(Siêu ngắn) Soạn bài Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau - Kết nối tri thức

Bài viết soạn bài Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau trang 66, 67, 68 siêu ngắn gọn sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức giúp học sinh lớp 10 dễ dàng soạn văn 10.

* Yêu cầu

(Siêu ngắn) Soạn bài Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau | Kết nối tri thức

1. Chuẩn bị thảo luận

a. Chuẩn bị nói

- Lựa chọn đề tài: Giăng Van-giăng có thực sự khôi phục được uy quyền của mình trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” hay không?

- Tìm và sắp xếp ý:

+ Giới thiệu cuộc đời và lí do Giăng Van-giăng có uy quyền.

+  Trình bày một số quan điểm khác nhau về nhận định “Giăng Van-giăng đã khôi phục uy quyền của mình trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”.

+ Trình bày quan điểm của bản thân và đưa ra một số lí lẽ, dẫn chứng trong tác phẩm.

b. Chuẩn bị nghe

- Tìm hiểu các thông tin cần thiết xung quanh vấn đề nêu ra để thảo luận.

- Ghi vắn tắt ý kiến của bản thân về vấn đề thảo luận.

- Sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng đi đến cách hiểu thoả đáng về vấn đề.

2. Thực hành nói và nghe

Người nói

Người nghe

- Nêu sự hưởng ứng đối với đề tài của cuộc thảo luận.

- Tóm tắt và đánh giá các ý kiến đã có về vấn đề nêu cách nhìn nhận riêng của mình và làm rõ căn cứ của cách nhìn nhận đó.

- Tóm tắt lại ý kiến của bản thân, nêu những điểm cần được đồng thuận, nhấn mạnh sự bổ ích của cuộc thảo luận.

- Nghe trên tinh thần chuẩn bị đưa ra ý kiến hồi đáp để thúc đẩy cuộc thảo luận đạt kết quả tích cực.

- Ghi vắn tắt vào sổ tay hay vở ghi chép những điểm cần tranh luận với người nói.

Bài nói tham khảo

Cách đây gần 200 năm, đại thi hào Pháp Vích-to Huy-gô đã để lại cho nên văn học thế giới một tác phẩm nhân đạo bất hủ - đó là tiểu thuyết Những người khốn khổ. Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất trong cả thiên truyện. Đoạn trích đã tái hiện trước mắt người đọc về số phận và sự tương phản nhân cách giữa những nhân vật, đặc biệt là Giăng Van-giăng và Gia-ve. Vậy nhân vật thực sự khôi phục uy quyền ở đây là ai? Đã có những tranh luận được đưa ra, và hôm nay, chúng ta sẽ cùng thảo luận về vấn đề “Giăng Van-giăng có thực sự khôi phục được uy quyền của mình trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” hay không?”

Giăng Van-giăng là nhân vật chính của tiểu thuyết “Những người khốn khổ”. Cuộc đời và số phận của Giăng Van-giăng là hành trình đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ xiềng xích gông cùm đến tự do của con người.

Cuộc đời Giăng Van-giăng là một chuỗi dài những biến cố. Vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho đứa cháu nhỏ đang đói khát khốn khổ mà rơi vào cảnh tù giam suốt 21 năm dài. Sau khi được tự do, dù đi đến bất cứ nơi đâu ông cũng bị người người xa lánh. Sau đó, ông gặp được vị giám mục Mi-ri-en tốt bụng. Được tình thương cứu vớt, Giăng Van-giăng tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời, ông đổi tên thành Ma-đơ-len, trở thành thị trưởng và làm chủ một nhà máy giàu có. Tuy đã đứng ở địa vị khác, ông vẫn luôn luôn giúp đỡ mọi người. Tình cờ ông gặp được Phăng-tin, người phụ nữ đã phải bán răng bán tóc để cứu con mình và cứu giúp cô.

Những tưởng sẽ bình yên trôi qua như vậy thì gã thanh tra Gia-ve vẫn không ngừng truy tìm tung tích Giăng Van-giăng. Trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”, Giăng Van-giăng xuất hiện trong hoàn cảnh cứu vớt Phăng-tin và đối đầu với Gia-ve. Sau cái chết của Phăng-tin, Giăng Van-giăng lại rơi vào cảnh tù tội. Dù sau này, Giăng Van-giăng vượt ngục nhiều lần, thay đổi tên họ, nhưng lẽ sống và tình thương vẫn luôn là ánh sáng cuộc đời ông. Có thể nói, cuộc đời ông có nhiều biến cố, song toàn bộ những biến cố ấy dường như càng tô đậm tính cách và phẩm chất đáng quý của ông.

Vẻ đẹp tỏa sáng nhất trong phẩm chất của Giăng Van-giăng chính là tình yêu thương và tấm lòng lương thiện, luôn bao dung và sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Tình yêu thương ấy được thể hiện rõ ràng và cảm động nhất trong cuộc gặp gỡ với chị Phăng-tin, trong thời điểm trước khi theo Gia-ve về. Dẫu biết sẽ phải trở lại nơi ngục giam tối tăm, u ám, sẽ phải lần nữa mang lên mình tờ giấy vàng cho danh tính phạm nhân. Nhưng điều ông quan tâm khi ấy không phải những gì bản thân sắp phải đối mặt mà là làm sao có thể tìm được con gái cho Phăng-tin.

Thấy Phăng-tin run lên vì sợ hãi, Giăng Van-giăng nhẹ nhàng trấn an “Cứ yên tâm. Không phải nó bắt chị đâu”. Ông thậm chí đã nhún nhường với Gia-ve xin hoãn lại 3 ngày để tìm con cho chị mà không phải làm điều gì khác cho chính mình. Mọi cử chỉ, hành động ấy đều xuất phát từ tình thương của ông. Giăng Van-giăng không muốn chị Phăng-tin thêm sợ hãi, không muốn bệnh trạng của chị thêm nghiêm trọng, và cũng muốn giúp đỡ chị tìm được con gái Cô-dét bé bỏng mà chị ngày đêm mong nhớ.

Khi Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng quỳ xuống thành giường, khẽ thì thầm vào tai và hôn lên bàn tay chị, vuốt mắt cho chị. Tất cả cử chỉ đều thể hiện nỗi đau đớn xót thương chân thành. Với một người không hề quen biết, có thể làm được như vậy hoàn toàn chứng minh tấm lòng cao thượng của Giăng Van-giăng.

Không những mang trong mình tình yêu thương cao đẹp, Giăng Van – giăng còn hiện lên là người kiên cường, dũng cảm, không hề khuất phục trước quyền lực. Bị Gia-ve phát hiện mình là người tù khổ sai, Giăng Van-giăng vẫn, không sợ hãi, không hoảng loạn, bình tĩnh đón nhận. Nhún nhường, cầu xin để đảm bảo an toàn cho Phăng-tin.

Nhưng Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng hoàn toàn thay đổi. Ông sẵn sàng lên giọng đầy thách thức, kết tội Gia-ve chính là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của chị Phăng-tin. Trước hành động thô bạo, ngang ngược của Gia-ve, Giăng Van-giăng “bẻ gãy thanh giường và tiến về phía Gia-ve”. Không có sợ hãi, không có nhún nhường, chỉ có quyết liệt. Gia-ve đã khiếp sợ và lùi về phía sau. Giăng Van-giăng đã khôi phục lại uy quyền của mình, uy quyền khiến cho kẻ cầm thú Gia-ve cũng phải run rẩy.

Người đọc nhìn thấy ở đây sự tương phản đối lập vô cùng mãnh liệt giữa Giăng Van-giăng và Gia-ve. Giăng Van-giăng là hiện thân của cái thiện trong khi Gia-ve là hiện thân của cái ác. Gia-ve hiện lên như một con thú, chỉ chờ nhảy vào cắn xé, hung dữ và độc ác. Còn Giăng Van-giăng lại hoàn toàn hiện lên trong dáng vẻ của một con người, con người chân chính, biết sống vì người khác.

Có thể nói, đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là đoạn trích vô cùng ấn tượng trong toàn bộ tiểu thuyết. Đoạn trích mang đậm dấu ấn đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn với thủ pháp phóng đại, so sánh, ẩn dụ và tương phản đối lập. Từ đó khắc họa thành công hình tượng nhân vật Giăng Van – giăng giàu tình yêu thương, lương thiện, kiên cường và dũng cảm. Đặc biệt gửi gắm trong đó niềm tin của V.Huy-gô vào con đường cải tạo xã hội, ngợi ca những con người rơi vào khốn khổ vẫn có lòng nhân ái vô bờ. Khát khao thay đổi cuộc sống bằng tình yêu thương, sự lương thiện, xua tan bóng tối và sự độc ác.

Dù chỉ là một phần rất nhỏ trong tiểu thuyết đồ sộ của V.Huy-gô, đoạn trích đã thành công khắc họa Giăng Van – giăng từ tác phẩm bước ra, uy quyền, mạnh mẽ, sáng đẹp rực rỡ và trở thành một nhân vật tiêu biểu cho cả văn học Pháp. Sự uy quyền mà Giăng Van-giăng có được xuất phát từ tấm lòng cao cả, nhân đạo đẹp đẽ của ông.

3. Đánh giá

- Thực hiện tự đánh giá và đánh giá về bài trình bày dựa trên các nội dung được nêu trong bảng sau: 

(Siêu ngắn) Soạn bài Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau | Kết nối tri thức

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức siêu ngắn, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác