300+ Đoạn văn nghị luận 200 chữ ôn thi Tốt nghiệp 2024

Bộ tài liệu tổng hợp bài văn, đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ thường gặp, chọn lọc trong các đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn giúp học sinh ôn tập và chuẩn bị tốt cho kì thi THPT Quốc gia năm 2024 đạt kết quả cao.

Đoạn văn nghị luận về Covid-19 mới nhất

Các đoạn văn nghị luận 200 chữ

Đề bài: Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về câu nói: "Trong thế giới khắc nghiệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết."

    HIV – AIDS – căn bệnh thế kỉ đã huỷ diệt biết bao sinh mệnh của con người. HIV-AIDS là tên viết tắt của những loại virut phá huỷ hồng cầu, làm suy giảm hệ miễn dịch của người, trong đó người bị HIV là giai đoạn đầu của bệnh còn AIDS là giai đoạn cuối của bệnh. Theo thống kê, năm 2007 trên thế giới có 36.1 triệu người nhiễm HIV/ AIDS và 21.8 triệu người trong đó đã tử vong, một con số vô cùng kinh khủng, hơn 10 năm nữa đã trôi qua, con số ấy vẫn tăng lên từng ngày, hiểm hoạ do AIDS gây ra ngày càng kinh khủng cho cả bản thân người mắc lẫn toàn xã hội. Thế nhưng, hậu quả sẽ càng khôn lường hơn nếu chúng ta không có thái độ đúng đắn để đối mặt với căn bệnh thế kỉ đó. Xa lánh, sợ hãi, trốn tránh, im lặng, che giấu,… tất cả những thái độ đó đều chính là ngòi nổ khiến việc giải quyết, xử lí và ngăn chặn HIV – AIDS càng trở nên khó khăn và bế tắc. Thái độ đúng mực, đồng cảm, sẻ chia là điều có ý nghĩa to lớn, đừng bao giờ dùng bức tường ngăn cách, " chúng ta" – "họ” để giết chết những người bệnh trước khi căn bệnh phát tác. Chính vì vậy, im lặng, dù đến từ người mắc bệnh hay xã hội, chính là tìm đến cái chết. Mỗi chúng ta hãy tạo cho mình lối sống lành mạnh và vốn kiến thức sâu rộng để cùng chung tay đẩy lùi căn bệnh thế kỉ này.

Đề bài: Suy nghĩ về câu nói của nhà văn Nguyễn Khải: Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những rảnh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy."

    Bàn về những vấn để triết lí mang tính nhân sinh, nhân văn Nguyễn Khải đã từng nói: " Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy." " Sự sống" ở đây chính là những giá trị vật chất và tinh thần của mỗi cá thể, ngược lại với "sự sống" chính là "cái chết". " Hạnh phúc" là đích đến của mọi người. "Hi sinh, gian khổ" như những chướng ngại vật giúp ta trưởng thành hơn. "Sự sống nảy sinh từ cái chết" chính là từ trong cái chết sự sống được xác lập, cái chết là môi trường gieo mầm sống. "Hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh gian khổ" trong cuộc sống không chỉ có toàn niềm vui mà còn có rất nhiều khó khăn, thử thách. Muốn có cho mình quả ngọt " hạnh phúc" thì bắt buộc chúng ta phải trải qua những gian nan ấy. Câu nói ấy gửi tới chúng ta thông điệp rằng, cuộc sống luôn chứa đựng những điều tưởng như đối lập nhưng thực chất lại thống nhất với nhau. Dám vượt qua những gian khổ, hi sinh chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:

   Ví không có cảnh đông tàn

   Thì sao có cảnh huy hoàng ngày xuân

Đề bài: Hãy nêu suy nghĩ của anh chị về quan điểm: "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa"

    Nhận định về việc cống hiến và hưởng thụ có ý kiến cho rằng: " Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa." " Cống hiến" là việc đóng góp sức lực của cá nhân, tập thể cho sự nghiệp chung. " Hết mình" là toàn bộ khả năng bao gồm cả sức lực và trí lực. " Hưởng thụ" là thu nhận thành quả, hưởng thành quả lao động mà mình tạo ra, một cách "tối đa" tức là mức hưởng thụ cao nhất. Câu nói nhằm khẳng định một phong cách sống tích cực, tận hiến để tận hưởng, tận hiến cũng là tận hưởng. Cống hiến hết mình là phương châm sống tích cực và tốt đẹp mà con người cần học tập và tu dưỡng. Cống hiến hết mình cũng chính là việc chúng ta đã và đang góp sức mình xây dựng một xã hội tốt đẹp và văn minh hơn. Biểu hiện của lối sống tích cực này là việc mỗi chúng ta luôn có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ của mình với gia đình cộng đồng và toàn xã hội. Con người khi tận hưởng tối đa thành quả mà mình tạo ra, sau quá trình cống hiến hết mình, họ sẽ cảm thấy thoải mái, không xấu hổ. Phương châm hưởng thụ tối đa còn cần phụ thuộc vào từng bối cảnh, việc hưởng thụ cần phù hợp, tránh xa xỉ, vung phí tiền của. Nếu chúng ta đặt nặng bất cứ vấn đề nào hơn thì đều không tốt, tạo ra kết quả xấu. "Cống hiến hết mình" là phương châm sống hiện đại, tích cực cần được học tập và tu dưỡng, có ý thức loại bỏ cách sống ích kỉ, tham lam, vô văn hóa cùng lối sống vô độ, trác tán.

Đề bài: Nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống.

    Giữa cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, ai trong mỗi chúng ta cũng đều cần có cho mình một khoảng lặng để cuộc sống chậm lại và ý nghĩa hơn. Khoảng lặng là giây phút con người tự cho phép mình được sống thoải mái, không vướng bận, âu lo; thời điểm mà con người được nghỉ ngơi, thư giãn. Có người nghĩ rằng, khoảng thời gian ấy chính là phần thưởng vô giá cho bản thân, giãn cách nhịp sống nghẹt thở, tạo ra những nguồn năng lượng mới. Vậy, tại sao chúng ta lại cần có những "khoảng lặng"? Phải chăng chính là do mặt trái của xã hội công nghệ hiện đại, thời đại khoa học kĩ thuật vượt trội, con người bị cuốn vào những guồng quay của công việc, làm việc như một cái máy, sống nhanh, sống vội, sống quay cuồng. Hàng loạt những con số đáng kinh ngạc đã được công bố, ở Nhật Bản, số người tự tử ngày một tăng cao, do áp lực công việc, do áp lực từ cấp trên mà không ít những người đã chết, chết do tự tự, chết do làm việc quá sức. Đừng ngần ngại cho mình những khoảng lặng để ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống, đừng ngại ngần khi tạo cho mình những nguồn năng lượng mới, cố gắng vì một cuộc sống hạnh phúc và hướng tới một sự tĩnh tại trong tâm hồn, vững vàng trước những phong ba, bão táp của đường đời.

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ về sự khen và chê

    Trong cuộc sống, chúng ta thường muốn nghe những lời khen ngợi từ người khác thay vì những lời chê bai. Phải chăng lúc nào khen cũng tốt và lúc nào chê cũng xấu? Thực chất thì cả khen và chê đều là những lời nhận xét, góp ý nhằm giúp đối tượng ngày càng hoàn thiện hơn, miễn là những lời khen chê ấy là thật lòng và đúng mực. Khen là những nhận xét đánh giá tích cực, còn chê thì ngược lại là những nhận xét, đánh giá tiêu cực. Khen và chê diễn ra ở hầu khắp những lĩnh vực, ngành nghề, không phân biệt thời gian, lứa tuổi, địa điểm,…..Chưa làm tốt công việc thì bị phê bình, làm tốt bài kiểm tra thì sẽ được khen, hay đơn giản là một hành động nhỏ như nhặt vụn rác ven đường vứt đúng nơi quy định thì cũng là một điều đáng được khen ngợi. Cả khen và chê thì đều quan trọng, không nên đặt một bên nào nặng, bên nào nhẹ mà cần cân bằng chúng. Nếu khen đúng mực thì sẽ là chúc mừng, còn quá đà thì có thể sẽ thành tâng bốc. Nếu chê không khéo léo thì sẽ dễ thành sỉ vả, lăng nhục. Muốn hoàn thiện bản thân mình thì hãy lắng nghe những nhận xét của người. Khen và chê giúp cho chúng ta sống có trách nhiệm hơn, nhận thức đúng đắn hơn về bản thân mình, hướng tới một cuộc sống hoàn thiện về nhân cách và tâm hồn con người.

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tình mẫu tử

    “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Tình mẫu tử từ lâu đã trở thành một trong những tình cảm máu thịt cao quý và thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Tình mẫu tử là khái niệm thuộc phạm trù tinh thần, được hiểu là tình cảm gắn bó, yêu thương, ruột thịt của mẹ và con. Đây là tình cảm được xuất phát từ hai phía, mẹ yêu thương con, con kính trọng, hiếu thuận với mẹ. Tình mãu tử trong xã hội được biểu hiện đa dạng với những hành động cụ thể khác nhau. Chúng ta có thể bắt gặp những bà mẹ tảo tần, lặn lội sương gió, yêu thương, che chở và hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái; bắt gặp người con hiếu thảo, chăm sóc, bảo vệ mẹ già. Đó đều là hành động minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp và đáng trân trọng. Tình mẫu tử như một bài ru ngọt ngào, tiếp thêm động lực, sức mạnh cho cả mẹ và con trước bất kì khó khăn, gian khổ nào của cuộc đời. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không khỏi đau xót và phẫn uất trước tình trạng tha hóa đạo đức khi mẹ ruột nhẫn tâm vứt bỏ con cái của mình, khi con cái đánh đập, bất hiếu với cha mẹ già đã tảo tần hi sinh ngày nào.... Thậm chí, có những bà mẹ, những người con còn ra tay giết chết máu mủ ruột già của mình chỉ vì sự nóng giận, ích kỉ. Những hành động đó đã và đang diễn ra một cách trần trụi và nhức nhối, bóp méo đi hai chữ “mẫu tử” thiêng liêng, gây ảnh hưởng xấu đến văn minh xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần có giải pháp kịp thời để ngăn chặn hành vi đi trái với đạo đức đó, cưu mang, cứu giúp kịp thời những hoàn cảnh đáng thương của sự suy đồi về nhân cách của con người.

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về lòng dũng cảm

    Dũng cảm là phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Lòng dũng cảm được hiểu là tấm lòng gan dạ, dám dấn thân, đương đầu với khó khăn, gian khổ vì mục đích cao đẹp. Trong cuộc sống, lòng dũng cảm được biểu hiện bằng những hành động cụ thể trong từng hoàn cảnh khác nhau. Đó có thể là lòng dũng cảm của những vị anh hùng cứu nước, của những người chiến sĩ cách mạng dám dấn thân vào vòng vây của giặc, đứng hiên ngang trước mũi súng, làn bom vì mục đích cứu nước cứu dân cao cả. Đó cũng có thể là lòng dũng cảm của người con người bình thường dám đương đầu với khó khăn, dám thử sức mình với cái mới để tìm ra con người thành công cho bản thân và xã hội. Xã hôi hiện nay có rất nhiều tấm gương hiệp sĩ nông dân tự nguyện đứng lên chống cướp, bắt cướp, đảm bảo an toàn cho người dân, tiêu biểu như nhóm hiệp sĩ ở các quận thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua. Có thể thấy, lòng dũng cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của con người và cả xã hội. Hiểu rõ điều đó, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân lòng dũng cảm, kiên cương, gan dạ ngay trong những hoàn cảnh nhỏ nhất, tránh xa lối sống hèn nhát, ích kỉ, ngại khó. Có như vậy, ta mới trở thành công dân có ích, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về hạnh phúc

    “Hạnh phúc bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất”. Thật vậy! Hạnh phúc là khái niệm thuộc phạm trù tinh thần, là cảm xúc vui sướng, mãn nguyện khi đạt được hay làm được điều mình mong ước. Cũng giống như những trạng thái tình cảm của con người, hạnh phúc là cảm xúc xuất phát từ con tim, trong bất kỳ khoảnh khắc nào của cuộc sống. Khi con người biết hạnh phúc với những gì mình có, mình đạt được thì tâm hồn sẽ thanh thản, nhẹ nhõm và viên mãn. Ngược lại, nếu ta sống vô cảm hoặc đòi hỏi quá cao vào bản thân, không cho phép mình hạnh phúc hay thỏa mãn với bất cứ điều gì, thì chắc chắn, ta sẽ trở nên khô khan và mất dần niềm tin vào cuộc sống. Hạnh phúc có thể bắt nguồn từ những điều lớn lao, ví dụ như sự thành công, nhưng cũng có thể bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất. Đó là khi ta nhận được một món quà nhỏ, nhận được một lời cảm ơn chân thành, là khi ta làm được một việc tốt, mang đến hạnh phúc cho người khác… Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn có được trong cuộc sống, thế nhưng, chúng ta hãy tập hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất, hạnh phúc với tất cả những gì mình đang có, và quan trọng hơn, đó là hãy trao đi hạnh phúc để nhận lại yêu thương.

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về bạo lực học đường

    Bạo lực học đường đã và đang là vấn đề nóng bỏng được cả xã hội quan tâm. Về khái niệm, bạo lực học đường là hành vi thô bạo, ngang ngược, sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần, diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường là một hiện tượng xã hội xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học, nhiều mức độ. Có những trường hợp chỉ đơn giản là đánh nhau, gây gổ, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, tụ tập để “trả thù”, “dằn mặt” nhau bằng các loại vũ khí nguy hiểm như dao, mã tấu, gậy,… khiến dư luận hoang mang. Không chỉ vậy, bạo lực học đường còn diễn ra trong mối quan hệ thầy – trò, thầy cô bạo hành học sinh, thậm chí còn có trường hợp học sinh đánh đập, sỉ nhục thầy cô. Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ tâm lý học sinh háo thắng, dễ kích động, thầy cô quá stress với việc dạy học và không kiểm soát được bản thân. Bên cạnh đó, còn do học sinh bị ảnh hưởng bởi tệ nạn, thói xấu trong xã hội, cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, nhà trường chưa sát sao trong việc giáo dục nhân cách học sinh, giáo viên. Tất cả những điều đó đều gây ra hậu quả khôn lường về cả thể chất, tiền bạc, lẫn tinh thần. Đã có rất nhiều học sinh phải nghỉ học, chuyển trường, chuyển lớp, trầm cảm vì bị bắt nạt và bạo lực bởi các bạn học sinh khác. Có thể thấy, tình trạng bạo lực học đường đang trở thành hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội, mỗi chúng ta cần ý thức được nguyên nhân, hậu qủa của nó và ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực này.


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học