Soạn bài Trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ trang 79, 80 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.
1) Định hướng
a) Xem lại yêu cầu so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ đã nêu ở phần Viết.
b) Để trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ, các em cần lưu ý:
- Xác định được hai văn bản thơ chứa đựng những phương diện có thể so sánh và đánh giá.
- Chú ý các yêu cầu về trình bày bằng lời trước tập thể (văn nói khác với văn viết như thế nào; sự kết hợp các phương tiện và yếu tố phi ngôn ngữ trong khi trình bày).
Bài tập (trang 80 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Trình bày ý kiến so sánh, đánh giá hai bài thơ (hoặc hai đoạn thơ ở hai bài thơ khác nhau).
a) Chuẩn bị
- Lựa chọn hai bài thơ (hoặc hai đoạn ở hai văn bản thơ khác nhau) mà em tâm đắc. Ví dụ: bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) và Bài thơ của một người yêu nước mình (Trần Vàng Sao).
- Xác định và tìm hiểu nội dung so sánh, đánh giá ở hai bài thơ (hoặc hai đoạn thơ). Ví dụ: Phong vị dân gian trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) và Bài thơ của một người yêu nước mình (Trần Vàng Sao).
- Xây dựng và thể hiện nội dung so sánh, đánh giá hai bài thơ (hai đoạn thơ) trên giấy A0 hoặc phần mềm trình chiếu (Ví dụ: PowerPoint).
b) Tìm ý và lập dàn ý
Tham khảo phần Viết, mục 2.1, ý b, có thể thêm bớt các ý cho phù hợp với yêu cầu trình bày.
c) Nói và nghe
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục c (trang 31); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
* Bài nói tham khảo:
Đất nước từ lâu đã trở thành hình tượng tiêu biểu xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Trong hành trình dựng nước và giữ nước, có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã chọn đất nước làm chủ đề sáng tác. Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi là hai trong số đó. Hai bài thơ cùng tên Đất nước của họ đã đem lại cho người đọc những cảm nhận mới mẻ, đầy đủ, trọn vẹn và sâu sắc về đất nước
Hai tác phẩm cùng ra đời sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân được làm chủ đất nước, đất nước được tái hiện là đất nước giàu đẹp, anh hùng. Cùng sử dụng giọng thơ trữ tình - chính luận để thể hiện hình tượng đất nước nhưng dưới những rung cảm thẩm mĩ khác biệt, đất nước trong mỗi bài thơ lại mang những nét riêng biệt, độc đáo.
Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi mang màu sắc hiện đại là chính. Tính dân tộc thể hiện trong vẻ đẹp trường cửu của mùa thu xứ sở, của gió heo may, của hương cốm mới. Đặc biệt là cảm giác xao xuyến lòng người, gợi thương gợi nhớ bâng khuâng:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày đã xa
Rồi nối tiếp là những hình ảnh im đậm sắc màu Việt Nam trong chiều sâu tâm hồn dân tộc:
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Hình tượng đất nước hiện ra với những hình ảnh thơ xúc động kết nối mạch ngầm truyền thống dân tộc:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Đất nước ấy là đất nước trong chiến tranh vệ quốc của thế kỉ XX. Hình tượng đất nước được dựng xây ấp ủ và đúc kết, nuôi dưỡng trong suốt cuộc kháng chiến dài 9 năm. Những đau thương đất nước phải gánh chịu khi ấy dưới ngòi bút Nguyễn Đinh Thi hiện lên vô cùng xót xa:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Trong bản tuyên ngôn Bình Ngô đại cáo năm xưa của Nguyễn Trãi, tác giả đã vạch trần tội ác của giặc xâm lược, tái hiện những đau thương của nhân dân Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Còn Nguyễn Đình Thi đã tái hiện những cánh đồng chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều, hiện đại đau đớn, gợi nỗi đau vô tận và sự căm thù vô biên.
Từ trong đau thương và căm thù ấy, cả dân tộc đã kiên cường bất khuất đứng lên:
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước, thương nhà.
Xiềng xích hữu hạn và trời đầy chim và đất đầy hoa được sử dụng thành công đã diễn tả tinh thần bất khuất của dân tộc. Súng đạn là cái cụ thể, lòng dân ta yêu nước thương nhà là cái trừu tượng. Dùng cái cụ thể để bắn cái trừu tượng cũng như dùng cái hữu hạn để khóa cái vô hạn là không thể. Điều đó nói lên sự bất lực của kẻ thù và sự bất diệt của dân tộc ta.
Nổi bật trong bài thơ là hình tượng đất nước trong ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chiến thắng chói lòa:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Trong cảm xúc và suy tư, bức chân dung đất nước được khắc họa vừa cụ thể vừa âm vang chiến trận, vươn tới hình tượng sử thi hoành tráng giàu sức khái quát. Nước Việt Nam từ bùn lầy của nô lệ, từ đau thương trong máu lửa đã thức dậy mạnh mẽ làm nên thiên thần thoại lịch sử với chiến thắng huy hoàng.
Khác với Nguyễn Đình Thi, đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm lại là một đất nước trong màu sắc văn hóa dân gian. Nhà thơ đã thể hiện tư tưởng mới mẻ Đất nước của nhân dân.
Mở đầu bài thơ, khi nói về sự hình thành, lớn lên của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã miêu tả đất nước từ chiều sâu của văn hóa dân gian, của phong tục tập quán và lời kể của bà, lời ru của mẹ, từ muối mặn, gừng cay, từ những giọt mồ hôi vất vả, tảo tần.
Đất nước là những gì quen thuộc mà cũng đầy tôn kính, thiêng liêng:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
Khái niệm đất nước được làm rõ trong thước đo của thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông, thước đo của lịch sử, của địa lí. Đó là truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, là truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ, giải thích quá trình sinh thành và lớn lên của dân tộc, cũng là quá trình trưởng thành bền vững của hình tượng đất nước. Không gian địa lí không chỉ là sông núi, cánh đồng... mà còn là những không gian gần gũi và quen thuộc của cuộc sống con người nơi anh đến trường, nơi em tắm. Đồng thời cũng là nơi sinh tồn của bao thế hệ, nó hóa thân trong mỗi người như Trong anh và em hôm nay / Đều có một phần đất nước. Điều đó cho thấy sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, cá nhân với cộng đồng, giữa cái nhỏ bé với cái lớn lao, giữa cái cụ thể với cái trừu tượng, giữa vật chất với tinh thần trong cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm.
Hình tượng đất nước còn được soi chiếu trong cái nhìn của văn hóa dân gian:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Tất cả cái tên, cảnh vật thiên nhiên dường như đều là sự hóa thân những phẩm chất cao đẹp của nhân dân. Chất liệu đặc biệt ấy đã tạo nên hình tượng đất nước thiêng liêng, thân thiết bội phần, được xây dựng qua bề dày bốn nghìn năm bởi những con người vô danh:
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mà đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Đất nước được tạo ra từ đôi tay và cuộc đời của rất nhiều con người dù không tên không tuổi nhưng công lao của họ luôn được ghi nhớ trong chính dáng hình dân tộc. Để rồi từ đó, chúng ta có thể cảm nhận được hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa có bề dày của lịch sử, bề rộng của không gian địa lí, bề sâu của văn hóa, phong tục tập quán. Chính những phát hiện cùng với cách thể hiện mới mẻ ấy đã nêu bật được một tư tưởng cốt lõi: Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại. Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo chọn lọc sáng tạo những cái tiêu biểu và ý nghĩa nhất của văn hóa dân gian để xây dựng hình tượng đất nước. Đất nước chính vì thế đã trở thành đóng góp quan trọng của giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại khi tạo dựng chân dung đất nước.
Có thể nói, mỗi bài thơ dưới ngòi bút của hai phong cách khác nhau đều mang những nét đặc biệt khác nhau. Đất nước của Nguyễn Đình Thi hay Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đều khắc họa hình tượng đất nước thật đẹp và đáng quý. Một bên là đất nước kiên cường, bất khuất trong máu lửa đau thương đứng dậy, một bên là Đất Nước của nhân dân, của ca dao, thần thoại. Song cả hai đều thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc và cảm động. Hai bài thơ đã đóng góp cho văn học dân tộc hai tác phẩm xuất sắc về hình tượng đất nước đồng thời để lại trong lòng người đọc những rung động thẩm mĩ và những cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn về Tổ quốc và nhân dân. Từ đó giúp người đọc thêm yêu quê hương, đất nước mình.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục d (trang 31); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 12 Cánh diều
- Giải lớp 12 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 12 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 12 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều