Soạn bài Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (trang 57) - ngắn nhất Cánh diều

Soạn bài Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau trang 57, 58, 59 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

1. Định hướng

1.1. Tranh luận (còn gọi là tranh biện) là một hoạt động trao đổi khá phổ biến, xảy ra khi có sự bất đồng, trái ngược nhau về quan điểm, ý kiến giữa hai hay nhiều người về một vấn đề nào đó. Tranh luận nhằm mục đích phân định đúng sai, làm rõ chân lí, đưa ra những giải pháp khả thi hay những quyết dịnh phù hợp. Trong tranh luận, mỗi cá nhân hoặc nhóm cần đưa ra được ý kiến, lí lẽ và bằng chứng để bảo vệ quan điểm của mình và phản bác quan điểm của đối phương.

Vấn đề tranh luận có thể thuộc lĩnh vực đời sống xã hội nhưng cũng có thể liên quan đến văn học. Bài 7 tập trung vào nội dung tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau liên quan đến tác phẩm văn học.

Một cuộc tranh luận thường diễn ra theo các bước sau:

Soạn bài Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (trang 57) | Ngắn nhất Soạn văn 12 Cánh diều

1.2. Để tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau, các em cần chú ý:

- Xác định chính xác vấn đề cần tranh luận; thu thập thông tin về vấn đề đó.

- Nêu ra được quan điểm, ý kiến của bản thân; xác định được quan điểm, ý kiến đối lập với mình.

- Tìm được những lí lẽ, bằng chứng (nhất là những tri thức khoa học), các phương tiện hỗ trợ để bảo vệ quan điểm của bản thân, đồng thời bác bỏ quan điểm đối lập.

- Dự kiến những câu hỏi, nội dung bác bỏ/ phản biện của người nghe để chuẩn bị các phương án trả lời.

- Xác định và nắm vững các nguyên tắc tranh luận: nêu đầy đủ và rõ ràng vấn đề cần tranh luận; tôn trọng người tham gia tranh luận; bác bỏ quan điểm của đối phương một cách có cơ sở, không bảo thủ; có thái độ khách quan, thiện chí khi tranh luận;...

- Kết luận về vấn đề phải được nêu ra một cách hợp lí, thuyết phục.

- Thực hiện tranh luận theo quy trình đã nêu ở ý 1.1. Định hướng.

Ngoài ra, để đảm bảo cho cuộc tranh luận được diễn ra khách quan, cần có người điều hành để nêu vấn đề, dẫn dắt và kết luận. Ngôn ngữ và thái độ tranh luận phải phù hợp, có văn hoá,...

2. Thực hành

Bài tập (trang 58 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Có ý kiến cho rằng tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ cần giuộc” chỉ có ý nghĩa lịch sử với thời Nguyễn Đình Chiểu; lại có người cho rằng tác phẩm ấy còn mang tính thời sự với cuộc sống hôm nay. Nếu tán thành ý kiến thứ hai, em sẽ bảo vệ ý kiến ấy như thế nào?

a) Chuẩn bị

- Đọc và tìm hiểu kĩ vấn đề em sẽ tranh luận: đồng tình với ý kiến “tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay.”.

- Xem lại phần đọc hiểu bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và tính thời sự của một tác phẩm văn học.

- Suy nghĩ về các lí lẽ, bằng chứng sẽ nêu lên (lí lẽ bảo vệ ý kiến em đồng tình và lí lẽ phản bác lại ý kiến trái ngược).

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài tranh luận bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Thế nào là ý nghĩa lịch sử và tính thời sự của một tác phẩm văn học?

+ Vì sao em không tán thành ý kiến cho rằng tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chỉ có ý nghĩa lịch sử với thời Nguyễn Đình Chiểu?

+ Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có ý nghĩa thời sự đối với cuộc sống hiện nay như thế nào?

+ Cần có cách nhìn nhận đúng về bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng cũng như các tác phẩm văn học trung đại nói chung như thế nào?

- Lập dàn ý cho bài tranh luận bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở đầu

Khẳng định đồng tình với ý kiến: tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay.

Nội dung chính

- Nêu những lí lẽ để bảo vệ và làm rõ ý kiến: bài văn tế không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay.

- Nêu lí lẽ phản bác lại ý kiến cho rằng bài văn tế chỉ có ý nghĩa lịch sử.

Kết thúc

Khẳng định việc cần nhìn nhận đúng về các tác phẩm văn học trung đại nói chung và bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng.

c) Nói và nghe

- Người chủ trì nêu vấn đề cần tranh luận.

- Một số bạn nêu ý kiến cá nhân.

- Các ban khác trao đổi lại: đặt câu hỏi, nêu ý kiến phản bác hoặc đề xuất ý kiến của cá nhân mình.

- Người chủ trì nêu ý kiến tổng hợp chung.

* Bài nói tham khảo:

Ý nghĩa lịch sử của một tác phẩm văn học có thể được hiểu như một cách tác giả thu thập và truyền tải thông điệp lịch sử, văn hoá, xã hội của một thời kỳ cụ thể. Tác phẩm văn học thường phản ánh tầm nhìn, cảm nhận và suy tư của tác giả về thế giới xung quanh, giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử và văn hóa của thời đại mà tác phẩm được sáng tác.

Ý nghĩa thời sự của một tác phẩm văn học thường là việc tác giả sử dụng văn chương để phản ánh hoặc bày tỏ ý kiến về các vấn đề xã hội, chính trị, văn hóa đang diễn ra trong xã hội vào thời điểm tác phẩm được viết. Bằng cách này, tác phẩm văn học không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội mà còn truyền đạt thông điệp và ý nghĩa sâu sắc về những vấn đề đó. Đồng thời, tác phẩm văn học cũng có thể giúp bùng nổ các cuộc tranh luận và thảo luận về những vấn đề này trong cộng đồng.

Tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong việc gợi mở tinh thần yêu nước và khí phách của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp. Ý nghĩa của tác phẩm không chỉ dừng lại ở mặt lịch sử mà còn mang giá trị văn học, tư tưởng phong phú và sâu sắc qua đó thể hiện tình yêu đất nước và tinh thần chiến đấu cho chính nghĩa. Điều này giúp tác phẩm trở nên đa chiều và có giá trị không chỉ trong lịch sử mà còn trong văn học và tư tưởng của người Việt Nam. Tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” có ý nghĩa thời sự và văn học rất sâu sắc và ý nghĩa, đặc biệt trong việc phản ánh cuộc sống xã hội và nhân văn. Tác phẩm này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc, truyền thống và văn hóa dân tộc mà còn phản ánh được nhiều vấn đề xã hội, đạo đức, nhân quyền và công lý, qua đó từ đó rút ra nhiều bài học quý giá cho cuộc sống hiện đại ngày nay. Tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và các tác phẩm văn học trung đại nói chung đều có giá trị văn học lớn trong văn học Việt Nam. Những tác phẩm này thường thể hiện những giá trị văn hóa, tâm hồn và triết lý của dân tộc Việt Nam qua các thời kì lịch sử, các nhân vật và câu chuyện được truyền đạt. Chúng đem lại cái nhìn sâu sắc về tâm hồn con người, giúp ta hiểu rõ hơn về xã hội, lịch sử và văn hóa của một thời đại đã qua. Đồng thời, chúng cũng mang đến những giá trị nhân văn, giáo dục và tư duy cho thế hệ sau, giúp nuôi dưỡng tâm hồn và nâng cao ý thức cộng đồng.

“Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” đã khép lại nhưng lịch sử dân tộc vẫn được mở ra. Và chúng ta - những người con của đất nước phải nhớ giữ lấy giá trị ngàn đời mà bao thế hệ, bao lớp người từng xây dựng nên giang sơn, gấm vóc của ngày hôm nay. Điều mà Nguyễn Khoa Điềm đã xúc động viết lên những lời thơ xiết bao ân nghĩa.

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Nhưng họ đã làm nên Đất Nước.

(Đất nước)

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục d (trang 31); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Cánh diều khác