Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - Kết nối tri thức

Với soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) trang 28 → 32 Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

Soạn bài: Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) - Cô Lê Hạnh (Giáo viên VietJack)

* Yêu cầu:

- Giới thiệu được lí do, mục đích của chuyến tham quan một di tích lịch sử, văn hóa.

- Kể được diễn biến chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…).

- Nêu được ấn tượng về những đặc điểm nổi bật của di tích (phong cảnh, con người, công trình kiến trúc,…).

- Thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ về chuyến đi.

- Sử dụng được yếu tố miêu tả, biểu cảm trong bài viết.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản “Chuyến tham quan khu lưu niệm Nguyễn Du”

1. Nêu mục đích chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

Giúp học sinh biết yêu mến, tự hào về một trong những địa chỉ văn hóa quan trọng – nơi gìn giữ những dấu tích và hiện vật liên quan tới một nhà thơ vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa của thế giới.

2. Kể lại diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động nổi bật trong chuyến đi,…).

- Ba chiếc xe khách chở hơn 100 học sinh khối 8 xuất phát, trên xe cô giáo phụ trách giới thiệu những vùng đất xe qua, không khác gì một hướng dẫn viên du lịch.

- Đi hơn chục cây số đã đến đươc khu di tích: Di tích quốc gia đặc biệt – Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du.

3. Đan xen giữa kể chuyện với trình bày các thông tin chính và ấn tượng về những nét nổi bật của địa điểm tham quan.

- Thuyết minh về các hạng mục chính của di tích.

- Chụp ảnh lưu niệm và quay trở về.

4. Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

- Trên đường về, dường như ai cũng trầm lắng hơn.

- Những cảnh vật được ngắm nhìn hôm nay bỗng lại hiện ra rõ mồn một trong tâm trí tôi, như một cuốn phim quay chậm.

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Em liệt kê một số chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa mà mình từng tham gia, sau đó, chọn một chuyến đi đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất để lại.

b. Tìm ý

Ví dụ: Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) đáng nhớ nhất.

Sau khi lựa chọn được chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa làm đề tài cho bài viết, hãy tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

- Chuyến đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa nào? Do ai tổ chức? Mục đích của chuyến tham quan là gì?

- Chuyến đi diễn ra như thế nào? (trên đường đi, lúc bắt đầu đến điểm tham quan, các hoạt động chính tiếp theo,…).

- Khung cảnh của chuyến tham quan có gì nổi bật? (cảnh thiên nhiên, các công trình kiến trúc, những hiện vật được trưng bày ở khu di tích,…).

- Em có cảm xúc, suy nghĩ gì về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa đó? (Nêu ấn tượng về chuyến đi; hiểu biết mới về văn hóa, lịch sử của đất nưỡ; tình cảm với quê hương…).

c. Lập dàn ý

Sắp xếp các ý đã tìm được vào từng phần để thành dàn ý

- Mở bài:

+ Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

+ Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi.

- Thân bài:

+ Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…).

+ Thuyết minh, miêu tả và nêu ấn tượng của em về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hóa (thiên nhiên, con người, công trình kiến thúc,…).

- Kết bài:

Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

2. Viết bài

Bám sát dàn ý để viết bài. Trong qua trình viết, em cần lưu ý:

- Các ý của bài viết đảm bảo phản ánh đúng trình tự thời gian của chuyến tham quan, ứng với từng điểm không gian khu di tích.

- Nêu được những hoạt động nổi bật khiến chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa để lại ấn tượng, cảm xúc sâu đậm cho em.

- Ngôn ngữ bài viết cần sinh động, vừa kể chi tiết, cụ thể vừa thể hiện được cảm xúc; sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, điệp ngữ, các yếu tố miêu tả, biểu cảm,… để tăng sức hấp dẫn cho bài viết.

Bài viết tham khảo

Cuộc đời mỗi con người là những chuyến đi dài ngắn khác nhau. Sau mỗi chuyến đi ấy, chúng ta lại đón nhận thêm được nhiều điều mới mẻ. Tôi may mắn được tham gia rất nhiều chuyến tham quan, nhưng chuyến tham quan mà tôi nhớ nhất là chuyến tham quan Mai Châu – Hòa Bình năm ngoái. Chuyến đi giúp chúng tôi khám phá vẻ đẹp quê hương đất nước và bồi dưỡng tình cảm với mảnh đất xinh đẹp này.

Thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm học lớp 7, lớp chúng tôi tổ chức một chuyến đi tham quan xa 2 ngày 1 đêm. Thông báo đột ngột đến khiến cả lớp bất ngờ và vô cùng vui sướng. Đứa nào đứa ấy đều nôn nóng, rối rít chuẩn bị đồ đạc. Hai ngày sau đó, chúng tôi xuất phát. Xe du lịch chầm chậm rời khỏi nội thành thủ đô, ánh nắng khuất dần sau những tòa nhà cao chót vót. Khói bụi và tiếng còi xe ồn ào cũng biến mất dần ở phía sau, xe đưa chúng tôi băng qua những con đường bóng cây xanh rợp mắt.

Đến gần trưa, núi đồi và những rừng cây xanh mát nhanh chóng choáng ngợp trước tầm mắt háo hức của chúng tôi. Hòa Bình đã chập chững bước chân sang mùa đông nên càng lên cao, những hạt mưa li ti càng lất phất. Chúng tôi nghỉ chân tại Đào Thung Khe (Đèo đá trắng). Đứng trên đèo nhìn xuống, tôi nhìn thấy toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Bác tài còn nói, một ngày ở Thung Khe cũng như trải qua 4 mùa trong năm vậy. Xe lại lăn bánh, bác tài xế vừa cẩn thận cầm lái vừa giải thích một chút địa hình nơi này, những dãy núi đá đỏ gạch kia, mỗi lần mưa bão lại sụp xuống, gây bao nguy hiểm cho người đi đường và người dân nơi đây.

Xe đi qua những dãy đồi trồng mía, trồng cam – giống cam Cao Phong nổi tiếng, những ngôi nhà sàn rồi dừng lại ở một dãy nhà sàn được dùng cho du khách đến tham quan. Dưới sư hướng dẫn của cô chủ nhiệm, thầy phụ trách và các bác phụ huynh, chúng tôi thu dọn đồ đạc và nghỉ ngơi một chút.

Chiều đến, một thiếu nữ xinh xắn mặc trang phục người Mèo đến hướng dẫn đoàn tham quan chúng tôi. Chị ấy mặc váy xòe rực rỡ, nói giọng miền Bắc lại vô cùng tốt. Lần lượt dẫn chúng tôi đến các điểm tham quan. Mai Châu vào tháng 10, 11, 12 ngập tràn những cánh rừng hoa đào, hoa mận trắng xóa. Địa điểm đầu tiên là Bản Lác và bản Poom Coọng - 2 làng du lịch lớn nhất và đông đúc nhất ở Mai Châu. Đến đây, chúng tôi được thưởng thức đặc sản Mai Châu, mua quà lưu niệm và khám phá những nét văn hóa, đời sống, lễ hội của người dân Mai Châu. Đi hết hai bản này trời cũng sập tối, đoàn trở về nhà sàn, ăn uống, vui chơi. Trong đêm hôm ấy, lũ chúng tôi lần đầu tiên nằm cạnh bên nhau, thì thầm nhỏ to những câu chuyện bí mật.

Sáng sớm hôm sau, tôi giật mình nghe tiếng gà như tiếng gà ở những miền quê, không khí Mai Châu yên bình và trong lành vô cùng. Chúng tôi đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi lại lên những chiếc xe điện, tiếp tục tham quan. Nơi chúng tôi đến là Hang Mỏ Luông và Hang Chiều - 2 quần thể hang động lớn và đặc sắc ở Mai Châu. Bước vào hang động, tôi ngỡ ngàng nhìn ngắm những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi, nhiều hình thù và màu sắc cực đẹp, không thua gì nhũ đá ở Phong Nha Kẻ Bàng.

Xe điện chầm chậm chạy qua những bản làng của người dân tộc, những cánh đồng lúa bao la dần ngả vàng, người dân nơi đây dõi mắt theo xe. Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn. Nhìn những thiếu nữ còn ít tuổi đã hai tay ôm hai đứa trẻ, lòng tôi trào dâng niềm thương cảm. Trên con đường về nhà sàn, chúng tôi gặp cả những gia đình người nước ngoài, họ vui vẻ đạp xe, thân thiện vẫy tay chào chúng tôi.

Cuộc vui nào cũng đến hồi kết, chúng tôi dạo quanh những khu bán đồ của người dân địa phương, mua quà lưu niệm. Những ống cơm lam thơm ngọt ngào, những vật dụng, trang phục thổ cẩm xinh đẹp khiến mọi người nhìn không chớp mắt. Tạm biệt Mai Châu, xe ngược đường quay lại thủ đô. Điều đặc biệt trong chuyến đi ấy là trên đường về, chúng tôi còn được tự tay vào những vườn cam Cao Phong, hái những quả cam tươi để mang về.

Hà Nội náo nhiệt lại gần ngay trước mắt. Chúng tôi mỗi người ôm một món quà của Mai Châu, mang theo một ấn tượng riêng về thiên nhiên và con người Mai Châu, lòng tự nhủ sẽ lần nữa về tham quan nơi bản làng xinh đẹp ấy.

3. Chính sửa bài viết

Sau khi hoàn thành bài viết, rà soát và chỉnh sửa theo gợi ý sau:

- Nếu bài viết chưa giới thiệu rõ về chuyến tham quan, cần viết cụ thể hơn.

- Nếu bài viết nêu chưa đầy đủ các hoạt động chính theo trình tự thời gian thì bổ sung và sắp xếp lại.

- Nếu việc kể, tả chưa làm nổi bật được đặc điểm của khu di tích và ấn tượng của người viết thì hình dung lại để viết thêm.

- Nếu bài viết chưa nêu rõ suy nghĩ, cảm xúc về chuyến đi thì bổ sung.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác: