Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 64 Tập 2 - ngắn nhất Cánh diều

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 64, 65, 66 Tập 2 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

1. Thơ trữ tình hiện đại là khái niệm chỉ các sáng tác thơ trữ tình có tính chất cách tân, đổi mới so với thơ trung đại. Ở Việt Nam, thơ trữ tình hiện đại xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ XX, phát triển với sự ra đời của phong trào Thơ mới năm 1932. Phá vỡ những quy phạm của thơ trung đại, thơ trữ tình hiện đại đề cao cái “tôi” cá nhân với những cảm xúc đa dạng, phong phú. Vừa tiếp thu những thành tựu của thơ ca phương Tây (tượng trưng, siêu thực,...) vừa hiện đại hóa những thể loại truyền thống, các nhà thơ hiện đại không ngừng tìm tòi, làm mới hình thức câu thơ, hình ảnh thơ, cấu tứ,...

2. Thơ có yếu tố siêu thực là thơ có những hình ảnh hư ảo, mơ hồ, trừu tượng, khó hình dung, lí giải một cách tường minh. Những hình ảnh này là sự thể hiện của thế giới siêu thực - thế giới được cảm nhận trong giấc mơ hoặc trong tiềm thức. Ví dụ:

Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu

Não nề lòng viễn khách giữa lúc mơ

Trời từ bi cảm động ứa sương mờ

Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá

Trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngả

Anh đoán chừng cơn ấy em ngất đi

(Hàn Mặc Tử)

Khổ thơ trên có các hình ảnh chập chờn giữa thực và mộng (Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu, gió lay hồn trong kẽ lá), có những cảm nhận, cảm giác của chiêm bao, vô thức (Não nề lòng viễn khách giữa lúc mơ, cảm động ứa sương mờ, trăng choáng váng, em ngất đi).

Yếu tố siêu thực còn thể hiện ở cách viết phóng túng, đề cao những liên tưởng tự do, không cần sử dụng dấu câu và tuân thủ trật tự ngữ pháp; dòng thơ, câu thơ được tổ chức theo hướng “lạ hóa”, phi lô gích với sự kết hợp bất thường của các từ ngữ, hình ảnh. Ví dụ:

Xua tan đi một ngày

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hát bầu vàng cung ướp hương

Ngón hường say tóc nhạc trầm mi

(Nguyễn Xuân Sanh)

Các dòng thơ trên có những kết hợp từ ngữ, hình ảnh khác lạ, dị thường, tạo ra những hình tượng thơ không dễ cảm nhận: nhạc trầm mi, hồn xanh ngát, cung ướp hương,...

3. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.”. Tiếng Việt hình thành cùng với sự xuất hiện của dân tộc, là thành quả của lịch sử dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vượt qua những thử thách lớn lao, đặc biệt là sự đồng hóa khắc nghiệt của phong kiến phương Bắc, các thế hệ cha ông đã không ngừng bảo vệ và hoàn thiện tiếng Việt để truyền lại cho chúng ta một ngôn ngữ rất giàu và đẹp. Sự giàu đẹp của tiếng Việt thể hiện ở âm điệu giàu nhạc tính, vốn từ hết sức phong phú và cách diễn đạt tinh tế, biểu cảm. Giữ gìn tiếng Việt là bảo vệ sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc, cụ thể là sự phong phú, đa dạng về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và sự trong sáng, chuẩn mực, thể hiện đặc điểm văn hóa, tư duy và tâm hồn của con người Việt Nam. Phát triển tiếng Việt là tiếp tục chuẩn hóa, phát triển vốn từ và ngữ pháp, mở rộng phạm vi sử dụng tiếng Việt, truyền bá tiếng Việt rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hai nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tiếng Việt có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Giữ gìn bản sắc là định hướng trong phát triển, còn phát triển là để không ngừng hoàn thiện bản sắc của ngôn ngữ dân tộc. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt là trách nhiệm thiêng liêng của mọi người Việt Nam và con cháu mãi về sau.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Cánh diều khác