Cách viết bài văn miêu tả cây cối lớp 4 (hay nhất)
Cách viết bài văn miêu tả cây cối lớp 4 hay nhất dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
I. Cách viết bài văn miêu tả cây cối
- Bài văn miêu tả cây cối thường có 3 phần:
+ Mở bài: Giới thiệu bao quát về cây (tên cây, nơi cây mọc,…).
+ Thân bài: Tả lần lượt từng bộ phận của cây hoặc tả đặc điểm của cây theo từng thời kì phát triển. Có thể kết hợp tả sự vật, hoạt động có liên quan đến cây.
+ Kết bài: Nêu ấn tượng đặc biệt hoặc tình cảm của người tả với cây.
- Lưu ý khi viết bài văn miêu tả cây cối:
+ Trước khi viết bài văn miêu tả, em cần quan sát cây để nhận biết các đặc điểm nổi bật của cây.
+ Khi viết, em nên sử dụng các từ chỉ đặc điểm, biện pháp so sánh, nhân hoá,…
+ Bài văn tả cây cối nên có những từ ngữ, câu văn bộc lộ rõ tình cảm, cảm xúc của người viết đối với cây.
II. Đoạn văn mẫu
Đề 1. Bài văn miêu tả cây hoa loa kèn
Mùa hè về, ruộng hoa loa kèn của dì em bắt đầu nở rộ. Đây là loài hoa chỉ nở vào tháng ba hằng năm, báo hiệu một mùa hè rạo rực sắp về.
Những cây loa kèn mà dì em trồng trên ruộng xếp thẳng hàng ngay ngắn như chúng em xếp hàng vào lớp. Cây nào cũng cao đến thắt lưng của em. Chúng được trồng từ củ, không có thân cây chính. Các chiếc lá đều mọc trực tiếp từ củ hoa, bọc sát vào nhau. Lớp lá trong cùng mọc thẳng, cuộn phần gốc lại cho lớp lá ngoài ôm vào, cứ thế tạo nên một bụi lá um tùm. Lá loa kèn có dáng như lá mía. Mỗi chiếc lá dài khoảng chừng 30cm, bề ngang khoảng bằng hai đến ba đốt ngón tay. Lá cây khá dày, màu xanh thẫm, mép lá bo tròn nên rất an toàn cho người chăm sóc. Các chiếc lá đó cong con như vầng trăng, uốn một đường cong duyên dáng, ưỡn phần bụng lên cao rồi chúi đầu lá xuống gần mặt đất. Lá càng ở phía ngoài cùng sẽ càng đậm màu hơn và ngả ra nhiều hơn, bởi nó phải nhường chỗ cho những chiếc lá ở trong nữa. Và từ chính giữa bụi lá đó, ngồng hoa sẽ mọc lên.
Ngồng hoa thoạt đầu là một cây trụ tròn màu xanh lá. Phía trên đầu là một cái nụ bé xíu cùng màu rất khó nhìn ra. Theo sự dài ra của ngồng hoa, nụ hoa cũng to lên rõ rệt. Chờ khi phần ngòng cao vượt lên hẳn so với phần lá thì mới dừng lại. Lúc đó, phần nụ cũng lớn hẳn rồi. Lúc này điều kì diệu sẽ xuất hiện. Chiếc nụ lớn đó nứt ra, để lộ hai đến ba, thậm chí là bốn nụ hoa loa kèn ở bên trong. Vỏ bọc vừa nứt, các nụ hoa liền háo hức chui ra ngoài. Chúng nỗ lực kéo cái cuống hoa nhỏ nối liền ngồng hoa dài hơn, để khi nở không va chạm vào anh chị. Mỗi nụ sẽ tự chọn một hướng để nhô ra, không bao giờ chúng va nhau trong quá trình này. Và rồi, nụ hoa cũng ngày một lớn dần, to bằng cái nụ mẹ lúc ban đầu. Lúc đó, nó cũng đã chín đỏ rục như rượu vang. Lúc này, dì em và các cô, các bác sẽ thu hoạch hoa loa kèn. Người thu hoạch sẽ cắt từ gốc sát với củ hoa, để lấy được cành loa kèn dài nhất. Các chiếc lá sát ngồng hoa cũng được hái để làm phụ kiện trang trí cho bình hoa. Các cành hoa này mang về nhà, cắm vào bình nước sẽ nở dần chỉ sau hai ba ngày. Bông hoa khi nở ra có đến năm cánh hoa to như cái thìa, dài đến cả 10cm. Các cánh hoa chụm lại với nhau ở phần gốc, che chở cho nhụy hoa ở giữa. Còn đuôi thì dãn nở ra, tạo nên cái dáng như chiếc loa phường.
Hoa loa kèn vừa đẹp, lại không có mùi nồng quá như ly, đã vậy lại chơi rất bền. Có lẽ chính vì vậy, mà người ta rất chuộng cắm hoa loa kèn vào mùa này.
Đề 2. Bài văn miêu tả cây hoa giấy
Trường mẫu giáo em từng học có một giàn hoa giấy rất đẹp. Đã mấy năm em không còn học ở đây mà những cây hoa giấy đã phát triển phủ kín cả trước sân trường.
Nhìn từ xa giàn hoa giấy như một chiếc ô khổng lồ che kín cả khoảng sân. Thân cây hoa to, khoảng gấp đôi cổ tay em. Cành cây lại có màu hơi nâu đỏ, thỉnh thoảng có những cái gai nhọn hoắt. Có lẽ vì được các cô chăm chút nên cành hoa giấy rất tươi tốt, cành thấp cành cao chen chúc nhau mọc lên. Trên giàn, những ngọn hoa giấy tươi non, tràn đầy sức sống với nhiều tầng lá xếp chồng lên nhau thành một thảm lá dày màu xanh mướt. Lá hoa giấy không lớn lắm, nhìn hao hao giống hình trái tim.
Hoa giấy nhìn rất giản dị, tinh khôi, từng cánh hoa mềm mại đu đưa theo cơn gió. Cánh hoa giấy mỏng tang đến nỗi cảm giác có thể nhìn xuyên qua được. Những bông hoa màu phớt hồng nhìn vô cùng nữ tính. Những bông hoa ấy khi đồng loạt nở tạo nên một thảm hoa rực rỡ trên nền xanh của lá.
Giàn hoa giấy đã làm cho ngôi trường mẫu giáo của em tươi mát và đẹp đẽ hơn. Nó cũng là kỷ niệm đẹp của em mỗi khi nhớ đến ngôi trường đầu tiên.
Đề 3. Bài văn miêu tả giàn mướp
Nhà em có một mảnh vườn nho nhỏ được bố mẹ em dùng để trồng những loại rau củ và cây ăn quả. Có diện tích không to lắm, thế nhưng mảnh vườn ấy lại là nơi hội tụ của biết bao nhiêu loại cây mà bố mẹ em trồng: nào xà lách, súp lơ, bắp cải, xoài ổi,… nhưng em thích nhất vẫn là giàn mướp hương mà bố mẹ em thường trồng vào đầu mùa hè. Và đó cũng chính là nơi mà tuổi thơ của em lớn lên cùng tình cảm của bố mẹ vun trồng, chăm sóc.
Mướp hương là loại mướp nhỏ nhưng rất thơm và ngon. Chính vì vậy cho nên mướp hương thường thu hút ong bướm tới. Nếu không được bảo vệ cẩn thận thì những quả mướp hương nhỏ xinh sẽ rất dễ bị ong châm và hỏng. Hồi còn nhỏ, mẹ em thường bảo một câu rằng: trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt mướp. Vào những ngày đầu hè, bố em thường lấy những hạt giống của những quả mướp già từ những năm trước để lại rồi gieo xuống chỗ đất mềm xốp, ẩm ướt để cho chúng có thể vươn lên những mầm xanh cho nhanh lớn. Bố còn lấy những đoạn tre nhỏ, rào xung quanh chỗ trồng mướp để tránh cho những chú gà bới đất hay những chú chó tinh nghịch chạy qua sẽ làm hỏng cây non. Qua đôi bàn tay chăm sóc của bố, những cây mướp nhỏ nhanh chóng chui ra khỏi mặt đất rồi vươn mình đón những ánh nắng đầu tiên. Thời gian chúng lớn cũng rất nhanh so với những loại cây khác, chẳng mấy chốc, cây mướp nhỏ đã bắt đầu mọc những tua dài màu xanh và dần quấn tới những cành cây gần nó. Thời gian này, bố thường sẽ bắt đầu làm những giàn ở phía bên trên để cho những dây quấn được bám vào và phát triển. Giàn được làm chống bởi bốn thanh sắt ở bốn phía, phía trên có những cành tre được chẻ một cách cẩn thận và được xếp thành những hình vuông nhỏ cho mướp có thể leo lên. Ngày qua ngày, những cành mướp đã xanh tốt với những đoạn tua chắc khỏe bám vào giàn.
Phía trên, những bông hoa bắt đầu nở, màu vàng rực rỡ như màu nắng cùng mùi thơm đã thu hút những chú ong mật và cả những đàn bươm bướm tới đây tìm mật và bay lượn. chỉ ít ngày sau khi hoa nở, những quả non bắt đầu nhú ra từ nhụy. Những quả non ấy lớn lên nhanh lắm các bạn ạ. Mẹ còn dặn dò em là khi nhìn mướp thì không được chỉ tay hay sờ vào vì như thế sẽ làm mướp bị thui chột từ bé và không thể thành quả. Vì vậy, những lúc như thế, em chỉ có thể nhìn ngắm chúng từ một góc và háo hức chờ đợi cho tới lúc mướp trở thành những quả to và dài. Khi nhỏ, mướp vẫn còn những tàn hoa màu nâu ở bên dưới. Sau đó, những tàn hoa ấy không còn thì chúng bắt đầu lớn dần ra và dài dần ra. Bên ngoài lớp vỏ là một lớp lông nhỏ và mịn như thể chúng không hề thấm nước vậy. đây là khoảng thời gian mình phải bảo vệ cho mướp nhiều nhất vì nếu bị ong chích thì chúng sẽ bị hỏng hết và không thể nào ăn được. Khi những quả mướp lớn dần, màu xanh chuyển sang đậm hơn và có thể ngắt xuống ăn được. Nếu để mướp trên cây lâu quá thì chúng sẽ bị già và khô, lớp vỏ dày và không còn ăn được nữa, chỉ có thể lấy xơ mướp rửa bát và lấy hạt phơi trồng cho những năm sau.
Mướp là một loại quả có rất nhiều công dụng. Không chỉ có thể xào nấu với thịt mà mướp còn được cho chung vào món canh cua cùng rau đay, rau mùng tơi cũng rất ngon nữa. Đó cũng mang tình thương của cha mẹ dành cho chúng em, bởi thế, với em, cây mướp cũng chính là một kỉ niệm của tuổi thơ thật là đẹp.
Đề 4. Bài văn miêu tả cây bàng non
Hưởng ứng phong trào Tết trồng cây, trường em đã trồng một hàng bàng non ở hai bên thư viện của trường.
Những cây bàng ấy còn bé lắm, chưa có dáng vẻ gì của một cây bàng cao lớn, tán rộng xanh um mà em vẫn thường thấy. Cây chỉ cao khoảng một gang tay, phần thân nhỏ như ruột bút mực mà em thường dùng. Thân cây nhỏ nhưng rất dẻo dai, dù gió thổi lớn, cũng chỉ hơi nghiêng một chút chứ không bị quật ngã. Lớp vỏ bao quanh thân cây lúc này có màu xanh xám, láng mịn chứ không xù xì như cây lâu năm. Lúc này cây cũng chưa có cành, nhánh, chỉ có ba chiếc lá bàng con nằm ở ngọn cây mà thôi. Lá bàng vẫn có dáng tròn ở đuôi, màu xanh sẫm nhưng chỉ lớn như cái muỗng ăn chè mà thôi. Các cây bàng non đều vừa mới được trồng, nên trông vẫn còn yếu. Những chiếc lá non hơi ủ rũ, mặt trên là những giọt nước mới tưới đọng lại long lanh như giọt pha lê. Cả cây bàng được nằm giữa một cái khung được làm từ ba thanh gỗ nhỏ. Chúng sẽ giúp bảo vệ cây không bị ngã khi mưa gió. Đồng thời đánh giấu vị trí có cây non, để các bạn học sinh không vui chơi đá bóng ở đây nữa.
Nhìn hàng bàng non mới được trồng mà lòng em tràn ngập niềm vui và hi vọng. Em mong cây sẽ khỏe mạnh và lớn thật nhanh, để tỏa bóng mát cho chúng em ngồi đọc sách cạnh thư viện.
Đề 5. Bài văn miêu tả cây phượng
Ở sân trường em trồng nhiều cây để lấy bóng mát và làm cảnh như: bàng, đa, bằng lăng,...Nhưng gần gũi và thân thuộc nhất với em là cây phượng già ở giữa sân trường.
Cây được trồng từ lâu nên nó cao và to lắm. Nhìn từ xa, cây phượng như một chiếc ô xanh khổng lồ bung nở.Ngọn của nó sà vào đến tận tầng ba trường em. Tán nó xòe rộng cả một khoảng sân. Thân cây to, vỏ màu nâu xỉn, có đốm bạc, xù xì lồi lõm, có nhiều vết nứt ngang. Từ thân chẽ thành ba nhánh giống cái chạc. Cành vươn ra tứ phía, uyển chuyển la đà. Rễ phượng nổi lên mặt đất như mấy chú trăn nâu nhoài đi kiếm ăn. Lá phượng giống lá me, mỏng, màu xanh thẫm mọc song song hai bên cuống trông xa như đuôi con chim phượng, chắc vì thế mà cây có tên là Phượng. Phượng không trút lá như cây bàng nhưng đến mùa xuân nó lại ra nhiều lá mới thay cho những chiếc lá già. Lá mới xanh non, mát rượi, ngon lành như lá me. Dáng phượng nghiêng nghiêng duyên dáng. Xuân qua, hè tới, phượng bắt dầu nở hoa. Phượng nở đồng loạt, kết thành từng chùm đỏ rực trông như một mâm xôi gấc. Hoa phượng có năm cánh, bốn cánh đỏ tươi và một cánh có đốm trắng. Nhuỵ hoa có một túi phấn hình bầu dục, giống râu con bướm. Chúng em thường lấy nhuỵ đó chơi chọi gà. Thế là dưới gốc phượng, tiếng reo hò ầm ĩ. Khi tiếng ve kêu ra rả trên cây phượng là lúc phượng nở nhiều nhất. Một màu đỏ nồng nàn trên cây. Lúc ấy, phượng già trẻ lại, bừng bừng sức sống. Phượng nở thúc giục em một mùa thi cuối cùng của năm học, chuẩn bị nghỉ hè với bao dự định đầy ắp niềm vui.
Qua hè, hoa phượng tàn dần. Mỗi làn gió thổi, cánh phượng rơi lả tả trên sân giống như xác pháo. Sân trường đẹp lắm, giống cái thảm hoa. Chúng em quét sân nhưng luyến tiếc muốn giữ lại cánh phượng thân yêu. Hết hoa, phượng lại để trái non dài, mỏng, xanh, đung đưa nhè nhẹ trên cành. Quả phượng thuộc họ đậu.Hạt phượng mà rang lên, ăn bùi và ngon tuyệt. Cây phượng già lại, trở lại cái dáng vẻ mộc mạc thân quen.
Em yêu cây phượng, cây phượng như người ban lớn thân thiết. Dưới gốc phượng, chúng em tụ họp bạn bè. Mỗi lần phượng nở với tiếng ve kêu đánh dấu một năm học kết thúc, một sự trưởng thành để rồi chúng em lại náo nức bước vào năm học mới với bao điều thú vị.
Xem thêm các bài viết hướng dẫn làm văn mẫu lớp 4 hay khác:
- Cách viết bài văn miêu tả con vật
- Cách viết thư
- Cách viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc
- Cách viết hướng dẫn sử dụng một sản phẩm
- Cách viết đoạn văn về một nhân vật
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 4 hay khác:
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức
- Giải lớp 4 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 4 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 4 Cánh diều (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Bài tập cuối tuần lớp 4 Toán, Tiếng Việt (có đáp án)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 4 - KNTT
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Toán lớp 4 - KNTT
- Giải Vở bài tập Toán lớp 4 - KNTT
- Giải Tiếng Anh lớp 4 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Smart Start
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Family and Friends
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Wonderful World
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Explore Our World
- Giải sgk Đạo đức lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Khoa học lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử và Địa Lí lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Tin học lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ lớp 4 - KNTT