Top 30 đoạn văn suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa

Tổng hợp trên 30 đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa trong đoạn trích Trưởng giả học làm sang hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Đoạn văn suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa - mẫu 1

Trong vở hài kịch Trưởng giả học làm sang chi tiết phó may may áo ngược hoa đã cho thấy ông Giuốc-đanh là một kẻ ngu dốt, ưa nịnh, học đòi làm sang còn tên phó may thì ranh mãnh dùng mánh khóe nịnh hót để moi tiền, điểm huyệt đúng thói học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh. Ông Giuốc-đanh trách thì bác phó may lại kêu ông có dặn may xuôi đâu. Giuốc-đanh bực mình lắm nhưng khi nghe bác phó may nói quý tộc thường mặc thế thì ông lại thôi, vì cốt sao ông mặc cho giống một quý tộc là được. Chỉ cần có thế bác phó may không cần may lại mà lại còn được khen là may được đấy. Tất cả mọi thứ được qua loa khi bộ áo khen là giống quý tộc kể cả chuyện ăn bớt vải cũng không đáng quan tâm nữa. Điều đáng buồn cười thứ hai là vải hoa thì đương nhiên phải may bông hoa hướng lên trên, nhưng bác phó chẳng biết là do vụng hay do cố tình biến Giuốc-đanh thành trò cười cho thiên hạ nên đã may hoa chúc xuống phía dưới. Qua đây có thể thấy được nhà viết kịch Mô-li-e thật sự thành công khi xây dựng nhân vật Giuốc-đanh này đồng thời qua đây tác giả phê phán những người ham danh hão, muốn học người ta làm quý tộc trong khi bản thân không biết gì, để cho những nhân vật kia lừa gạt một cách trắng trợn.Vở hài kịch Trưởng giả học làm sang là lời cảnh báo cho những kẻ bị tha hóa về nhân cách, hoang tưởng về mình, ham thích những thứ mình không thể có và không nên có.

Đoạn văn suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa - mẫu 2

Nhắc đến vở kịch "Trưởng giả học làm sang", ta không thể bỏ qua chi tiết phó may may áo hoa ngược. Ban đầu nhìn thấy bộ đồ, ông Giuốc-đanh rất không hài lòng. Nhưng thay vì hối lỗi, nhận sai về mình, tên phó may lại lươn lẹo kêu rằng đó là do ông không bảo phải may hoa xuôi. Hắn nắm được thói hư vinh của người trưởng giả này, bảo quý tộc bây giờ toàn mặc hoa ngược. Điều này khiến ông Giuốc-đanh lập tức thay đổi thái độ, chuyển sang khen ngợi tay nghề của tên phó may gian trá. Thực chất, bộ đồ may hoa ngược là minh chứng cho sự kém cỏi, vô trách nhiệm của phó may. Nhưng bởi thói đua đòi cùng vốn kiến thức ít ỏi, ông Giuốc-đanh đã dễ dàng bị hắn thao túng, lừa gạt. Chỉ với một chi tiết nhỏ bé, tác giả không ngần ngại thẳng thừng phê phán hai nhân vật - cũng là hai loại người trong xã hội. Qua đây, ta cũng thấy được cái tài cũng như tư tưởng vượt trội của nhà viết kịch nổi tiếng Mô-li-e.

Đoạn văn suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa - mẫu 3

"Trưởng giả học làm sang" là một trong những tác phẩm xuất sắc của thể loại hài kịch. Đặc biệt, chi tiết phó may may áo hoa ngược đã mang đến cho người đọc rất nhiều suy ngẫm. Điều này trước tiên nói lên sự kém cỏi của tên phó may. Một người thợ mà đến họa tiết cũng may ngược thì phải chăng hắn đã quá vô trách nhiệm? Thậm chí, hắn còn lừa ông Giuốc-đanh rằng quý tộc bây giờ đều mặc như vậy. Và với sự thiếu hiểu biết của mình, ông Giuốc-đanh đã tin hắn. Nhân vật này tượng trưng cho những kẻ ảo tưởng, mù quáng, bị danh vọng hão làm mờ con mắt. Đây cũng chính là sự phê phán tiếp theo mà Mô-li-e muốn người đọc nhận ra. Qua đó, ta lại càng rõ hơn tính châm biếm sâu cay của ngòi bút Mô-li-e.

Đoạn văn suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa - mẫu 4

Với chi tiết chiếc áo ngược hoa trong đoạn trích "Trưởng giả học làm sang", Mô-li-e đã thành công thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đầu tiên chính là sự phê phán dành cho những kẻ kém cỏi, hay chính là tên phó may. Hết đôi tất với đôi giày chật, hắn lại làm cho ông Giuốc-đanh một bộ đồ ngược hoa. Nhưng nhờ có sự lươn lẹo, gian trá, tên phó may đã nắm được thói hư vinh của khách hàng. Từ đó, khiến ông ta thay đổi thái độ, chuyển sang vừa ý, hài lòng. Qua đây, Mô-li-e cũng đồng thời phê phán thói đua đòi, ham danh vọng hão huyền cùng sự thiếu hiểu biết, mù quáng, ảo tưởng của tầng lớp "nhà giàu mới nổi". Họ dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng, biến mình thành một trò đùa lố bịch cho người khác. Đó quả là những trường hợp đáng phê phán trong xã hội.

Xem thêm các bài Soạn văn 8 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác: