Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương - ngắn nhất Cánh diều

Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương trang 5, 6, 7, 8, 9, 10 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 5 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

- Khi đọc hiểu văn bản truyện truyền kì, bên cạnh các yêu chung về đọc hiểu văn bản truyện theo đặc trưng thể loại, các em cần chú ý thêm những yếu tố sau:

+ Phát hiện và đánh giá ý nghĩa, tác dụng của các yếu tố kig lạ, kì ảo (nhân vật thần, tiên, ma quỷ; cõi tiên, địa ngục, thuỷ cung…).

+ Suy nghĩ về những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh mà truyện đặt ra và liên hệ với cuộc sống ngày nay.

- Đọc trước văn bản Chuyện người con gái Nam Xương, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Dữ và tập truyện Truyền Kì mạn lục.

Trả lời

- Thông tin về tác giả Nguyễn Dữ:

+ Ngày sinh: Nguyễn Dữ chưa rõ năm sinh năm mất.

+ Quê quán: xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, Hải Dương.

+ Gia đình: Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng. Con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu

+ Thời đại: Là một danh sĩ thời Lê sơ, thời nhà Mạc. Ông sống đồng thời với thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16. Tuy nhiên mối quan hệ giữa ba người (mà phần lớn từ nguồn dân gian lưu truyền trong nhiều thế kỷ nhưng thiếu chứng cứ lịch sử) ngày nay đang gặp phải sự bác bỏ của giới nghiên cứu văn học sử.

+ Cuộc đời: Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan với nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phú); nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó trải mấy năm dư, chân không bước đến thị thành. rồi mất tại Thanh Hóa.

- Sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Dữ

+ Sáng tác duy nhất của ông là quyển Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền). Theo lời Tựa của Hà Thiện Hán viết năm 1547 thì ông viết ra tập lục này để ngụ ý trong thời gian ẩn cư ở rừng núi xứ Thanh.

+ Sách gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện (trừ truyện 19 Kim hoa thi thoại ký) đều có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả. Tác phẩm được Hà Thiện Hán, người cùng thời, viết lời Tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, Nguyễn Thế Nghi, dịch ra chữ Nôm; và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702-?), đánh giá là một "thiên cổ kỳ bút".

- Về các tác phẩm tiêu biểu:

Sáng tác duy nhất của ông là quyển Truyền kỳ mạn lục, gồm 20 truyện và tiêu biểu trong đó 2 truyện được nhắc đến nhiều nhất gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Dữ là Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên và Chuyện người con gái Nam Xương.

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính của văn bản:

Văn bản khẳng định vẻ đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời thể hiện niềm cảm thương cho số phận bi kịch của họ, lên án tố cáo các lễ giáo phong kiến vô nhân đạo, các hủ tục hà khắc trong chế độ phong kiến đương thời.

Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương | Ngắn nhất Soạn văn 9 Cánh diều

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

1. Nhân vật Vũ Thị Thiết và Trương Sinh được giới thiệu như thế nào?

- Vũ Thị Thiết quê Nam Xương, là người có tính thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp.

- Trương Sinh là người thất học, có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá mức.

2. Người vợ muốn nhắn gửi điều gì với chồng qua lời tiễn đưa này?

- Mong chồng có thể bình an trở về sau khi hết hạn lính.

3.  Tình huống bất ngờ nào xuất hiện?

- Trong một lần, bé Đản nói "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chỉ im thin thít...". 

4. Người vợ đã nói gì khi bị chồng nghi ngờ?

+ “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu... Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót...'.

+ Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

+…

5.  Chú ý các chi tiết kì ảo trong phần (3).

- Chi tiết kì ảo:

+ Phan Lang đêm nằm mộng thấy có người xin chàng thả rùa xanh mà chàng đã bắt được.

+ Có một thế giới dưới nước (Thủy cung) và Linh phi hóa thân thành chú rùa đi ngao du và sa vào lưới.

+ …

6. Vũ Nương là ai? Chi tiết nào không có thật?

- Vũ Nương là Vũ Thị Thiết.

- Chi tiết không có thật: “Các nàng tiên trong cung nước thương tôi vô tội, rẽ một đường nước cho tôi thoát chết, nếu không thì đã vùi vào bụng cá, còn đâu mà gặp ông.

7. Truyện kết thúc như thế nào?

- Trương Sinh nghe Phan Lang kể, biết vợ bị oan, bèn lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 10 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương.

Trả lời:

Vũ Nương là người con gái quê ở Nam Xương, không chỉ xinh đẹp mà còn có tư dung tốt đẹp. Điều ấy khiến cho Trương Sinh - một chàng trai trong làng yêu mến, xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Trong cuộc sống vợ chồng, biết chồng là một người hay ghen, nàng luôn sống giữ gìn khuôn phép để gia đình hòa thuận. Vậy mà chồng nàng, sau khi đi lính chỉ vì một lời ngây thơ của con trẻ, chưa làm rõ đầu đuôi câu chuyện đã giở thói ghen tuông. Dù Vũ Nương hết lòng giải thích nhưng vẫn vô dụng. Nàng quyết định tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Sau này, khi đã hiểu rõ mọi chuyện, Trương Sinh cảm thấy hối hận thì cũng đã muộn. Chàng cho người lập đàn giải oan cho vợ, Vũ Nương hiện về lúc ẩn lúc hiện.

Câu 2 (trang 10 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tìm và phân tích các chi tiết mà tác giả đã sáng tạo để khắc họa nhân vật Vũ Nương, qua đó, nêu nhận xét, đánh giá của em về số phận, phẩm chất của nhân vật này.

Trả lời:

 – Nhân vật Vũ Nương được miêu tả qua lời của người kể chuyện:

+ “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thuỷ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.”; do chồng đa nghi nên “Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà."; khi mẹ chồng ốm, “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.”; khi bà cụ mất, “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.");

- Nhân vật Vũ Nương qua lời nói của nhân vật này với chồng:

+ Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gầm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thể là đủ rồi.”, “Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng.".... Ý của Vũ Nương là không tham vinh hoa phú quý, chỉ mong chồng bình an trở về.

=> Vũ Nương là người thùy mị, nết na, yêu chồng thương con, hiếu thuận,...

- Tác giả đã tạo ra tình huống nghi ngờ để khắc hoạ bi kịch của nhân vật Vũ Nương: Trương Sinh nghi ngờ lòng chung thuỷ của Vũ Nương qua lời nói của đứa con: "Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bể Đản cả.". Kì thực, đó là cái bóng của Vũ Nương ở trên vách: "ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản”. Sự nghi ngờ này đã dẫn đến kết cục đau đớn cho Vũ Nương: "gieo mình xuống sông mà chết".

=> Số phận của nhân vật Vũ Nương: kém may mắn, bất hạnh, phải chịu cái chết oan uổng do lòng ngờ vực, thiếu hiểu biết và thiếu niềm tin của chồng.

Câu 3 (trang 10 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Chỉ ra biểu hiện và phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong văn bản Chuyện người con gái Nam Xương.

Trả lời:

 - Biểu hiện của yếu tố kì ảo:

+ Các chi tiết kì ảo thể hiện tập trung ở phần (3): không gian nghệ thuật – cung điện, đền đài sang trọng ở dưới nước của rùa thần, là nơi ở của vợ vua biển Nam Hải, nơi sinh sống của các nàng tiên. Không gian kì ảo này gắn liền với một chi tiết kì ảo khác, đó là: “Tôi (Vũ Nương) ngày trước không may bị người vu oan, phải gieo mình xuống sông tự tử. Các nàng tiên trong cung nước thương tôi vô tội, rẽ một đường nước cho tôi thoát chết”.

- Tác dụng: Mở ra những diễn biến tiếp theo cho câu chuyện, đẩy cốt truyện vận động, đồng thời giúp tác giả tiếp tục khắc họa số phận, phẩm chất của Vũ Nương (người phụ nữ tư dung tốt đẹp nhưng số phận bất hạnh, vẫn luôn ám ảnh bởi nỗi oan chưa được hóa giải, luôn hướng về gia đình) và thể hiện tư tưởng nhân đạo (cảm thông với số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến).

Câu 4 (trang 10 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Phân tích tác dụng của sự kết hợp giữa các chi tiết kì ảo và chi tiết đời thường ở một đoạn văn cụ thể trong văn bản.

Trả lời:

 VD đoạn văn từ “Lúc đến nhà, Phan đem chuyện kể lại... nhạt dần mà biến đi mất.”

Trong đoạn trên, chi tiết Phan kể chuyện với Trương ở nhà, Trương lập đàn giải oan, Trương gọi vợ,... là những chi tiết đời thường; còn chi tiết Trương nhận lại chiếc hoa vàng, Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, phía sau là cờ tán, võng lọng rực rỡ, thoắt ẩn thoắt hiện rồi biến mất là chi tiế kì ảo không có thật.

=> Sự kết hợp này giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, vừa hư vừa thực, vừa gắn với những vấn đề của cuộc sống hằng ngày, gần gũi với mọi người vừa thể hiện trí tưởng tượng phong phú và ước mơ của tác giả về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu 5 (trang 10 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Chủ đề của văn bản Chuyện người con gái Nam Xương là gì?

Trả lời:

Chủ đề: truyện đặt ra vấn đề về số phận oan trái của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, thể hiện sự thương xót đối với những người phụ nữ bất hạnh, kém may mắn; đồng thời bộc lộ cái nhìn nhân hậu, mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Truyện cũng ngợi ca vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: nết na, hiểu thuận, chung thuỷ....

Câu 6 (trang 10 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Hãy nêu suy nghĩ của em về một vấn đề có ý nghĩa nhân sinh mà truyện đặt ra và liên hệ với cuộc sống ngày nay.

Trả lời:

Một vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh trong truyện mà em ấn tượng nhất là trong cuộc sống của chúng ta có những sai lầm không thể sửa chữa được. Mỗi người trong chúng ta chỉ có một cuộc đời duy nhất, đôi khi chúng ta sẽ mắc sai lầm khi còn trẻ và được tha thứ bởi những người yêu thương và tốt với ta thật lòng, đó là lòng bao dung mà chúng ta cần trân trọng. Vậy nhưng khi ta dần trưởng thành, cơ hội để thử thách và sửa chữa những sai lầm không còn nhiều, đó là khi trách nhiệm của chúng ta với xã hội cũng to lớn hơn, vì vậy, có những sai lầm không thể sửa chữa và làm tổn hại nặng nề đến cộng đồng, xã hội và chính chúng ta. Vì vậy, trên hành trình trải nghiệm của cuộc đời, chúng ta cùng cần suy nghĩ trước sau, suy xét mọi tình huống và hành động cẩn thận để không phạm phải những lỗi lầm đáng tiếc khiến mình phải hối hận.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Cánh diều khác