Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (trang 28) - ngắn nhất Chân trời sáng tạo

Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống trang 28, 29, 30 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.

Đề bài (trang 28 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hãy thảo luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm.

Bước 1: Chuẩn bị

• Thành lập nhóm (khoảng sáu thành viên/ nhóm), bầu nhóm trưởng và thư kí.

• Xác định một số đề tài mà nhóm quan tâm. Ví dụ:

– Những điều cần làm để góp phần làm cho nơi ta sống trở nên đẹp hơn.

– Cách thể hiện tình cảm với người thân.

– Cách hành xử phù hợp khi bị bắt nạt.

– ….

• Thống nhất đề tài, mục tiêu, thời gian thảo luận.

• Chuẩn bị nội dung thảo luận: Mỗi thành viên trong nhóm về nhà tìm hiểu tư liệu; xác định các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng về vấn đề thảo luận; dự kiến các ý kiến trái chiều và cách thức phản hồi dựa vào gợi ý sau:

PHIẾU CHUẨN BỊ THẢO LUẬN NHÓM

Đề tài thảo luận:

………………………………………………………………….

I. CÁC Ý KIẾN, LÍ LẼ, BẰNG CHỨNG

Ý kiến của em

Lí lẽ

Bằng chứng

II. DỰ KIẾN CÁC Ý KIẾN TRÁI CHIỀU VÀ Ý KIẾN PHẢN HỒI

Ý kiến trái chiều

Phản hồi của em

 

 

Bước 2: Thảo luận

Thảo luận trong nhóm nhỏ:

– Nhóm thống nhất quy định về cách thảo luận trình bày ý kiến ngắn gọn, nêu lí lẽ, bằng chứng để làm rõ ý kiến của mình; không ngắt lời khi bạn đang nói; tranh luận với tinh thần xây dựng, tránh công kích cá nhân,

– Thư kí ghi chép nội dung thảo luận ngắn gọn, rõ ràng, chính xác.

– Nhóm trưởng mời các thành viên lần lượt trình bày ý kiến.

– Các thành viên tập trung thảo luận và phản hồi các ý kiến trọng tâm.

– Cả nhóm thống nhất giải pháp cho vấn đề đã đặt ra.

– Thư kí đọc biên bản thảo luận.

Thảo luận giữa các nhóm:

– Từng nhóm lần lượt trình bày tóm tắt nội dung thảo luận của nhóm.

– Các nhóm ghi ngắn gọn ý kiến của nhóm bạn, sau đó nêu câu hỏi về những điều chưa rõ hoặc nêu ý kiến phản bác ý kiến của nhóm bạn.

– Các nhóm làm rõ câu hỏi của nhóm bạn hoặc trao đổi lại với các ý kiến phản bác.

Bước 3: Suy ngẫm và rút kinh nghiệm

Em hãy:

– Ghi lại những điều nhóm đã làm tốt và chưa tốt.

– Nếu hai bài học kinh nghiệm về cách trình bày ý kiến, cách thảo luận, tranh luận.

Bài nói tham khảo:

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là Hoàng Văn A. Học sinh lớp 9A2, Trường THCS Ba Đình.

Các bạn thân mến! Nói lời yêu thương không phải là điều dễ dàng, nhưng cũng không phải quá khó. Người ta vẫn có thể nói lời yêu thương, tình cảm, tử tế ra rả suốt ngày. Nhưng đó đâu phải là cách duy nhất để thể hiện tình yêu? Có những cách thể hiện tình yêu không cần dùng lời nhưng người khác vẫn dễ dàng cảm nhận được, bạn đã biết chưa? Đó là những cách giản dị, không màu mè, không phô trương, nhưng sẽ giúp mối quan hệ thêm bền chặt, vững vàng, đặc biệt khi đó là cha mẹ, con cái, anh chị em của mình.

Cho dù bạn có bận rộn đến đâu, cũng đừng quên dành thời gian cho những người yêu thương xung quanh. Cha mẹ ở xa cần một cuộc gọi, cần những lời hỏi thăm. Anh chị em cũng thế. Con cần bạn để trò chuyện, vui đùa cùng. Hãy nhớ, chất lượng của thời gian được đo bằng độ dài của nó. Một buổi hẹn hò café, một bữa đi ăn cùng nhau, một chuyến dã ngoại cuối tuần… là những gợi ý để thể hiện tình cảm của mình.

Một trong những cách đơn giản để thể hiện tình thương là lắng nghe. Nhiều người vì bận rộn, nhiều người vì vô tâm, nhiều người vì ưu tiên những việc khác, nên ít có thời gian, ít có khoảng lặng để ngồi cùng và lắng nghe những người thân yêu. Không cần là tâm sự hay bí mật, chỉ cần ngồi đó và lắng nghe những câu chuyện, những cảm xúc, là đủ (cho dù đó không phải đề tài bạn quan tâm hay nhàm chán). Cha mẹ thích được nói về những vấn đề đâu đâu, và nếu được con lắng nghe, hẳn ông bà hạnh phúc lắm. Các con cũng vậy, chỉ có ba mẹ để trút hết những cảm xúc trong lòng, nếu ba mẹ không dành thời gian để lắng nghe, con sẽ tìm đến những người bạn.

Sự ấm áp đến từ cái ôm thầm lặng rất có sức mạnh đấy, nó sẽ giúp người được ôm cảm nhận được tình yêu thương từ trái tim bạn. Đâu chỉ tình nhân mới hay ôm hôn, cha mẹ, vợ chồng, đặc biệt những đứa con luôn thích được ôm hôn, vì cảm giác che chở.

Giúp đỡ những người thân yêu không phải là cho tiền hay làm thay họ tất cả những việc cần làm trong cuộc sống hay chịu trách nhiệm cho tất cả những việc họ làm. Bạn chỉ cần đi đổ rác giúp, mua tặng vài món đồ mà họ đang cần, hay làm giúp một việc gì đấy mà bạn biết là người kia không thích làm. Chỉ có thế thôi những cuộc sống của những người thân yêu sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Tặng những món quà đúng ý, hay đúng sở thích là một cách thể hiện sự quan tâm sâu sắc. Bạn thử hình dung mà xem, một người thân bật mí về sở thích nào đó, và bạn ghi nhớ điều đó, điều đó sẽ làm họ vô cùng cảm kích. Khi gọi món ở nhà hàng, quán ăn, việc bạn nhớ ai đó không ăn hành và dặn dò nhân viên sẽ là một niềm vui bất ngờ đối với người thân của bạn.

Như vậy chúng ta thấy có rất nhiều những cách khác nhau để thể hiện tình cảm của mình với những người thân yêu trong gia đình. Dù là cách này hay cách khác nhưng quan trọng nhất vẫn là chân thành, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Các bạn hãy nhớ thể hiện tình cảm của mình với người thân thật nhiều nhé, đừng e ngại hay lo sợ điều gì.

Trên đây là phần trình bày của tôi thảo luận về những cách thể hiện tình cảm với người thân. Mong được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác