Ôn thi vào lớp 10 Bài thơ về tiểu đội xe không kính năm 2024

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 năm 2024, VietJack tổng hợp toàn bộ nội dung trọng tâm của tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính đầy đủ, chi tiết.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm

1. Tác giả

- Phạm Tiến Duật (1941 - 2007), quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

- Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.

- Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua hình tượng người lính nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

- Phong cách sáng tác: Thơ Phạm Tiến Duật mang giọng điệu tự nhiên, sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch; ngôn ngữ đời thường, chân mộc;...

- Nhiều bài thơ của ông đi vào trí nhớ của công chúng như: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; “Gửi em, cô thanh niên xung phong”; “Bài thơ về tiểu đội xe không kính ”;...

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng khắc nghiệt.

- Bài thơ nằm trong chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức và được in trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” năm 1970.

b. Ý nghĩa nhan đề

- Bài thơ có nhan đề khá dài, khá đặc biệt: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Nhan đề bài thơ thoạt nghe sẽ thấy như có chỗ thừa: thừa hai chữ “bài thơ”. Nhưng chính chỗ thừa ấy đã tạo sức hút cho người đọc ỏ vẻ khác lạ và độc đáo ở sức gợi: gợi chất thơ của cuộc sống nơi chiến trường.

- Hình ảnh “tiểu đội xe không kính” được đưa vào nhan đề bài thơ:

+ Gợi hiện thực phổ biến, quen thuộc trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

+ Gợi hiện thực của cuộc chiến vô cùng gay go, khốc liệt.

+ Gợi vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn, vẻ đẹp của lòng dũng cảm, của ý chí nghị lực của sự kiên cường.

    Cả ý nghĩa nhan đề đã gợi ra hiện thực về chiến trường, đồng thời tô đậm chất thơ trong cuộc đời người lính lái xe.

c. Bố cục: Bốn phần

- Phần một: Khổ 1,2: Hình ảnh những chiếc xe không kính và tư thế hiên ngang của người lính.

- Phần hai: Khô 3, 4: Tinh thần lạc quan, bất chấp gian khổ, coi thường hiểm nguy của người lính.

- Phần ba: Khổ 5, 6: Tình đồng chí, đồng đội cao đẹp của người lính lái xe.

- Phần bốn: Khổ 7: Ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước và lí tưởng cách mạng của người lính.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Hình ảnh những chiếc xe không kính và tư thế hiên ngang của người lính (khổ 1, 2)

- Xưa nay, xe cộ rất ít khi đi vào thơ ca, mà nếu có chăng thì cũng được “thi vị hóa” hoặc “lãng mạn hóa” và mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Nhưng những chiếc xe không kính được Phạm Tiến Duật đưa vào thơ lại thực đến mức trần trụi:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.”

+ Điệp từ “không” cộng với chất văn xuôi đậm đặclối nói khẩu ngữ khiến cho câu thơ mở đầu trở thành một lời giải thích, thanh minh, phân bua của người lính lái xe về những chiếc xe có không kính.

+ Đồng thời, gợi tâm trạng vừa xót xa, tiếc nuối với chiếc xe của mình.

+ Các từ phủ định: không có... không phải... không có” đi liền với các điệp ngữbom giật, bom rung” không chỉ mang ý nghĩa khẳng định mà còn khiến cho âm điệu câu thơ trở nên hùng tráng, làm cho sự xuất hiện của những chiếc xe trở nên ngang tàng.

    Hai câu thơ đầu đã làm hiện lên những chiếc xe vận tải quân sự mang trên minh đầy những thương tích của chiến tranh. Nó chính là một bằng chứng cho sự tàn phá khủng khiếp của một thời đã đi qua.

- Trên nền của cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ và khốc liệt ấy, Phạm Tiến Duật đã xây dựng thành công hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn với tư thế ung dung, hiên ngang, sẵn sàng ra trận:

“Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

+ Thủ pháp đảo ngữ, đưa từ “ung dung" đứng đầu câu gợi sự bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ của người lính.

+ “Nhìn thẳng" là cái nhìn đầy tự chủ, trang nghiêm, bất khuất, không thẹn với trời đất, nhìn thẳng vào gian khổ, hi sinh không run sợ.

+ Điệp từ “nhìn" được nhắc lại ba lần, cộng với nhịp thơ dồn dập, giọng thơ mạnh mẽ đã thể hiện cái nhìn khoáng đạt, bao la giữa chiến trường của người lính. 

+ Thủ pháp liệt kê: “nhìn đất”, “nhìn trời”, “nhìn thẳng" đã cho thấy tư thế vững vàng, bình thản, dũng cảm của những người lính lái xe. Họ nhìn thẳng vào bom đạn của kẻ thù, nhìn thẳng vào con đường đang bị bắn phá để lái xe vượt qua.

- Tư thế ung dung, hiên ngang của người lính lái xe ra trận được khắc họa thêm đậm nét qua những hình ảnh hòa nhập vào thiên nhiên:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 

Như sa, như ùa vào buồng lái.”

+ Tác giả đã mở ra một không gian rộng lớn với những con đường dài phía trước, có gió thổi, có cánh chim chiều và cả những ánh sao đêm. Dường như thiên nhiên, vũ trụ như đang ùa vào buồng lái.

+ Điệp từ, điệp ngữ“nhìn thấy... nhìn thấy... thấy” đã gợi tả được những đoàn xe không kính nối đuôi nhau hành quân ra chiến trường.

+ Hình ảnh nhân hóa chuyển đối cảm giác “vào xoa mắt đắng”, thể hiện tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn của người lính lái xe.

+ Hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim”. Gợi liên tưởng đến những chiếc xe phóng với tốc độ nhanh như bay. Lúc đó, giữa các anh với con đường dường như không còn khoảng cách, khiến các anh có cảm giác con đường như đang chạy thẳng vào tim.

Đồng thời, cho thấy tinh thần khẩn trương của các anh đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

+ Đặc biệt, hình ảnh so sánh "như sa, như ùa vào buồng lái” đã diễn tả thật tài tình về tốc độ phi thường của tiểu đội xe không kính khi ra trận. Cả một bầu trời đêm như ùa vào buồng lái.

    Có thể nói, hiện thực chiến trường trong khổ thơ trên chính xác đến từng chi tiết. Và đằng sau hiện thực đó là một tâm trạng, một tư thế, một bản lĩnh chiến đấu ung dung, vững vàng của người lính trước những khó khăn, thử thách khốc liệt của chiến tranh.

2. Tinh thần lạc quan, bất chấp gian khổ, coi thường hiểm nguy của người lính (khổ 3, 4)

Những gian khổ, hiểm nguy đã trở thành cuộc sống của những người lính lái xe Trường Sơn. Dù trong bất kì hoàn cảnh, tình thế nào, người lính vẫn tìm được tinh thần lạc quan để chiến đấu và chiến thắng quân thù:

“Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha


Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xôi như ngoài trời 

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa 

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”

- Hình ảnh “gió”, “bụi”, “mưa” tượng trưng cho những gian khổ, thử thách nơi chiến trường.

- Cấu trúc lặp: "Không có..., ừ thì...” đi liền với kết cấu phủ địnhChưa có...” ở hai khổ thơ đã thể hiện thái độ bất chấp khó khăn, coi thường gian khổ của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn.

- Hình ảnh so sánh: “Bụi phun tóc trắng như người già” và "Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” nhấn mạnh sự khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến trường, đồng thời cho thấy sự ngang tàn, phơi phới lạc quan, dũng mãnh tiến về phía trước của người lính Trường Sơn.

- Hình ảnh “phì phèo châm điếu thuốc” và “lái trăm cây số nữa” cho thấy người lính bất chấp gian khổ, coi thường những hiểm nguy, thử thách.

- Ngôn ngữ giản dị như lời nói thường ngày, giọng điệu thì thản nhiên, hóm hỉnh... làm nổi bật niềm vui, tiếng cười của người lính, cất lên một cách tự nhiên giữa gian khổ, hiểm nguy của cuộc chiến đấu.

    Tiểu đội xe không kính tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

3. Tình đồng chí, đồng đội cao đẹp của người lính lái xe (khổ 5, 6)

Sau những cung đường vượt qua hàng nghìn, hàng vạn cây số trong mưa bom, bão đạn, họ lại gặp nhau để hợp thành tiểu đội trong những cái bắt tay vô cùng độc đáo:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”

- Hình ảnh “Những chiếc xe từ trong bom rơi” là một hình ảnh tả thực về những chiếc xe vượt qua bao thử thách khốc liệt của bom đạn chiến trường trở về.

- Hình ảnh “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi” rất giàu sức gợi:

+ Thể hiện sự đồng cảm sâu sắc trong tầm hồn của những người lính.

+ Là những lời động viên ngắn ngủi, thầm lặng mà họ dành cho nhau.

+ Là sự chia sẻ vội vàng tất cả những vui buồn kiêu hãnh trong cung đường đã qua.

Cuộc trú quân của tiểu đội xe không kính ngắn ngủi mà thắm tình đồng đội, những bữa cơm nhanh dã chiến, được chung bát, chung đũa là những sợi dây vô hình giúp các chiến sĩ xích lại gần nhau hơn:

“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”

- Cách định nghĩa về gia đình thật lính, thật tếu táo mà tình cảm thì thật chân tình, sâu nặng. Gắn bó với nhau trong chiến đấu, họ càng gắn bó với nhau trong đời thường.

- Những phút nghỉ ngơi thoáng chốc và bữa cơm thời chiến rất vội vã. Nhưng cũng chính giây phút hạnh phúc hiếm hoi đó đã xóa mọi khoảng cách giúp họ có cảm giác gần gũi, thân thương như ruột thịt.

- Từ láy “chông chênh” gợi cảm giác bấp bênh không bằng phẳng - đó là những khó khăn gian khổ trên con đường ra trận. Song, với các chiến sĩ lái xe thì càng gian khổ càng gần đến ngày thắng lợi.

- Nghệ thuật ẩn dụ: “trời xanh thêm” gợi tâm hồn lạc quan của người chiến sĩ. Màu xanh đó là màu của niềm tin và tin tưởng ở ngày chiến thắng đang đến gần.

+ Điệp từ “lại đi, lại đi” và nhịp 2/2/3 khẳng định đoàn xe không ngừng tiến tới, Khẩn trương và kiên cường. Đó là nhịp sống, chiến đấu và hành quân của tiểu đội xe không kính mà không một sức mạnh tàn bạo nào của giặc Mĩ có thể ngăn cản nối.

4. Hình ảnh những chiếc xe không kính và lí tưởng cách mạng của người lính (khổ 7) 

Hình ảnh chiến sĩ lái xe Trường Sơn là một hình ảnh tiêu biểu cho thể hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khổ thơ cuối bài kết tinh vẻ đẹp của hình tượng những chiếc xe không kính và những chiến sĩ lái xe:

“Không có kinh, rồi không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

- Hình ảnh những chiếc xe không kính một lần nữa lại được tác giả miêu tả một cách chân thực và sinh động:

+ Tác giả sử dụng thủ pháp liệt kê: “không có kính”, “không có đèn”, “không có mui”, “thùng xe có xước” để gợi lên một chiếc xe không vẹn toàn, thiếu thốn đủ thứ. Những thứ quan trọng cần có lại không có, những cái không cần có lại có thừa.

+ Phản ánh sự khốc liệt và dữ dội của chiến trường qua kết cấu đối lập: Bom đạn đã làm cho chiếc xe trở nên trơ trụi, thiếu những thứ cần thiết cho một chiếc xe bình thường và tưởng như không hoạt động được. Nhưng kỳ diệu thay, những chiếc xe ấy vẫn băng ra chiến trường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

- “Vì miền Nam phía trước” vừa là lối nói cụ thể, lại vừa giàu sức gợi: Gợi một ngày mai chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà.

- Tác giả lí giải điều đó thật bất ngờ mà chí lí, nói lên chân lí sâu xa về sức mạnh của lòng yêu nước và lí tưởng cách mạng: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”

+ Mọi thứ của xe không còn nguyên vẹn, chỉ cần nguyên vẹn trái tim yêu nước, trái tim vì miền Nam thì xe vẫn băng băng ra trận, vẫn tới đích.

+ Đó là sự dũng cảm ngoan cường, là sức mạnh của lòng yêu nước và ý chí chiến đấu quật cường.

+ Hình ảnh hoán dụ “trái tim” cho thấy: Trái tim thay thế cho tất cả, khiến chiếc xe trở thành cơ thể sống hợp nhất với người chiến sĩ để tiếp tục tiến lên phía trước. 

    Trái tim yêu thương, trái tim can trường, trái tim cầm lái đã giúp người lính chiến thắng bom đạn của kẻ thù. Trái tim ấy đã trở thành nhãn tự của bài thơ và để lại xảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

III. Tổng kết

1. Nội dung

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” Phạm Tiến Duật đã xây dựng thành công hình tượng những người lính lái xe Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mĩ một cách chân thực, độc đáo với nhiều phẩm chất đẹp đẽ.

2. Nghệ thuật

- Thể thơ tự do, đậm chất văn xuôi.

- Hình ảnh thơ mang chất liệu hiện thực của đời sống chiến trường.

- Ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ tự nhiên.

- Giọng điệu ngang tàng, khỏe khoắn, hài hước, dí dỏm.

Xem thêm các tài liệu Văn ôn thi vào lớp 10 năm 2024 hay khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới: