(Tổng ôn Ngữ văn) Thơ trữ tình hiện đại

Nội dung Thơ trữ tình hiện đại của Chuyên đề Ôn tập tri thức thể loại đọc hiểu nằm trong bộ Chuyên đề ôn thi Tốt nghiệp Ngữ văn năm 2025 đầy đủ lý thuyết và bài tập đa dạng có lời giải giúp học sinh có thêm tài liệu ôn tập cho bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn.

Xem thử Đề thi Tốt nghiệp Văn 2025 Xem thử Bộ đề Văn theo đề tham khảo Xem thử Chuyên đề ôn thi Tốt nghiệp Văn

Chỉ từ 350k mua trọn bộ Chuyên đề Ngữ văn ôn thi Tốt nghiệp 2025 theo cấu trúc mới bản word có lời giải chi tiết:

A. Tri thức về thể loại

I. Khái niệm

Thơ là hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt, tuân theo mô hình thi luật hoặc nhịp điệu nhất định. Mô hình này làm nổi bật mối quan hệ giữa âm điệu và ý nghĩa của ngôn từ thơ ca. Với hình thức ngôn từ như thế, thơ có khả năng diễn tả được những tình cảm mãnh liệt hoặc những ấn tượng, xúc động tinh tế của con người trước thế giới.

II. Đặc điểm

– Mỗi bài thơ thường được sáng tác theo một thể thơ nhất định với những đặc điểm riêng về số tiếng trong mỗi dòng, số câu trong mỗi bài,...

Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,...)

Nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống. Thơ có thể có yếu tố tự sự (kể lại một sự việc, câu chuyện) và miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng) nhưng những yếu tố ấy chỉ là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

III. Một số yếu tố về nội dung và hình thức của thơ

Tình cảm, cảm xúc

Thơ trữ tình lấy cảm xúc làm gốc, phản ánh tình cảm của nhà thơ trước cuộc đời. Dù mang tính cá nhân, cảm xúc trong thơ vẫn đồng điệu với nhiều người, tạo sự đồng cảm và chia sẻ, như nói hộ nỗi lòng của người đọc.

Nhân vật trữ tình

Người trực tiếp bộc lộ rung động và tình cảm trong bài thơ trước một khung cảnh hoặc sự tình nào đó.

Mạch cảm xúc

Dòng cảm xúc, tâm trạng của tác giả trong thơ, vận động theo trình tự với nhiều cung bậc, chi phối nội dung và hình thức bài thơ trữ tình.

Cảm hứng chủ đạo

Trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt được thể hiện xuyên suốt tác phẩm nhằm bộc lộ tư tưởng của tác giả.

Bố cục

Sự tổ chức, sắp xếp các dòng thơ, khổ thơ tương ứng với một nội dung nhất định để tạo thành một bài thơ.

Dòng thơ

Gồm các tiếng được sắp xếp thành hàng; các dòng thơ có thể giống hoặc khác nhau về độ dài, ngắn.

Vần thơ

Sự cộng hưởng, hòa âm theo quy luật giữa một số âm tiết trong hay cuối dòng thơ. Vẫn có chức năng liên kết các dòng thơ và góp phần tạo nên nhịp điệu, nhạc điệu cũng như giọng điệu của bài thơ.

Nhịp điệu

Những điểm ngắt hay ngừng theo chu kì nhất định trên văn bản do tác giả chủ động bố trí.

Nhạc điệu

Cách tổ chức các yếu tố âm thanh của ngôn từ để lời văn gợi ra cảm giác về âm nhạc (âm hưởng, nhịp điệu).

Đối

Cách tổ chức lời văn thành hai vế cân xứng và sóng đôi với nhau cả về ý và lời.

Thi luật

Toàn bộ những quy tắc tổ chức ngôn từ trong thơ như gieo vần, ngắt nhịp, hòa thanh, đối, phân bố số tiếng trong một dòng thơ, số dòng trong cả bài thơ,...

Thể thơ

Sự thống nhất giữa mô hình thi luật và loại hình nội dung của tác phẩm thơ.

Từ ngữ

Thơ trữ tình thường ngắn gọn nên từ ngữ trong thơ rất cô đọng, hàm súc.

Hình ảnh thơ

Bắt nguồn từ đời sống nhưng mang dấu ấn hư cấu, cảm xúc chủ quan, giúp nội dung thêm sinh động. Tác giả sử dụng từ ngữ gợi tả, gieo vần, ngắt nhịp và các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa để khắc họa hình ảnh.

Cấu tứ

Cách triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc trong bài thơ.

Yếu tố tự sự

Thơ trữ tình không chủ yếu kể chuyện mà tập trung thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Tuy nhiên, yếu tố tự sự vẫn xuất hiện, tạo nền tảng cho mạch cảm xúc. Câu chuyện trong thơ thường được kể ngắn gọn, giúp bộc lộ trọn vẹn cảm xúc của tác giả.

Yếu tố tượng trưng

Những hình ảnh mang tính biểu tượng, gợi cho người đọc những ý niệm, hoặc gợi lên một liên tưởng sâu xa.

Yếu tố siêu thực

Biểu hiện trước hết qua những hình ảnh có vẻ kì lạ, gắn kết với nhau theo một lô gích khác thường, phần nào gây cho độc giả cảm giác khó hiểu.

 B. Cách đọc hiểu văn bản thơ trữ tình hiện đại

– Đọc, xác định đề tài và cảm hứng chủ đạo.

– Xác định bố cục, mạch cảm xúc.

– Đọc hiểu nhân vật trữ tình.

– Nhận diện những đặc sắc về nghệ thuật.

– Đánh giá giá trị của bài thơ

C. BÀI TẬP VẬN DỤNG

Bài số 1: Đọc đoạn trích sau: 

(1) Đâu phải bây giờ

mới từ biển mà đi

đất nước mấy ngàn,

mấy ngàn năm bão tố

biển của ta, lại nhiều hơn sóng dữ

đừng nghĩ ai, bé nhỏ trước muôn trùng…

 

(2) Ông cha mình đã từ biển mà đi

vẫn rành rọt sáng soi từng hải lí

những luồng lạch nông, sâu

thuộc lòng như chữ nghĩa

bao lớp người đi giữ đảo, không về…

biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm

ru lời ru vô tận dưới lòng sâu

mỗi đảo nhỏ,

                 hóa thành ngọn nến

thắp linh thiêng rừng rực trời sao…

(2) Bây giờ, lại từ biển mà đi

biển là đất, đất liền với biển

đất giàu lên, biển cũng giàu lên

đất đã mạnh, biển trời thêm mạnh

 

Đừng nghĩ ai,

                  bé nhỏ trước muôn trùng

chẳng kẻ nào,

                  tát được bể Đông!

 

          (Từ biển mà đi, Trịnh Công Lộc,

 Viết & Đọc Chuyên đề mùa thu 2024, NXB Hội nhà văn, 2024, tr.232)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để nhận biết thể thơ của đoạn trích.

Câu 2. Xác định dòng thơ sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh trong đoạn (2).

Câu 3. Nhận xét mối quan hệ giữa biển và đất trong đoạn (3).

Câu 4. Nêu sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện trong đoạn trích.

Câu 5. Từ nội dung đoạn trích, hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị. (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1. – Dấu hiệu xác định thể thơ tự do của đoạn trích là số chữ trong các dòng không bằng nhau.

Câu 2. – Dòng thơ sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh: Bao lớp người đi giữ đảo, không về…

Câu 3. – Mối quan hệ giữa biển và đất: biển là đất, gắn liền với đất; đất giàu mạnh thì biển cũng giàu mạnh.

– Nhận xét: mối quan hệ gắn bó mật thiết, không thể tách rời giữa biển và đất; từ đó khơi gợi ở mỗi người ý thức trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ biển đảo quê hương.

Câu 4. – Sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện trong đoạn trích:

+ Tự hào, biết ơn trước công lao của cha ông mình trong quá trình chinh phục, phát triển, bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo trong quá khứ.

+ Tin tưởng vào sự giàu mạnh, phát triển của đất nước, biển đảo quê hương trong hiện tại, ý thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.

Câu 5. HS nêu được thông điệp có ý nghĩa với bản thân, có lí giải phù hợp, thuyết phục, bám sát nội dung đoạn trích.

Có thể theo hướng sau: Luôn biết ơn, ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biển đảo; có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, có trách nhiệm phát triển những tiềm lực của biển đảo trong hiện tại và tương lai;…

................................

................................

................................

Xem thử Đề thi Tốt nghiệp Văn 2025 Xem thử Bộ đề Văn theo đề tham khảo Xem thử Chuyên đề ôn thi Tốt nghiệp Văn

Xem thêm các chuyên đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2025 có đáp án hay khác:


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học