Đề cương ôn tập Văn 11 Học kì 1 năm 2024
Với mục đích giúp học sinh có kế hoạch ôn tập hiệu quả từ đó đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra môn Văn 11, VietJack biên soạn loạt bài đề cương ôn tập Văn 11 Học kì 1 sách mới Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. Đề cương sẽ tóm tắt các nội dung chính, quan trọng cần ôn tập cũng như đưa ra các bài tập chọn lọc, điển hình giúp bạn ôn tập môn Văn 11 hiệu quả.
Lưu trữ: Đề cương ôn tập Văn 11 Cuối kì 1 (sách cũ)
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ 1 MÔN VĂN LỚP 11
A. Kiến thức
Phần I: Văn bản
Nắm được nội dung, ý nghĩa, bài học, các chi tiết đặc sắc và nghệ thuật nổi bật của các văn bản:
1. Vào phủ chúa Trịnh (Lê Hữu Trác)
2. Tự tình II (Hồ Xuân Hương)
3. Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến)
4. Thương vợ (Trần Tế Xương)
5. Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ)
6. Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát)
7. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu)
8. Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm)
9. Khái quát VHVN từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945
10. Hai đứa trẻ (Thạch Lam)
11. Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
12. Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng)
13. Chí Phèo (Nam Cao)
Phần II: Tiếng Việt
Nhận diện và thực hành:
1. Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân
2. Ngữ cảnh
3. Phong cách ngôn ngữ báo chí
Phần III: Tập làm văn
1. Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận
2. Thao tác lập luận phân tích
3. Thao tác lập luận so sánh
4. Bản tin
5. Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
B. Cấu trúc đề thi
Đề gồm có hai phần:
- Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 – 4,0 điểm) liên quan đến nội dung trong đoạn ngữ liệu phần đọc hiểu.
- Phần 2: Làm văn (7,0 – 6,0 điểm)
+ Nghị luận xã hội
+ Nghị luận văn học xoay quanh các tác phẩm học trong giới hạn đề ra.
C. Đề thi minh họa
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới.
“Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho hắn cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Của tác giả nào? (0,5 điểm)
Câu 2: Truyện ngắn này được sáng tác năm nào? Viết về đề tài gì? Em hãy lấy thêm ít nhất một tác phẩm khác cũng viết về đề tài này? (0,5 điểm)
Câu 3: Anh (chị) hãy cho biết truyện ngắn này có những nhan đề nào? Ý nghĩa của những nhan đề đó? (1,0 điểm)
Câu 4: Nêu ý nghĩa của bát cháo hành đối với nhân vật “hắn” trong đoạn trích? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: Hãy viết một bài văn ngắn thể hiện suy nghĩ của mình về tính ích kỉ và lòng vị tha của thanh niên học sinh hiện nay? (2,0 điểm)
Câu 2: Cảm nhận của em về cảnh đưa tang trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng) (5,0 điểm)
ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT
A. Kiến thức
Phần I: Văn bản
1. Vào phủ chúa Trịnh (Lê Hữu Trác)
*Tác giả: Lê Hữu Trác (1720 – 1791)
- Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông. Quê quán: làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Ông là một danh y, nhà thơ, nhà văn, thầy thuốc. Ông biên soạn sách, mở trường dạy y thuật.
- Tác phẩm: Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 66 quyển, công trình nghiên cứu y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam.
- Tóm lại, ông là một danh y đức độ, tài ba, mẫu mực, một nhà nho thanh cao, tự tại, thoát tục.
*Tác phẩm:
- Xuất xứ: Trích Thương kinh kí sự, hoàn thành năm 1783, được xếp ở cuối bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh.
- Thể loại: Kí trung đại, ghi chép sự việc, câu chuyện có thật và tương đối hoàn chỉnh.
- Giá trị nội dung: Thông qua đoạn trích, tác giả kín đáo phê phán cuộc sống xa hoa, truỵ lạc và lộng quyền nơi phủ Chúa. Đồng thời bộc lộ nhân cách thanh cao, thoát tục, xem nhẹ công danh của chính mình.
- Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả, quan sát tỉ mỉ, tinh tế, sinh động, cách ghi chép trung thực sự việc. Tác giả không trực tiếp bộc lộ thái độ mà dùng hình tượng để miêu tả, kết hợ với lời bình để bộc lộ quan điểm cá nhân. Tác phẩm là đỉnh cao của kí trung đại Việt Nam.
2. Tự tình II (Hồ Xuân Hương)
*Tác giả: (chưa rõ năm sinh, năm mất)
- Quê ở tỉnh Nghệ An nhưng chủ yếu sống ở kinh thành Thăng Long.
- Sáng tác gồm cả chữ Nôm và chữ Hán.
- Là một kỳ nữ tài hoa với cuộc đời tình duyên nhiều éo le và ngang trái. Nội dung thơ ca của bà thường viết về phụ nữ; trào phúng mà trữ tình; đậm chất dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. Được Xuân Diệu đánh giá là “ Bà chúa thơ Nôm”
*Tác phẩm:
- Xuất xứ: Nằm trong chùm thơ Tự tình ba bài của Hồ Xuân Hương.
- Thể loại: thơ Nôm Đường luật
- Giá trị nội dung: Qua lời tự tình, bài thơ nói lên bi kịch và khát vọng sống của Hồ Xuân Hương. Trong buồn tủi, người phụ nữ vẫn gắng gượng vượt lên trên số phận, cháy bỏng khát vọng về một hạnh phúc chân chính. Đó là sự thức tỉnh của ý thức cá nhân dẫn đến sự thức tỉnh về quyền con người . Người phụ nữ đẹp ngay trong cả bi kịch và nỗi đau của chính họ.
g Tác phẩm lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến chà đạp lên quyền sống của con người đồng thời bênh vực, bảo vệ và đòi quyền được hưởng hạnh phúc cho người phụ nữ.
- Giá trị nghệ thuật: Tác phẩm sử dụng từ ngữ nôm na, giản dị, hình ảnh thơ giàu sức gợi, đậm chất dân gian, diễn tả sâu sắc, tinh tế tâm trạng của người phụ nữ. Đó là phong cách riêng độc đáo, đặc sắc của nữ sĩ.
3. Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến)
*Tác giả: (1835 – 1909)
- Hiệu là Quế Sơn, sinh tại quê ngoại tỉnh Nam Định, lớn lên và sống chủ yếu ở quê nội Hà Nam.
- Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, ông là một bậc túc nho tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc.
- Sáng tác gồm cả chữ Hán và Nôm với số lượng lớn hơn 800 bài.
- Nội dung thơ: Thường bày tỏ tấm lòng yêu quê hương; phản ánh cuộc sống khổ cực của nhân dân, châm biếm đả kích bọn thực dân xâm lược. Được đánh giá là Nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam.
*Tác phẩm:
- Xuất xứ: Nằm trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến.
- Thể loại: Thơ Nôm Đường luật.
- Điểm nhìn đặc sắc, linh hoạt: đi từ gần tới cao xa, từ cao, xa trở về gần (Ao thu - thuyền câu - ao - trời - ngõ trúc - ao thu). Điểm nhìn góp phần tạo ra một không gian thoáng đãng, rộng rãi, mênh mang.
- Giá trị nội dung: Bài thơ là một bức tranh thu bình dị, không ước lệ, khuôn sáo với một mùa thu điển hình của làng quê Bắc bộ: thanh, cao, trong, nhẹ, đẹp nhưng man mác buồn. Ẩn trong bức tranh thu ấy là tình yêu thiên nhiên và tâm sự thời thế của tác giả.
- Giá trị nghệ thuật: Ngôn ngữ giản dị, thoải mái, mộc mạc, trong sáng, biểu đạt sự vật một cách sinh động. Tác giả sử dụng nhiều từ láy vừa tăng tính thuần Nôm vừa tạo nhạc tính cho tác phẩm; vừa gợi lên vẻ sống động của sự vật, vừa diễn tả những biến thái tinh vi trong hồn người.
4. Thương vợ (Trần Tế Xương)
*Tác giả: (1870 – 1907)
- Quê ở Nam Định.
- Cuộc đời ngắn ngủi, nhiều gian truân. Tài cao, học rộng, hiểu nhiều - chỉ đỗ tú tài - thường gọi Tú Xương, có tấm lòng thơ gắn bó sâu nặng với đất nước, với dân tộc.
- Sáng tác gồm hai mảng: trào phúng và trữ tình.
- Có nhiều cống hiến xuất sắc trên phương diện nghệ thuật: Ông nghè, ông thám vô mấy khói/ Đứng lại văn chương một tú tài.
*Tác phẩm:
- Đề tài: Viết về người vợ, hay, cảm động, hiếm có trong dòng văn học trung đại.
- Thể loại: thơ Nôm Đường luật.
- Giá trị nội dung: Ca ngợi tấm lòng bao dung, độ lượng, sự đảm đang, thương yêu và lặng lẽ hy sinh vì chồng con của bà Tú. Đồng thời bày tỏ tấm lòng thương yêu vợ sâu sắc của Tú Xương.
- Giá trị hiện thực: Phê phán lễ giáo phong kiến hà khắc, cổ hủ đã đẩy người phụ nữ vào hoàn cảnh vất vả, lo toan, cực nhọc.
- Giá trị nghệ thuật: Nụ cười tự trào đặc sắc, từ ngữ nôm na, hóm hỉnh, giàu sức biểu cảm, vận dụng linh hoạt và sáng tạo thi liệu văn hóa dân gian.
5. Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ)
*Tác giả: (1778 – 1858):
- Tự là Tôn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, xuất thân trong một gia đình Nho học, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
- Là nhà nho tài tử trung thành với lý tưởng trung quân trạch dân. Ông sống bản lĩnh, phóng khoáng, tự tin và có nhiều đóng góp cho đất nước.
- Các sáng tác hầu hết bằng chữ Nôm. Ông được đánh giá là bậc thầy thơ Nôm và có công lớn trong việc phát triển thể thơ hát nói ở Việt Nam.
* Tác phẩm:
- Thể loại: Hát nói: làn điệu chủ đạo của ca trù - hình thức nghệ thuật đặc biệt, thuần tuý Việt Nam. Thơ hát nói: là văn bản ngôn từ của bài nói. Nó có giá trị văn học cao; một thể thơ tự do, phóng khoáng (gần với thơ tự do sau này).
- Đề tài: bản tự tổng kết về cuộc đời của mình được nâng thành triết lí sống.
- Ngất ngưởng: Là sự tự khen, tự đánh giá cao tài năng, nhân cách; Thể hiện thái độ khinh đời, ngạo thế, sự tự do, thoải mái, không ràng buộc theo khuôn mẫu.
- Giá trị nội dung: Hình tượng cái tôi ngất ngưởng ngang tàng, phóng túng, tự tin và ý thức cao về tài năng và nhân cách của mình. Con người ấy có triết lý sống lạc quan, xem nhẹ vinh hoa phú quý và sự được mất trong đời. Tác phẩm đã xây dựng hình tượng có ý vị trào phúng nhưng ẩn đằng sau nụ cười là một thái độ, một quan điểm nhân sinh tiến bộ ít nhiều mang màu sắc hiện đại, bởi nó khẳng định một cá tính, không đi theo con đường chính thốn khuôn khổ, sáo mòn.
- Giá trị nghệ thuật: Ngôn ngữ lúc trang trọng (sử dụng nhiều từ Hán Việt), lúc đùa vui, hóm hỉnh. Giọng điệu: khoe khoang, phô trương, ngạo nghễ, ngang tàng, sảng khoái. Tác phẩm được xem là bài thơ tiêu biểu cho thể hát nói.
6. Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát)
*Tác giả: (1809 – 1855)
- Tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên, người làng Phú Thị (nay thuộc Long Biên, Hà Nội).
- Là người có trí tuệ sáng suốt, tài cao học rộng, văn hay, viết chữ đẹp, có uy tín lớn trong giới trí thức đương thời.
- Ông có khí phách hiên ngang; tư tưởng tự do, ôm ấp hoài bão lớn, mong muốn sống có ích cho đời, luôn ước mơ đổi thay. Đặc biệt, Cao Bá Quát là người có nhân sinh quan tiến bộ, mới mẻ, khao khát thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp của chế độ phong kiến.
*Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ có thể hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng.
- Thể loại: thuộc thể thơ cổ thể (thể hành). Đặc trưng: tự do, phóng khoáng; không gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật; gieo vần linh hoạt.
- Hình ảnh bãi cát:
+ Tả thực: Gợi ra hình ảnh một con đường bất tận, mờ mịt, hoang vắng, vô cùng gian lao vất vả và đầy khó khăn, thử thách.
+ Ý nghĩa tượng trưng: Con đường công danh của tác giả và tầng lớp trí thức phong kiến: nhọc nhằn, bó buộc, ngột ngạt và sự bế tắc, mệt mỏi, chán nản khi đi trên con đường đó.
- Giá trị nội dung: Bài ca khắc họa hình tượng cô độc, nhỏ nhoi nhưng lại hết sức mạnh mẽ, vừa quả quyết vừa tuyệt vọng trên con đường đời đầy gian truân, mờ mịt. Nó chứa đựng sự phản kháng âm thầm đối với trật tự hiện hành, cảnh báo sự đổi thay tất yếu trong tương lai
- Giá trị nghệ thuật: Nhịp điệu thơ trúc trắc, ghập ghềnh tượng trưng cho con đường công danh nhiều trắc trở; sử dụng nhiều đại từ nhân xưng: tất cả đều là tác giả (Ông tự đặt mình vào nhiều vị trí), tự bộc lộ cảm xúc của chính mình, đối thoại với chính mình trong tâm trạng mâu thuẫn.
7. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu)
*Tác giả: (1822 – 1888)
- Xuất thân trong một gia đình Nho giáo.
- Năm 1843, ông đỗ tú tài.
- Năm 1846, ông ra Huế học và chuẩn bị thi tiếp.
- Mẹ mất → ông bỏ thi về Nam chịu tang → bị đau mắt nặng → bị mù. - Về Gia Định: bốc thuốc, chữa bệnh, dạy học.
- Khi Pháp xâm lược: cùng nhân dân chống giặc, sáng tác thơ văn yêu nước, luôn tỏ thái độ bất hợp tác với giặc.
g Là một nhà nho tiết tháo, mẫu mực, yêu nước thương dân.
- Nội dung thơ văn: lý tưởng đạo đức, nhân nghĩa: truyền dạy những bài học làm người chân chính; tinh thần nhân nghĩa + đạo đức của Nho giáo + tính nhân dân + truyền thống dân tộc. Lòng yêu nước, thương dân: ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước; khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân; ca ngợi gương anh hùng hy sinh vì nước…
- Nghệ thuật thơ văn: Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, chân chất → đậm chất Nam bộ, lối thơ thiên về kể, kết hợp tính cổ điển với tính dân gian.
*Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: Viết theo yêu cầu của Đỗ Quang tuần phủ Gia Định, để tế những nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận tập kích đồn quân Pháp ở Cần Giuộc đêm 16 – 12 – 1861.
- Thể loại: Văn tế; thường gắn với phong tục tang lễ.
- Viết theo thể phú luật Đường – văn biền ngẫu.
- Giá trị nội dung: Bài văn tế có giá trị hiện thực lớn vì đã xây dựng một tượng đài sừng sững về người nông dân Cần Giuộc với tất cả vẻ đẹp tâm hồn và tầm vóc lịch sử của họ; có giá trị trữ tình lớn vì nó là tiếng khóc lớn của cả dân tộc dành cho những đứa con yêu quý.
- Giá trị nghệ thuật: Giọng văn đầy cảm xúc, trầm lắng, thống thiết, đậm chất trữ tình. Ngôn ngữ vừa trang trọng vừa dân dã, mang đậm sắc thái Nam Bộ.
8. Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm)
*Tác giả: (1746 – 1803)
- Hiệu là Hi Doãn, người làng Tả Thanh Oai (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội)
- Cựu thần của triều Lê, sau ra giúp Tây Sơn – Nguyễn Huệ.
- Có nhiều đóng góp tích cực, soạn thảo nhiều văn kiện, giấy tờ quan trọng cho triều đại Tây Sơn.
*Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: Vào khoảng năm 1788 – 1789, nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà, tức các trí thức của triều đại cũ (Lê – Trịnh) ra cộng tác với triều đại Tây Sơn.
- Thể loại: Công văn hành chính thời xưa: do vua truyền xuống bề tôi: chiếu, mệnh, lệnh, dụ…Chiếu thường mang nội dung mệnh lệnh, bắt buộc.
- Nhan đề Chiếu cầu hiền: Lời lẽ nhún nhường, mềm mỏng, lý lẽ sắc bén → Tạo sức thuyết phục.
- Đối tượng hướng tới: sĩ phu Bắc Hà - những bậc hiền tài.
- Mục đích: Thuyết phục nho sĩ Bắc Hà ra giúp nước.
- Giá trị nội dung: Nêu lên vai trò quan trọng của hiền tài đối với đất nước; ngầm phê phán cách ứng xử tiêu cực, ích kỉ và vô trách nhiệm của nho sĩ Bắc Hà và ca ngợi tầm nhìn xa rộng cũng như đường lối cầu hiền tiến bộ của vua Quang Trung.
- Giá trị ghệ thuật: Bài nghị luận mẫu mực của văn chương trung đại.
9. Hai đứa trẻ (Thạch Lam)
*Tác giả: (1910 – 1942)
- Sinh tại Hà Nội – thuở nhỏ sống ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
- Ông là thành viên của Tự lực văn đoàn, là người đôn hậu và rất đỗi tinh tế.
- Sáng tác: truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút.
- Các tác phẩm chính: các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942); tiểu thuyết Ngày mới (1939); tập tiểu luận Theo dòng (1941); tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943).
- Vài nét về truyện ngắn:
+ Chú trọng những rung động tinh vi, nhạy cảm trong tâm hồn con người, chú trọng yếu tố cảm giác.
+ Hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn.
+ Truyện không có cốt truyện, ít sự kiện, ít hành động.
ð Ông là nhà văn nổi bật của nhóm Tự lực văn đoàn.
*Tác phẩm:
- Xuất xứ: in ở tập Nắng trong vườn.
- Thể loại: Truyện ngắn.
- Giá trị nội dung
+ Giá trị hiện thực: Tác phẩm là bức tranh sinh động, giàu giá trị nhân văn về cuộc sống cơ cực, quẩn quanh, không lối thoát của những con người dưới đáy xã hội trong giai đoạn chiến tranh.
+ Giá trị nhân đạo: Tác phẩm là bài thơ trữ tình đầy xót thương của tác giả đối với những mảnh đời nghèo khổ trong xã hội và sự trân trọng đối với những khát khao tinh thần nhỏ bé của họ. Thông qua tác phẩm, tác giả thể hiện thái độ cảm thông, chở che, sẻ chia với những cảnh ngộ tù túng mòn mỏi đồng thời ông mong muốn lay tỉnh họ và hướng họ tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, tác phẩm còn là tiếng nói tố cáo đối với những thế lực tàn ác đã hủy diệt đời sống vật chất, tinh thần của con người, đặc biệt là của trẻ em.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Tác phẩm miêu tả bức tranh phố huyện theo trình tự thời gian tuyến tính: phố huyện hoàng hôn, phố huyện về đêm và về khuya khi có chuyến tàu đi qua.
+ Tác phẩm có cốt truyện đơn giản, nổi bật là dòng tâm trạng chảy trôi, những cảm xúc, cảm giác mong manh mơ hồ trong tâm hồn nhân vật. Bức tranh phố huyện lại được nhìn và cảm nhận qua con mắt của nhân vật Liên – một cô bé mới lớn, nhạy cảm nên yếu tố cảm giác càng được tô đậm và giá trị nhân văn của tác phẩm cũng vì thế được thể hiện rõ nét hơn.
+ Giọng điệu thủ thỉ, thấm đượm chất thơ.
+ Lời thoại phân bố đều trong tác phẩm, lời thoại lửng lơ, không nhất thiết phải trả lời tạo nên ấn tượng buồn nản, rời rạc.
+ Chất liệu tối – sáng nhằm tạo ra bức tranh đối lập giữa khát vọng và bế tắc.
+ Truyện không có cốt truyện, nội dung tác phẩm diễn biến theo tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.
10. Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
* Tác giả: (1910 – 1987)
- Sinh ra trong một gia đình nho giáo, quê ở làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân).
- Là một cây bút đặc biệt tài hoa, uyên bác và thích chơi ngông.
- Thành công rực rỡ với thể loại tuỳ bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao.
- Được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp.
- Tác phẩm chính: Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Thiếu quê hương (1940),…
*Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: in năm 1939, trên tạp chí Tao đàn. Sau được in trong Vang bóng một thời (1940) gồm 11 tác phẩm.
- Thể loại: Truyện ngắn.
- Giá trị nội dung:
+ Thông qua vẻ đẹp tài hoa, khí phách và thiên lương của người tử tù Huấn Cao, Nguyễn Tuân đề cao cái Tài, cái Tâm của người nghệ sĩ chân chính đồng thời ông khẳng định cái Đẹp sẽ chiến thắng và cứu vớt con người, là nhịp cầu nối con người lại gần nhau.
+ Cảnh cho chữ: cảnh tượng độc đáo, xưa nay chưa từng có – khẳng định khát vọng sáng tạo cái Đẹp của người nghệ sĩ trong mọi hoàn cảnh.
+ Từ tác phẩm, ông thể hiện thái độ trân trọng đối với các giá trị văn hoá truyền thống. Đó là biểu hiện của tinh thần dân tộc và lòng yêu nước thầm kín của nhà văn.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Dùng nhiều từ Hán Việt, từ cổ góp phần tạo không khí cổ xưa cho tác phẩm.
+ Bút pháp tạo hình đặc sắc: cảnh cho chữ.
+ Tình huống truyện độc đáo, đặt các nhân vật trong hoàn cảnh gặp gỡ hết sức éo le để từ đó tô đậm kịch tính của tác phẩm và bộc lộ quan điểm duy mĩ của nhà văn.
+ Khắc hoạ nội tâm và tính cách nhân vật tinh tế, tài tình.
+ Thủ pháp tương phản, đối lập (bóng tối – ánh sáng, cái cao cả – cái thấp hèn, cái thiện – cái ác, cái đẹp – cái xấu, …).
11. Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng)
* Tác giả: (1912 – 1939)
- Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Hà Nội, chỉ tốt nghiệp tiểu học.
- Sống chật vật với nghề làm báo và viết văn chuyên nghiệp.
- Là ngòi bút có sức sáng tạo dồi dào.
- Thành công nhất ở thể loại tiểu thuyết và phóng sự. Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học hiện thực trào phúng Việt Nam. Tác phẩm của ông thường vạch trần bộ mặt xấu xa, phù phiếm của xã hội thực dân nửa phong kiến bằng một giọng văn thật đặc biệt.
- Ông để lại một khối lượng khổng lồ các tác phẩm đồ sộ: các phóng sự Cạm bẫy người (1933), Kĩ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936); các tiểu thuyết: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê (1936), Lấy nhau vì tình (1937), Trúng số độc đắc (1938).
* Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: Tiểu thuyết Số đỏ được đăn ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 – 10 – 1936 và in thành sách lần đầu năm 1938.
- Xuất xứ: Đoạn trích thuộc chương XV của tiểu thuyết Số đỏ.
- Thể loại: Tiểu thuyết.
- Giá trị nội dung:
+ Đoạn trích miêu tả cụ thể niềm vui của từng thành viên trong tang gia cũng như ngoài tang gia để từ đó vạch trần thói đạo đức giả trong một gia đình thượng lưu đương thời và cũng từ đó chỉ rõ sự xuống cấp, suy đồi, tha hóa của cả một xã hội nửa ta, nửa Tây. Đó là một màn đại hài kịch phong phú và rất biến hoá.
+ Từ nội dung chương truyện, tác giả phê phán, châm biếm xã hội thượng lưu thành thị rởm đời, giả dối, hãnh tiến; lên án những con người vì quyền lợi, tiền tài mà giẫm đạp lên đạo lý, tình người; mong muốn thức tỉnh lương tâm, nhận thức của con người.
- Giá trị nghệ thuật
+ Cách xây dựng nhan đề tạo nhiều bất ngờ qua sự song hành của hai cảm xúc đối lập: đau buồn và hạnh phúc. Sự đối lập ấy vừa gây tò mò, hấp dẫn vừa hé mở sự mỉa mai, châm biếm với một gia đình thượng lưu đặt tiền tài lên trên cả tình thân và đạo đức.
+ Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật (có sự kết hợp miêu tả chân dung đám đông và chân dung cá nhân): đối lập giữa hành động bên ngoài với niềm vui, toan tính và động cơ bên trong
+ Nghệ thuật quan sát, miêu tả độc đáo, sử dụng kỹ năng điện ảnh để dựng cảnh.
+ Lời văn linh hoạt, giản dị. Câu văn có hình ảnh so sánh, liên tưởng độc đáo chứa đựng sự châm biếm, đả kích sâu sắc.
+ Phát hiện tình huống mâu thuẫn và trào phúng đặc sắc.
+ Sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại, nói ngược, nói mỉa, đối lập…
12. Chí Phèo (Nam Cao)
* Tác giả: (1917 – 1951)
- Quê quán: làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
- Làng quê nghèo, dân đông, ruộng ít, bị bọn cường hào bóc lột trắng trợn, nặng nề, xuất hiện trong nhiều sáng tác của Nam Cao với tên gọi: làng Vũ Đại.
- Có quan điểm sáng tác rất rõ ràng và cụ thể. Nam Cao quan niệm: muốn viết cho nhân đạo thì phải sống cho nhân đạo
- Đề tài chính: người trí thức nghèo và nông dân nghèo.
- Phong cách nghệ thuật độc đáo, đặc biệt quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, cho nên:
+ Có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tinh thần của con người.
+ Có biệt tài trong việc miêu tả và phân tích tâm lí.
+ Viết về cái nhỏ nhặt hằng ngày mà đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, có tầm triết lí sâu sắc và có giọng văn đặc sắc.
*Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: 1941.
- Thể loại: Truyện ngắn.
- Giá trị nội dung:
+ Tác phẩm tái hiện con đường tha hóa và hồi sinh của một người nông dân nghèo từ đó khẳng định bi kịch đau đớn, cay đắng nhất của họ là bi kịch bị từ chối quyền làm người vĩnh viễn vì dù cho họ có đánh đổi cả tính mạng để được trở lại làm người.
+ Đồng thời qua tác phẩm, tác giả còn khẳng định bản chất lương thiện ẩn sâu trong trái tim mỗi con người mà hoàn cảnh, sự tàn ác của xã hội không thể tiêu diệt.
+ Đó còn là tiếng kêu cứu đòi quyền lương thiện chongười nông dân trước sự áp bức, bóc lột của xã hội nửa thực dân phong kiến.
+ Thể hiện tấm lòng yêu thương con người thiết tha,sâu nặng của tác giả. Tác phẩm là tiếng nói bênh vực quyền sống và nhân phẩm của con người.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình độc đáo, sống động, gây ấn tượng.
+ Khắc hoạ tâm lý nhân vật tài tình.
+ Kết cấu mới mẻ, đầy sáng tạo – kết cấu tâm lý.
+ Cốt truyện hấp dẫn, đầy kịch tính.
+ Giọng văn trần thuật đặc sắc đa thanh đa giọng điệu, kết hợp, đan cài lồng ghép giữa đối thoại và độc thoại nội tâm.
+ Ngôn ngữ giản dị mang hơi thở của cuộc sống.
Phần II: Tiếng Việt
Nhận diện và thực hành:
Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân
1. Ngôn ngữ là tài sản chung của xã hội
Ngôn ngữ là tài sản chung của một dân tộc, một cộng đồng xã hội dùng để giao tiếp. Mỗi cá nhân phải tích lũy và biết sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp.
a. Tính chung của ngôn ngữ
Bao gồm:
- Các âm (Nguyên âm, phụ âm ).
VD: a, e, I, o, b, h, t…
- Các thanh (Huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, ngang).
- Các tiếng (âm tiết).
VD: chạy, đi, cây, con, xe…
- Các ngữ cố định (thành ngữ, quán ngữ).
VD: thuận buồm xuôi gió, ăn vóc học hay…
b. Qui tắc chung, phương thức chung
- Qui tắc cấu tạo các kiểu câu: Câu đơn, câu ghép, câu phức.
- Phương thức chuyển nghĩa từ: Từ nghĩa gốc sang nghĩa bóng.
ð Tất cả được hình thành dần trong lịch sử phát triển của ngôn ngữ và cần được mỗi cá nhân tiếp nhận và tuân theo.
2. Lời nói - sản phẩm của cá nhân
- Giọng nói cá nhân:
- Vốn từ ngữ cá nhân: Mỗi cá nhân ưa chuộng và quen dùng một những từ ngữ nhất định – phụ thuộc vào lứa tuổi, vốn sống, cá tính, nghề nghiệp, trình độ, môi trường địa phương …
- Sự chuyển đổi, sáng tạo khi sử dụng từ ngữ quen thuộc: Mỗi cá nhân có sự chuyển đổi, sáng tạo trong nghĩa từ, trong sự kết hợp từ ngữ…
- Việc tạo ra những từ mới.
- Việc vận dụng linh hoạt sáng tạo quy tắc chung, phương thức chung.
ð Biểu hiện rõ nhất của nét riêng trong lời nói cá nhân là phong cách ngôn ngữ cá nhân.
3. Quan hệ giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân
- Ngôn ngữ chung là cơ sở để mỗi cá nhân sản sinh ra những lời nói cụ thể của mình, đồng thời lĩnh hội được những lời nói của cá nhân khác.
+ Muốn tạo lời nói để biểu hiện và giao tiếp, mõi cá nhân phải huy động các yếu tố ngôn ngữ chung và vận dụng các quy tắc hoặc phương thức chung.
+ Khi nghe, đọc, cá nhân cần tiếp nhận, tìm hiểu, lĩnh hội nội dung và mục đích giao tiếp trong lời nói của người khác, cá nhân cần dựa trên cơ sở những yếu tố chung, quy tắc và phương thức chung thuộc ngôn ngữ của cộng đồng xã hội.
- Lời nói cá nhân là thực tế, sinh động, hiện thực hóa những yếu tố chung, những quy tắc và phương thức chung của ngôn ngữ.
Ngữ cảnh
1. Khái niệm: Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ làm cơ sở cho việc sử dụng từ ngữ và tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo lời nói.
2. Các nhân tố của ngữ cảnh
- Ngữ cảnh gồm: nhân vật giao tiếp, bối cảnh rộng và hẹp, thực hiện được đề cập đến, văn cảnh.
3. Vai trò của ngữ cảnh
- Đối với người nói người viết: ngữ cảnh là cơ sở để dùng từ, đặt câu và kết hợp từ ngữ
- Đối với người nghe, người đọc: ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội câu văn, hiểu được nội dung ý nghĩa của văn bản, lời nói
Phong cách ngôn ngữ báo chí
1. Tìm hiểu một số loại văn bản báo chí
a) Bản tin: Gồm thời gian, địa điểm, sự kiện chính xác nhằm cung cấp thông tin cho người đọc. Bản tin thường theo một khuôn mẫu là: nguồn tin – thời gian – địa điểm – sự kiện – diễn biến – kết quả.
b) Phóng sự: Cung cấp tin tức hưng mở rộng phần tường thuật chi tiết, mô phỏng bằng hình ảnh, giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ, hấp dẫn sinh động hơn.
c) Tiểu phẩm: Giọng văn thân mật, dân dã, mỉa mai nhưng hàm chứa những kiến thức, những quan điểm, chính kiến về cuộc sống.
2. Nhận xét chung về văn bản báo chí và ngôn ngữ báo chí
- Báo chí tồn tại ở hai dạng chính: Dạng viết (báo viết) và dạng nói (đọc, thuyết minh, phỏng vấn). Ngoài ra còn có báo hình (báo ảnh, truyền hình, báo điện tử).
- Mỗi thể loại có yêu cầu riêng về sử dụng ngôn ngữ, ví dụ ngôn ngữ bản tin, phóng sự, tiểu phẩm… mỗi loại ngôn ngữ có những quy ước riêng.
- Ngôn ngữ báo chí có một chức năng chung là cung cấp tin tức thời sự, phản ánh dư luận và ý kiến của quần chúng. Đồng thời nêu lên quan điểm chính kiến của tờ báo, nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Phần III: Tập làm văn
Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận
1. Phân tích đề là công việc trước tiên và không thể thiếu khi làm bài văn nghị luận. Khi phân tích đề, cần đọc kỹ đề để xác định các yêu cầu của đề về:
- Nội dung luận đề.
- Thao tác lập luận chính và phụ.
- Phạm vi tư liệu cần minh hoạ và các quan hệ từ tạo liên kết các vế câu trong đề (nếu có).
2. Lập dàn bài là lập cái “sườn” cho một bài văn. Đây là một yêu cầu quan trong tạo nên thành công của bài viết.
Quá trình lập dàn bài cần theo một trình tự:
- Bước 1: Trên cơ sở của phần phân tích đề à xác định ý lớn (luận điểm).
- Bước 2: Từ hệ thống ý lớn à xác lập các ý nhỏ làm sáng tỏ cho ý lớn (luận cứ).
- Bước 3: Sắp xếp các luận điểm; luận cứ theo một trình tự lôgic ở mỗi phần bố cục của bài văn:
+ Mở bài: Nêu vấn đề cần nghị luận.
+ Thân bài: Triển khai nội dung nghị luận với các thao tác lập luận cơ bản.
+ Kết bài: Tóm lược vấn đề đã nghị luận g Đánh giá, mở rộng vấn đề.
Thao tác lập luận phân tích
- Mục đích của phân tích đề là làm rõ đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng (sự vật, hiện tượng).
- Lập luận phân tích là chia nhỏ đối tượng ra thành từng phần, rồi xem xét kĩ từng phần đó cả về mặt hình thức và nội dung, về các mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài của chúng. Cuối cùng là khái quát toàn bộ để đưa ra được kết luận về bản chất của đối tượng đó một cách xác thực.
- Phân tích cần đi sâu vào từng yếu tố, từng khía cạnh, song cần đặc biệt lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau trong một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất.
- Yêu cầu của một lập luận phân tích:
+ Xác định vấn đề cần phân tích.
+ Chia vấn đề thành những phần, khía cạnh nhỏ.
+ Khái quát tổng hợp.
Thao tác lập luận so sánh
1. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận so sánh
- Thao tác lập luận so sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.
- Tác dụng của lập luận so sánh là nhằm nhận thức nhanh chóng đặc điểm nổi bật của đối tượng và cùng lúc hiểu biết được hai hay nhiều đối tượng.
- Mục đích của thao tác lập luận so sánh: Trong thế giới khách quan, nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm chung và liên quan mật thiết với nhau, nhưng vẫn có những nét riêng. Tiến hành so sánh là nhằm tìm ra những nét giống và khác nhau giữa các đối tượng để có được những nhận xét đánh giá chính xác về chúng.
- Yêu cầu của so sánh: Khi so sánh phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy được sự giống và khác nhau giữa chúng, đồng thời phải nêu rõ ý kiến của người viết.
2. Cách so sánh
- Trước hết là cần xác định đối tượng nghị luận từ đó tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản, hoặc cần so sánh hai đối tượng cùng lúc
- Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng.
- Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng.
- Xác định giá trị cụ thể của các đối tượng.
Bản tin
1. Mục đích và yêu cầu cơ bản của bản tin
- Bản tin là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí xuất bản định kỳ, sử dụng thể loại tin tức để thông tin về hoạt động nội bộ, hướng dẫn nghiệp vụ, kết quả nghiên cứu, ứng dụng, kết quả các cuộc hội thảo, hội nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Yêu cầu đối với bản tin:
+ Mới mẻ, giàu tính thời sự.
+ Các sự kiện được nêu chân thực, chính xác.
+ Ngắn gọn, cô đọng, gây chú ý.
2. Cách viết bảng tin
*Cấu trúc:
- Đầu đề (tít bài, tiêu đề, tên tin): Ngắn gọn, gây tò mò, hấp dẫn, hé lộ lượng thông tin quan trọng nhất.
- Nội dung: Chính xác về thời gian, địa điểm, diễn biến, kết quả của các sự kiện, hiện tượng đã xảy ra. Các sự kiện quan trọng hơn được nêu trước.
*Lưu ý:
- Trước khi viết bản tin, cân khai thác, lựa chọn sự kiện có ý nghĩa cụ thể, chính xác.
- Tiêu đề và phần mở đầu của bản tin thường nêu trực tiếp, chứa đựng những thông tin khái quát quan trọng nhất. Phần sau có thể chi tiết hóa, giải thích nguyên nhân hoặc kết quả, tường thuật chi tiết sự kiện.
Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
- Phóng vấn và trả lời phóng vấn là một cuộc hỏi - đáp có mục đích, nhằm thu thập hoặc cung cấp thông tin về một chủ đề được quan tâm.
- Người phóng vấn, từ khi chuẩn bị đến lúc tiến hành và trình bày kết quả phỏng vấn, cần tìm những cách thức hữu hiệu đế khai thác được nhiều nhất các thông tin chân thực, đặc sắc về chủ đề được hỏi.
- Người trả lời phóng vấn cần cung cấp đầy đủ những thông tin trung thực, phù hợp với chú đề phỏng vấn. Câu trả lời phái rõ ràng và cố gắng được trình bày sao cho hấp dẫn.
- Trong quá trình phóng vấn, cả người hỏi và người trả lời đều phải giữ thái độ lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau.
B. Cấu trúc đề thi
Đề gồm có hai phần:
- Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 – 4,0 điểm) liên quan đến nội dung trong đoạn ngữ liệu phần đọc hiểu.
- Phần 2: Làm văn (7,0 – 6,0 điểm)
+ Nghị luận xã hội
+ Nghị luận văn học xoay quanh các tác phẩm học trong giới hạn đề ra.
C. Đề thi minh họa
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới.
“Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho hắn cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Của tác giả nào? (0,5 điểm)
Câu 2: Truyện ngắn này được sáng tác năm nào? Viết về đề tài gì? Em hãy lấy thêm ít nhất một tác phẩm khác cũng viết về đề tài này? (0,5 điểm)
Câu 3: Anh (chị) hãy cho biết truyện ngắn này có những nhan đề nào? Ý nghĩa của những nhan đề đó? (1,0 điểm)
Câu 4: Nêu ý nghĩa của bát cháo hành đối với nhân vật “hắn” trong đoạn trích? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: Hãy viết một bài văn ngắn thể hiện suy nghĩ của mình về tính ích kỉ và lòng vị tha của thanh niên học sinh hiện nay? (2,0 điểm)
Câu 2: Cảm nhận của em về cảnh đưa tang trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng) (5,0 điểm)
GỢI Ý
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Câu 2:
- Chí Phèo được Nam Cao viết năm 1941.
- Đề tài: Người nông dân nghèo trước Cách mạng.
- Tác phẩm cùng đề tài: Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố…
Câu 3:
- Ban đầu truyện có tên là Cái lò gạch cũ g Cái lò gạch cũ trở thành biểu tượng về sự xuất hiện tất yếu của hiện tượng Chí Phèo.
- Năm 1941: nhà xuất bản Đời mới đổi lại thành Đôi lứa xứng đôi g Nhấn mạnh mối tình thị Nở – Chí Phèo, chạy theo thị hiếu công chúng lúc bầy giờ.
- Năm 1946: Tác giả tự sửa lại là Chí Phèo, in trong tập Luống cày khái quát được tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.
Câu 4:
- Là liều thuốc giải độc giúp Chí thoát khỏi trận ốm, khơi dậy bản chất người trong Chí.
- Hiện thân của tình yêu thương, tình người chân thành, giản dị. Hương vị của bát cháo hành là hương vị của tình yêu, tình đời, tình người.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1:
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: HS có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí; Cần làm rõ các ý chính sau:
*Thế nào là tính ích kỉ?
- Ích kỉ là chỉ biết vì lợi ích cho riêng mình. Còn ích kỉ hại nhân là chỉ biết vì lợi ích riêng mình mà làm hại người khác.
*Biểu hiện của tính ích kỉ
- Kẻ có tính ích kỉ thường so đo, tính toán để trong bất cứ việc gì cũng có lợi cho mình. Phương châm sống của họ là: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.
- Tính ích kỉ thể hiện dưới nhiểu hình thức và ở nhiều mức độ khác nhau như: lười biếng, tham ăn, dối trá, gian xảo, tham nhũng…Trong học tập, tính ích kỉ bộc lộ qua thái độ thiếu quan tâm tới bạn bè, tới công việc của lớp, của trường (Nêu dẫn chứng).
*Tác hại của tính ích kỉ:
- Gây ra sự chia rẽ mất đoàn kết, làm suy giảm sức mạnh của tập thể, của cộng đồng (Nêu dẫn chứng).
- Những người có chức có quyền mà ích kỉ thì chỉ làm hại dân, hại nước (Nêu dẫn chứng).
*Khái quát nâng cao vấn đề:
- Tính ích kỉ là thói xấu cần phê phán mà học sinh không nên mắc phải.
- Lòng vị tha là đức tính quí báu cần có của mỗi con người. Nó không đòi hỏi gì nhiều ngoài một trái tim nhân hậu biết chia sẻ vui buồn, biết yêu thương đồng bào, đồng loại.
- Nếu ai cũng có lòng vị tha và sống đúng theo phương châm mà Bác Hồ đã dạy: Mình vì mọi người, mọi người vì mình xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Câu 2:
a. Về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận văn học. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí. Cần nêu được các ý chính sau:
- Giới thiệu vài nét về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung tác phẩm.
- Bên ngoài trạng trọng, “gương mẫu” nhưng thật chất chẵng khác gì đám rước nhố nhăng:
+ Đám ma to tát, đi đến đâu làm huyên náo đến đấy.Đám ma nhưng chẳng khác nào đám rước.
+ Có sự phối hợp cà Ta – Tàu – Tây: “Kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu lần lượt thi nhau mà rộn lên”.
+ Mọi người thi nhau chụp ảnh như hội chợ.
+ Ai cũng tỏ ra bộ mặt nghiêm chỉnh nhưng kì thực họ đang thì thầm với nhau về chuyện gia đình, riêng tư.
+ Là dịp để chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông, hẹn hò nhau, bằng vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma “con bé nhà ai kháu thế …chồng gầy thế thì mọc sừng mất! vân vân….”
- Cậu Tú Tân yêu cầu mọi người tạo dáng để chụp ảnh, con cháu tự nguyện trở thành những diễn viên đại tài.
+ Cụ Cố Hồng ho khạc, khóc mếu và ngất đi.
+ Đặc biệt “màn kịch siêu hạng” của Phán mọc sừng cứ oặt người khóc ngất với những âm thanh lạ Hứt!..Hứt!...Hứt!...
- Nghệ thuật :
+ Tạo tình huống bất ngờ thú vị.
+ Phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc.
+ Miêu tả biến hóa, linh hoạt.
- Khẳng định lại vấn đề: giá trị nội dung và nghệ thuật.
Lưu ý: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản vẫn dựa trên những ý chính đã nêu ở trên. Đối với những bài đưa ra quan điểm khác so với đáp án vẫn có thể đạt điểm tối đa nhưng bài viết cần mạch lạc, không mắc lỗi về câu từ, đặc biệt là lí lẽ lập luận và dẫn chứng phải thuyết phục.
Xem thêm đề cương ôn tập môn Văn 11 hay, chi tiết khác:
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)