Ôn tập về dấu câu

- Dấu câu là kí hiệu chữ viết để biểu thị ngữ điệu khác nhau. Những ngữ điệu này lại biểu thị những quan hệ ngữ pháp khác nhau và những mục đích nói khác nhau.

- Mười dấu câu thường dùng là: Dấu chấm, chấm hỏi, chấm than (chấm cảm), dấu phẩy, chấm phẩy, hai chấm, gạch ngang, ngoặc đơn, ngoặc kép, chấm lửng (ba chấm).

a. Dấu chấm:

- Dấu chấm đặt ở cuối câu báo hiệu câu đã kết thúc. Viết hiết câu phải ghi dấu chấm. Khi đọc, gặp dấu chấm phải hạ giọng và nghỉ hơi (nghỉ hơi một quãng bằng khoảng thời gian đọc một chữ). Chữ cái đầu câu phải viết hoa. Dấu chấm thường đặt ở cuối câu kể, đồng thời có khả năng đánh dấu sự kết thúc của một đoạn văn.

b. Dấu phẩy :

- Dấu phẩy được đặt xen kẽ trong câu. Một câu có thể có một hoặc nhiều dấu phẩy. Khi đọc, gặp dấu phẩy phải ngắt hơi ngắn (thời gian ngắt hơi bằng bằng nửa quãng nghỉ hơi sau dấu chấm). Dấu phẩy giúp cho cácý, các phần trong câu được phân cách rõ ràng.

- Dấu phẩy dùng để :

+ Tách các bộ phận cùng loại (đồng chức) với nhau.

+ Tách các bộ phận phụ với nòng cốt câu.

+ Tách các vế câu ghép.

c. Dấu chầm hỏi:

- Dùng đặt cuối câu hỏi. Khi đọc câu có dấu chấm hỏi, cần nhấn mạnh vào nội dung cần hỏi.Thời gian nghỉ lấy hơi sau dấu phẩy như dấu chấm. Sau dấu chấm hỏi, bắt đầu một câu khác, phải viết hoa chữ cái đầu câu.

d. Dấu chấm than (dấu chấm cảm):

- Là dấu câu dùng để đặt cuối câu cảm hoặc câu khiến. Khi gặp dấu chấm cảm phải nghỉ hơi như dấu chấm.

e. Dấu chấm phẩy:

- Là dấu dùng đặt giữa các vế câu hoặc các bộ phận đẳng lập với nhau. Khi đọc phải ngắt ở dấu chấm phẩy, ngắt quãng dài hơn so với dấu phẩy và ngắn hơn so với dấu chấm.

f. Dấu hai chấm:

Là dấu dùng để:

- Báo hiệu lời tiếp theo là lời nói trực tiếp của người khác được dẫn lại (dùng kèm dấu ngoặc kép hoặc dấu gạch đầu dòng).

- Báo hiệu lời tiếp theo là lời giải thích, thuyết minh cho bộ phận đứng trước nó.

g. Dấu gạch ngang:

- Là dấu câu dùng để:

+ Đặt trước những câu hội thoại.

+ Đặt trước bộ phận liệt kê.

+ Dùng để tách phần giải thích với các bộ phận khác của câu.

+ Dùng để đặt trước các con số, tên riêng để chỉ sự liên kết.

h. Dấu ngoặc đơn: 

- Là dấu câu dùng để:

+ Chỉ ra nguồn gốc trích dẫn.

+ Chỉ ra lời giải thích.

i. Dấu ngoặc kép: 

- Dùng để:

+ Báo hiệu lời dẫn trực tiếp.

+ Đánh dấu tên một tác phẩm.

+ Báo hiệu những từ trong ngoặc kép phải hiểu theo nghĩa khác với nghĩa vốn có của nó hoặc hiểu theo nghĩa ngược lại, mỉa mai.

k. Dấu chấm lửng (dấu ba chấm): 

- Dùng để :

+ Biểu thị lời nói bị đứt quãng vì xúc động.

+ Ghi lại những chỗ kéo dài của âm thanh.

+ Chỉ ra rằng người nói chưa nói hết.

l. Ví dụ: 

- Dấu chấm (.) : Đặt cuối câu kể: Chị tôi đan nón lá cọ để xuất khẩu.

- Dấu phẩy (,):

+  Ngăn cách giữa trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ: Sáng nay, gió lạnh đã tràn về.

+  Ngăn cách giữa các vế trong câu ghép : Lan học Toán, Nam học văn.

+  Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu: Hoa, Lan, Minh là những học sinh giỏi.

- Dấu chấm hỏi (?): Đặt cuối câu hỏi: Thuở đi học, chữ Cao Bá Quát như thế nào?

- Dấu chấm than, chấm cảm (!): Đặt cuối câu cảm, câu khiến: 

+ Bạn Giang học giỏi thật!

+ Nhà vua hãy hoàn lại gươm cho Long Vương!

- Dấu chấm phẩy (;) : 

+ Ngăn cách các vế trong câu ghép đẳng lập: Đất nước ta giàu đẹp; nhân dân ta cần cù.

+ Tách các nhóm ý hoặc ý lớn trong một câu khi chúng có sự khác biệt nào đó với nhau: Nó lấy đầu nén đất của tổ nhiều lần cho chắc rồi san bằng; không thể nhận ra tổ dế ở chỗ nào nữa.

+ Phân tách các ý lớn có tác dụng liệt kê: Những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra: cánh đồng với những đàn trâu thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi.

+ Khi các vế có tác dụng bổ sung cho nhau: Sáng tạo là vấn đề rất quan trọng; không sáng tạo không làm cách mạng được.

+ Dùng để tách các bộ phận đẳng lập với nhau: Nó mua sách, vở; chăn, màn.

+ Cách đọc: Khi đọc phải ngắt hơi ở dấu chấm phẩy, quãng ngắt dài hơn so với dấu phẩy và ngắn hơn so với dấu chấm.

- Dấu hai chấm (:) :

+ Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời dẫn trực tiếp của người khác (dẫn lời nói của các nhân vật) thường dùng kết hợp với dấu ngoặc kép hoặc dấu gạch ngang đầu dòng.

a) Hải reo lên: “A, mẹ đã về!”

b) Tôi thở dài:

  - Còn đứa bị điểm không, nó tả như thế nào?

+ Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước: Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay, tôi đi học.

+ Dấu hai chấm đặt trước khi liệt kê các sự vật cần được giải thích: Ở trường, em được học rất nhiều môn: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức,...

- Dấu gạch ngang (-)

+ Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật  trong đối thoại.

Thấy tôi sán đến gần, ông hỏi tôi :

- Cháu con ai ?

- Thưa ông, cháu là con ông Thư.

+ Dấu gạch ngang đánh dấu phần chú thích trong câu văn: Cái đuôi dài - bộ phận khỏe nhất của con vật kinh khủng dùng để tấn công - đã bị trói xếp vào bên mạng sườn.

+ Đặt trước bộ phận liệt kê

Năm nay, nó sẽ phấn đấu về các mặt:

- Học tập

- Thể dục thể thao.

+ Dùng để đặt giữa các con số, nối tên các địa danh, tổ chức có liên quan đến nhau

Năm học 2019 - 2020

Tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.

- Dấu ngoặc đơn ( ) : 

+ Chỉ ra nguồn gốc trích dẫn

Không có gì quý hơn độc lập tự do. (Hồ Chí Minh)

+ Đánh dấu phần chú thích (giải thích, thuyết minh, bổ sung thêm).

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích.

+ Nêu ra một tên khác: Trước ngày cách mạng Phan Văn San (Phan Bội Châu) vừa đi học vừa dạy học.

+ Dấu ngoặc đơn còn nêu lên chức vụ, nghề nghiệp, đặc điểm: Ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng Chính phủ) đến thăm Vĩnh Phúc.

+ Nêu nguồn gốc, địa chỉ: Nhà vô địch trong cuộc thi đường lên đỉnh Olympia 2019 là Trần Thế Trung (THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)

-  Dấu ngoặc kép ( “…” )

+ Dấu ngoặc kép thường dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc của người nào đó.

Bác tự cho mình là “người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”  là “đầy tớ trung thành của nhân dân”

Nếu lời nói trực tiếp là một câu trọn vẹn hay một đoạn văn thì trước dấu ngoặc kép ta thường phải thêm dấu hai chấm: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.”

+ Đánh dấu tên gọi của một tác phẩm: Tác phẩm “Hòn Đất” của Anh Đức.

+ Dấu ngoặc kép còn được dùng để đánh dấu những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt (những từ ngữ trong ngoặc kép phải hiểu theo nghĩa khác với nghĩa vốn có của nó hoặc hiểu theo nghĩa ngược lại, mỉa mai).

a) Có bạn tắc kè hoa

Xây “lầu” trên cây đa

b) Nó đứng “thứ nhất” từ dưới lên.

- Dấu chấm lửng (dấu ba chấm) (…) : 

+ Biểu thị lời nói bị đứt quãng vì xúc động: Ông cụ đã ra đi rồi sao. Thật không ngờ…

+ Ghi lại chỗ kéo dài của âm thanh: Bỗng một tiếng ầm...ầm....ầm... rung động không gian.

+ Chỉ ra rằng người nói chưa hết: Ô hay, có điều gì bố con trong nhà bảo nhau chứ sao lại…

+ Biểu thị ý liệt kê chưa hết: Biển có nghìn thứ cá như: cá thu, cá nhụ, cá song, cá hồi,...

+ Để chỉ ra rằng lời dẫn trực tiếp bị lược bớt một số câu (khi đó dấu chấm lửng thường được đặt trong dấu ngoặc đơn hoặc ngoặc vuông): Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có (…).

+ Cách đọc: Khi đọc đến dấu chấm lửng phải ngắt đoạn.

Xem thêm tài liệu ôn tập môn Tiếng Việt lớp 5 chọn lọc hay khác:


Đề thi, giáo án các lớp các môn học