20+ Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa (hay, ngắn gọn)

Suy nghĩ của anh chị về quan điểm Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 1

   Nhận định về việc cống hiến và hưởng thụ có ý kiến cho rằng: " Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa." " Cống hiến" là việc đóng góp sức lực của cá nhân, tập thể cho sự nghiệp chung. " Hết mình" là toàn bộ khả năng bao gồm cả sức lực và trí lực. " Hưởng thụ" là thu nhận thành quả, hưởng thành quả lao động mà mình tạo ra, một cách "tối đa" tức là mức hưởng thụ cao nhất. Câu nói nhằm khẳng định một phong cách sống tích cực, tận hiến để tận hưởng, tận hiến cũng là tận hưởng. Cống hiến hết mình là phương châm sống tích cực và tốt đẹp mà con người cần học tập và tu dưỡng. Cống hiến hết mình cũng chính là việc chúng ta đã và đang góp sức mình xây dựng một xã hội tốt đẹp và văn minh hơn. Biểu hiện của lối sống tích cực này là việc mỗi chúng ta luôn có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ của mình với gia đình cộng đồng và toàn xã hội. Con người khi tận hưởng tối đa thành quả mà mình tạo ra, sau quá trình cống hiến hết mình, họ sẽ cảm thấy thoải mái, không xấu hổ. Phương châm hưởng thụ tối đa còn cần phụ thuộc vào từng bối cảnh, việc hưởng thụ cần phù hợp, tránh xa xỉ, vung phí tiền của. Nếu chúng ta đặt nặng bất cứ vấn đề nào hơn thì đều không tốt, tạo ra kết quả xấu. "Cống hiến hết mình" là phương châm sống hiện đại, tích cực cần được học tập và tu dưỡng, có ý thức loại bỏ cách sống ích kỉ, tham lam, vô văn hóa cùng lối sống vô độ, trác tán.

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 2

Cống hiến và hưởng thụ là hai biểu hiện có mối quan hệ chặt chẽ trong lối sống của con người. Cống hiến là đống góp một giá trị nào đó cho xã hội một cách vô tư, không vụ lợi, không đòi hỏi được đáp trả. Ngược lại với cống hiến là hưởng thụ. Hưởng thụ là tận hưởng những giá trị của cộng đồng, không phải do mình làm ra. Mối quan hệ giữa “cống hiến” và “thụ hưởng” chi phối nhiều giá trị trong cuộc sống của con người. Cuộc sống nên cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ bởi chỉ có cống hiến mới làm tăng lên các giá trị chung, thú đẩy xã hội phát triển. Nếu sống chỉ hưởng thụ mà không cống hiến không những bản thân ngày càng nghèo khó mà xã hội cũng không thể phát triển phồn vinh được. Hưởng thụ là một lối sống ích kỉ, đáng khinh ghét. Thước đo giá trị của cuộc đời không phải là thời gian bạn sống, không phải tiền bạc bạn có mà là những gì bạn đã cống hiến. Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân. Người biết cống hiến sẽ được người khác kính trọng và tôn vinh. Người chỉ biết hưởng thụ sẽ bị khinh ghét và loại bỏ khỏi tập thể. Hãy biết cho đi nhiều hơn là nhận về. Đừng tham danh lợi mà dẫm đạp lên đạo đức của bản thân và cuộc sống của người khác. Cống hiến là cách tốt nhất để gắn kết bản thân và cuộc đời với đây đủ ý nghĩa của nó.

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 3

Cống hiến là đóng góp công sức, đóng góp những thứ từ bình thường đến quý giá cho sự nghiệp chung của mọi người, của đất nước. Suy rộng hơn, cống hiến chính là góp phần xây dựng thế giới ngày một văn minh, tân tiến hơn. Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến. Người biết cống hiến được tôn trọng và kính nể rất nhiều. Bởi khi ta biết cống hiến, chính là lúc ta biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Biết hi sinh lợi ích của mình vì cộng đồng. Để làm được điều này, ta cần phải mở rộng tầm nhìn của mình đối với thế giới, tránh xa những nông cạn, vị kỉ, nhỏ nhen. Việc cống hiến còn giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách và tâm hồn mình hơn, như biết bao dung hơn, trở thành người quảng đại hơn, yêu thương con người nhiều hơn. Chẳng phải làm được những việc lớn lao mới gọi là cống hiến. Nhưng chữ “cống hiến” rất đời thường. Đó là sự chăm chỉ lao động cùa người nông dân, là sự miệt mài với công việc của người trí thức, là sự hăng say trong học tập của lớp trẻ. Phải chăng đó là hình ảnh giản dị của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long, là các anh lính biên phòng hay hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ bình yên cho đất nước. Và cao hơn cả cống hiến, chính là đức hy sinh. Hãy nhớ về những vị anh hùng hữu danh, vô danh, họ đã hy sinh cả mạng sống để cho đất nước được yên tiếng súng, được độc lập tự do. Từ đó, nhắc nhở bản thân mỗi chúng ta phải biết sống vì mọi người, sống vì đất nước, dân tộc và “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 4

Hiểu một cách đơn giản, cống hiến là đóng góp một phần của cải và sức lực của mình vào xây dựng sự nghiệp chung tập thể và cộng đồng mà không so đo tính toán, không mong cầu đáp trả. Ngược lại với cống hiến là hưởng thụ. Hưởng thụ là đón nhận, nhận về những điều tốt đẹp mà mình mong muốn, khao khát. Mỗi người có một cách hưởng thụ khác nhau, song bản chất đều là cho phép mình thỏa mãn nhu cầu, sở thích cá nhân. Cống hiến và hưởng thụ giống như hai mặt biện chứng của cặp khái niệm “cho” và “nhận”, phản ánh một quy luật tất yếu của đời sống xã hội. Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến”. Nếu chỉ tìm mọi cách để hưởng thụ, con người sẽ nghĩ đến hưởng lạc, lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng. Nếu cứ như vậy, dần dần sẽ trở thành người lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, từ đó hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, ích kỷ, hẹp hòi. Ngược lại, cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển của xã hội. Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Đó là cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh. Con người có cống hiến và cũng có quyền được hưởng thụ với nhiều cách thức khác nhau, tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng, điều kiện của bản thân. Không biết hưởng thụ cũng là một biểu hiện kém văn minh trong xã hội hiện nay. Hưởng thụ sẽ giúp chúng ta tái sản xuất sức lao động, từ đó có thể cống hiến được nhiều hơn và tốt hơn cho cộng đồng. Song mỗi người cần phải cân đối hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Thậm chí, trong những hoàn cảnh cụ thể, cần biết hy sinh hoặc chấp nhận những thiệt thòi để toàn tâm, toàn trí cho việc cống hiến.

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 5

Tuổi trẻ là tuổi của hoài bão, ước mơ và khát vọng cống hiến sức mình. Đó chính là chìa khóa then chốt để hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao cho đất nước, dân tộc. Có quan điểm rằng: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa. Sự cống hiến là tạo ra những giá trị hữu ích góp phần thúc đẩy cộng đồng, xã hội và đất nước. Hưởng thụ là việc đón nhận và tận hưởng thành quả của bản thân sau những nỗ lực to lớn. Hai vế ở quan điểm trên tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại cùng hoàn thiện ý nghĩa về một nét sống đẹp và cân bằng. Con người chúng ta đều chỉ có một cuộc đời để sống. Ai cũng có những ước mơ và hoài bão cho riêng mình. Đó có thể là những điều nhỏ bé, giản dị dành cho bản thân nhưng cũng có thể là một mục tiêu lớn lao cho toàn dân tộc. Cuộc sống chính là nơi mà những nỗ lực và cống hiến của con người có thể mang lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, để đạt được thành công và đóng góp cho xã hội, người ta cần phải có sự cân bằng giữa cống hiến và tận hưởng. Việc cống hiến hết mình đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung cao độ, cũng như đôi khi phải hy sinh một số thời gian và sự thoải mái để đạt được mục tiêu. Nhưng việc tận hưởng, đón nhận những kết quả của những nỗ lực này cũng là cần thiết để giữ động lực và động viên bản thân tiếp tục phát triển. Do đó, chúng ta cần phải biết cách thư giãn và điều chỉnh cuộc sống một cách hợp lý. Chúng ta được sống trong thế giới phát triển và hiện đại như bây giờ cũng chính là nhờ sự cống hiến và hy sinh của biết bao nhà bác học vĩ đại như Einstein, Thomas Edison, Isaac Newton hay Helen Keller… Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn trẻ chưa có nhận thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người sống cực đoan, chỉ lo chạy theo đồng tiền mà không chú tâm đến việc bồi dưỡng tâm hồn. Thánh Gandhi đã từng nói: “Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc”. Thật đúng vậy, chỉ khi ta có trách nhiệm với một tập thể, một đất nước thì ta mới có thể làm nên những điều kỳ vĩ, lớn lao!

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 6

Lao động, cống hiến, phúc lợi, hưởng thụ là những vấn đề được đặt ra trong cuộc sống hàng ngày, mà bất cứ người nào, ở vị thế nào cũng phải quan tâm. Về cống hiến và tận hưởng đã có ý kiến cho rằng: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.

Cống hiến là đóng góp cái quý của mình vào sự nghiệp chung. Hết mình là làm hết sức mình, hết lòng, bằng tất cả khả năng của mình. Hưởng thụ là thu về, nhận về để hưởng. Tối đa tức là nhiều nhất, không thể nhiều hơn được nữa.

Vậy, có phải “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh là cách sống tốt đẹp không?

Cống hiến hết mình là phương châm sống rất tích cực, rất đẹp, già, trẻ, gái, trai, làm việc gì, vị thế nào, thời xưa hay thời nay. Đem hết khả năng mình, cả vật chất và tinh thần đóng góp vào sự nghiệp chung là vô cùng cao quý. Cống hiến hết mình mới góp công sức, tài năng góp phần làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Cả xã hội, ai cũng đồng sức đồng lòng mới có thể xây dựng được đất nước giàu mạnh, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Làm ruộng, cày bừa cấy hái thì không quản nắng mưa. Làm thợ thì gắng sức, gắng công mới làm ra nhiều sản phẩm phục vụ dân sinh. Các chiến sĩ Điện Biên ngày xưa “Dù bom đạn xương tan nát thịt / Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh” (thơ Tố Hữu) là đã cống hiến hết mình, mới viết nên chiến công "lừng lẫy địa cầu".

Biết cống hiến hết mình là đã làm trọn nghĩa vụ của đứa con trong gia đình, người công dân đối với Tổ quốc. Thời chiến cũng như thời bình, ai cũng phải cống hiến hết mình cho nhân dân và đất nước. Có vinh dự nào bằng hành động của tuổi trẻ đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc? Sống có lý tưởng đẹp mới có hành động cao quý như thế!

Hưởng thụ tối đa có phải là phương châm sống tích cực của con người hiện đại không? Riêng tôi có nhiều phân vân! Của cải của mình do mồ hôi, tài trí của mình làm ra thì mình có quyền hưởng thụ tối đa. Nhà lầu, xe hơi cực sang, ăn của ngon, vật lạ, đi du lịch,... bằng tiền của mình (lao động chân chính) thì có quyền tận hưởng !

Cái lý thì như thế! Nhưng cái tình đời, tình người trong cách sống, cách “tận hưởng, hưởng thụ tối đa” như vậy có thỏa đáng hay không? Đất nước ta đến nay (2014) tuy đã nhiều đổi mới, nhưng đồng bào ta ở các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Hàng triệu nạn nhân chất độc da cam, hàng triệu bệnh nhân AIDS ở khắp đó đây. Trẻ em ở miền núi còn thiếu trường, thiếu bàn ghế, thiếu sách giáo khoa, thiếu áo quần. Trong lúc đó, có đại gia sống cực kỳ xa hoa: ăn một bát phở 1 triệu đồng, mặc áo lông vài tỷ, chán xỏ đôi giày ba, bốn trăm triệu đồng, ở nhà lầu như cung điện, đi xe hơi mấy chục tỷ, nằm trên giường 7 tỷ, vân vân. Cách sống xa hoa như thế, dù ở thời gian nào, nơi nào trên đất nước ta chưa hẳn đã hay đã đẹp.

Xin được nhắc lại đôi ba câu ca dao sau đây để chúng ta cùng suy ngẫm:

- Ăn thì ăn đĩa giò đầy,

Chơi thì chơi suốt cả ngày lẫn đêm!

- Cơm ăn nồi bảy nồi ba,

Rượu ba, bốn lít... lợn gà tiết canh!

Theo ý riêng tôi, cách sống: “Cống hiến hết mình” là cách sống tốt đẹp, tích cực. Tuổi trẻ chúng ta cần học tập tốt, tu dưỡng đạo đức tốt, để cống hiến hết mình cho đất nước. Sống phải cần kiệm nên không thể, không nên ăn chơi xả láng, không nên hưởng thụ tối đa! Cách sống ích kỷ, sống tham lam là cách sống vô văn hóa!

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 7

Trong bức tranh vô cùng phong phú, phức tạp của cuộc sống, mỗi con người lại xác lập cho bản thân những lí tưởng, mục đích sống khác nhau. Có người chỉ muốn sống an yên trong chiếc vỏ bọc của sự bình an, êm ấm; có người lại sẵn sàng hi sinh bản thân để đóng góp cho cuộc đời. Bàn về vấn đề này, có người nêu ra quan điểm: "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa". Ý kiến trên đã khái quát nhận định về việc "cống hiến" và "hưởng thụ" trong cuộc sống của con người.

"Cống hiến" là một trong những biểu hiện của lối sống "Mình vì mọi người", thể hiện qua việc con người biết cho đi, biết đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng của bản thân để phục vụ lợi ích chung. "Hết mình" là từ ngữ diễn tả sự tận tâm, tận lực vì một mục tiêu nào đó. Còn "hưởng thụ" là hành động thể hiện việc sử dụng, tận hưởng những gì mà bản thân đã đạt được. "Tối đa" miêu tả giới hạn ở mức cao nhất và không thể đạt ngưỡng cao hơn. Như vậy, câu nói "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa" đã thể hiện quan điểm về lối sống cống hiến, đóng góp trong mối quan hệ với sự tận hưởng và hưởng thụ.

"Cống hiến hết mình" là lối sống tích cực đối với mọi thời đại. Khi đem tài năng, sức lực, trí tuệ của bản thân để nỗ lực vì quyền lợi và sự phát triển chung, con người sẽ phát huy hết những tiềm lực, giá trị của bản thân. Đồng thời, khẳng định ý nghĩa tồn tại và giá trị đích thực của mình. Trong thời đại kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược, có biết bao người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc. Họ đã cống hiến tuổi xuân, tuổi đời: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" (Trích "Tây Tiến" - Quang Dũng) và hy sinh xương máu thực hiện lí tưởng cao đẹp. Còn trong thời đại ngày nay, có biết bao con người lao động, làm việc trong thầm lặng vì sự phát triển của đất nước. Họ không ngừng nỗ lực, cố gắng để góp sức mình vào sự nghiệp chung. Đó là những con người quên đi lợi ích cá nhân, quên đi cái "tôi" riêng và chỉ nghĩ đến cái "ta" chung theo lẽ sống "Mình vì mọi người".

"Hưởng thụ tối đa" là lối sống vừa mang ý nghĩa tích cực vừa mang ý nghĩa tiêu cực. Quan điểm này chỉ mang ý nghĩa tích cực nếu con người tận hưởng, thu về những thành quả đạt được trong khuôn khổ và gắn bó, tỉ lệ thuận, hài hòa với sự cống hiến. Bởi khi lao động, làm việc hết mình, chúng ta hoàn toàn có quyền tận hưởng những điều xứng đáng để giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn và hình thành động lực để tiếp tục nỗ lực cống hiến. Tuy nhiên, khi tuyệt đối hóa tâm lí hưởng thụ, con người sẽ dễ dàng sa vào lối sống ăn chơi sa đọa, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và dần quên đi những lí tưởng cao đẹp của việc "cho đi", của lối sống cống hiến.

Như vậy, con người cần biết xác lập cho mình những lí tưởng sống cao đẹp của việc "cho đi" để có thể "cống hiến hết mình" tâm - tài - sức vì sự phát triển chung của cộng đồng. Đồng thời, tận hưởng thành quả một cách cân đối, hài hòa và có chừng mực để duy trì những lẽ sống, hành động có ích và tránh xa sự cám dỗ của lối sống ăn chơi sa đọa.

Quan điểm "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa" đã thể hiện những bài học sâu sắc về lối sống cống hiến, nhắc nhở con người cần biết cân bằng giữa việc "cho đi" và "nhận lại". Là những thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần nỗ lực, cố gắng học tập thật tốt để đóng góp sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê, tài năng vào công cuộc xây dựng, gìn giữ và phát triển dân tộc.

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 8

Peter Marshall đã từng cho rằng: “thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là cống hiến”. Đúng như vậy, Cuộc đời của mỗi người tưởng dài nhưng rất ngắn nó chỉ là một khoảng thời gian hữu hạn bên sự trôi chảy vô hạn của đất trời. Chính vì vậy con người phải sống hết lòng, hết mình, cống hiến cho cuộc đời, để sau này ngoảnh lại ta không hối hận về những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Có lẽ như thế nên nhà thơ vĩ đại Ấn Độ Tagore đã trăn trối:

“Ngày tử thần gõ cửa nhà anh
anh sẽ có món chi làm tặng vật
trước vị khách đến thăm tôi sẽ đặt
cái ly tràn đầy cuộc sống của tôi dâng”.

Một câu chuyện ngắn, một bài ca dao, một câu tục ngữ và thậm chí ngay trong cả một ý thơ như đoạn thơ trên của Tangore càng mang ý nghĩa sâu sắc, mượn hình tượng về cái chết tức là tử thần, Tango đã viết “ngày tử thần gõ cửa nhà anh. Anh sẽ có một món chi làm tặng vật”. Đó chính là câu hỏi về cuộc sống, ý nghĩa của anh. Anh đã làm được gì, cống hiến được gì cho cuộc đời này trước khi chết và theo Tangore câu trả lời hay nhất trọn vẹn nhất, ý nghĩa và sâu sắc nhất chính là cái ly tràn đầy cuộc sống của tôi dâng – đó là ẩn dụ cho cuộc sống cống hiến vẹn toàn hết cho cuộc đời. Như vậy bằng cách đặt ra một tình huống về cuộc gặp với tử thần Tangore đã trình bày một quan niệm sống cao đẹp, sống cống hiến, sống hết mình với cuộc đời này để không có gì phải hối hận, có thể bình thản đón thần chết như chào đón một vị khách đến thăm.

Một nhà khoa học phương Tây đã chứng minh rằng xác suất để mỗi người có thể sinh ra trên cuộc đời là một trên 7 tỷ nó rất nhỏ bé. Dường như gần bằng không hơn nửa đời người khi sinh ra chỉ sống có một lần phải sống làm sao cho không phải ân hận khi giã từ cuộc sống. Cuộc sống như là con đường, trải dài trên con đường đó những người chạy phải thật nỗ lực thì mới mong về tới đích nhanh nhất. Mỗi sự nỗ lực đó chính là mỗi lần ta cống hiến cho cuộc đời và sau mỗi lần cống hiến dường như chúng ta cảm thấy đã để lại cho đời bao dấu ấn ý nghĩa, nếu trên con đường chạy ấy ta cứ bình thản tự nhiên xem nó là nghĩa vụ chứ không phải tự nguyện thì dù ta có cán đích thì điều đó cũng không có ý nghĩa. Cuộc sống là vậy sống thì phải cho ra sống, sống phải hết mình, phải cống hiến thì đó mới chính là cuộc sống đúng sống ý nghĩa.

Sự cống hiến không phải là việc làm vô bổ và sự cống hiến chính là hành động trả ơn với cuộc đời. Khi bạn sinh ra bạn đã nhận được rất nhiều từ cuộc đời, phải biết cho, biết cống hiến để xứng đáng với những gì được nhận. Cuộc sống luôn là hành động với mọi nỗ lực của chính chúng ta, sống không phấn đấu, không biết cho đi thì đó là lối sống ích kỷ, tầm thường. Hơn nữa, cuộc sống luôn chất chứa những điều thú vị, mới lạ. Nếu mỗi người biết cống hiến thì sẽ dần dần mở ra được những cánh cửa thú vị, thước đo của cuộc sống chính là cống hiến, sống cống hiến, sống hết mình tức là chúng ta đang vì xã hội và vì chính bản thân của chúng ta. Điều đó giúp mỗi người chúng ta sống đẹp hơn, sống tốt hơn và thậm chí họ còn trở nên yêu đời hơn, trân trọng cuộc sống này hơn.

Mặt khác sống trọn vẹn sống cống hiến là cách để mỗi chúng ta đánh thức những tiềm năng, năng lực bên trong bản thân mình khi chúng ta cố gắng để hoàn thành một công việc gì đó, mỗi người sẽ thấy được năng lực tiềm ẩn bên trong được đánh thức đó có thể là về tri thức, về sự sáng tạo phát minh hay có thể nói là bồi đắp thêm cho tâm hồn chúng ta trở nên cần cù chăm chỉ hơn. Điều đó không những giúp mỗi người chúng ta sống đẹp hơn sống hết mình tận tâm hơn mà còn giúp cộng đồng xã hội phát triển. Mỗi người là một tế bào của xã hội, nếu ai ai cũng có được sự cống hiến tận tâm sống hết mình thì đó là một xã hội năng động và còn ngược lại thì xã hội đó sẽ dần tan biến. Sự cống hiến hết mình luôn là tiêu chuẩn vĩnh cửu để đánh giá một con người xã hội và toàn thể cộng đồng. Trong thực tế, cuộc sống chúng ta đã bắt gặp biết bao cống hiến thầm lặng, cao cả, biết bao tấm gương vươn lên sống hết mình làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Tiêu biểu trong số đó chính là nhà khoa học nữ gốc Ba Lan lừng danh Marie Currie từng đạt giải Nobel về vật lý và hóa học. Bà tận tụy cống hiến, sống hết mình, dám nghĩ, dám làm để đưa đến cho loài người những phát minh vĩ đại phục vụ đắc lực cho cuộc sống, chính vì vậy tên tuổi của cũng như tài năng của bà sẽ mãi được lưu truyền và ca tụng về sau. Hay bác Hồ người đã hi sinh cả cuộc đời của mình để cống hiến cho cách mạng, cho tổ quốc với khát khao mãnh liệt muốn giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ. Người đã ra đi tìm đường cứu nước, cống hiến hết mình, tích cực chỉ đạo cách mạng trọn vẹn với con đường giải phóng. Cuộc đời của người chính là “cái ly tràn đầy cuộc sống” một cái ly có giá và bất tử, người có mất đi nhưng hình ảnh “cụ già mái tóc bạc vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí con cháu Đất Việt và bạn bè thế giới. Chỉ với 4 dòng thơ ngắn, nhưng qua đó Tangore đã gửi gắm đến mọi người một bài học sâu sắc, đó là sống phải cống hiến là phải hết mình cho dù có trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Thế nhưng một cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa không có nghĩa là phải làm những việc lớn lao to tát. Đã có ý kiến cho rằng ai cũng có những mong ước lớn lao nhưng ít ai nghĩ rằng nó lại được tạo thành từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống, mỗi con người dù nhỏ bé dù làm bất cứ công việc gì cũng có thể dâng cho đời cái ly tràn đầy. Cuộc sống việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn lao cách làm nhìn tuy đơn giản nhưng chất chứa sau đó là một quá trình. Cuộc sống cũng vậy, nếu không biết cống hiến, sống hết mình thì đó chỉ là những ngày tháng bằng phẳng trôi qua trong vô nghĩa.

Trong xã hội hiện nay, bên cạnh những người sống hết mình tận hiến vẹn toàn thì còn có những người sống ích kỷ, thiếu lý tưởng sống. Sống vô nghĩa “Sống Mòn” cuộc đời của họ đúng là “đời thừa” đó chính là một lối sống đáng phê phán lên án và cần phải bỏ lại.

Bốn câu thơ của Tangore như là bài học sâu sắc, nó không giáo huấn con người mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, nó không bắt buộc con người mà như khuyên răn bảo ban. Nó giúp mỗi người nhận thức đúng đắn về một cuộc sống có ý nghĩa, không sống hoài sống phí, chính vì nhận thức được điều đó, nên ngay bây giờ mỗi người cần hành động để bắt đầu hành trình hoàn thiện bản thân. Đó là điều bắt buộc nếu mỗi người muốn sống năng động, muốn xã hội phát triển. Bản thân là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải luôn cố gắng hoàn thiện nhân cách và trí tuệ được tích cực học hành hơn nữa cần sống năng động sống cống hiến hết mình để luôn cảm nhận được những gì kỳ diệu thú vị của cuộc sống đem lại.

Đã có ý kiến cho rằng, “bạn sinh ra là một bản gốc đừng chết như một bản sao”. Và cách tốt nhất để thoát khỏi điều đó chính là sống hết mình sống cống hiến như 4 dòng thơ mà Tango đã gửi gắm. Nếu có vậy sau này ngoảnh lại nhìn chặng đường đã qua đi ta mới không ân hận về những tháng năm đã sống hoài sống phí.

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 9

Lao động, cống hiến và hưởng thụ là quy luật bất biến của cuộc sống mà bất cứ cá nhân nào trong xã hội cũng cần nhận thức một cách rõ ràng. Khi con người cống hiến hết những năng lực và sự cố gắng, thành quả mà người ấy nhận được cũng sẽ xứng đáng với những gì mà người ấy bỏ ra. Nhận định về việc cống hiến và hưởng thụ, có ý kiến cho rằng “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa”.

“Cống hiến” là việc đóng góp sức lực, những thứ quý giá của cá nhân, tập thể đối với sự nghiệp chung. “Hết mình” là toàn bộ sức lực, khả năng cũng như sự cố gắng của bản thân. “Hưởng thụ” là thu về, nhận về những thành quả mà mình tạo ra, “tối đa” là giới hạn cao nhất, nhiều nhất không thể nhiều hơn nữa.

Câu nói “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” đã đánh giá đúng vai trò của những cống hiến, người biết đóng góp, cống hiến hết mình cho công việc, cuộc đời sẽ được nhận lại tất cả những gì xứng đáng nhất; tận hiến sẽ tận hưởng. Câu nói không thể thể hiện phương châm sống tích cực của con người hiện đại mà còn thể hiện được tính đúng đắn của phương châm ấy trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng.

Cống hiến hết mình là phương châm sống hiện đại tích cực, tốt đẹp mà con người cần học tập, tu dưỡng. Bất kể già trẻ, gái trai, thuộc bất cứ tầng lớp, đẳng cấp, nghề nghiệp nào nếu có ý thức mang hết khả năng, sự cố gắng của bản thân đóng góp cho công việc, sự nghiệp chung là vô cùng cao quý. Khi cống hiến hết sức có thể làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, trong xã hội nếu mọi người đều đồng lòng dốc sức cống hiến có thể gây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh.

Đó là những người nông dân không quản nắng mưa tích cực, hăng say lao động, đó là những người thợ gắng công để làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, phục vụ nhân sinh….Biết cống hiến hết mình nghĩa là làm trọn nghĩa vụ của một con người trong xã hội, làm tròn nhiệm vụ của người con trong gia đình, người công dân với đất nước.

Hưởng thụ tối đa là việc tận hưởng những thành quả mà mình đã tạo ra. Sử dụng những thành quả mà mình đã tạo ra không hề xấu, đó là nhu cầu chính đáng của mỗi con người, bởi để đạt được thành quả thì người ấy cũng phải bỏ ra bao nhiêu công sức, tài lực. Tuy nhiên, phương châm hưởng thụ tối đa còn cần phụ thuộc vào từng bối cảnh, việc hưởng thụ cần phù hợp, tránh xa xỉ, vung phí tiền của. Theo quan niệm của tôi, cuộc sống sẽ thật sự ý nghĩa nếu ta biết cân bằng mọi thứ, trong đó có cả việc hưởng thụ, hãy đảm bảo mọi thứ phù hợp với nhu cầu, không nên vung tay cho những thứ xa xỉ không cần thiết bởi xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh, những số phận đau khổ.

“Cống hiến hết mình” là phương châm sống hiện đại, tích cực cần được học tập và tu dưỡng, có ý thức loại bỏ cách sống ích kỉ, tham lam, vô văn hóa cùng lối sống vô độ, trác tán. Tuy nhiên trong cuộc sống cũng cần đề cao phương châm sống tiết kiệm, cần cân bằng được mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ đối.

Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa - mẫu 10

Cuộc sống của con người là một bài ca kì diệu. Có những cuộc sống thăng hoa bất tử nhưng cũng có những cuộc đời để lại những ngậm ngùi, tủi hổ. Điều đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vai trò không thể thiếu được của quan niệm sống. Trong giai đoạn hiện nay, có người quan niệm rằng “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.

Cống hiến là hành động đóng góp cái quý giá của mình vào sự nghiệp chung, sự nghiệp của tập thể. Hưởng là có được cho mình, có được để sử dụng. Hưởng thụ là hưởng của xã hội trong quan hệ với cống hiến. Quan niệm trên khẳng định giá trị của sự cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa. Quan niệm đó cho rằng Cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa là phương châm sống có ý nghĩa tích cực và luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.

Cống hiến và hưởng thụ là hai khía cạnh có quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể chỉ có cống hiến mà không có hưởng thụ. Cũng như không thể chỉ hưởng thụ mà không cống hiến. Cống hiến là điều kiện để được hưởng thụ và hưởng thụ là hệ quả tất yếu khi người ta cống hiến cho tập thể, cho xã hội. Con người trong thời đại ngày nay là con người của thời kì hội nhập , giao lưu rộng mở với mối quan hệ đa dạng, phong phú và phức tạp.

Cống hiến hết mình và biết hưởng thụ là một phương châm sống có ý nghĩa tích cực. Đây là phương châm sống của người hành động, nó hoàn toàn khác với kiểu sống của người thụ động. Phương châm này có ý nghĩa và tác dụng lớn đối với con người. Về năng lực, sống cống hiến hết mình sẽ giúp người ta phát huy cao nhất năng lực có thể của bản thân. Giúp người ta có một cuộc sống có giá trị và mang lại nhiều đóng góp cho tập thể, cho xã hội. Hưởng thụ giúp người ta tái tạo sức lao động về thể chất và tinh thần. Hưởng thụ giúp người đã cống hiến có được trạng thái tinh thần thư giãn, giải tỏa áp lực tinh thần, mang lại tâm thế tự do giúp con người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa và sau đó có điều kiện để tiếp tục phát huy năng lực tinh thần đã có ở bản thân.

Nhưng phương châm đó không phải luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Bản thân con người là hữu hạn. Dù có muốn cống hiến hết mình, con người cũng có những giới hạn về thể chất và tinh thần nhiều khi rất khó vượt qua. Trong khi, hưởng thụ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của tập thể, xã hội. Do đó không thể đòi hỏi hưởng thụ tối đa. Ngoài ra, khao khát hưởng thụ dễ dẫn người ta đi đến tư tưởng hưởng lạc, một xu hướng tâm lý dễ dẫn đến sự tha hóa, suy đồi.

Để cân bằng cuộc sống, con người cần thấy mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ cũng như tác dụng to lớn của nó. Từ đó có những suy nghĩ đúng đắn và cần thiết về cống hiến và hưởng thụ. Cống hiến và hưởng thụ một cách hài hòa là phương châm sống cần có của bản thân mỗi người. Cống hiến hết mình cần được soi sáng bởi một mục đích cao đẹp, một tư duy sáng suốt để không rơi vào sự mê muội, bị lừa dối. Hưởng thụ chính đáng, phù hợp với nhu cầu chân chính, với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình, xã hội, đất nước.

Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ, hãy tìm mọi cách để cống hiến. Cho đi là còn mãi. Chỉ khi biết sống cống hiến, cuộc đời mới ngày càng tươi đẹp và hạnh phúc hơn.

“Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến”. Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân. Biết cho đi là làm giàu có trí tuệ; biết nhận về làm sung túc trái tim. “Cống hiến hết mình và hưởng thụ phải chăng” nên là phương châm sống của con người hiện đại hôm nay.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia khác:


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học