10+ Dàn ý bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4 (hay nhất)

Dàn ý bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4 hay nhất với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

I. Dàn ý chung bài văn kể lại một câu chuyện

- Bố cục của bài văn:

+ Mở bài: Giới thiệu câu chuyện theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.

+ Thân bài: Kể câu chuyện theo trình tự các sự việc, chú ý để đủ các nhân vật, tình huống chính,… của câu chuyện.

+ Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,… và những liên tưởng, suy luận của em về câu chuyện (theo cách kết bài mở rộng) hoặc chỉ nêu suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện (theo cách kết bài không mở rộng).

II. Dàn ý mẫu

1. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Con vẹt xanh”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Con vẹt xanh.

- Ấn tượng về câu chuyện: Dạy em những bài học quý giá về thái độ sống, sự lễ phép và cách đối xử với người lớn.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Một hôm, trong vườn nhà cậu xuất hiện một con vẹt nhỏ bị thương ở cánh.

- Tú vô cùng thương xót con vẹt và chăm sóc nó rất cẩn thận.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Tú dành thời gian chăm sóc vẹt xanh.

+ Tú cho vẹt ăn và nựng vẹt như trẻ con: “Vẹt à, dạ!”.

+ Vẹt không đáp lại mà chỉ xù lông cổ và gù một cái, không thành tiếng “dạ”.

=> Tú vẫn vui mừng vì vẹt đang học cách bắt chước.

- Sự việc 2: Khi Tú gọi vẹt, không ngờ con vẹt lại bắt chước và đáp lại bằng giọng the thé: “Cái gì?”.

+ Vẹt lớn lên, biết huýt sáo nhưng vẫn chưa nói được tiếng nào.

+ Tú tiếp tục gọi vẹt như mọi khi.

+ Vẹt bắt chước và trả lời bằng giọng the thé: “Cái gì?”.

=> Tú vô cùng vui mừng vì vẹt đã biết nói, khoe khắp nơi.

- Sự việc 3: Vẹt bắt chước lời nói của Tú khiến cậu nhận ra sai lầm của mình.

+ Các bạn của Tú đến chơi nhà.

+ Tú khoe vẹt biết nói và hãnh diện gọi: “Vẹt à, dạ!” và vẹt đáp lại với giọng the thé: “Cái gì?”.

+ Các bạn của Tú cười ầm lên, còn Tú cảm thấy buồn.

=> Tú nhớ lại những lần cậu trả lời anh “Cái gì?” và cằn nhằn “Kêu chi kêu hoài!”.

* Kết thúc câu chuyện:

- Tú hối hận và chỉ mong được gọi anh một tiếng “dạ” thật to và lễ phép.

- Con vẹt nhìn Tú, dường như cũng biết lỗi, xù lông cổ, rụt đầu, gù một cái như muốn nói “Dạ!”.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ cảm xúc của em: Câu chuyện đã để lại cho em nhiều bài học về sự lễ phép và tôn trọng người lớn.

- Liên tưởng, suy luận của em:

+ Em cũng nhận ra rằng, những đứa trẻ luôn học hỏi và bắt chước từ những gì người lớn làm.

+ Vì vậy, mỗi hành động của chúng ta đều là tấm gương cho các em noi theo.

2. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Anh em sinh đôi”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Anh em sinh đôi.

- Ý nghĩa của câu chuyện: Giúp em nhận ra rằng mỗi người dù có giống nhau đến đâu cũng đều có những nét đặc trưng riêng biệt.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Khánh và Long là hai anh em sinh đôi giống nhau như đúc.

- Hồi nhỏ, vì sự giống nhau ấy mà mọi người luôn nhầm lẫn giữa hai anh em.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Long thích thú khi bị gọi nhầm tên giữa hai anh em.

+ Hồi nhỏ, Long thích thú khi bị gọi nhầm tên giữa hai anh em.

+ Lớn lên, Long càng cảm thấy chán nản khi bị gọi nhầm, cậu không muốn ai nghĩ mình là anh Khánh.

=> Long bắt đầu cố gắng làm mọi thứ khác biệt so với anh Khánh.

- Sự việc 2: Hai anh em tham gia hội thao của trường.

+ Long sợ bạn bè nhầm lẫn vì hai anh em mặc đồng phục và đội mũ giống nhau.

+ Các bạn cổ vũ Khánh khi Khánh dẫn đầu đường chạy, còn khi Long đau trong trận kéo co, các bạn lập tức nhận ra và gọi đúng tên.

+ Long bất ngờ khi các bạn không nhầm lẫn giữa hai anh em chút nào.

=> Long nhận ra rằng tuy giống nhau về ngoại hình nhưng mỗi người lại có những đặc điểm khác biệt về tính cách.

* Kết thúc câu chuyện:

- Long hỏi các bạn lí do không bị nhầm giữa hai anh em.

- Long hiểu rằng sự khác biệt không chỉ nằm ở ngoại hình mà còn ở tính cách của mỗi người.

c. Kết bài:

- Bài học rút ra: Dù có giống nhau về ngoại hình, mỗi người đều có những đặc điểm riêng biệt và đó chính là những điều làm chúng ta trở nên đặc biệt.

3. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Công chúa và người dẫn chuyện”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Công chúa và người dẫn chuyện.

- Ấn tượng về câu chuyện:

+ Là câu chuyện khiến em nhớ mãi không thể nào quên.

+ Giúp em nhận ra giá trị và vai trò của mỗi người trong cuộc sống.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Cô giáo thông báo Giét-xi được chọn đóng vai công chúa trong vở kịch tới.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Giét-xi hào hứng với vai công chúa, cô bé về nhà kể cho mẹ nghe.

+ Cô kể cho mẹ nghe và bắt đầu luyện tập lời thoại mỗi ngày.

+ Tối nào mẹ cũng dành thời gian giúp Giét-xi ôn tập và dạy cô cách thể hiện cảm xúc trong vai công chúa.

+ Giét-xi cảm thấy rất tự tin và phấn khởi với vai diễn của mình.

=> Khi diễn thử, mọi lời thoại trong đầu cô bé bỗng dưng bay mất nên cô giáo đành phải thay đổi vai cho Giét-xi.

- Sự việc 2: Cô giáo đề nghị Giét-xi đổi sang vai người dẫn chuyện.

+ Giét-xi cảm thấy buồn và khó chấp nhận sự thay đổi này.

+ Mẹ đã an ủi và giúp cô bé hiểu rằng không phải ai cũng có thể là công chúa.

+ Mẹ khuyên Giét-xi rằng vai người dẫn chuyện cũng rất quan trọng và nếu không có người dẫn chuyện, vở kịch sẽ không thể thành công.

=> Giét-xi không còn cảm thấy buồn và nghe theo lời khuyên nhủ của mẹ.

* Kết thúc câu chuyện:

- Cô bé cảm thấy vui vẻ và tự hào khi được chọn làm người dẫn chuyện.

c. Kết bài:

- Bài học rút ra:

+ Mỗi vai diễn đều quan trọng và có giá trị riêng.

+ Chúng ta cần ý thức được vai trò của mình và trân trọng nó.

4. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Cóc kiện Trời”

a. Mở bài:

- Giới thiệu câu chuyện muốn kể:

+ Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, có nhiều câu chuyện chứa đựng những bài học sâu sắc về cuộc sống.

+ Câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc nhất là “Cóc kiện Trời”.

- Ý nghĩa của câu chuyện: Mang lại tiếng cười, đồng thời chứa đựng những thông điệp về sự dũng cảm, trí thông minh và lòng kiên trì.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Có một năm trời nắng hạn rất lâu, ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ trụi trơ, chim muông khát khô cả họng.

- Cóc thấy nguy quá, bèn lên thiên đình kiện Trời.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Cóc gặp các loài vật khác.

+ Trên đường đi, cóc gặp cua, gấu, cọp, ong và cáo.

+ Tất cả xin đi theo cóc lên thiên đình kiện Trời.

+ Cóc đã sắp xếp cho từng loài vật vào vị trí thích hợp khi đến cửa nhà Trời.

+ Cóc một mình bước vào, lấy dùi đánh ba hồi trống để gây sự chú ý.

=> Trời tức giận sai gà ra trị tội cóc.

- Sự việc 2: Trận chiến giữa quân thiên đình và các loài vật.

+ Gà bay ra trị tội cóc, cóc ra hiệu cho cáo nhảy xổ ra cắn cổ gà và bắt đi.

+ Trời lại sai chó ra bắt cáo nhưng bị gấu quật cho chết tươi.

+ Trời càng tức giận, sai Thần Sét ra trừng phạt gấu thì bị ong bay ra đốt cho tả tơi, cua kẹp và bị cọp vồ. 

=> Trời túng thế, đành mời cóc vào làm việc.

* Kết thúc câu chuyện:

- Trời hứa cho mưa xuống trần gian.

- Từ đó, hễ cóc nghiến răng là trời sẽ đổ mưa.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em:

+ Câu chuyện mang lại cho chúng ta những giây phút giải trí thú vị.

+ Nhắc nhở chúng ta rằng sự kiên trì, dũng cảm và trí thông minh sẽ giúp ta vượt qua được thử thách.

- Thông điệp của câu chuyện: Khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết, dám đứng lên bảo vệ lợi ích chung.

5. Dàn ý kể lại câu chuyện “Tia nắng bé nhỏ”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Tia nắng bé nhỏ.

- Ấn tượng về câu chuyện: Là một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, lòng hiếu thảo.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Bà nội của Na già yếu và đi lại khó khăn.

- Nhà Na nằm trên ngọn đồi, có ánh nắng đẹp qua tán lá vườn.

- Phòng ngủ của gia đình không có nắng, khiến bà nội buồn.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Na đi dạo trên đồng cỏ và “bắt” nắng về cho bà nội. 

+ Khi đi dạo trên đồng cỏ, ánh nắng ấm áp chiếu lên mái tóc và nhảy nhót trên vạt áo của Na.

+ Cô bé vui mừng nghĩ rằng mình có thể “bắt” nắng về cho bà nội.

+ Na chạy vào phòng bà, reo lên khoe rằng mình mang nắng về cho bà.

=> Khi Na mở vạt áo ra, chẳng có tia nắng nào trong đó.

- Sự việc 2: Mỗi ngày, Na đều “bắt” nắng về cho bà nội.

+ Na không hiểu tại sao nắng lại chiếu từ mắt mình, nhưng cô bé cảm thấy rất vui khi làm bà nội hạnh phúc.

+ Mỗi sáng, Na lại dạo chơi trong vườn và mang theo tia nắng trong mắt và mái tóc, mang lại niềm vui cho bà nội.

=> Từ đó, ngày nào Na cũng “bắt” nắng về cho bà nội.

* Kết thúc câu chuyện:

- Na đã mang những tia nắng ấm áp trong lòng, không phải từ vạt áo, mà là từ tình yêu và niềm vui cô bé mang đến cho bà nội của mình.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em: Câu chuyện làm em cảm động vì sự hiếu thảo của Na.

- Nêu những liên tưởng và suy luận của em: Câu chuyện khiến em nhớ lại những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, đặc biệt là ông bà.

6. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Cây bút thần”

a. Mở bài:

- Bối cảnh nghe đọc câu chuyện: Buổi chiều đi học về, bằng giọng nói ấm áp, bà đã kể cho em nghe câu chuyện “Cây bút thần”.

- Nêu cảm nghĩ về câu chuyện: Cốt truyện li kì, mang đến cho người đọc những suy ngẫm về lòng nhân ái.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Mã Lương là một cậu bé rất yêu thích vẽ.

- Cậu bé luôn mong ước có một cây bút thật đẹp để vẽ được những hình ảnh sống động hơn nữa.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Sự xuất hiện của cây bút thần:

+ Mã Lương mơ thấy một ông cụ tóc bạc phơ trao cho cậu cây bút thần sáng lấp lánh.

+ Cậu bé tỉnh dậy và phát hiện ra cây bút vẫn nằm trong tay mình.

=> Mã Lương dùng cây bút thần để giúp đỡ người nghèo.

- Sự việc 2: Phú ông ghen tị và tìm cách chiếm đoạt cây bút thần.

+ Phú ông sai đầy tớ bắt Mã Lương, yêu cầu cậu phải vẽ theo ý muốn của hắn.

+ Mã Lương không chịu.

+ Mã Lương bị phú ông nhốt vào chuồng ngựa bỏ đói, bỏ rét.

=> Cậu dùng bút vẽ bánh để ăn, vẽ lò sưởi để sưởi.

- Sự việc 3: Phú ông sai người cướp cây bút thần.

+ Không cam chịu, phú ông sai người xông vào cướp cây bút thần.

+ Mã Lương nhanh trí vẽ ra một chiếc thang để thoát khỏi sự giam cầm.

* Kết thúc câu chuyện:

- Mã Lương thoát ra ngoài, vẽ một con ngựa và cưỡi đi khắp nơi, giúp đỡ những người nghèo khổ.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em: Là một câu chuyện hay và ý nghĩa.

- Nêu những liên tưởng, suy luận của em: Hãy dùng tài năng của mình để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội.

7. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Sự tích hoa mào gà”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Sự tích hoa mào gà.

- Lí do biết câu chuyện: Em được nghe bà kể từ khi còn nhỏ.

- Ấn tượng về câu chuyện: Là câu chuyện rất thú vị bởi sự kì diệu của thiên nhiên và chứa đựng những bài học sâu sắc về tình bạn.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Ngày xưa, cô gà mái nào cũng có một cái mào đỏ rất đẹp như mào các chú gà trống bây giờ.

- Gà mơ soi mình dưới vũng nước và cảm thấy tự hào vì chiếc mào đỏ rực rỡ trên đầu mình.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Gà mơ gặp cây màu đỏ tía đang khóc.

+ Gà mơ đi tung tăng khắp nơi kiếm mồi.

+ Nó đến bên bể nước và nghe có tiếng khóc tỉ tê.

+ Nó dừng lại nghiêng đầu, chớp chớp đôi mắt và lắng tai nghe.

=> Thì ra đó là tiếng khóc của cây màu đỏ tía.

- Sự việc 2: Gà mơ hỏi lí do vì sao cây màu đỏ tía lại khóc.

+ Gà mơ dừng lại và hỏi cây vì sao lại khóc.

+ Cây trả lời rằng nó cảm thấy cô đơn và thấy mình không được đẹp như các cây khác.

+ Gà Mơ cố gắng an ủi nhưng cây vẫn không ngừng khóc.

=> Gà mơ quyết định cho bạn chiếc mào đỏ của mình để làm hoa.

- Sự việc 3: Mọi người ngạc nhiên khi thấy chiếc mào đỏ của gà mơ biến mất.

+ Sáng hôm sau, mọi người trong khu vườn đều ngạc nhiên khi thấy chiếc mào đỏ đẹp của gà mơ biến mất.

+ Bên bể nước, cây hoa đỏ tía đã nở một chùm hoa đỏ rực rỡ, giống hệt chiếc mào của gà mơ.

* Kết thúc câu chuyện:

- Cây khe khẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về lòng tốt của gà mơ.

- Thế là mọi người gọi cây đó là cây hoa mào gà.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em: Cảm động trước sự hi sinh của gà mái mơ.

- Nêu ý nghĩa của câu chuyện:

+ Giải thích vì sao có hoa mào gà.

+ Truyền tải một thông điệp ý nghĩa về tình bạn.

- Nêu những liên tưởng, suy luận của em: Hãy lan tỏa yêu thương và niềm vui tới những người xung quanh.

8. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Quả hồng của thỏ con”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Quả hồng của thỏ con.

- Nêu cảm nghĩ về câu chuyện: Là một câu chuyện cảm động về lòng tốt và sự sẻ chia mà em vô cùng yêu thích.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Thỏ con phát hiện ra một cây hồng trong khu rừng.

- Cây hồng chỉ có một quả duy nhất và quả đó còn xanh.

- Thỏ con mơ ước sẽ được thưởng thức vị ngọt lịm của quả hồng khi nó chín.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Thỏ con chăm sóc cây hồng.

+ Hằng ngày nó tưới nước cho cây để quả hồng mau chín.

+ Thỏ rất kiên nhẫn đợi chờ từng ngày để thưởng thức quả hồng ngọt ngào.

=> Ít lâu sau, quả hồng đã chín, thỏ kiên nhẫn đứng đợi quả rơi xuống.

- Sự việc 2: Đàn chim bay đến định ăn hồng của thỏ con.

+ Có đàn chim từ đâu bay đến định ăn hồng của thỏ con.

+ Thỏ con hốt hoảng kêu lên: “Hồng của tớ!”.

+ Đàn chim cầu khẩn: “Cho chúng tớ ăn nhé. Chúng tớ đói lả rồi.”.

=> Thỏ con suy nghĩ một lúc, rồi đồng ý.

- Sự việc 3: Đàn chim quay lại dẫn thỏ đến một cây hồng khác.

+ Đàn chim quay lại và dẫn thỏ đến một nơi có rất nhiều quả hồng chín mọng.

+ Đàn chim mổ quả hồng chín từ cây và rơi xuống cho thỏ.

=> Thỏ con thấy cây hồng chín thì vui mừng lắm. 

* Kết thúc câu chuyện:

- Thỏ con cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc vì được thưởng thức những quả hồng chín mọng, ngon ngọt.

c. Kết bài:

- Bài học rút ra từ câu chuyện: Khi giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp hơn và tình yêu thương sẽ luôn được lan tỏa. 

9. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Chuyện bên cửa sổ”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Chuyện bên cửa sổ.

- Ấn tượng chung về câu chuyện: Là một tác phẩm hay và đầy ý nghĩa.

b. Thân bài:

* Trình tự xảy ra các sự việc:

Sự việc 1: Đàn chim sẻ bay đến nhà cậu bé.

+ Thỉnh thoảng một vài con chim sẻ bay đến nhà cậu bé.

+ Chúng thường ẩn nấp trong các hốc tường, lỗ thông hơi hoặc các cửa ngách để trú ngụ và làm tổ.

+ Bầy chim rụt rè sà xuống những cây cảnh.

=> Cậu bé tò mò lên sân thượng xem đàn chim sẻ.

- Sự việc 1: Cậu bé cầm sỏi ném lũ chim sẻ.

+ Một hôm, cậu đã lên sân thượng cầm sỏi ném lũ sẻ.

+ Cậu bé nghĩ hành động này của mình chẳng sao cả.

=> Đàn chim sẻ sợ hãi, bay sang các ngôi nhà khác để tìm nơi trú ẩn.

- Sự việc 3: Cậu bé bị ốm.

+ Bẵng đi một vài tuần, chẳng may cậu bé bị ốm.

+ Nhìn sang sân thượng nhà bên, cậu thấy có đàn chim sẻ léo nhéo đến là nhộn.

=> Cậu bé cảm thấy buồn vì đàn chim sẻ không còn bay đến nhà mình nữa.

* Kết thúc câu chuyện:

- Cậu cảm thấy tiếc nuối, hối hận về hành động ném sỏi vào bầy chim trước đây của mình.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em: Em cảm thấy rất xúc động.

- Bài học rút ra: Mỗi hành động dù là nhỏ nhất cũng đều có ảnh hưởng đến môi trường và các sinh vật sống xung quanh.

10. Dàn ý bài văn kể lại câu chuyện “Cậu bé đánh giày”

a. Mở bài:

- Tên câu chuyện: Cậu bé đánh giày.

- Bối cảnh nghe, đọc câu chuyện: Em được cô giáo đọc cho nghe trong giờ kể chuyện.

- Cảm xúc của em khi nghe, đọc câu chuyện: Em cảm động sâu sắc về lòng nhân ái và sự lương thiện của một cậu bé nghèo.

b. Thân bài:

* Mở đầu câu chuyện:

- Kể về một cậu bé nghèo chăm chỉ và lương thiện.

- Cậu đã may mắn gặp được ông ông Oan-tơ Sác-lét – một nhà làm phim nổi tiếng, người đã thay đổi cuộc đời cậu.

* Trình tự xảy ra các sự việc:

- Sự việc 1: Sự gặp gỡ đầu tiên giữa ông Oan-tơ và cậu bé đánh giày.

+ Cậu bé nghèo khổ, rách rưới gặp ông Oan-tơ khi ông đi qua ga xe lửa.

+ Cậu bé xin ông Oan-tơ cho vay một ít tiền vì chưa có gì ăn trong cả ngày.

=> Ông Oan-tơ móc túi đưa cho cậu vài đồng xu.

- Sự việc 2: Lần gặp lại của cậu bé đánh giày và ông Oan-tơ:

+ Vài tuần sau, ông Oan-tơ lại có việc đi qua ga xe lửa và gặp lại cậu bé.

+ Cậu bé mừng rỡ, trả lại số tiền đã vay cho ông Oan-tơ.

=> Ông Oan-tơ cảm động trước sự trung thực và lương thiện của cậu bé.

- Sự việc 3: Sự thay đổi trong cuộc sống của cậu bé:

+ Ông Oan-tơ đã mời cậu đến công ti điện ảnh để trao cho một cơ hội bất ngờ.

+ Ngày hôm sau, cậu bé dẫn theo một nhóm trẻ mồ côi đến gặp ông, mong muốn các bạn mình cũng có cơ hội như mình.

=> Ông Oan-tơ chọn cậu vào vai nam chính trong bộ phim mới của mình.

* Kết thúc câu chuyện:

- Bộ phim của ông Oan-tơ nhận được hơn 50 giải thưởng.

- Cậu bé đánh giày trở thành diễn viên nổi tiếng.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em: Em rất cảm động trước tấm lòng lương thiện của cậu bé trong câu chuyện.

- Nêu những liên tưởng, suy luận của em: Trong cuộc sống, đôi khi những hành động nhỏ bé nhưng chân thành lại có thể thay đổi cả một cuộc đời.

Xem thêm các bài viết hướng dẫn làm văn mẫu lớp 4 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 4 hay khác: