Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 3 Tập 2 - ngắn nhất Cánh diều

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 3, 4, 5 Tập 2 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

1. Phong cách nghệ thuật

Phong cách nghệ thuật “thường được hiểu theo hai góc nhìn sau đây:

- Phong cách là sự độc đáo về tư tưởng cũng như về nghệ thuật thể hiện thành những phẩm chất thẩm mĩ trong sáng tác của những nhà văn ưu tú, có tài năng điêu luyện.

- Phong cách là hệ thống những đặc điểm về mặt hình thức, bao gồm các thủ pháp nghệ thuật, các phương tiện diễn đạt, tạo nên tính độc đáo của một hiện tượng văn học và khu biệt hiện tượng này với hiện tượng khác.”

Có thể nói, phong cách là những nét độc đáo cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật được thể hiện thống nhất, tương đối ổn định ở một hiện tượng văn học (tác phẩm, tác giả, trào lưu,...). Như vậy, không phải một hiện tượng văn học nào cũng có phong cách. Có thể, nói đến phong cách nhà văn qua một tác phẩm như phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, phong cách của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù, hoặc phong cách nghệ thuật của một tác giả như phong cách Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nguyễn Bính,... Ngoài ra, phong cách còn để chỉ tính độc đáo, thống nhất của một trào lưu hay dòng văn học (phong cách cổ điển, phong cách lãng mạn,...) hoặc phong cách một thời đại (phong cách thời Phục hưng, phong cách Ba-rốc(2),...).

2. Sức thuyết phục của văn nghị luận

Khác với sáng tác văn chương dựa trên hư cấu, tưởng tượng, văn nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lí lẽ và lập luận. Nếu như văn chương hư cấu kích thích trí tưởng tượng, xây dựng óc quan sát tinh tế với tình cảm chân thực,... thì văn nghị luận hình thành và phát triển khả năng lập luận chặt chẽ, cách trình bày lí lẽ và dẫn chứng rõ ràng, giàu sức thuyết phục của người viết về một vấn đề nào đó trong cuộc sống hoặc trong văn học, nghệ thuật.

Văn nghị luận thời trung đại chưa có sự phân biệt thật rạch rồi với văn chương hư cấu. Những áng văn nghị luận nổi tiếng như Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) vừa có yếu tố của văn nghị luận lại vừa có yếu tố của văn hư cấu; vừa thuyết phục bằng lí lẽ vừa thuyết phục bằng hình ảnh và tình cảm của người viết. Ở thời hiện đại, văn nghị luận và văn chương hư cấu đã được phân biệt khá rõ. Văn nghị luận hiện đại chủ yếu nêu lên quan điểm, ý kiến của người viết; thuyết phục người đọc bằng những lí lẽ và bằng chứng, coi trọng tính lô gích trong lập luận. Văn chương hư cấu chủ yếu phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, trong văn hư cấu cũng có yếu tố nghị luận và trong văn nghị luận cũng có thể kết hợp với yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh,...

3. Biện pháp tu từ nói mia

Nói mỉa (biếm dụ) là biện pháp tu từ, theo đó, người nói / người viết dùng những từ ngữ có ý nghĩa tích cực với ngụ ý đánh giá ngược lại nhằm châm biếm hoặc đả kích đối tượng được nói đến. Ví dụ: Anh chị khiến tôi đẹp mặt quá! (Ngụ ý đánh giá của đẹp mặt là mất mặt).

Đôi khi, nói mỉa cũng được dùng với mục đích bông đùa, trêu chọc trong phạm vi giao tiếp thân mật, gần gũi. Ví dụ: Bạn tôi lo lắng thi cử ngày không ngủ đêm không ăn, gầy hết cả người đây này! (Thực tế là bạn tôi đang tăng cân).

Như vậy, nói mỉa có cấu tạo gồm hai tầng nghĩa: ý nghĩa bề mặt của từ ngữ (nghĩa tường minh) và ý nghĩa đánh giá của người nói / người viết (nghĩa hàm ẩn). Sự mâu thuẫn giữa hai tầng nghĩa càng lớn thì tác dụng châm biếm, đả kích càng mạnh mẽ. Để hiểu được ý nghĩa đánh giá thực của nói mỉa, người nghe/ người đọc cần dựa vào ngữ cảnh, giọng điệu và các yếu tố phi ngôn ngữ đi kèm lời nói (nét mặt, cử chỉ).

Nói mỉa được sử dụng nhiều trong khẩu ngữ và thơ văn châm biếm, trào phúng.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Cánh diều khác