Ôn thi vào lớp 10 Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ năm 2024
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 năm 2024, VietJack tổng hợp toàn bộ nội dung trọng tâm của tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ đầy đủ, chi tiết.
Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm
1. Tác giả
- Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên
- Huế.
- Ông là nhà thơ chiến sĩ và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Mĩ.
- Thơ ông tập trung khám phá vẻ đẹp của đất nước, nhân dân trong cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc.
- Phong cách sáng tác: Thơ Nguyễn Khoa Điềm có sự hòa quyện giữa cảm xúc trữ tình nồng thắm và chất suy tư sâu lắng; mang đậm chất dân gian bằng việc vận dụng ca dao, dân ca, tục ngữ.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Bài thơ sáng tác năm 1971, khi Nguyễn Khoa Điềm đang công tác ở chiến khu miền Tây tỉnh Thừa Thiên. Đây là thời kì ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
- Bài thơ được in trong tập thơ “Đất và khát vọng” năm 1984.
b. Ý nghĩa nhan đề
Đây là một bài thơ có nhan đề dài, độc đáo và chứa đựng hai hình ảnh nổi bật:
- Hình ảnh khúc hát ru:
+ Gợi cho chúng ta liên tưởng đến giai điệu ngọt ngào, thiết tha trong những bài hát ru của mẹ.
+ Gợi tấm lòng của những người bà, người mẹ.
+ Gợi âm hưởng của ca dao, dân ca với chất trữ tình sâu lắng, thiết tha.
- Hình ảnh những em bé lớn trên lưng mẹ:
+ Gợi cho chúng ta liên tưởng đến những em bé được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt.
+ Gợi không gian núi rừng - nơi đồng bào, dân tộc cư trú, sinh sống.
+ Gợi lên tình yêu thương và niềm tin, nghị lực của nhưng bà mẹ vùng cao.
c. cấu trúc của bài thơ
* Lặp cấu trúc: Bài thơ được chia làm ba khúc ru, mỗi khúc lại được cấu thành bởi hai khổ thơ.
- Khổ đầu: Lời ru của nhà thơ.
- Khổ hai: Lời ru của mẹ.
Cấu trúc đặc biệt này đã tạo cho bố cục bài thơ trở nên cân đối và chặt chẽ. Đồng thời, tạo cho âm điệu của khúc ru trở nên da diết, vấn vương tựa như tình cảm trìu mến của mẹ.
* Lặp câu:
- Mở đầu lời ru là những câu thơ:
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”.
+ Miêu tả một hình ảnh có thực, xuất hiện trong những năm kháng chiến của đất nước: Những em bé ngủ trên lưng mẹ từ trong sản xuất tới chiến đấu.
+ Gợi về một thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, khói lửa, phải chịu nhiều những gian khổ, mất mát, hi sinh.
+ Gợi về hình ảnh vĩ đại của những người mẹ vùng cao, dù trong bom đạn chiến tranh vẫn bao bọc, chở che cho những đứa con được khôn lớn, trưởng thành.
- Mở đầu lời ru của mẹ là câu thơ:
“Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi”
Lời ru của tác giả và lời ru của mẹ nối tiếp, đan cài một cách nhịp nhàng khiến cho lời ru thêm ngọt ngào, đằm thắm, lắng sâu.
II. Trọng tâm kiến thức
1. Khúc hát ru thứ nhất
a. Lời ru của tác giả
Hình ảnh người mẹ dân tộc Tà-ôi xuất hiện trong công việc:
“Mẹ già gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”
- Đó là một công việc vô cùng vất vả, nặng nhọc.
+ Hình ảnh “nhịp chày nghiêng” giàu giá trị tạo hình, gợi lên vóc dáng nghiêng nghiêng trong công việc của mẹ.
+ Hình ảnh “giấc ngủ em nghiêng” gợi về một giấc ngủ chao nghiêng, đong đưa theo những nhịp chày của mẹ.
+ Hình ảnh liệt kê “mồ hôi’’, “vai gầy” để đặc tả, tô đậm sự vất vá trong lao động của mẹ.
- Giữa những công việc vất vả như thế, tình yêu thương mẹ dành cho con càng thêm sâu sắc:
+ Hình ảnh “vai mẹ gầy” gợi vóc dáng nhọc nhằn, lam lũ của mẹ. Nhưng cũng chính đôi vai gầy ấy lại hóa thành chiếc gối êm đưa con vào giấc ngủ.
+ Câu thơ “lưng đưa nôi và tim hát thành lời” là hình ảnh mới lạ, cảm động về bà mẹ Tà-ôi đưa nôi cho con bằng tấm lưng và hát thì bằng cả trái tim yêu thương sâu lắng.
b. Lời ru của mẹ
- Trong lời ru của mẹ, mẹ đã gửi gắm, mong muốn bao điều tốt đẹp cho con:
“Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân’’
+ Mẹ thương con, yêu con sâu sắc. Và tình thương của mẹ cứ lớn dần và được chuyển hóa, mở rộng sang tình thương bộ đội.
+ Hình ảnh “hạt gạo trắng ngần” mẹ mơ gợi đến một cuộc sống no đủ, êm đềm sẽ đến với con.
+ Hình ảnh “vung chày lún sân”, cho thấy mẹ không chỉ mong con có một cuộc sống no đủ mà còn ước con khỏe mạnh, lao động giỏi.
Khúc hát ru thứ nhất đã cho thấy tấm lòng bao la, vĩ đại của người mẹ. Mẹ vừa là mẹ của gia đình vừa là mẹ của kháng chiến, của đất nước.
2. Khúc hát ru thứ hai
a. Lời ru của tác giả
Hình ảnh người mẹ Tà-ôi được tái hiện trong khung cảnh, không gian rộng lớn:
“Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
- Hình ảnh “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ” là một hình ảnh tượng phản:
+ Gợi thiên nhiên, khung cảnh mênh mông, heo hút của núi rừng Ka-lưi.
+ Gợi vóc dáng nhỏ bé, hao gầy của mẹ trong lao động, sản xuất.
Câu thơ đã nhấn mạnh sự nhọc nhằn, vất vả của mẹ.
- Tác giả đã sáng tạo nên hình ảnh ẩn dụ “Mặt trời của mẹ” để diễn tả tình yêu thương vô bờ bến của mẹ:
+ “Mặt trời của bắp” đó là mặt trời thực của thiên nhiên, vũ trụ, tỏa hơi ấm đến khắp muôn nơi.
+ “Mặt trời của mẹ” là một sự sáng tạo độc đáo, ẩn dụ cho con. Mẹ muốn nói con chính là nguồn sáng, là niềm hạnh phúc, sự ấm áp của đời mẹ.
b. Lời ru của mẹ
“Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn, phát mười Ka-lưi.”
- Từ tình thương con, mẹ mở rộng sang tình thương bộ đội và sang cả buôn làng.
- “Hạt bắp lên đều” ẩn dụ cho cuộc sống no đủ mà mẹ mong ước.
- Câu thơ “Mai sau con lớn, phát mười Ka-lưi” gợi về một ngày mai rất gần, con sẽ trưởng thành, khỏe mạnh, phi thường, đem sự no ấm cho buôn làng.
Ước mơ và tình yêu của mẹ cứ mở rộng dần đã cho thấy tấm lòng, sự hi sinh vĩ đại của mẹ.
3. Khúc hát ru thứ ba
a. Lời ru của tác giả
Nếu như ở hai khúc ru trên, công việc của mẹ chủ yếu ở hậu phương để phục vụ chiến đấu thì ở khúc ru thứ ba mẹ đang ở tư thế trực tiếp chiến đấu:
“Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi để giành trận cuối
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.”
- Hình ảnh liệt kê “chuyển lán”, “đạp rừng” gợi hình ảnh người mẹ đang bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài với tinh thần quyết tâm và lòng tin vào thắng lợi.
- Hình ảnh liệt kê “anh trai cầm súng”, “chị gái cầm chông”, “mẹ địu em đi”
+ Gợi đến một gia đình, dân tộc đang anh dũng đứng lên chống kẻ thù chung.
+ Cho thấy sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chúng ta tập hợp được một lực lượng đông đảo, thuộc mọi tầng lớp từ già trẻ, gái trai cùng tham gia chiến đấu.
- Cấu trúc “từ... đến...” gợi sự trưởng thành của em cu Tai từ trên lưng mẹ đã khôn lớn, đủ sức khỏe để chiến đấu.
- Nhịp thơ 4/4 nhanh, mạnh gợi không khí hào hùng, sôi động của cuộc kháng chiến.
b. Lời ru của mẹ
“Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do...”
- Từ tình thương con mẹ mở ra tình thương đất nước. Từ tình cảm gia đình riêng tư mẹ hòa hợp với tình cảm chung rộng lớn của dân tộc, đất nước.
- Xuất phát từ tình cảm lớn lao, tấm lòng cao cả ấy, mẹ đã mơ những ước mơ về con, lớn lao và vĩ đại:
+ Mẹ mơ “được thấy Bác Hồ” là mẹ mong muốn cho con sớm trưởng thành và tìm thấy được chân lí, con đường đúng đắn.
+ Ước mơ tha thiết nhất, mãnh liệt nhất của mẹ là con được “làm người Tự do”, sống trong một dân tộc làm chủ được vận mệnh của mình.
- Tác giả không để cho người mẹ trực tiếp nói về ước mơ của mình mà mong “con mơ cho mẹ”, Như vậy, người mẹ đã gửi trọn niềm mong mỏi vào giấc mơ của con nên lời ru càng thêm tha thiết, tin tưởng.
Qua ba lời ru, lần lượt hiện lên những công việc, tấm lòng của người mẹ. Người mẹ ấy bền bỉ trong công việc lao động và quyết tâm trong công cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước.
III. Tổng kết
1. Nội dung
Bài thơ “Khúc hát ru những em bẻ lớn trên lưng mẹ” là những lời tâm tình tha thiết của người mẹ Tà-ôi đối với đứa con yêu. Thông qua lời ru, người mẹ đã bộc lộ tình yêu thương đằm thắm đối với người con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu dù còn nhiều những gian nan, vất vả. Đồng thời, mẹ còn gửi gắm những ước mơ về sự trưởng thành, khỏe mạnh, khôn lớn của con trở thành công dân của một đất nước tự do.
2. Nghệ thuật
- Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, ngọt ngào.
- Cách ngắt nhịp linh hoạt.
Xem thêm các tài liệu Văn ôn thi vào lớp 10 năm 2024 hay khác:
- Ôn thi vào lớp 10 Bếp lửa năm 2024
- Ôn thi vào lớp 10 Ánh trăng năm 2024
- Ôn thi vào lớp 10 Con cò năm 2024
- Ôn thi vào lớp 10 Mùa xuân nho nhỏ năm 2024
- Ôn thi vào lớp 10 Viếng Lăng Bác năm 2024
Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:
- Giải bài tập Lớp 10 Kết nối tri thức
- Giải bài tập Lớp 10 Chân trời sáng tạo
- Giải bài tập Lớp 10 Cánh diều
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án điện tử lớp 9 (các môn học)
- Giáo án Toán 9
- Giáo án Ngữ văn 9
- Giáo án Tiếng Anh 9
- Giáo án Khoa học tự nhiên 9
- Giáo án Vật Lí 9
- Giáo án Hóa học 9
- Giáo án Sinh học 9
- Giáo án Địa Lí 9
- Giáo án Lịch Sử 9
- Giáo án GDCD 9
- Giáo án Tin học 9
- Giáo án Công nghệ 9
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi Ngữ Văn 9 (có đáp án)
- Đề thi Toán 9 (có đáp án)
- Đề thi Tiếng Anh 9 mới (có đáp án)
- Đề thi Tiếng Anh 9 (có đáp án)
- Đề thi Khoa học tự nhiên 9 (có đáp án)
- Đề thi Lịch Sử và Địa Lí 9 (có đáp án)
- Đề thi GDCD 9 (có đáp án)
- Đề thi Tin học 9 (có đáp án)
- Đề thi Công nghệ 9 (có đáp án)