Đề cương ôn tập Ngữ văn 9 Giữa học kì 1 năm 2024 (10 đề)

Với Đề cương ôn tập Ngữ văn 9 Giữa học kì 1 năm học 2024 - 2025 sẽ tóm tắt và tổng hợp kiến thức cần ôn tập chuẩn bị cho bài thi Giữa kì 1 môn Văn 9. Bên cạnh đó là 10 đề thi Giữa kì 1 Ngữ văn 9 chọn lọc, có đáp án giúp học sinh ôn luyện đạt điểm cao trong bài thi Giữa kì 1 Văn 9.

Xem thử

Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề thi Ngữ Văn 9 Giữa kì 1 bản word có lời giải chi tiết:

Đề cương ôn tập Ngữ văn 9 Giữa học kì 1

I. KIẾN THỨC CẦN GHI NHỚ

1. Đọc hiểu văn bản:

Ôn tập các tác phẩm truyện, thơ trung đại.

- Chuyện người con gái Nam Xương

- Hoàng Lê nhất thống chí:

- Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trích “Truyện Kiều”

- Đoạn trích “Kiều ở Lầu Ngưng Bích”

2. Tiếng Việt:

- Ôn tập năm phương châm hội thoại đã học:

+ Phương châm về lượng

+ Phương châm về chất

+ Phương châm quan hệ

+ Phương châm cách thức

+ Phương châm lịch sự

- Ôn tập khái niệm về dẫn trực tiếp, dẫn gián tiếp:

3. Tập làm văn:

- Viết đoạn văn:

- Viết bài văn tự sự có kết hợp miêu tả, miêu tả nội tâm, biểu cảm.

II. DẠNG BÀI LUYỆN TẬP

1. Đọc hiểu văn bản:

- Xác định được nội dung, ý nghĩa, bài học, các chi tiết đặc sắc và nghệ thuật nổi bật của các văn bản.

- Trả lời được câu hỏi đọc hiểu liên quan tới nội dung của các đoạn trích, đoạn thơ, khổ thơ,…

2. Tiếng Việt:

- Nhận diện và xác định được phạm vi câu hỏi.

- Nhận biết, phân tích được giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng.

3. Tập làm văn:

- Viết đoạn văn:

Đề bài: Luyện viết các đoạn văn phân tích hoặc cảm nhận trong các đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

- Viết bài văn tự sự có kết hợp miêu tả, miêu tả nội tâm, biểu cảm.

Đề bài: Dựa vào nội dung phần đầu tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” từ đầu đến “bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ, thấu hiểu nỗi oan việc đã trót qua rồi”. Hãy đóng vai Trương Sinh để kể lại câu chuyện và bày tỏ lòng ân hận.

III. ĐỀ THI MINH HỌA

Đề bài

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (2.0 điểm) :

Câu 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu a. đến câu c.:

Có đất nước nào kì diệu đến thế không?
Trong hoạn nạn càng chở che đùm bọc
Cơn hồng thủy làm miền Trung phải khóc
Triệu trái tim cả dân tộc hướng về
Từ thị thành đến khắp các vùng quê
Đã cùng nhau nhường cơm sẻ áo
Những chai nước, thùng mì tôm, nhúm gạo
Đang gửi về vùng mưa bão miền Trung

(Lưu Hương Quế - Nguồn Internet)

a, Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ?

b, Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

c, Chỉ ra các BPTT đã sử dụng trong bốn câu thơ in đậm?

PHẦN II: LÀM VĂN (8 điểm)

Câu 1: Từ đoạn thơ trong phần Đọc - hiểu đã gợi cho em những cảm xúc gì? Hãy ghi lại bằng một đoạn văn ngắn.

Câu 2: (6,0 điểm) Hãy tưởng tượng trong đợt bão lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung, em được tham gia cùng đoàn từ thiện vào vùng rốn lũ…. Hãy kể lại chuyến đi đầy ý nghĩa đó.

-------------------------------Hết--------------------------------

Đáp án gợi ý

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (2.0 điểm) :

Câu 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu a. đến câu c:

a, Đoạn văn trên được sử dụng phương thức biểu đạt: biểu cảm.

b, Tinh thần nhường cơm sẻ áo, tương thân tương ái của người dân khắp mọi miền của tổ quốc dành cho miền Trung trong trận lũ lụt lịch sử….

c, Các phép tu từ: ẩn dụ, câu hỏi tu từ, nhân hóa, hoán dụ

PHẦN II: LÀM VĂN (8 điểm)

Câu 1:

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn

b. Xác định đúng đối tượng cần trình bày

- Nội dung:

+ Tinh thần đoàn kết, nhường cơm sẻ áo của mọi người dành cho miền trung thân yêu từ những điều nhỏ (chai nước, thùng mì tôm, nhúm gạo) đến những điều lớn lao là tình cảm dạt dào, sự sẻ chia kịp thời, sự chung tay góp sức, đoàn kết giúp đồng bào miền trung đẩy lùi bớt những khó khăn trước mắt.

+ Bản thân: Tự hào về tinh thần dân tộc… nhắc nhở chúng ta phải luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống cao đẹp đó…

c. Biết vận dụng cách viết sáng tạo, có cảm xúc…

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt

Câu 2:

- Hãy tưởng tượng trong đợt bão lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung, em được tham gia cùng đoàn từ thiện vào vùng rốn lũ…. Hãy kể lại chuyến đi đầy ý nghĩa đó.

- HS biết viết một bài văn đúng thể loại: (Tự sự, Kể chuyện tưởng tượng theo ngôi kể mới)

- Biết vận dụng và kết hợp một cách linh hoạt với các yếu tố miêu tả (miêu tả nội tâm), biểu cảm và nghị luận trong khi kể.

- Kể đúng ngôi kể thứ nhất (xưng tôi)

- Thứ tự kể: Tùy chọn

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn tự sự với đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài

b. Xác định đúng vấn đề tự sự.

HS có thể kể một cách linh hoạt song cần đảm bảo các ý sau:

- Mở bài:

+ Giới thiệu hoàn cảnh được tham gia chuyến đi làm từ thiện ở khu vực miền trung…

+ Khái quát cảm xúc của em sau chuyến đi đó.

- Thân bài:

+ Kể lại diễn biến của chuyến đi

+ Kể những công việc chuẩn bị cho một chuyến đi từ thiện (Sự đóng góp của mọi người…đối tượng tham gia chuyến đi…

+ Kể lại ấn tượng của em khi đến nơi đồng bào bị lũ lụt như quang cảnh nơi em đến? cảm xúc của bản thân khi nhìn thấy cảnh tượng nơi em đến bị thiên nhiên tàn phá như thế nào? Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ của người dân nơi đây? Khi em cùng mọi người tiếp cận, trao quà cho bà con vùng lũ, thái độ? Cảm xúc của em?...)

+ Một vài kỉ niệm khiến em nhớ mãi

+ Kết thúc chuyến đi..

- Kết bài:

+ Tình cảm và suy nghĩ của em sau chuyến đi thiện nguyện ấy

+ Những ước mong, dự định…

c. Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện cái nhìn đẹp đẽ về người bà.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Đề thi Giữa kì 1 Ngữ văn 9 (10 đề)

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

I. ĐỌC - HIỂU (5.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau rồi thực hiện các yêu cầu của đề:

“Qua năm sau, giặc ngoan cố đã chịu trói, việc quân kết thúc. Trương Sinh về tới nhà, được biết mẹ đã qua đời, con vừa học nói. Chàng hỏi mồ mẹ, rồi bế đứa con nhỏ đi thăm; đứa trẻ không chịu, ra đến đồng, nó quấy khóc. Sinh dỗ dành:

- Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi.

Đứa con ngây thơ nói:

- Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nhỏ nói:

- Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được.

Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận. Vợ chàng khóc mà rằng:

- Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.”

(Ngữ văn 9/ tập 1)

Câu 1. (1.0 đ) Đoạn trích trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Câu 2. (1.0 đ)

a. Hành động của Trương Sinh (ở câu in đậm) đã không tuân thủ phương châm hội thoại nào?

b. Theo suy nghĩ của bé Đản, câu nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” đã tuân thủ phương châm hội thoại nào?

Câu 3. (1.0 đ)

a. Tìm trong đoạn trích từ đồng nghĩa với từ “qua đời”?

b. Từ “bế” trong đoạn trích được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

Câu 4. (1.0 đ) Trình bày ngắn gọn nội dung của đoạn trích trên?

Câu 5. (1.0 đ) Em có đồng ý với cách ứng xử của Trương Sinh trong đoạn trích không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

Viết bài văn thuyết minh về con vật nuôi em thích. (có sử dụng biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả).

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

I. ĐỌC HIỂU 

Đọc kĩ văn bản sau:

Một em bé đáng yêu đang cầm hai quả táo trong tay. Mẹ bước vào phòng và mỉm cười hỏi cô con gái nhỏ: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?”. 

Em bé ngước nhìn mẹ trong một vài giây, rồi sau đó lại nhìn xuống từng quả táo trên hai tay mình. Bất chợt, em cắn một miếng trên quả táo ở tay trái, rồi lại cắn thêm một miếng trên quả táo ở tay phải.

Nụ cười trên gương mặt bà mẹ bỗng trở nên gượng gạo. Bà cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình.

Sau đó, cô gái nhỏ giơ lên một trong hai quả táo vừa bị cắn lúc nãy và rạng rỡ nói: “quả này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”.

Thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Xác định lời dẫn trực tiếp trong văn bản và trình bày ngắn gọn dấu hiệu để xác định lời dẫn trực tiếp đó.

Câu 3. Thông hiểu

Giải thích từ: thất vọng

Câu 4. Thông hiểu

Tại sao người mẹ cảm thấy thất vọng khi em bé cắn hai quả táo? Em hãy hình dung gương mặt người mẹ sẽ ra sao khi nghe lời con gái nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ”.

Câu 5. Tại sao em bé không đưa ngay một quả táo cho mẹ mà phải cắn từng trái? Qua đó em nhận xét về hành động và tình cảm của em bé đối với mẹ

II. LÀM VĂN 

Thuyết minh về một vật dụng trong gia đình.

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

Phần I.

Tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là tám câu thơ hay nhất về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của đại thi hào Nguyễn Du.

Câu 1. Em hãy chép thuộc 8 câu thơ cuối trong Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

Câu 2. Xác định các từ láy có trong đoạn thơ vừa chép.

Câu 3. Hãy dùng câu văn trên làm câu chủ đề để triển khai thành một đoạn văn diễn dịch khoảng 12-15 câu, trong đoạn có sử dụng lời dẫn trực tiếp.

Cũng trong Truyện Kiều Nguyễn Du có câu:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Em hiểu hai câu thơ trên như thế nào?

Phần II: 

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“…Phan nói:

- Nhà cửa tiên nhân của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, cỏ gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?

Nghe đến đấy, Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng:

- Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày…”

(Ngữ Văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)

Câu 1. Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Em hãy giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (5-7 dòng)

Câu 2. Giải nghĩa từ “tiên nhân” trong câu “Nhà cửa tiên nhân của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, cỏ gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?”

Câu 3. Lời nói của Vũ Nương với Phan Lang là lời dẫn trực tiếp hay gián tiếp.

Câu 4. Viết đoạn văn khoảng 10 câu tóm tắt tác phẩm từ đoạn kể về Phan Lang cho đến hết truyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN - TIẾNG VIỆT 

Đọc đoạn văn sau:

CHIẾC BÁT VỠ

Ở thành phố kia có một bác thợ rèn, bác có một người con trai duy nhất. Anh vừa đẹp trai vừa giỏi giang khiến bác rất tự hào.

Một ngày nọ, người con trai bị tai nạn xe hơi, tuy giữ được tính mạng nhưng lại bị mất cả hai chân. Tuyệt vọng, hàng ngày anh ngồi ủ rũ trong phòng, im lặng nhìn ra cửa sổ.

Một lần, vì quá đau khổ, anh tìm cách tự tử bằng cách uống thuốc ngủ, nhưng may thay cha anh kịp thời phát hiện đưa anh tới bệnh viện, cứu anh qua cơn nguy kịch.

Một ngày sau người con trai tỉnh, bác thợ rèn mang đồ ăn tới cho con. Anh con trai tức giận hất đổ khay đồ ăn, rồi chỉ chiếc bát vỡ dưới nền, nói:

- Cha à, cha cứu con làm gì, cuộc đời con giờ như chiếc bát vỡ kia rồi, mãi mãi không lấy lại được nữa!

Người cha già tội nghiệp lặng lẽ xoa đầu người con trai, vỗ về rồi giúp anh nằm nghỉ. Xong ông dọn dẹp những thứ dưới đất, đôi mắt ông đỏ hoe.

Một tuần sau anh được đưa về nhà. Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát sắt. Anh lấy làm lạ lẫm.

- Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?

- Ý của cha là...? – Anh ấp úng nói.

- Chính là chiếc bát sành hôm trước đó con, cha cho nó vào lò nung, cho thêm sắt nữa, rồi đúc, thế là nó trở thành chiếc bát sắt này đó con.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2. Tìm phương ngữ Nam tương ứng với từ “bát” trong câu văn “Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát sắt”

Câu 3. “Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?

- Ưm…ý cha là? – Anh ấp úng nói”.

Trong đoạn hội thoại trên, người con đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao?

Câu 4. Em rút ra được bài học gì từ câu nói: “Chính là chiếc bát sành hôm trước, cha cho nó vào lò nung, cho thêm sắt nữa, rồi đúc, thế là nó trở thành chiếc bát sắt này đó con”?

II. TẬP LÀM VĂN 

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ (Ngữ văn 9 tập 1 – NXBGDVN 2016)

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 5)

Câu 1: Cho câu thơ: “Quê hương anh nước mặn đồng chua”

1. Câu thơ trên trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?

2. Chép tiếp 6 câu thơ tiếp theo cho hoàn chỉnh đoạn thơ gồm 7 dòng. Khái quát nội dung của đoạn thơ vừa chép.

3. Hình ảnh người lính trong bài thơ này và bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật có điểm nào giống nhau?

Câu 2: 

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

[…] Chàng quỳ xuống đất vâng lời dạy. Nàng rót chén rượu đầy tiễn chồng mà rằng:

- Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng …

(Theo SGK Ngữ văn 9, tập 1)

1. Thế nào là cách dẫn trực tiếp, gián tiếp?

2. Tìm lời dẫn trong đoạn trích trên và cho biết đó là cách dẫn trực tiếp hay gián tiếp.

Câu 3: 

Tưởng tượng em được gặp gỡ và trò chuyện với nhân vật người lính lái xe trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Viết bài văn kể lại cuộc trò chuyện thú vị đó (có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận)

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 6)

I. Phần 1: Đọc hiểu

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

NGƯỜI ĂN XIN

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết.  Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:

- Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm đôi môi nở nụ cười:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. 

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc- ghê- nhép)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Văn bản Người ăn xin liên quan đến phương châm hội thoại nào? Vì sao?

Câu 3. Lời của các nhân vật trong câu chuyện trên được trích dẫn theo cách nào? Chỉ rõ dấu hiệu nhận biết.

Câu 4. Vì sao người ăn xin và cậu bé trong truyện đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một cái gì đó?

Câu 5. Bài học rút ra từ văn bản trên? 

II. Phần 2: Làm văn  

Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương con người.

Câu 2. Cảm nhận của em về tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du, Ngữ văn 9, tập 1).

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 7)

I- Phần 1: Đọc- hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết.
 Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:

– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm đôi môi nở nụ cười:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc- ghê- nhép)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm). Văn bản Người ăn xin liên quan đến phương châm hội thoại nào? Vì sao?

Câu 3. (0.5 điểm). Lời của các nhân vật trong câu chuyện trên được trích dẫn theo cách nào? Chỉ rõ dấu hiệu nhận biết.

Câu 4. (0,5 điểm). Vì sao người ăn xin và cậu bé trong truyện đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một cái gì đó?

Câu 5. (1,0 điểm). Bài học rút ra từ văn bản trên?

II. Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương con người.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du, Ngữ văn 9, tập 1).

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 8)

I. ĐỌC - HIỂU: (5 điểm )

Câu 1. Chép 8 câu thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều" (Truyện Kiều - Nguyễn Du) (2 điểm).

Câu 2. Miêu tả vẻ đẹp của hai chị em tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì? (1 điểm).

Câu 3. Trong các câu sau, câu nào từ chân được dùng với nghĩa gốc? Câu nào từ chân được dùng với nghĩa chuyển? chuyển nghĩa theo phương thức nào?

a, Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

b, Năm em học sinh khối 9 có chân trong đội tuyển bóng đá của trường.

c, Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con.

II. TẬP LÀM VĂN: (5 điểm)

Viết đoạn văn kể lại một giấc mơ, trong đó em gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 9)

Câu 1 (3 điểm):

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Ơi cơn mưa quê hương

Đã ru hát tâm hồn ta từ thuở bé

Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé

Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa

Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa

Ta yêu quá như lần đầu mới biết

Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết

Như tre, dừa như làng xóm quê hương

Như những con người biết mấy yêu thương.

(Nhớ cơn mưa quê hương, Lê Anh Xuân, NXB Văn học 2003).

a. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ?

b. Nội dung chính của đoạn thơ trên là gì?

c. Xác định biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ cuối và nêu tác dụng.

d. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ sau:

Ơi cơn mưa quê hương

Đã ru hát tâm hồn ta từ thuở bé

Câu 2: (2 điểm).

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người.

Câu 3 (5 điểm).

Bằng sự hiểu biết của mình, em hãy giới thiệu tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.

----------HẾT---------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa Học kì 1

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 10)

PHẦN I (6 điểm). Trong văn bản Bếp lửa của Bằng Việt, có đoạn:

"Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Câu 1. Bài thơ Bếp lửa ra đời trong hoàn cảnh nào? Kể tên một bài thơ có hoàn cảnh sáng tác tương tự. Nói rõ tên tác giả của bài thơ đó.

Câu 2. Nêu công dụng của dấu hai chấm và dấu ngoặc kép trong khổ thơ trên.

Câu 3. Trong lời bà dặn cháu có một phương châm hội thoại bị vi phạm. Cho biết, đó là phương châm nào? Việc vi phạm phương châm hội thoại đó đã cho người đọc cảm nhận được phẩm chất đáng quý nào ở bà?

Câu 4. Từ kí ức về tuổi thơ bên bà, tác giả bài thơ Bếp lửa đã có những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời bà. Bằng một đoạn văn trình bày theo cách lập luận tổng - phân - hợp (khoảng 12 câu), làm rõ cảm nhận của em về những suy ngẫm đó trong bài thơ. Trong đoạn, sử dụng hợp lý một câu ghép và một thán từ (chú thích rõ).

PHẦN II (4 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Ngọn gió và cây sồi

Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gãy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức ngọn gió lồng lộn, điên cuồng lật tung khu rừng một lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã. Ngọn gió mỏi mệt đành đầu hàng và hỏi:

- Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?

Cây sồi từ tốn trả lời:

- Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gãy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn ông ngọn gió ạ! Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.

(Theo Hạt giống tâm hồn - Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ - NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt và biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra và xác định vai trò của trợ từ trong câu: “Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình."

Câu 3. Từ lời nói của cây sồi già trong văn bản, kết hợp với hiểu biết xã hội, bằng một văn bản nghị luận (khoảng 2/3 trang giấy thi), hãy trình bày suy nghĩ của em về khả năng vượt qua khó khăn, thử thách của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

----------HẾT---------

................................

................................

................................

Trên đây tóm tắt một số nội dung miễn phí trong bộ Đề thi Ngữ văn 9 năm 2024 mới nhất, để mua tài liệu trả phí đầy đủ, Thầy/Cô vui lòng xem thử:

Xem thử

Xem thêm bộ Đề thi Ngữ Văn 9 năm học 2024 - 2025 chọn lọc khác:


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học