Lỗi về thành phần câu và cách sửa lớp 11 (Lý thuyết, Bài tập)

Tài liệu Lỗi về thành phần câu và cách sửa lớp 11 chọn lọc với lý thuyết chi tiết (định nghĩa, phân loại, tác dụng) và bài tập đa dạng có hướng dẫn giải chi tiết giúp Giáo viên có thêm tài liệu giảng dạy Tiếng Việt lớp 11.

Xem thử

Chỉ từ 300k mua trọn bộ Chuyên đề Tiếng Việt lớp 11 (Lý thuyết + Bài tập) bản word có lời giải chi tiết:

I. Lỗi thành phần câu là gì?

- Khái niệm: Lỗi thành phần câu là các lỗi liên quan đến các thành phần trong câu như chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ,... và gồm các lỗi về cấu tạo câu, lỗi về ngữ nghĩa và lỗi về ngắt câu.

- Ví dụ về lỗi thành phần câu:

+ “Với tác phẩm “Chữ người tử tù” đã làm cho sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân ngày càng nổi tiếng.”

→ Câu thiếu chủ ngữ.

II. Nhận biết lỗi về thành phần câu thường gặp và cách sửa

* Thiếu thành phần nòng cốt

- Câu thiếu chủ ngữ

Ví dụ:

“Với tác phẩm này đã thể hiện tài năng của một cây bút truyện ngắn bậc thầy.”

=> "Với tác phẩm này" là thành phần trạng ngữ. Có thể người viết nhầm đó là chủ

ngữ.

+ Cách sửa thứ nhất: Dựa vào ngữ cảnh để bổ sung chủ ngữ phù hợp

“Với tác phẩm này, nhà văn đã thể hiện tài năng của một cây bút truyện ngắn bậc thầy”

+ Cách sửa thứ hai: Lược bỏ quan hệ từ (kết từ) ở đầu câu đề bộ phận đứng sau đó trở thành chủ ngữ:

“Tác phẩm này đã thể hiện tài năng của một cây bút truyện ngắn bậc thầy.”

- Câu thiếu vị ngữ

Ví dụ:

“Lục bát, một thể thơ "đặc sản" có từ lâu của người Việt.”

=> Có thể coi "lục bát" là chủ ngữ, một thể thơ "đặc sản" có từ lâu của người Việt" là thành phần chêm xen, giải thích cho đối tượng được nói đến ở chủ ngữ chứ không phải là vị ngữ. Kiểu lỗi này có thể do người viết nhầm thành phần chêm xen là vị ngữ.

+ Cách sửa thứ nhất: Thêm từ "là" để biến thành phần chêm xen thành vị ngữ:

“Lục bát là một thể thơ "đặc sản" có từ lâu của người Việt.”

+ Cách sửa thứ hai: Giữ nguyên thành phần chêm xen, dựa vào ngữ cảnh để bổ sung vị ngữ phù hợp:

“Lục bát - một thể thơ "đặc sản" có từ lâu của người Việt - đã được tác giả sử dụng hết sức nhuần nhuyễn.”

- Câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ

Ví dụ:

“Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế.”

=> Đây mới chỉ là một cụm từ, chưa hề có nội dung thông tin, vì thế, chưa phải là câu.

+ Cách sửa: Dựa vào ngữ cảnh, bổ sung thành phần nòng cốt để hoàn thành cầu. “Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế, tôi không thể chần chừ.”

* Sắp xếp sai vị trí thành phần câu

- Để phục vụ cho mục đích nghệ thuật, các nhà văn, nhà thơ có thể đảo vị trí của chủ ngữ và vị ngữ.

Ví dụ: Nơi đây sống một người tóc bạc

(Nguyễn Đình Thi, Quê hương Việt Bắc)

- Tuy nhiên, trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, việc đảo vị trí các thành phần câu như vậy rất khó được chấp nhận.

Ví dụ: không thể nói: Đang hành quân trong rừng một đơn vị bộ đội.

- Sửa lỗi: đặt thành phần câu về đúng trật tự

Một đơn vị bộ đội đang hành quân trong rừng.

* Thiếu vế câu

- Trong câu văn tiếng Việt, có các cặp quan hệ từ: vì... nên..; chẳng những... mà còn; tuy... nhưng...; càng... càng...;...

- Nếu không chú ý đến đặc điểm này, câu dễ bị mắc lỗi về thành phần.

Ví dụ: Trái Đất nóng lên chẳng những khiến băng ở Bắc Cực và Nam Cực tan nhanh, nhấn chìm nhiều vùng đất màu mỡ.

+ Cách sửa: Bổ sung quan hệ từ phù hợp: Trái Đất nóng lên chẳng những khiến băng ở Bắc Cực và Nam Cực tan nhanh, nhấn chìm nhiều vùng đất màu mỡ mà còn đe dọa sự sống của muôn loài.

- Lưu ý: Có những câu nếu tách ra, có vẻ như bị lỗi thành phần câu, nhưng đặt trong ngữ cảnh, đó không phải là câu sai.

Ví dụ: Rừng Hoành Bồ nhiều nương dó. Rộng sâu lắm. (Nguyễn Tuân, Xác ngọc lam). Tách ra, “Rộng sâu lắm” không thể là một câu, nhưng nhờ câu trước đó mà ta hiểu rằng "rộng" và "sâu" ở đây là những đặc điểm của rừng dó Hoành Bồ. Loại câu như thế thường được dùng trong văn bản văn học.

* Không phân định rõ các thành phần câu

Ví dụ: Về cách làm công nghiệp hóa của nhiều cán bộ khoa học, cán bộ kĩ thuật, cán bộ quản lí, công nhân, viên chức, các nhà doanh nghiệp tập trung kiến nghị: [...]

+ Cách sửa: phân định rõ các thành phần câu.

Về cách làm công nghiệp hóa, nhiều cán bộ khoa học, cán bộ kĩ thuật, cán bộ quản lí, công nhân, viên chức, các nhà doanh nghiệp tập trung kiến nghị: [...]

III. Các bước để phát hiện và sửa lỗi về thành phần câu

Các bước để phát hiện và sửa lỗi về thành phần câu

- Đọc kĩ lại các câu trong bài. Nếu gặp một câu khó hiểu thì nên kiểm tra xem vì sao không hiểu được:

a) Vì vấn đề khó quá, vượt hiểu biết của bản thân?

b) Vì câu đó sử dụng những từ ngữ khó hiểu?

c) Vì câu thiếu thành phần chính?

d) Vì câu thiếu logic?

- Tìm biện pháp sửa lỗi. Nếu câu thiếu thành phần thì đó là thành phần nào? Nên sửa bằng cách nào:

a) Bổ sung từ ngữ để làm thành phần bị thiếu.

b) Cắt bớt từ ngữ để từ ngữ còn lại đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu.

c) Thay đổi trật tự từ ngữ để một từ ngữ nhất định đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu.

IV. Bài tập về sửa lỗi thành phần câu

Bài 1. Thành phần trạng ngữ trong các câu sau đặt có hợp lí không? Hãy phân tích sự bất hợp lí, gây nên sự mơ hồ trong các câu đó.

a.Từ cõi sâu thẳm của tâm hồn, anh dâng lên một niềm vui khó tả.

b.Trong cả chuyến bay, động cơ sau có lúc bị nghẹt xăng vào ngày cuối cùng.

c.Thơ Tản Đà sau Cách mạng vẫn còn gợi cảm.

Trả lời:

a. Trạng ngữ đặt chưa hợp lí.

=> Sửa: Từ cõi sâu thẳm của tâm hồn anh, dâng lên một niềm vui khó tả.

b. Trạng ngữ đặt chưa hợp lí.

=> Sửa: Trong cả chuyến bay, chỉ vào ngày cuối cùng, động cơ sau có lúc bị nghẹt xăng.

c. Trạng ngữ đặt chưa hợp lí.

=> Sửa: Sau Cách mạng, thơ Tản Đà vẫn còn gợi cảm.

Xem thử

Xem thêm tài liệu Chuyên đề Tiếng Việt lớp 11 chọn lọc, hay khác: