Đề cương ôn tập Giữa kì 2 Ngữ Văn 10 Cánh diều

Bộ đề cương ôn tập Giữa kì 2 Ngữ Văn 10 Cánh diều với các dạng bài đa dạng có lời giải chi tiết giúp học sinh lớp 10 nắm vững được kiến thức cần ôn tập để đạt điểm cao trong bài thi Văn 10 Giữa kì 2.

Nội dung kiến thức Văn 10 Giữa kì 2 Cánh diều

I. NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

A. Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Văn bản:

- Vận dụng hiểu biết về bối cảnh lịch sử, văn hóa, về tác giả và thể loại vào việc đọc hiểu các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi. Phân tích và đánh giá được giá trị nội dung, nghệ thuật một số tác phẩm của Nguyễn Trãi, qua đó thấy được vẻ đẹp con người, thơ văn và những đóng góp của ông cho sự phát triển của văn học dân tộc.

- Nhận biết, phân tích được giá trị nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng,...) và một số yếu tố hình thức (điểm nhìn nghệ thuật, người kể chuyện hạn tri và người kể chuyện toàn tri, lời người kể chuyện, lời nhân vật,...) của tiểu thuyết và truyện ngắn.

a. Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội với việc đọc hiểu tác phẩm văn học

Nội dung

Kiến thức

Khái niệm

Đọc hiểu tác phẩm luôn gắn liền với việc vận dụng kiến thức về hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội. Hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội thời kì nhà văn sống với những sự kiện, các mối quan hệ xã hội, sinh hoạt văn hoá đã tác động trực tiếp và gián tiếp tới sáng tác của nhà văn và được phản ánh một cách sâu sắc trong các tác phẩm của họ. Nhiều vấn đề trong các tác phẩm văn học chỉ có thể cắt nghĩa được khi vận dụng các tri thức về hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội vào việc đọc hiểu tác phẩm đó.

b. Nghị luận xã hội trung đại

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

- Nghị luận xã hội trung đại thường được viết bằng các thể văn như: chiếu, hịch, cáo, thư,..., phản ánh những vấn đề chính trị, xã hội và có giá trị nghệ thuật cao.

- Chiếu, cáo thường để ban bố trước dân chúng về những công việc và sự kiện có tính chất quốc gia; thư dùng để trao đổi, thuyết phục người khác trong công việc.

2. Đặc điểm

Là thể văn tổng hợp “văn, sử, triết bất phân", có sự kết hợp hài hoà giữa lí lẽ và cảm xúc, giữa tư tưởng và tình cảm của người viết; bài văn vừa có tính thuyết phục, vừa giàu màu sắc biểu cảm. 

- Thường được viết bằng văn biền ngẫu, từ ngữ trang trọng, uyên bác, giàu tính ước lệ, tượng trưng.

- Vai trò của người viết rất đặc biệt, tác giả thường là các bậc vua, chúa, thủ lĩnh hoặc được vua, chúa, thủ lĩnh uỷ nhiệm soạn thảo các văn bản.

- Các tác giả được uỷ thác thường là những nhà văn hoá lỗi lạc hoặc có địa vị, uy tín cao trong triều đình và xã hội. Văn bản nghị luận do họ soạn thảo không chỉ thể hiện tư tưởng, tình cảm của các bậc vua, chủa, thủ lĩnh, đại diện cho tư tưởng thời đại, ý chỉ, khát vọng của cả quốc gia, dân tộc, mà còn chứa đựng trí tuệ, tình cảm và tài năng văn chương của mỗi người.

c. Thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

- Thơ Nôm thất ngôn xen lục ngôn là sự sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam trên cơ sở kế thừa thơ Đường luật.

- Việc xuất hiện các câu lục ngôn (sáu chữ) xen kẽ các câu thất ngôn (bảy chữ) phá vỡ ít nhiều kết cấu của thơ Đường luật thất ngôn, tạo nên các điểm nhấn về cảm xúc, suy tư, hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu,... góp phần mở ra thời kì mới cho sự phát triển của thơ ca tiếng Việt.

d. Tiểu thuyết và truyện ngắn

Tiểu thuyết

Truyện ngắn

- Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn.

- Tiểu thuyết có khả năng phản ánh đời sống rộng lớn, không bị giới hạn về không gian và thời gian.

- Cốt truyện phức tạp; được xây dựng trên nhiều sự kiện, cảnh ngộ, nhiều mối xung đột; miêu tả nhiều tuyến nhân vật, nhiều quan hệ chồng chéo với những diễn biến tâm lí phức tạp, đa dạng.

- Truyện ngắn là thể loại tự sự cỡ nhỏ.

- Truyện ngắn hướng tới khắc họa một hiện tượng trong đời sống.

- Cốt truyện thường diễn ra trong thời gian, không gian hạn chế; kết cấu không nhiều tầng, nhiều tuyến; thường có ít nhân vật.

- Truyện ngắn thu hút người đọc bởi nội dung cô đúc, chi tiết có sức ám ảnh, ý tưởng sắc sảo được thể hiện qua tình huống bất ngờ, lời văn hàm súc, mang nhiều ẩn ý.

e. Người kể chuyện hạn tri, người kể chuyện toàn tri

Nội dung

Người kể chuyện hạn tri

Người kể chuyện toàn tri

1. Khái niệm

- Người kể chuyện hạn tri, thường là người kể chuyện theo ngôi thứ nhất. Người kể chuyện hạn tri thường trực tiếp tham dự hoặc chứng kiến các sự việc xảy ra trong truyện nên có vị trí quan sát, miêu tả, trần thuật,…bị giới hạn. 

- Vì người kể chuyện đồng thời là một nhân vật trong truyện nên không biết được những diễn biến trong suy nghĩ, cảm xúc của các nhân vật khác; thường bày tỏ quan điểm và thái độ chủ quan khi thuật truyện.

- Người kể chuyện toàn tri thường là người kể chuyện theo ngôi thứ ba. Người kể chuyện toàn tri không trực tiếp tham gia câu chuyện nhưng là người quan sát toàn năng, biết hết tất cả mọi việc; biết rõ hoàn cảnh, lai lịch, cảm giác, suy nghĩ và hành động của các nhân vật.

2. Trần thuật từ điểm nhìn

- Trần thuật từ điểm nhìn hạn tri có ưu điểm là tạo được hiệu quả về tính trực tiếp như đang chứng kiến các sự việc xảy ra ở hiện trường, có cơ hội để đi sâu khai thác thế giới nội tâm nhân vật – người kể.

- Điểm nhìn này lại rất hạn chế trong việc phản ánh toàn cảnh bức tranh xã hội, môi trường hoạt động và tâm lí của các nhân vật khác.

Trần thuật từ điểm nhìn toàn tri rất linh hoạt và được dùng rộng rãi. Bởi lẽ, trần thuật từ điểm nhìn toàn tri giúp người đọc biết được nhiều thông tin hơn, rõ hơn về nhân vật và sự việc so với việc kể chuyện từ điểm nhìn hạn tri. Tuy nhiên, người đọc ít có được cảm giác kết nói trực tiếp, gẫn gũi với nhân vật như trần thuật từ điểm nhìn hạn tri.

................................

................................

................................

Các dạng bài Văn 10 Giữa kì 2 Cánh diều

II. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP MINH HỌA

1. Dạng 1: Đọc – hiểu

Bài tập 1. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Buổi chiều rất êm ả. Về phía tây, mây trời rực rỡ những mầu sáng lạn và ánh nắng chiều loàng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại. Một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng cánh vỗ rào rào như trận mưa; tôi ngửng lên nhìn theo đến khi cái vết đen linh động của đàn chim lặn hẳn với chân mây.

Tôi theo con đường nhỏ ở ven đồi, qua hai dẫy phố, một cái chợ nhỏ, rồi rẽ về bên phải. Nhà ông Ba ở ngay chân đồi, trông xuống chợ, một cái nhà gạch cũ, tường phủ rêu xanh. Tôi không lưỡng lự, bước đến đẩy cổng vào.

[...] Phố chợ ở ngay đầu cầu. Con sông Cống uốn éo trong dẫy đồi, khuất đi, rồi lại loáng loáng đằng xa, chạy giữa những giải ruộng eo hẹp. Bấy giờ sương đã xuống, dặng núi ở chân trời đã bị che lấp. Chúng tôi dạo qua một lượt ở phố, hay dẩy nhà lá nhỏ bé, nhưng ngăn nắp và sạch sẽ, trông rất vui mắt.

Sẩm tối, ông Ba cùng tôi về, một mâm cỗ đầy đã thấy bầy trên chiếc bàn ở giữa sân, bà Ba đang chạy loăng quăng sửa soạn các thức ăn. Thấy tôi, bà vội vã mời:

- Cậu về ăn cơm. Có bữa ăn xoàng, xin cậu ăn thực bụng nhé.

Tôi mỉm cười, rồi ngồi vào bàn, tuy trong người mệt mỏi và không thấy đói mà cũng phải cố ăn để vui lòng bà chủ. Ông Ba thì vui vẻ lắm, như rất thích được có người đến chơi, nhất người ấy lại là tôi. Ông uống từng chén rượu lớn, cười nói vang lên. Bà Ba ngồi yên lặng bên cạnh, luôn luôn gắp thức ăn vào bát, ép tôi ăn. Bà cũng hình như vui vẻ lắm vì thấy chồng vui vẻ.

[…]Bữa cơm xong, ông Ba bắc ghế ra ngoài sân cùng tôi ngồi nói chuyện. Ngọn đèn dầu có cái chao lụa xanh xinh xắn - chắc hẳn là một công trình của hai cô thiếu nữ - để trên chiếc bàn con, chiếu ra một vùng ánh sáng, làm nổi trắng mấy gốc trè cằn cỗi. Chiều đã tối hẳn, trên trời cao, hàng ngàn ngôi sao thi nhau lấp lánh qua không khí trong và mát. Ðêm của vùng đồi bao bọc lấy tôi, đầy những hương thơm lạ theo cơn gió từ đâu đưa lại. Muôn tiếng đều khe khẽ làm cho cái yên lặng vang động như tiếng đàn; những con bướm nhỏ vụt từ bóng tối ra, đến chập chờn ở trước ngọn đèn, rồi lại lẩn vào bóng tối, như những sự gia lẹ làng của cảnh rừng nói chung quanh.

Tôi thấy vui sướng và thư thái trong lòng. Lần đầu, đêm tối và cảnh vật đối với tôi thân mật như một người bạn, khác với khi ở Hà Nội, đêm chỉ là những cuộc vui chơi mệt mỏi và nặng nề.

(Trích Nắng trong vườn, Thạch Lam, NXB Hội Nhà văn & Cty Nhã Nam, 2015, tr.16-17)

Câu 1. Đoạn trích được kể bằng ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Không có ngôi kể

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

A. Nghị luận

B. Biểu cảm

C. Tự sự

D. Miêu tả

Câu 3. Cảnh vật được miêu tả vào thời gian nào trong ngày?

A. Buổi trưa

B. Buổi sáng

C. Buổi tối

D. Buổi chiều

Câu 4. Dòng nào sau đây miêu tả đúng ngôi nhà của ông Ba?

A. Chiếc bàn con, chiếu ra một vùng ánh sáng

B. Uốn éo trong dẫy đồi, khuất đi

C. Chiếc bàn con, chiếu ra một vùng ánh sáng

D. Một cái nhà gạch cũ, tường phủ rêu xanh

Câu 5. Khi được vợ chồng ông Ba mời dùng cơm, thái độ của nhân vật tôi như thế nào?

A. Vui vẻ, nhưng miễn cưỡng

B. Thích thú, trân trọng

C. Vui vẻ, nhưng mệt mỏi

D. Thản nhiên, không quan tâm.

Câu 6. Phép liên kết chính được sử dụng trong đoạn văn trên là gì?

A. Phép liên tưởng

B. Phép thế

C. Phép lặp

D. Phép nghịch đối

Câu 7. Dòng nào sau đây nêu không đúng về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật trong đoạn trích?

A. Câu văn nhẹ nhàng, lãng mạn

B. Giọng văn thủ thỉ trầm lắng, thiết tha

C. Sử dụng hình ảnh nhiều hình ảnh ước lệ

D. Diễn đạt mang đậm sắc thái trữ tình

Câu 8. Nêu tâm trạng của nhân vật tôi khi trải nghiệm những ngày ở quê?

Câu 9. Cảm nhận của anh/chị về bức tranh thiên nhiên qua đoạn trích trên?

Câu 10. Từ nội dung đoạn trích, anh/chị hãy trình bày tác dụng của việc trải nghiệm đối với bản thân.

Bài tập 2. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

[…]

Dần dần Tân cũng quen với đứa trẻ lặng lẽ sống bên mình. Mỗi lần đi về, Tân lại đến cạnh cái nôi, vén tấm màn trắng lên và nhìn một lát đứa bé nằm trong đó vẫn hai tay cọ quậy và con mắt lờ đờ nhìn mọi vật. Tuy vậy, Tân không nhận thấy rõ rệt cái liên lạc gì với đứa trẻ. Vả lại chàng cũng không nghĩ sâu xa gì về sự đó, chỉ thoáng qua trong trí mà thôi.

Một lần, chàng đang ngồi làm việc ở bàn giấy thì nghe tiếng vợ tắm cho đứa bé ở trong buồng. Vợ chàng gọi:

- Cậu vào đây hộ tôi một tý.

Tân quay mặt vào phía buồng, đáp:

- Con sen đâu, sao không gọi nó?

- Nó còn bận giặt ngoài kia. Thì cậu vào hộ tôi một tí có làm sao. Giữ hộ tôi cái đầu để tôi tắm cho nó thôi mà.

Tân ngần ngại bỏ dở công việc:

- Nào thì vào!

Rồi chàng vào trong buồng ngồi xuống bên cái chậu, hai tay giữ lấy đầu đứa bé. Vợ chàng nói lấy lòng:

- Cậu chỉ cầm một tý thôi. Tôi tắm cho nó xong ngay bây giờ đây.

Tân nhìn đứa bé, không thích một chút nào. Cái thân hình ngắn ngủi và chân tay khẳng khiu của nó làm chàng khó chịu không muốn để ý đến. Chàng càu nhàu mắng đứa bé:

- Nằm im! Mày cứ cọ quậy bắn cả nước lên tao đây này.

Cái đầu đứa bé đầy xà phòng nên càng trơn khó giữ. Tân đã thấy mỏi tay. Chàng bảo vợ:

- Thôi, giữ lấy nó, tôi mỏi tay lắm rồi.

Vợ chàng hơi gắt:

- Hãy giữ một chút nữa. Mới có một tí thế đã kêu mỏi!

Cái giọng nói ấy làm cho Tân không bằng lòng. Chàng buông đứa trẻ, đứng dậy trả lời xẵng:

- Không phải công việc của tôi. Với lại tôi trông nó khó chịu lắm.

Tân không nhận thấy nét mặt ngạc nhiên và buồn rầu của vợ, bước ra ngoài. Một chút hối hận, đến cửa, làm chàng quay mặt lại: vợ chàng đang ôm đầu đứa bé trong lòng khóc nức nở.

Ra ngoài, Tân mới nhận thấy cái cử chỉ vô lý của mình. Một tình thương nảy nở trong lòng chàng. Tân muốn trở vào an ủi vợ, xin lỗi nàng vì đã làm nàng phải buồn rầu. Chàng đứng lại, định quay vào, nhưng không biết cái gì vẫn giữ chàng lại. Tân đến ngồi bên bàn, nghĩ ngợi.

Từ khi hai vợ chồng lấy nhau, những cuộc cãi cọ nhỏ mọn, không có nghĩa lý gì, vẫn thường xảy ra luôn. Vì một câu nói, vì một cớ không đâu, hai vợ chồng lại giận nhau. Mà cũng như lần này, Tân cảm thấy chàng chỉ nói một lời dịu ngọt, êm ái, là đủ cho hai bên hòa hợp lại như cũ. Nhưng những câu ấy tan đi trên miệng trước khi nói ra lời. Một ý xấu khiến chàng yên lặng, và xui chàng giận dữ thêm lên để lấy phần phải về mình.

Khi Tân trở lại phòng, chàng thấy vợ đang ngồi cho con bú. Đứa bé tắm rửa sạch sẽ trông hồng hào như đánh phấn. Cái bàn tay mập mạp xinh xắn của nó nắm chặt lấy tay mẹ như để cầu sự âu yếm và che chở. Thỉnh thỏang nó ầm ừ trong miệng có vẻ rất bằng lòng.

Tân lại gần cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày phá hoại cuộc đời.

Từ đấy, đứa con như cái dây giữ sự hòa hợp trong hai vợ chồng. Tân và vợ chàng không cãi nhau nữa. Mà nếu có xảy ra cuộc hờn giận, hai người chỉ cùng trông đứa trẻ mũm mỉm là lại hòa hợp như cũ.

Thỉnh thỏang vợ chàng bồng con đưa đến trước mặt Tân, chỉ cho chàng biết những cái thay đổi trong đứa bé.

- Này cậu trông, cái thóp bây giờ đã nhỏ đi rồi đấy.

Tân cũng chăm chú xem, rồi nói chuyện với con. Lúc chàng ngẩng lên nhìn, chàng thấy vợ ngượng nghịu muốn giấu sự vui mừng làm ửng hồng đôi gò má. Tân cũng thấy trong tâm can một sự vui vẻ khác thường.

Buổi sáng nay, vừa bước chân vào trong nhà, Tân đã hỏi vợ:

- Em đâu?

- Nó ngủ, cái gì thế?

- Tôi có cái này hay lắm.

Tân giơ lên cho vợ xem một đôi bít tất len trắng xinh đẹp. Chàng bước lại bên cạnh cái nôi rủ màn trắng sạch sẽ.

Vợ chàng vội nói:

- Ấy, khẽ chứ cậu, để nó ngủ. Tôi vừa mới đặt xong.

Tân rón rén, khe khẽ giở tấm màn tuyn, nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười.

Và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy.

(Trích Đứa con đầu lòng, Thạch Lam, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Thời đại, tr.10-12)

Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện.

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2. Tác giả chọn điểm nhìn nào?

A. Từ nhân vật Tân

B. Từ vợ Tân

C. Từ người vú em

D. Từ tác giả

Câu 3. Đoạn trích viết về đề tài gì?

A. Tình yêu quê hương

B. Cuộc sống gia đình

C. Tình cha con

D. Tình vợ chồng

Câu 4. Không gian của đoạn trích diễn ra ở đâu?

A. Căn phòng hộ sinh

B. Căn phòng trọ

C. Nhà mẹ Tân

D. Căn nhà của vợ chồng Tân

Câu 5. Đoạn trích viết về chủ đề gì?

A. Tình cảm vợ chồng thắm thiết, thuỷ chung

B. Sự nảy nở kì diệu, thiêng liêng của tình mẫu tử.

C. Sự nảy nở kì diệu, thiêng liêng của tình phụ tử.

D. Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý.

Câu 6. Khi được vợ nhờ giữ đứa con mới sinh để tắm cho con, thái độ của Tân thế nào?

A. Khó chịu, càu nhàu

B. Vui vẻ, nhiệt tình

C. Bực tức, khó chịu

D. Thờ ơ, lạnh nhạt

Câu 7. Dòng nào nêu đúng nội dung khái quát của đoạn trích?

A. Nỗi buồn của Tân khi đứa con đầu lòng chào đời

B. Những rung động của Tân khi vợ sinh con đầu lòng

C. Những cảm giác của Tân khi đón đứa con đầu lòng chào đời.

D. Trạng thái, cảm xúc của Tân khi ngắm con đầu lòng

Câu 8. Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích?

Câu 9. Thông điệp nhà văn gửi gắm đến độc giả qua đoạn trích?

Câu 10. Em hãy nêu suy nghĩ về tình phụ tử.

................................

................................

................................

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Đề thi, giáo án lớp 10 các môn học