Giáo án Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 6: Sự biến chuyển và phân hóa của xã hội nguyên thủy

BÀI 6: SỰ CHUYỂN BIẾN VÀ PHÂN HÓA CỦA XÃ HỘI NGUYÊN THỦY

I. MỤC TIÊU

1. Kiến thức:

Thông qua bài học, HS nắm được:

- Quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của kim loại đối với sự chuyển biến từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp.

- Sự tan rã của xã hội nguyên thuỷ và sự hình thành xã hội có giai cấp trên thế giới và ở Việt Nam.

- Sự phân hoá không triệt để của xã hội nguyên thuỷ ở phương Đông.

2. Năng lực

* Năng lực chung:

- Năng lực giao tiếp, hợp tác: Trao đổi, thảo luận để thực hiện các nhiệm vụ học tập.

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Sử dụng các kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế, tìm tòi, phát hiện giải quyết các nhiệm vụ trong cuộc sống.

* Năng lực riêng:

- Trình bày được quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của kim loại đối với sự chuyển biến từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp.

- Mô tả được sự hình thành xã hội có giai cấp.

- Giải thích được vì sao xã hội nguyên thuỷ tan rã.

- Nêu và giải thích được sự phân hoá không triệt để của xã hội nguyên thuỷ ở phương Đông.

- Nêu được một số nét cơ bản của xã hội nguyên thuỷ Việt Nam trong quá trình tan rã.

3. Phẩm chất

- Tình cảm đối với tự nhiên và nhân loại.

- Tôn trọng những giá trị nhân bản của loài người như sự bình đẳng trong xã hội.

- Tôn trọng di sản văn hoá của tổ tiên để lại.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1. Đối với giáo viên

- Giáo án, SGV, SGK Lịch sử và Địa lí 6.

- Sơ đồ mô phỏng quá trình xuất hiện công cụ bằng kim loại ; sơ đồ các nền văn hóa đồ đồng ở Việt Nam

- Các hình ảnh về công cụ bằng đồng, sắt của người nguyên thủy trên thế giới và ở Việt Nam

- Máy tính, máy chiếu (nếu có).

2. Đối với học sinh

- SGK Lịch sử và Địa lí 6.

- Tranh ảnh, tư liệu sưu tầm liên quan đến bài học (nếu có) và dụng cụ học tập theo yêu cầu của GV.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

A. KHỞI ĐỘNG

a. Mục tiêu: Tạo tâm thế hứng thú cho học sinh và từng bước làm quen bài học.

b. Nội dung: GV trình bày vấn đề, HS trả lời câu hỏi.

c. Sản phẩm học tập: HS lắng nghe và tiếp thu kiến thức.

d. Tổ chức thực hiện:

d. Tổ chức thực hiện:

- GV giao nhiệm vụ cho HS bằng các câu hỏi và quan sát hình ảnh trong SGK.

- Học sinh lắng nghe và trả lời câu hỏi của giáo viên

- Đánh giá nhiệm vụ học tập: GV đánh giá câu trả lời của HS, chọn 1 sản phẩm làm tình huống dẫn vào bài mới

B. HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Hoạt động 1: Tìm hiểu mục I. Sự phát hiện ra kim loại và bước tiến của xã hội nguyên thủy

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS hiểu được : quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của nó đối với sự chuyển biến từ xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp

b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SGK, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.

c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân và trả lời câu hỏi.

d. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1: GV chuyển giao NV học tập

- GV nhắc lại kiến thức, trước khi xuất hiện công cụ lao động bằng kim loại, người nguyên thủy sử dụng đá làm công cụ lao động.

- Nhiệm vụ 1: GV yêu cầu HS đọc thông tin, quan sát các kênh hình trong mục a SGK trang 24, 25 và trả lời câu hỏi:

I. Sự phát hiện ra kim loại và bước tiến của xã hội nguyên thủy

a. Sự phát hiện ra kim loại và những chuyển biến trong đời sống vật chất

? Nêu quá trình con người phát hiện ra kim loại?

- Quá trình phát hiện ra kim loại:

+ Khoảng 3500 năm TCN, cư dân Tây Á và Ai cập đã biết sử dụng đồng đỏ để chế tác công cụ lao động.

+ Khoảng 2000 năm TCN, cư dân ở nhiều khu vực trên thế giới đã biết sử dụng đồng thau.

+ Khoảng cuối thiên niên kỉ II – đầu thiên niên kỉ I TCN, cư dân ở nhiều khu vực trên thế giới đã biết sử dụng sắt để chế tác công cụ lao động.

? Công cụ và vật dụng bằng kim loại có điểm gì khác biệt về hình dáng, chủng loại so với công cụ bằng đá?

- Điểm khác biệt của công cụ bằng kim loại so với công cụ bằng đá là:

+ Phong phú, đa dạng về chủng loại (có các loại công cụ như: mũi tên, kiếm, dao găm, lưỡi câu, lưỡi cày bằng kim loại…).

+ Hình dáng công cụ mảnh, thanh thoát và sắc bén hơn, hiệu quả hơn.

? Kim loại được sử dụng vào những mục đích gì trong đời sống của con người cuối thời nguyên thủy?

- Kim loại được sử dụng vào các mục đích sau:

+ Chế tạo công cụ lao động, vũ khí…

+ Làm đồ trang sức (vòng tay…)

+ Khai thác mỏ (dùng dụng: búa, đục, lưỡi rìu bằng đồng… để khai thác mỏ).

+ Xuất hiện nghề luyện kim.

- GV giới thiệu kiến thức: Như vậy, công cụ bằng kim loại đã thay thế hoàn toàn cho công cụ bằng đá. Đến thời đồng thau, đồ đá còn rất ít, đến thời đồ sắt đồ đá đã bị loại bỏ hoàn toàn.

- Nhiệm vụ 2: GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp đôi và trả lời câu hỏi: Theo em, đời sống kinh tế của con người thời nguyên thủy có chuyển biến như thế nào khi công cụ bằng kim loại được sử dụng?

- Chuyển biến trong đời sống kinh tế:

+ Năng suất lao động tăng cao.

+ Diện tích canh tác và địa bàn cư trú được mở rộng

+ Xuất hiện một số ngành nghề mới: luyện kim, đóng thuyền…

+ Tạo ra được một lượng của cải dư thừa thường xuyên.

Nhiệm vụ 3: GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp, đọc thông tin, quan sát kênh hình trong mục b và trả lời câu hỏi:

b. Sự thay đổi trong đời sống xã hội

? Hãy chỉ ra những thay đổi trong đời sống xã hội khi công cụ bằng kim loại xuất hiện?

- Những thay đổi trong đời sống xã hội:

+ Các gia đình phụ hệ xuất hiện, thay thế các gia đình mẫu hệ.

+ Công xã thị tộc dần bị thu hẹp.

+ Xuất hiện tình trạng “tư hữu”, khiến quan hệ “công bằng và bình đẳng” trong xã hội bị phá vỡ.

+ Xã hội có sự phân hóa giàu – nghèo, dần hình thành giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị.

?Trong xã hội có giai cấp, mối quan hệ giữa người với người như thế nào?

- Trong xã hội có giai cấp: quan hệ công bằng – bình đẳng bị phá vỡ, thay vào đó là mối quan hệ bất bình đẳng giữa các giai cấp.

+ Giai cấp thống trị nắm trong tay quyền lực, được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi.

+ Giai cấp bị thống trị không được hưởng đặc quyền, đặc lợi; bị áp bức.

- GV giới thiệu kiến thức: Quá trình phân hóa xã hội và tan rã của xã hội nguyên thủy trên thế giới không giống nhau, diễn ra không đồng đều ở những khu vực khác nhau:

+ Không đồng đều về mặt thời gian: có nơi sớm hơn, có nơi muộn hơn.

+ Không đồng đều về mức độ triệt để (triệt để được hiểu với nghĩa ở mức độ cao nhất không còn có thể hơn về tất cả các mặt): có nơi bị xóa bỏ hoàn toàn, có nơi tàn dư của xã hội nguyên thủy vẫn còn được bảo tồn triệt để mãi đến sau này.

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi:

? Vì sao xã hội nguyên thủy ở phương Đông không phân hóa triệt để?

- Ở phương Đông, vào cuối thời nguyên thủy, cư dân đã sinh sống và canh tác nông nghiệp vem các dòng sông lớn. Họ thường sống quây quần, gắn bó với nhau để cùng làm thủy lợi (đắp đê, đào kênh, mương…), cùng sản xuất nông nghiệp. Do đó, mối quan hệ giữa người với người vẫn rất gần gũi, thân thiết => xã hội phân hóa không triệt để

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu.

- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời HS trả lời câu hỏi.

- GV mời HS khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới.

Hoạt động 2: Tìm hiểu mục II. Sự tan rã của xã hội nguyên thủy ở Việt Nam

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS hiểu được cách đây hơn 4.000 năm, xã hội nguyên thủy ở Việt Nam có những chuyển biến quan trọng, phát minh ra thuật luyện kim và chế tạo công cụ lao động, vũ khí bằng đồng; một số tác dụng của việc sử dụng công cụ lao động bằng kim loại.

b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SGK, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.

c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân và trả lời câu hỏi.

d. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1. GV chuyển giao NV học tập

GV yêu cầu HS theo dõi thông tin và các kênh hình trong mục III của SGK Lịch sử để trả lời câu hỏi:

II. Sự tan rã của xã hội nguyên thủy ở Việt Nam

? Sự chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam cuối thời nguyên thủy gắn liền với các nền văn hóa nào?

- Sự chuyển biến trong xã hội Việt Nam cuối thời nguyên thủy gắn với các nền văn hóa:

+ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (ở Bắc Bộ).

+ Tiền Sa Huỳnh (ở Trung Bộ)

+ Đồng Nai (ở Nam Bộ).

? Nêu những chuyển biến về kinh tế - xã hội của Việt Nam cuối thời nguyên thủy?

- Chuyển biến về kinh tế:

+ Địa bàn cư trú được mở rộng.

+ Con người đã biết dùng cày gỗ có lắp lưỡi bằng đồng để cày ruộng, trồng lúa, dùng lưỡi hái để gặt.

- Chuyển biến về xã hội:

+ Cuộc sống của người nguyên thủy ngày càng ổn định.

+ Hình thành những khu vực đông dân cư (ở lưu vực các dòng sông lớn), chuẩn bị cho sự xuất hiện của các quốc gia cổ đại đầu tiên trên đất nước Việt Nam.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu.

- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời HS trả lời câu hỏi.

- GV mời HS khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới

C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP

a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi lý thuyết.

b. Nội dung: HS sử dụng SGK, kiến thức đã học, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.

c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi phần luyện tập SGK.

- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.

- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.

D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG

a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi thực hành.

b. Nội dung: HS sử dụng SGK, kiến thức đã học, kiến thức và hiểu biết thực tế, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.

c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

- GV yêu cầu HS trả lời các câu hỏi phần vận dụng trong SGK.

- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.

- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.

* DẶN DÒ:

- Học bài, trả lời câu hỏi sách giáo khoa, hoàn thành phiếu bài tập

- Tìm hiểu trước nội dung kiến thức bài 7. Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại

Xem thêm các bài soạn Giáo án Lịch sử lớp 6 Kết nối tri thức hay, chuẩn khác:


Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học