Giáo án Lịch Sử 6 Chân trời sáng tạo Bài 10: Hy Lạp cổ đại

I. MỤC TIÊU

1. Kiến thức: Giúp HS

- Nêu và nhận xét được những tác động về điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển của Hy Lạp cổ đại.

- Trình bày được tổ chức nhà nước thành bang ở Hy Lạp cổ đại.

- Nêu được những thành tựu văn hóa tiêu biểu của Hy Lạp cổ đại.

2. Năng lực:

- Năng lực tìm hiểu lịch sử: Kĩ năng đọc hiểu và phân tích thông tin (câu 1, 2 trong hoạt động trang 53; câu 1 trong luyện tập trang 57); Năng lực phân tích tư liệu (câu 2 trang 54)

- Năng lực nhận thức và tư duy lịch sử: 

+ Giải thích được những tác động của điểu kiện tự nhiên đến sự phát triển của Hy Lạp cổ đại - mức độ hiểu.

+ Trình bày được những đặc trưng nổi bật của tổ chức nhà nước thành bang ở Hy Lạp cổ đại (tiêu biểu là nhà nước Athens) - mức độ hiểu.

+ Kể tên được các nhân vật nổi tiếng; Nêu được những thành tựu tiêu biểu của văn hoá Hy Lạp cổ đại còn ảnh hưởng đến thế giới ngày nay - mức độ vận dụng.

- Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: 

+ Sử dụng kiến thức toán học để giải quyết câu hỏi 2 trong phấn Luyện tập - Vận dụng, trang 57).

+ Biết cách sử dụng các kiến thức đã học trong bài để giải quyết câu hỏi 3 trong phẩn Luyện tập - Vận dụng, trang 57.

3. Phẩm chất: 

- Có thái độ trân trọng và đánh giá đúng đắn những cống hiến mang tính tiên phong của người

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1. Chuẩn bị của GV

- Giáo án giảng dạy theo phát triển năng lực

- Sách giáo khoa học sinh

- Lược đồ nước Hy Lạp cổ đại, hình ảnh minh hoạ.

- Máy tính, máy chiếu.

2. Chuẩn bị của HS

- Chuẩn bị sách giáo khoa, vở ghi và các thiết bị học tập khác theo yêu cầu của giáo viên

- Học sinh đọc trước sgk và trả lời các câu hỏi trong SGK.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

A. KHỞI ĐỘNG

a. Mục tiêu: Giúp học sinh nắm được các nội dung cơ bản bước đầu của bài học cần đạt được, đưa học sinh vào tìm hiểu nội dung bài học, tạo tâm thế cho học sinh đi vào tìm hiểu bài mới. 

b. Nội dung: HS dưới sự hướng dẫn của GV xem  tranh ảnh để   trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của giáo viên

c. Sản phẩm học tập: HS lắng nghe và tiếp thu kiến thức

d. Tổ chức thực hiện: 

  • GV giao nhiệm vụ cho HS bằng các câu hỏi và quan sát hình ảnh trong SGK.
  • Học sinh lắng nghe và trả lời câu hỏi của giáo viên
  • Đánh giá nhiệm vụ học tập: GV đánh giá câu trả lời của HS, chọn 1 sản phẩm làm tình huống dẫn vào bài mới

- “Không có sơ sở của văn minh Hy lạp và La Mã cổ đại thì không có châu Âu hiện đại”. Theo em, điều gì khiến cho nền văn minh Hy Lạp cổ đại được Ăng-ghen đánh giá cao như vậy? Văn minh Hy Lạp thời cổ đại có điểm gì nổi bật và đã góp vào văn minh nhân loại những thành tựu gì? Đó là những nội dung trong bài học Hy Lạp cổ đại.

Hoạt động 1: Tìm hiểu mục I. Điều kiện tự nhiên.

a. Mục tiêu: HS biết được các yếu tố về tự nhiên

b. Nội dung: khai thác và sử dụng các thông tin lịch sử có trong các tư liệu 10.1; 10.2.

c. Sản phẩm học tập: trả lời được các câu hỏi của giáo viên

d. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1. GV chuyển giao NV học tập

Nhiệm vụ 1: GV treo bản đồ thế giới và bản đồ Hy Lạp (theo sách giáo khoa) yêu cầu  HS xác định vị trí của Hy Lạp trên bản đồ thế giới.

I. Điều kiện tự nhiên


- Hi Lạp nằm ven biển Địa Trung hải, ở phía Nam bán đảo Ban-căng. Bao gồm: miền lục địa Hy Lạp, miền ven biển Tiểu Á và các đảo trên vùng biển Ê-giê.

Nhiệm vụ 2: GV yêu cầu HS thảo luận nhóm 4 với các câu hỏi:


? Nêu đặc điểm nổi bật của điều kiện tự nhiên Hy Lạp

- Điều kiện tự nhiên của Hi Lạp:

+ Nằm ven biển Địa Trung Hải, nhiều đảo, vịnh biển,...

+ Địa hình bị chia cắt mạnh bởi biển, núi đồi, cao nguyên,...

+ Đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai cằn khô.

+ Có nhiều khoáng sản như đồng, sắt, vàng, bạc, đặc biệt là đá cẩm thạch…

? Điều kiện tự nhiên tác động như thế nào đến sự phát triển của Hy Lạp cổ đại? 

- Tác động:

+ Nhà nước cổ đại hình thành muộn hơn so với phương Đông. Xu hướng hình thành các tiểu quốc nhỏ (do địa hình bị chia cắt)

+ Thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp.

+ Vị trí địa lí thuận lợi cho việc giao lưu, học tập, tiếp thu văn hóa.

? Quan sát hình 10.1, 10.2 và đoạn thông tin liên quan, em thấy cư dân Hy lạp hoạt động mạnh nhất ở ngành kinh tế nào? Vì sao?

- Cư dân Hi Lạp phát triển mạnh mẽ nhất ngành thủ công nghiệp và thương nghiệp vì có điều kiện tự nhiên thuận lợi:

+ Giàu khoáng sản

+ Đường bờ biển dài…

Nhiệm vụ 3: GV yêu cầu HS đọc đoạn tư liệu trạng 53 SGK và trả lời câu hỏi: 

? Vai trò của cảng biển Pi-rê đổi với sự phát triển của kinh tế Hy Lạp cổ đại?



- Cảng Pi-rê là cảng biển nổi tiếng nhất của Hi Lạp cổ đại, trung tâm buôn bán của tất cả các thành bang thời bấy giờ.

- Từ cảng Pi-rê, người Hi Lạp đem hàng hóa giao thương khắp Địa Trung Hải, tới tận vùng Biển Đen.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu. 

- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.


Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời HS trả lời câu hỏi. 

- GV mời HS khác nhận xét, bổ sung.


Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới


Hoạt động 2: Tìm hiểu mục II. Tổ chức nhà nước thành bang

a. Mục tiêu: HS hiểu được tại sao nhà nước Athens được gọi là nhà nước dân chủ. Để HS nắm được đặc điểm của nhà nước dân chủ Athens

b. Nội dung: GV nên đưa ra hệ thống câu hỏi

c. Sản phẩm học tập: trả lời được các câu hỏi của giáo viên

d. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1. GV chuyển giao NV học tập

II. Tổ chức nhà nước thành bang

Nhiệm vụ 1. GV yêu cầu HS thảo luận nhóm 4 với các câu hỏi:


? Nhà nước thành bang có đặc điểm như thế nào?

- “Nhà nước thành bang”: là những nhà nước nhỏ, có một thành thị là trung tâm, xung quanh là vùng đất trống trọt. 

- Trong mỗi thành bang có phố xá, lâu đài, đền thờ, sân vận động, nhà hát, bến cảng.

- Mỗi thành bang có bộ máy quyến lực riêng, luật pháp riêng và tài chính riêng.

? Vì sao ở Hy Lạp lại hình thành nhiều nhà nước thành bang?

- Nguyên nhân hình thành các nhà nước thành bang:

+ Do địa hình bị chia cắt mạnh mẽ thành nhiều bán đảo, đồng bằng…. nên không có điều kiện tập trung đông dân cư ở một nơi.

+ Mặt khác, sự phát triển của kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp, dân cư tập trung đông đúc lại không cần thiết và chỉ tập trung ở thành thị….

? Trình bày cơ cấu tổ chức nhà nước thành bang ở Hy Lạp? Cơ quan nào nắm quyền lực cao nhất?

- Nhà nước A-ten gồm 4 cơ quan chính: đại hội nhân dân; hội đồng 10 tướng lĩnh; hội đồng 500; tòa án 6000 người.

- Trong 4 cơ quan này, đại hội nhân dân là cơ quan nắm quyền lực cao nhất.

? Bản chất của nền dân chủ ở A-ten là gì?

- Bản chất là nền dân chủ chủ nô.

Nhiệm vụ 2. Yêu cầu HS quan sát hình 10.3 và trả lời câu hỏi: theo em nền dân chủ của nhà nước A-ten được thể hiện như thế nào?


- Yếu tố dân chủ của nhà nước A-ten được thể hiện qua bức tranh minh họa hình 10.3:

+ Một viên chức trong bộ máy nhà nước đang diễn thuyết về chủ trương, chính sách của nhà nước trước Đại hội nhân dân.

+ Các công dân đang thảo luận, biểu quyết về vấn đề trọng đại của quốc gia.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu. 

- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.


Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời HS trả lời câu hỏi. 

- GV mời HS khác nhận xét, bổ sung.


Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới


Hoạt động 3: Tìm hiểu mục III. Những thành tựu văn hóa tiêu biểu

a. Mục tiêu: HS rút ra được thành tựu từng lĩnh vực văn hoá

b. Nội dung: GV có thể chia nhóm cho HS trình bày từng lĩnh vực văn hoá

c. Sản phẩm học tập: trả lời được các câu hỏi của giáo viên

d. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1. GV chuyển giao NV học tập

III. Thành tựu văn hóa tiêu biểu

Nhiệm vụ 1. GV có thể chia nhóm cho Hs trình bày từng lĩnh vực văn hoá của Hy Lạp cổ đại

- Về văn học:

+ 2 bộ sử thi Iliat và Ô-đi-xê.

+ Các vở kịch của tác giả Ê-sin, Xô-phốc-clơ, Ơ-ri-pít…

- Một số định lí, định đề khoa học, Ví dụ: Định lí Ta-lét; Định lí Pi-ta-go; Tiên đề Ơ-cơ-lít; Lực đẩy Ác-si-mét.

- Các quan điểm triết học của Xô-crat; Pla-tông; A-ri-xtốt…

- Các công trình kiến trúc và điêu khắc:

+ Đền Pác-tê-nông; Đền A-tê-na; nhà hát Đi-ô-ni-xốt…

+ Tượng thần Dớt; tượng nữ thần A-tê-na; tượng Vệ nữ thành Mi-lô…

Nhiệm vụ 2: GV cho Hs thảo luận câu hỏi: Những thành tựu nào còn được bảo tồn đến ngày nay?

- Những thành tựu văn hóa vẫn được bảo tồn tới nay:

+ Các công trình kiến trúc và kiểu kiến trúc Hy Lạp vẫn được bảo tổn và phổ biến trên khắp thế giới.

+ Văn học và kịch Hy Lạp vẫn là đề tài yêu thích của sân khấu kịch và điện ảnh hiện đại 

+ Các thành tựu về toán học, vật lí, triết học, y học ... vẫn được dạy trong các nhà trường hiện nay

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu. 

- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.


Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời HS trả lời câu hỏi. 

- GV mời HS khác nhận xét, bổ sung.


Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới


C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP

a. Mục tiêu: Nhằm củng cố, hệ thống hóa, hoàn thiện kiến thức mới mà HS đã được lĩnh hội ở hoạt động hình thành kiến thức về 

b. Nội dung: GV giao nhiệm vụ cho HS và chủ yếu cho làm việc cá nhân để hoàn thành bài tập. Trong quá trình làm việc HS có thể trao đổi với bạn hoặc thầy, cô giáo.

c. Sản phẩm: hoàn thành bài tập; 

d. Tổ chức thực hiện: 

  • GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi 1, 2  phần luyện tập SGK.
  • HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.
  • GV nhận xét, chuẩn kiến thức.

D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG

a. Mục tiêu: Vận dụng kiến thức mới mà HS đã được lĩnh hội để giải quyết những vấn đề mới trong học tập.

b. Nội dung: GV tổ chức cho HS thảo luận nhóm ở lớp và hoàn thành bài tập ở nhà 

c. Sản phẩm: bài tập nhóm

d. Tổ chức thực hiện: 

  • GV yêu cầu HS trả lời các câu hỏi phần vận dụng trong SGK.
  • HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.
  • GV nhận xét, chuẩn kiến thức.

* DẶN DÒ

Học bài và trả lời các câu hỏi trong SGK.

+ Hoàn thành bài tập trong SBT.

+ Đọc trước nội dung bài 11: LA MÃ CỔ ĐẠI và trả lời các câu hỏi trong SGK.

+ Sưu tầm tư liệu, tranh ảnh liên quan đến Hy Lạp cổ đại. 

Xem thêm các bài soạn Giáo án Lịch sử lớp 6 Chân trời sáng tạo hay, chuẩn khác:


Đề thi, giáo án lớp 6 các môn học