(Siêu ngắn) Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học - Kết nối tri thức

Bài viết soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học trang 61, 62, 63, 64, 65 siêu ngắn gọn sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức giúp học sinh lớp 10 dễ dàng soạn văn 10.

* Yêu cầu

(Siêu ngắn) Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học | Kết nối tri thức

* Phân tích bài viết tham khảo:

Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

- Giới thiệu khái quát về thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân.

- Định hướng nhìn nhận vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề.

- Khái quát chủ đề của truyện.

- Nhìn nhận sự chi phối mạnh mẽ của chủ đề đối với đặc điểm nhân vật.

- Khẳng định ý nghĩa của chủ đề.

Gợi ý trả lời câu hỏi

Câu 1 (trang 63 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Chủ đề của Chữ người tử tù đã được tác giả bài viết khái quát qua những câu nào?

Trả lời:

- Đấy là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái tài, cái đẹp đối với cái nhem nhuốc, tục tằn, của thiên lương đối với tội ác. 

- “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng: muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp, cái thiên tính tốt đẹp của con người (thiên lương).

Câu 2 (trang 63 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Để tô đậm ý tưởng của bài viết, tác giả đã chọn cách dẫn dắt như thế nào?

Trả lời:

- Tác giả giới thiệu thế giới nhân vật, từ đó nhìn nhận vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề. Cuối cùng là khái quát chủ đề truyện.

- Khẳng định sự chi phối của chủ đề với đặc điểm nhân vật. Từ đó khẳng định ý nghĩa chủ đề.

Câu 3 (trang 63 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Ý nghĩa của chủ đề và nhân vật được khẳng định như thế nào qua bài viết?

Trả lời:

- Có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.

* Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

- Lựa chọn truyện: Dưới bóng hoàng Lan - Thạch Lam

2. Tìm ý, lập dàn ý

a. Tìm ý

- Chủ đề của truyện là gì? Nêu nét đặc biệt của chủ đề đó.

+ Chủ đề truyện: giá trị của tình cảm gia đình và những điều thân thuộc đối với mỗi cá nhân.

- Các nhân vật trong truyện có đặc điểm gì nổi bật? Ngoại hình, lời nói, hành động, nội tâm của các nhân vật hướng đến việc thể hiện chủ đề như thế nào?

+ Nhân vật được xây dựng đơn giản, tập trung thể hiện sự tinh tế trong nội tâm nhân vật.

=> Lối kể chuyện nhẹ nhàng hướng đến suy nghĩ, tình cảm, nội tâm nhân vật, từ đó thể hiện chậm rãi chủ đề truyện.

- Nhìn từ chủ đề và nhân vật, tác phẩm có gì đặc biệt?

+ Cách kể chuyện trữ tình nhẹ nhàng, tinh tế, đem đến cảm giác an lành, bình yên, tập trung thể hiện nội tâm nhân vật. Truyện không có tình huống kịch tính, sự kiện dồn dập, mâu thuẫn gay cấn…, mà tràn đầy không khí tâm trạng.

b. Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

Thân bài: Sắp xếp các ý đã tìm được theo trật tự hợp lí để bài viết được triển khai mạch lạc, chặt chẽ

- Khát quát chủ đề của truyện

- Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật

- Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa đối với cuộc sống

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận

Dàn ý tham khảo:

* Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Thạch Lam, tác phẩm Dưới bóng hoàng Lan.

- Giới thiệu nhân vật Thanh, bà của Thanh, Nga.

* Thân bài:

1) Chủ đề truyện: giá trị của tình cảm gia đình và những điều thân thuộc đối với mỗi cá nhân.

2) Phân tích nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật

- Nhân vật Thanh: yêu thương bà, yêu gia đình, trân trọng cô gái hàng xóm.

- Nhân vật người bà: yêu thương cháu, nhân hậu, giàu đức hi sinh.

- Nhân vật Nga: hiền dịu, chu đáo, thuỷ chung.

=> Mối quan hệ giữa các nhân vật gắn bó, thân thiết, họ luôn quan tâm và dành cho nhau tình cảm chân thành.

3)  Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa đối với cuộc sống

a. Nội dung:

- Tác phẩm đem đến cho người đọc cảm nhận được sự bình yên của mái nhà, quê hương.

- Đồng thời, nó còn ca ngợi tình cảm gia đình thiêng liêng, đẹp đẽ.

b. Nghệ thuật:

- Ngôn từ tinh tế.

- Lối kể chuyện nhẹ nhàng, có sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại.

- Giọng văn tha thiết, dịu dàng.

* Kết bài:

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của tác phẩm.

3. Viết

Bài viết tham khảo

Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, cũng là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam những năm 1930 - 1945. Tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm văn chương của Thạch Lam lại thấm đượm những giá trị nhân văn sâu sắc, những câu chuyện của đời sống vô cùng bình dị được nhà văn đưa vào tác phẩm với những điểm nhấn tạo thành những tác phẩm có giá trị, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bao thế hệ độc giả xưa - nay. Một trong những truyện ngắn thể hiện rõ phong cách viết rất riêng của Thạch Lam phải kể đến “Dưới bóng hoàng lan”.

“Dưới bóng hoàng lan” có cốt truyện nhẹ nhàng, khung cảnh làng quê gần gũi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những cái độc đáo, mới lạ mà nhà văn Thạch Lam mang đến, đó chính là hương vị của con người, của tình người. Những tình cảm ngỡ như đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng thầm kín, có sức lay động mạnh mẽ đến tâm thức, trái tim của người đọc, người nghe.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Thanh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân yêu duy nhất của Thanh đó là bà, tuổi thơ của Thanh luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che của người bà. Đối với chàng thanh niên ấy, bà vừa là cha, là mẹ, cũng là người thân duy nhất của anh.

Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”, dù xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê thì ngôi nhà ấy vẫn chẳng có sự đổi thay nào, tựa như tình yêu thương nơi người bà vậy “…cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Sự tĩnh lặng của căn nhà bỗng gợi lên trong Thanh biết bao tư vị, khiến anh “…trở nên nghẹn họng”.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở Thanh một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà trên tất cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng. Mỗi lần về thăm quê, Thanh không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên “…Khi Thanh từ giã cái bức nóng của phố xã, bước chân vào ngôi nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương mến sau hai năm xa cách. Sự chăm sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt phảng phất đâu đây đem đến chàng sự nhẹ nhõm….” Đó là sự nhẹ nhõm của tâm hồn con người luôn yêu quê, hướng về quê hương.

Các trang văn của Thạch Lam luôn vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại có sức lay động đến bình dị. Theo bước chân Thanh, người đọc như được hòa nhập làm một với nhân vật, cùng trải qua bao trạng thái, cảm xúc, từ bồi hồi, mừng rỡ đến hạnh phúc ngập tràn khi gặp lại người bà. Chỉ một câu nói của bà “Đi vào trong nhà không nắng cháu” khiến cho người đọc xúc động khôn nguôi, sự quan tâm dù rất nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tình cảm, tấm lòng bao la của người bà đối với Thanh, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất.

Vì vậy mà dù đã khôn lớn, trưởng thành nhưng khi ở bên bà Thanh luôn cảm thấy mình như một đứa nhỏ, được yêu thương, chăm sóc bởi bà: “Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng. Tuy vậy, chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng, cũng như những ngày chàng còn nhỏ”. Thế mới nói tình cảm gia đình, mà ở đây là tình bà cháu thật vĩ đại, thiêng liêng, nó làm cho con người ta cảm thấy nhỏ bé, tâm hồn như được trở về tuổi thơ để đón nhận từng cử chỉ, từng quan tâm của những người mà ta yêu quý nhất.

Trở về thăm nhà sau hai năm xa quê, gặp lại bà, được nhận những yêu thương, quan tâm của bà, Thanh có cảm giác như được trở về với tuổi thơ “…tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng”. Sự xa cách của thời gian cũng không thể làm đổi thay những cảnh vật ngôi nhà, càng không tác động được đến thứ tình cảm thiêng liêng, bền vững của tình bà cháu “…Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ”.

Ngoài ra, tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, phải chăng đó chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa? Dù sau đó Thanh vẫn tiếp tục phải lên đường, Nga ở lại, mỗi năm lại tự cài lên mái tóc của mình bông hoa hoàng lan như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa bắt đầu nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.

Chất thơ của truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” còn được thể hiện rõ nét qua nhân vật người bà. Người bà quan tâm từng việc nhỏ nhặt nhất của người cháu. Đối với bà, người cháu dù có lớn khôn đến đâu thì với bà lúc nào cũng là một đứa nhỏ cần được yêu thương, chăm sóc: “ …Ở đấy, bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Tình yêu thương của bà giản dị nhưng thật thiêng liêng, cao quý biết bao! Tuy chỉ được miêu tả qua một câu ngăn ngủi nhưng ta dường như còn cảm nhận được ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp, hiền từ của người bà. Ánh mắt ấy là cả trời yêu thương, quan tâm đến đứa cháu làm cho Thanh “..cảm động ứa nước mắt”, còn đối với người đọc như được trở về với những kí ức bên người bà, mỉm cười hạnh phúc với những kỉ niệm thân yêu của chính mình.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý để thực hiện việc chỉnh sửa hoàn thiện.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức siêu ngắn, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác