5+ Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa về tâm hồn
Đề bài: Nghị luận xã hội về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa về tâm hồn.
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 1
- Dàn ý Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 2
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 3
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 4
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 5
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 6
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 7
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 8
- Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 9
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 1
Tiền bạc luôn là thứ quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng coi nó là tất cả thì thực sự là một sai lầm. Có ý kiến cho rằng: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa tâm hồn. Đúng vậy, sống trên đời này ai cũng cần tiền bạc. Nó là thứ giúp chúng ta sống có mục tiêu, có động lực, giúp chúng ta có điều kiện tốt hơn về vật chất, thậm chí giải tỏa về tinh thần. Tiền bạc có ý nghĩa lớn thật đấy, nhưng không có nghĩa là nó được đặt lên hàng đầu. Tiền bạc là điều chúng ta muốn nhưng ham muốn vô độ về nó lại trở thành sự sa đọa về tâm hồn. Bạn thực sự muốn có nhiều tiền, không lao động nghiêm túc, đúng đắn và phù hợp với pháp luật bạn sẽ dần đánh mất đi tâm hồn mình. Chúng ta đã chứng kiến cảnh đau lòng khi những kẻ máu lạnh sẵn sàng giết hàng loạt người để cướp vàng, cướp tiền. Chúng ta cũng xót xa vì cảnh những đứa con sẵn sàng vì tiền mà chà đạp lên lòng hiếu thảo, bỏ mặc cha mẹ mình. Chúng ta cũng đầy phẫn nộ vì những kẻ tham ô, nhũng nhiễu vì tiền mà bất chấp lương tâm của mình hủy hoại xã hội, làm khổ dân... Còn nhiều lắm những bài học đắt giá về tiền mà chỉ trải qua mới thấy thấm thía. Nhưng đáng sợ hơn cả là nó làm bản chất con người thay đổi. Có người cho rằng đồng tiền không phải dao nhưng nó lại rất sắc, có thể cắt cứa được nhiều thứ, trong đó có thể băm vằm, xé nát tâm hồn bạn. Việc ham muốn tiền bạc vô độ là điều đáng lên án, phê phán. Sức hủy hoại con người của nó quá lớn, đặc biệt sự tha hóa về nhân cách con người mà khó có thể nào lấy lại được. Cái gì cũng có giá, tiền bạc là thứ dùng để trả giá nhưng cái giá của đồng tiền có khi lại đánh đổi bằng những thứ mà bao nhiêu tiền không thể cứu vãn được. Hãy biến tiền thành phương tiện sống, chứ không phải mục đích sống các bạn nhé!
Dàn ý Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa
1. Mở bài
– Những quan điểm về tiền trong xã hội hiện nay.
– Dẫn vào vấn đề: “Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa về tâm hồn”.
2. Thân bài
a. Khái niệm về tiền:
– Tiền là thước đo vật chất trong xã hội loài người, chúng được quy ước và ban hành bởi nhà nước bằng những đạo luật quản lý vô cùng nghiêm ngặt.
– Tiền là sản phẩm tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội, có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế.
=> Con người ngày càng ý thức được tầm quan trọng của tiền nên ngày càng nỗ lực, phấn đấu làm ra tài sản, của cải để chứng minh năng lực và thành tựu của bản thân.
b. Bàn luận:
* Sự phấn đấu, nỗ lực hết mình dùng tài năng của bản thân để tạo ra của cải vật chất, để trở nên có vị thế trong xã hội đó là một việc làm đúng đắn, là một con đường mà dường như người trẻ nào cũng hướng tới
* Thế nhưng không phải mọi nỗ lực kiếm tiền đều là đúng đắn:
– Sức cám dỗ của tiền tài quá lớn, bởi nó giá trị của nó quá mức hấp dẫn, những người yếu lòng, tâm không đoan chính thì dễ đi vào cung đường tội lỗi hơn cả, họ bị tiền che mờ con mắt, mà bán rẻ lương tâm làm những việc thương thiên hại lý, mất hết nhân tính.
– Vì tiền mà giết người, lừa đảo, tham nhũng,… làm rối loạn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước.
– Một bộ phận giới trẻ dường như coi đồng tiền là tất cả, tiền quan trọng hơn tình thân, tình yêu, tình bạn, họ quay cuồng trong việc kiếm tiền và bỏ qua tất cả những giá trị tinh thần khác, dần đà con người bỗng trở nên lạnh lùng vô cảm, giống như chính cái mà họ đang theo đuổi – đồng tiền.
* Lời khuyên:
– Phấn đấu để cho mình một cuộc sống tốt hơn là đúng, nhưng ít ra bạn cũng nên giữ lại cho mình một tâm hồn tươi đẹp, đừng để những cái tiêu cực của đồng tiền làm lạnh lẽo, sa đọa.
– Thế hệ trẻ như chúng ta hãy cố gắng hết mình cho cuộc sống bằng những con đường đúng đắn, tiền kiếm bao nhiêu cũng không bao giờ là nhiều, quan trọng là bản thân chúng ta thấy đủ và cảm thấy hạnh phúc vì điều ấy.
3. Kết bài
– Nêu suy nghĩ cá nhân.
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 2
Sống trong xã hội hiện đại, cùng với đó là sự lên ngôi của nền công nghiệp 4.0, tiền bạc là một loại hàng hóa đặc biệt mà con người có thể nói là tìm mọi cách để có được thật nhiều. Rất nhiều người vẫn nói vui rằng: “Những thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” hay “Có tiền chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng không có tiền thì chắc chắn không hạnh phúc”. Mặc dù hơi phũ phàng và thực tế nhưng những câu nói ấy vẫn đúng, nhất là trong điều kiện xã hội ngày nay, nhịp sống ngày càng nhanh nhu cầu của con người ngày càng cao và càng được đáp ứng bằng các dịch vụ tốt hơn từng ngày. Chính điều ấy đã trở thành động lực lớn mạnh để thúc đẩy con người phấn đấu làm ra của cải tài sản, để khẳng định bản thân, để có cuộc sống hạnh phúc hơn, nhưng có một điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ và băn khoăn đó là: “Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa về tâm hồn”.
Vậy tiền là gì và tại sao mục tiêu sống của đại bộ phận con người chính là làm ra tiền? Có thể định nghĩa một cách đơn giản rằng tiền là thước đo vật chất trong xã hội loài người, chúng được quy ước và ban hành bởi nhà nước bằng những đạo luật quản lý vô cùng nghiêm ngặt để tránh hiện tượng lạm phát, rửa tiền,… Thực tế vào rất lâu trước đây con người vốn không sử dụng tiền mà họ trao đổi hàng hóa với nhau một cách ngang giá, ví dụ như nhà A chăn được dê, nhưng anh không thể ăn thịt dê mãi được, A muốn có cả gạo, thế là A đã đem con dê to nhất của mình sang nhà B, nhà B trồng rất nhiều lúa nhưng lại thiếu thịt. Hai người làm một cuộc trao đổi ngang giá một con dê đổi lấy nửa tạ gạo và ban đầu hai người rất ưng ý về cách trao đổi này. Thế nhưng sau một thời gian A cảm thấy mình bị thiệt, B cũng cảm thấy mình bị hố khi trao đổi như vậy, mâu thuẫn xảy ra, dẫn tới việc bắt buộc phải có một vật gì đó làm chuẩn mực thanh toán và tiền đã ra đời như thế. Càng về sau tiền càng trở nên quan trọng trong cuộc sống, khi đi đâu đó con người chỉ cần dắt túi một ít tiền là có thể thoải mái mua bán, chứ không cần phải mang vác quá nhiều vật phẩm. Dần dà dưới sự phát triển của thương mại, tiền trở thành vật ngang giá chung nắm vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người và của cả nền kinh tế, đặc biệt sự phân hóa giàu nghèo ngày càng diễn ra mạnh mẽ, với sự đãi ngộ khác biệt, người có tiền có thể hưởng dụng các dịch vụ tốt hơn và ngược lại khiến cho con người càng ý thức được tầm quan trọng của tiền. Bởi suy cho cùng nhu cầu cấp thấp nhất của con người là ăn, mặc, ở nếu như có tiền là có thể thỏa mãn chưa kể đến các nhu cầu bậc cao hơn. Ngoài ra, tiền còn là minh chứng cho thành tựu của một con người, khiến con người trở nên tự tin và vui vẻ hơn, một nữ minh tinh Trung Quốc mới nổi dạo gần đây có phát biểu rằng: “Tôi thường bị sa sút tinh thần khi nghe những bình luận ác ý của antifan, thế nhưng mỗi lần như vậy tôi sẽ lấy sổ tiết kiệm ra và nhìn số dư trong đó là lập tức tôi lại có thể vui vẻ ngay”. Có thể nói rằng ngoài những do chính mà tôi vừa nêu ra thì còn có vô vàn những lý do khác để con người phấn đấu hết sức làm ra tiền bạc của cải trước là phục vụ bản thân, gia đình, sau nữa là phục vụ đất nước, phục vụ xã hội. Đặc biệt trong tình hình chính trị phức tạp như hiện nay, một dân số giàu, một đất nước có tiềm lực kinh tế vững mạnh vẫn có những ưu thế vượt trội hơn cả trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quốc gia.
Suy nghĩ một cách thật tích cực thì phấn đấu, nỗ lực hết mình dùng tài năng của bản thân để tạo ra của cải vật chất, để trở nên có vị thế trong xã hội đó là một việc làm đúng đắn, là một con đường mà dường như người trẻ nào cũng hướng tới. Chúng ta đang chạy đua với thời gian với sự phát triển không ngừng nghỉ của xã hội dường như lối sống quá Phật hệ, vô dục vô cầu sẽ khiến chúng ta khó có thể tồn tại. Ít nhất chúng ta cũng phải có một mục tiêu, một lý tưởng để hướng tới, mà theo tôi thấy lý tưởng nào rồi cũng quay về phục vụ cuộc sống, mà phục vụ cuộc sống thì cần tiền bạc, của cải, bởi vậy nên Tennessee Williams đã nói một câu rất thú vị rằng: “Bạn có thể trẻ mà không có tiền nhưng bạn không thể già mà thiếu nó đâu”. Bạn biết đấy tổ chức nhân đạo cũng cần tiền để duy trì, tiền ấy có thể được chính phủ hỗ trợ hoặc được các nhà hảo tâm quyên góp, bạn có hai lựa chọn một là trở thành nhà quyên góp và hai là trở thành người nhận tiền quyên góp khi đã về già. Dù thế nào cuộc sống của bạn cũng sẽ liên quan đến tiền, vấn đề bạn chọn bản thân ở thế chủ động hay bị động mà thôi.
Và giờ đã đến lúc nói về mặt trái của đồng tiền, cha ông ta vẫn thường có câu nói “Được voi đòi tiên” để chỉ sự tham lam một cách quá đáng của con người trước những lợi ích có được, đặc biệt trong bài này tôi muốn nói đến lòng tham của con người với tiền bạc, sự ham muốn vô độ về tiền bạc đã khiến giá trị nhân cách của con người lâm vào sa đọa, thậm chí xuống đến âm vô cùng. Tôi nói có vẻ nghiêm trọng nhưng đó là sự thật, sức cám dỗ của tiền tài quá lớn, bởi nó giá trị của nó quá mức hấp dẫn, có tiền ta có một cuộc sống tốt hơn, ăn ngon mặc đẹp, dùng xa xỉ phẩm, được tôn trọng, được bợ đỡ nâng niu,… Thế nên đối với những người yếu lòng, tâm không đoan chính thì dễ đi vào cung đường tội lỗi hơn cả, họ bị tiền che mờ con mắt, mà bán rẻ lương tâm làm những việc thương thiên hại lý, mất hết nhân tính. Những vụ cướp của giết người man rợ, những vụ lừa đảo bạc tỷ, những vụ tham nhũng tới con số hàng nghìn tỷ toàn là tiền thuế mồ hôi nước mắt của nhân dân đã không ít lần là dư luận phải chao đảo. Kết quả của những con người bị đồng tiền che mắt chẳng bao giờ là tốt đẹp cả, không vào tù ra tội thì cũng bị tòa án lương tâm phán xét, nếu theo ý thức tâm linh thì còn có quả báo vẫn đang đợi họ. Tôi kể vụ gần đây nhất về một con người thông minh, nhạy bén trên thương trường nhưng tiếc rằng cái ham muốn kiếm tiền vô độ đã khiến anh ta đi lầm đường, Nguyễn Thái Luyện khởi nghiệp kinh doanh bất động sản từ năm 2016 với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng cho công ty của mình, đến nay số vốn điều lệ mà anh ta đăng ký đã lên tới 5600 tỷ đồng khiến nhiều nhiều người phải nể sợ. Nhưng sự thực là gì, đó chẳng qua là một vụ siêu lừa, anh ta vì muốn kiếm bộn lời mà đem rao bán trắng trợn những “dự án ma” không hề có thực, để lừa đảo vô số người. Sự việc vỡ lở Luyện phải hầu tòa, với mức án chưa xác định, nhưng có lẽ bản án lương tâm đã có sẵn rồi, sự sa đọa về tâm hồn, mặt trái của đồng tiền đã biến một con người nhanh nhạy, thông minh thành một kẻ lừa đảo không hơn không kém tất cả chỉ bởi vì lòng tham.
Đó là một ví dụ, tôi lại nêu lên một thực trạng tiếp cũng là sự ham muốn vô độ về tiền bạc, nhưng nó ở khía cạnh cá nhân hơn, hiện nay một bộ phận giới trẻ dường như coi đồng tiền là tất cả, tiền quan trọng hơn tình thân, tình yêu, tình bạn, họ quay cuồng trong việc kiếm tiền và bỏ qua tất cả những giá trị tinh thần khác, dần đà con người bỗng trở nên lạnh lùng vô cảm, giống như chính cái mà họ đang theo đuổi – đồng tiền. Một người phụ nữ trẻ đẹp có thể sẵn sàng rời bỏ người yêu mình thật lòng lấy người đàn ông mà cô ta không yêu chỉ vì anh/ông ta lắm tiền, chỉ để thỏa mãn cái hư vinh sống trong nhung lụa mà không phải lao động vất vả. Tôi gọi vậy là bán tình yêu, có lẽ tâm hồn ấy cũng chẳng thiết tha đến những tình cảm chân thành nữa, tiền có thể mua được tất cả, bao gồm xúc cảm. Hoặc một người nông dân sẵn sàng tiêm những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại vào nông phẩm của mình cho chúng được tươi ngon, bắt mắt để đem đi bán cho những người khác nữa. Tôi gọi đó là hành vi bán rẻ lương tâm, là giết người một cách lặng lẽ, ai cũng có cuộc sống khốn khó vất vả, bạn kiếm tiền khó khăn, thì người khác cũng vậy, thế nhưng họ lại có thể sẵn sàng vì một vốn bốn lời mà làm ra những chuyện khó có thể chấp nhận thì tôi cho rằng đây là sự sa đọa nghiêm trọng trong nhân cách và tâm hồn.
Nhưng tôi nghĩ rằng phấn đấu để cho mình một cuộc sống tốt hơn là đúng, nhưng ít ra bạn cũng nên giữ lại cho mình một tâm hồn tươi đẹp, đừng để những cái tiêu cực của đồng tiền làm lạnh lẽo, sa đọa. Bạn hãy nhìn xem các tỉ phú nổi tiếng họ có khối tài sản hàng triệu đô, hàng nghìn tỷ đồng, họ có ham muốn làm giàu và phát triển tập đoàn một cách mãnh liệt, nhưng họ vẫn giữ cho mình một tâm hồn tốt đẹp và ngày càng sâu sắc. Họ bắt đầu hướng đến những mục tiêu cao cả hơn, vĩ mô hơn ví như tỉ phú Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup với sứ mệnh: “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”. Còn với thế hệ trẻ như chúng ta hãy cố gắng hết mình cho cuộc sống bằng những con đường đúng đắn, tiền kiếm bao nhiêu cũng không bao giờ là nhiều, quan trọng là bản thân chúng ta thấy đủ và cảm thấy hạnh phúc vì điều ấy. Hãy nhớ rằng: “Tiền là phương tiện của những người thông minh nhưng tiền là mục tiêu của những kẻ ngu ngốc”.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tiền bạc có vẻ rất quan trọng nhưng những giá trị tinh thần khác cũng quan trọng không kém, đặc biệt là giá trị nội tại của bản thân. Vì tiền mà bất chấp tất cả là một hành vi ngu xuẩn, hãy nhớ rằng: “Tiền là phương tiện của những người thông minh nhưng tiền là mục tiêu của những kẻ ngu ngốc”.
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 3
Con người muốn tồn tại trong xã hội đòi hỏi phải có tiền. Có tiền đời sống vật chất của con người ngày càng được cải thiện. Nhưng liệu hạnh phúc chỉ đến khi có nhiều tiền? Và ngược lại, có nhiều tiền liệc có được hạnh phúc? Không ít người đã coi việc kiếm tiền là mục đích sống của mình mà không ý thức được rằng: "Sự ham muốn vô độ về tiền bạc có thể dẫn con người đến chỗ xa đọa tâm hồn".
Người ta thường nói: "Có tiền mua tiền mua tiên cũng được", bởi có tiền là có thể chiếm hữu mọi thứ tài sản, quyền lực, địa vị.. Có tiền người ta cũng có thể tận hưởng mọi giá trị vật chất trên đời, thưởng thức mọi của ngon vật lạ, nhà cao tầng, xe đời mới, đi du lịch khắp mọi nơi… Tiền bạc làm thỏa mãn ham muốn của con người. Coa nhiều tiền con người ta tự dưng cũng trở nên cao sang quyền quý được nhiêu người kính trọng hơn. Nhất là khi xã hội ngày càng phát triển, muốn làm bất cứ việc gì cũng cần phải có tiền, trị giá của đồng tiền càng cao. Thậm chí tiền còn có khả năng biểu thị tình cảm của con người với con người. Gỉa sử mình thương người hàng xóm nghèo khổ, cơm ăn k đủ no, áo mặc không đủ ấm nhưng trớ trêu thay khi mình cũng chẳng có tiền để giúp được gì thì liệu người hàng xóm ó thấu được tấm lòng của mình hay chỉ nghĩ về sự vô tâm ích kỷ? Sinh nhật đứa bạn thân, mình muốn tặng bạn món quà mà bạn thích nhưng không cách nào có đủ tiền mua nó thì bằng cách nào bạn hiểu được tình cảm của mình hay mãi mãi chỉ là những lời nói xuông?… Dầu ai cũng nói chỉ cần tấm lòng là đủ nhưng sự thực có tấm lòng mà không giúp được gì thì cũng không thiết thực. Và ngược lại, chẳng hạn một đại gia vốn không thương người cho lắm nhưng tiên tiền như ném ra cửa sổ, hi sing một khoản nhỏ tài sản của mình để ủng hộ người nghèo cốt lấy cái danh thơm. "Gía trị vạn năng" của đồng tiền là vậy đó, và cũng chỉ vì thế đồng tiền cũng trở thành sự ham muốn vô độ của không ít người.
Sức mạnh to lớn của đồng tiền đã làm cho nhiều người nghĩ rằng phải kiếm thật nhiều tiền để thảo mãn mọi tiện nghi về đời sống vật chất. Cuộc sống hiện tại quá khó khăn, vật chất, người ta muốn mình có nhiều tiền để sống thoải mái hơn. Nhưng có được một cuộc sống đầy đủ rồi, người ta lại muốn mình có thật nhiều tiền để sống cho thật an nhàn, sung sướng. Sự thực là không bao giờ con người ta biết hài lòng về những gì mình đang có, do đó cũng dễ dẫn đến sự ham muốn vô độ về tiền bạc mà hiếm khi người ta nhận ra được sự ham muốn vô độ của mình. Và sức cám dỗ của đồng tiền thật dễ đẩy người ta vào chỗ sa đọa tâm hồn.
Với sự ham muốn vô độ về tiền bạc, bao giờ người ta cũng tập trung vào suy nghĩ, tiêu tốn tất cả thời gian, sức lực của mình cho việc kiếm tiền. Để rồi đến nỗi không còn lấy một chỗ trống trong suy nghĩ, một chút thời gian…cho những phút giây xao động của tâm hồn, đời sống tâm hồn đã bị dìm vào quên lãng thay vào đó là bao tính toán, đắn đo về tiền bạc, lúc nào cũng chỉ tiền, mọi việc đều quay quanh chữ "tiền". Và như thế đồng tiền đã được chính mình tiếp tay cho sức mạnh của cả đời sống tâm hồn của con người.. Nó làm người ta phải khổ sở, phải đau đầu với bao suy nghĩ, toan tính không lúc nào được nhẹ nhõm thoải mái. Cuộc đời mỗi con người là gì nếu không phải là sự tận hưởng của cuộc sống? Tiền vốn là hình thức để người ta trao đổi của cải, vật chất cho cuộc sống được đầy đủ hơn. Vậy mà cả một cuộc đời chỉ quay quanh trong vòng xô bồ của cuộc sống để kiếm thật nhiều tiền thì kiếm đâu ra niềm vui được sống nếu có lúc nào đó ta tự hỏi mình đã thực sự tìm thấy mục đích của cuộc sống, mục đích sống của một đời người mà mình làm chủ?.. Và không chỉ thế, sự ham muốn vô độ về tiền bạc đôi khi còn dẫn con người đến những lầm lạc trong suy nghĩ và hành động, người ta không suy nghĩ và làm chủ được mình nữa. Tiền bạc có thể làm cho con người dễ tráo trở:
"Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi".
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Quên cả nhân nghĩa:
" Tiền tài hai chữ, son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường, nước chảy xuôi"
(Nguyễn Công Trứ)
Đôi khi trở nên tàn nhẫn độc ác:
"Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"
(Nguyễn Du)
Chính vì vậy việc nhận thức về giá trị đồng tiền không chỉ thê hiện một cách nghĩ, một cách sống mà nó còn ảnh hưởng tới nhân cách làm người. Tiền bạc chỉ góp phần làm cho cuộc sống của ta dễ dàng hơn, tiền không thể làm ta hạnh phúc. Đừng để đồng tiền ngự trị đầu óc, khiến ta phải luôn mệt mỏi, mệt mỏi và có khi còn làm trái pháp luật, bất nhân bất nghĩa. Hạnh phúc chỉ có được khi người ta biết thỏa mãn với những gì mình đang có. Hạnh phúc chỉ có được khi người ta làm chủ được chính mình, được làm những gì mình thích, được nuôi nấng và thực hiện ước mơ, lí tưởng. Hạnh phúc là người ta biết sống, nhận được tình cảm yêu mến, thân thiện từ mọi người. Con người ngoài tài sản vật chất do lao động chân chính tạo ra, còn có những bảo vật tinh thần vô giá: một tâm hồn trong sáng, một nhân cách thanh cao, niềm say mê lao động, phục vụ đất nước, xã hội…. Những thứ này không thể nào mua được bằng tiền bạc.
Giá trị đồng tiền là không thể phủ nhận nhưng cần có sự nhận thức đúng đắn rằng: "Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ dẫn con người đến tha hóa tâm hồn". Câu nói là bài học quý giá cho con người luôn làm chủ được suy nghĩ, hành động của mình. Chúng ta hãy sống sao cho mỗi lần nhìn lại hãy tự hào về những gì mình đã làm, có thể nhận thấy sự nhẹ nhõm trong tâm hồn trước sự cám dỗ của đồng tiền, trước vòng đời quanh quẩn, xô bồ.
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 4
Từ ngàn xưa con người của chúng ta đã nhận thức ra được giá trị của tiền qua buôn bán, trao đổi. Và đến nay, khi đồng tiền thu nhập được xem là biểu hiện cho sự phát triển của một xã hội, một quốc gia, nó lại càng trở nên quan trọng. Nếu biết dùng tiền, con người sẽ làm nên sự nghiệp, còn nếu ham muốn vô độ về tiền bạc, nó sẽ đẩy chúng ta vào chỗ sa đọa tâm hồn. Đúng như vậy!
Trong cuộc sống xã hội, giá trị của tiền rất cao. Qua đồng tiền, chúng ta mua được lương thực phục vụ cho nhu cầu ăn uống cũng như mọi nhu cầu khác, chúng ta thể buôn bán kiếm lời. Thế nhưng tại sao lại có người nói sự ham muốn tiền bạc sẽ dẫn đến suy sụp về tinh thần, về tâm hồn?
Vậy thế nào là sự ham muốn vô độ tiền bạc? Đó chính là việc quá đề cao vai trò của đồng tiền với quan niệm “có tiền là có tất cả”. Khi ấy đồng tiền trở thành người chủ đầy uy quyền. “Vô độ” chỉ sự quá mức, vượt qua giới hạn. Sự ham muốn vô độ về tiền bạc chính là sự ham muốn, đam mê không giới hạn về tiền bạc. Một người nếu đam mê quá mức về tiền bạc mà kém tài, không đạo đức thì có thể sẽ kiếm tiền bằng mọi giá, thậm chí giết người, cướp của, đánh đổi cả danh dự và mạng sống của mình. Như vậy, nó sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa về tâm hồn. Từ đó dẫn đến sự hối hận, ỉn năn, đau khổ về những điều mình đã làm. Cụ thể là những người vì tiền mà hành động trái với lương tâm, một là sẽ bị đe dọa về mạng sống, hai là sẽ bị đau đớn vẻ tinh thần, tâm hồn sẽ suy sụp.
Tại sao sự ham muốn vô độ về tiền bạc lại đẩy con người vào chỗ sa đọa tâm hồn? Vì tiền bạc cũng như một chất ma túy. Nó lôi kéo con người một khi con người dính vào nổ. Nhiều người buôn bán, vì muốn được lợi nhuận nhiều, đã vượt qua lương tâm và pháp luật đi buôn lậu, buôn hàng cấm dẫn đến hậu quả phải vào tù, bị tử hình. Lúc đó, Không những làm hại cho bản thân mà còn gây ra những hậu quả tai hại cho người khác. Chẳng hạn như Vũ Xuân Trường. Vì muốn được nhiều tiền, vì quá tham lam nên ông ta đã buôn bán ma túy mà đâu đó có nghĩ nó gây họa một thế hệ trẻ sau này.
Đồng tiền rất có thế lực, nếu chúng ta biết cách sử dụng, không những làm cho ta phát triển tài năng mà còn giúp ích cho gia đình, xã hội. Chẳng hạn như biết đồng tiền vào những mục đích kinh doanh với nước ngoài, nhờ sự đầu tư của họ sẽ giúp cho kinh tế nước nhà phát triển. Điều này hoàn toàn khác với việc lạm dụng tiền, mua chuộc cấp trên để tham nhũng, bòn rút của công. Chúng ta, ai ai cũng muốn mình có nhiều tiền, được giàu có nhưng phải kiếm tiền dựa trên sức lao động của mình, đồng thời không ham muốn vô độ. Qua thực tế đã chứng minh nhiều người tự làm hại bản thân mình khi nhắm mắt chạy theo đồng tiền. Lúc này, người làm chủ được đồng tiền chính là người có nghị lực, có tài năng và đạo đức thật sự. Đồng tiền chính đáng tự đến với họ thay vì người ta đến với đồng tiền bất chính. Ví dụ như Bill Gate, nhờ tài năng, chất xám đã nắm giữ trong tay rất nhiều tiền.
Nhưng giàu không có nghĩa là tự kiêu, cho rằng mình có mọi quyền hành, muốn gì cũng được, dẫn đến việc ăn chơi sa đọa, tiêu xài phung phí. Như vậy, hậu quả cũng chẳng khác gì sự ham muốn vô độ về tiền bạc. Vì vậy, muốn trở thành người tốt, chúng ta không những phải biết tự kiềm chế mình trước mãnh lực của đồng tiền mà còn phải là người biết dùng tiền. Sử dụng tiền đúng chỗ, đúng giá trị của nó thì ta sẽ làm chủ được đồng tiền.
Câu nói trên chính là một lời khuyên, một lời chỉ bảo chúng ta về hậu quả của việc ham muốn vô độ đồng tiền. Qua đó, chúng ta đã rút ra một bài học rất hay, rất đích đáng về cách dùng tiền trong cuộc sống. Chúng ta có quyền đam mê tiền bạc, nhưng phải có giới hạn vì nếu không, nó sẽ dẫn đến những hậu quả xấu không lường trước được. Đồng thời, chúng ta phải biết làm ra tiền một cách chân chính và sử dụng tiền theo mục đích tốt. Có như vậy, xã hội, đất nước mới phát triển. Như thế sẽ không hổ thẹn với bản thân mình, với mọi người.
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 5
“ Tiền là tiên là Phật
Là sức bật của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà của phát triển …”.
Câu nói cửa miệng của giới trẻ hiện nay mang tính hài hước nhưng cũng chất chứa những suy nghĩ đáng lưu ý về đồng tiền. Ý nghĩa của câu nói phần nào toát lên vai trò to lớn của đồng tiền với con người và xã hội.
Thế nào là đồng tiền? “Đồng” (VND) là đơn vị tiền tệ chính thức của Việt Nam, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, tiền giấy và tiền kim loại là phương tiện thanh toán pháp quy không giới hạn, nghĩa là người ta bắt buộc phải chấp nhận khi nó được dùng để thanh toán cho một khoản nợ xác lập bằng VND với mọi số lượng, mệnh giá. Còn tiền là gì? “Tiền” là một chuẩn mực chung có thể so sánh giá trị của các hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn sáng cho nhận sử dụng) và thường được Nhà nước phát hành bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ … Tóm lại, đồng tiền là vật đúc bằng kim loại hoặc in bằng giấy, dùng làm phương tiện giao dịch, dùng đổi chác, mua bán.
Tại sao đồng tiền lại có vai trò quan trọng trong đời sống con người và xã hội? vì đồng tiền là một phương tiện trao đổi đa năng để đơn giản hóa thương mại. Tiền ra đời từ nhu cầu kinh tế thực tế của loại người khi mà nền sản xuất đạt đến một trình độ nhất định và con người đã có thể tự do đi lại trong một phạm vi lãnh thổ rộng lớn. Khi đó, thay vì phải chuẩn bị hành lý cồng kềnh cho chuyến đi dài ngày, con người chỉ cần mang theo một lượng nhỏ kim loại quý hoặc tiền được ưa chuộng ở nhiều nơi để đổi cho mình những nhu yếu phẩm cần thiết. Từ đó, các hoạt động thương mại đã ra đời, tiền tệ được quy ước và ban hành, quản lý bởi nhà nước. Cũng chính vì thế mà đồng tiền đã trở thành một tài sản với mỗi con người trong xã hội.
“Đồng tiền liền khúc ruột”.
(tục ngữ Việt Nam)
Cũng chính từ đây, đồng tiền thể hiện rõ vai trò của mình mà trước tiên nó đóng vai một “người đầy tớ tốt”, nghĩa là nếu chúng ta coi đồng tiền là phương tiện, thì tiền bạc rất hữu ích, là tên đầy tớ phục vụ chúng ta trong mọi công việc. Nó sẽ giúp cho con người và xã hội đạt tới những điều sung sướng, hạnh phúc … Tiền giúp quyết định được rất nhiều việc – “Có tiền mua tiên cũng được”. Có tiền, con người cảm thấy tự tin, và đôi khi đồng tiền có thể thay đổi cả tính cách của con người và sự đánh giá của người khác đối với cá nhân đó. Tiền giúp đem lại rất nhiều điều tốt đẹp:
“Chẳng gì tươi tốt bằng vàng,
Chẳng gì lịch sử vẻ vang bằng tiền”.
Tuy nhiên tiền cũng là một “ông chủ xấu”. Tiền làm cho ta trở nên tham lam bằng cách tích trữ, thu gom cho riêng mình, lấy của chung bỏ túi riêng mà không phục vụ hay chia sẻ cho ai. Ham tiền là tôn vinh tiền lên làm chủ lòng mình. Tiền sẽ làm mêm hoặc lòng người. Tiền có thể biến con người trở nên bất hiếu, đánh mất nhân cách, giảm đi nhân phẩm, có khi trở thành bất trung và bất nghĩa.
“Tiền có thể mua được mái nhà, nhưng không mua được mái ấm.
Tiền có thể mua được bằng cấp, nhưng không mua được tri thức”.
Lúc đó, đồng tiền sẽ mang lại bất hạnh cho con người và xã hội. Vì đồng tiền, người ta sẵn sàng làm tất cả, bán rẻ lương tri, tán tận lương tâm của mình. Có lẽ chúng ta từng chứng kiến bao cảnh thương tâm, gia đình tan nát, huynh đệ tương tài cũng vì sự tác oai tác quái của đồng tiền.
“Anh em thậm thật là hiền,
Vì một đồng tiền mất cả anh em”.
Hoặc như thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã than thở trong bài Thói đời:
“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”.
Tiền còn phá hoại luật lệ “Đa kim ngân phá luật lệ”. Đồng tiền làm người ta thay đổi ý kiến, thay đổi suy nghĩ, thay đổi tình cảm, thay đổi hành đông, thậm chí thay đổi cả lương tâm của con người trong việc ra quyết định các loại văn bản có giá trị pháp lý: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Và hơn thế nữa đồng tiền gây ra bao cảnh tang thương: nhà tan cửa nát, đầu rơi máu chảy, giết hại lẫn nhau:
“Động lực của chiến tranh là đồng tiền”.
(Bion)
Vậy chúng ta phải có thái độ như thế nào đối với đồng tiền? Tự bản chất, đồng tiền không có gì xấu. Đồng tiền trở nên xấu hay tốt là do con người sử dụng. Nếu ta làm chủ được đồng tiền, dùng tiền như một phương tiện để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình thì đó là một điều tốt:
“Tiền bạc là phương tiện của kẻ thông minh, là mục đích của kẻ ngu dốt”.
(O.W. Holmes)
Tốt hơn nữa nếu ta bắt đồng tiền phục vụ cho sự công bằng, lòng nhân ái, cho công thiện, công ích, thì đồng tiền sẽ là người đầy tớ tốt mách bảo cho ta biết phải làm gì với số tiền ta có để đem lại lợi ích cho xã hội, cho cuộc sống của mọi người xung quanh:
“Hiểu biết giá trị của tiền bạc và luôn biết hi sinh tiền bạc vì bổn phận hoặc vì nhân nghĩa, đó là một đức hạnh thực sự”.
(Senancourt)
Chúng ta sẽ sử dụng đồng tiền như thế nào? Đồng tiền đòi hỏi phải có cách sử dụng đặc thù, tùy việc mà tiêu tiều: “Việc to đừng lo tốn”. Có nhiều vấn đề tế nhị, đáng bàn trong việc tiêu tiền. Không phải lúc nào đồng tiền cũng có vai trò như nhau.
Nếu lao động chân chính, con người phải đổ mồ hôi nước mắt mới có được đồng tiền thì không thể tiêu dùng phung phí. Cách sử dụng đồng tiền tốt nhất là phải biết tiết kiệm: “Kiệm tắc thường lúc”.
“Đồng tiền tiết kiệm mới là đồng tiền kiếm được”.
(Tục ngữ Anh)
Tóm lại, đồng tiền đóng một vai trò quan trọng đối với con người và xã hội. Nhưng “tiền bạc chỉ là tiền bạc” vì đồng tiền không phải là tất cả, còn có những thứ quý giá như tình nghĩa, sức khỏe, tri thức, đạo đức … Chính vì thế, học sinh chúng ta cần phải nhận rõ giá trị của đồng tiền và cách tiêu tiền sao cho tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, một phương tiện đem lại lợi ích cho bản thân và nhân loại.
“Có ba người bạn trung thành: một người vợ tấm cám, một con chó nuôi từ bé và một số tiền dự trữ”.
(Benjamin Franklin)
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 6
Người bản xứ mong muốn tồn tại trong cộng đồng không thể tránh khỏi sự cần đến vấn đề về tài chính. Thực tế, sự có mặt của tiền bạc đã làm cho cuộc sống vật chất của con người trở nên phong phú và tiến bộ hơn. Tuy nhiên, liệu hạnh phúc chỉ đơn thuần đến từ việc sở hữu nhiều tiền? Ngược lại, liệu việc có nhiều tiền có đồng nghĩa với việc đạt được hạnh phúc? Nhiều người đã đặt mục tiêu sống của mình chỉ vào việc kiếm tiền, không nhận ra rằng "Sự ám ảnh không kiểm soát về tiền bạc có thể dẫn con người đến nơi tăm tối của tâm hồn".
Người ta thường thường nghe câu nói: "Có tiền mua tiên cũng được," vì sự hiện diện của tiền bạc có thể đưa người ta đến bất cứ điều gì: tài sản, quyền lực, vị thế. Với tiền bạc, con người có thể trải nghiệm tất cả giá trị vật chất trên thế giới, thưởng thức những món ăn ngon, những đồ vật xa xỉ, căn hộ sang trọng, chiếc xe mới, và những chuyến du lịch khắp mọi nơi. Tiền bạc giúp đáp ứng những ham muốn của con người. Nếu có nhiều tiền, con người trở nên quý phái và được nhiều người kính trọng, đặc biệt là trong một xã hội phát triển, nơi mọi hoạt động đều đòi hỏi sự chi tiêu, và giá trị của đồng tiền ngày càng cao. Điều đó thậm chí có thể thể hiện tình cảm của người này đối với người kia. Ví dụ, nếu bạn thương người hàng xóm nghèo, nhưng không có đủ tiền để giúp đỡ, liệu họ có thể hiểu được tấm lòng của bạn hay chỉ xem đó là sự vô tâm và ích kỷ? Hoặc, trong trường hợp sinh nhật của người bạn, bạn muốn tặng một món quà mà họ thích, nhưng không có đủ tiền để mua, liệu họ có thể hiểu được tình cảm của bạn hay chỉ là những lời nói trống rỗng? Mặc dù ai cũng thường nói rằng tấm lòng là quan trọng, nhưng thực tế là tấm lòng không có ý nghĩa nếu không có khả năng giúp đỡ. Ngược lại, có những người giàu có có thể không thể quá quan tâm đến người khác, nhưng họ có thể vung tiền ra để ủng hộ những người nghèo nhằm xây dựng uy tín tốt. Điều này chứng minh giá trị đa dạng của đồng tiền, đồng thời nó cũng trở thành động lực đằng sau sự ham muốn vô độ của nhiều người.
Sức mạnh to lớn của tiền bạc đã khiến nhiều người nghĩ rằng họ phải kiếm thật nhiều tiền để đảm bảo cuộc sống vật chất của mình. Hiện nay, cuộc sống trở nên khó khăn và nhiều người mong muốn có nhiều tiền hơn để sống thoải mái hơn. Tuy nhiên, sau khi đạt được cuộc sống thoải mái, họ lại mong muốn có thật nhiều tiền để có cuộc sống an nhàn và sung túc. Điều thực tế là con người thường không bao giờ hài lòng với những gì họ đang có, điều này dẫn đến sự ham muốn vô độ về tiền bạc mà ít khi họ nhận ra. Sức cám dỗ của tiền bạc có thể dễ dàng đưa người ta đến nơi tăm tối của tâm hồn. Với sự ám ảnh không kiểm soát về tiền bạc, mọi suy nghĩ và nỗ lực của người ta đều hướng về việc kiếm tiền. Cuối cùng, họ không còn thời gian cho những suy nghĩ hay thời gian cho những khoảnh khắc tinh tế của tâm hồn. Điều đó dẫn đến việc tâm hồn bị lạc lõng, bị lãng quên trong vòng xoay của tiền bạc, và đời sống tâm hồn của họ trở nên mất đi sự nhẹ nhàng và thoải mái.
Cuộc sống của mỗi người không chỉ là về việc đạt được nhiều tiện nghi vật chất thông qua lao động, mà còn là về việc trải nghiệm những giá trị tinh thần không thể định giá bằng tiền bạc. Ngoài những tài sản do lao động tạo ra, con người còn có những kho báu tinh thần vô giá: một tâm hồn trong trắng, một nhân cách lịch lãm, đam mê trong công việc, lòng phục vụ đất nước và xã hội. Những điều này không thể mua bằng tiền bạc.
Giá trị của tiền bạc không thể phủ nhận, nhưng quan trọng nhất là có sự nhận thức đúng đắn về nó. "Sự ám ảnh không kiểm soát về tiền bạc sẽ dẫn con người đến sự thoái hóa tâm hồn." Câu nói này là một bài học quý giá, nhắc nhở con người luôn giữ được sự chủ động trong suy nghĩ và hành động của mình. Hãy sống sao cho mỗi khi nhìn lại, chúng ta có thể tự hào về những hành động của mình, cảm nhận được sự nhẹ nhàng trong tâm hồn trước sức cám dỗ của tiền bạc và cuộc sống đầy xô bồ, để không bao giờ tự đặt câu hỏi liệu chúng ta đã thật sự tìm thấy mục đích cuộc sống và trở thành người chủ nhân của cuộc đời mình hay chưa. Sự ám ảnh vô độ về tiền bạc không chỉ dẫn đến lạc lõng trong suy nghĩ và hành động mà còn làm mất đi khả năng tự chủ và kiểm soát bản thân. Hãy giữ cho tiền bạc không trở thành thống trị tư duy, làm cho cuộc sống trở nên mệt mỏi, và đôi khi thậm chí dẫn đến việc phạm pháp và bất lương. Hạnh phúc không đến từ việc sở hữu nhiều tiền, mà đến từ khả năng biết thấu hiểu, thỏa mãn với những điều chúng ta đã có. Hạnh phúc đến khi chúng ta trở thành chủ nhân của bản thân, tự do thực hiện những đam mê, lý tưởng, và mơ ước. Hạnh phúc nằm trong việc nhận được sự yêu thương và thân thiện từ xung quanh, và nó không thể mua được bằng tiền bạc. Tiền bạc có giá trị, nhưng đừng để nó chi phối tư duy, đẩy ta vào tình trạng mệt mỏi và mất hình sự, hãy làm chủ cuộc sống và tâm hồn của mình.
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 7
Từ hàng nghìn năm trước, con người đã nhận thức giá trị của tiền qua các hoạt động buôn bán và trao đổi. Ngày nay, đồng tiền thu nhập trở thành biểu hiện cho sự phát triển của xã hội và quốc gia, làm tăng thêm tầm quan trọng của nó. Việc biết cách sử dụng tiền có thể giúp con người xây dựng sự nghiệp, nhưng nếu ham muốn vô độ về tiền bạc, có thể đẩy chúng ta vào nơi tăm tối của tâm hồn, điều này là chân lý không thể phủ nhận.
Trong cuộc sống xã hội, giá trị của tiền là không thể phủ nhận. Tiền giúp chúng ta mua lương thực để đáp ứng nhu cầu ăn uống và thực hiện các giao dịch buôn bán để kiếm lời. Tuy nhiên, tại sao một số người lại cảm thấy rằng ham muốn vô độ về tiền sẽ dẫn đến suy sụp về tinh thần và tâm hồn?
Sự ham muốn vô độ về tiền bạc là việc quá mức đánh giá vai trò của đồng tiền trong quan niệm "có tiền là có tất cả". Khi đó, tiền trở thành người chủ mạnh mẽ, độc đoán. "Vô độ" ở đây chỉ sự quá mức, vượt quá giới hạn. Sự ham muốn vô độ về tiền bạc là sự mê muội, đam mê không có giới hạn về tiền bạc. Những người có niềm đam mê quá mức về tiền bạc, nếu không có tài năng, không có đạo đức, có thể sẽ kiếm tiền bằng mọi giá, thậm chí là với những hành động đối với đạo đức và tính mạng. Điều này sẽ dẫn đến nơi tăm tối của tâm hồn, với những hối hận, ỉn nặng và đau khổ về những việc đã làm, đặc biệt là những hành động vi phạm đạo đức, đánh đổi danh dự và sự sống sót.
Sự ham muốn vô độ về tiền bạc tại sao lại dẫn con người vào nơi tăm tối của tâm hồn? Bởi vì tiền bạc cũng giống như một loại chất ma túy, nó cuốn hút con người một khi họ dính vào. Nhiều người, với ham muốn lợi nhuận cao, vượt qua lương tâm và pháp luật bằng cách buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gây ra những hậu quả nặng nề như vào tù, thậm chí là tử hình. Hành động này không chỉ gây hại cho bản thân mà còn tạo ra những hậu quả tai hại cho người khác. Ví dụ, Vũ Xuân Trường vì ham muốn tiền bạc, đã buôn bán ma túy, gây hậu quả lớn cho thế hệ trẻ sau này.
Đồng tiền có sức mạnh lớn, nếu biết cách sử dụng không chỉ làm cho con người phát triển tài năng mà còn hỗ trợ gia đình và xã hội. Sử dụng tiền một cách đúng đắn, ví dụ như đầu tư vào kinh doanh quốc tế, có thể giúp phát triển kinh tế quốc gia. Điều này hoàn toàn khác biệt với việc lạm dụng tiền, chi tiêu không đúng mục đích, làm hại cho cộng đồng và xã hội. Muốn trở thành người có tâm, chúng ta không chỉ cần kiềm chế mãnh lực của đồng tiền mà còn cần biết cách sử dụng nó. Kiếm tiền bằng cách chân chính, không ham muốn vô độ là chìa khóa để trở thành người làm chủ được đồng tiền.
Câu nói trên là một lời khuyên, một hướng dẫn về hậu quả của việc ham muốn vô độ về tiền bạc. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết cách sử dụng tiền và làm chủ được đời sống tâm hồn. Chúng ta có quyền đam mê tiền bạc, nhưng cần có giới hạn, vì nếu không, nó có thể dẫn đến những hậu quả xấu không lường trước được. Đồng thời, chúng ta cần biết cách kiếm tiền một cách chân chính và sử dụng nó cho mục đích tốt. Chỉ có như vậy, xã hội và đất nước mới thực sự phát triển, và chúng ta có thể sống hài lòng với bản thân và mọi người xung quanh.
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 8
Từ xa xưa, khi con người bắt đầu đặt chân lên mặt đất, họ đã nghĩ ra rất nhiều phương tiện giao tiếp, trao đổi Đó có thể là lời nói, chữ viết hay hình vẽ. Thế nhưng có một loại phương tiện trao đổi có cái tên lạ lùng nhất: ‘đồng tiền’. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đồng tiền đã và đang khẳng định sức mạnh ghê gớm của mình đối với cuộc sống hiện tại. Nhưng liệu cái sức mạnh ấy có hoàn toàn mang lại điều tốt, hay vẫn tồn tại những điều đen tối sau hình ảnh đồng tiền?
Đồng tiền là phương tiện mua bán, trao đổi các đồ dùng, vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. đồng tiền có thể được sử dụng để chu cấp một cuộc sống đầy đủ cho mỗi con người. Trong cuộc sống hiện đại, đồng tiền còn thể hiện mức độ khá giả của một cá nhân hay một gia đình. Nhưng liệu nó có mang lại hạnh phúc và niềm vui cho mỗi chúng ta?
Có thể coi loại tiền đầu tiên mà con người sử dụng là tiền xu. Nhiều thế kỷ trước, ở nhiều nước châu u và châu Á, con người đã biết tiêu tiền xu. Ở Trung Quốc, người ta xâu những đồng tiền xu lại bằng dây để tiện mang đi mua bán, trao đổi. Loại tiền sử dụng nhiều sau này là tiền giấy. ở Việt Nam, tờ tiền giấy đầu tiên được in ấn từ thời nhà Hồ tới nay, tiền Việt Nam đã có những mệnh giá cơ bản từ 1000 đồng đến 1 triệu, 1 tỷ đồng. Tiền xu vẫn được sử dụng nhưng có phần hạn chế. Hiện nay, đồng tiền còn có thể tượng trưng cho sức mạnh của nền kinh tế mỗi quốc gia. Người ta đem giá trị của đồng tiền các nước lên sàn giao dịch chứng khoán. Từ đó, có thể nhận xét được về nền kinh tế hay tầm ảnh hưởng của một quốc gia nào đó đối với toàn thế giới. đồng tiền còn là một phương thức hiệu quả để quảng bá nền văn hóa mỗi quốc gia. Tiền của úc có in hình chú chim kiwi đặc trưng, tiền của Mỹ in hình tổng thống Washington, tiền xu Việt Nam có hình ảnh chùa Một Cột ở Hà Nội,… Nếu bạn dành thời gian quan sát những đồng tiền, chúng sẽ nói cho bạn biết nhiều điều về quốc gia nơi nó được in ấn. Đồng tiền, với người châu u, còn thể hiện tình đoàn kết và sức mạnh của cả khối kinh tế – đó là đồng Euro. Đồng Euro được lưu hành rộng rãi trong tất cả các nước thành viên EU chính là minh chứng cho tình hữu nghị của tất cả các quốc gia này. Hiện nay khi công nghệ thông tin ngày một phát triển, người ta sáng tạo ra cách giữ và bảo quản tiền bạc một cách an toàn: lập tài khoản điện tử, giao dịch bằng thẻ tín dụng, chi phiếu, rút tiền bằng thẻ ATM,… Quả thực, cuộc sống con người càng đi lên thì vai trò của đồng tiền lại càng được khẳng định.
Thế nhưng lại có câu "đồng tiền là con dao hai lưỡi" là vì sao? Đồng tiền thực chất không phải là điều xấu nhưng nhiều người đã quan niệm sai lầm về ý nghĩa của đồng tiền. Họ lầm tưởng tiền bạc là cuộc sống, tiền có thể mua được tất cả: danh vọng, hạnh phúc, niềm vui,… Họ làm mọi cách để có tiền: từ trộm cắp, móc túi, cướp của, giết người rồi đến cả tham nhũng, rửa tiền. Nhưng họ làm như vậy liệu có được kết quả tốt đẹp? Câu trả lời là không. Những người bộ trưởng, thứ trưởng, những con người đại diện cho nhân dân lại là những con người dễ biến chất nhất. Những cái tên như Mai Văn Dâu, Nguyễn Việt Tiến, Lã Thị Kim Oanh, hẳn còn để lại nhiều ấn tượng với mỗi người chúng ta. Họ có thể vui vẻ được một chốc, một lát vì làm giàu quá nhanh. Song kết quả là gì, chỉ là những lời tuyên án tử hình, tù chung thân, nghe thật lạnh lùng và tàn nhẫn. Còn có những con người hy vọng kiếm tiền, làm giàu một cách nhanh chóng. Họ đổ cả tiền của vào ván bài đỏ đen, vào sàn chứng khoán cổ phiếu. Họ có thể may mắn một, hai lần nhưng liệu có thể may mắn mãi? Nhiều người đã phải trắng túi chỉvì đặt tiền của vào những nơi đó. Nhiều người phải thế chấp cả của cải, ngôi nhà mình đang sống chỉ vì những đồng tiền không chứa đựng mồ hôi, nước mắt.
Điều tôi muốn nói với các bạn ở đây không phải là sự chỉ trích, phê phán đồng tiền. đồng tiền bản thân nó không xấu, chỉ vì con người mà đồng tiền biến chất.
Nghị luận Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa - mẫu 9
Tiền bạc có một sức mạnh ghê gớm vô cùng. Các triệu phú, tỉ phú hiện nay, tên tuổi, danh giá gắn liền với tài sản nhiều triệu đô. Lại có nhiều kẻ: “lên voi xuống chó” vì tiền bạc! Đồng tiền có hai mặt: mặt phải và mặt trái. Nói về mặt trái của nó, nhiều người trong chúng ta thường nhắc đến câu nói sau đây: “Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ dẫn con người đến chỗ sa đọa tâm hồn”.
Sự ham muốn vô độ về tiền bạc là lòng tham vô đáy của những kẻ hám vàng như vua Mi-đát, lúc sống muốn được ngồi trên đống vàng, như anh nhà giàu nọ, lúc chết muốn được chôn ở núi vàng,… mà truyện cổ đã châm biếm. Tiền bạc thì ai cũng thích, muốn có nhiều, nhưng khi sự ham muốn vô độ về tiền bạc chính là lúc con người bị tha hóa đến cùng cực, tâm hồn bị sa đọa. Sa dọa nghĩa là tồi tệ về lối sống, về tinh thần. Người ta thường nói: ăn chơi sa đọa, lối sống sa đọa, tâm hồn sa đọa,… để biểu thị thái độ khinh bỉ, chê trách.
Tiền bạc là tài sản, là thước đo giá trị, phân biệt rõ kẻ nghèo hèn với người giàu sang phú quý. Trong xã hội có kẻ nghèo rớt mồng tơi, nhưng lại có người giàu nứt đố đổ vách, tiền bạc đầy két đầy rương. Tiền bạc rất quý, ai cũng cần. Tiền bạc để chi tiêu hàng ngày, hàng tháng. Tiền bạc để mua sắm nhà lầu ô tô. Thiếu nữ mua đôi giày mốt, mua bộ váy lụa hồng, mua mĩ phẩm, cũng phải có tiền bạc căng ví. Có tiền mới đi du học, để đóng học phí, để mua bộ đồng phục, mua mũ mới, cặp sách mới vào đẩu năm học. Cụ giáo về hưu mong đến ngày lĩnh lương để mua chén thuốc. Muốn ăn quà cũng phải có tiền, v.v…
Đúng, tiền bạc là huyết mạch của cuộc sống con người. Vì thế, ai cũng lo kiếm được tiền bạc để trang trải cuộc sống. Nhưng đồng tiền phải do sức lao động, do mồ hôi nước mắt, do tài năng mà có được thì mới đáng quý, đáng tự hào. Những tỉ phú, những doanh nhân trẻ thành đạt được xã hội tôn vinh vì họ rất giàu sang, nộp thuế nhiều, hảo tâm đóng góp các quỹ tình thương… cho ta thấy rõ giá trị mặt phải của đồng tiền. Đó là đồng tiền của lao động, của tài năng, của lương tâm.
Đồng tiền lại có mặt trái; đó là thứ tiền bạc trong tay của những kẻ lưu manh, bất lương. Buôn thuốc phiện, hê-rô-in để đầu độc tuổi trẻ, buôn quan bán chức, tham nhũng, hối lộ, bác sĩ I lang băm làm tiền con bệnh,… Thử hỏi tiền bạc, tài sản của lũ ấy có đáng “vênh vamỉ” không? Đó là thứ tiền bạc tanh bẩn, là thứ tài sản bất minh, bất lương, phi nghĩa. Cho nên mới có câu ca lưu truyền: “Của phi nghĩa có ỳ Ci li đâu/ Ớ cho nhân đức, giàu sau mới bền”.
Tại sao, sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ dần con người đến chỗ sa đọa vê tâm hồn? Sống ở đời, mọi sự ham muốn vô độ đều làm hủy hoại nhân cách, phẩm giá con người. Nghiện cờ bạc, rượu chè, nha phiến, hám danh hám lợi, mê đắm gái đẹp,… đều dẫn đến đồi bại, ô nhục. Ham muốn vô độ về tiền bạc tất sẽ sa đọa tâm hồn. “Hoàng kim hắc nhân tâm”; “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”; “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”; “Trong tay sẵn có đồng tiền I Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!”, v.v…Những câu cổ ngữ, câu tục ngữ, câu thơ ấy chắc nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ?
Cán bộ đảng viên phải hết lòng vì nước vì dân, phải sống trong sạch. Thế nhưng “một bộ phận không nhỏ” đã dấn thân vào tham nhũng, bị nhân dân vạch mặt, khinh bỉ gọi là “thằng”, “con”, “mụ”,… Ăn cắp của nhà nước, ăn cướp của dân, có hàng trăm triệu đô gửi Ngân hàng Thụy Sĩ,… nhưng lại lên mặt đạo đức giả, lúc nào cũng bỏm mép nói về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Sự sa đọa tâm hồn thật ghê tởm! Vênh vang tự đắc, không biết tự xấu hổ, cứ bám chặt lấy “ghê”, không chịu từ chức!
Những kẻ ham muốn, ham hố vô độ về tiền bạc ấy đã được đọc bài thơ “Đưa ông phủ” của Tú Xương chưa nhỉ? Xin chép bài thơ ra đây để “các ông phủ thời hiện dại” đọc cho vui, đọc cho biết sự đời:
“Tri phủ Xuân Trường được mấy niên,
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên.
Chữ tra, chữ cứu không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ tiền!”
Ý kiến trên đây đã giúp mỗi chúng ta tỉnh táo nhận thức về giá trị đồng tiền; biết sống chân chính làm ra tiền và sử dụng đồng tiền do công sức mồ hôi của mình làm ra một cách hợp lí. Và cũng cần biết thêm; “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu".
Những năm ba mươi của thế kỉ 20, thi sĩ Tản Đà đã chua chát thốt lên:
“Văn minh Đông Á trời thu sạch,
Nay lúc cương thường đảo ngược rồi”
Nước ta đã và đang trên đà đổi mới, có nhiều thành tựu tốt đẹp. Nhưng có biết bao vụ trọng án cướp của giết người rùng rợn xảy ra. Việc chống tham nhũng đã 8 năm (tính đến năm 2012), nhưng lòng dân vẫn ngổn ngang! Tại sao và tại sao?
Trong hoàn cảnh ấy bàn về đồng tiền là một điều có nhiều ý nghĩa. Lương tâm nhắc nhủ mỗi chúng ta cần phải sống cần kiệm, sống trong sạch.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia khác:
- Suy nghĩ về lời khuyên: Đừng sống bằng thói quen, hãy sống bằng trải nghiệm hay nhất
- Suy nghĩ về sự cống hiến của thế hệ trẻ hiện nay hay nhất
- Nghị luận về câu nói: Cái gì cũng nhàm chán cả trừ học hỏi hay nhất
- Suy nghĩ về lòng nhân ái qua câu chuyện Người ăn xin hay nhất
- Bài văn suy nghĩ của em về văn hóa cảm ơn hay nhất
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Lớp 12 Kết nối tri thức
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT
- Lớp 12 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 12 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 12 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 12 - CTST
- Giải sgk Hóa học 12 - CTST
- Giải sgk Sinh học 12 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 12 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 12 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - CTST
- Giải sgk Tin học 12 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 12 - CTST
- Lớp 12 Cánh diều
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều