Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại) - Kết nối tri thức

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại) trang 114 → 118 Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

Soạn bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại) - Cô Lê Hạnh (Giáo viên VietJack)

Con người thường có xu hướng vươn tới những điều tốt đẹp, tự hoàn thiện chính mình. Đi liền với quá trình đó, mỗi người cần rèn khả năng nhận ra thói hư tật xấu của bản thân và những người xung quanh nhằm tự điều chỉnh, loại bỏ nó. Các văn bản đọc trong bài đã giúp em nhận ra những điều đáng phê phán của con người trong xã hội hiện nay. Qua bài viết, em có cơ hội trình bày suy nghĩ nghiêm túc của mình về những phương diện chưa hoàn thiện của con người, dùng lí lẽ sắc bén và bằng chứng xác thực để thuyết phục người đọc đồng tình với suy nghĩ của em, góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Yêu cầu:

- Nêu được vấn đề nghị luận.

- Làm rõ vấn đề nghị luận (giải thích vấn đề đời sống được bàn luận).

- Trình bày được ý kiến phê phán của người viết, nêu rõ lí lẽ và bằng chứng để chứng minh sự phê phán là có cơ sở.

- Đối thoại với những ý kiến khác (giả định) nhằm khẳng định quan điểm của người viết.

Phân tích bài viết tham khảo

Hiện tượng học đòi trong giới trẻ hiện nay

1. Nêu vấn đề nghị luận

Thói học đòi trong giới trẻ hiện nay.

2. Làm rõ vấn đề nghị luận

Học đòi là học theo những điều xấu hoặc không phù hợp.

3. Trình bày ý kiến phê phán

Học đòi mang đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không tốt đến lối sống của thanh thiếu niên.

4. Đối thoại với ý kiến khác

Học hỏi người khác cũng là cách bắt chước.

5. Khẳng định ý kiến phê phán, rút ra bài học

- Học đòi không hẳn đã gây nguy hại ngay lập tức cho ta, nhưng làm ta mất khả năng định hướng giá trị bản thân.

- Soi vào bản thân mình và những người xung quanh, tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi, không bị sa đà vào thói học đòi vô bổ.

Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Em hãy suy ngẫm về chính mình và quan sát hành vi, lối sống của những người xung quanh hoặc tìm hiểu trên sách báo, phương tiện truyền thông để nhận ra những thói xấu của con người, từ đó chọn được vấn đề để bàn luận.

Sau đây là một số đề tài gợi ý để em lựa chọn:

- Sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân.

- Thói lười nhác, hay than vãn.

- Sự ba phải, thiếu chủ kiến khi làm việc nhóm.

- Thói ích kỉ.

- Lối sống ảo mà một số người đang theo đuổi.

b. Tìm ý

Sau khi xác định được vấn đề nghị luận, em hãy tìm ý bằng cách trả lời một số câu hỏi:

- Vấn đề được nêu ra là gì?

- Vấn đề đó được hiểu như thế nào? Vì sao nó đáng phê phán?

- Làm thế nào để ý kiến phê phán của mình có sức thuyết phục?

- Liệu có ý kiến nào không đồng tình với ý kiến phê phán của mình không?

c. Lập dàn ý

Em hãy sắp xếp các ý tìm được thành một dàn ý.

Dàn ý

- Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại).

- Thân bài:

+ Làm rõ vấn đề nghị luận.

+ Trình bày ý kiến phê phán, nêu lí lẽ và bằng chứng để chứng minh sự phê phán là có cơ sở.

+ Nêu ý kiến không đồng tình (giả định) với ý kiến của người viết và tranh luận với ý kiến đó.

- Kết bài: Khẳng định ý kiến phê phán, rút ra bài học.

2. Viết bài

Khi viết bài, em cần chú ý:

- Lí lẽ cần sáng rõ, chặt chẽ.

- Các bằng chứng cần đa dạng, xác thực. Nêu cả những trải nghiệm của bản thân (nếu có).

- Khi phê phán cần sử dụng lời lẽ đúng mực.

Bài viết tham khảo

Mỗi con người sinh ra là một cá thể khác biệt, có những nét tính cách khác nhau. Chúng ta phải hoàn thiện bản thân từng ngày để trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên có nhiều đức tính khiến cho bản thân mình trở nên đáng trách, một trong số đó chính là tính ích kỉ.

Vậy tính ích kỉ là gì? Ích kỷ có thể hiểu là chỉ sống cho bản thân mình, lo cho bản thân mình, còn người khác thì mặc kệ, không quan tâm. Những người sống ích kỷ thường chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, thua thiệt như thế nào.

Biểu hiện của tính ích kỷ trong mỗi con người rất rõ nét. Họ sẽ luôn sống trong tư thế không chịu mở lòng, làm việc gì cũng phải tính toán hơn thua với người khác, nếu thấy lợi về mình thì mới làm còn ngược lại thì thôi. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực, không chỉ bào mòn bản chất của chính mình mà còn ảnh hưởng đến xã hội.

Những người chỉ lo đến mình, khư khư giữ lấy lợi ích của riêng mình luôn phải sống trong cái vỏ bọc mà họ tạo ra, rất kín đáo. Chúng ta không thể chui vào đó được, vì hàng rào rất chắc chắn, họ sẽ ít mở lòng, ít hòa đồng và hơn hết là khi nào thấy có lợi ích thì mới làm.

Trong một lớp học, sự ích kỷ biểu hiện rất rõ nét. Khi mình học giỏi hơn bạn, nhưng bạn hỏi về bài toán thì lại bảo không biết, chưa làm được. Đây là một hành động không nên. Và chúng ta nên hạn chế, đừng để nó xảy ra trong cuộc sống của mình. Vì làm như thế chúng ta sẽ bị họ xa lánh, bị bạn bè nói này nói nọ. Bản thân bạn càng ngày càng có thêm thói quen xấu.

Lòng ích kỷ còn có biểu hiện khác, không kém phần sắc nét. Những người có sẵn tính ích kỷ trong người thường né tránh những việc khó khăn, thử thách. Họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, vì ngại khó khăn gian khổ, chỉ muốn được hưởng thụ quyền lợi. Có thể họ làm được lần đầu tiên nhưng sẽ không có lần thứ 2 và thứ 3 vì mọi người đã biết tính cách của bạn xấu xa như thế nào.

Một người luôn mơ ước có cái này cái kia, thành ông này ông nọ nhưng lại ngại khó khăn, gian khổ, luôn toan tính để đạt được mọi việc bằng thủ đoạn thì chẳng mấy chốc lâu đài cát ấy sụp đổ.

Hậu quả của tính ích kỉ thật khó lường. Bị mọi người xa lánh, và chính bản thân mình cũng không bao giờ có thể phát triển được. Vì ích kỷ nên khi bạn gặp khó khăn thì chỉ một mình bạn vượt qua, không có bạn bè, không có ai bên cạnh. Bạn gieo nhân nào thì gặp quả đấy. Đó chính là luật nhân quả mà bạn phải biết để có thể hoàn thiện bản thân mình từng ngày.

Nếu xã hội có rất nhiều người như vậy thì chắc chắn rằng xã hội đó sẽ không bao giờ phát triển được.

Bởi vậy để có thể mang lại một xã hội tốt đẹp cũng như giúp bạn có thể hoàn thiện mình hơn thì hãy vứt bỏ tính ích kỉ, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người, quan tâm đến mọi người. Như thế bạn đang tự xây dựng một con người tốt đẹp cho mình.

3. Chỉnh sửa bài viết

Đối chiếu bài viết của em với yêu cầu của kiểu bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại), chỉnh sửa những chỗ cần thiết sao cho:

- Vấn đề nghị luận được nêu một cách rõ ràng, được giải thích đầy đủ, toàn diện.

- Ý kiến phê phán được nêu một cách mạch lạc, chắc chắn, lí lẽ xác đáng và bằng chứng thuyết phục.

- Ý kiến phê phán được khẳng định trên cơ sở đối sánh với các quan điểm khác về vấn đề.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác: