(Siêu ngắn) Soạn bài Luyện tập và vận dụng trang 125, 126, 127 Tập 2 - Kết nối tri thức

Bài viết soạn bài Luyện tập và vận dụng trang 125, 126, 127 Tập 2 siêu ngắn gọn sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức giúp học sinh lớp 10 dễ dàng soạn văn 10.

1. Đọc

Đọc hai văn bản và thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (trang 126 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Hai văn bản Vật liệu thông minh và 80 năm nhìn lại... nhắc bạn nhớ tới những văn bản nào đã được đọc, tham khảo hay thực hành viết trong học kì II? Dựa vào đâu mà bạn có liên hệ như vậy?

Trả lời:

- Văn bản “Vật liệu thông minh” gợi nhắc tới các văn bản: “Sự sống và cái chết, Nghệ thuật truyền thống của người Việt, Phục hồi tầng Ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu” vì nó đều là những văn bản thông tin, cung cấp đến những tri thức về thế giới khách quan.

- Văn bản “80 năm nhìn lại...” gợi nhắc đến các văn bản “Về chính chúng ta, Con đường không chọn, Một đời như kẻ tìm đường, Mãi mãi tuổi 20” vì nó đều là những bài luận về bản thân, chia sẻ về cuộc đời của người viết. 

Câu 2 (trang 126 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Yếu tố tự sự, biểu cảm thể hiện đậm nét trong văn bản nào? Hãy phân tích lí do xuất hiện và ý nghĩa của yếu tố tự sự, biểu cảm ở văn bản đó.

Trả lời:

Văn bản “80 năm nhìn lại...”

- Lí do xuất hiện: Yếu tố tự sự giúp kể về hành trình khôn lớn của tác giả.

- Ý nghĩa: Yếu tố biểu cảm giúp tác giả bày tỏ những cảm nhận, đánh giá của mình trước những sự kiện của cuộc đời.

Câu 3 (trang 126 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Trong văn bản 1, những câu nào có sử dụng biện pháp chêm xen?

Trả lời:

- Đây là những chất rắn có tính chất - như màu sắc, hình dạng hoặc từ tính - có thể thay đổi một cách độc lập để thích ứng với các kích thích như ánh sáng, nhiệt độ, áp lực hoặc độ ẩm.

- Nhìn chung, chức năng của chúng chia làm sáu loại - thay đổi màu sắc, cảm nhận, di chuyển, sưởi ấm/làm mát, tự khắc phục và thay đổi trạng thái (đóng băng và tan chảy).

- Và vật liệu thông minh không bị giới hạn trong địa hạt khoa học viễn tưởng hay phòng thí nghiệm - hầu hết mọi người đã quen thuộc với một vài thứ như kính râm đổi màu, tự động tối lại khi gặp ánh sáng mặt trời, hoặc cốc tri nhiệt biến sắc, tự động thay đổi màu sắc khi đổ cà phê nóng vào bên trong.

- Đây là tương lai của thế giới vật chất - và đó sẽ là một nơi thú vị.

Câu 4 (trang 126 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Trong văn bản Vật liệu thông minh có câu: “Phạm vi của chủ đề này rất rộng”. Dựa vào hiểu biết của mình, bạn có thể nói thêm điều gì về chủ đề đã được tác giả gợi lên?

Trả lời:

- Có thể nhắc đến những ngành nghề có thể áp dụng “vật liệu thông minh” để hỗ trợ con người: ngành điện tử, y tế, gia dụng, giáo dục,...

Câu 5 (trang 126 sgk Ngữ văn 10 Tập 2): Cả hai văn bản, theo những cách khác nhau, đều chứa đựng những gợi ý bổ ích về bước đường tương lai của chính chúng ta. Bạn có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao?

Trả lời:

 Em đồng ý với ý kiến này vì hai văn bản đã đồng thời cung cấp thông tin về sự cải tiến, sáng tạo mới về những ứng dụng tương lai giúp hỗ trợ cuộc sống con người; đồng thời nói về sự liên kết giữa người với người, biết tương trợ nhau của công dân toàn thế giới. Điều đó vẽ lên viễn cảnh tương lai con người có cuộc sống hiện đại, tiện nghi và hòa binh.

2. Viết

Chọn một trong các đề sau:

Đề 1 (trang 127 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):

Viết một bài văn nghị luận thể hiện những điều bạn cảm nhận được qua việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của danh nhân Nguyễn Trãi.

Bài viết tham khảo

"Danh nhân văn hóa thế giới" Nguyễn Trãi là một trong những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến văn học Việt Nam. Cuộc sống tuy nhiều thăng trầm nhưng sau tất cả, con người ông vẫn sáng ngời phẩm chất, giá trị đạo đức tốt đẹp cùng tài năng "ngàn năm có một". Ông đã trở thành một tượng đài trong lòng người dân đất Việt.

Qua thông tin từ sách báo, có thể thấy, Nguyễn Trãi là một con người "tài hoa bạc mệnh". Ông có tài năng, có nền tảng gia đình tốt đẹp. Nhưng tiếc thay, ông lại sống trong một giai đoạn lịch sử hỗn loạn hỗn loạn. Sự sụp đổ và vùng lên của các triều đại phong kiến gây ra bao lục đục, mâu thuẫn nội bộ. Rất nhiều công thần chính trực, liêm khiết bị bọn xu nịnh hãm hại, trong đó có cả Nguyễn Trãi. Không chỉ phải chịu án thảm khốc "chu di tam tộc", tất cả các tác phẩm của ông cũng bị hủy hoại. Chỉ đến khi vua Lê Thánh Tông giải oan vào năm 1464, văn thơ Nguyễn Trãi mới dần được tìm kiếm và khôi phục lại.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi không chỉ nổi tiếng bởi mức độ đồ sộ, đa dạng mà còn bởi những giá trị vượt thời đại mà nó mang đến.

Nội dung chủ đạo xuyên suốt các tác phẩm của Ức Trai có thể kể đến: tư tưởng nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên và nỗi lòng ưu tư về thế sự. Đó là tấm lòng trung quân, ái quốc, trọng dân, ơn dân sâu sắc, quý báu của người làm quan. Đó là những rung động, cảm nhận, chiêm nghiệm đầy tinh tế của tâm hồn người nghệ sĩ về cuộc sống. Và đó cũng là băn khoăn, trăn trở trước thời cuộc. Nhìn vào thực tế xã hội đổ vỡ với bộ máy chính quyền thối nát, Nguyễn Trãi chỉ còn biết thở dài đầy cay đắng.

Không chỉ xuất sắc về nội dung, thơ văn Nguyễn Trãi còn là sự kết tinh hoàn hảo của vô số hình thức nghệ thuật đặc sắc. Với vai trò là nhà chính trị, ông đã vô cùng thành công với thể loại văn chính luận. Ngòi bút của ông đạt đến trình độ mẫu mực, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các tư tưởng, đạo đức Nho giáo với chân lí, quy luật tất yếu của cuộc sống. Thơ ông dù bằng chữ Hán hay chữ Nôm thì đều sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật một cách điêu luyện, giản dị, đậm đà tính dân tộc. Đặc biệt, ông còn sáng tạo nên thể thơ Nôm riêng khi đưa những câu thơ sáu chữ vào bài thơ thất ngôn vô cùng hài hòa. Có thể nói, Nguyễn Trãi đã đóng góp nhiều giá trị lớn cho sự phát triển và hoàn thiện của văn học trung đại Việt Nam.

Sinh ra trong một thời đại loạn lạc với vô vàn cám dỗ, Nguyễn Trãi đã chứng tỏ sự thanh khiết, chính trực của một bậc đại trượng phu qua vô vàn áng thơ văn giàu tính triết lí. Tuy cuộc đời gặp nhiều thăng trầm, bi kịch nhưng ông vẫn sáng ngời đức tính tốt đẹp. Ông mãi là một trong những tượng đài lớn của nền văn học nước nhà.

Nói về Nguyễn Trãi, Xuân Diệu đã từng nhận xét: "Trán thi sĩ vượt mây nhưng trong ruột thơ vẫn cháy lên ngọn lửa đời rất ấm". Câu nói ấy là lời khẳng định cho cái cao cả, bao la của thơ văn Nguyễn Trãi, đánh thức bao cảm xúc mãnh liệt ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Những tác phẩm của ông đã, đang và sẽ còn nguyên giá trị đối với mọi thế hệ sau này.

Đề 2 (trang 127 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):

Tình thế lựa chọn khó khăn nhưng đầy ý nghĩa mà bạn đã trải qua trong hành trình rèn luyện - trưởng thành của mình.

Hãy viết về chủ đề trên.

Bài viết tham khảo

Tôi, một cô gái mới bước chân vào cấp 3, đã trải qua những khó khăn và lựa chọn liên quan đến việc chọn trường công, trường tư, trường trọng điểm hay trường tầm khá.

Lý do gây ra sự băn khoăn không ngừng đó là vì khả năng học của tôi chỉ ở mức tầm khá, trong khi kỳ vọng của bản thân lại là ở mức giỏi. Tôi đã đặt ra những giả thuyết cho bản thân, ví dụ như nếu tôi đỗ vào trường công hàng đầu, tôi sẽ có cơ hội học tập trong một môi trường tốt nhất (so với khu vực), thời gian đi học ngắn nhất, phương tiện di chuyển an toàn nhất và quan trọng nhất là tôi sẽ tự hào và hãnh diện với thành tựu đó. Tuy nhiên, tôi cũng đặt ra một kế hoạch dự phòng nếu tôi không đạt đủ năng lực để vào trường công, đó là học tập trong một môi trường dân lập.

Đối với tôi, không có gì xấu hổ với việc là một dân lập, nhưng học phí thực sự là một vấn đề đáng lo ngại đối với gia đình truyền thống nông nghiệp như của tôi. Khi đến lúc phải đặt nguyện vọng, tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng tôi phải lựa chọn con đường mình sẽ đi và có trách nhiệm đối với nó. Tôi quyết định dũng cảm chọn hai trường đứng đầu khu vực để thi vào. Đây không phải là sự tự mãn, cũng không phải là sự chưa nhận ra khả năng của bản thân, mà là vì tôi muốn thực sự cố gắng và tin tưởng vào khả năng của mình. Hơn thế, tôi luôn có sự hỗ trợ và động viên từ gia đình. Bố mẹ tôi chưa bao giờ nói "con phải giỏi, con phải đỗ" mà thay vào đó là "con hãy cố gắng, con sẽ làm được". Đó là nguồn động lực lớn đối với tôi và lúc đó, tôi biết rằng tôi phải nỗ lực và niềm tin có giá trị đến mức nào. Tôi từng rất bi quan, nhưng lúc đó, tôi đã đắm chìm vào việc học, tôi kiên trì và cố gắng, rèn luyện không ngừng với quyết tâm phải đỗ. Và ngày nào đó, thành quả đã đến, tôi thật sự đã đỗ vào trường đứng đầu khu vực. Khi biết điểm, cả gia đình tôi đã khóc như mưa, khóc vì sự lựa chọn và khóc vì tôi đã thực sự nỗ lực và thành công. Trên gương mặt cha mẹ, hiện lên ánh mắt tự hào. Lúc đó, tôi hiểu rằng đó là lần đầu tiên tôi đã làm được một điều gì đó đáng tự hào.

Trước khi có kết quả thi, tôi đã từng đặt những giả thuyết rằng nếu tôi không đỗ, tôi sẽ không hối tiếc gì, vì ít nhất tôi đã dám thử, dám tin vào bản thân và không có gì để buồn. Nhưng có lẽ, chính sự dũng cảm đó đã giúp tôi bước qua cánh cửa của giấc mơ đã từ lâu.

Bây giờ, khi đã trải qua học tập trong môi trường đó, tôi mới thấy giá trị thực sự của sự dũng cảm từ thời cấp 2, giúp tôi có một môi trường học tập tuyệt vời. Tôi tin rằng trong kỳ thi đại học, tôi sẽ có nền tảng vững chắc và những công cụ cần thiết để đạt được thành công.

Cuộc sống không có gì đáng sợ, không có gì mà không thể tin, không có gì mà không thể thử. Hãy tin vào bản thân!

Đề 3 (trang 127 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):

Trong số những tác phẩm văn học mà bạn đã tìm đọc được theo gợi ý ở các bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai, tác phẩm nào đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tác phẩm đó theo các vấn đề nội dung và nghệ thuật tự chọn.

Bài viết tham khảo

Thạch Lam được biết đến là nhà văn với một phong cách sáng tác vô cùng riêng biệt. Các tác phẩm của ông không chỉ nhẹ nhàng, thấm đượm chất trữ tình mà còn mang nhiều nét nghệ thuật độc đáo, nổi bật. Một trong số những tác phẩm đó không thể không nhắc đến chính là Hai đứa trẻ. Câu chuyện về Liên và An đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Thạch Lam sáng tác không nhiều nhưng đủ để mọi người nhận thấy ông là một nhà văn có phong cách riêng trong sáng, giản dị mà thâm trầm sâu sắc. Mỗi truyện của ông giống như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc thương yêu con người và cảnh vật. Hai đứa trẻ cũng như những truyện ngắn khác, tác phẩm phản ánh những cảnh đời bề ngoài dường như không có gì đáng để ý, nhưng đi vào bên trong, nơi sâu lắng của tâm hồn thì mảnh đời nào, nhất là của tầng lớp nghèo khổ, cũng gợi lên bao nỗi xót xa, thương cảm, có lúc sâu sắc, tinh tế đến bất ngờ.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh phố huyện lúc chiều tà. Đó là tiếng trống thu không, là hình ảnh đám mây đỏ rực, lũy tre đen kịt, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve,… gợi cảm giác bâng khuâng, man mác. Trong bức tranh chiều tàn nơi phố huyện có sự hòa trộn giữa hai loại hình ảnh: hình ảnh êm đềm, thi vị (tiếng trống thu không) và hình ảnh gợi sự nghèo khổ, bần cùng (tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng muỗi vo ve) thật nhịp nhàng, hòa hợp giữa cảnh với người. Những câu từ vừa giàu hình ảnh, nhạc điệu, vừa uyển chuyển, tinh tế. Nó không những khiến người đọc hình dung ra cảnh vật mà còn khơi gợi tình cảm, xúc cảm trước thiên nhiên gần gũi, bình dị của quê hương. Cảnh chợ chiều đã vãn bộc lộ rõ cái nghèo: rác rưởi vung vãi trên nền chợ và những đứa trẻ lom khom tìm kiếm những gì có thể dùng được cho cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng. Đó là mặt trái, là một thứ bóng tối của xã hội lúc bấy giờ.

Bắt đầu đêm thì đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối. Bác hàng phở lom khom nhóm lửa thì bóng bác mênh mang ngả xuống đất một vùng và kéo đến tận đàng xa. Chị em Liên ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc bàng với cái tối chung quanh. Mẹ con chị Tí ra mở hàng nước. Bà cụ Thi hơi điên đi mua rượu với tiếng cười gây sợ hãi. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối; tối hết con đường thăm thẳm ra sông; con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa; chỉ có những khe sánh, quầng sáng, chấm lửa nhỏ, hột sáng… Bóng tối át cả ánh sáng. Vài ánh sáng thưa thớt, mờ nhạt khiến bóng tối lại càng dày đặc. Vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào cành cây, cũng như hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh trên liền trời.

Trang sách nhuộm đầy bóng tối là để gắn vào cái khung tối tăm ấy những mảnh đời không kém tối tăm. Trong cảnh ngày tàn, chợ tàn, hiện lên những kiếp người tàn tạ. Họ có chung cuộc sống tối tăm, nghèo đói, chung cảnh ngộ tẻ nhạt, buồn chán. Tuy vậy, trong tâm hồn họ vẫn ánh lên vẻ đẹp của tình người, tình quê hương và le lói một niềm hi vọng vào một ngày mai tươi sáng. Ngồi trước cửa hàng, Liên lặng lẽ cảm nhận khung cảnh chiều quê, tuy buồn bã nhưng thân thuộc, gần gũi và cảm thông, chia sẻ với những con người sống lay lắt nơi phố huyện nghèo này.

Đêm nào Liên và An cũng cố thức cho tới giờ xe lửa chạy qua theo đúng lời mẹ dặn, nhưng còn vì một lí do đặc biệt khác. Với hai đứa trẻ, đoàn tàu là một thế giới khác hẳn với cuộc sống tù túng, tẻ nhạt hằng ngày của chúng. Đoàn tàu chưa tới nhưng đã được báo trước bằng ánh đèn của người gác ghi và tiếng còi tàu từ xa vẳng lại. Liên trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi, rồi nghe thấy tiếng còi xe lửa trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió. Sau đó, nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, kèm theo một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa… Thế rồi tàu rầm rộ đi tới, các toa đèn sáng trưng, những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh. Cuối cùng là cảnh đoàn tàu đi xa dần, mất hút trong đêm tối mênh mông, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt, cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre… Chuyến tàu đêm mang đến cho con người nơi đây sự hoạt động náo nhiệt, sáng rực, vui vẻ và huyên náo, đầy hấp dẫn trái ngược với cuộc sống của người dân nơi đây: lặng lẽ, tối tăm, im lặng mênh mông của đêm tối, trong giấc ngủ và cả trong sự lãng quên. Chuyến tàu đêm chỉ thoáng qua trong chốc lát rồi lại trả cuộc sống phố huyện về trạng thái mênh mang, yên lặng và đầy bóng tối. Điều đó dường như làm cho nỗi buồn càng thêm thấm thía trong tâm hồn hai đứa trẻ; để lại cho chúng sự khát khao, nuối tiếc không nguôi. Gần như đã thành nếp, những người dân nơi phố huyện chỉ chấm dứt hoạt động của một ngày khi chuyến tàu đêm đã đi xa. Đối với chị em Liên, đoàn tàu đến từ Hà Nội gợi lại những kỉ niệm đẹp, nơi hai chị em đã sống thời thơ ấu êm ấm và sung sướng. Đó là cuộc sống ở một thời chưa xa, hoàn toàn khác với cuộc sống ở phố huyện buồn tẻ và nghèo nàn này. Đoàn tàu còn là hình ảnh của tương lai, nó khiến những người nghèo khổ hình dung ra một thế giới giàu sang, nhộn nhịp, đầy âm thanh và ánh sáng.

Thạch Lam đã tạo ra sự tương ứng giữa thế giới ngoại cảnh (bức tranh phố huyện) với thế, giới nội tâm nhân vật (tâm trạng cô bé Liên) trong từng thời khắc: cảnh chiều buông thì người buồn man mác; cảnh đêm xuống thì người đợi chờ khắc khoải; cảnh đêm khuya, chuyến tàu đi qua thì người buồn tiếc, mơ tưởng, khát khao, giúp bạn đọc hình dung ra rõ nét hơn tâm trạng cũng như những suy tư của hai nhân vật chính là Liên và An.

Giọng văn Thạch Lam nhẹ nhàng, khách quan nhưng ẩn chứa một tình cảm xót thương thực sự đối với những con người nghèo khổ. Tình cảm nhân đạo của tác giả rất đáng trân trọng. Ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả tinh tế mà vẫn rất tự nhiên, khiến người đọc khó quên. Nhiều năm tháng qua đi nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Đề 4 (trang 127 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):

Theo quan sát và trải nghiệm của bạn, ở không gian sinh hoạt cộng đồng nào còn thiếu những quy định, hướng dẫn về hành vi ứng xử cần có cho mọi người? Trong vai người được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ủy nhiệm, bạn hãy hoàn thành một bản nội quy hay hướng dẫn nơi công cộng góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, có văn hóa.

Bài viết tham khảo

NỘI QUY VƯỜN THÚ HÀ NỘI

Vườn thú Hà Nội là nơi trưng bày các loài động vật phục vụ nhân dân và khác nước ngoài đến thăm quan, vui chơi, giải trí. Đồng thời, vườn thú còn là nơi nghiên cứu khoa học về động vật, góp phần trong công tác bảo tồn, giáo dục việc giữ gìn môi trường thiên nhiên. Vườn thú đang từng bước phát triển, quý khách đến tham quan đề nghị chấp hành những quy định sau:

1. Tham quan các loại động vật yêu cầu đứng ngoài hàng rào bảo hiểm ngăn cách chuồng. Không trêu chọc, kích động và cho động vật ăn bất kì loại đồ ăn nào.

2. Có ý thức bảo vệ động vật, vườn hoa, cây cảnh, cây bóng mát, hồ nước và các tài sản phục vụ nhu cầu trang chí trưng bày.

3. Quay phim, chụp ảnh làm tư liệu xuất bản, luyện tập quân sự, cắm trại trong vườn thú cần liên hệ trước với cơ quan.

4. Tôn trọng vui chơi công cộng, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, không làm mất mỹ quan trong vườn thú.

5. Khi vào vườn thú cấm mang các loại vũ khí như: súng bắn chim, chất nỗ, chất cháy ... cấm các phương tiện câu bắt cá, cấm tắm giặt và bơi lội trong hồ.

6. Các loại xe quý khách để đúng nơi quy định, không đi lại bằng các loại xe trong phạm vi vườn thú.

7. Vườn thú mở cửa bán vé phục vụ quý khách theo thời gian sau:

- Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00.

- Mùa hè từ 7h00 đến 17h30.

8. Quý khách đến liên hệ công tác và làm việc với vườn phải qua phòng thường trực xuất trình giấy tờ.

Hà Nội Zoo

3. Nói và nghe

Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung sau:

Nội dung 1 (trang 127 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):

Thảo luận về vấn đề: Cần xử lí như thế nào mối quan hệ giữa việc tuân phục ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trên vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?

Bài nói tham khảo

Để giúp bản thân trở nên hoàn hảo hơn thì trước hết bạn phải biết điều gì cần làm và nên làm. Hiểu mình, hiểu người không phải là việc riêng của cá nhân nào mà đó còn là một triết lí sống khiến bất kì ai trong chúng ta cũng cần học hỏi. Vậy hiểu mình, hiểu người có ý nghĩa như thế nào đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người?

Sự thấu hiểu về bản thân chính là bước đệm để bạn khám phá được thế giới nội tâm của những người xung quanh. "Hiểu mình" là việc bạn biết vị trí của mình đang ở đâu, bạn đang cần gì và phải làm gì để trở thành phiên bản tốt nhất có thể. Tôn Tử đã từng dạy: "Tri kỉ, tri bỉ bách chiến bách thắng" (Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng) cho nên hiểu mình thôi là chưa đủ mà bạn cần phải hiểu người thì mới có thể giành chiến thắng vang dội. Hiểu người chính là sự đồng cảm, sự chia sẻ với những người xung quanh bằng tất cả cảm xúc chân thành nhất mà không cần sự đáp lại.

"Con người sinh ra là để sống chứ không phải là tồn tại" (Jack London) nhưng trong nhịp sống hiện đại hối hả thì con người bỗng trở nên sống vội, mặc kệ mọi thứ xung quanh và cũng quên rằng mình đang sống vì điều gì. Nếu bạn không có mục đích sống thì chẳng khác gì những chiếc thuyền lênh đênh ngoài biển khơi giữa đêm tối mịt mù mà không có ngọn hải đăng chiếu sáng. Khi bạn hiểu được tiếng nói của lòng mình thì đây chính là chiếc đòn bẩy vực bạn ra khỏi bóng đêm tiêu cực. Để biết mình đang muốn gì thì bạn cần nắm được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tiếp tục trau dồi và phát huy điểm mạnh, thay đổi và khắc phục điểm yếu, biến điểm yếu trở thành điểm mạnh. Bên cạnh việc hiểu mình thì chúng ta cũng cần đốt cháy ngọn lửa trong trái tim để nó lan tỏa hơi ấm đến những người xung quanh. Trong ca khúc "Để gió cuốn đi" cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng". Có thể nói việc hiểu mình, hiểu người chính là sợi dây tình cảm rút ngắn khoảng cách giữa người với người trong xã hội hiện đại.

Chúng ta không thể lựa chọn nơi sinh ra nhưng chúng ta có quyền được lựa chọn cách sống cho riêng mình. Bên cạnh những người có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc thì vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bơ vơ, bất hạnh khác đang cần sự sẻ chia, đồng cảm từ mọi người. Khi bạn biết quan tâm, chia sẻ những thứ mình có cho người còn thiếu bằng tất cả tấm chân tình mà không cần sự đáp lại từ họ thì bạn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Hiểu mình, hiểu người chính là cánh cửa mở ra thế giới của hạnh phúc. Không những vậy, bạn còn được mọi người xung quanh yêu mến, quý trọng và thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu lòng nhân ái.

"Lá lành đùm lá rách" là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta và luôn được các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy. Hiểu mình, hiểu người chính là khi bạn biết chung tay góp sức để làm việc có ích cho xã hội. Đại dịch Covid đang diễn ra phức tạp trên khắp cả nước đã khiến cho nhiều lao động phải mất việc, rơi vào cảnh nghèo khó. Nhờ có sự chung tay giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm của các "Mạnh Thường Quân" nên rất nhiều lao động nghèo khổ được nhận bảo hiểm thất nghiệp, tiền ủng hộ và các nhu yếu phẩm để trang trải cuộc sống. Rất nhiều gian hàng "Đổi rác lấy thực phẩm" ở Hà Nội đã hỗ trợ đắc lực cho những người có hoàn cảnh khó khăn trước áp lực của Covid 19 vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc lại vừa chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên bên cạnh những tấm lòng hảo tâm thì vẫn còn có một bộ phận nhỏ những cá nhân sống ích kỉ, chỉ biết sống cho riêng mình và vô cảm trước những nỗi đau của nhân loại. Họ là những người sống không có ước mơ, không có lí tưởng, không biết chung tay góp sức vì một xã hội tràn ngập tình người.

Để mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa thì mỗi chúng ta cần xây dựng một kế hoạch cụ thể về những việc cần làm và phải làm để lấy đó là mục tiêu phấn đấu. Nếu bạn dám ước mơ, dám khao khát về một điều gì đó thì nhất định bạn sẽ tìm ra cách để gỡ rối những khó khăn mắc phải bởi "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Khi bạn đã hiểu được lòng mình thì việc đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh cũng sẽ trở nên dễ dàng.

Hiểu mình, hiểu người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân. Đó là chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa của thành công và hạnh phúc. Hãy hướng tâm hồn đến những vùng đất cần sự giúp đỡ của bạn để biết trân trọng hơn những ngày ta còn sống.

Nội dung 2 (trang 127 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):

Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.

Bài nói tham khảo

Giữa bộn bề ngột ngạt của cuộc sống xô bồ, tìm về với những áng văn Thạch Lam viết về thiên nhiên thơ mộng trữ tình, ta thấy lòng nhẹ nhõm và bình yên đến lạ! Bức tranh quê trong đa số tác phẩm truyện ngắn Thạch Lam, luôn chứa đựng những gì tinh khôi và đẹp đẽ nhất, Thạch Lam là một cây bút được coi là hàng đầu của văn xuôi Việt Nam. Thạch Lam đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có tác phẩm Dưới bóng hoàng lan. tác phẩm là truyện ngắn không có cốt truyện. Nó không kể một câu chuyện mà nó gợi sâu suy nghĩ. Thời gian đọng lại không gian tĩnh lặng hé lộ kín đáo bi kịch đời người màn người đọc phải cảm nhận kĩ mới cảm nhận được. Đó chính là cái thú vị cái đặc sắc của tác phẩm.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Thanh mồ côi cha mẹ, sống cùng bà, hai bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, tuổi thơ của Thanh tuy đầy sự vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che của người bà. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ nhưng lần trở về này đã cách kỳ trước hai năm. Có phải đời sống thị thành đã nhiều lúc khiến Thanh quên rằng người bà tóc bạc phơ đang sống những ngày cuối cùng trong đời mỏi mắt trông chờ anh, đáp lại tiếng gọi bà ơi một cái bóng nhẹ từ bên trong vụt ra rơi xuống mặt bàn anh chàng định thần nhìn con mèo của nhà anh chàng. Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”. Tuy đã xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê, với Thanh ngôi nhà ấy vẫn như ngày nào vậy, tựa như tình yêu thương nơi người bà “ …cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Ngôi nhà thân thuộc ấy phần nào lại khiến cho anh chàng cảm thấy hồi hộp bồi hồi đến kì lạ khiến chàng thấy cảm động quá.

Đọc tác phẩm, người đọc có thể thấy ở Thanh toát lên một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà hơn cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng. Mỗi lần về thăm quê, Thanh đều có cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên. Thanh cảm thấy thời gian như quay ngược lại, không gian đứng lặng, phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ. Các trang văn của Thạch Lam luôn vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại có sức lay động đến bình dị đến vậy. Theo bước chân của Thanh, người đọc như được hòa nhập làm một với nhân vật, được ngắm nhìn khung cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa. Câu văn ngắn gọn mà chan chứa tình cảm của bà “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đã khiến cho người đọc thấy xúc động khôn nguôi, sự quan tâm dù rất nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tình cảm, tấm lòng bao la của người bà đối với Thanh, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Trở về thăm nhà sau hai năm xa quê, gặp lại bà, được nhận những yêu thương, quan tâm của bà, Thanh có cảm giác như được trở về với tuổi thơ khi còn nhỏ “…tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng”.

Hình ảnh người bà tuy xuất hiện không hẳn nhiều nhưng chỉ với vài chi tiết, những hành động, những lời nói quan tâm của bà dành cho Thanh, ta cũng có thể cảm nhận được trọn vẹn tình cảm bao la của người bà. Từ lời quan tâm “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đến lời thúc giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi “Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?…”. Bà sợ cháu đi đường xa về mệt, bà sửa gối chiếu, dùng phất trần để phủi bụi trên giường, bà giục cháu nghỉ ngơi còn mình thì xuống bếp nấu ăn vì sợ cháu đói. Đối với Thanh khi ở bên bà lúc nào cũng có cảm giác được che chở, được quan tâm thì đối với bà, người cháu dù có lớn khôn đến đâu thì với bà lúc nào cũng là một đứa nhỏ cần được yêu thương, chăm sóc: “ …Ở đấy, bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Hình ảnh người bà đã thể hiện trọn vẹn chất thơ trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam, khiến người đọc thấy cảm động trước tình cảm gia đình – tình bà cháu thiêng liêng.

Không gian trong truyện ngắn cũng được Thạch Lam thành công miêu tả một cách sống động, hình ảnh khu vườn xưa hiện lên trước mắt Thanh với con đường Bát Tràng rêu phủ với những vòm ánh sáng lọt qua vòm cây với bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà với cả một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Một khu vườn với cây hoàng lan vốn quen thuộc nhưng lại rất mát mẻ và dịu dàng đối với Thanh đến lạ thường. Và trong không gian bóng hoàng lan ấy, hình ảnh những cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng cũng khiến Thanh hơi dao động phần nào. Chàng cảm thấy không gian náo nhiệt ồn ào ngoài kia như đang dừng lại trên bậc cửa.

Hình ảnh cây hoàng lan xuyên suốt câu truyện gắn với những kỉ niệm khi xưa của Thanh và cũng là nhân chứng cho tình yêu trong sáng của đôi trẻ Thanh – Nga. Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Thạch Lam đã đưa chất thơ vào thể hiện sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, đó cũng chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa.

Dù cho tình yêu của Thanh và Nga có chưa đầy sự gian khổ, khó khăn khi Thanh một lần nữa phải lên đường thì nó vẫn bền vững như ngày nào dưới sự chứng kiến của cây hoàng lan, Nga vẫn sẽ đợi Thanh, vẫn sẽ hái hoa hoàng lan cài lên tóc mỗi mùa hoa nở như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa đi được đến hồi kết nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời. Đọc truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, người đọc không chỉ cảm thán bởi tình cảm gia đình, tình bà cháu hay tình yêu đôi lứa của Thanh và Nga mà còn thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng mà đầy chất trữ tình.

Như vậy, một tác phẩm văn học có giá trị khi nó khơi lên trong lòng bạn đọc sự trăn trở, suy tư và rút ra được những bài học kinh nghiệm về con người, cuộc đời. Vì vậy, tôi mong rằng bạn hãy nâng niu những cuốn sách, những tác phẩm mà người nghệ sĩ đã cố công tạo ra nó. Hãy đọc, cảm nhận và sống cùng nó để thấy rằng... văn chương thật đẹp biết nhường nào!

Nội dung 3 (trang 127 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):

Tự hiểu mình có dễ không và làm thế nào để hiểu? Hãy thực hiện bài thuyết trình về vấn đề trên.

Bài nói tham khảo

Franklin đã từng nói “Có ba thứ cực kỳ cứng: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân.” Việc hiểu người khác có thể thông qua suy nghĩ, cử chỉ, hành động của họ để phán đoán tính cách, sở thích, hiểu sơ bộ về họ nhưng để hiểu được bản thân mình là một điều rất phức tạp và khó khăn. Không ít người đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để hiểu được chính mình nhưng rồi họ lại ngừng hỏi vì không tìm thấy câu trả lời.

Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt. Ai cũng có những thế mạnh, sở trường. Hiểu được bản thân là điều đầu tiên để phát triển, để từ đó làm việc mình thích và có một cuộc đời như mơ ước. Điều quan trọng có lẽ là mình hiểu được mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được mình thích gì, muốn gì, mình phù hợp với cái gì để rồi từ đó mài giũa bản thân một cách tốt hơn. Nhưng để hiểu được chính mình không phải điều dễ dàng, không phải chỉ trong một sớm một chiều mà có thể xong được, nó là cả một quá trình đầy sự khó khăn.

Có rất nhiều cách để tự hiểu chính mình và điều đầu tiên bạn cần làm là ngừng so sánh mình với người khác, ngừng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, học cách lắng nghe và yêu thương chính mình. Bạn nên học cách lắng nghe chính bản thân mình, không nên quá để ý những lời nhận xét, đánh giá từ bên ngoài, có thể nghe ý kiến của người khác nhưng không được để nó chi phối bản thân mình. Khi bạn để những lời đánh giá, lời nói tiêu cực làm ảnh hưởng đến mình thì việc hiểu bản thân mình sẽ càng khó hơn, những suy nghĩ của bạn sẽ không còn rõ ràng và tỉnh táo để có thể tự hỏi chính bản thân mình nữa. Hãy giữ một cái đầu lạnh và tỉnh táo để tự hỏi, để lắng nghe suy nghĩ của chính bản thân.

Ngoài việc lắng nghe bản thân từ bên trong thì sự trợ giúp hữu ích từ bên ngoài cũng là một sự gợi ý khi tìm hiểu bản thân. Nếu hoàn toàn mù mờ về bản thân thì bạn có thể bắt đầu bằng những thứ cơ bản là làm các bài trắc nghiệm tính cách: Trắc nghiệm MBTI (viết tắt của Myers – Briggs Type Indicator), Trắc nghiệm hướng nghiệp “mật mã Holland”, Trắc nghiệm các loại hình trí thông minh Gardner,… Các bài trắc nghiệm tính cách là một công cụ khá hữu ích, có thể giúp bạn tự tin hơn khi phần nào nhận ra những tiềm năng riêng của bản thân mình. Các bạn cũng có thể tham khảo các môn từ phương Đông đến phương Tây như tử vi, chiêm tinh học, các cung hoàng đạo… có thể xác định được phần nào sở thích, tính cách, thế mạnh và những công việc phù hợp với một người. Việc xem tử vi, chiêm tinh học, cung hoàng đạo, … có thể ít chính thống hơn nhưng đối với một số người nó cũng khá và chính xác và có ích cho việc hiểu bản thân hơn.

Một cách khác để hiểu bản thân hơn là hỏi. Đặt ra những câu hỏi cho những người xung quanh mình, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, người yêu… những người bạn nghĩ rằng họ hiểu bạn. Hỏi họ nghĩ bạn là người như thế nào, họ miêu tả bạn ra sao, nếu dùng năm từ khác nhau để mô tả bạn, họ sẽ dùng những từ gì. Hãy hỏi họ nghĩ điều gì ở bạn mà bạn nên thay đổi, và nên giữ nguyên. Đặt câu hỏi hay nhờ họ đưa ra những gợi ý cho việc định hướng nghề nghiệp nên hoặc không nên làm, những việc gì sẽ phù hợp với bạn hơn. Bạn có thể tham khảo câu trả lời của họ cùng với những suy nghĩ, đánh giá từ sâu trong nội tâm để hiểu hơn về bản thân mình.

Như đã nói, việc tự tìm hiểu bản thân mình mình là một quá trình lâu dài và khó khăn nhưng bạn không nên từ bỏ vì quá nản lòng. Việc tự hiểu bản thân là bước đầu tiên để có một cuộc đời mơ ước, nhưng từ đó đến cuộc sống trong mơ là cả một chặng đường dài. Cuộc sống và ước mơ là do chính bản thân tự quyết định, chỉ khi bạn hiểu được mình thì bạn mới thật sự thành công trong cuộc sống.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức siêu ngắn, hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác