Các dạng đề bài Chuyện người con gái Nam Xương
1. Tác giả
- Nguyễn Dữ sống ở thế kỷ XVI, giai đoạn chế độ xã hội phong kiến đang từ đỉnh cao của sự phát triển, bắt đầu rơi vào tình trạng suy yếu.
- Nguyễn Dữ chỉ làm quan một năm rồi về ở ẩn, giữ cách sống thanh cao đến trọn đời, dù vậy qua tác phẩm, ông vẫn tỏ ra quan tâm đến xã hội và con người.
2. Tác phẩm
Vị trí đoạn trích: “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện thứ 16 trong số 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục.
a. Nội dung:
- Truyện kể về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương.
- Truyện thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.
b. Nghệ thuật:
- Nghệ thuật dựng truyện.
- Miêu tả nhân vật.
- Sử dụng yếu tố tự sự kết hợp với trữ tình.
c. Chủ đề.
- Số phận oan nghiệt của người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phong kiến.
3. Phân tích:
3. 1, Nhân vật Vũ Nương:
a) Dù ở hoàn cảnh nào, Vũ Nương đều tỏ rõ là người phụ nữ đẹp người đẹp nết:
- Trước khi lấy chồng: Được tiếng là người có “tư dung tốt đẹp”
- Từ khi lấy chồng: Trong cuộc sống vợ chồng: Trước bản tính hay ghen của chồng, Vũ Nương đã “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải thất hoà”.
- Khi tiễn chồng ra trận: Nàng rót chén rượu đầy nói những lời ân nghĩa thuỷ chung, thể hiện sự quan tâm lo lắng cho chồng ở chốn biên ải xa xôi. Chứng tỏ nàng rất hiểu và thông cảm cho chồng.
- Khi xa chồng: Vũ Nương là người vợ chung thuỷ, yêu chồng tha thiết, một người mẹ hiền, dâu thảo.
+ Khi chồng ra trận bao gánh nặng gia đình đè lên vai nhỏ yếu của nàng. Một mình nàng vừa chăm sóc mẹ già lại nuôi dạy con thơ. Khi mẹ chồng ốm nàng hết sức thuốc thang, lấy lời ngon ngọt khuyên mẹ chồng ăn uống cho chóng lành bệnh. Mẹ chồng mất, nàng ma chay tế lễ chu đáo như cha mẹ đẻ của mình. Trước khi nhắm mắt chính mẹ chồng của nàng cũng phải thốt nên những câu hết sức cảm động để nói về công lao của nàng với gia đình nhà chồng: “…xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con chẳng phụ mẹ”.
+ Chồng ra trận, nàng gửi nỗi nhớ thương chồng vào chính chiếc bóng của mình ở trên tường mà nói với đứa con thơ dại rằng đó chính là cha nó.
→ Vũ Nương là người phụ nữ đảm đang, thương yêu chồng hết mực.
- Khi bị chồng nghi oan: Phân trần để chồng hiểu rõ nỗi oan của mình. Những lời nói thể hiện sự đau đớn thất vọng khi không hiểu vì sao bị đối xử bất công. Vũ Nương không có quyền tự bảo vệ.
Hạnh phúc gia đình tan vỡ. Thất vọng tột cùng, Vũ Nương tự vẫn. Đó là hành động quyết liệt cuối cùng.
- Lời than thống thiết, thể hiện sự bất công đối với người phụ nữ đức hạnh.
- Khi sống ở thuỷ cung: Đó là một thế giới đẹp từ y phục, con người đến quang cảnh lâu đài. Nhưng đẹp nhất là mối quan hệ nhân nghĩa.
- Cuộc sống dưới thuỷ cung đẹp, có tình người.
Tác giả miêu tả cuộc sống dưới thuỷ cung đối lập với cuộc sống bạc bẽo nơi trần thế nhằm mục đích tố cáo hiện thực.
- Vũ Nương gặp Phan Lang, yếu tố ly kỳ hoang đường.
- Nhớ quê hương, không muốn mang tiếng xấu.
Thể hiện ước mơ khát vọng một xã hội công bằng tốt đẹp hơn, phù hợp với tâm lý người đọc, tăng giá trị tố cáo.
- Thể hiện thái độ dứt khoát từ bỏ cuộc sống đầy oan ức. Điều đó cho thấy cái nhìn nhân đạo của tác giả.
⇒ Vũ Nương là một người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục, đảm đang, tháo vát, hiếu thảo, thuỷ chung vẹn toàn, hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.
b) Vũ Nương lại là một người phụ nữ bất hạnh, oan trái.
- Bởi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến: Người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông trong gia đình. Thậm chí không có cả quyền làm chủ số phận của chính bản thân mình. Cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu, lấy phải người chồng gia trưởng, độc đoán lại hay ghen tuông vô lối.
c) Cái chết của Vũ Nương thực chất là một sự bức tử:
- Xuất phát từ lời nói ngây thơ của con trẻ => khiến cho lòng ghen tuông vô lối, mù quáng của Trương Sinh bùng phát không gì gỡ được. Hành động vũ phu, thái độ độc đoán, gia trưởng, bỏ ngoài tai mọi sự thanh minh của Vũ Nương và những người hàng xóm của Trương Sinh. Một mực nghi oan cho vợ, đánh đập, đuổi đi Vũ Nương rơi vào sự bế tắc hoàn toàn không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cái chết.
- Cái chết của Vũ Nương không chỉ thể hiện sự bế tắc của nàng mà còn có nghĩa vô cùng sâu sắc: Số phận mỏng manh của người phụ nữ, chế độ nam quyền bất công dung túng cho hành động của người chồng, chiến tranh phong kiến li gián lứa đôi, khiến cho hạnh phúc của họ phải đến cảnh “ bình rơi trâm gãy”, lòng thương cảm của tác giả cho số phận người phụ nữ...
3. 2, Nhân vật Trương Sinh
- Điển hình cho quyền lực và tính cách của người chồng trong chế độ phong kiến nam quyền: Gia trưởng, độc đoán, coi thường nhân phẩm thậm chí coi thường cả mạng sống của vợ. Ngoài ra, Trương Sinh còn là kẻ vô học, ghen tuông mù quáng, vô lối.
3. 3, Lời nói của Đản:
- “Ô hay! Thế ra ông cũng là cho tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít… Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến…”.
- Câu nói phản ánh đúng ý nghĩ ngây thơ của trẻ em: nín thin thít, đi cũng đi, ngồi cũng ngồi (đúng như sự thực, giống như một câu đố giấu đi lời giải. Người cha nghi ngờ, người đọc cũng không đoán được).
- Tài kể chuyện (khéo thắt nút mở nút) khiến câu chuyện đột ngột, căng thẳng, mâu thuẫn xuất hiện.
- Trương Sinh giấu không kể lời con nói: khéo léo kể chuyện, cách thắt nút câu chuyện làm phát triển mâu thuẫn.
- Ngay trong lời nói của Đản đã có ý mở ra để giải quyết mâu thuẫn: “Người gì mà lạ vậy, chỉ nín thin thít”
Đề 1: Ý nghĩa của các yếu tố kỳ ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”.
Trả lời:
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu khái quát về đoạn trích.
b. Thân đoạn:
- Các yếu tố kỳ ảo trong truyện:
+ Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
+ Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp, gặp lại Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.
+ Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.
- Ý nghĩa của các chi tiết kỳ ảo.
+ Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của nhân vật Vũ Nương: Nặng tình, nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.
+ Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho câu chuyện.
+ Thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở đời của nhân dân ta.
c. Kết đoạn:
- Khẳng định ý nghĩa của yếu tố kỳ ảo đối với truyện.
Đề 2: Viết một đoạn văn ngắn (8 đến 10 dòng) tóm tắt lại “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
Trả lời:
Vũ Nương là người con gái thuỳ mị, nết na. Chàng Trương là con gia đình hào phú vì cảm mến đã cưới nàng làm vợ. Cuộc sống gia đình đang xum họp đầm ấm, xảy ra binh đao, Trương Sinh phải đăng lính, nàng ở nhà phụng dưỡng mẹ già, nuôi con. Khi Trương Sinh về thì con đã biết nói, đứa trẻ ngây thơ kể với Trương Sinh về người đêm đêm đến với mẹ nó. Chàng nổi máu ghen, mắng nhiếc vợ thậm tệ, rồi đánh đuổi đi, khiến nàng phẫn uất, chạy ra bến Hoàng Giang tự vẫn. Khi hiểu ra nỗi oan của vợ, Trương Sinh đã lập đàn giải oan cho nàng.
Đề 1 : Cảm nhận của em về văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
Trả lời:
a. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Nêu giá trị nhân đạo, hiện thực và nghệ thuật đặc sắc của truyện.
b. Thân bài:
1. Giá trị hiện thực:
- Tố cáo xã hội phong kiến bất công, thối nát ...
+ Chàng Trương đang sống bên gia đình hạnh phúc phải đi lính.
+ Mẹ già nhớ thương, sầu não, lâm bệnh qua đời.
+ Người vợ phải gánh vác công việc gia đình.
- Người phụ nữ là nạn nhân của lễ giáo phong kiến bất công.
+ Vũ Thị Thiết là một người thuỷ chung, yêu thương chồng con, có hiếu với mẹ ...
+ Trương Sinh là người đa nghi, hồ đồ, độc đoán → đẩy Vũ Nương đến cái chết thảm thương.
+ Hiểu ra sự thật Trương Sinh ân hận thì đã muộn.
2. Giá trị nhân đạo
- Đề cao, ca ngợi phẩm hạnh cao quý của người phụ nữ qua hình ảnh Vũ Nương.
+ Đảm đang: Thay chồng gánh vác việc nhà...
+ Hiếu thảo, tôn kính mẹ chồng ...
+ Chung thuỷ: Một lòng, một dạ chờ chồng ...
3. Giá trị nghệ thuật:
- Ngôn ngữ, nhân vật.
- Kịch tính trong truyện bất ngờ.
- Yếu tố hoang đường kỳ ảo.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung của truyện.
- Truyện là bài học nhân sinh sâu sắc về hạnh phúc gia đình.
Đề 2: Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
Trả lời:
a. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Vẻ đẹp, đức hạnh và số phận của Vũ Nương.
b. Thân bài:
- Vũ Nương là người phụ nữ đẹp.
- Phẩm hạnh của Vũ Nương:
+ Thuỷ chung, yêu thương chồng (khi xa chồng ...)
+ Mẹ hiền (một mình nuôi con nhỏ ...)
+ Dâu thảo (tận tình chăm sóc mẹ già lúc yếu đau, lo thuốc thang ...)
- Những nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Vũ Nương.
+ Cuộc hôn nhân bất bình đẳng.
+ Tính cách và cách cư xử hồ đồ, độc đoán của Trương Sinh.
+ Tình huống bất ngờ (lời của đứa trẻ thơ ...)
- Kết cục của bi kịch là cái chết oan nghiệt của Vũ Nương.
- Ý nghĩa của bi kịch: Tố cáo xã hội phong kiến.
- Giá trị nhân đạo của tác phẩm.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại phẩm chất, vẻ đẹp của Vũ Nương.
- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Đề 3: Giá trị nhân đạo trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
Trả lời:
I/ Tìm hiểu đề
- Đề yêu cầu phân tích một giá trị nội dung của tác phẩm – giá trị nhân đạo. Giá trị nhân đạo thể hiện trong tác phẩm văn chương còn gọi là giá trị nhân văn.
- Văn học trung đại Việt Nam thường biểu hiện tiếng nói nhân văn ở sự trân trọng mọi phẩm giá con người, đồng tình thông cảm với khát vọng của con người, đồng cảm với số phận bi kịch của con người và lên án những thế lực bạo tàn chà đạp lên con người.
- Dựa vào những điều cơ bản trên, người viết soi chiếu vào “Chuyện người con gái Nam Xương” để phân tích những biểu hiện cụ thể về nội dung nhân văn trong tác phẩm. Từ đó đánh giá những đóng góp của Nguyễn Dữ vào tiếng nói nhân văn của văn học thời đại ông.
- Tuy cần dựa vào số phận bi thương của nhân vật Vũ Nương để khai thác vấn đề, nhưng nội dung bài viết phải rộng hơn bài phân tích nhân vật, do đó cách trình bày phân tích cũng khác.
II/ Dàn bài chi tiết
A- Mở bài:
- Từ thế kỉ XVI, xã hội phong kiến Việt Nam bắt đầu khủng hoảng, vấn đề số phận con người trở thành mối quan tâm của văn chương, tiếng nói nhân văn trong các tác phẩm văn chương ngày càng phát triển phong phú và sâu sắc.
- Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là một trong số đó. Trong 20 thiên truyện của tập truyền kì, “Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cảm hứng nhân văn của Nguyễn Dữ.
B- Thân bài:
* Khái niệm nhân đạo: lòng yêu thuơng, sự ngợi ca, tôn trọng giá trị, phẩm chất, vẻ đẹp, tài năng, và quyền lợi của con nguời.
1. Tác giả hết lời ca ngợi vẻ đẹp của con người qua vẻ đẹp của Vũ Nương, một phụ nữ bình dân
- Vũ Nương là con nhà nghèo (“thiếp vốn con nhà khó”), đó là cái nhìn ng-ười khá đặc biệt của tư tưởng nhân văn Nguyễn Dữ.
- Nàng có đầy đủ vẻ đẹp truyền thống của nguời phụ nữ Việt Nam: thuỳ mị, nết na. Đối với chồng rất mực dịu dàng, đằm thắm thuỷ chung; đối với mẹ chồng rất mực hiếu thảo, hết lòng phụng dưỡng; đối với con rất mực yêu th-ương.
- Đặc biệt, một biểu hiện rõ nhất về cảm hứng nhân văn, nàng là nhân vật để tác giả thể hiện khát vọng về con người, về hạnh phúc gia đình, tình yêu đôi lứa:
+ Nàng luôn vun vén cho hạnh phúc gia đình.
+ Khi chia tay chồng đi lính, không mong chồng lập công hiển hách để đuợc “ấn phong hầu”, nàng chỉ mong chồng bình yên trở về.
+ Lời thanh minh với chồng khi bị nghi oan cũng thể hiện rõ khát vọng đó: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất”
Tóm lại: dưới ánh sáng của tư tưởng nhân văn đã xuất hiện nhiều trong văn chương, Nguyễn Dữ mới có thể xây dựng một nhân vật phụ nữ bình dân mang đầy đủ vẻ đẹp của con người. Nhân văn là đại diện cho tiếng nói nhân văn của tác giả.
2. Nguyễn Dữ trân trọng vẻ đẹp của Vũ Nuơng bao nhiêu thì càng đau đớn truớc bi kịch cuộc đời của nàng bấy nhiêu.
- Đau đớn vì nàng có đầy đủ phẩm chất đáng quý và lòng tha thiết hạnh phúc gia đình, tận tuỵ vun đắp cho hạnh phúc đó lại chẳng được hưởng hạnh phúc cho xứng với sự hi sinh của nàng:
+ Chờ chồng đằng đẵng, chồng về chưa một ngày vui, sóng gió đã nổi lên từ một nguyên cớ rất vu vơ (Người chồng chỉ dựa vào câu nói ngây thơ của đứa trẻ đã khăng khăng kết tội vợ).
+ Nàng hết mực van xin chàng nói rõ mọi nguyên cớ để cởi tháo mọi nghi ngờ; hàng xóm rõ nỗi oan của nàng nên kêu xin giúp, tất cả đều vô ích. Đến cả lời than khóc xót xa tột cùng “Nay đã bình rơi trâm gãy,… sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió,… cái én lìa đàn,…” mà nguời chồng vẫn không động lòng.
+ Con người trong trắng bị xúc phạm nặng nề, bị dập vùi tàn nhẫn, bị đẩy đến cái chết oan khuất
→ Bi kịch đời nàng là tấn bi kịch cho cái đẹp bị chà đạp nát tan, phũ phàng.
3. Nhưng với tấm lòng yêu thuơng con người, tác giả không để cho con người trong sáng cao đẹp như nàng đã chết oan khuất.
- Mượn yếu tố kì ảo của thể loại truyền kì, diễn tả Vũ Nương trở về để được rửa sạch nỗi oan giữa thanh thiên bạch nhật, với vẻ đẹp còn lộng lẫy hơn xưa.
- Nhưng Vũ Nương được tái tạo khác với các nàng tiên siêu thực : nàng vẫn khát vọng hạnh phúc trần thế (ngậm ngùi, tiếc nuối, chua xót khi nói lời vĩnh biệt “thiếp chẳng thể về với nhân gian được nữa”.
- Hạnh phúc vẫn chỉ là ước mơ, hiện thực vẫn quá đau đớn (hạnh phúc gia đình tan vỡ, không gì hàn gắn đuợc).
4. Với niềm xót thương sâu sắc đó, tác giả lên án những thế lực tàn ác chà đạp lên khát vọng chính đáng của con nguời.
- Xã hội phong kiến với những hủ tục phi lí (trọng nam khinh nữ, đạo tòng phu,…) gây bao nhiêu bất công. Hiện thân của nó là nhân vật Trương Sinh, người chồng ghen tuông mù quáng, vũ phu.
- Thế lực đồng tiền bạc ác (Trương Sinh con nhà hào phú, một lúc bỏ ra 100 lạng vàng để cưới Vũ Nương). Thời này đạo lí đã suy vi, đồng tiền đã làm đen bạc tình nghĩa con người.
→ Nguyễn Dữ tái tạo truyện cổ Vợ chàng Trương, cho nó mạng dáng dấp của thời đại ông, xã hội phong kiến Việt Nam thế kỉ XVI.
C- Kết bài:
- “Chuyện người con gái Nam Xương” là một thiên truyền kì giàu tính nhân văn. Truyện tiêu biểu cho sáng tạo của Nguyễn Dữ về số phận đầy tính bi kịch của người phụ nữ trong chế độ phong kiến.
- Tác giả thấu hiểu nỗi đau thương của họ và có tài biểu hiện bi kịch đó khá sâu sắc.
Đề 4: “Chuyện người con gái Nam Xuơng” của Nguyễn Dữ xuất hiện nhiều yếu tố kì ảo. Hãy chỉ ra các yếu tố kì ảo ấy và cho biết tác giả muốn thể hiện điều gì khi đưa ra những yếu tố kì ảo vào 1 câu chuyện quen thuộc ?
Trả lời:
- Cần chỉ ra đuợc các chi tiết kì ảo trong câu chuyện :
+ Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
+ Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp; gặp lại Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.
+ Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến mất.
- ý nghĩa của các chi tiết huyền ảo:
+ Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của nhân vật Vũ Nương: nặng tình, nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, khao khát được phục hồi danh dự.
+ Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho câu chuyện.
+ thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở đời của nhân dân.
+ Tăng thêm ý nghĩa tố cáo hiện thực của xã hội.
* Về hình thức:
- Câu trả lời ngắn gọn, giải thích làm rõ yêu cầu của đề bài.
- Các ý có sự liên kết chặt chẽ.
- Trình bày rõ ràng, mạch lạc.
Đề 5: Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, chi tiết cái bóng có ý nghĩa gì trong cách kể chuyện.
Trả lời:
1. Yêu cầu nội dung :
- Đề bài yêu cầu người viết làm rõ giá trị nghệ thuật chi tiết nghệ thuật trong câu chuyện.
- Cái bóng trong câu chuyện có ý nghĩa đặc biệt vì đây là chi tiết tạo nên cách thắt nút, mở nút hết sức bất ngờ.
+ Cái bóng có ý nghĩa thắt nút câu chuyện vì :
Đối với Vũ Nương: Trong những ngày chồng đi xa, vì thương nhớ chồng, vì không muốn con nhỏ thiếu vắng bóng người cha nên hàng đêm, Vũ Nương đã chỉ bóng mình trên tường, nói dối con đó là cha nó. Lời nói dối của Vũ Nương với mục đích hoàn toàn tốt đẹp.
Đối với bé Đản: Mới 3 tuổi, còn ngây thơ, chưa hiểu hết những điều phức tạp nên đã tin là có một người cha đêm nào cũng đến, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng nín thin thít và không bao giờ bế nó.
Đối với Trương Sinh: Lời nói của bé Đản về người cha khác (chính là cái bóng) đã làm nảy sinh sự nghi ngờ vợ không thuỷ chung, nảy sinh thái độ ghen tuông và lấy đó làm bằng chứng để về nhà mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ N-ương đi để Vũ Nương phải tìm đến cái chết đầy oan ức.
+ Cái bóng cũng là chi tiết mở nút câu chuyện. Chàng Trương sau này hiểu ra nỗi oan của vợ cũng chính là nhờ cái bóng của chàng trên tường được bé Đản gọi là cha. Bao nhiêu nghi ngờ, oan ức của Vũ Nương đều được hoá giải nhờ cái bóng.
- Chính cách thắt, mở nút câu chuyện bằng chi tiết cái bóng đã làm cho cái chết của Vũ Nương thêm oan ức, giá trị tố cáo đối với xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công với người phụ nữ càng thêm sâu sắc hơn.
2. Yêu cầu hình thức:
- Trình bày bằng văn bản ngắn.
- Dẫn dắt, chuyển ý hợp lí.
- Diễn đạt lưu loát.
Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:
- Giải bài tập Lớp 10 Kết nối tri thức
- Giải bài tập Lớp 10 Chân trời sáng tạo
- Giải bài tập Lớp 10 Cánh diều
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án điện tử lớp 9 (các môn học)
- Giáo án Toán 9
- Giáo án Ngữ văn 9
- Giáo án Tiếng Anh 9
- Giáo án Khoa học tự nhiên 9
- Giáo án Vật Lí 9
- Giáo án Hóa học 9
- Giáo án Sinh học 9
- Giáo án Địa Lí 9
- Giáo án Lịch Sử 9
- Giáo án GDCD 9
- Giáo án Tin học 9
- Giáo án Công nghệ 9
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi Ngữ Văn 9 (có đáp án)
- Đề thi Toán 9 (có đáp án)
- Đề thi Tiếng Anh 9 mới (có đáp án)
- Đề thi Tiếng Anh 9 (có đáp án)
- Đề thi Khoa học tự nhiên 9 (có đáp án)
- Đề thi Lịch Sử và Địa Lí 9 (có đáp án)
- Đề thi GDCD 9 (có đáp án)
- Đề thi Tin học 9 (có đáp án)
- Đề thi Công nghệ 9 (có đáp án)