Ôn thi vào lớp 10 Đoàn thuyền đánh cá năm 2024

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 năm 2024, VietJack tổng hợp toàn bộ nội dung trọng tâm của tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá đầy đủ, chi tiết.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm

1. Tác giả

- Huy Cận (1919 - 2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

- Ông là một trong những gương mặt xuất sắc của nền thi ca Việt Nam hiện đại: 

+ Trước cách mạng tháng Tám: Huy Cận là một trong những tên tuổi nổi bật của phong trào thơ Mới, với những đề tài mang cảm hứng vũ trụ và nỗi sầu nhân thế.

+ Sau cách mạng tháng Tám: Thơ Huy Cận đã có nhiều tìm tòi, với đề tài mang cảm hứng vũ trụ song tràn đầy niềm vui chứ không còn mang nặng nỗi sầu nhân thế.

- Phong cách sáng tác: Thơ Huy Cận luôn vận động ở nhiều đối cực: vũ trụ - cuộc đời, sự sống - cái chết, hiện thực - lãng lạn, niềm vui – nỗi buồn...; giọng điệu mộc mạc, chân tình, lắng đọng; hình ảnh thì thâm trầm, khơi gợi;...

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” ra đời năm 1958. Đây là thời kì miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội để chi viện cho chiến trường miền Nam.

- Bài thơ là kết quả sau chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

- Bài thơ được in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” năm 1986.

b. Ý nghĩa nhan để

- Hình ảnh “đoàn thuyền” gợi về một sự đoàn kết, ở đó có sự đồng lòng, chung sức giữa các thành viên.

- Phản ánh không khí lao động sổi nổi, hăng say của những người dân chài.

- Gợi lên những thành quả lao động góp phần xây dựng đất nước theo nhịp sống mới sau chiến tranh.

c. Bố cục: Ba phần

Được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá:

- Phần một: 2 khổ thơ đầu: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

- Phần hai: 4 khổ thơ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển.

- Phần ba: khố thơ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về.

II. Tìm hiểu chi tiết

1. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi (hai khổ thơ đầu)

a. Khung cảnh trời biển

Mở đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trên phông nền của một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

- Tác giả đã đặt nhân vật trữ tình từ một điểm nhìn nghệ thuật rất đặc biệt: đó là một điểm nhìn di động được đặt trên con thuyền đang tiến bước ra khơi.

- Sử dụng một hình ảnh so sánh rất độc đáo: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa”

+ Tả thực vầng mặt trời đó rực từ từ chìm xuống lòng biển khép lại vòng tuần hoàn của một ngày.

+ Gợi quang cảnh kì vĩ, tráng lệ của bầu trời và mặt biển lúc hoàng hôn.

+ Gợi bước đi của thời gian và đặc biệt thời gian này nó không chết lặng mà có sự vận động theo hành trình của đoàn thuyền đánh cá.

- Sử dụng hình ảnh nhân hóa:Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

+ Tả những con sóng xô bờ như những chiếc then cửa của vũ trụ để chìm vào trạng thái nghỉ ngơi.

+ Gợi cảm giác gần gũi, thân thương, bởi vũ trụ được hình dung như một ngôi nhà lớn của con người.

    Qua hai câu thơ đầu có thể thấy, Huy Cận yêu thiên nhiên và yêu mến cuộc đời như thế nào

b. Cảnh đoàn thuyền ra khơi

Trên phông nền thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, con người dần dần xuất hiện:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát cáng buồm cùng gió khơi.”

- Phụ từ “lại” tạo được điểm nhấn ngữ điệu và sức nặng cho câu thơ:

+ Gợi thế chủ động của con người và cho biết công việc ra khơi vần lặp đi lặp lại hàng ngày, trở thành một hành động quen thuộc.

+ Đồng thời, miêu tả một hành động đối lập: đối lập giữa hoạt động của vũ trụ với hoạt động của con người.

- Hình ảnh “câu hát căng buồm cùng gió khơi”:

+ Cụ thể hóa niềm vui phơi phới, sự hào hứng, hăm hở của người lao động.

+ Gợi cho chúng ta liên tưởng tới luồng sức mạnh đã đưa con thuyền vượt trùng ra khơi.

+ Với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác “câu hát căng buồm” gợi vẻ đẹp tâm hồn của người lao động gửi gắm vào trong lời hát.

    Đoàn thuyền ra khơi trong trạng thái phấn chấn, náo nức đến lạ kì và dường như có một sức mạnh vật chất đã cùng với gió làm thổi căng cánh buồm, đẩy con thuyền lướt sóng ra khơi.

Trong tâm trạng phấn chấn, náo nức ra khơi, những người dân chài đã cất cao tiếng hát.         

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi 

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng 

Đến dệt lưới ra, đoàn cá ơi!”

- Từ “hát rằng” gợi lên niềm vui của người dân chài, hứa hẹn một chuyến ra khơi bội thu.

- Thủ pháp liệt kê (cá bạc, cá thu) và so sánh (như thoi đưa) mang đến âm hưởng ngợi ca, tự hào trong câu hát về sự giàu có của biển cả.

- Hình ảnh nhân hóa “đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng”:

+ Cho thấy không khí lao động hăng say không kể ngày đêm của người lao động.

+ Gợi hình ảnh những đoàn cá đang dệt những tấm lưới giữa biển đêm.

+ Gợi những vệt nước lấp lánh được tạo ra khi đoàn cá bơi lội dưới ánh trăng.

    Tác giả đã phác họa rất thành công một bức tranh thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng và qua đó gợi được tâm hồn phóng khoáng, tình yêu lao động và niềm hi vọng của người dân chài.

2. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển

a. Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá được miêu tả cụ thể và rất sinh động: 

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng 

Lướt giữa mây cao với biển bằng 

Ra đậu dặm xa dò bụng biển 

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

- Đoàn thuyền đánh cá được tái hiện trên nền thiên nhiên bao la, rộng mở: chiều cao của gió của trăng, chiều rộng của mặt biển và còn cả chiều sâu của lòng biển.

- Với cảm hứng nhân sinh vũ trụ, Huy Cận đã xây dựng hình ảnh đoàn thuyền đánh cá rất tương xứng với không gian:

+ Cách nói khoa trương phóng đại qua hình ảnh “lái gió với buồm trăng”, “lướt giữa mây cao với biển bằng” cho thấy con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kỳ vĩ, khổng lồ, hòa nhập với không gian bao la, rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ.

+ Khi con thuyền buông lưới thì như dò thấu đáy đại dương. Rõ ràng, con thuyền cũng như con người đang làm chủ không gian này.

+ Hệ thống động từ: được rải đều trong mỗi câu thơ: “lái”, “lướt”, “dò”, “dàn”, cho thấy hoạt động của đoàn thuyền và con thuyền đang làm chủ biển trời.

    Khổ thơ gợi lên một bức tranh lao động thật đặc sắc và tráng lệ. Bức tranh ấy như thâu tóm được cả không gian vũ trụ vào trong một hình ảnh thơ, đồng thời nâng con người và con thuyền lên tầm vóc vũ trụ.

b. Lần theo đoàn thuyền đánh cá, tác giả đã mở ra sự giàu có, phong phú và tấm lòng hào phóng, bao dung của biển cả:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé 

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng 

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe 

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

- Bằng thủ pháp liệt kê, tác giả đã miêu tả sự phong phú và giàu có của biển cả quê hương qua những loài cá vừa ngon lại vừa quý hiếm của biển.

- Hình ảnh ẩn dụ “cá song lấp lánh đuốc đen hồng”.

+ Tả thực loài cá song, thân dài, trên vảy có những chấm nhỏ màu đen hồng.

+ Gợi hình ảnh về đoàn cá song như một cây đuốc lấp lánh dưới ánh trăng đêm, đã tạo nên một cảnh tượng thật lộng lầy và kì vĩ.

- Hình ảnh nhân hóa “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”:

+ Miêu tả động tác quẫy đuôi của một chú cá dưới ánh trăng vàng chiếu rọi.

+ Gợi một đêm trăng đẹp, huyền ảo mà ánh trăng như thếp đầy mặt biến khiến cho đàn cá quẫy nước mà như quẫy trăng.

- Hình ảnh nhân hóa “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”:

+ Tả nhịp điệu của những cánh sóng.

+ Gợi nhịp thở của biển, vũ trụ lúc đêm về. Biển như mang linh hồn của con người, như một sinh thể cuộn trào sức sống.

- Trước sự giàu có và phong phú đến vô cùng của biển cả, đã mở ra tâm trạng háo hức vui tươi để người dân chài lưới tiếp tục cất cao tiếng hát:

“Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển nuôi ta lớn như lòng mẹ 

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

+ Hình ảnh so sánh “biển cho ta cá như lòng mẹ”

++ Biển tựa như nguồn sữa khổng lồ đã nuôi dưỡng con người tự bao đời.

++ Thể hiện sâu sắc niềm tự hào và lòng biết ơn của người dân chài với biển cả quê hương.

    Ẩn sau khổ thơ, ta thấy lòng biết ơn của con người trước ân tình của quê hương đất nước.

c. Khung cảnh lao động hăng say trên biển

Một đêm trôi nhanh trong nhịp điệu lao động khẩn trương, hào hứng, hăng say:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng 

Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông 

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

- Hệ thống từ ngữ tượng hình: “kéo xoăn tay”, “lưới xếp”, “buồm lên” đã đặc tả để làm hiện lên một cách cụ thể, sinh động công việc kéo lưới của những ngư dân.

- Hình ảnh ấn dụ “ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”:

+ Những nét tạo hình gân guốc, chắc khỏe, cơ bắp cuồn cuộn gợi vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân chài lưới trong lao động.

+ Đồng thời gợi lên một mẻ lưới bội thu.

- Hình ảnh “vẩy bạc”, “đuôi vàng” đầy ắp những khoang thuyền:

+ Cho thấy sự giàu có của biển cả quê hương và niềm vui phơi phới của người lao động.

+ Màu bạc của vảy cá, màu vàng của đuôi cá dưới ánh mặt trời như lóe cả rạng đông. Điều đó cho thấy bút pháp sử dụng màu sắc đại tài của Huy Cận.

    Tác giả đã diễn tả được một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với sự giàu có hào phóng của thiên nhiên. Đồng thời khắc họa thành công hình tượng người lao động lớn lao, phi thường.

3. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về

Đoàn thuyền đánh cá trở về trong câu hát:

“Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời 

Mặt trời đội biển nhô màu mới 

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

- Câu hát ra khơi và câu hát trở về thoạt nghe thì ta tưởng nó cùng một âm hưởng, cùng một lối miêu tả. Nhưng nếu đọc kĩ, ta sẽ thấy: Câu hát ra khơi là “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, còn câu hát trở về là “Câu hát căng buồm với gió khơi”.

+ Khi viết về câu hát ra khơi, tác giả sử dụng từ “cùng” để gợi cái sự hài hòa giữa ngọn gió và câu hát, từ đó tái hiện một chuyến đi biển thuận lợi và bình yên. 

+ Khi viết về câu hát trở về, tác giả đã biến đổi từ “cùng” thành từ “với” để gợi niềm vui phơi phới khi họ được trở về trên những con thuyền đầy ắp cá.

+ Với nghệ thuật đầu cuối trong câu hát, ta còn thấy được điệp khúc của khúc ca lao động.

- Hình ảnh nhân hóa “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”

+ Đoàn thuyền như trở thành một sinh thể sống để chạy đua với thiên nhiên bằng tốc độ của vũ trụ.

+ Nâng tầm vóc của đoàn thuyền, con người sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. 

+ Gợi tư thế hào hùng, khẩn trương để giành lấy thời gian để lao động. Và trong cuộc chạy đua này, con người đã chiến thắng. Khi “Mặt trời đội biển nhô màu mới” thì đoàn thuyền đã về đến bến: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi”.

- Hình ảnh hoán dụ “mắt cả huy hoàng”:

+ Miêu tả muôn triệu mắt cá li ti được phản chiếu ánh rạng đông trở nên rực rỡ, huy hoàng.

+ Đây không còn là ánh sáng của tự nhiên nữa, mà là sánh sáng của thành quả lao động lấp lánh ánh vui.

    Khổ thơ mang âm hưởng của bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới của con người khi làm chủ đất trời.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Phác họa thành công vẻ đẹp của thiên nhiên và của người lao động mới.

- Khám phá, ngợi ca sự giàu có, hào phóng của thiên nhiên đất nước và tầm vóc lớn lao của người lao động. Đồng thời, cho thấy sự hồi sinh của thiên nhiên, đất nước sau chiến tranh.

2. Nghệ thuật

- Một ngòi bút tràn đầy cảm hứng thiên nhiên, vũ trụ.

- Hình ảnh thơ phong phú, giàu sức gợi.

- Kết cấu đầu cuối tương ứng đặc sắc.

Xem thêm các tài liệu Văn ôn thi vào lớp 10 năm 2024 hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học