Soạn bài Bếp lửa - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
Soạn bài Bếp lửa trang 15, 16, 17 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
* Chuẩn bị đọc
Câu hỏi (trang 15 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhớ lại một kỉ niệm tuổi thơ với người thân của em.
Trả lời:
- Kỉ niệm tuổi thơ với người thân của em là: Một lần em được theo bà đi chợ ở quê. Chợ rất đông vui, náo nhiệt với đủ thứ mặt hàng. Bà mua cho em nhiều quà bánh, đồ chơi ở chợ. Đó là những món ánh dân giã như bánh đúc, kẹo lạc,… những đồ chơi như tò he, những chiếc diều giấy,… Mỗi lần nhớ lại kỉ niệm này em đều thấy vui và xúc động.
* Trải nghiệm cùng văn bản
1. Theo dõi: Chú ý những từ ngữ thể hiện trực tiếp cảm xúc của tác giả trong ba khổ thơ đầu.
- Từ ngữ: “chờn vờn”, “ấp iu”, “thương”, “sống mũi còn cay”, “thương bà khó nhọc”,…
→ Cảm xúc của người cháu ở nơi xa khi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ bên bà.
2. Suy luận: Lời dặn cháu thể hiện điều gì về bà?
- Lời dặn cháu thể hiện bà là người đảm đang, giàu đức hi sinh, mạnh mẽ, vững tin, là chỗ dựa vững vàng cho con cháu.
3. Theo dõi: Hình ảnh bếp lửa trong khổ thơ này có gì khác so với các khổ thơ trên?
- Hình ảnh “bếp lửa” ở các khổ trước là tượng trưng cho sự tần tảo, đức hi sinh của người bà, là tình yêu thương về gia đình, về quê hương. Còn hình ảnh “bếp lửa” ở khổ thơ này thể hiện về ước mơ, hi vọng, ngọn lửa thắp lên tương lai cho người cháu.
* Suy ngẫm và phản hồi
Nội dung chính: Bài thơ gợi lại những kỉ niệm xúc động về người bà và tình bà cháu qua đó thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.
Câu 1 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Phân tích mối quan hệ giữa hình ảnh bếp lửa và hình ảnh bà trong bài thơ. Hình ảnh bếp lửa có sự thay đổi như thế nào qua các khổ thơ?
Trả lời:
Hình ảnh bếp lửa – xuyên suốt mạch cảm xúc của bài thơ.
- Hình ảnh “một bếp lửa” xuất hiện “chờn vờn”, “ấp iu”…. Vừa có sức gợi hình lại vừa có sức gợi cảm mạnh mẽ đánh mạnh vào liên tưởng của người đọc.
- Ở một miền đất xa lạ đứa cháu nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ mà nhớ nhất đó là hình ảnh bếp lửa với người bà kính yêu của mình.
- Bếp lửa không chỉ xuất hiện ở khổ đầu để khơi nguồn cảm xúc của chủ thể trữ tình mà xuất hiện rất nhiều lần trong bài (12 lần), hàm chứa nhiều cảm xúc mãnh liệt. Đó là những hồi tưởng về tình bà cháu đồng thời cũng là những suy ngẫm của chủ thể trữ tình đối với người bà kính yêu của mình.
- Ở khổ thơ thứ 4 thay vì nói về hình ảnh bếp lửa, tác giả lại nhắc đến “ngọn lửa” nhưng lại mang một ý nghĩa khái quát cao. Ngọn lửa mang tính biểu tượng sâu sắc: đó là ngọn lửa thắp sáng và duy trì niềm tin tình yêu thương to lớn của bà, đồng thời cũng là ngọn lửa tiếp nối của tình yêu thương từ bà sang cháu và cho thế hệ mai sau.
=> Hình ảnh bếp lửa với hình ảnh người bà có mối quan hệ mật thiết với nhau là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu.
Câu 2 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nêu một số biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ và làm rõ hiệu quả của chúng.
Trả lời:
- Một số biện pháp tu từ nghệ thuật như:
+ Sử dụng nhiều từ láy có tính gợi cảm, gợi tả cao “chờn vờn”, “ấp iu”, “tha thiết”, “lầm lũi”, “dai dẳng”….
+ Biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc “Một ngọn lửa….”; “nhóm….”; “một bếp lửa…”, hình ảnh “bếp lửa” lặp lại 12 lần trong toàn bộ bài thơ, kết hợp cùng với ngôn từ ngắn gọn, bình dị, hàm súc đã góp phần tích cực trong việc thể hiện chủ đề cũng như mạch cảm xúc của bài thơ.
+ Ẩn dụ “nắng mưa” gợi những gian khó, vất vả của cuộc đời bà. Hình ảnh ẩn dụ “ngọn lửa”: tượng trưng cho ánh sáng, tình yêu trong lòng bà. Bà không chỉ là người nhóm lửa, bà còn là người giữ lửa, truyền lửa.
+ …
Câu 3 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Sự kết hợp giữa yếu tố biểu cảm với miêu tả, tự sự trong văn bản có tác dụng gì?
Trả lời:
- Bài thơ là sự kết hợp độc đáo giữa các yếu tố nghệ thuật như: biểu cảm, miêu tả, tự sự:
+ Tự sự: Đó là dòng hồi tưởng của người cháu về tuổi thơ có cháu và bà.
+ Miêu tả: Hình ảnh miêu tả bếp lửa vô cùng chân thực và chi tiết.
+ Biểu cảm: Xen vào đó là những tình cảm sâu đậm mà đứa cháu dành cho người bà kính yêu của mình.
→ Việc đan cài các yếu tố tự sự, biểu cảm và miêu tả vào trong bài thơ khiến tác giả có thể khắc họa một tuổi thơ êm đềm và đầy rẫy kỉ niệm bên bà. Qua đó cũng thể hiện tình yêu thương sự quý trọng của mình dành cho người bà. Đó chính là động lực thúc đẩy cháu vượt qua mọi biến cố khó khăn của cuộc đời. Tình cảm của cháu dành cho bà cũng chính là tình cảm yêu quê hương, yêu đất nước tha thiết.
Câu 4 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của văn bản.
Trả lời:
- Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm thân thương đến suy ngẫm, triết lí. Bài thơ là lời của người cháu ở nơi xa nhớ về bà và những kỉ niệm với bà, nói lên lòng kính yêu và những suy ngẫm về bà.
- Cảm hứng chủ đạo của văn bản: Tình cảm gia đình (tình bà cháu yêu thương, thắm thiết) gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước.
Câu 5 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hãy chỉ ra một vài nét đặc sắc về kết cấu của bài thơ.
Trả lời:
- Bài thơ có kết cấu chặt chẽ và sinh động cả về nội dung lẫn hình thức tạo nên một sự toàn vẹn để khắc họa tư tưởng chủ đề tác phẩm.
+ Thể thơ: Thơ 8 chữ kết hợp với 7 chữ và 9 chữ.
+ Bố cục: Gồm 4 phần
Phần 1: Khổ 1 (3 dòng đầu): Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc và hồi ức của người cháu.
Phần 2: Khổ 2, 3, 4, 5 (Từ “Lên bốn tuổi” đến “chứa niềm tin dai dẳng”): Hồi tưởng những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa.
Phần 3: Khổ 6 (Từ “Lận đận đời bà” đến “thiêng liêng – bếp lửa”): Suy ngẫm về cuộc đời bà và hình ảnh bếp lửa.
Phần 4: Khổ 7 (khổ thơ cuối): Người cháu đã trưởng thành và đi xa nhưng vẫn luôn nhớ về bà.
Câu 6 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Theo em, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì qua văn bản này?
Trả lời:
- Thông điệp: Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu thương và lòng biết ơn với bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương. Và đó cũng là khởi đầu của tình người, tình đất nước.
Câu 7 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Bài thơ thể hiện tư tưởng gì? Các động từ “nhóm”, “nhen” và hình ảnh “bếp lửa” đã góp phần như thế nào vào việc thể hiện tư tưởng đó?
Trả lời:
- Bài thơ thể hiện thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.
- Các động từ “nhóm”, “nhen”: bà là người nhóm lửa cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng. Bếp lửa là tình bà ấm nóng, là tay bà chăm chút. “Bếp lửa” tượng trưng cho tình yêu thương, đức hi sinh, niềm tin trong lòng bà và được bà khơi dậy trong lòng cháu. Bếp lửa từ đó trở thành hình ảnh của tuổi thơ, của quê hương, đất nước - hành trang người cháu mang theo trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.
Câu 8 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) thể hiện tình cảm với người có ảnh hưởng lớn đến em.
Trả lời:
Đoạn văn tham khảo
Trong gia đình, người gắn bó nhất với tôi chính là bà ngoại. Bà cũng là người mà tôi luôn kính trọng và yêu thương suốt cuộc đời. Bà lo cho tôi mọi thứ, lúc nào bà cũng ở bên tôi, đưa tôi vào thế giới diệu kì của bao câu chuyện cổ. Bà tôi vẫn đẹp, một cái đẹp hiền hòa, dịu dàng. Dáng người bà cao cao, đôi bàn tay nhăn nheo mà ấm áp. Đôi bàn tay truyền cho tôi làn hơi ấm, như chắt lọc những giọt nước tinh khiết nhất chảy vào tâm trí, từ cái thế giới ngoài khoảng sân, góc vườn nhà mình. Trước cái thế giới bao la mà tôi sẽ xòe cánh bay vào đó, bà như một tấm khiên mỏng manh đánh bật những điều xấu xa và đưa tôi đi đúng hướng. Bà còn là nhiều điều quý giá nữa mà tạo hóa ban tặng cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ mãi từng cử chỉ của bà, cái cười nheo mắt, cái vỗ về an ủi... Nếu trong cuộc đời này tôi quên đi những điều đó cũng có nghĩa là quên đi tuổi thơ, quên đi quá khứ, quên đi niềm vui và hạnh phúc. Chỉ ở bên bà tôi mới nghe được tiếng sóng vỗ của biển, tiếng nhạn kêu trong cây lá xào xạc lay động trong khoảng trời vàng vàng. Những kho tàng kiến thức bà mở ra cho tôi sẽ mở thêm cho tôi tình yêu quê hương đất nước, con người. Như một chân lí của cuộc đời, bà, vị thần ánh sáng của tôi, sẽ mãi mãi giữ một vị trí quan trọng trong tim đứa cháu hiếu thảo này.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST