Tổng hợp 600 mẫu mở bài Ngữ văn lớp 9 (hay, ngắn gọn)



Tổng hợp 600 mẫu mở bài Ngữ văn lớp 9 hay nhất

Phần dưới tổng hợp 600 cách mở bài cho các tác phẩm Văn lớp 9 hay, ngắn gọn làm đốn tim Giáo viên giúp bạn viết văn hay hơn và ôn luyện tốt để đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn.

Mở bài phân tích bài thơ Đồng chí

Cách mở bài Phân tích bài thơ Đồng chí 1:

    Đề tài người lính là một trong các đề tài quen thuộc trong thơ ca kháng chiến, mỗi nhà thơ bằng sự trải nghiệm và sự nhìn nhận riêng của mình đã khám phá ra những vẻ đẹp khác nhau của anh bộ đội cụ Hồ. Nếu trong "Tây Tiến" (Quang Dũng) ta bắt gặp vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, thanh lịch của những chàng trai ra đi từ đất Hà thành; trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật) ta bắt gặp vẻ phong trần, tinh nghịch mà vô cùng mạnh mẽ của những người lính lái xe thì đến với "Đồng chí" của Chính Hữu, người đọc ấn tượng bởi những nét đẹp giản dị, đời thường, thấm đượm tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc của những người lính chống Pháp từ những buổi đầu kháng chiến.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Đồng chí 2:

    Chính Hữu nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, các tác phẩm của ông tập trung miêu tả về người lính và chiến tranh. Số lượng tác phẩm của ông để lại không nhiều, nhưng chỉ với bài thơ “Đồng chí” cũng đã đủ để khẳng định vai trò, vị trí của ông trong nền văn học dân tộc.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Đồng chí 3:

    Trong bài thơ “Đất nước” Nguyễn Đình Thi đã viết:

“Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.”

    Hình ảnh người chiến sĩ áo vải hiện lên vô cùng đẹp đẽ. Họ - những con người bình dị, mộc mạc, nhưng chính họ là người đã làm nên đất nước. Trong dòng chảy văn học kháng chiến chống Pháp, hình ảnh người lính không ngang tàng, hóm hỉnh như kháng chiến chống Mĩ, nhưng lại mang trong mình nét chất phác, giản dị và hơn hết là tình yêu đất nước tha thiết. Vẻ đẹp tâm hồn đó đã đã Chính Hữu khắc họa rõ nét trong bài thơ “Đồng chí”.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Đồng chí 4:

    Đã từ lâu, hình tượng người chiến sĩ quân đội đã đi vào lòng dân và văn chương với những tư thế, tình cảm, phẩm chất đẹp đẽ. Danh từ "Bộ đội cụ Hồ" đã trở thành cái tên thân thương nhất của nhân dân dành cho người chiến sĩ. Viết về đề tài quân đội có khá nhiều tác giả, nhưng để thành công thì không dễ mấy ai. Riêng nhà thơ – người chiến sĩ Chính Hữu bằng cảm xúc của người trong cuộc đã thành công xuất sắc với bài thơ “Đồng chí”. Tác phẩm đã diễn tả thật cảm động mối tình đồng chí thiêng liêng và xứng đáng là một bài thơ trữ tình hay trong nền văn học Việt Nam.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Đồng chí 5:

    Phải chăng chất lính đã thấm dần vào chất thi ca, tạo nên dư vị tuyệt vời cho tình Đồng chí. Nói đến thơ trước hết là nói đến cảm xúc và sự chân thành. Không có cảm xúc, thơ sẽ không thể có sức lay động hồn người, không có sự chân thành chút hồn của thơ cũng chìm vào quên lãng. Một chút chân thành, một chút lãng mạn, một chút âm vang mà Chính Hữu đã gieo vào lòng người những cảm xúc khó quên. Bài thơ “Đồng chí” với nhịp điệu trầm lắng mà như ấm áp tươi vui; với ngôn ngữ bình dị dường như đã trở thành những vần thơ của niềm tin yêu, sự hi vọng, lòng cảm thông sâu sắc của một nhà thơ cách mạng.

Mở bài phân tích bài thơ Bếp lửa

Cách mở bài Phân tích bài thơ Bếp lửa 1:

    Bằng Việt bắt đầu làm thơ từ những năm 60 của thế kỉ XX. Ông là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.Thơ ông toát lên vẻ đẹp trong sáng mượt mà “như những bức tranh lụa”; rất đằm thắm và sâu sắc khi viết về những kỉ niệm tuổi ấu thơ, tuổi học trò, tình cảm gia đình... Bài thơ "Bếp lửa" là một trong các bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho đặc điểm thơ, phong cách nghệ thuật và sự nghiệp cầm bút của ông. Tác phẩm được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên ngành luật bên Liên Xô, là tập thơ đầu tay của Bằng Việt, sau được đưa vào tuyển tập "Hương cây – Bếp lửa" cùng với Lưu Quang vũ. Qua bài thơ người đọc cảm nhận được tình cảm bà cháu bình dị, sâu sắc, cảm động và rất đỗi thiêng liêng, rất đáng trân trọng.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Bếp lửa 2:

    Mỗi chúng ta ai mà chẳng có quê hương, ai mà chẳng có một thời đong đầy kỉ niểm để nhớ, để thương, để là động lực không ngừng phấn đấu. Nhà thơ Bằng Việt trong những năm tháng học tập xa nhà vẫn da diết nhớ quê hương, với khói bếp lửa cay nồng hun nhoèn mắt, cùng người bà tảo tần sớm hôm nuôi dạy cháu. Tất cả những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ đó đã được tác giả dồn nén trong từng câu chữ qua bài thơ “Bếp lửa”.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Bếp lửa 3:

    Có những kỉ niệm hóa thành động lực, sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn, giông bão trong cuộc đời. Bằng Việt cũng mang trong mình những kỉ niệm tuổi thơ mà mãi mãi ông không bao giờ quên, ấy là kỉ niệm về bếp lửa và người bà mà ông yêu quý nhất. Tất cả những tình cảm đẹp đẽ, chân thành ấy đã được ông tái hiện đầy đủ nhất trong bài thơ “Bếp lửa”.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Bếp lửa 4:

    Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Ông viết bài thơ “Bếp lửa” vào tuổi 19, đó là năm 1963 khi còn là sinh viên đang học đại học ở nước ngoài. Cảm xúc dào dạt, lời thơ đẹp, giọng thơ thiết tha bồi hồi, hình tượng thơ độc đáo. sáng tạo, đặc sắc, đó là ấn tượng của nhiều người khi đọc bài thơ “Bếp lửa” này.

Cách mở bài Phân tích bài thơ Bếp lửa 5:

    Bằng Việt là nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Anh làm thơ từ thời là học sinh, sinh viên. Bài thơ "Bếp lửa" viết năm 1963, khi anh đang học đại học ở nước ngoài. Đây là bài thơ tiêu biểu nhất của anh - một hồn thơ tài hoa và nồng hậu nghĩa tình.

Mở bài phân tích truyện ngắn Làng

Cách mở bài Phân tích truyện ngắn Làng 1:

    Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với vốn am hiểu sâu sắc và gắn bó với nông thôn và người nông dân nên truyện của ông thường xoay quanh những nếp sinh hoạt, cảnh ngộ, phong tục truyền thống của người nông dân Bắc Bộ. Nguyên Hồng nhận xét: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.” Truyện ngắn "Làng" (1948) là một minh chứng tiêu biểu cho lời nhận xét đó của Nguyên Hồng. Bằng việc khai thác đề tài tình yêu làng, lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư qua nhân vật ông Hai, Kim Lân đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sinh động bằng một thứ ngôn ngữ mang đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân.

Cách mở bài Phân tích truyện ngắn Làng 2:

    Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm thể hiện lòng yêu nước tha thiết, nồng nàn của người nông dân, đồng thời cũng là những khám phá, phát hiện mới mẻ của tác giả về lòng yêu nước.

Cách mở bài Phân tích truyện ngắn Làng 3:

    Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài sinh năm 1921, quê ở Hà Bắc. Là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, ông đã có sáng tác đăng báo từ trước cách mạng tháng 8. Là nhà văn am hiểu sâu sắc, gắn bó với nông dân và nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh ngộ của người nông dân. Truyện ngắn "Làng" là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân được viết trong thời kì đầu của cuộc khánh chiến chống Pháp (1948). Đây là một tác phẩm độc đáo viết về lòng yêu nước của ông Hai, lòng yêu nước này xuất phát từ tình yêu quê hương, yêu làng sâu sắc của ông. Tình cảm và ý nghĩa này đã trở thành phổ biến ở mỗi người nông dân Việt Nam ta trong những ngày đầu chống Pháp.

Cách mở bài Phân tích truyện ngắn Làng 4:

    Kim Lân là nhà văn hiện đại Việt Nam. Ông có một vốn sống vô cùng sâu sắc về nông thôn Việt Nam. Những thú chơi dân dã mang cốt cách "phong lưu đồng ruộng" như thả diều, chọi gà, nuôi chó săn, thả chim bồ câu, chơi núi non bộ, gánh hát chèo, trẩy hội mùa xuân, v.v... được ông viết rất hay và cho ta nhiều thú vị. Ông là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc mang hương đồng gió nội qua 2 tác phẩm: “Con chó xấu xí” và “Nên vợ nên chồng”. Viết về đề tài nông dân và kháng chiến, truyện “Làng” của Kim Lân thành công hơn cả.

Cách mở bài Phân tích truyện ngắn Làng 5:

    Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, lòng yêu nước của mỗi người dân sẽ là sức mạnh vô biên tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước của mình, có thể là những việc làm nhỏ bé những lại có ý nghĩa lớn lao. Yêu làng, gắn bó với làng cũng là cách thể hiện lòng yêu nước. Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân nói về một người nông dân có tình cảm gắn bó với làng, với nước sâu sắc.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:




Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học