Bài tập về Atlat Địa lí Việt Nam (có lời giải)

Tải xuống

A. LÝ THUYẾT

1. Nắm được bố cục và cấu trúc của Atlat Địa lí Việt Nam

Một cách khái quát, bố cục của Atlat Địa lí Việt Nam gồm:

- Trang đầu giới thiệu các ký hiệu chung trong từng bản đồ trong Atlat Địa lí Việt Nam.

- Các bản đồ chung bao gồm các bản đồ: Hành chính, hình thể, địa chất khoáng sản, khí hậu, các hệ thống sông, các nhóm và loại đất chính, thực vật và động vật, các miền tự nhiên, dân số, dân tộc, kinh tế chung.

- Các bản đồ các ngành kinh tế gồm: Nông nghiệp chung, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chung, các ngành công nghiệp trọng điểm, giao thông, thương mại, du lịch.

- Các bản đồ các vùng kinh tế gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; các vùng kinh tế trọng điểm.

- Trong một trang bản đồ của Atlat thể hiện nhiều yếu tố:

+ Yếu tố tự nhiên: Vị trí, địa hình, đất đai, khoáng sản, sông ngòi, khí hậu, sinh vật,…

+ Yếu tố kinh tế, xã hội: Dân cư, mật độ dân số, hành chính, các ngành kinh tế, các vùng kinh tế.

+ Giới hạn một vùng lãnh thổ hay các vùng liền kề nhau.

+ Trong bản đồ mỗi vùng đều có bản đồ tự nhiên, bản đồ kinh tế và các biểu đồ, số liệu thống kê.

+ Trong một trang bản đồ của Atlat còn thể hiện: Một số bảng số liệu, biểu đồ dân số qua các năm, cơ cấu, hay biểu đồ biểu hiện giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp,…

+ Một số hình ảnh về hoạt động sản xuất kinh tế, hoạt động văn hoá,… của các địa phương.

2. Nắm vững hệ thống ký hiệu trên bản đồ, biểu đồ

- Trong Atlat hệ thống ký hiệu được dùng là những quy định về cách biểu hiện bằng màu sắc, các phương pháp ký hiệu, tỷ lệ của bản đồ,...

- Cần tìm hiểu và nắm vững các quy ước ở mục ký hiệu chung ngay từ trang đầu tiên của Atlat và các bảng chú giải trong từng trang Atlat để có thể đọc nhanh, đúng bản đồ, biểu đồ và từ đó phân tích chính xác hơn.

- Khi đọc bất cứ một bản đồ nào cũng cần phải: đọc tên từng bản đồ để hiểu từng nội dung bản đồ thể hiện.

- Đọc phần chú giải để hiểu rõ các kí hiệu được dùng cho bản đồ đó. Mỗi nội dung bản đồ khác nhau cách dùng màu sắc để thể hiện cũng khác nhau.

- Trong bản đồ Hình thể và Các miền Địa lí tự nhiên; màu sắc để thể hiện độ cao, thấp, nông, sâu của địa hình.

- Trong bản đồ Địa chất khoáng sản màu sắc lại thể hiện tuổi của các loại đá; trong bản đồ Các nhóm đất, bản đồ động - thực vật màu sắc thể hiện các nhóm đất hoặc các thảm thực vật khác nhau.

- Trong bản đồ khí hậu màu sắc lại thể hiện sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa,... và các ký hiệu hình học thể hiện các loại khoáng sản; ký hiệu tượng hình thể hiện các loài động - thực vật; ký hiệu đường chuyển động thể hiện hướng gió, tính chất gió, đường đi của các cơn bão,...

3. Một số dạng câu hỏi trong khai thác Atlat Địa lí Việt Nam

- Kể, nêu, mô tả,... đối tượng địa lí.

- Trình bày nguồn lực phát triển và phân bố của đối tượng địa lí.

- Trình bày hiện trạng phát triển và phân bố của đối tượng địa lí.

- Giải thích sự phát triển và phân bố của đối tượng địa lí.

4. Trình tự khai thác Atlat Địa lí Việt Nam

- Với mỗi nội dung bài học, yêu cầu của từng bài học từng câu hỏi, cần phải xác định được đọc cái gì, từ đó xác định đúng trang Atlat cần đọc.

- Đọc bảng chú thích để nhận biết và đọc được các ký hiệu, ước hiệu, tỷ lệ,... trên mỗi bản đồ.

- Phân tích các ký hiệu, ước hiệu trên bản đồ để rút ra các nhận xét cần thiết.

- Thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội để từ đó rút ra các kết luận,…

- Khi sử dụng Atlat phải biết khai thác kiến thức nào trước, kiến thức nào sau.

- Trong từng bài cụ thể mức độ khai thác, sử dụng Atlat không giống nhau, có những bài học việc sử dụng Atlat chỉ được ứng dụng vào một số phần, có những bài có thể khai thác Atlat để tìm hiểu nội dung cả bài, trả lời toàn bộ câu hỏi.

- Khi khai thác Atlat, không bỏ qua một chi tiết nào được thể hiện trên mỗi bản đồ, biểu đồ của mỗi trang Atlat,...

- Trong một giờ học phải kết hợp việc khai thác Atlat với việc sử dụng các tài liệu khác và cả vốn hiểu biết của bản thân.

B. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP

Bài tập 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 21 và kiến thức đã học, trình bày sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp của nước ta và Giải thích sự phân hóa đó?

Hướng dẫn trả lời

* Sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp

- Đồng bằng Sông Hồng và vùng phụ cận: Từ Hà Nội hoạt động công nghiệp toả đi 6 hướng với các ngành chuyên môn hoá khác nhau:

+ Hải Phòng - Hạ Long - Cẩm Phả: Cơ khí, khai thác than.

+ Đông Anh - Thái Nguyên: Cơ khí, luyện kim đen.

+ Đáp Cầu - Bắc Giang: Vật liệu xây dựng, phân hoá học.

+ Việt Trì - Lâm Thao: Hoá chất, giấy

+ Hoà Bình - Sơn La: Thuỷ điện.

+ Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hoá: dệt may, điện, vật liệu xây dựng.

- Ở Nam Bộ, hình thành một dải công nghiệp, trong đó nổi lên các trung tâm công nghiệp hàng đầu của nước ta như TP Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Thủ Dầu Một.

- Dọc theo Duyên hải Miền Trung có các trung tâm như Đà Nẵng, Huế, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang,...

- Các khu vực còn lại (Tây Bắc, Tây Nguyên,...) với mức độ tập trung công nghiệp thấp, rời rạc.

* Nguyên nhân

Có sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp ở nước ta chủ yếu do các yếu tố về vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên - tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau ở mỗi vùng, miền.

Bài tập 2: Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 29 và kiến thức đã học, hãy trình bày về quy mô và cơ cấu ngành của các trung tâm công nghiệp chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ?

Hướng dẫn trả lời

Trung tâm

Quy mô

Cơ cấu

TP.Hồ Chí Minh

Trên 120 nghìn tỉ đồng

Cơ khí, luyện kim đen, luyện kim màu, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nhà máy nhiệt điện, sản xuất ô tô, sản xuất giấy-xelulo, dệt-may, điện tử, đóng tàu, hóa chất-phân bón.

Biên Hòa

Từ 40 - 120 nghìn tỉ đồng

Điện tử, chế biến nông sản, dệt-may, cơ khí, hóa chất-phân bón, sản xuất giấy-xelulo, sản xuất vật liệu xây dựng.

Vũng Tàu

Từ 40 - 120 nghìn tỉ đồng

Hóa chất-phân bón, điện tử, dệt-may, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác-chế biến lâm sản, chế biến nông sản.

Thủ Dầu Một

Từ 40 - 120 nghìn tỉ đồng

Luyện kim đen, cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt-may, hóa chất-phân bón, đóng tàu, nhà máy nhiệt điện.

Bài tập 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, em hãy:

a) Xác định vị trí các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 14, quốc lộ 51?

b) Nêu ý nghĩa của từng tuyến đường?

Hướng dẫn trả lời

a) Vị trí các tuyến đường

- Quốc lộ 1: Chạy từ cửa khẩu Hữu Nghị - Hà Nội - Huế - TP. HCM - Cà Mau (Năm Căn).

- Quốc lộ 6: Chạy từ Hà Nội - Tuần Giáo (Lai Châu).

- Đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 14: Từ Hà Nội chạy dọc sườn Đông Trường Sơn Bắc, qua Tây Nguyên - Đông Nam bộ.

- Quốc lộ 51: Nối TP HCM- Vũng Tàu.

b) Ý nghĩa

- Quốc lộ 1: Là tuyến huyết mạch nối 6/7 vùng kinh tế, gắn kết các vùng giàu tài nguyên, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng nông nghiệp trù phú, có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước.

- Quốc lộ 6: Nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Là trục kinh tế duy nhất của vùng Tây Bắc, tạo điều kiện khai thác các tiềm năng và phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.

- Đường HCM - quốc lộ 14: Ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng vùng núi phía Tây đất nước.

- Quốc lộ 15: Là tuyến huyết mạch nối tam giác kinh tế Biên Hòa - Vũng Tàu – TP. HCM, thúc đẩy ngành dầu khí và du lịch ở Đông Nam Bộ. Là tuyến đầu mút của hành lang kinh tế Đông Tây phía Nam.

Bài tập 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25 và kiến thức đã học, hãy chứng minh nước ta có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng?

Hướng dẫn trả lời

- Nước ta có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

- Tài nguyên du lịch chia thành 2 nhóm:

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm: các di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng), các thắng cảnh đẹp (sông Hương-Núi Ngự Bình, Nha Trang, Cần Thơ,...), các vườn quốc gia (Cúc Phương, Cát Tiên,...), các hang động, các bãi biển,…

+ Tài nguyên du lịch nhân văn gồm: các di sản văn hóa thế giới (cố đô Huế), các di tích lịch sử cách mạng (Điện Biên, Dinh Độc Lập, Hang Pác Bó,…), các lễ hội (Đền Hùng, Yên Tử, Hội Đâm Trấu, Oóc Om Bóc,…), các làng nghề (Bát Tràng, Vạn Phúc,…).

Bài tập 5: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 4 - 5 và kiến thức đã học, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí và ý nghĩa tự nhiên của vị trí địa lí nước ta?

Hướng dẫn trả lời

* Đặc điểm

- Nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, ở gần trung tâm khu vực Đông Nam Á.

- Là cầu nối giữa lục địa Á - Âu với Thái Bình Dương, trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới.

- Nằm trên các tuyến đường giao thông hàng hải, đường bộ và hàng không quốc tế quan trọng.

* Ý nghĩa

- Nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới nửa cầu Bắc. Do đó thiên nhiên nước ta mang đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nhiệt đới gió mùa, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa Châu Á, nên khí hậu nước ta có hai mùa rõ rệt.

- Giáp biển Đông là nguồn dự trữ dồi dào về nhiệt và ấm, nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của Biển Đông, thiên nhiên bốn mùa xanh tốt, không như một số nước cùng vĩ độ ở Tây Nam Á và Tây Phi.

- Nằm trong vành đai sinh khoảng châu Á - Thái Bình Dương, nơi gặp gỡ của nhiều luồng di cư động - thực vật nên có nguồn tài nguyên khoáng sản và sinh vật phong phú.

- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa đa dạng của tự nhiên thành các miền tự nhiên khác nhau giữa miền Bắc với miền Nam, giữa đồng bằng với miền núi, ven biển và hải đảo.

- Nước ta nằm trong vùng có nhiều thiên tai.

C. MỘT SỐ BÀI TẬP TỰ LUYỆN

Bài tập 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam 4 - 5 và kiến thức đã học, em hãy:

a) Trình bày những đặc điểm cơ bản của địa hình nước ta?

b) Xác định hướng di chuyển, thời gian hoạt động của mùa bão. Vùng nào của nước ta bị ảnh hưởng nhiều nhất và vùng nào ít bị ảnh hưởng nhất?

Bài tập 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy trình bày những đặc điểm giống và khác nhau về tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta?

Bài tập 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy:

a) Trình bày đặc điểm phân bố của các loại đất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Những khó khăn chủ yếu về tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?

Bài tập 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy trình bày và giải thích đặc điểm phân bố dân cư ở vùng Tây Nguyên?

Bài tập 5: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy trình bày và giải thích đặc điểm phân bố dân cư ở nước ta. Vì sao nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư trên cả nước?

Bài tập 6: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy:

a) So sánh thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp giữa hai vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với Tây Nguyên.

b) Xác định tên nhà máy, địa điểm xây dựng và công suất thiết kế của 3 nhà máy thủy điện lớn nhất đang hoạt động ở mỗi vùng hiện nay?

Bài tập 7: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy:

a) Kể tên và trình bày hiện trạng phân bố một số cây công nghiệp lâu năm ở vùng Tây Nguyên.

b) Trình bày những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để Tây Nguyên trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn ở nước ta?

Bài tập 8: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy trình bày những thuận lợi và khó khăn về tự nhiên để phát triển ngành thủy sản ở nước ta?

Bài tập 9: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy:

a) Trình bày tình hình sản xuất và phân bố của cây lúa ở nước ta?

b) Giải thích nguyên nhân làm cho sản lượng lúa ở nước ta tăng nhanh?

Bài tập 10: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy chứng minh việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tạo ra thế mở cửa cho vùng và cho sự phân công lao động mới?

Tải xuống

Xem thêm các bài viết giúp rèn luyện kỹ năng địa lí cực hay khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới: