[Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 9 Đà Nẵng có đáp án (10 đề)

Tuyển chọn [Năm 2024] Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 9 Đà Nẵng có đáp án (10 đề) chọn lọc được các Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn và sưu tầm từ đề thi Ngữ Văn 9 của các trường THCS. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi Giữa kì 1 môn Ngữ Văn 9.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

Câu 1. (2.0 điểm)

Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình.

- Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình?

- Hãy chọn và phân tích một câu thơ (hoặc một đoạn thơ) trong đoạn trích để làm nổi bật bút pháp nghệ thuật này dưới ngòi bút Nguyễn Du. 

Câu 2. (3.0 điểm)

- Hãy kể tên các phương châm hội thoại đã học.

- Chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống:

a. Nói nhảm nhí, vu vơ là…

b. Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý là…

c. Nói rành mạch, cặn kẽ, có trước có sau là…

d. Nói có căn cứ chắc chắn là…

e. Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến là…

 (nói mát;  nói hớt; dây cà ra dây muống; nói móc; nói mò; nói có sách, mách có chứng; nói leo; nói nhăng nói cuội, nói ra đầu ra đũa)

Cho biết mỗi từ ngữ trên chỉ cách nói liên quan đến phương châm hội thoại nào? 

Câu 3. (5.0 điểm)

Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm 

Câu 1. (2.0 điểm)

-Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng. Cảnh không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Cảnh là phương tiện miêu tả, tâm trạng là mục đích miêu tả. (0.5 điểm)

- Học sinh chọn và phân tích một câu thơ (hoặc một đoạn thơ) trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du.

Yêu cầu:

+ Chọn hợp lý (Câu thơ hay đoạn thơ phải sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, phải truyền tải 1 nội dung tương đối trọn vẹn). (0.5 điểm)

+ Phân tích được những đặc sắc của bút pháp tả cảnh ngụ tình trong câu (đoạn) thơ đã chọn. (1.0 điểm)

Câu 2. (3.0 điểm)

- Các phương châm hội thoại đã học: (0.5 điểm)

+ Phương châm về lượng

+ Phương châm về chất

+ Phương châm quan hệ

+ Phương châm cách thức

+ Phương châm lịch sự

- Chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống và phương châm hội thoại liên quan. (2.5 điểm)

a. Nói nhảm nhí, vu vơ là nói nhăng nói cuội: phương châm về chất.

b. Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý là nói móc:phương châm lịch sự.

c. Nói rành mạch, cặn kẽ, có trước có sau là nói ra đầu ra đũa:phương châm cách thức.

d. Nói có căn cứ chắc chắn là nói có sách, mách có chứng:phương châm về chất.

e. Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến là nói leo: phương châm lịch sự.

Câu 3. (5.0 điểm)

Yêu cầu kĩ năng:

- HS có kĩ năng tạo lập văn bản tự sự (kể chuyện tưởng tượng dưới hình thức viết thư).

- Kết hợp tốt các yếu tố miêu tả, biểu cảm…

- Không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, văn viết trong sáng, có cảm xúc…

Yêu cầu kiến thức: HS cần:

-Xác định ngôi kể: Ngôi thứ nhất, người kể chuyện chính là bản thân mình (đồng thời cũng là nhân vật chính trong câu chuyện).

-Xây dựng cốt truyện:

+ Tình huống truyện: Là buổi về thăm trường cũ sau 20 năm xa cách.

+ Diễn biến: Tiến trình buổi về thăm trường (đến trường, thời gian ở lại trường và ra về)

 (Diễn biến câu chuyện cần hấp dẫn, lôi cuốn, sâu sắc, có cảm xúc, đúng không gian và thời gian đề bài yêu cầu.Cần kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm…)

+ Kết thúc: Bối cảnh phút chia tay mái trường, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân…

- Xây dựng nhân vật:

+ Nhân vật tôi (người viết thư, người kể chuyện và là người về thăm trường cũ)

+ Các nhân vật khác (có thể có): người bạn học cũ, những nhân vật mà nhân vật tôi gặp gỡ trong buổi về thăm trường…

(Các nhân vật cần có sự sinh động về ngoại hình và chiều sâu nội tâm, sử dụng khéo léo các hình thức đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm…)

----------HẾT----------

Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 9 Đà Nẵng có đáp án Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

Câu 1. (1.0 điểm)

Giải thích ý nghĩa của thành ngữ sau và cho biết thành ngữ đó có liên quan đến phương châm hội thoại nào?

Dây cà ra dây muống

Câu 2. (2.0 điểm)

Viết một đoạn văn ngắn (6-8 câu) dùng câu văn sau làm lời dẫn trực tiếp:

Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ Tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, Người muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được và làm được.

 (Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại).

Câu 3. (7.0 điểm)

Trong đời em, em đã mắc một lỗi lầm khiến em day dứt mãi. Em hãy kể lại lỗi lầm ấy?

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm

Câu 1. (1.0 điểm)

Giải thích ý nghĩa: nói dài dòng, rườm rà. (0.5 điểm)

Liên quan tới phương châm cách thức (0.5 điểm)

Câu 2. (2.0 điểm)

Học sinh có thể viết đoạn văn diễn dịch, quy nạp... nhưng cần nắm vững kĩ năng viết đoạn văn, biết viết đoạn văn có sử dụng lời dẫn trực tiếp. Các câu có sự liên kết chặt chẽ, lôgic với ý câu được dẫn. Diễn đạt mạch lạc rõ ràng, văn viết có cảm xúc. Đảm bảo dung lượng từ 6 – 8 câu.

Câu 3. (7.0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết viết một bài văn tự sự có kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận.

- Bố cục rõ ràng, văn phong trong sáng, dùng từ đặt câu chính xác, chữ viết sạch sẽ, đúng chính tả.

b. Yêu cầu về kiến thức:

- Học sinh có nhiều cách làm bài. Nhưng câu chuyện được kể phải là câu chuyện thật sự gây xúc động, ám ảnh người viết. Người viết phải có cảm xúc chân thực (buồn, đau khổ, hối hận ...). Bài viết có những suy ngẫm về lỗi lầm, về con người, về cuộc đời. Bài viết cần có những ý sau:

- Hoàn cảnh xảy ra lỗi lầm.

- Quá trình mắc lỗi.

- Tâm trạng sau khi mắc lỗi.

- Suy ngẫm của bản thân.

----------HẾT----------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

Câu 1. (3.0 Điểm)

Đọc các tổ hợp từ sau và trả lời theo yêu cầu bên dưới:

- Người sống đống vàng.

- Còn người còn của.

- Gan vàng dạ sắt.

- Quý hơn vàng.

a. Tổ hợp từ nào là thành ngữ?

b. Cho biết nghĩa của thành ngữ đã tìm được?

c. Đặt một câu có sử dụng thành ngữ đó?

Câu 2. (7.0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều thể hiện qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du).

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm 

Câu 1. (3.0 điểm)

Cần trả lời các ý sau:

a. Tổ hợp từ gan vàng dạ sắt là thành ngữ. (0.5 điểm)

b. Nghĩa của thành ngữ này là: biểu thị tinh thần kiên định, vững vàng. (0.5 điểm)

c. Đặt được câu sử dụng đúng thành ngữ trên, có dấu kết thúc câu. (1.0 điểm)

Ví dụ: Chiến sĩ ta gan vàng dạ sắt.

Câu 2. (7.0 điểm)

Yêu cầu chung

HS viết bài văn nghị luận đủ 3 phần. Trong khi phân tích phải dẫn thơ và phân tích cả nội dung và nghệ thuật. Nếu không dẫn thơ mà chỉ kể chung chung trừ nửa số điểm của bài. Giáo viên khi chấm chỉ coi đây là định hướng chấm, cần linh hoạt cho điểm hợp lý.

Yêu cầu cụ thể

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những ý sau:

Mở bài 

- Giới thiệu Nguyễn Du và Truyện Kiều.

- Giới thiệu đoạn trích và vấn đề cần nghị luận: diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Thân bài 

Vị trí đoạn trích: Nằm ở phần 2 của “Truyện Kiều”, Tú Bà đưa Kiều ra sống một mình ở lầu Ngưng Bích thực chất là giam lỏng Kiều, rắp tâm chuẩn bị một âm mưu mới.

Không gian mênh mang (bốn bề bát ngát), cảnh tình tan tác, chia lìa (non xa - trăng ngần; cát vàng cồn nọ - dặm hồng bụi kia), lòng người phụ bạc đã đẩy Kiều sa vào cảm xúc bẽ bàng, bơ vơ.

- Nỗi nhớ của Kiều 

+ Nàng xót xa, thương nhớ người yêu, thương nhớ cha mẹ.

- Nỗi buồn của Kiều 

+ Sau cảm xúc nhớ người yêu, cha mẹ, lòng Kiều lại hụt hẫng và nỗi buồn điệp điệp (Buồn trông… ghế ngồi). 

- Khái quát 

Với bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh diệu, Nguyễn Du đã khắc họa thật rõ nét từng biến thái tâm trạng nỗi buồn đau đáu của nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích, đồng thời cũng làm sáng lên tấm lòng thuỷ chung, đức tính hiếu thảo, rất đáng được trân trọng ở Thuý Kiều.

Kết bài 

- Suy nghĩ bản thân về tác giả và nhân vật.

- Liên hệ thực tế.

----------HẾT----------

Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 9 Đà Nẵng có đáp án Đề 3

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

PHẦN I (2.0 điểm):

Khoanh tròn các đáp án đúng:

Câu 1. Các thành ngữ: nửa úp nửa mở, nói nước đôi liên quan đến phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm về chất

B. Phương châm về lượng

C. Phương châm quan hệ 

D. Phương châm cách thức

Câu 2. Khi chuyển đổi lời dẫn trực tiếp sang lời dẫn gián tiếp ta không cần lưu ý điều gì?

A. Bỏ dấu hai chấm và dấu ngoặc kép

B. Có thể thêm “rằng” hoặc “là” trước lời dẫn

C. Có thể lược bỏ 1 số từ ngữ không cần thiết

D. Không cần lược bỏ từ ngữ nào

Câu 3. Các cụm từ sau cụm từ nào không phải là điển tích điển cố.

A. Núi Vọng phu.              

B. Cỏ Ngu mĩ.                

C. Lòng chim dạ cá.                  

D. Ngọc Mị Nương.

Câu 4. Khi giao tiếp phải tuân thủ mấy phương châm hội thoại?

A. Một                             

B. Hai                            

C. Bốn                                       

D. Năm

Câu 5. Từ đầu trong dòng nào sau đây được dùng theo nghĩa gốc?

A. Đầu bạc răng long.

B. Đầu súng trăng treo.

C. Đầu non cuối bể.

D. Đầu sóng ngọn gió.

Câu 6. Trong các từ sau từ nào là từ láy?

A. Tươi tốt              B. Rổ rá                    C. Lao xao                          D. Bọt bèo

Câu 7. Thành ngữ nào có nội dung được giải thích như sau: dung túng, che chở cho kẻ xấu, kẻ phản trắc?

A. Mỡ để miệng mèo

B. Nuôi ong tay áo

C. Ếch ngồi đáy giếng

D. Cháy nhà ra mặt chuột

Câu 8. Thành ngữ ăn ốc nói mò mang nét nghĩa nào trong những nét nghĩa sau:

A. Nói nhảm nhí vu vơ

B. Nói hồ đồ không có căn cứ

C. Nói bịa đặt vu khống

D. Nói ba hoa khoác lác

PHẦN II. (3.0 điểm):

Cho đoạn văn:

Cần tạo cho trẻ em cơ hội tìm, biết được nguồn gốc lai lịch của mình và nhận thức được giá trị của bản thân trong một môi trường mà các em thấy là nơi nương tựa an toàn thông qua gia đình hoặc những người khác trông nom các em tạo ra. Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do. Cần khuyến khích trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ tham gia vào sinh hoạt văn hóa xã hội.

(Theo SGK Ngữ văn 9 học kì I -NXB GD Việt Nam)

Câu 1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Thuộc phần nào của văn bản?

Câu 2. Đoạn văn có câu “Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do”. Theo em hiểu “một cuộc sống có trách nhiệm” của trẻ em là gì?

Câu 3. Nhận thức được tầm quan trọng của chăm sóc và bảo vệ trẻ em Đảng, nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm bằng những việc làm nào? (kể 2-3 việc làm cụ thể).

Câu 4. Từ những nhiệm vụ đặt ra cho mọi người trong đoạn văn. Liên hệ với bản thân em, nếu chứng kiến ở đâu đó trong cuộc sống những hành vi ngược đãi, bạo hành đối với trẻ em, lúc ấy em sẽ làm gì?

PHẦN III (5.0 điểm):

Giới thiệu về chiếc quạt giấy - một đồ vật gần gũi trong cuộc sống con người.

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm 

PHẦN I. (2.0 điểm)

Câu 1: D

Câu 2: D

Câu 3: C

Câu 4: D

Câu 5: A

Câu 6: C

Câu 7: B

Câu 8: A

PHẦN II. (3.0 điểm)

Câu 1. Đoạn văn trích trong văn bản Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em. (0.25 điểm)

Đoạn văn thuộc phần cuối của văn bản (phần nhiệm vụ). (0.25 điểm)

Câu 2. Em hiểu một cuộc sống có trách nhiệm của trẻ em là:

Trẻ em tự ý thức được các suy nghĩ, hành động, việc làm của mình một cách đúng đắn theo chuẩn mực đạo đức xã hội. Biết tự điều chỉnh bản thân, biết yêu thương chia sẻ… với người khác, không chỉ sống cho riêng mình mà còn cho gia đình, xã hội. (0.5 điểm)

Câu 3. Những việc làm của Đảng, nhà nước ta: xây dựng những nhà văn hóa thiếu nhi, những làng trẻ S0S, những trường học, bệnh viện nhi, tổ chức cho trẻ vui tết trung thu hàng năm, vui ngày quốc tế 1/6… (0.5 điểm)

Câu 4. Bản thân em nếu chứng kiến đâu đó trong cuộc sống những hành vi ngược đãi, bạo hành đối với trẻ em, lúc ấy em sẽ:

- Lên tiếng đấu tranh, giải thích cho họ hiểu đó là hành vi vi phạm quyền trẻ em (0.5 điểm)

- Gọi những người xung quanh đến can thiệp. (0.5 điểm)

Tìm cách báo cho chính quyền địa phương gần nhất. (0.5 điểm)

→   Học sinh có thể có cách xử  phù hợp vẫn cho điểm.

PHẦN III. (5.0 điểm)

Yêu cầu chung

- Bài văn phải bám sát thể loại thuyết minh.

- Biết kết hợp sử dụng biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả phù hợp, sinh động.

- Văn phong diễn đạt trôi chảy, ngôn ngữ trong sáng, giàu cảm xúc.

Yêu cầu cụ thể

HS cần đảm bảo được các ý sau:

a. Mở bài: giới thiệu rõ vai trò, ý nghĩa của cái quạt giấy trong đời sống người Việt Nam. 

b. Thân bài: Lần lượt giới thiệu các nội dung: nguồn gốc, họ hàng, đặc điểm cấu tạo, công dụng và giá trị sử dụng của quạt giấy.

c. Kết luận: Nhấn mạnh giá trị, sự tiện ích của quạt giấy trong cuộc sống hiện tại. 


----------HẾT----------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 5)

Câu 1. (3.0 điểm) Giải thích ý nghĩa và cho biết các thành ngữ sau liên quan đến các phương châm hội thoại nào.

- Nói băm nói bổ.

- Nói như đấm vào tai.

- Điều nặng tiếng nhẹ.

- Nửa úp nửa mở.

- Mồm loa tép nhảy.

- Đánh trống lảng.

- Nói như dùi đục chấm mắm cáy.

Câu 2. (2.0 điểm)

Miêu tả vẻ đẹp của nàng Kiều, Nguyễn Du viết:

 Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

(SGK Ngữ văn 9 - tập 1)

Khi chép lại hai câu thơ này để phân tích, một bạn học sinh đã chép nhầm từ hờn trong câu thơ thứ hai thành từ buồn. Em hãy giải thích ngắn gọn cho bạn hiểu rằng việc chép sai như vậy đã làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu thơ?

Câu 3. (5.0 điểm)

a. Thương cảm cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, Nguyễn Du đã từng viết: 

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Em hiểu như thế nào về ý thơ trên? 

b. Từ cuộc đời của Vũ Nương - nhân vật trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Thúy Kiều - nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, em hãy viết bài văn nêu cảm nhận về số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa và nay?

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm 

Câu 1. (3.0 điểm) Giải thích ý nghĩa và cho biết các thành ngữ sau liên quan đến các phương châm hội thoại nào.

- Nói băm nói bổ: nói bộp chát, xỉa xói (đây là phương châm lịch sự).

- Nói như đấm vào tai: nói mạnh, trái ý người khác, khó tiếp thu (đây là phương châm lịch sự).

- Điều nặng tiếng nhẹ: nói trách móc chỉ chiết (đây là phương châm lịch sự).

- Nửa úp nửa mở: thái độ mập mờ, ỡm ờ, không nói hết ý (đây là phương châm cách thức).

- Mồm loa tép nhảy: nói nhiều, lắm lời, đanh đá, nói át người khác (đây là phương châm lịch sự).

- Đánh trống lảng: né tránh, không muốn vào tham dự một việc nào đó, (đây là phương châm quan hệ).

- Nói như dùi đục chấm mắm cáy: nói không khéo léo, thô kệch, thiếu tế nhị (đây là phương châm lịch sự).

Câu 2. (2.0 điểm)

- Giải thích:

+ Từ “buồn” chỉ trạng thái của con người luôn lo nghĩ, âu sầu không vui.
 + Từ “hờn” chỉ thái độ giận dỗi ghen ghét, đố kị.

- Khẳng định:

+ Việc chép nhầm như vậy đã làm thay đổi ý nghĩa của câu thơ, không thể hiện được thái độ bất bình, đố kỵ của thiên nhiên trước dung nhan tươi thắm đầy sức sống của nàng Kiều, do đó cũng không dự báo được số phận éo le đau khổ của nàng.
+ Việc chép nhầm từ làm giảm ý nghĩa của câu thơ: Không thể hiện được vẻ đẹp hoàn mỹ của nàng Kiều, vẻ đẹp vượt trội hơn hẳn so với thiên nhiên, ngoài ra còn làm ảnh hưởng đến tính cân đối của hai vế trong câu thơ ( ghen phải đi với hờn)
 + Qua đó càng khẳng định nghệ thuật sử dụng từ ngữ bậc thầy của Nguyễn Du

Câu 3. (5.0 điểm)

a.  

+ Là nhận định về số phận chung của phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Bạc mệnh như một định mệnh bất di bất dịch đối với họ.

+ Bạc mệnh là gì?

– Bạc: mỏng; mệnh: số mệnh,

– Bạc mệnh: nghĩa hẹp là số phận mỏng manh, bạc bẽo. Nghĩa rộng là cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, tai ương, số phận long đong, vất vả hoặc là chết yểu một cách thảm thương.

b. 

Yêu cầu chung

- HS viết bài văn nghị luận đủ 3 phần. 

- Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo, có cảm xúc.

- Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Yêu cầu cụ thể:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những ý sau:

Mở bài

- Giới thiệu về hai tác phẩm.

- Qua hai tác phẩm đã học: Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta thấy rõ những nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu.

Thân bài

- Nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

+ Nàng Vũ Nương là nạn nhân của chế độ phong kiến nam quyền đầy bất công đối với người phụ nữ.

+ Cuộc hôn nhân của Vũ Nương với Trương Sinh không bình đẳng (Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng cưới Vũ Nương về làm vợ) - sự cách biệt giàu nghèo khiến Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu, cũng là cái thế để Trương Sinh đối xử với vợ một cách vũ phu, thô bạo và gia trưởng.

+ Chỉ vì lời nói con trẻ ngây thơ mà Trương Sinh tin nên đã hồ đồ độc đoán mắng nhiếc đánh đuổi vợ đi, không cho nàng thanh minh, Vũ Nương buộc phải tìm đến cái chết oan khuất để tự minh oan cho mình.

+ Cái chết đầy oan ức của Vũ Nương cũng không hề làm cho lương tâm Trương Sinh day dứt. Anh ta cũng không hề bị xã hội lên án. Ngay cả khi biết Vũ Nương bị nghi oan, Trương Sinh cũng coi nhẹ vì việc đã qua rồi. Kẻ bức tử Vũ Nương coi mình hoàn toàn vô can.

- Nhân vật Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

+ Nàng Kiều lại là nạn nhân của xã hội đồng tiền đen bạc.

+ Vì tiền mà bọn sai nha gây nên cảnh tan tác, chia lìa gia đình Kiều.

+ Để có tiền cứu cha và em khỏi bị đánh đập, Kiều đã phải bán mình cho Mã Giám Sinh - một tên buôn thịt bán người, để trở thành món hàng cho hắn cân đong đo đếm, cò kè mặc cả...

+ Cũng vì món lợi đồng tiền mà Mã Giám Sinh và Tú Bà đã đẩy Kiều vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, khiến nàng phải đau đớn, cay đắng suốt mười lăm năm lưu lạc, phải thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

- Điểm giống nhau giữa hai nhân vật

+ Họ đều là những người phụ nữ đẹp về mọi mặt nhưng đều bất hạnh.

+ Nạn nhân của xã hội phong kiến với nhiều định kiến hẹp hòi, bất công với người phụ nữ.

+ Những người phụ nữ như Vũ Nương, Thuý Kiều đều phải tìm đến cái chết để giải mọi nỗi oan ức, để giải thoát cuộc đời đầy đau khổ, oan nghiệt của mình.

- Mở rộng vấn đề

+ Người phụ nữ trong hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam XươngTruyện Kiều hội tụ những vẻ đẹp đáng quý nhất và cũng là đầy đủ những gì đau khổ, tủi nhục nhất của con người. Họ là đại diện tiêu biểu của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.

+ Viết về người phụ nữ, các nhà văn, nhà thơ đã đứng trên lập trường nhân sinh để bênh vực cho họ, đồng thời lên tiếng tố cáo gay gắt với các thể lực đã gây ra nỗi đau khổ cho họ.

+ Liên hệ với cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Kết bài

- Người đọc hiểu và cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ bất hạnh và đấu tranh cho hạnh phúc của người phụ nữ.

----------HẾT----------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 6)

I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm):      

Câu 1.  Chép 8 câu thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Truyện Kiều - Nguyễn Du). (2.0 điểm)

Câu 2. Miêu tả vẻ đẹp của hai chị em tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì? (1 điểm).

Câu 3. Trong các câu sau, câu nào từ chân được dùng với nghĩa gốc? Câu nào từ   chân được dùng với nghĩa chuyển? chuyển nghĩa theo phương thức nào?

a.  

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

b. 

Năm em học sinh khối 9 có chân trong đội tuyển bóng đá của trường.

c. 

Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con.

II. PHẦN LÀM VĂN (5.0 điểm)

Viết đoạn văn kể lại một giấc mơ, trong đó em gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm 

I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm):

Câu 1. HS chép đúng 8 câu thơ (2.0 điểm)

Câu 2. Nghệ thuật: Ước lệ (1.0 điểm)

Câu 3. (2.0 điểm)

Chân (a): Nghĩa chuyển – phương thức ẩn dụ

Chân (b): Nghĩa chuyển – phương thức hoán dụ

Chân (c): Nghĩa gốc

II. PHẦN LÀM VĂN (5.0 điểm):

1. Kỹ năng:

- Đoạn văn có bố cục rõ ràng, có liên kết.

- Có kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm.

- Lời kể, ngôi kể phù hợp.

- Diễn đạt trôi chảy, kể tự nhiên, ngữ pháp và chính tả chuẩn.

2. Nội dung:

- Giới thiệu được tình huống gặp lại người thân.

- Lựa chọn nhân vật, xây dựng nhân vật với những nét riêng (có kết hợp yếu tố miêu tả để tạo được nét độc đáo của nhân vật).

- Kể lại sự việc tiêu biểu trong buổi gặp gỡ hoặc kỷ niệm đáng nhớ về nhân vật (có kết hợp miêu tả và biểu cảm).

- Suy nghĩ, tình cảm của bản thân đối với người thân qua giấc mơ ấy.

3. Hướng dẫn làm bài:

Mở đoạn: Giới thiệu được tình huống gặp lại người thân.

Thân đoạn:

- Kể lại sự việc tiêu biểu trong buổi gặp gỡ hoặc kỷ niệm đáng nhớ về nhân vật (có kết hợp miêu tả và biểu cảm).

Kết đoạn: Suy nghĩ, tình cảm của bản thân đối với người thân qua giấc mơ ấy…

----------HẾT----------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 7)

I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tết

Tết năm kia bố mẹ già tất bật nhặt lá mai, trang hoàng nhà đón chờ con cháu.

Chợt xe bưu phẩm dừng trước cửa, người ta ôm vào đủ loại quà kèm bưu thiếp ghi: “Bố mẹ ăn tết vui vẻ, sang năm chúng con sẽ về”.

Tết năm sau lại hăm hở dọn nhà. Lại xe đỗ cửa. Lại quà ngổn ngang. Và lời chúc quen thuộc.

Tết năm này con cháu về, thấy nhà mình thiếu tết. Cây mai nguyên lá. Mái nhà xanh rêu. Quà năm cũ còn nguyên, vương bụi.

Thế mà bố mẹ rưng rưng nói: “Năm nay có tết rồi!”.

(Trần Hoàng Trúc)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Tìm yếu tố miêu tả trong văn bản.

Câu 3. Tìm lời dẫn trực tiếp trong văn bản, cho biết dấu hiệu để em nhận ra đó là lời dẫn trực tiếp.

Câu 4. Cho biết một thông điệp có ý nghĩa em rút ra sau khi đọc văn bản trên (viết trong khoảng 5 – 7 dòng).

II. PHẦN LÀM VĂN (5.0 điểm):

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích, em hãy viết một đoạn văn nêu suy nghĩ của mình về tình cảm gia đình.

Câu 2. Tưởng tượng sau 20 năm nữa em có dịp về thăm trường cũ. Hãy kể lại buổi thăm trường xúc động đó.

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm 

I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm):

Câu 1. Phương thức: tự sự (1.0 điểm)

Câu 2. Yếu tố miêu tả: tất bật nhặt lá mai, trang hoàng nhà, hăm hở dọn nhà, quà ngổn ngang, cây mai nguyên lá, mái nhà xanh rêu, quà năm cũ còn nguyên, vương bụi, bố mẹ rưng rưng. (1.0 điểm)

Câu 3. (1.5 điểm)

- Lời dẫn trực tiếp:

“Bố mẹ ăn tết vui vẻ, sang năm chúng con sẽ về”.

“Năm nay có tết rồi!”.

- Đặt sau dấu hai chấm và trong ngoặc kép.

Câu 4. (1.5 điểm)

Học sinh nêu được một thông điệp có ý nghĩa, ví dụ:

- Là con cái, dù đi đâu thì tết cũng nên về sum họp cùng gia đình.

- Tết không quan trọng ở vật chất đủ đầy, điều quan trọng là cả gia đình được sum họp đầm ấm.

II. PHẦN LÀM VĂN (5.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Có thể trình bày theo hướng sau:

Giới thiệu về tình cảm gia đình.

Giải thích:

Tình cảm gia đình là gì? Tình cảm gia đình là mối liên hệ khăng khít, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình với nhau (ông bà - bố mẹ - con cái, anh - chị - em), được biểu hiện thông qua lời nói và hành động, cách ứng xử của từng thành viên.

Vai trò của tình cảm gia đình:

+ Đối với cá nhân: tạo động lực, lan tỏa yêu thương.

+ Đối với xã hội: tạo nên một xã hội vững mạnh, tràn đầy niềm vui, yêu thương.

Chúng ta cần làm gì để xây dựng tình cảm gia đình bền chặt? trong hành động và ứng xử.

Khẳng định vị trí, tầm quan trọng của tình cảm gia đình.

d. Sáng tạo: HS có cách viết độc đáo, linh hoạt.

e. Chính tả: dùng từ, đặt câu, đảm bảo chuẩn ngữ pháp, ngữ nghĩa TV.

Câu 2. (3.0 điểm)

a. Đảm bảo thể thức của một bài văn tự sự

b. Xác định đúng vấn đề tự sự

c. Triển khai hợp lí nội dung bài viết: Có thể trình bày theo hướng sau:

– Giới thiệu tên trường xưa, tưởng tượng đến trường vì lý do nào? đi bằng phương tiện gì?

– Miêu tả con đường đến trường: hãy so sánh con đường lúc đó và sau này.

– Miêu tả sân trường? (so sánh xưa – nay), các cây xanh trong trường thay đổi thế nào? ghế đá,…

– Miêu tả các phòng lớp (phòng vi tính, dụng cụ…). Các dãy phòng: phòng giám hiệu, phòng bộ môn, phòng đoàn đội…So sánh trước kia với hiện tại.

– Tả những hình ảnh, sự vật gắn với kỉ niệm thời xưa, nêu lên cảm xúc lúc đó của em.

– Nói về gặp lại thầy cô, những ai còn vẫn đang còn dạy, những ai đã nghỉ hưu. Kể về kỉ niệm gắn bó với những thầy cô thân thiết nhất.

– Gặp lại thầy cô chủ nhiệm lớp. Thầy cô đó đã thay đổi ra sao, miêu tả những thay đổi ngoại hình, khuôn mặt.

– Thầy cô trò nhắc lại kỷ niệm lúc xưa cách đây 20 năm:

+ Trò hỏi thăm các thầy cô cũ? Báo cho cô biết tình hình các bạn cũ và công việc của họ hiện tại.

+ Tâm trạng của thầy cô giáo sau khi nghe câu chuyện em kể thế nào? Cảm xúc ra sao?

+ Cảm xúc của em lúc đó thế nào? (xúc động, buồn…)

d. Sáng tạo: HS có cách kể chuyện độc đáo, linh hoạt.

e. Chính tả: dùng từ, đặt câu, đảm bảo chuẩn ngữ pháp, ngữ nghĩa TV.

----------HẾT----------

Đề thi Giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 9 Đà Nẵng có đáp án Đề 8

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 8)

Câu 1. (4.0 điểm) 

Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết những thành ngữ này có liên quan đến phương châm hội thoại nào : ăn đơm nói đặt, ăn ốc nói mò, ăn không nói có, cãi chày cãi cối, khua môi múa mép, nói dơi nói chuột, hứa hươu hứa vượn

Câu 2. (6.0 điểm)

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong trích đoạn Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).


----------HẾT----------

Câu 1. (4.0 điểm) 

- Ăn đơm nói đặt: nói theo cách vu khống, đặt điều, bịa chuyện cho người khác

- Ăn ốc nói mò: nói không căn cứ

- Ăn không nói có: nói theo cách vu khống, bịa đặt

- Cãi chày cãi cối: cố tranh cãi, không có lý lẽ thuyết phục, đúng đắn

- Khua môi múa mép: nói ba hoa, khoác lác

- Nói dơi nói chuột: nói lăng nhăng, linh tinh, không xác thực

- Hứa hươu hứa vượn: hứa hẹn lấy lòng nhưng không thực hiện

Các thành ngữ trên đều chỉ trường hợp vi phạm phương châm về chất. Phải tránh những cách nói, nội dung nói được chỉ ra trong các thành ngữ trên.

Câu 2. (6.0 điểm)

Yêu cầu chung

- Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo, có cảm xúc.

- Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Yêu cầu cụ thể:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những ý sau:

Vị trí đoạn trích:

- Cảnh ngày xuân nằm ở phần mở đầu của tác phẩm Truyện Kiều.

- Đoạn trích nói về cảnh thiên nhiên vào mùa xuân.

Khung cảnh ngày xuân:

- Hình ảnh con én, tác giả vừa gợi tả mùa xuân đến, vừa nói là thời gian trôi qua nhanh.

- Những hình ảnh có xanh, hoa trắng thì bức tranh mùa xuân hiện lên rất diễm lệ và tươi đẹp.

- Không gian thoáng đạt, cảnh mùa xuân hiện ra rất xinh đẹp và thơ mộng.


----------HẾT----------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 9)

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc kĩ đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(Ngữ văn 9, tập 1)

Câu 1. Đoạn thơ trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? (1.0 điểm)

Câu 2. Xác định các phương thức biểu đạt và nội dung chính của đoạn thơ? (1.0 điểm)

Câu 3. Tìm và giải thích nghĩa của từ Hán Việt trong hai câu thơ sau: (1.0 điểm)

Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Câu 4. Chỉ ra các từ láy có trong đoạn thơ trên và cho biết tác dụng của chúng? (1.0 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (6.0 điểm)

Tưởng tượng sau 20 năm nữa em có dịp về thăm trường cũ. Hãy kể lại buổi thăm trường xúc động đó.


----------HẾT----------

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm):

Câu 1. (1.0 điểm)

- Mức đạt tối đa: (1.0 điểm)

+ Đoạn thơ trích từ văn bản “Cảnh ngày xuân” (trích “Truyện Kiều).

+ Tác giả: Nguyễn Du.

Câu 2. (1.0 điểm)

+ Các phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm.

+ Nội dung: Cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về.

Câu 3. (1.0 điểm)

+ Từ Hán Việt:

Tiểu khê: Khe nước nhỏ

Câu 4. (1.0 điểm)

+ Các từ láy: Tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ.

+ Tác dụng: Có giá trị hình tượng và giá trị biểu cảm cao. Vừa gợi tả được hình ảnh của sự vật, vừa thể hiện được tâm trạng con người.

II. PHẦN LÀM VĂN (6.0 điểm):

a. Đảm bảo thể thức của một bài văn tự sự

b. Xác định đúng vấn đề tự sự

c. Triển khai hợp lí nội dung bài viết: Có thể trình bày theo hướng sau:

– Giới thiệu tên trường xưa, tưởng tượng đến trường vì lý do nào? đi bằng phương tiện gì?

– Miêu tả con đường đến trường: hãy so sánh con đường lúc đó và sau này.

– Miêu tả sân trường? (so sánh xưa – nay), các cây xanh trong trường thay đổi thế nào? ghế đá,…

– Miêu tả các phòng lớp (phòng vi tính, dụng cụ…). Các dãy phòng: phòng giám hiệu, phòng bộ môn, phòng đoàn đội…So sánh trước kia với hiện tại.

– Tả những hình ảnh, sự vật gắn với kỉ niệm thời xưa, nêu lên cảm xúc lúc đó của em.

– Nói về gặp lại thầy cô, những ai còn vẫn đang còn dạy, những ai đã nghỉ hưu. Kể về kỉ niệm gắn bó với những thầy cô thân thiết nhất.

– Gặp lại thầy cô chủ nhiệm lớp. Thầy cô đó đã thay đổi ra sao, miêu tả những thay đổi ngoại hình, khuôn mặt.

– Thầy cô trò nhắc lại kỷ niệm lúc xưa cách đây 20 năm:

+ Trò hỏi thăm các thầy cô cũ? Báo cho cô biết tình hình các bạn cũ và công việc của họ hiện tại.

+ Tâm trạng của thầy cô giáo sau khi nghe câu chuyện em kể thế nào? Cảm xúc ra sao?

+ Cảm xúc của em lúc đó thế nào? (xúc động, buồn…)

d. Sáng tạo: HS có cách kể chuyện độc đáo, linh hoạt.

e. Chính tả: dùng từ, đặt câu, đảm bảo chuẩn ngữ pháp, ngữ nghĩa TV.

----------HẾT----------

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa kì 1 Đà Nẵng

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 10)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cảnhững ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạnkhông theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậmchí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?

Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu vềđiều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thểhiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thựctế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu màngười khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình,nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ đượcđánh thức”…

(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên? (0.5 điểm)

Câu 2. Tìm câu văn có sử dụng biện pháp so sánh và nên tác dụng của nó (2.0 điểm)

Câu 3. Đặt 1 câu văn nói lên ý nghĩa của văn bản theo hướng tích cực. (0.5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm):

Tưởng tượng 20 năm sau, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy, kể lại một câu chuyện hoặc một kỷ niệm của buổi thăm trường đầy xúc động đó.

----------HẾT----------

Đáp án và Thang điểm 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Câu 1. (0.5 điểm): Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2.

- Câu văn có sử dụng biện pháp so sánh: Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. (1.0 điểm)

- Tác dụng của nó: Lối diễn đạt cụ thể, sinh động; chỉ ra sự tương đồng giữa một cuộc đời với vẽ một bức tranh giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực. (1.0 điểm)

Câu 3. Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng phải cơ bản nêu được: hãy theo đuổi ước mơ của mình. (0.5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm):

a. Đảm bảo thể thức của một bài văn tự sự

b. Xác định đúng vấn đề tự sự

c. Triển khai hợp lí nội dung bài viết: Có thể trình bày theo hướng sau:

– Giới thiệu tên trường xưa, tưởng tượng đến trường vì lý do nào? Đi bằng phương tiện gì?

– Miêu tả con đường đến trường: hãy so sánh con đường lúc đó và sau này.

– Miêu tả sân trường? (so sánh xưa – nay), các cây xanh trong trường thay đổi thế nào? Ghế đá,…

– Miêu tả các phòng lớp (phòng vi tính, dụng cụ…). Các dãy phòng: phòng giám hiệu, phòng bộ môn, phòng đoàn đội…So sánh trước kia với hiện tại.

– Tả những hình ảnh, sự vật gắn với kỉ niệm thời xưa, nêu lên cảm xúc lúc đó của em.

– Nói về gặp lại thầy cô, những ai còn vẫn đang còn dạy, những ai đã nghỉ hưu. Kể về kỉ niệm gắn bó với những thầy cô thân thiết nhất.

– Gặp lại thầy cô chủ nhiệm lớp. Thầy cô đó đã thay đổi ra sao, miêu tả những thay đổi ngoại hình, khuôn mặt.

– Thầy cô trò nhắc lại kỷ niệm lúc xưa cách đây 20 năm:

+ Trò hỏi thăm các thầy cô cũ? Báo cho cô biết tình hình các bạn cũ và công việc của họ hiện tại.

+ Tâm trạng của thầy cô giáo sau khi nghe câu chuyện em kể thế nào? Cảm xúc ra sao?

+ Cảm xúc của em lúc đó thế nào? (xúc động, buồn…)

d. Sáng tạo: HS có cách kể chuyện độc đáo, linh hoạt.

e. Chính tả: dùng từ, đặt câu, đảm bảo chuẩn ngữ pháp, ngữ nghĩa TV.

----------HẾT----------


Đề thi, giáo án các lớp các môn học