Ôn thi vào lớp 10 Kiều ở lầu Ngưng Bích năm 2024

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 năm 2024, VietJack tổng hợp toàn bộ nội dung trọng tâm của tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích đầy đủ, chi tiết.

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều)

I. Những nét chính về tác phẩm

1. Vị trí, nội dung đoạn trích

- Vị trí: Đoạn trích nằm trong phần II: “Gia biến và lưu lạc”.

- Nội dung đoạn trích: Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục, Kiều đau đớn, phẫn uất, toan tự tử, nhất quyết không chịu tiếp khách làng chơi. Tú Bà sợ mất “cả chì lẫn chài” bèn lấy lời ngon ngọt khuyên giải, dụ dỗ Kiều. Mụ vờ chăm sóc thuốc thang, hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả nàng cho người tử tế. Mụ đưa Kiều giam lỏng ở lầu Ngưng Bích song thực chất là để thực hiện âm mưu mới đê tiện hơn, tàn bạo hơn.

- Sống trong cảnh cô tịch chỉ có nước với trời đã khiến cho nỗi cô đơn của Kiều thăng hoa, dệt thành những câu thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt tác.

2. Bố cục: Ba phần

- Phần một: 6 cầu đầu: Cảnh ngộ và nỗi niềm của Kiều.

- Phần hai: 8 câu tiếp: Nỗi nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều.

- Phần ba: 8 câu cuối: Tâm trạng của Kiều qua cách nhìn cảnh vật.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Cảnh ngộ và nỗi niềm của Thúy Kiều (sáu câu thơ đầu)

• Sau bao sóng gió dập vùi, lầu Ngưng Bích là chốn yên thân tạm thời của Thúy Kiều:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”

- Hai chữ “khóa xuân” đã nói lên hoàn cảnh đáng thương đang bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích của Kiều.

- Đặc biệt, từ “khóa xuân” thường được sử dụng để chỉ người con gái đẹp trong gia đình quyền quý thời xa xưa bị khóa kín tuổi xuân trong những khuôn khổ, phép tắc của gia đình và xã hội. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng từ “khóa xuân” với hàm ý mỉa mai để nói về cảnh ngộ xót xa, trớ trêu của Kiều.

• Quang cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích hiện lên mênh mông, hoang vắng và lạnh lẽo:

“Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hông dặm kia.”

- Không gian vô cùng rộng lớn, mênh mông, bát ngát:

+ Hình ảnh “non xa”, “trăng gần” gợi không gian dài, rộng, cao, sâu vô tận. Đồng thời, gợi sự chơ vơ, chênh vênh, trơ trọi của lầu Ngưng Bích.

+ Từ láy “bát ngát” càng tô đậm hơn cái vô cùng, vô tận của không gian.

- Không gian vô cùng trống trải, hoang vắng, không có dấu hiệu của sự sống: 

+ Hình ảnh liệt kê “cát vàng”, “bụi hông" đã nói đến sự phai nhạt của sự sống và ngổn ngang của cảnh vật.

+ Cặp tiểu đối “mây sớm”“đèn khuya” gợi nỗi hắt hiu, trống vắng mênh mông của thiên nhiên.

    Quang cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích cô liêu, thiếu vắng sự sống, gợi nỗi buồn cho thân phận nhân vật.

• Quang cảnh đó đã gợi ở Kiều bao nồi niềm tâm trạng:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

- Sự cô đơn, lẻ loi đến cùng cực:

+ Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Tất cả như giam hãm con người và để khắc sâu thêm nỗi cô đơn.

+ Trong khung cảnh “bốn bề bát ngát” đó, Kiều chỉ biết bầu bạn với những vật vô tri, vô giác.

- Sự ngổn ngang trăm mối, day dứt, âu lo:

+ Xa trông” gợi lên sự trông ngóng của Thúy Kiều hướng về một dấu hiệu của sự sống hay quen biết nào đó.

+ Hình ảnh liệt kê “cát vàng, “cồn nọ”, “bụi hồng”,... trải đều ở các câu thơ đã gợi lên sự ngổn ngang trong lòng Thúy Kiều.

- Nỗi chua xót, “bẽ bàng” cho thân phận:

+ Bị đày đọa trong không gian vô cùng và thời gian vô tận lại càng khắc sâu nỗi cô đơn cùng cực khiến nàng cảm thấy “bẽ bàng”.

+ Cụm từ “như chia tấm lòng” diễn tả nồi niềm chua xót, nỗi lòng tan nát của Kiều.

    Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp hệ thống hình ảnh ước lệ, ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm, Nguyễn Du đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mênh mông, vắng lặng. Và trên nền của khung cảnh ấy là hình ảnh nàng Kiều lẻ loi, cô độc với bao nỗi niềm tâm sự đau thương.

2. Nỗi nhớ chàng Kim và nỗi nhớ cha mẹ (tám câu thơ tiếp)

a. Nỗi nhớ chàng Kim

• Trong cảnh ngộ cô đơn nơi chân trời góc bể, Kiều đau đớn nhớ tới chàng Kim, mối tình đầu mãnh liệt mà trong sáng của nàng:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.”

- Tại sao nỗi nhớ chàng Kim là nỗi nhớ đến trước mà không phải là cha mẹ? Bởi khi Kiều bán mình chuộc cha là nàng đã làm tròn chữ hiếu mà dang dở chữ tình. Cái mặc cảm của một kẻ phụ tình luôn thường trực trong suy nghĩ của nàng nên nó đã xuất hiện trước.

- Nói về nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều, Nguyền Du không dùng từ “nhớ” mà dùng từ “tưởng”:

+ Từ “tưởng” vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra người mình yêu.

+ Kiều “tưởng” như thấy lại đêm trăng đẹp nhất của cuộc đời mình. Cái đêm mà nàng cùng với Kim Trọng thề nguyền đính ước bên nhau.

+ Thúy Kiều như tưởng tượng thấy, ở nơi xa kia, người yêu cũng đang hướng về mình, đang ngày đêm đau đáu chờ tin nàng: “Tin sương luống những rày trông mai chờ”.

• Càng nhớ chàng Kim, càng nuối tiếc mối tình đầu, Kiều càng thấm thìa tình cảnh của mình:

“Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.”

+ Kiều tủi nhục khi tấm lòng son sắc đã bị vùi dập, hoen ố, không biết bao giờ mới gột rửa được.

+ Dẫu vậy, tấm lòng thủy chung, son sắt của nàng vẫn không nguôi nhớ về Kim Trọng.

    Tấm lòng vị tha, thủy chung son sắt trước sau như một của Thúy Kiều thật đáng trân trọng.

b. Nỗi nhớ cha mẹ ở nơi xa

Tâm trạng đau đớn, thương nhớ người yêu hẳn chưa nguôi, Kiều lại chồng chất thêm nỗi nhớ thương cha mẹ:

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nông ấp lạnh những ai đó giờ

Sân lai cách mấy nắng mưa,

Cỏ khi gốc tử đã vừa người ôm.”

- Chữ “xót” diễn tả một cách chính xác tấm lòng của Kiều dành cho cha mẹ.

- Nàng xót xa khi hình dung ra chốn quê nhà cha mẹ vẫn ngày đêm tựa cửa ngóng trông, lo lắng cho nàng.

- Nàng tự trách bản thân vì chưa làm tròn chữ hiếu:

+ Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh” cho thấy sự day dứt khôn nguôi vì không thể tự hầu hạ, chăm sóc, nâng giấc cho cha mẹ.

+ Nàng lo lắng không biết giờ đây ai là người chăm sóc cha mẹ khi thời tiết đổi thay.

+ Nàng tưởng tượng nơi quê nhà đã đổi thay, “góc tử đã vừa người ôm”, thời gian trôi đi mẹ ngày càng già yếu mà mình thì không thể phụng dường.

- Cụm từ “cách mấy nắng mưa” vừa nói được sự xa cách bao mùa mưa nắng, vừa gợi sự tàn phá của thời gian đối với cảnh vật của con người, làm cho cha mẹ ngày càng già yếu, và cần bàn tay chăm sóc của nàng.

- Nỗi nhớ được bộc lộ qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm nên càng chân thực, cảm động.

    Nỗi nhớ của Kiều dành cho Kim Trọng và cha mẹ đã nói lên nhân cách đáng trân trọng của nàng. Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, nàng mới là người đáng thương nhất. Nhưng quên đi cảnh ngộ của bản thân, nàng đã hướng yêu thương vào những người thân yêu nhất. Nàng thật sự là một người tình thủy chung, một người con hiếu thảo, một con người có tấm lòng vị tha, cao cả.

3. Tâm trạng của Kiều qua cách nhìn cảnh vật (tám câu thơ cuối)

- Mọi cảnh vật qua con mắt Kiều đều gợi lên những nét buồn da diết:

+ Cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại và điệp từ: Mỗi cặp lục bát làm thành một cảnh và đều được tác giả khắc họa, liên kết qua điệp từ “buồn trông”.

+ “Buồn trông” có nghĩa là buồn mà nhìn ra xa trông ngóng một cái gì đó mơ hồ sẽ đến làm đổi thay hiện tại, nhưng trông mà vô vọng.

+ “Buồn trông” có cả cái thảng thốt lo âu, có cái xa lạ cuốn hút tầm nhìn của người con gái ngây thơ, lần đầu lạc bước giữa cuộc đời ngang trái, mang tính dự cảm hãi hùng.

- Điệp ngữ “buồn trông” kết hợp với các hình ảnh đứng sau đó đã diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng với nhiều sắc độ khác nhau như những con sóng lòng không sao chịu nổi, những nồi buồn vô vọng, vô tận:

• Cảnh đầu tiên:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

+ Là bức tranh của cảnh chiều hôm nhớ nhà. Thời gian “chiều hôm” khiến cho nỗi buồn thân phận trở nên thấm thía.

+ Hình ảnh ẩn dụ “cánh buồm” là hình ảnh rất đắt để thể hiện ngoại cảnh và nội tâm nhân vật. Cánh buồm nhỏ nhoi đơn độc giữa biển nước mênh mông trong ánh sáng lẻ lói cuối cùng của mặt trời sắp tắt. Con thuyền mỗi lúc một xa, rồi gần như mất hút, biết bao giờ mới tim được bến bờ neo đậu; cũng như Kiều còn lênh đênh giữa dòng đời, biết bao giờ mới được trở về sum họp, đoàn tụ với những người thân yêu.

    Cảnh ấy gợi trong lòng người lưu lạc nỗi buồn nhớ da diết về quê nhà xa cách.

• Cảnh thứ hai:

“Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

+ Cùng với hình ảnh “cánh buồm”, hình ảnh ẩn dụ “hoa trôi" cũng thế hiện cho nỗi buồn, cho thân phận lênh đênh, nổi chìm giữa dòng đời của Thúy Kiều.

+ Câu hỏi tu từ cho thấy sự mất phương hướng, gợi một nỗi băn khoăn, thấp thỏm.

+ Tạo dựng được một bức tranh tương phản: Một bên là không gian của cửa bể lúc thủy triều lên và một bên là hình ảnh những cánh hoa tàn trôi man mác trên mặt nước. Tác giả đã tô đậm sự nhỏ bé, lênh đênh, trôi dạt của con thuyền, của những cánh hoa đã tàn, đã rụng.

    Câu thơ ẩn dụ cho thân phận nổi chìm giữa dòng đời của Thúy Kiều rồi sẽ trôi dạt, bị vùi dập nơi nao.

• Cảnh thứ ba:

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

+ Đây là cảnh khá ấn tượng, dễ gợi liên tưởng đến cảnh xuân hôm nào trong tiết thanh minh. Tuy nhiên, không phải là “cỏ non xanh tận chân trời" đầy sức sống mà là “nội cỏ rầu rầu" với sắc xanh héo úa, nhàn nhạt trải dài từ mặt đất đến chân mây.

+ Nét vẽ không gian: “nội cỏ”, “chân mây”, “mặt đất” gợi một không gian vô cùng rộng lớn đang đầy ải nàng Kiều.

+ Từ láy “rầu rầu” vẽ nên cả một vùng cỏ cây tàn héo, và gợi nỗi sầu thương cô lẻ. 

+ Từ láy “xanh xanh” gợi một sắc xanh nhạt nhòa, xa cách, nhạt phai.

     Cảnh mờ mịt như tương lai mờ mịt, Thúy Kiều càng cảm nhận rõ sự cô đơn, nhỏ nhoi của thân phận.

• Cảnh cuối:

“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

+ Bức tranh thiên nhiên dữ dội và đầy biến động: Gió cuốn mặt duềnh đầy giận dữ; sóng thì ầm ầm kêu réo khi thúy triều lên; thậm chí Kiều còn có cảm giác những con sóng dữ dội kia đang bủa vây ngay sát bên mình.

+ Thiên nhiên là một ẩn dụ cho những biến cố kinh hoàng sắp sửa ập xuống cuộc đời nàng; ẩn dụ cho những con sóng của số phận sắp sửa chôn vùi nàng; ẩn dụ cho một tương lai đầy sóng gió.

    Thiên nhiên hiện lên chân thực, sinh động nhưng cũng rất ảo. Đó là cảnh được nhìn qua tâm trạng theo quy luật: “Cảnh nào cảnh cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

- Cảnh được nhìn từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động để diễn tả nỗi buồn từ man mác, mông lung để lo âu kinh sợ, dồn đến bão táp của nội tâm.

    Tám câu cuối là đoạn thơ tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Du. Đó là cách biểu hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”, là thực cảnh mà cũng là tâm cảnh.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” tiêu biểu cho giá trị nhân đạo của tác phẩm Truyện Kiều. Nguyễn Du đã bộc lộ lòng cảm thương xót xa với cảnh ngộ thân phận và nỗi niềm của nhân vật.

2. Nghệ thuật

-Tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc.

- Nghệ thuật dùng từ rất tài hoa và đặc biệt là hệ thống từ láy ở tám câu thơ cuối.

Xem thêm các tài liệu Văn ôn thi vào lớp 10 năm 2024 hay khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới: