Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 39 Tập 1 - Kết nối tri thức

Với soạn bài Tri thức ngữ văn trang 39 Tập 1 trang 39 Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

1. Thơ Đường luật

Thơ Đường luật là thuật ngữ chỉ chung các thể thơ được viết theo quy tắc chặt chẽ (luật) định hình từ thời nhà Đường (Trung Quốc), gồm hai thể chính là bát cú Đường luật và tứ tuyệt Đường luật, trong đó thất ngôn bát cú (mỗi câu thơ có 7 tiếng, mỗi bài thơ có 8 câu) được xác định là dạng cơ bản nhất. Bài thơ Đường luật có quy định nghiêm ngặt về hòa thanh (phối hợp, điều hòa thanh điệu), về niêm, đối, vần và nhịp. Ngôn ngữ thơ Đường luật rất cô đọng, hàm súc; bút pháp tả cảnh thiên về gợi và ngụ tình; ý thơ thường gắn với mối liên hệ giữa tình và cảnh, tĩnh và động, thời gian và không gian, quá khứ và hiện tại, hữu hạn và vô hạn,…

2. Thất ngôn bát cú Đường luật

- Về bố cục: bài thơ thất ngôn bát cú gồm bốn cặp câu thơ, thường tương ứng với bốn phần: đề (triển khai ẩn ý chứa trong nhan đề), thực (nói rõ các khía cạnh chính của đối tượng được bài thơ đề cập), luận (luận giải, mở rộng suy nghĩ về đối tượng), kết (thâu tóm tinh thần của cả bài, có thể kết hợp mở ra những ý tưởng mới). Khi đọc hiểu, cũng có thể vận dụng cách chia bố cục bài thơ thành hai phần: bốn câu đầu, bốn câu cuối hoặc sáu câu đầu, hai câu cuối.

- Về niêm và luật bằng trắc: Bài thơ phải sắp xếp thanh bằng, thanh trắc trong từng câu và cả bài theo quy định chặt chẽ. Quy định này được tính từ chữ thứ 2 của câu thứ nhất: nếu chữ này là thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng, là thanh trắc thì bài thơ thuộc luật trắc. Trong mỗi câu, các thanh bằng, trắc đan xen nhau đảm bảo sự hài hòa, cân bằng, luật quy định ở chữ thứ 2, 4, 6; trong mỗi cặp câu (liên), các thanh bằng, trắc phải ngược nhau. Về niêm, hai cặp câu liền nhau được “dính” theo nguyên tắc: chữ thứ 2 của câu 2 và câu 3, câu 4 và câu 5, câu 6 và câu 7, câu 1 và câu 8 phải cùng thanh.

- Về vần và nhịp: Bài thơ thất ngôn bát cú chỉ gieo vần là vần bằng ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8; riêng vần của câu thứ nhất có thể linh hoạt. Câu thơ trong bài thất ngôn bát cú thường ngắt theo nhịp 4/3.

- Về đối: Bài thơ thất ngôn bát cú chủ yếu sử dụng phép đối ở hai câu thực và hai câu luận.

3. Tứ tuyệt Đường luật

Mỗi bài tứ tuyệt Đường luật có bốn câu, mỗi câu có năm chữ hoặc bảy chữ. Về bố cục, nhiều bài thơ tứ tuyệt triển khai theo hướng: khởi (mở ý cho bài thơ), thừa (tiếp nối, phát triển ý thơ), chuyển (chuyển hướng ý thơ), hợp (thâu tóm ý tứ của toàn bài). Về luật thơ, bài thơ tứ tuyệt cơ bản vẫn tuân theo các quy định như ở bài thơ thất ngôn bát cú nhưng không bắt buộc phải đối.

4. Từ tượng hình và từ tượng thanh

Từ tượng hình là từ gợi tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật, từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên hoặc con người. Các từ tượng hình, từ tượng thanh có giá trị gợi hình ảnh, âm thanh và có tính biểu cảm, làm cho đối tượng cần miêu tả hiện lên cụ thể, sinh động.

5. Biện pháp tu từ đảo ngữ

Đảo ngữ là biện pháp tu từ được tạo ra bằng cách thay đổi vị trí thông thường của các từ ngữ trong câu nhằm nhấn mạnh đặc điểm (màu sắc, đường nét,…), hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng, gợi ấn tượng rõ hơn hoặc bộc lộ cảm xúc của người viết (người nói).

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Kết nối tri thức khác