Đề cương ôn tập Học kì 1 Ngữ Văn 10 Chân trời sáng tạo

Bộ đề cương ôn tập Học kì 1 Ngữ Văn 10 Chân trời sáng tạo với các dạng bài đa dạng có lời giải chi tiết giúp học sinh lớp 10 nắm vững được kiến thức cần ôn tập để đạt điểm cao trong bài thi Văn 10 Học kì 1.

Nội dung kiến thức Văn 10 Học kì 1 Chân trời sáng tạo

I. NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

A. Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Văn bản:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thần thoại và sử thi: không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật .

- Nhận xét được nội dung bao quát của văn bản truyện kể; phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, nhân vật,... và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

- Phân tích, đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo và giá trị đạo đức, văn hóa từ các văn bản.

- Phân tích và đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ: từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, đối, chủ thể trữ tình.

- Nhận biết một số dạng văn bản thông tin tổng hợp: thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận; giải thích được mục đích của việc lồng ghép các yếu tố đó vào văn bản.

- Suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản; phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản , cách đặt nhan đề của tác giả; nhận biết được mục đích của người viết.

a. Thần thoại

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

- Là một trong những thể loại truyện dân gian ra đời trong xã hội nguyên thủy.

- Kể về sự tích các vị thần sáng tạo thế giới tự nhiên và văn hóa; thể hiện sự nhận thức và lí giải thế giới còn thô sơ của con người thời cổ; qua đó thể hiện khát vọng hiểu biết, chinh phục tự nhiên và ước mơ về cuộc sống tốt đẹp của họ.

2. Không gian

Là không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể.

3. Thời gian

Là thời gian cổ sơ, không xác định và mang tính vĩnh hằng.

4. Cốt truyện

Chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình thực hiện việc sáng tạo thế giới, con người và muôn loài của các vị thần.

5. Nhân vật

Thường là thần, có sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo thế giới và sáng tạo văn hóa.

6. Tính chỉnh thể

Là sự thống nhất, toàn vẹn của tác phẩm. Ở đó, mọi bộ phận, yếu tố, chi tiết,… đều có ý nghĩa và được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, nhất quán nhằm thể hiện tập trung, nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

b. Sử thi

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Là một thể loại tự sự dân gian ra đời từ thời cổ đại, thường kết hợp lời thơ và văn xuôi, kể lại những sự kiện quan trọng trong đời sống của cộng đồng, thông qua việc tôn vinh, ca ngợi chiến công, kì tích của người anh hùng.

2. Thời gian

Thuộc về quá khứ “một đi không trở lại” của cộng đồng”, thường gắn với xã hội cổ đại hoặc xã hội phong kiến. 

3. Không gian

Thường mở ra theo những cuộc phiêu lưu gắn với các kì tích của người anh hùng.

4. Nhân vật

Nhân vật anh hùng sử thi hiện thân cho cộng đồng, thường hội tụ những đặc điểm nổi bật như: a. Sở hữu sức mạnh, tài năng, lòng dũng cảm phi thường b. Luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức, hiểm nguy. C. Lập nên những kì tích, uy danh lẫy lừng.

5. Cốt truyện

Được tổ chức theo quan hệ xung đột giữa con người với thần quyền, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Các sự kiện xoay quanh cuộc phiêu lưu và những kì tích của nhân vật chính. Yếu tố kì ảo có tác dụng tạo ra tình huống, vừa thử thách vừa tô đậm phẩm chất của người anh hùng.

6. Lời người kể và lời nhân vật

- Lời người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba, thể hiện thái độ tôn vinh, ngợi ca người anh hùng có công với cộng đồng.

- Lời của nhân vật người anh hùng thể hiện hành động, tính cách anh hùng, thường là lời đối thoại (với thần linh hoặc với nhân vật khác). Cả lời kể và lời thoại trong sử thi đều giàu chất thơ.

7. Thái độ, cảm xúc của người kể

Người kể chuyện sử thi thể hiện sự trang nghiêm, thành kính đối với sự kiện, nhân vật. Sự trang nghiêm, thành kính bộc lộ cụ thể qua cách sử dụng ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh trong văn bản sử thi.

8. Cảm hứng chủ đạo

Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm văn học gọi là cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng chủ đạo của sử thi gắn liền với tư tưởng chống thần quyền trong cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên và chống các thế lực đe dọa sự sống của cộng đồng. 

9. Bối cảnh lịch sử - văn hóa

Sử thi ra đời chủ yếu trong giai đoạn xung đột giữa con người với thần quyền, giữa các cộng đồng với nhau, giữa tinh thần tự do của con người và các trật tự của luân lí xã hội.

c. Thơ

Nội dung

Kiến thức

1. Chủ thể trữ tình

Là khái niệm chỉ người thể hiện thái độ, cảm xúc, tư tưởng của mình trong suốt văn bản thơ. Thơ trữ tình gợi lên hình tượng một ai đó đang ngắm nhìn, đang rung động, suy tưởng về con người, cuộc sống. Hình tượng ấy chính là chủ thể chữ tình trong thơ. Chủ thể trữ tình thường xuất hiện trực tiếp với các đại từ nhân xưng: “tôi”, “chúng ta”, “anh”, “em”,... hoặc nhập vai vào một nhân vật nào đó, cũng có thể là “chủ thể ẩn”. Các hình thức xuất hiện của chủ thể trữ tình cũng có thể thay đổi, xen kẽ trong một bài thơ.

2. Vần và nhịp

Là những yếu tố quan trọng tạo nên nhạc điệu trong thơ.

- Vần tạo nên sự kết nối, cộng hưởng âm thanh giữa các dòng thơ, đồng thời làm cho thơ dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Cách gieo vần phụ thuộc vào yêu cầu và quy cách riêng của mỗi thể thơ. 

+ Xét về vị trí xuất hiện, có vần chân (cước vận) là vần giữa các chữ ở cuối dòng thơ; vần lưng (yêu vận) là vần giữa chữ cuối của dòng trước với chữ ở gần cuối hay ở khoảng giữa của dòng thơ sau, hoặc giữa các chữ ngay trong một dòng thơ. Xét về thanh điệu, có vần thanh trắc (T) và vần thanh bằng (B).

- Nhịp (hay ngắt nhịp) là cách tổ chức sắp xếp sự vận động của lời thơ, thể hiện qua các chỗ dừng, chỗ nghỉ khi đọc bài thơ. Cách ngắt dòng, ngắt nhịp trong từng dòng thơ, câu thơ tạo nên hình thức của nhịp thơ. Nhịp thơ là nhân tố tạo nên bước đi của thơ với âm vang nhanh, chậm, dài ngắn, nhặt, khoan...

3. Từ ngữ, hình ảnh

Mang lại sức gợi cảm lớn, có khả năng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Hình ảnh trong thơ có thể được miêu tả trực quan, các hình thức láy, điệp làm cho đường nét, màu sắc trở nên lung linh, sống động; hoặc có thể gợi tả gián tiếp bằng liên tưởng, tưởng tượng, các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ,... làm cho cái vô hình trở nên hữu hình, ấn tượng, cái vô tri, vô giác trở nên có hồn và giàu ý nghĩa. Hình ảnh trong thơ luôn chứa đựng tâm hồn của nhà thơ.

................................

................................

................................

Các dạng bài Văn 10 Học kì 1 Chân trời sáng tạo

II. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP MINH HỌA

1. Dạng 1: Đọc – hiểu

Bài tập 1. Đọc đoạn thơ:

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

 Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

 

(...)Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi

 

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ…

(Trích Bài học đầu cho con – Đỗ Trung Quân, Hoa cỏ cần gặp, NXB Thuận Hóa – Huế, 1991)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 2: Trong đoạn thơ trên, nhà thơ đã ví quê hương với những hình ảnh nào?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau:

Quê hương mỗi người chỉ một

 Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

Câu 4: Em hiểu thế nào về nội dung ý nghĩa của hai dòng thơ:

 Quê hương nếu ai không nhớ 

Sẽ không lớn nổi thành người.

Câu 5: Nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho quê hương được thể hiện trong đoạn thơ trên.

Bài tập 2. Đọc văn bản sau:

Nằm trong tiếng nói yêu thương

Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời.

Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi

Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con.

Tháng ngày con mẹ lớn khôn,

Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha,

Đời bao tâm sự thiết tha

Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ...

(Trích bài thơ “Nằm trong tiếng nói yêu thương”- Huy Cận)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong câu thơ sau:

“Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha.”

Câu 3. Tác dụng của tiếng Việt được thể hiện trong hai câu thơ 

“Đời bao tâm sự thiết tha

Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ...”

Câu 4. Nội dung của bài thơ trên là gì?

Câu 5. Em hãy nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả đối với tiếng Việt được thể hiện trong bài thơ trên.

Câu 6. Viết một đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày cảm nghĩ của em khi đọc bài thơ “Nằm trong tiếng nói yêu thương”.

Bài tập 3. Đọc văn bản sau:

Thế là, bà con xem, nhà Đăm Săn đong nghịt khách, toi to chật ních ca nhà ngoài. Các khách tù trưởng đều từ phương xa đến. Còn Đăm Săn, bà con xem, chàng nằm trên võng, tóc thả trên sàn, hứng tóc chàng ở dưới đất là một cái nong hoa. Chàng mở tiệc ăn uống linh đình, thịt lợn thịt trâu ăn không ngớt, thịt lợn ăn đến cháy đen hết ống le, thịt dê ăn đến cháy đen hết ống lồ ô, tiết bò tiết trâu đọng đen khắp sàn hiên, dây cồng dây chiêng giăng như mạng nhện, chi vàng chi đỏ như hoa dăm piết. Cảnh đó thời ông bác, ông cậu xưa kia làm gì có!

Bà con xem, Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán. [ ... ] Rõ ràng là tù trưởng Đăm Săn đang giàu lên, chiêng lắm la nhiều. Rõ ràng là Đăm Săn có chiêng đống voi bầy, có bè bạn như nêm, như xếp. Làm sao mà có được một tù trưởng, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa, đánh đâu đập tan đó, vây đâu phá nát đó như chàng?

Vì vậy, danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nghe danh tiếng Đăm Săn. Từ khắp mọi miền, người ta khiêng rượu, khiêng lợn đến. Cả miền Ê-đê Ê-ga ai ai cũng ca ngợi Đăm Săn là một trang dũng tướng chắc chết mười mươi vẫn không lùi bước. Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt linh lợi như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy.

Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc. Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ.

(Trích Đăm Săn - Sử thi Ê-đê)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Theo bạn, ở văn bản trên, dấu [ ... ] có ý nghĩa gì?

A. Đánh dấu cho thành phần chêm xen

B. Đánh dấu cho thành phần cước chú

C. Đánh dấu cho thành phần bị tỉnh lược

D. Đánh dấu cho thành phần phụ chú

Câu 2. Nhân vật Đăm Săn được miêu tả trong văn bản thuộc kiểu nhân vật nào?

A. Nhân vật thần linh

B. Nhân vật người anh hùng

C. Nhân vật quần chúng

D. Nhân vật hung thần

Câu 3. Văn bản trên sử dụng điểm nhìn trần thuật ở ngôi thứ mấy ?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Đáp án A và B

Câu 4. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong những câu văn sau: “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy”?

A. Nhân hóa

B. Phóng đại

C. So sánh

D. B và C

Câu 5. Theo bạn, ở văn bản trên, người kể chuyện thể hiện thái độ gì đối với nhân vật Đăm Săn?

A. Thái độ ca ngợi, tự hào

B. Thái độ yêu thương, quan tâm

C. Thái độ miệt thị, coi thường

D. Không thể hiện thái độ

Câu 6. Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của không gian nghệ thuật trong văn bản trên ?

A. Không gian hoang sơ, gắn với sự tạo lập trời đất

B. Không gian vũ trụ

C. Không gian rộng lớn, gắn với sinh hoạt cộng đồng

D. Không gian phiêu lưu của người anh hùng

Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói đúng về chủ đề của văn bản?

A. Ca ngợi Đăm Săn và sự giàu có của cộng đồng Đăm Săn

B. Ca ngợi vẻ đẹp thể chất, tài năng và danh tiếng lừng lẫy của Đăm Săn

C. Ca ngợi Đăm Săn và lễ hội ăn mừng chiến thắng

D. Ca ngợi danh tiếng lừng lẫy của Đăm Săn

Câu 8. Theo bạn, cụm từ “bà con xem” được lặp lại nhiều lần trong văn bản có tác dụng gì?

Câu 9. Theo bạn, yếu tố khoa trương, cường điệu trong lời người kể chuyện có tác dụng gì?

Câu 10. Viết đoạn văn khoảng 5 - 7 dòng phân tích một vẻ đẹp của nhân vật Đăm Săn được miêu tả trong văn bản.

................................

................................

................................

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Đề thi, giáo án lớp 10 các môn học