Đề cương ôn tập môn Địa Lí 8 Học kì 1 năm 2024

Đề cương ôn thi Học kì 1 môn Địa Lí 8 năm 2024 sẽ tổng hợp lại toàn bộ kiến thức quan trọng trong Học kì 1 giúp học sinh ôn tập lý thuyết cũng như luyện tập các dạng câu hỏi trắc nghiệm, các dạng bài tập tự luận môn Địa Lí. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp học sinh đạt kết quả trong trong bài thi Học kì 1 môn Địa Lí 8.

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ 1 - ĐỊA LÍ 8

I. NỘI DUNG LÝ THUYẾT

1. Vị trí địa lí, địa hình và khoáng sản

- Châu Á là một bộ phận của lục địa Á - Âu, là châu lục rộng nhất thế giới.

- Kéo dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo, tiếp giáp với hai châu lục (châu Âu và châu Phi) và ba đại dương (Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương).

- Địa hình châu Á gồm nhiều hệ thống núi, sơn nguyên cao đồ sộ và nhiều đồng bằng rộng.

- Các dãy núi chạy theo hai hướng chính: Đông - tây hoặc gần đông - tây, bắc - nam hoặc gần bắc - nam.

- Các núi và sơn nguyên cao tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm. Trên các núi cao có băng hà bao phủ quanh năm.

- Khoáng sản rất phong phú và có trữ lượng lớn. Nhiều khoáng sân quan trọng như dầu mỏ, khí đốt, than, sắt, crôm, đồng, thiếc,...

2. Khí hậu châu Á

- Do lãnh thổ trải dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo, lãnh thổ rất rộng, lại chịu ảnh hưởng của địa hình (các dãy núi và sơn nguyên cao) đã làm cho châu Á có nhiều đới khí hậu. Trong các đới khí hậu lại có nhiều kiểu khí hậu.

- Phổ biến nhất vẫn là kiểu khí hậu gió mùa và kiểu khí hậu lục địa. Kiểu khí hậu gió mùa bao gồm gió mùa nhiệt đới (ở Nam Á và Đông Nam Á); gió mùa.

3. Sông ngòi và cảnh quan châu Á

* Đặc điểm sông ngòi

- Châu Á có mạng lưới sông ngòi khá phát triển và có nhiều hệ thống sông lớn.

- Các sông châu Á phân bố không đều và chế độ nước khá phức tạp.

+ Bắc Á: Nhiều sông, các sông lớn đều chảy theo hướng từ nam lên bắc, mùa đông các sông bị đóng băng kéo dài. Mùa xuân băng tuyết tan, mực nước sông lên nhanh và gây lũ băng lớn.

+ Đông Á, Đông Nam Á: Sông dày đặc, nhiều sông lớn, thời kì nước lớn vào cuối mùa hạ đầu mùa thu, thời kì cạn nhất vào cuối đông đầu xuân.

+ Tây Nam Á và Trung Á: Do khí hậu lục địa khô hạn nên sông kém phát triển. Nguồn cung cấp nước là tuyết và băng tan từ các đỉnh núi cao nên vẫn có nhiều sông lớn.

* Các đới cảnh quan

- Cảnh quan tự nhiên ở châu Á rất đa dạng: Rừng lá kim, rừng cận nhiệt và rừng nhiệt đới ẩm. 

- Ngày nay, đa số các cảnh quan rừng, xa van và thảo nguyên đều bị con người khai phá, biến thành đồng ruộng, khu dân cư và khu công nghiệp.

=> Vì vậy bảo vệ rừng đang là nhiệm vụ cấp bách.

* Những thuận lợi và khó khăn của thiên nhiên

- Thuận lợi Tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng: Tài nguyên khoáng sản (than, dầu mỏ, khí đốt, ...), tài nguyên đất, khí hậu, nước, sinh vật,... nguồn năng lượng dồi dào.

- Khó khăn Núi cao, hoang mạc, những vùng lạnh giá,... cản trở sự giao lưu, sản xuất nông nghiệp; Các thiên tai: Động đất, núi lửa,... gây thiệt hại lớn cho người và của.

4. Đặc điểm dân cư, xã hội châu Á

- Châu Á là châu lục đông dân nhất thế giới.

- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên của châu Á vẫn còn cao.

- Dân cư châu Á thuộc nhiều chủng tộc nhưng chủ yếu là chủng tộc Môn-gôl-ô-it và Ơ-rô-pê-ô-ít. Có sự hoà huyết giữa các chủng tộc và các dân tộc trong mỗi quốc gia.

- Châu Á là nơi ra đời của nhiều tôn giáo có số tín đồ lớn: Phật giáo, Hồi giáo, Ki Tô giáo, An Độ giáo.

5. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các nước châu Á

- Các nước châu Á có quá trình phát triển sớm. Thời Cổ đại và Trung đại, nhiều dân tộc châu Á đã đạt tới trình độ phát triển cao của thế giới.

- Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhiều nước châu Á thành nơi cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hoá của đế quốc,...

- Nửa cuối thế kỉ XX nền kinh tế mới có những chuyển biến mạnh mẽ, song sự phát triển giữa các nước và vùng lãnh thổ không đều.

- Nhiều nước có nền kinh tế phát triển vượt bậc nhưng số lượng các quốc gia nghèo khó vẫn chiếm tỉ lệ cao.

6. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở các nước châu Á

- Các nước châu Á ngày nay đã đạt được một số thành tựu trong kinh tế - xã hội.

- Nông nghiệp: Châu Á chiếm 93% sản lượng lúa gạo, 39% sản lượng lúa mì thế giới. Nhiều nước tự túc được lương thực và có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

- Công nghiệp: Nhiều ngành công nghiệp có vị trí quyết định đối với nhiều nước, góp phần cung cấp công cụ, phương tiện giao thông, các sản phẩm tiêu dùng; không những đáp ứng nhu cầu mà còn tạo ra mặt hàng xuất khẩu.

- Dịch vụ: Nhiều nước dịch vụ phát triển cao và đã đóng góp tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP.

=> Đời sống của nhân dân châu Á đang được nâng lên rõ rệt.

7. Khu vực Tây Nam Á

- Tây Nam Á có một vị trí rất chiến lược: Nằm ở ngã ba của ba châu lục (Á, Âu, Phi), tiếp giáp với nhiều vịnh biển (biển Caxpi, biến Đen, Địa Trung Hải, biển Đỏ, vịnh Pecxích).

- Địa hình có nhiều núi và cao nguyên.

- Là khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn, tập trung ở nhiều nước (A-rập Xê-út, I-ran, I-rắc, Cô-oét) là nơi xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

- Dân cư châu Á phần lớn là người Ả-rập, theo đạo Hồi. Phân bố chủ yếu ở ven biển, các thung lũng có mưa, ...

- Là cái nôi của nền văn minh Cổ đại.

- Là khu vực mà tình hình kinh tế, chính trị đang diễn ra rất phức tạp.

8. Điều kiện tự nhiên khu vực Nam Á

- Nằm ở Nam Á, có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng.

- Địa hình chia làm ba miền: Phía Bắc là dãy Himalaya, phía Nam là sơn nguyên Đêcan, ở giữa là đồng bằng Ấn - Hằng rộng lớn.

- Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Gió Tây Nam có ảnh hưởng rất lớn đến nhịp điệu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.

- Nam Á có nhiều sông lớn như: Sông An, sông Hằng,...

- Nam Á có nhiều cảnh quan: Rừng nhiệt đới ẩm, xavan, hoang mạc và cảnh quan núi cao.

9. Dân cư và đặc điểm kinh tế khu vực Nam Á

- Nam Á là khu vực tập trung dân cư đông nhất thế giới, trong đó Ấn Độ có dân số hơn 1 tỉ người. 

- Dân cư Nam Á chủ yếu là theo Ấn Độ giáo, Hồi giáo, ngoài ra còn theo Thiên Chúa giáo, đạo Xích và Phật giáo.

- Tôn giáo có vai trò rất lớn đối với đời sống kinh tế, chính trị của các nước trong khu vực này.

- Các nước Nam Á có nền kinh tế đang phát triển.

- Khu vực Nam Á trước kia mang tên chung là Ấn Độ, thuộc địa của đế quốc Anh.

- Ấn Độ là nước lớn nhất, đông dân nhất và có nền kinh tế phát triển nhất khu vực:

+ Công nghiệp Ấn Độ có nhiều ngành đạt trình độ cao.

+ Nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn, nhờ cuộc “cách mạng xanh” “cách mạng trắng”.

10. Đặc điểm tự nhiên của khu vực Đông Á

- Khu vực Đông Á, về mặt địa lí tự nhiên không phải là khu vực rộng nhất, mà bao gồm hai bộ phận khác nhau đó là phần đất liền và phần hải đảo.

- Phần đất liền lại gồm hai khu vực, khu vực phía đông là vùng núi trung bình, núi thấp và đồng bằng; khu vực phía tây có núi và sơn nguyên cao hùng vĩ.

11. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Á

- Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng trở thành nước tư bản phát triển đầu tiên của châu Á.

- Hàn Quốc, Đài Loan cũng sớm có chính sách phát triển thích hợp, đạt được những thành tựu kì diệu, trở thành những nền công nghiệp mới, những “con hổ” hay “con rồng” của châu Á.

- Gần đây, Trung Quốc đã vươn lên rất nhanh với những triển vọng đầy hứa hẹn.

- Đường lối, chính sách phát triển của mỗi nước là những vấn đề rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau.

II. MỘT SỐ CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trắc nghiệm

Câu 1. Châu Á không tiếp giáp đại dương nào sau đây?

A. Thái Bình Dương.

B. Đại Tây Dương.

C. Ấn Độ Dương.

D. Bắc Băng Dương.

Chọn B.

Câu 2. Đặc điểm nào dưới đây thể hiện châu Á là một châu lục rộng lớn?

A. Tiếp giáp ba đại dương rộng lớn.

B. Lãnh thổ có dạng hình khối.

C. Tiếp giáp hai châu lục.

D. Kéo dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích Đạo.

Chọn D.

Câu 3. Nhận định nào dưới đây chưa đúng về khí hậu châu Á?

A. Khí hậu châu Á phân hóa thành nhiều đới khác nhau.

B. Các đới khí hậu châu Á phân thành nhiều kiểu khí hậu khác nhau.

C. Khí hậu châu Á phổ biến là các kiểu khí hậu gió mùa và các kiểu khí hậu lục địa.

D. Khí hậu châu Á phổ biết là kiểu khí hậu cực và cận cực.

Chọn D. 

Câu 4. Khí hậu gió mùa châu Á phân bố ở khu vực nào dưới đây?

A. Bắc Á, Trung Á, Đông Nam Á.

B. Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.

C. Tây Nam Á, Nam Á, Đông Nam Á.

D. Đông Á, Đông Nam Á và Trung Á.

Chọn B. 

Câu 5. Các sông lớn ở vùng Bắc Á có hướng chảy chủ yếu là

A. tây bắc - đông nam.

B. tây sang đông.

C. nam lên bắc.

D. bắc xuống nam.

Chọn C.

Câu 6. Nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các con sông ở Nam Á là

A. nước từ ao, hồ.

B. nước ngầm.

C. nước mưa.

D. băng tuyết tan.

Chọn C.

Câu 7. Lũ băng của sông ngòi Bắc Á vào mùa nào dưới đây?

A. Mùa hạ.

B. Mùa xuân.

C. Mùa thu.

D. Mùa đông.

Chọn B.

Câu 8. “Chế độ nước sông theo mùa, sông có lượng nước lớn nhất vào cuối hạ đầu thu và thời kì cạn nhất vào cuối đông đầu xuân”. Đây là đặc điểm của sông ngòi thuộc khu vực nào dưới đây?

A. Tây Nam Á.

B. Đông Nam Á.

C. Bắc Á.

D. Trung Á

Chọn B.

Câu 9. Các chủng tộc nào dưới đây chiếm tỉ lệ lớn nhất trong dân cư châu Á?

A. Ơ-rô-pê-ô-it và Ô-xtra-lô-it.

B. Môn-gô-lô-it và Ơ-rô-pê-ô-it.

C. Môn-gô-lô-it và Ô-xtra-lô-it.

D. Ơ-rô-pê-ô-it và Ô-xtra-lô-it.

Chọn B.

Câu 10. Quốc gia nào dưới đây đông dân nhất châu Á?

A. Trung Quốc.

B. Thái Lan.

C. Việt Nam.

D. Ấn Độ.

Chọn A. 

Câu 11. Các quốc gia nào dưới đây thuộc nhóm các nước công nghiệp mới ở châu Á?

A. Trung Quốc, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a.

B. Xin-ga-po, Hàn Quốc, Đài Loan.

C. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

D. Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc.

Chọn B.

Câu 12. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các nước châu Á không phải là

A. các nước châu Á có quá trình phát triển sớm.

B. thời Cổ và Trung đại nhiều dân tộc châu Á đã đạt đến trình độ phát triển cao.

C. trong thế kỉ XIX, hầu hết các nước châu Á trở thành thuộc địa của các đế quốc.

D. các nước ở châu Á có trình độ phát triển kinh tế - xã hội rất đồng đều.

Chọn D.

Câu 13. Các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có đặc điểm chung về kinh tế nào dưới đây?

A. Công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

B. Mức độ công nghiệp hóa khá cao và nhanh.

C. Tốc độ công nghiệp hóa nhanh, có nhiều ngành hiện đại.

D. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Chọn C.

Câu 14. Vật nuôi chủ yếu ở các vùng khí hậu khô hạn của châu Á là

A. lợn, gà.

B. dê, cừu.

C. trâu, bò.

D. lợn, vịt. 

Chọn B.

Câu 15. Các nước khu vực Tây Nam Á và vùng nội địa có các loại cây trồng chủ yếu nào dưới đây?

A. Lúa gạo, ngô, chè.

B. Lúa mì, bông, chà là.

C. Lúa gạo, ngô, chà là.

D. Lúa gạo, lúa mì cọ dầu.

Chọn B.

Câu 16. Quốc gia nào dưới đây có sản lượng lúa gạo lớn nhất châu Á?

A. Thái Lan.

B. Ấn Độ.

C. Việt Nam.

D. Trung Quốc.

Chọn D.

Câu 17. Tây Nam Á không tiếp giáp với biển nào dưới đây?

A. A-rap.

B. Ca-xpi.

C. Biển Đỏ.

D. Gia-va.

Chọn D.

Câu 18. Nhận định nào không đúng với đặc điểm vị trí địa lí của Tây Nam Á?

A. Nằm ở ngã ba của ba châu lục.

B. Tiếp giáp với nhiều vùng biển.

C. Nằm hoàn toàn ở bán cầu Tây.

D. Vị trí chiến lược về kinh tế - chính trị.

Chọn C.

Câu 19. Tây Nam Á là nằm ở ngã ba của 3 châu lục nào dưới đây?

A. Châu Á - châu Âu - châu Phi.

B. Châu Á - châu Âu - châu Mĩ.

C. Châu Á - châu Phi - châu Mĩ.

D. Châu Á - châu Âu - châu Đại Dương.

Chọn A. 

Câu 20. Dạng địa hình chủ yếu ở khu vực Tây Nam Á là

A. bán bình nguyên.

B. sơn nguyên và bồn địa.

C. đồng bằng châu thổ.

D. núi và cao nguyên.

Chọn D.

Câu 21. Nam Á tiếp giáp với đại dương nào sau đây?

A. Thái Bình Dương.

B. Ấn Độ Dương.

C. Bắc Băng Dương.

D. Đại Tây Dương.

Chọn B.

Câu 22. Trên vùng núi cao Hi-ma-lay-a, khí hậu phân hóa theo 

A. vị trí gần hoặc xa biển.

B. độ cao.

C. bắc - nam.

D. đông - tây.

Chọn B.

Câu 23. Nam Á không tiếp giáp với khu vực nào của châu Á?

A. Bắc Á.

B. Trung Á.

C. Đông Nam Á.

D. Đông Á.

Chọn A.

Câu 24. Các tôn giáo chính ở Nam Á là

A. Hồi giáo và Phật giáo.

B. Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.

C. Ấn Độ giáo và Hồi giáo.

D. Thiên Chúa giáo và Phật giáo.

Chọn C.

Câu 25. Quốc gia nào dưới đây có nền kinh tế phát triển nhất khu vực Nam Á?

A. Nê-pan.

B. Bu-tan.

C. Pa-ki-xtan.

D. Ấn Độ.

Chọn D.

Câu 26. Cảnh quan chủ yếu ở phía tây phần đất liền Đông Á là

A. rừng nhiệt đới ẩm gió mùa.

B. đồng cỏ cao và xavan cây bụi.

C. thảo nguyên khô, hoang mạc.

D. cảnh quan núi cao và xavan.

Chọn C.

Câu 27. Phía tây Trung Quốc có dạng địa hình chủ yếu nào dưới đây?

A. Các đồng bằng rộng lớn, bằng phẳng.

B. Hệ thống núi, sơn nguyên cao hiểm trở và bồn địa lớn.

C. Vùng đồi, núi thấp và đồng bằng rộng lớn.

D. Dải đồng bằng nhỏ, hẹp nằm ven biển phía Đông.

Chọn B.

Câu 28. Ngành công nghiệp nào dưới đây là ngành công nghiệp hiện đại của Trung Quốc?

A. Khai thác than.

B. Hóa chất.

C. Luyện kim.

D. Điện tử - tin học.

Chọn D.

Câu 29. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của Nhật Bản không phải là

A. công nghiệp chế tạo ô tô, tàu biển.

B. công nghiệp điện tử.

C. công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

D. công nghiệp chế biến khoáng sản.

Chọn D.

Câu 30. Sản phẩm có sản lượng cao hàng đầu thế giới của Trung Quốc không phải là

A. hàng điện tử.

B. lương thực.

C. than.

D. điện.

Chọn A.

2. Tự luận

Câu 1. Hãy nêu các đặc điểm về vị trí địa lí, kích thước của lãnh thổ châu Á và ý nghĩa của chúng đối với khí hậu?

- Đặc điểm vị trí địa lí: Châu Á tiếp giáp với hai châu lục lớn là châu Âu và châu Phi, tiếp giáp với ba đại dương là Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

- Về kích thước:

+ Phần đất liền: Điểm cực Bắc là 77044'B, điểm cực Nam là 1016'B.

+ Châu Á là châu lục rộng nhất thế giới. Diện tích phần đất liền khoảng 41,5 triệu km2, nếu tính cả diện tích các đạo phụ thuộc thì rộng khoảng 44,4 triệu km2; chiều dài từ bắc đến nam là 8500 km, chiều rộng từ tây sang đông nơi lãnh thổ rộng nhất là 9200 km.

- Ý nghĩa của vị trí và kích thước tới khí hậu: Do lãnh thổ trải dài từ vùng cực Bắc tới Xích đạo làm cho lượng bức xạ Mặt Trời phân bố không đều nên châu Á có nhiều đới khí hậu. Lãnh thô rộng lớn, ảnh hưởng của biển và bức chắn địa hình của các dãy núi, sơn nguyên đã làm cho khí hậu châu Á có sự phân hoá.

Câu 2. Nêu các đặc điềm của địa hình châu Á. Kể tên một số dãy núi và sơn nguyên chính, mật số đồng bằng lớn của châu Á?

- Châu Á có nhiều hệ thống núi, sơn nguyên cao đồ sộ và có nhiều đồng bằng rộng.

- Các dãy núi chạy theo hai hướng chính: Đông - tây hoặc gần đông - tây và bắc - nam hoặc gần bắc - nam làm địa hình bị chia cắt phức tạp.

- Các núi và sơn nguyên tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm.

+ Các dãy núi chính: Himalaya, Côn Luân, Thiên Sơn, Antai.

+ Các sơn nguyên chính: Trung Xibia, Tây Tạng, Aráp, Iran, Đêcan,...

+ Các đồng bằng lớn: Turan, Lưỡng Hà, Ấn - Hằng, Tây Xibia, Hoa Bắc, Hoa Trung, …

Câu 3. Kể tên các đới khí hậu châu Á từ bắc xuống nam? Tại sao khí hậu châu Á lại chia thành nhiều đới?

- Từ bắc xuống nam, châu Á có các đới khí hậu sau:

+ Đới khí hậu cực và cận cực.

+ Đới khí hậu ôn đới.

+ Đới khí hậu cận nhiệt.

+ Đới khí hậu nhiệt đới.

+ Đới khí hậu Xích đạo.

- Khí hậu châu Á chia thành nhiều đới vì lãnh thổ châu Á trải dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo nên lượng bức xạ Mặt Trời phân bố không đều từ cực về Xích đạo.

Câu 4. Kể tên các sông lớn ở Bắc Á, hướng, chế độ nước và giải thích chế độ nước của sông?

- Các sông lớn ở Bắc Á: Ôbi, I-ê-nít-xây, Lêna

- Hướng từ nam lên bắc.

- Chế độ nước: Sông đóng băng về mùa đông, lũ về mùa xuân.

- Nguyên nhân: Đây là vùng khí hậu lạnh, về mùa đông nhiệt độ hạ thấp, sông bị đóng băng kéo dài. Đến mùa xuân, khi nhiệt độ tăng, băng tan, mực nước sông lên nhanh thường gây lũ băng lớn.

Câu 5. Cho biết sự thay đổi các cảnh quan tự nhiên từ đông sang tây theo vĩ tuyến 400B và giải thích nguyên nhân?

- Từ đông sang tây dọc theo vĩ tuyến 40°B, các cảnh quan lần lượt là: Rừng hỗn hợp và rừng lá rộng, thảo nguyên, hoang mạc và bán hoang mạc, núi cao, thảo nguyên, rừng và cây bụi lá cứng Địa Trung Hải.

- Nguyên nhân: Do sự thay đổi của khí hậu mà cụ thể là lượng mưa. Vùng gần bờ phía đông, ảnh hưởng của biển, khí hậu ẩm hình thành cảnh quan rừng hỗn hợp.

+ Càng vào sâu nội địa, khí hậu khô hơn do lượng mưa giảm, hình thành thảo nguyên.

+ Vào khu vực trung tâm, lượng mưa càng ít hình thành hoang mạc và bán hoang mạc.

+ Ở vùng núi cao do nhiệt độ và lượng mưa thay đổi theo chiều cao nên có cảnh quan núi cao.

+ Ở vùng ven Địa Trung Hải, do mưa vào thu đông nên cảnh quan rừng cây bụi lá cứng Địa Trung Hải.

Câu 6. Tại sao vào mùa đông ở châu Á, gió lại thổi từ lục địa ra biển, vào mùa hạ gió lại thổi từ biển vào lục địa?

Do khả năng hấp thụ nhiệt và toả nhiệt không giống nhau giữa lục địa và đại dương, sự nóng và hoá lạnh thay đổi theo mùa. Vào mùa đông, lục địa châu Á nhận được lượng nhiệt Mặt Trời ít hơn, nhiệt độ hạ thấp khu vực áp cao Xibia nhưng ở bán cầu Nam do ngả nhiều về phía Mặt Trời nên nhận được lượng nhiệt Mặt Trời nhiều hơn, hình thành áp thấp Xích đạo - Ôxtrâylia và ở Thái Bình Dương có áp thâp Alêút. Vì vậy gió từ áp cao chịu lực hút của áp thấp nên có gió từ lục địa thổi ra biển. Đến mùa hạ, Bắc bán cầu ngả nhiều về phía Mặt Trời, nên lục địa Á - Âu lại nhận được nhiều nhiệt vì vậy lại hình thành các khu vực áp thấp, hút gió từ các khu vực áp cao nên gió thổi từ biển vào đất liền..

Câu 7. Giải thích tại sao châu Á đông dân?

Châu Á đông dân vì phần lớn diện tích đất đai thuộc vùng ôn đới, nhiệt đới. Châu Á có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Đại bộ phận các nước kinh tế còn đang phát triển, hoạt động nông nghiệp là chính nên vẫn cần nhiều lao động. Nhiều nước vẫn còn chịu ảnh hưởng của các quan điểm lạc hậu, tư tưởng đông con vẫn còn phổ biến.

Câu 8. Dân cư châu Á thuộc những chủng tộc nào? Mỗi chủng tộc sống chủ yếu ở khu vực nào? So sánh thành phần chủng tộc của châu Á và châu Âu.

- Dân cư châu Á gồm chủng tộc Môn-gô-lô-ít và Ơ-rô-pê-ô-ít.

- Sự phân bố:

+ Chủng tộc Môn-gô-lô-ít sống chủ yếu ở Bắc Á và Đông.

+ Chủng tộc Ơrôpêôít sống chủ yếu ở Tây Nam Á và Nam Á.

+ Ở Đông Nam Á có chủng tộc Môn-gô-lô-ít sống đan xen với chủng tộc Ô-xtra-lô-ít.

- So với châu Âu, ở châu Á các chủng tộc đa dạng hơn, ở châu Âu chủ yếu là chủng tộc Ơ-rô-pê-ô-ít. Tuy nhiên ở châu Á hay châu Âu, các chủng tộc đều sống bình đẳng giữa các quốc gia và các dân tộc.

Câu 9. Tại sao Nhật Bản lại trở thành nước phát triển sớm nhất ở châu Á?

Vì Nhật Bản sớm thực hiện cuộc cải cách Minh Trị vào nửa cuối thế kỉ XIX, mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, giải phóng đất nước thoát khỏi mọi ràng buộc lỗi thời của chế độ phong kiến, tạo điều kiện cho nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh.

Câu 10. Các nước thuộc khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Tây Nam Á và Nam Á có các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu nào? Giải thích.

- Khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á:

+ Các loại cây trồng chủ yếu là lúa gạo, lúa mì, ngô, chè, cao su, dừa, cà phê.

+ Vật nuôi chủ yếu là lợn, trâu, bò.

- Khu vực Tây Nam Á và các vùng nội địa:

+ Cây trồng chủ yếu là lúa mì, bông, chà là.

+ Vật nuôi là cừu

- Giải thích:

+ Khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á có các đồng bằng, có khí hậu ôn đới gió mùa, khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới gió mùa.

+ Khu vực Tây Nam Á và các vùng nội địa chủ yếu là các cao nguyên, sơn nguyên, có khí hậu lục địa khô.

Câu 11. Thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của các nước châu Á?

- Châu Á chiếm tới 93% sản lượng lúa gạo toàn thế giới.

- Hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đã tự giải quyết được lương thực và một phần xuất khẩu.

- Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhất và thứ hai thế giới.

Câu 12. Trình bày vị trí chiến lược của khu vực Tây Nam Á?

- Tây Nam Á nằm án ngữ đường biển từ biển Đen ra Địa Trung Hải.

- Án ngữ đường biển ngắn nhất từ châu Âu sang châu Á qua kênh Xuyê và biến Đỏ.

- Tây Nam Á có thể phát triển các ngành kinh tế nào? Vì sao lại phát triển các ngành đó.

- Tây Nam Á có thể trồng lúa mì, bông, trồng chà là, chăn nuôi cừu ở các cao nguyên do khí hậu khô hạn.

- Công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ phát triển vì đây là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn.

- Phát triển dịch vụ: Giao thông, du lịch do vị trí địa lí nằm thông thương giữa hai đại dương lớn qua biển Đỏ và Địa Trung Hải.

Câu 13. Địa hình có ảnh hưởng tới khí hậu như thế nào?

- Địa hình có ảnh hưởng tới khí hậu đặc biệt là lượng mưa.

- Dãy Himalaya ngăn cản gió mùa Tây Nam từ biển thổi vào, vì vậy đã làm cho sườn nam có lượng mưa rất lớn, trung bình 2000 đến 3000 mm/năm. Nhưng ở sơn nguyên Tây Tạng khí hậu rất khô hạn, lượng mưa rất ít.

- Khi gió Tây Nam từ biển thổi vào gặp bức chắn của dãy Himalaya, chuyển hướng đông nam nên đồng bằng sông Hằng có lượng mưa rất lớn.

- Do ảnh hưởng của dãy núi Gát Tây nên gió Tây Nam thổi vào đã trút mưa xuống đồng bằng ven biển, khi vào đến cao nguyên Đêcan lượng mưa rất ít.

Câu 14. Tại sao nói: "sản xuất nông nghiệp ở Nam Á phụ thuộc vào gió Tây Nam"? Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nhân dân trong vùng đã làm gì?

- Gió Tây Nam là gió thổi từ biển vào mang theo mưa lớn, vì vậy gió Tây Nam đến sớm hay đến muộn có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của vùng.

- Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nhân dân trong vùng đã xây dựng công trình thuỷ lợi, hồ chứa nước, xây dựng kênh mương và đào giếng.

Câu 15. Tại sao hoang mạc Tha lại ăn sát ra tận biển?

Vì vùng này vào mùa hạ chịu ảnh hưởng của gió tây và tây bắc từ sơn nguyên Iran thổi tới nên khô và nóng, lượng mưa không đáng kể đã hình thành hoang mạc Tha ăn sát ra biển.

Câu 16. Giải thích tại sao khu rực Nam Á lại có sự phân bố dân cư không đều?

- Do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: Khu vực đồng bằng sông Hằng, sông Ấn và các đồng bằng ven biển có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho sản xuất nên dân cư tập trung đông đúc. Ngược lại các khu vực sơn nguyên, miền núi và hoang mạc khí hậu khô khan, đất đai để sản xuất hạn chế, địa hình đi lại khó khăn nên dân cư thưa thớt.

- Do các điều kiện về kinh tế - xã hội: Dân cư thường tập trung đông đúc ở các khu vực có sự tiện lợi về giao thông, cơ sở vật chất kĩ thuật, ... ở các cảng biển, đô thị và các trung tâm công nghiệp.

- Do lịch sử định cư và khai thác lãnh thổ: Đồng bằng sông Hằng và Đồng bằng sông An có lịch sử định cư và khai thác lãnh thổ lâu đời, đây là một trong những cái nôi văn minh cổ của thế giới.

Câu 17. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của Ấn Độ phát triển như thế nào?

- Sự phát triển của các ngành nông nghiệp ở Ấn Độ:

+ Sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển, với cuộc cách mạng xanh và trắng Ấn Độ đã giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

+ Phương tiện sản xuất được đổi mới, khâu làm đất sử dụng máy nông nghiệp, các công trình thủy lợi được xây dựng (hồ chứa nước, đào giếng), sử dụng phân bón, sử dụng giống mới,...

- Sự phát triển của các ngành công nghiệp ở Ấn Độ:

+ Sau khi giành độc lập, Ấn Độ đã xây dựng được một nền công nghiệp hiện đại, bao gồm các ngành công nghiệp năng lượng, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất, vật liệu xây dựng,... Các ngành công nghiệp nhẹ, đặc biệt là công nghiệp dệt, vốn đã nổi tiếng từ lâu đời với hai trung tâm chính là Côncata và Mumbai.

+ Ấn Độ cũng phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ công nghệ cao, tinh vi, chính xác như điện tử, máy tính,...

+ Ngày nay, sản lượng công nghiệp đứng hàng thứ 10 trên thế giới.

+ Dịch vụ: Các ngành dịch vụ đang phát triển, chiếm tới 48% GDP. Năm 2001, GDP đạt 477 tỉ USD.

Câu 18. Trình bày những điểm giống và khác nhau giữa hai sông Hoàng Hà và Trường Giang?

* Giống nhau:

- Đều là hai sông lớn của Trung Quốc, bắt nguồn từ sơn nguyên Tây Tạng ở phía tây chảy về phía đông rồi đổ ra biển.

- Ở hạ lưu đều bồi đắp thành những đồng bằng rộng, màu mỡ.

- Nguồn cung cấp nước đều do băng tuyết tan và mưa gió vào mùa hạ.

- Hai sông đều có lũ lớn vào cuối mùa hạ, đầu thu và cạn vào đông xuân.

* Khác nhau:

- Sông Trường Giang: Có độ dài lớn hơn sông Hoàng Hà, đổ nước ra biển Hoa Đông, bồi đắp lên đồng bằng Hoa Trung.

- Sông Hoàng Hà: Ngắn hơn và đổ nước ra biển Hoàng Hải, bồi đắp lên đồng bằng Hoa Bắc. Sông Hoàng Hà có chế độ nước thất thường, trước đây vào mùa hạ hay có lũ lụt gây thiệt hại cho mùa màng và nhân dân.

Câu 19. Trình bày đặc điểm địa hình Đông Nam Á? Ý nghĩa của các đồng bằng châu thổ thuộc khu vực này?

* Địa hình khu vực Đông Nam Á dược chia làm hai phần:

- Phần đất liền:

+ Các dải núi của bán đảo Trung Ấn là những dải núi nối tiếp dãy Himalaya chạy dài theo hướng bắc - nam và tây bắc - đông nam, bao quanh những khối cao nguyên thấp.

+ Núi và cao nguyên, chiếm phần lớn diện tích, các dải núi: Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn có hướng tây bắc - đông nam, Luông Phabăng, Tan, Aracan có hướng bắc - nam; các dãy Đăngrếch, Cácđamôn và núi trên các đảo thường có hướng đông - tây. Các cao nguyên: Hủa Phan, Cò Rạt, San.

+ Các thung lũng sông cắt xẻ sâu làm cho địa hình của khu vực bị chia cắt mạnh.

+ Đồng bằng phù sa tập trung ở ven biển và hạ lưu các sông.

- Phần hải đảo: Là những nơi thường xảy ra động đất, núi lửa do nằm trong khu vực không ổn định của vỏ Trái Đất. Dải núi lửa nằm theo hình vòng cung thuộc Inđônêxia, Malaixia và Philippin.

* Ý nghĩa của các đồng bằng châu thổ thuộc khu vực này.

- Đông Nam Á có các đồng bằng: Sông Hồng, sông Cửu Long, sông Mê Nam,... Các đồng bằng này là một trong những vựa lúa gạo của thế giới.

- Trên đồng bằng dân cư tập trung đông đúc, kinh tế phát triển, các ngành kinh tế phân bố dày đặc.

Câu 20. Nêu đặc điểm gió mùa mùa hạ, mùa dông. Vì sao chúng lại có đặc điểm khác nhau như vậy?

* Đặc điểm gió mùa mùa hạ và gió mùa mùa đông:

- Đặc điểm của gió mùa mùa hạ của khu vực Đông Nam Á xuất phát từ vùng áp cao của nửa cầu nam, thổi theo hướng đông nam, vượt qua Xích đạo và đổi hướng thành gió tây nam nóng, ẩm mang lại nhiều mưa cho khu vực.

- Gió mùa mùa đông xuất phát từ vùng áp cao Xiabia thổi về vùng áp thấp Xích đạo, với đặc tính khô và lạnh.

- Nhờ có gió mùa nên khí hậu Đông Nam Á không bị khô hạn như những vùng cùng vĩ độ ở châu Phi và Tây Nam Á. Song khu vực này lại bị ảnh hưởng của các cơn bão nhiệt đới hình thành từ các áp thấp trên biển, thường gây nhiều thiệt hại về người và của.

* Khác nhau:

Gió mùa mùa hạ, mùa đông có những đặc điểm khác nhau vì vị trí, nguồn gốc hình thành khác nhau: Gió mùa mùa hạ xuất phát từ vùng áp cao của nửa cầu nam, gió mùa mùa đông xuất phát từ vùng áp cao Xibia thổi về vùng áp thấp Xích đạo.

Câu 21. Hãy cho biết tên các quốc gia có sông Mê Công chảy qua cửa sông thuộc địa phận nước nào? Vì sao chế độ nước sông thay đổi theo mùa?

- Sông Mê Công chảy qua các quốc gia: Trung Quốc, Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.

- Cửa sông thuộc địa phận Việt Nam.

- Chế độ nước sông thay đổi theo mùa vì: Phần lớn chiều dài của sông chảy trong khu vực nhiệt đới gió mùa, với chế độ mưa theo mùa, nguồn nước chính cung cấp cho sông là nước mưa.

Câu 22. Trình bày sự phân bố dân cư của khu vực Đông Nam Á? Vì sao có sự phân bố dân cư đó?

- Dân cư ở khu vực Đông Nam Á phân bố không đều:

+ Dân cư tập trung đông ở các khu vực đồng bằng châu thổ như: Đồng bằng sông Hồng, sông Mê Công, sông Mê Nam,...

+ Các khu vực ven biển dân cư tập trung đông đúc.

+ Dân cư thưa thớt ở các khu vực sâu trong nội địa của các nước và các khu vực trung du và miền núi.

- Nguyên nhân: Do vị trí địa lí, nguồn tài nguyên thiên nhiên, yếu tố địa hình và các nhân tố kinh tế xã hội khác.

Câu 23. Vì sao các nước Đông Nam Á tiến hành công nghiệp hóa nhưng kinh tế phát triển chưa vững chắc?

Các nước Đông Nam Á tiến hành công nghiệp hóa nhưng kinh tế phát triển chưa vững chắc là do:

- Việc sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu vẫn chiếm vị trí đáng kể trong cơ cấu kinh tế của nhiều nước.

- Các nước Đông Nam Á phát triển nhiều ngành kinh tế dựa vào hai thế mạnh chủ yếu là nguyên liệu và lao động, hai thế mạnh này sẽ giảm dần vai trò trong tương lai.

- Năm 1997 - 1998 khủng hoảng tài chính tiền tệ bắt đầu từ Thái Lan làm cho kinh tế nhiều nước tăng trưởng âm.

- Việc bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình phát triển kinh tế đã làm cho cảnh quan thiên nhiên bị phá hoại, đe dọa sự phát triển bền vững của khu vực.

Xem thêm các đề cương ôn tập môn Địa Lí học kì 1, học kì 2 chọn lọc, hay khác: