(Siêu ngắn) Soạn bài Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác - Kết nối tri thức

Bài viết soạn bài Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác trang 99, 100, 101, 102, 103, 104 siêu ngắn gọn sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức giúp học sinh lớp 10 dễ dàng soạn văn 10.

A/ Hướng dẫn soạn bài Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 99 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Trong cuộc sống, việc thực hiện bổn phận với cộng đồng và gia đình nhiều khi mâu thuẫn. Theo bạn, ứng xử thế nào mới là hợp tình, hợp lí?

Trả lời:

Mỗi người cần dung hòa giữa bổn phận với cộng đồng và trách nhiệm với gia đình. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta có thể ưu tiên những điều tốt nhất cho gia đình nhưng khi đất nước cần, mỗi người cần hướng khả năng của mình cho đất nước.

* Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc: 

1. Lưu ý những chi tiết miêu tả hành động và tâm trạng của Ăng-đrô-mác.

Trả lời:

- nhào tới đón chàng

- lại bên chàng, nước mắt đầm đìa

- xiết chặt tay chàng, nàng nức nở

2. Lí do nào khiến Ăng-đrô-mác không muốn Héc-to ra trận?

Trả lời:

Vì nàng biết Héc-to ra trận sẽ bị bọn A-kê-en hạ sát, nàng và gia đình sẽ mất chàng.

3. Lưu ý những lí lẽ khiến Héc-to vẫn quyết định ra trận

Trả lời:

- Nếu ở lại đây, như kẻ hèn nhát, đứng nhìn từ xa, tránh không xung trân sẽ hổ thẹn với những người chiến binh và những người phụ nữ thành Tơ-roa

- Từ lâu đã học cách luôn ở tuyến đầu, can trường chiến đấu, giành vinh quang cho phụ thân và bản thân

- Điều làm trái tim tan vỡ không chỉ là nỗi thống khổ sẽ tới của những thần dân thành Tơ-roa, của cha mẹ Héc-to, của đàn em trai mà còn là nỗi thống khổ của Ăng-đrô-mác. Nàng sẽ không còn tự do, phải làm nô lệ, phải nghe những lời ô nhục mà đáng lẽ ra Héc-to có thể cứu nàng khỏi kiếp tôi đời nếu chiến đấu tới cùng.

4. Hình dung về cảnh tượng được miêu tả.

Trả lời:

Cảnh tượng: Héc-to sắp sửa ra trận, từ biệt vợ và con trai. Chàng muốn ôm con từ biệt nhưng ánh đồng từ mũ chàng khiến con òa khóc vì sợ. Héc-to tháo mũ và bế con, khẩn cầu các vị thần về sức mạnh và lòng dũng cảm. => Cảnh đầy xúc động.

5. Chú ý đến ý thức của Héc-to về số phận và bổn phận.

Trả lời:

Với chàng:

- “Một người trần mắt thịt không thể bất chấp số phận mà bắt ta xuống địa phủ của thần Ha-đét được. Và đã sinh ra trên mặt đất này, chẳng một ai, dù quả cảm hay rụt rè, có thể trốn chạy được số phận”

- “Chiến tranh là bổn phẩn của mỗi người đàn ông sinh ra tại thành I-li-ông này, nhất là ta.”

=> Héc-to ý thức sâu sắc được số phận và bổn phận của mình: phải tham gia chiến tranh để giữ thành Tơ-roa.

(Siêu ngắn) Soạn bài Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác | Kết nối tri thức

* Sau khi đọc

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc: 

Câu 1 (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Biến cố nào dẫn đến việc Héc-to phải từ biệt Ăng-đrô-mác? Vì sao có thể xem đó là biến cố đặc trưng cho thể loại sử thi?

Trả lời:

- Biến cố: thành Tơ-roa bị quân Hy Lạp vây hãm, tình thế nguy nan.

- Đây là biến cố đặc trưng của sử thi vì nó là sự kiện lớn, liên quan đến vận mệnh cộng đồng; đặt nhân vật vào tình thế buộc phải lựa chọn ở lại thành để được an toàn hay ra trận đánh kẻ thù để thực hiện bổn phận và giữ danh dự → Nhân vật bộc lộ phẩm chất.

Câu 2 (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Xác định những từ ngữ lặp lại khắc họa đặc điểm cố định của nhân vật trong đoạn trích. Theo bạn, vì sao sử thi lại có cách khắc họa nhân vật như vậy?

Trả lời:

- Từ ngữ lặp lại: “Ăng-đrô-mác cánh tay trắng ngần”, “cô hầu gái xống áo thướt tha”, “những cô dâu trang phục diễm lệ”, “các phu nhân thành Tơ-roa vấn tóc chỉnh tề”, “A-khin có đôi chân nhanh”, “ánh đồng sáng loá”, “mũ trụ sáng loáng”....).

- Vì: sử thi tồn tại dưới dạng truyền miệng. Vì vậy, để người nghe ghi nhớ, có ấn tượng về nhân vật, người kể cần lặp đi lặp lại từ ngữ miêu tả nhân vật.

Câu 3 (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Phân tích những đặc trưng của không gian sử thi trong đoạn trích?

Trả lời:

- Đoạn trích miêu tả cảnh gặp gỡ giữa Héc-to và Ăng-đrô-mác trước khi lên đường ra trận. Tác giả đặt nhân vật trong những không gian công cộng rộng lớn (Ăng-đrô-mác đứng trên tháp canh, Héc-to chạy ngược qua các dãy phố, tới cổng Xkê).

- Tình cảm riêng tư của nhân vật được bộc lộ trong cuộc trò chuyện ngay tại cổng thành – biểu tượng của không gian cộng đồng trong chiến tranh. Trong lời đối thoại của Ăng-đrô-mác và Héc-to, hình ảnh của thành Tơ-roa liên tục được nhắc tới.

=> Không gian cộng đồng là không gian đặc trưng của sử thi. Chiến trường, thành luỹ, tháp canh, phố xá,... không chỉ là nơi nhân vật sử thi bộc lộ sức mạnh phi thường và phẩm chất can trường của mình, mà còn làm nền cho những tình cảm riêng tư nhất của con người. Người anh hùng sử thi cũng là người gắn bó mật thiết với mảnh đất quê hương của họ, sự sống và cái chết, niềm vinh quang và nỗi đau khổ của họ đều gắn liền với sự tồn vong, thịnh suy của thành luỹ, pháo đài, những không gian thiêng liêng mà họ sẵn sàng bảo vệ dù phải hi sinh tính mạng.

Câu 4 (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Những lời nói, hành động của Ăng-đrô-mác thể hiện phẩm chất gì của nhân vật?

Trả lời:

Cho thấy tình yêu thương của nàng dành cho Héc-to, đồng thời thấy được ý thức về bổn phận của Ăng-đrô-mác. Trong tận cùng nỗi lo lắng và đau khổ, nàng vẫn không quên nghĩ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với thành Tơ-roa.

Câu 5 (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Vì sao Héc-to vẫn quyết định mở cổng thành nghênh chiến với quân Hy Lạp? Bạn suy nghĩ gì về hành động đó của nhân vật?

Trả lời:

- Nhân vật sử thi là nhân vật đại diện cho cộng đồng, hành động theo nguyên tắc danh dự. Ý thức về nỗi hổ thẹn nếu không xung trận, bầu nhiệt huyết, khát vọng chiến đấu, giành vinh quang cho thân phụ và bản thân chính là động cơ thôi thúc Héc-to ra trận. Những tình cảm cá nhân như tình cảm gia đình, nỗi sợ hãi, lo lắng về tương lai dù rất sống động, vẫn bị gạt sang một bên trước bổn phận và danh dự.

- Em rất xúc động trước những lí tưởng và cách xác định trách nhiệm, bổn phận với đất nước của Héc-to. Qua đó, có thể thấy ý thức về cá nhân và cộng đồng của người Hy Lạp cổ đại là rất mạnh mẽ.

Câu 6 (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác đã đặt ra những vấn đề nhân sinh nào? Những vấn đề đó còn có ý nghĩa đối với đời sống ngày nay không? Vì sao?

Trả lời:

- Những vấn đề nhân sinh được đặt ra:

+ Số phận con người trong chiến tranh. Chiến tranh trong thời đại nào cũng để lại nối ám ảnh, day dứt, thống khổ, chua xót.

+ Trách nhiệm và bổn phận của con người với cộng đồng. Con người dù sống ở thời đại nào đều là một cá thể trong cộng đồng, đều có nghĩa vụ và trách nhiệm với xã hội.

+ Suy tư về mối quan hệ giữa con người và định mệnh. Vũ khí giúp con người chống chọi với định mệnh là khả năng nghĩ đến nhau, kết nối, yêu thương trong một cộng đồng và ý thức về bổn phận với cộng đồng như minh chứng cho sự tồn tại của nhân cách.

=> Những vấn đề nhân sinh trong văn bản vẫn luôn và vấn đề muôn thuở và có ý nghĩa nhân loại. Ngày nay, dù thời đại có nhiều đổi thay, chúng ta vẫn luôn phải trăn trở về ám ảnh chiến tranh thường trực, những vấn đề về trách nhiệm của con người với xã hội, cộng đồng, những suy tư về định mệnh vẫn tồn tại trong tâm thức.

Câu 7 (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Qua những lời nói, hành động của Héc-to, hãy xác định những phẩm chất tạo dựng nên hình mẫu người anh hùng của Hy Lạp thời cổ đại.

Trả lời:

Một người yêu thương gia đình, nhưng hơn hết, người anh hùng vẫn dũng cảm, ngoan cường, coi trọng danh dự, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ cộng đồng, sẵn sàng gạt tình riêng vì nghĩa lớn.

* Viết kết nối với đọc 

Bài tập (trang 104 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một chi tiết mà bạn cho là đặc sắc nhất trong đoạn trích.

* Hướng dẫn:

- Hình thức:

+ Viết được đoạn văn theo đúng yêu cầu khoảng 150 chữ.

+ Đoạn văn nghị luận văn học phân tích chi tiết đặc sắc.

- Nội dung:

+ Phân tích một chi tiết mà bạn cho là đặc sắc nhất trong đoạn trích.

+ Đảm bảo luận đề, luận điểm rõ ràng; lí lẽ, dẫn chứng xác thực, logic, thuyết phục.

Đoạn văn tham khảo

Chi tiết “Héc-to lừng danh cúi xuống ôm con trai vào lòng” sau khi nói rõ với Ăng-đrô-mác về lý tưởng ra trận của mình đã để lại trong lòng em nhiều ấn tượng. Đó là cái ôm từ biệt, từ biệt đứa con trai yêu quý và cũng là từ biệt Ăng-đrô-mác để lên đường nhưng đứa con lại sợ hãi, né tránh. Héc-to lúc đó đã tháo mũ trụ của mình để bồng đứa bé. Điều đó đã cho thấy hình ảnh một người cha hồn hậu, ấm áp bên cạnh người anh hùng cầm khiên oai phong, sáng loáng ngoài chiến trận. Hình ảnh ấy là một tấm gương phản chiếu khác của chàng, giúp nhân vật thể hiện rõ hơn những mặt khác nhau trong tính cách chứ không chỉ bó hẹp trong hình ảnh người anh hùng. Người anh hùng trong hoàn cảnh này đã trút khiên, trút mũ xuống để bồng trên tay đứa con, cho thấy vẻ đẹp của tình cha con, của người anh hùng khi tách rời chiến trận. Đồng thời khẳng định người anh hùng không chỉ đẹp ngoài chiến trận, không chỉ mạnh mẽ khi chinh chiến mà còn đẹp trong cả khoảnh khắc đứng bên gia đình nhỏ, cũng cho thấy sự trở lại của Héc-to đã đem đến cho mẹ con Ăng-đrô-mác rất nhiều sự an ủi và ấm áp, đã thổi bùng lên ngọn lửa thiết tha mong nhớ của hai mẹ con. Chi tiết ấy khiến người đọc xúc động mà cũng cảm động, đọng lại nhiều dư vị và dấu ấn.

B/ Học tốt bài Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

1/ Nội dung chính Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

Héc-to chia tay vợ và con trai mình đã tham gia chiến chinh bảo vệ cho thành Tơ – roa mặc cho vợ anh có khuyên ngăn, xót thương, vật vã. Anh đã giải thích cho vợ hiểu bổn phận và trách nhiệm của mình. Ăng – đrô – mác cũng là người hiểu chuyện nên khi nghe Héc – to giãi bày đã đồng ý để chồng ra đi.

2/ Bố cục văn bản Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

- Gồm 3 phần

+ Phần 1: Từ đầu đến “xông vào nơi đó”: Hành động và tâm trạng của Ăng – đrô- mác.

+ Phần 2: Tiếp theo đến “than xé ruột của nàng”: Hành động và tâm trạng của Héc – to.

+ Phần 3: Còn lại: Quyết định dứt khoát, thể hiện tinh thần trách nhiệm của anh hùng Héc – to.

3/ Tóm tắt văn bản Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

Văn bản kể về việc Héc-to từ giã vợ và con trai của mình để tiếp tục tham gia chinh chiến bảo vệ thành Tơ-roa. Trong cuộc từ biệt cảm động và thiêng liêng, Héc-to đã khẳng định bổn phận và trách nhiệm của người trước sự khuyên nhủ của vợ.

4/ Nội dung, nghệ thuật văn bản Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

- Nội dung:

+ Ca ngợi phẩm chất của người anh hùng Héc – to.

+ Đề cao tình yêu thương gia đình, đức hạnh cao quý của Ăng – đrô- mác.

+ Khẳng định bổn phận, trách nhiệm của nhân dân với đất nước, dân tộc mình

- Nghệ thuật:

+ Miêu tả tâm lý nhân vật một cách chi tiết cụ thể, lối so sánh có đuôi dài rất sinh động, giàu hình ảnh mang đặc trưng của sử thi.

+ Ngôn ngữ trong sáng, hào hùng, giọng điệu kể chuyện chậm rãi, tha thiết.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức siêu ngắn, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác