Tiếng Việt lớp 3 (Dành cho buổi học thứ hai) Tuần 10 trang 32, 33, 34, 35, 36
Lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tuần 10 trang 32, 33, 34, 35, 36 Dành cho buổi học thứ hai giúp học sinh làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Buổi học thứ hai Tập 1.
1. Đọc (trang 32, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Nhà trình tường
Chúng tôi đi dạo quanh bản Hồng Ngài, ngắm những ngôi nhà trình tường độc đáo của người Mông. Nhìn từ xa trông chúng như những chiếc nấm rơm xinh xắn.
Có xem người dân ở đây làm nhà mới thấy sự kì công. Sau khi đã chọn được mảnh đất ưng ý, họ đặt móng nhà bằng các loại đá núi. Để xây dựng, họ làm những chiếc khuân gỗ, đổ đất sét vào và dùng chày gỗ nện chặt, hết lớp nọ đến lớp kia – gọi là trình tường, tạo nên những bức tường dày 40cm hoặc hơn, cao 4 – 5m, vô cùng vững chắc. Nhà có mái dốc và ngắn, lợp cỏ tranh, không có hiên. Ngoài cửa ra vào đặt ở giữa, có một cửa phụ đặt ở đầu hồi. Nhà kiểu này giữ ấm vào mùa đông và đón khí mát mẻ vào mùa hè. Người Hà Nhì cũng làm nhà trình tường. Nhà của người Hà Nhì, đất mặt tường bên trong và bên ngoài được giã mịn và mài nhẵn hơn người Mông.
Theo truyền thuyết, nhà trình tường xuất hiện vào một năm cực kì nguy khốn. Mùa đông năm ấy, trời giá rét khủng khiếp, băng tuyết phủ kín mọi nơi. Đúng lúc ấy lại có toán giặc cướp ở đâu kéo đến. Chúng dùng máy bắn đá bắn sập các ngôi nhà. Tiếng kêu khóc của dân bản vang tận trời xanh. Giàng thấy vậy đã dạy cho họ cách làm nhà trình tường. Từ đó, họ chống được giá rét và giặc cướp.
Giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc bảng lảng hơi sương, những ngôi nhà trình tường hiện lên vẻ đẹp thô mộc, khỏe khoắn khiến con người yên tâm, tin cậy.
(Theo Tống Lam Linh)
- Móng nhà: Lớp vật liệu xây dựng ở dưới cùng, thường nằm trong đất, để đỡ sức nặng của công trình xây dựng.
- Giàng: Trời, ông Trời (theo cách nghĩ của người xưa).
2. (trang 32, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Viết Đ (đúng) hoặc S (sai) vào chỗ trống
a. Để có ngôi nhà trình tường, phải bỏ rất nhiều công sức. (...)
b. Các bức tường của ngôi nhà trình tường rất dày và vững chắc. (...)
c. Tường nhà trình tường được xây bằng gạch. (...)
d. Người Mông mài nhẵn cả hai mặt của bức tường. (...)
e. Nhà trình tường ấm về mùa đông nhưng nóng về mùa hè. (...)
g. Nhà trình tường hiện lên vẻ thô mộc và khỏe khoắn giữa núi rừng. (...)
Trả lời:
a. Đ
b. Đ
c. S
d. S
e. S
g. Đ
3. (trang 33, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Nhà trình tường ra đời trong hoàn cảnh nào?
Trả lời:
Nhà tình tường ra đời trong hoàn cảnh nguy khốn, đó là vào mùa đông giá rét, cùng lúc giặc cướp dùng máy bắn đá bắn sập các ngôi nhà.
4. (trang 33, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Nhà trình tường có ý nghĩa như thế nào với người dân?
Trả lời:
Nhà trình tường là nơi mà người dân yên tâm, tin cậy vì đây là nơi sẽ chống được giá rét và giặp cướp.
1. (trang 33, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Gạch chân các từ không phải là từ chỉ đặc điểm.
Xinh xắn, chặt, chắc, vững chắc, dốc, ngắn, ấm, mát mẻ, mịn, nhẵn, giá rét, kêu khóc, khung cảnh, thô mộc, khỏe khoắn
Trả lời:
- Từ không phải là từ chi đặc điểm: chặt, chắc, giá rét, kêu khóc, khung cảnh.
2. (trang 33, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Chọn 2 từ chỉ đặc điểm ở bài tập 1 để đặt 2 câu.
Trả lời:
- Bạn Minh có thân hình khỏe khoắn.
- Mẹ đan cho tôi một chiếc khăn ấm để dùng vào những ngày giá rét.
3. (trang 33, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Chọn từ chỉ đặc điểm đã cho điền vào chỗ trống
xinh xắn, đói khát, mát mẻ, thoáng đãng
Cái chuồng ngỗng mới ...... , đẹp đẽ ở xế bên sân gạch, cạnh chuồng chim bồ câu. Chuồng làm ở trên cao, có mấy bậc gạch mới lên đến cửa. Xung quanh bủa nan tre loáng thoáng, vừa ...... vừa ...... Trên nóc là một cái mái rạ che mưa nắng. Ở đấy cao và gần nhà, bọn cầy cáo ...... dù hung hăng đến đâu cũng không dám bén mảng tới.
(Theo Tô Hoài)
Trả lời:
Cái chuồng ngỗng mới xinh xắn, đẹp đẽ ở xế bên sân gạch, cạnh chuồng chim bồ câu. Chuồng làm ở trên cao, có mấy bậc gạch mới lên đến cửa. Xung quanh bủa nan tre loáng thoáng, vừa thoáng đãng vừa mát mẻ. Trên nóc là một cái mái rạ che mưa nắng. Ở đấy cao và gần nhà, bọn cầy cáo đói khát dù hung hăng đến đâu cũng không dám bén mảng tới.
4. (trang 33, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Đọc câu chuyện vui dưới đây và thực hiện yêu cầu.
a. Điền dấu chấm hoặc dấu chấm than vào chỗ trống.
Trên chuyến xe buýt đông khách, một học sinh đang ngồi ghế bỗng đứng lên. Đúng lúc ấy, một bác lớn tuổi bước lên, liền bảo: “Cháu cứ ngồi (...)”. Vừa nói, bác vừa ấn cậu bé ngồi xuống.
Một phút sau, khi thấy xe chạy chậm dần, cậu bé lại đứng lên (...) Bác kia lại xua tay: “Cảm ơn! Không cần đâu (...)” và lại ấn cậu bé ngồi xuống (...) Lần này, cậu bé hét lên: “Cháu có nhường chỗ cho bác đâu!”. Nói rồi cậu lao nhanh về phía cửa xe (...) Nhưng xe đã chuyển bánh (...)
Cậu giận dữ: “Thật là tai hại (...) Thế là cháu đi quá bến rồi.”.
b. Chép lại 1 câu cảm và 1 câu khiến.
Trả lời:
a. Trên chuyến xe buýt đông khách, một học sinh đang ngồi ghế bỗng đứng lên. Đúng lúc ấy, một bác lớn tuổi bước lên, liền bảo: “Cháu cứ ngồi.”. Vừa nói, bác vừa ấn cậu bé ngồi xuống.
Một phút sau, khi thấy xe chạy chậm dần, cậu bé lại đứng lên. Bác kia lại xua tay: “Cảm ơn! Không cần đâu.” và lại ấn cậu bé ngồi xuống. Lần này, cậu bé hét lên: “Cháu có nhường chỗ cho bác đâu!”. Nói rồi cậu lao nhanh về phía cửa xe. Nhưng xe đã chuyển bánh.
Cậu giận dữ: “Thật là tai hại! Thế là cháu đi quá bến rồi.”.
b.
- Câu cảm: Thật là tai hại!
- Câu khiến: Cháu cứ ngồi.
1. (trang 34, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Điền vào chỗ trống:
a. iêu hoặc ươu
uống r... thả d...
con h... bác t... phu
b. en hoặc eng
tiêm v... cài th...
đánh k... xà b...
c. Điền iêu hoặc ươu, en hoặc eng (thêm dấu thanh nếu cần) rồi giải đố.
- Đêm đêm làm bạn với đ...
Giúp người quân tử luyện r... chí cao.
Là ...
- Không nhanh như h...., không chậm như rùa
Suốt bốn mùa cặm cụi đi, đi mãi
Nhẫn nại đêm ngày, ai cũng tin
Sáng, ch..., sớm, muộn nhìn là biết.
Là ...
Trả lời:
a. uống rượu, thả diều, con hươu, bác tiều phu
b. tiêm ven, cài then, đánh kẻng, xà beng
c. Đêm đêm làm bạn với đèn
Giúp người quân tử luyện rèn chí cao.
Là quyển sách.
d. Không nhanh như hươu, không chậm như rùa
Suốt bốn mùa cặm cụi đi, đi mãi
Nhẫn nại đêm ngày, ai cũng tin
Sáng, chiều, sớm, muộn nhìn là biết.
Là đồng hồ
2. (trang 35, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Cái nồi thần
Một anh nông dân nấu một nồi cháo đặc, anh đem đặt giữa sân cho chóng nguội. Nhưng nồi cháo vẫn tiếp tục sôi ùng ục.
Đúng lúc ấy có một lão nhà giàu tham lam đi qua cũng đứng lại xem. Biết lão này hay tìm cách chiếm đoạt đồ quý lạ, anh nông dân liền nghĩ ngay ra một kế. Anh nói:
- Ông thấy không, không cần lửa mà nó vẫn sôi.
- Lạ quá nhỉ? – Lão nhà giàu há miệng ngạc nhiên.
- Vì đây là cái nồi thần. Chỉ cần đổ gạo và nước vào là nó tự sôi.
- Ta muốn đổi một sào đất cho anh để lấy cái nồi này được không? – Lão ta đề nghị.
Anh nông dân đồng ý và bắt làm giấy tờ cẩn thận.
Lão nhà giàu đem nồi về, đổ gạo và nước vào, đem để giữa nhà. Chờ mãi, chờ mãi, đến tận chiều cũng chả thấy nó sôi.
(Truyện cổ Việt Nam)
- Sào: đơn vị tính diện tích truyền thống, 1 sào (Bắc Bộ) là 360 mét vuông.
a. Câu hỏi nào trong câu chuyện trên có thể chuyển thành câu khiến? Hãy viết câu khiến đó (có thể thay đổi một vài từ ngữ).
b. Tự đặt 1 câu hỏi mang nội dung đề nghị rồi chuyển thành câu khiến.
M: Bạn cho mình mua trước được không? -> Bạn cho mình mua trước nhé!
Trả lời:
a. Câu: Ta muốn đổi một sào đất cho anh để lấy cái nồi này được không?
Chuyển thành: Ta đổi một sào đất đổi lấy cái nồi này của anh nhé!
b. Bạn cho tớ mượn cuốn truyện này được không?
-> Bạn cho tớ mượn cuốn truyện này nhé!
3. (trang 36, Tiếng Việt 3 tập 1 dành cho buổi học thứ 2)
Đọc tham khảo bài văn dưới đây sau đó viết 1 – 2 đoạn văn tả một vật dụng trong nhà em.
Trả lời:
Nhà em có một chiếc máy xay sinh tố rất tuyệt. Máy gồm phần thân là một cái bình thủy tinh lớn có nắp đậy. Phía dưới là phần chân máy với lưỡi xay và các nút bấm điều khiển máy. Để sử dụng, thì em chỉ cần cho hoa quả và đá nhỏ vào thân máy, rồi bật máy lên là có ngay ly sinh tố ngon lành. Vào mùa hè, chiếc máy sinh tố thực sự là một dụng cụ đắc lực được cả nhà yêu thích.
Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 Dành cho buổi học thứ hai hay, chi tiết khác:
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án điện tử lớp 3 (các môn học)
- Giáo án Toán lớp 3
- Giáo án Tiếng Việt lớp 3
- Giáo án Tiếng Anh lớp 3
- Giáo án Đạo đức lớp 3
- Giáo án Hoạt động trải nghiệm lớp 3
- Giáo án Tin học lớp 3
- Giáo án Tự nhiên và xã hội lớp 3
- Giáo án Công nghệ lớp 3
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi Tiếng Việt lớp 3 (có đáp án)
- Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 3 (cả ba sách)
- Bài tập Tiếng Việt lớp 3 (hàng ngày)
- Đề thi Toán lớp 3 (có đáp án)
- Toán Kangaroo cấp độ 2 (Lớp 3, 4)
- Bộ Đề thi Violympic Toán lớp 3
- Bài tập cuối tuần Toán lớp 3 (cả ba sách)
- Bài tập Toán lớp 3 (hàng ngày)
- Đề cương ôn tập Toán lớp 3
- Ôn hè Tiếng Việt lớp 3 lên lớp 4
- Ôn hè Toán lớp 3 lên lớp 4
- Đề thi Tiếng Anh lớp 3 (có đáp án)
- Bài tập cuối tuần Tiếng Anh lớp 3
- Đề thi Tin học lớp 3 (có đáp án)
- Đề thi Đạo Đức lớp 3 (có đáp án)