Soạn bài Viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của tuổi trẻ - ngắn nhất Cánh diều

Soạn bài Viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của tuổi trẻ trang 26, 27, 28, 29 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

1. Định hướng

1.1. Ở Bài 4, các em đã được rèn luyện viết bài nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ như lối sống lành mạnh, hoài hão, khát vọng cống hiến.... Bài 6 tiếp tục rèn luyện kĩ năng viết kiểu bài này nhưng với nội dung khác. Đó là quan niệm yêu nước của tuổi trẻ ngày nay: Vấn đề này liên quan với nội dung bài học về cuộc đời và thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh một tấm gương sáng chói về lòng yêu nước. Tuy nhiên, yêu cầu ở đây là bàn về lòng yêu nước của thanh niên ngày nay, cho nên cần nêu lên và bàn luận về những biểu hiện phù hợp với bối cảnh của thời đại, đồng thời thấy được những điểm chung và riêng trong quan niêm về lòng yêu nước của các thế hệ ở những bối cảnh xã hội khác nhau

Như thế, vấn đề trọng tâm là nêu lên và làm sáng tỏ quan niệm về lỏng yêu nước và những biểu hiện yêu nước của tuổi trẻ trong thời kì mới. Lí gải vì sao ngày nay nội dung yêu nước cần có những điểm kế thừa và bổ sung, phát triển.

1.2. Để viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của tuổi trẻ, các em cần chú ý:

- Đọc kĩ đề và nhận biết trọng tâm cần lám sáng tỏ. Chuẩn bị tư liệu liên quan đến văn đề trọng tâm cần bàn luận (những ví dụ về lòng yêu nước trong truyền thống, những biểu hiện về lòng yêu nước của tuổi trẻ trong đời sống ngày nay: các tác phẩm thơ, văn, các câu danh ngôn và những kiến thức lịch sử... về lòng yêu nước).

- Tìm ý, lập dàn ý cho bài viết: xác định luận đề, các luận điểm, lưa chọn dẫn chứng. Bố cục bài viết theo ba phần: các luận điểm, lí lẽ được triển khai phải gắn bó mật thiết và xuất phát từ luận đề đã nêu

- Thể hiện rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề, vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết.

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Đề bài (trang 26 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Theo em, thế hệ trẻ ngày nay quan niệm như thế nào về lòng yêu nước? Quan niệm ấy có gì giống và khác so với quan niệm yêu nước truyền thống? 

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ các nội dung nêu ở mục 1. Định hướng. Tìm hiểu đề bài để biết các thông tin chính trước khi viết như trọng tâm vấn đề, kiểu văn bản, phạm vi bàn luận,...

- Xác định phạm vi dẫn chứng và các bằng chứng cụ thể về lòng yêu nước trong lịch sử cũng như trong cuộc sống hiện nay.

- Xem lại các nội dung đọc hiểu văn bản trong Bài 6; liên hệ với những hiểu biết từ môn Lịch sử và các tác phẩm văn học viết về lòng yêu nước.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Thế nào là yêu nước?

+ Lòng yêu nước có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử dân tộc?

+ Quan niệm yêu nước của tuổi trẻ ngày nay có gì giống và khác so với quan niệm yêu nước truyền thống?

+ Cần kế thừa và phát triển lòng yêu nước truyền thống như thế nào?

+ ..

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở bài

Nêu vấn đề trọng tâm của bài viết: Quan niệm về lòng yêu nước của tuổi trẻ ngày nay vừa giống vừa khác với quan niệm yêu nước truyền thống.

Thân bài

Lần lượt triển khai các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ cho luận đề nêu ở mở bài, ví dụ:

+ Lòng yêu nước xưa nay được thể hiện rất đa dạng, phong phú.+ Nêu điểm giống và khác trong quan niệm về yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay so với quan niệm yêu nước truyền thống.

+ ...

Kết bài

Khẳng định lại sự biểu hiện phong phú về lòng yêu nước của tuổi trẻ hiện nay; nêu cảm nghĩ của cá nhân về các biểu hiện yêu nước ấy.

c) Viết

Có thể chọn một trong các yêu cầu sau để luyện viết.

- Viết mở bài hoặc kết bài theo các cách khác nhau.

- Viết đoạn văn từ một luận điểm trong thân bài mà em yêu thích.

- Viết bài văn gồm ba phần theo dàn ý trên.

* Bài viết tham khảo:

Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm bể dâu mới có được hòa bình và nền độc lập như hôm nay. Đó là nhờ vào sự nỗ lực cống hiến cũng như tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của mỗi thế hệ. Cho đến ngày nay, lòng yêu nước vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng cần được trân trọng và phát triển hơn nữa.

Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước; nỗ lực cố gắng không ngừng để dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là tình cảm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dành cho quê hương đất nước. Đó là yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu xóm, yêu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm ấy đơn giản, gần gũi và nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người.

Biểu hiện của lòng yêu nước không phải là những thứ quá cao xa, nó nằm ngay ở ý thức và hành động của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến, lòng yêu nước chính là đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần ngại, xông lên phía trước giành lại độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc đó mạnh mẽ và quyết liệt. Đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân tương ái, cùng nhau chống lại kẻ thù. Chiến tranh ác liệt nhưng như Bác Hồ từng nó thì “lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”. Lòng yêu nước lúc đó chính là cố gắng không ngừng nghỉ, cố gắng ngày và đêm để giữ lấy độc lập của đất nước. Quân thù hung ác nhưng ý chí chiến đấu của nhân dân càng phải quyết tâm. Tình yêu nước nồng nàn và tha thiết đó là vũ khí để chiến thắng kẻ thù.

Trong thời bình, lòng yêu nước thể hiện ở việc chung ta xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân và sự vững bền cho đất nước. Tình yêu mà chúng ta dành cho làng quê yên bình, cho những dòng sông đỏ nặng phù sa, cho bãi mía nương dâu. Nhà văn Ê-ren-bua từng nói “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Những tình yêu tưởng chừng như bình dị như vậy nhưng lại tạo nên một tình yêu lớn lao và cao cả hơn.

Mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lúc lớn khôn và trưởng thành thì gia đình là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ. Đó là nơi chúng ta cần yêu thương đầu tiên. Mai này chúng ta lớn lên có trường học, xã hội, những người bạn xung quanh. Chúng ta cần phải san sẻ tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người nếu có thể. Đôi khi lòng yêu nước chỉ là tình cảm đơn giản, bình dị như vậy nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội, thế hệ trẻ cần phải cống hiến và chung tay xây dựng đất nước phát triển hơn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì cần phải cố gắng chăm học, rèn luyện không ngừng để trở thành người công dân tốt cho xã hội.

Lòng yêu nước của mỗi công dân sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xung quanh chúng ta còn có rất nhiều mảnh đời cần sự sẻ chia và giúp đỡ. có những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, bị bố mẹ bỏ rơi, những cụ già neo đơn hoặc bị con cái ngó lơ. Họ cần được yêu thương và sẻ chia. Chúng ta hãy dang rộng vòng tay để yêu thương họ, kêu gọi xã hội yêu thương họ bằng những hành động thiết thực nhất.

Tuy nhiên bên cạnh những người tràn đầy tinh thần yêu nước thì vẫn có những phần tử cố ý chống lại đất nước, chống lại chính quyền. Đó là những kẻ đi theo chủ nghĩa xuyên tạc, nói xấu Đảng và chính phủ. Cần phải xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp này để mang lại sự yên ổn của xã hội.

Chúng ta là những người trẻ, là mầm non của đất nước, bởi thế chúng ta có những cách thể hiện tinh thần yêu nước khác nhau. Nhưng trước hết phải như lời Bác dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có sánh ngang với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ phần lớn của công học tập của các cháu.” Học tập chính là cội nguồn đầu tiên của đóng góp dựng xây đất nước. Học tập giúp ta đóng góp nhân tài, đóng góp tài năng cho đất nước. Chúng ta không chỉ có học tập mà chúng ta phải biết thực hiện những hành động nhỏ nhất yêu thương mọi người xung quanh, sẻ chia những nỗi buồn và niềm vui cùng mọi người.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở mỗi bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:

+ Kiểm tra về nội dung và hình thức của bài viết.

+ Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.

+ Tự đánh giá kết quả viết.

- Việc kiểm tra và chỉnh sửa cần chú ý những yêu cầu sau đây:

Phương diện kiểm tra, đánh giá

Yêu cầu cụ thể

Nội dung

- Mở bài: Có giới thiệu được vấn đề nghị luận không? (Ở bài này là điểm giống và khác trong quan niệm về lòng yêu nước của tuổi trẻ ngày nay so với quan niệm yêu nước truyền thống).

- Thân bài:

+ Đã nêu được các nội dung cụ thể làm rõ cho nội dung khái quát nêu ở mở bài chưa? (Ở bài này là giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận về điểm giống và khác của lòng yêu nước trong thời kì mới so với quan niệm truyền thống).

+ Bài viết đã đủ ý chưa? Luận đề, các luận điểm có phù hợp với vấn đề nghị luận nêu trong đề hay không?

+ Các lí lẽ và bằng chứng có sinh động, đặc sắc, giàu sức thuyết phục không?

+ Có phát biểu được những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân sâu sắc không?

- Kết bài: Đã tổng hợp và gợi mở được vấn đề cần bàn luận trong bài chưa? (Ở bài này là khẳng định sự phong phú trong quan niệm về lòng yêu nước của tuổi trẻ ngày nay,...).

Hình thức

+ Bài viết có đủ ba phần chưa, nội dung (độ dài) các phần có cân đối không?

+ Đã kết hợp được các phương thức biểu đạt và các thao tác nghị luận trong khi viết hay chưa?

+ Bài viết còn mắc những lỗi nào (lỗi về ý, dùng từ, đặt câu, chính tả, ngữ pháp,...)?

Tự đánh giá

+ Bài viết đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra ở mức nào?

+ Phần nào em thấy tâm đắc nhất trong bài viết của mình? Phần nào em thấy khó khăn nhất khi thực hành bốn bước trong tiến trình viết? .

2.2 Rèn luyện kĩ năng viết: Thao tác chứng minh

a) Cách thức

Chứng minh một vấn đề là dùng những lí lẽ và dẫn chứng đã được thừa nhận để làm sáng tỏ vấn đề nêu ra. Trong cuộc sống cũng như trong học tập, thao tác chứng minh là rất cần thiết.

Để sử dụng thao tác này một cách hiệu quả, trước hết phải xác định vấn đề cần chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng cũng như lí lẽ cho phù hợp. Dẫn chứng là cái được đưa ra để chứng tỏ cho điều viết ra, nói ra là đúng, có cơ sở. Trong bài văn nghị luận, dẫn chứng phải sát hợp, tiêu biểu, toàn diện, phong phú. Dẫn chứng cũng phải có sự sắp xếp một cách lô gích, chặt chẽ, hợp lí, có thể theo trình tự thời gian, không gian hoặc mức độ quan trọng của từng sự việc đối với vấn đề cần chứng minh. Còn lí lẽ là những lời dẫn dắt, suy luận, phân tích,... kết hợp với dẫn chứng để làm rõ vấn đề.

Khi chứng minh, tuỳ theo vấn đề cần làm sáng tỏ, người viết có thể dùng dẫn chứng hay lí lẽ hoặc kết hợp cả dẫn chứng và lí lẽ để tạo nên tính thuyết phục.

Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực về việc sử dụng thao tác chứng minh. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu, Người đã dẫn ra hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và Pháp. Cả hai bản Tuyên ngôn này đều khẳng định quyền tự do, độc lập của mỗi dân tộc, mỗi con người. Từ chỗ khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, Hồ Chí Minh nêu vấn đề: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”. Luận điểm này đã được Người chứng minh rất cụ thể và sáng tỏ ở nhiều phương diện:

- “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào.”.

- “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu.”.

b) Bài tập

Câu hỏi (trang 29 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Hãy viết một đoạn văn chứng minh thơ văn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thể hiện rõ lòng yêu nước nồng nàn.

Trả lời:

Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng quý báu trong thơ văn. Những tác phẩm ấy đã thể hiện rõ lòng yêu nước nồng nàn. Với tác phẩm “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tình yêu thương sâu đậm đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Tập nhật kí được Bác viết trong khoảng thời gian Bác đang bị giam ở nhà tù, từng câu, từng chữ trong tập nhật kí đã mang đến cho người đọc những bất ngờ về tinh thần bất khuất, ý chí sắt đá, vượt lên mọi khó khăn, một lòng hướng về đất nước dù Bác đang phải sống trong cảnh tù đày. Những dòng văn của Bác chứa đựng niềm tin vào tương lai tự do và hạnh phúc cho đất nước. Những tác phẩm văn chất lượng cao của Hồ Chí Minh không chỉ làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam mà còn là cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Hay tác phẩm “Nhà văn hóa mới”, những câu thơ trên thể hiện rõ lòng yêu nước sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người đã dành cả cuộc đời mình để chiến đấu vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, qua tác phẩm này, ông truyền đạt tinh thần yêu nước, khích lệ mọi người hướng tới mục tiêu cao cả của sự thịnh vượng và phát triển của đất nước. Với những sáng tác mang tính chất cách mạng và đậm chất yêu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã làm rạng danh cho mình trong lòng người Việt và trên toàn thế giới, góp phần không nhỏ vào việc tiếp tục lan tỏa lửa yêu nước trong lòng người Việt Nam, khơi gợi nguồn cảm hứng dân tộc, khẳng định vị thế của mình trong cuộc chiến cho độc lập, tự do.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Cánh diều khác