn thi vào lớp 10 môn văn không đi sâu vào phân tích lan man, dài dòng.

Ví dụ mẫu: Trích thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn THPT Chuyên Nguyễn Huệ – Hà Nội (tiếp)

Tại sao nói hình ảnh những chiếc xe không kính là một sáng tạo độc đáo của Phạm Tiến Duật?

Đáp án:

Hình ảnh những chiếc xe không kính rất độc đáo vì:

Đó là những chiếc xe có thực trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chống Mĩ và đã đi vào thơ Phạm Tiến Duật cũng rất thực, không một chút thi vị hóa. (0,5đ)

Hình ảnh ấy vừa nói lên cái khốc liệt của chiến tranh vừa làm nổi bật chân dung tinh thần của người lính; thể hiện phong cách thơ của Phạm Tiến Duật: nhạy cảm với nét ngang tàng, tinh nghịch, yêu thích cái lạ (0,5đ)

5. Dạng 5: Xác định phép liên kết câu, thành phần câu, kiểu câu

- Phép liên kết câu

Trong chương trình môn Ngữ văn phổ thông, học sinh được học 2 kiểu liên kết câu. Bao gồm liên kết câu theo nội dung và liên kết câu theo hình thức.

Trong đó, liên kết hình thức là loại liên kết được thể hiện ngay ở trong câu, từ của văn bản. Do đó, khi ôn thi vào lớp 10 môn văn học sinh có thể dễ dàng xác định được các phép liên kết này thông qua việc quan sát các từ lặp, từ nối ngay trong văn bản. Nhưng liên kết câu theo nội dung lại khó hơn, đòi hỏi học sinh phải nắm được nội dung của văn bản.

- Thành phần câu và kiểu câu

Muốn xác định được các thành phần câu chính xác thì khi ôn thi vào lớp 10 môn văn học sinh cần phải nhớ được khái niệm của các thành phần câu. Còn đối với việc xác định các kiểu câu thì có thể phân chia dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Trong đó, khó nhất là việc phân biệt câu rút gọn và câu đặc biệt. Tips làm bài như sau

+ Câu rút gọn là câu lược bỏ đi các thành phần nòng cốt như chủ ngữ, vị ngữ nhưng căn cứ theo ngữ cảnh thì vẫn có thể khôi phục lại được cấu trúc đầy đủ của câu rút ngọn.

+ Câu đặc biệt thì không mang cấu trúc của câu có chủ ngữ và vị ngữ, bên cạnh đó kiểu câu này sẽ không thể khôi phục lại câu dạng có đủ cả chủ ngữ và vị ngữ.

Ví dụ mẫu: Trích đề thi Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội

Cho đoạn trích:

“Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”. (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.196)

Xác định thành phần khởi ngữ trong câu: “Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.

Đáp án:

Thành phần khởi ngữ: Còn anh, anh (0,5 điểm)

6. Dạng 6: Câu hỏi vận dụng cao

Đây là câu hỏi cuối cùng của đề đọc hiểu. Gồm 3 dạng chính

+ Dạng 1: Viết đoạn văn ngắn từ 4 cho đến 6 dòng. Học sinh sẽ trình bày về quan điểm của mình (không đồng ý hay đồng ý) về một vấn đề cụ thể

+ Dạng 2 câu hỏi vận dụng cao ôn thi vào lớp 10 môn văn: Viết đoạn văn ngắn từ 4 cho đến 6 dòng nêu lên ý kiến và giải pháp của em cho một thực trạng hay vấn đề còn tồn tại trong văn bản được đề bài đưa ra. Đây chính là dạng đề nghị luận xã hội thường gặp. Để làm tốt đề này, học sinh cần có được kiến thức xã hội khá tốt. Bên cạnh đó, đoạn văn cũng cần được viết chuẩn cấu trúc tổng phân hợp

+ Dạng 3: Từ văn bản của đề bài, học sinh nêu lên bài học hoặc thông điệp có ý nghĩa với bản thân hay xã hội.

Ví dụ mẫu: 

Ví dụ 1: Trích đề ôn thi vào lớp 10 môn văn THPT Chuyên Nguyễn Huệ – Hà Nội (tiếp)

Từ việc cảm nhận phẩm chất của những người lính trong bài thơ trên và những hiểu biết xã hội của bản thân, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về lòng dũng cảm.

Nội dung gợi ý ôn thi vào lớp 10 môn văn: Từ việc cảm nhận lòng dũng cảm của những người lính lái xe trong bài thơ, bày tỏ được những suy nghĩ về lòng dũng cảm: Thế nào là dũng cảm? Những biểu hiện của lòng dũng cảm trong cuộc sống? Vì sao có thể khẳng định đây là phẩm chất cao quý của con người? Em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người dũng cảm?

Ví dụ 2: Trích đề ôn thi vào lớp 10 môn văn Chuyên Sư phạm (tiếp)

Từ ngữ liệu trên, hãy viết đoạn văn ngắn khoảng 200 từ về lẽ sống của thanh niên trong trong thời đại ngày nay

Đáp án

Dưới đây là một số gợi ý cơ bản cho đề ôn thi vào lớp 10 môn văn

– Dâng cho đời là lẽ sống biết cống hiến một cách tự nguyện, chân thành những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời chung.

– Đó là lẽ sống có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm hạnh phúc cho chính mình, cho xã hội, xuất phát từ ý thức trách nhiệm, từ tình yêu với cuộc đời. Nhiều bạn trẻ ngày nay có lối sống đẹp đẽ ấy. (nêu một vài dẫn chứng)

– Xác định nhận thức, hành động đúng cho mọi người. Sống cho đời nhưng không cần ồn ào, phô trương; không nên làm mất đi bản sắc riêng của mình thì mới thực sự có ý nghĩa.

II. TUYỂN TẬP CÁC BỘ ĐỀ ĐỌC HIỂU MỚI NHẤT

ĐỀ SỐ 1: 

PHẦN 1: Đọc- hiểu văn bản (4,0 điểm) 

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu bên dưới

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

(Ngữ văn 9, tập 2, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)

Câu 1 (1,0 điểm): Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy.

Câu 2 (1,0 điểm): Chỉ và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 3 (2,0 điểm): Viết đoạn văn ngắn (khoảng 10 đến 12 câu) phát biểu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

Đáp án

Câu 1:

– Đoạn thơ trên trích trong bài thơ “Viếng lăng Bác”

– Tác giả: Viễn Phương

– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác trong dịp đó và in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978)

Câu 2

– Phép tu từ: Ẩn dụ (cây tre)

– Tác dụng: Biểu tượng sức sống bền bỉ, kiên cường của dân tộc Việt Nam

Câu 3:

* Về hình thức: Yêu câu viết được đoạn văn khoảng 10 đến 12 diễn dạt lưu loát, văn phong trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, chữ viết đẹp, dùng từ, đặt câu đúng. Đảm bảo yêu cầu của đoạn văn.

* Về nội dung: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt những nội dung sau:

– Câu thơ thật giản dị thân quen với cách xưng hô “con- Bác” → gần gũi, thân thiết, ấm áp.

– Dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng” → giảm nhẹ được nỗi đau thương, mất mát.

– Hình ảnh hàng tre: (ẩn dụ) → biểu tượng sức sống bền bỉ….. của dân tộc

– Cảm xúc: tự hào

ĐỀ SỐ 2: 

PHẦN 1: Đọc – Hiểu văn bản (4,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước…Lại còn bao nhiêu người làng tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?”

 (Trích Ngữ văn 9 – tập 1)

Câu 1: Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? (0,5 điểm)

Câu 2: Nêu ý nghĩa nhan đề của tác phẩm? (0,5 điểm)

Câu 3: Tìm một câu rút gọn có trong đoạn văn và chỉ rõ cách rút gọn? (1,0 điểm)

Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày cảm nhận của em về đoạn trích trên? (2,0 điểm)

Đáp án

Câu 1: Đoạn trích nằm trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân

Câu 2: Nhan đề đã thể hiện sâu sắc chủ để của tác phẩm là viết về lòng yêu nước của người nông dân, Làng là nơi gần gũi gắn bó với người nông dân, bởi người ta không thể yêu nước nếu không yêu làng.

Câu 3: Câu rút gọn trong đoạn văn: Rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao?

– Bộ phận chủ ngữ được rút gọn.

Câu 4: 

Học sinh viết được đoạn văn theo yêu cầu sau:

– Về hình thức: Đảm bảo kết cấu một đoạn văn, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp

– Về nội dung: Trình bày được cảm nhận về tâm trạng của nhân vật ông Hai. Đó là sự nửa tin, nửa ngờ của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Buộc phải tin đó là sự thật nên ông Hai lo sợ cho tương lai của những người làng Chợ Dầu đang tản cư ở khắp nơi.

ĐỀ SỐ 3: 

PHẦN 1: Đọc – Hiểu văn bản (4,0 điểm)

Đọc kĩ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Giữa năm 2015, bà Lê Thị Thảo, mẹ của Hòa, quyết định tặng thận…

     […] Tháng 3-2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam, đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống.

      […] Để tặng được quả thận, từ khi quyết định hiến tặng đến khi lên bàn mổ, bà Thảo đã phải hơn 10 lần một mình một xe máy từ Bắc Ninh ra bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để làm các xét nghiệm. Con gái bà Thảo cũng vậy, và cuối năm 2016 khi mẹ con bà được mời lên truyền hình để nói về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng, hai mẹ con lại chở nhau bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi vội vã trở về ngay trong đêm… Nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà chỉ phẩy tay cười: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”

     Và nhờ cái “bình thường” của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ được khỏe mạnh trở lại. Ở Bắc Ninh, gia đình bà Thảo cũng đang rất vui vẻ. Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.

      Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!

(Trích Hai mẹ con cùng hiến thận, Lan Anh, Báo Tuổi trẻ, ngày 31/5/2018)

Câu 1: (0.5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: (0.5 điểm)

Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3: (1.0 điểm)

       Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.

a. Xét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì?

b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên.

Câu 4: (1.0 điểm)

      Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!

a. Xác định thành phần biệt lập có trong câu trên.

b. Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được  là gì?

Đáp án

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2:

Lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”

Câu 3:

a. Câu ghép

b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên là biện pháp so sánh. Hai vết sẹo dài trên bụng hai mẹ con (bà Thảo và Hòa) được so sánh như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.

- Tác dụng của biện pháp so sánh:

+ Khẳng định giá trị của những vết thương mà hai mẹ con phải chịu đựng.

+ Hai vết sẹo ấy là bằng chứng sáng rõ nhất của tinh thần làm việc thiện, sẵn sàng cho đi một phần thân thể của mình mà không cần đáp lại.

 Khẳng định tinh thần hiến dâng, biết sống vì người khác của hai mẹ con.

Câu 4:

a. Thành phần biệt lập trong câu văn trên là: Có lẽ - thành phần biệt lập tình thái.

b. Thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được  là niềm hạnh phúc của việc cho đi, của tinh thần sẻ chia, biết sống vì người khác, biết yêu thương với những số phận bất hạnh trong cuộc đời.

ĐỀ SỐ 4: 

PHẦN 1: Đọc – Hiểu văn bản (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

       Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về.

(Ngữ Văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2016, trang 4, 5)

Câu 1. (1 điểm) Nhận biết

 Nêu xuất xứ của đoạn trích trên. Xác định nội dung chính của đoạn trích.

Câu 2. (1 điểm) Thông hiểu

Chỉ ra và nêu tác dụng của một nét nghệ thuật đặc sắc trong câu văn sau: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần”.

Câu 3. (2 điểm) Vận dụng cao

Từ tinh thần của đoạn trích trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng ½ trang) theo kiểu Tổng – phân – hợp, trình bày suy nghĩ của bản thân về phương pháp đọc sách sao cho hiệu quả.

Đáp án

Câu 1.

Phương pháp: căn cứ bài Bàn về đọc sách

Cách giải:

- Đoạn trích nằm trong văn bản Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm.

- Nội dung chính của đoạn trích: Đọc sách không cốt nhiều mà quan trọng là chọn tinh, đọc kĩ.

Câu 2.

Phương pháp: căn cứ bài So sánh

Cách giải:

Trong câu: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần” sử dụng biện pháp so sánh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách cho kĩ để tiếp thu được hết những tinh hoa chứa đựng trong một quyển sách.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng đoạn tổng phân hợp và dung lượng mà đề bài yêu cầu.

- Diễn đạt trôi chảy, luận điểm sáng rõ.

Yêu cầu về nội dung:

a. Thế nào đọc sách có hiệu quả?

- Đọc sách có hiệu quả là khả năng tích lũy được những tri thức, rút ra được điều gì cho riêng mình, có ích đối với bản thân trong quá trình đọc sách.

- Mục đích và vai trò của việc có phương pháp đọc sách hiệu quả: Để đọc sách có hiệu quả thì bản thân mỗi người cần phải có phương pháp và xây dựng được chiến lược đọc sách cho riêng mình. Mỗi người phù hợp với một phương pháp riêng. Việc tìm được và vận dụng phương pháp đọc sách phù hợp sẽ nâng cao khả năng đọc và tiếp thu vốn tri thức mà sách mang lại.

b. Phương pháp đọc sách sao cho hiệu quả:

* Cần xác định được các bước đọc sách:

- Bước 1: Xác định mục đích đọc sách

- Bước 2: Tìm hiểu địa chỉ và review về cuốn sách, lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu của cuốn sách.

- Bước 3: Đọc một vài đoạn.

- Bước 4: Đọc thực sự (đọc sâu): Một vài kĩ năng: Đọc lướt qua, Đọc có trọng điểm, Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ; Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách; Đọc thụ động; Đọc chủ động; Đọc nông; Đọc sâu,…

* Tích cực tư duy khi đọc.

* Tập trung chú ý cao độ khi đọc sách.

* Rèn luyện khả năng đọc và có kĩ thuật đọc hợp lí: Chọn loại sách phù hợp, không gian đọc, tư thế đọc và chuẩn bị một quyển sổ để ghi chép những điều đáng lưu tâm vừa đọc được.

* Ghi chép một cách khoa học những điều đã đọc.

- Bản thân Lê-nin là người có trí nhớ tuyệt vời nhưng luôn ghi chép đầy đủ những điều đã đọc, đã nghĩ.

- Mendelev nói: “Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt”.

=> Ghi chép sau khi đọc là quá trình tái hiện và tái tạo tri thức, giúp người đọc có khả năng hệ thống lại, nghiền ngẫm, thậm chí là vận dụng để tạo ra những tri thức mới.

c. Liên hệ bản thân: Bản thân em đã đọc sách có hiệu quả chưa? Phương pháp mà em đã dùng để đọc sách có hiệu quả là gì?...

ĐỀ SỐ 5: 

PHẦN 1: Đọc – Hiểu văn bản (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

1. Thể loại

Truyền kì là một thể văn xuôi tự sự thời trung đại mà khi viết tác giả thường đưa vào những yếu tố hoang đường, kì lạ. Qua câu chuyện về thánh thần, ma quỷ, truyện truyền kì thường phản ánh hiện thực, thể hiện tư tưởng và thái độ của người viết về cuộc sống và con người.

2. Tác giả

Nguyễn Dữ (? -?), sống vào khoảng thế kỉ XVI, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng (cha đỗ Tiến sĩ đời Lê Thánh Tông), là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, từng đi thi và đã ra làm quan nhưng không bao lâu thì từ quan về ở ẩn. Với Truyền kì mạn lục, ông đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam. 

3. Tác phẩm

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là câu chuyện có pha nhiều yếu tố hoang đường. Đó là câu chuyện về một người tên là Ngô Tử Văn, tính tình ngay thẳng, ghét sự gian tà. Trước sự tác oai tác quái của linh hồn tên tướng phương Bắc bại trận, Tử Văn đã đốt đền. Tử Văn về gặp Diêm Vương được xử không có tội, đòi lại được ngôi đền cho Thổ thần. Tử Văn sống lại nhưng một tháng sau lại đột ngột qua đời và được trở thành quan phán sự. 

Trích Đọc hiểu văn bản ngữ văn 10, Nguyễn Trọng Hoàn)

Câu 1: Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ? 

Câu 3: Truyện truyền kì khác thần thoại, truyện cổ tích và truyền thuyết ở điểm nào ?

Câu 4: Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về lối sống ngay thẳng, ghét sự gian tà trong cuộc sống hôm nay.

Đáp án

Câu 1: Nội dung chính của văn bản trên:

- Giới thiệu đặc điểm thể loại truyền kì;

- Giới thiệu khái quát về cuộc đời nhà văn Nguyễn Dữ;

- Tóm tắt truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên 

Câu 2: Phương thức biểu đạt của văn bản: thuyết minh

Câu 3: Truyện truyền kì khác thần thoại, truyện cổ tích và truyền thuyết ở chỗ:

- Truyện truyền kì cũng có thể bắt nguồn từ truyện thần kì của dân gian nhưng nó đã có tác giả, có sự đầu tư của cấu trúc, chọn lọc chi tiết và hơn hết, mỗi truyện truyền kì là một bài học làm người trọn vẹn.

- Truyện truyền kì có dung lượng lớn hơn những truyện dân gian, ngôn ngữ kể chuyện đã có màu sắc của phong cách, nhân vật của truyện có đời sống, có cá tính. Đặc biệt các tình huống của truyện đầy những bất ngờ, hấp dẫn bởi kịch tính cao.

- Truyện truyền kì thông thường là sáng tạo của người nghệ sĩ, mỗi truyện là một vấn đề của cuộc sống. Nó không mang tính chức năng trong nội dung phản ánh và tính mô tip về hình thức của truyện.

Câu 4: Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :

- Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ; 

- Nội dung : Từ vẻ đẹp của nhân vật Ngô Tử Văn, thí sinh liên hệ đến lối sống ngay thẳng, ghét sự gian tà trong cuộc sống hôm nay. Cụ thể :

+ Giải thích : Sống ngay thẳng là sống đúng với con người thật của mình, biết đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Ghét sự gian tà là căm phẫn trước sự lộng hành của cái ác

+ Ý nghĩa của lối sống : thể hiện bản lĩnh của con người chính trực, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, mọi nhà

+ Phê phán lối sống dối trá, đạo đức giả

+ bài học nhận thức và hành động cho bản thân : hiểu được ý nghĩa của lối sống thẳng thắn, biết đấu tranh phê bình và tự phê bình, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Xem thêm các tài liệu Văn ôn thi vào lớp 10 năm 2024 hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học