20+ Mở bài nhân vật ông Ngư (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Phân tích nhân vật ông Ngư trong đoạn thơ "Lục Vân Tiên gặp nạn"

Mở bài nhân vật ông Ngư - mẫu 1:

    Đoạn thơ “Lục Vân Tiên gặp nạn” một lần nữa cho thấy tư tưởng nhân nghĩa tỏa sáng trong “Truyện Lục Vân Tiên” và thể hiện niềm tin của nhà thơ mù đất Đồng Nai đối với nhân dân giữa thời loạn lạc. Nhân vật ông Ngư được nói đến trong đoạn thơ thật đẹp, tiêu biểu cho đạo lí của nhân dân ta: "Thương người như thể thương thân". Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho ông Ngư một tình cảm nồng hậu biết bao!

Mở bài nhân vật ông Ngư - mẫu 2:

"Chở bao đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"

    Với quan điểm sáng tác văn chương tiến bộ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đem đến cho nền văn học trung đại Việt Nam các tác phẩm có giá trị về những bài học đạo lí. Truyện thơ "Lục Vân Tiên" là một trong những sáng tác tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Được xây dựng trên nền tảng luân lí cổ truyền bao gồm những phẩm chất như "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín", tác phẩm đã truyền tải nhiều bài học lớn về tư tưởng nhân nghĩa tỏa sáng. Bên cạnh nhân vật trung tâm là Lục Vân Tiên, Ngư ông cũng là một nhân vật để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Thông qua đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn", Ngư ông hiện lên với vẻ đẹp nhân nghĩa thông qua việc làm nhân nghĩa cùng nhân cách cao cả và cuộc sống vô cùng thanh cao.

Mở bài nhân vật ông Ngư - mẫu 3:

    Phải chăng, để định hướng cho người đọc tập trung chú ý vào nhân vật chính của truyện thơ “Truyện Lục Vân Tiên”, các tác giả sách giáo khoa đặt tên cho đoạn trích từ câu 938 ("Đêm khuya...") đến câu 976 ("... trong vời Hàn Giang") là “Lục Vân Tiên gặp nạn”. Nếu được phép góp ý, tôi chọn tên khác: “Gặp nạn, Lục Vân Tiên được thần và dân cứu giúp” ; “Người hiền gặp người hiền”; hoặc “Ngư ông cứu giúp Lục Vân Tiên”. Gọi bằng những tên ấy vì tôi cảm nhận thật rõ ràng, ở đoạn truyện này, hình tượng Lục Vân Tiên mờ đi chút ít. Trái lại, hai nhân vật phụ : Trịnh Hâm - tượng trưng cho kẻ ác, và Ngư ông - tiêu biểu cho người thiện đậm nét hơn. Tại đây, cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác diễn ra không sôi động như đoạn “Vân Tiên đánh cướp”. Nó nhẹ nhàng mà thấm thía, đẹp như trong truyện cổ tích, trong những giấc mơ. Đoạn trích có hai nhân vật chính : Trịnh Hâm - kẻ độc ác và Ngư ông - người lương thiện. Bỏ qua nhân vật Trịnh Hâm, tập trung vào nhân vật Ngư ông, chúng ta sẽ thấm thía vẻ đẹp nhẹ nhàng và thơ mộng của đoạn thơ : "Thuyền nan một chiếc ở đời"... Cả gia đình, cuộc sống, việc làm, những nỗi niềm buồn vui, tâm sự của Ngư ông thu lại trên một chiếc thuyền nan nhỏ bé, đơn sơ mà sao nhân cách con người, quan niệm về cuộc sống của ông rộng lớn, thanh cao đến thế! Xin lướt qua mấy dòng đầu của doạn thơ trích để tìm hiểu

Mở bài nhân vật ông Ngư - mẫu 4:

    “Lục Vân Tiên gặp nạn” là đoạn trích đặc sắc về sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, tố cáo, lên án cái ác đồng thời cái thiện tồn tại như một chân lí, trong đoạn trích cái thiện hiện lên dưới hình ảnh ông Ngư, người mà Nguyễn Đình Chiểu đã dành một tình cảm đặc biệt thông qua phẩm chất, hành động của ông.

Mở bài nhân vật ông Ngư - mẫu 5:

    Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” là đoạn trích kể về cảnh ngộ éo le, đau khổ và khó khăn nhất của Lục Vân Tiên. Mẹ mất, thi cử dở dang, đôi mắt bị mù nhưng những đau khổ vẫn bủa vây khi bị chính những người bạn vì ghen ghét, đố kị hãm hại. Và nếu không nhờ đến sự giúp đỡ của Ngư ông thì có lẽ Lục Vân Tiên đã bỏ mạng nơi dòng sông rộng lớn, thăm thẳm ấy. Đoạn trích này vừa thể hiện được những thủ đoạn ti tiện, tàn nhẫn của những kẻ tiểu nhân, vừa làm người đọc ấm lòng vì lòng tốt của những người ngư dân, họ tuy nghèo nhưng có tấm lòng yêu thương, sống tình nghĩa, hết lòng cưu mang, cứu giúp Lục Vân Tiên. Nhân vật Ngư ông hiện lên với vẻ đẹp nhân cách cao cả và cuộc sống vô cùng thanh cao.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:




Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học