Top 20 Nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn (hay nhất)
Tổng hợp trên 20 bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại): thói lười nhác, hay than vãn hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
Bài văn nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn - mẫu 1
Một trong những thói xấu mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống, chính là thói lười nhác, hay than vãn.
Chúng ta có thể gặp thói xấu này ở bất kì ai, ở độ tuổi nào. Đặc điểm chúng của họ là mỗi khi gặp phải khó khăn, rào cản trong cuộc sống, họ sẽ than vãn, ỉ ôi về những điều mình gặp phải, sau đó tiếp tục ngồi yên, mặc kệ mọi điều. Không chỉ vậy, thậm chí chỉ là những bất lợi nhỏ nhoi hay một vấn đề hơi phức tạp cũng đủ khiến họ bật chế độ đó. Thay vì đứng vậy, phân tích vấn đề, tìm ra giải pháp và vượt qua khó khăn đó, thì họ lại chọn cách than vãn, kể khổ, tự ghìm bước chân của mình lại, và không làm gì cả.
Thói lười nhác, hay than vãn là một thói xấu gây ảnh hưởng rất nhiều đến con người. Nó thể hiện sự nhu nhược trong ý chí, nghị lực của bản thân người đó. Đồng thời cũng là một cách lảng tránh, chối bỏ hoàn cảnh thực tại, và tự tìm cho bản thân một lý do để hợp thức hóa việc từ bỏ, việc bàn lùi và sự thấy bại của bản thân. Từ đó, khiến người có thói xấu này dễ dàng gặp thất bại và khó chinh phục được thành công, ước mơ trong cuộc sống. Bởi ngay từ khi bắt đầu, một chút gian nan đã làm họ chùn bước rồi. Khi đó, họ sẽ mãi dẫm chân tại chỗ, thậm chí là đi lùi về sau. Tựa như một bạn học sinh, thấy việc học toán thật là khó, thấy các bài văn thật là dài, bèn ngồi than thở về chúng, rồi lười nhác không chịu bắt đầu. Dần dần, bạn ấy sẽ bị mờ nhạt về kiến thức, đạt điểm kém trong các bài kiểm tra. Nhưng không chỉ như vậy. Những cá nhân có thói lười nhác, hay than vãn, ngoài tự gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân, còn tạo ra những tác động tiêu cực cho cộng đồng. Bởi những người hay than thở, lại lười nhác sẽ dễ truyền cho người cạnh mình sự khó chịu, nhụt chí đó. Hơn cả như vậy, trong một tập thể có các cá nhân có thói xấu đó, thường sẽ bị kéo hiệu suất lùi về sau. Giống như một nhóm bốn người được giao nhiệm vụ tìm hiểu về các giai đoạn phát triển của giá đỗ, nhưng có một bạn lúc nào cũng than thở về việc thật khó để tự trồng ra giá đỗ. Rồi bạn đó lại chẳng muốn thăm gia vào công đoạn nào, được phân công việc gì cũng thấy khó, không muốn làm vì lười biếng. Điều đó vừa làm nhóm giảm hiệu suất công việc, mà tinh thần tập thể cũng bị kéo xuống.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc xem thói lười biếng, hay than vãn là một thói hư tật xấu của con người. Từ đó tìm cách đào thải, loại bỏ nó khỏi xã hội. Mà trước hết, chính là từ bản thân của mỗi người. Để khiến bản thân thoát ra khỏi vùng trì trệ của sự lười nhác, thì mỗi người nên bắt đầu từ những mục tiêu đơn giản và từ những điều mà họ yêu thích. Đồng thời tự thưởng cho bản thân những lời khen, những món quà nhỏ để khích lệ bản thân khi hoàn thành một mục tiêu nào đó. Ngoài ra, những người xung quanh như bố mẹ, thầy cô, bạn bè cũng cần phối hợp để giúp những cá nhân mắc phải thói xấu này vượt qua bản thân. Chẳng hạn như sự khích lệ tinh thần, những buổi tâm sự trò chuyện. Hoặc giao các nhiệm vụ phù hợp với năng lực của người đó. Tránh việc phân chia những nhiệm vụ quá khó, vượt xa khả năng người làm, khiến họ nhụt chí, lại trở về chu kì than vãn và lười nhác, mặc kệ mọi việc.
Thói lười biếng, hay than vãn nếu không được can thiệp và ngăn cản kịp thời, sẽ trở thành một mối nguy hại của cộng đồng và tập thể. Do đó, chúng ta nên có lối suy nghĩ và hành động tích cực, lành mạnh, tránh để bản thân mắc phải thói hư tật xấu này.
Bài văn nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn - mẫu 2
Lựa chọn con đường đi là điều đầu tiên mà mỗi người khi trưởng thành cần phải xác định rõ. Thế nhưng để có thể đi hết con đường ấy bằng chính đôi chân, bằng nghị lực của bản thân mình thì cần cả một quá trình. Nếu như chúng ta chăm chỉ, chúng ta sẽ đạt được; nhưng nếu như lười biếng thì chúng ta sẽ không có gì hết. Lười biếng là một thói xấu của con người, cần phải sửa đổi.
Lười biếng là có thể xem là thói hư tật xấu của rất nhiều người, không chịu hoạt động, không chịu suy nghĩ, nhanh bỏ cuộc và không có khả năng phấn đấu và cố gắng. Lười biếng tạo thành thói quen và thành "căn bệnh" nan y rất khó chữa. Bởi vậy, đối với nhiều người thì lười biếng có tác hại rất lớn đối với công việc cũng như quá trình hoàn thành nhân cách của cá nhân.
Lười biếng thực ra ban đầu cũng chỉ là những cử chỉ nhỏ nhặt như lười làm bài tập về nhà, lười tư duy, động não những bài toán khó. Nhưng dần dần nó sẽ tích tụ thành thói quen không tốt và ảnh hưởng rất lớn đến bản thân người đó.
Lười biếng có thể là bản chất nhưng trong số một trường hợp thì nó không phải là bản chất, mà là do chính bản thân mình tạo nên. Khi lười biếng thì bản thân sẽ không chịu cố gắng, gặp khó là nản lòng, không có quyết tâm để thực hiện công việc đến cùng. Gắn với sự lười biếng chính là thiếu kiên trì, kiên nhẫn, không có ý chí để cố gắng.
Trong cuộc sống chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thứ, để trưởng thành, để làm người tốt, ngoài khả năng thì còn cần đến sự chăm chỉ, kiên trì. Đây là đức tính tốt giúp bản thân giành được thắng lợi nhanh nhất.
Lười biếng để lại hậu quả xấu đối với mỗi người, không những làm giảm đi ý chí cố gắng, phấn đấu của con người mà còn khiến cho họ ngày càng nhu nhược, không cố gắng nữa. Có một số người vì lười biếng nên ỷ lại, sống dựa dẫm vào người khác. Điều này thật đáng buồn.
Hiện nay sự phát triển của mạng lưới Internet khiến cho mọi người lười đi. Người ta vẫn nói cái gì không biết thì tìm kiếm trên google, chính mạng Internet đã làm lười đi nhiều bạn học sinh. Các bạn ngang nhiên chép văn mẫu, chép đáp số ở ngay trên các trang mạng. Thực tế này đã xảy ra suốt bao nhiêu năm ở đất nước ta.
Cha ông ta có câu "Cần cù bù thông minh" chính là việc nhấn mạnh đức tính cần cù, chăm chỉ là điều mà mỗi người cần phải có. Khi có được sự chăm chỉ thì mọi việc dù có khó đến đâu vẫn cố gắng được. N là học sinh lớp 12, sắp thi tốt nghiệp và đại học, nhưng gia đình N không có điều kiện, và N không có thời gian để đi học thêm. Nhưng cô bạn rất chăm chỉ, kiên trì. Cô tranh thủ thời gian để học mọi lúc, mọi nơi để có thể chạm tới ước mơ của mình.
Như vậy, bên cạnh đức tính lười biếng thì vẫn còn có rất nhiều người chăm chỉ, kiên trì, không ngừng cố gắng. Và tất nhiên kết quả mà họ đạt được sẽ khiến nhiều người ngưỡng mộ. Khi chúng ta không đủ năng lực thực hiện thì hãy dùng sự kiên nhẫn, chăm chỉ, chắc chắn thành công sẽ đến.
Thật vậy, đừng để sự lười biếng của bản thân khiến cho tương lai của bạn rơi vào vũng bùn. Hãy tự biết cách hoàn thiện bản thân bằng cách trở thành con người chăm chỉ mỗi ngày.
Bài văn nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn - mẫu 3
Lao động luôn khiến con người cảm thấy vất vả. Nhưng nếu không lao động sẽ không có cuộc sống hạnh phúc. Thế giới này có được là bởi loài người đã không ngừng lao động trong mấy nghìn năm qua. Một khi quá trình này dùng lại, thế giới sẽ hoàn toàn sụp đổ. Bởi thế, Victor Hugo từng nói rằng: “Lười nhác, ăn chơi, hai thứ đó chẳng khác gì vực thẳm”
Lười nhác hay lười biếng là trạng thái không thích vận động, ngại làm việc, ít chịu cố gắng, né tránh công việc, thích thụ hưởng sự nhàn hạ. Người lười nhác thường để bản thân mình nhếch nhác; tránh né công việc, ít chịu cố gắng, làm việc thì qua loa chiếu lệ, làm cầu thủ, làm lấy có chứ không có ý thức rõ ràng. Khi nói thì rất hăng, nhưng vào việc thì viện đủ lí do để che đậy cái hèn nhát và lười nhác của mình.
Ăn chơi là tiêu khiển bằng những thú vui vật chất như: bài bạc, hút xách, la cà nhậu nhẹt, trai gái, nghiện game… xem thường đạo đức và trách nhiệm của bản thân đối với cuộc sống.
Ý kiến của nhà văn Victor Hugo nên lên tác hại to lớn của bệnh lười nhác và ăn chơi, đồng thời là lời cảnh tỉnh vô cùng đúng đắn đối với mỗi con người. Lười nhác, ăn chơi, hai thứ đó chẳng khác gì vực thẳm dìm tắt cuộc dời con người.
Thói lười nhác của nhiều người mang lại những tai hại ghê gớm đối với bản thân họ và đối với xã hội. Bệnh lười nhác là một nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh về thể chất do không hoạt động như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim…
Không siêng năng, cần cù thì kết quả học tập và lao động của bản thân kém, dẫn đến những thất bại trong cuộc sống, tương lai nghèo khổ, trở thành gánh nặng của xã hội. Quá lười nhác làm tiêu hao nghị lực, làm suy nhược tinh thần phấn đấu, tài năng không được phát huy, thiếu hụt vốn sống, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không, lúc làm thì đã trễ.
Bệnh lười nhác còn là nguyên nhân làm băng hoại nhân cách, “nhàn cư vì bất tiện”, có thể sống liều, dễ sa vào vòng tội lỗi. Người mắc bệnh lười nhác sẽ không được mọi người tin tưởng, tôn trọng.
Thói ăn chơi, hưởng thụ cũng gây ra những hậu quả không kém gì bệnh lười nhác. Làm việc cho người mất đi nhân cách, mất uy tín trong gia đình, bạn bè và xã hội: những hành vi ăn chơi không lành mạnh làm nảy sinh những ham muốn bản năng, vô đạo đức, sa vào lối sống ích kỉ, mất hết khả năng phấn đấu, sống không mục đích, ảnh hưởng tới uy tín bản thân, phá hoại hạnh phúc gia đình.
Ăn chơi, hưởng thụ nhiều làm cho sức khỏe bị suy giảm trầm trọng: Để thỏa mãn những thói ăn chơi, người ta sẵn sàng bán tài sản, bán cả danh dự, sự nghiệp của mình.
Bệnh lười nhác, thói ăn chơi, lối sống hưởng thụ không những gây hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội: gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, và làm xuống cấp thuần phong mĩ tục, là gánh nặng của xã hội.
Lười nhác và ăn chơi có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau: Người mắc bệnh lười biếng thường tìm những phương kế để tiêu khiển, để giết thời giờ bằng những trò chơi có hại; người thích ăn chơi tinh thần bạc nhược thường dẫn đến lười nhác.
Khi mắc cả hai thứ bệnh lười nhác và ăn chơi thì tác hại không chỉ là phép cộng mà là cấp số nhân, chắc chắn sẽ đưa con người đến vực thẳm, đến những tệ nạn xã hội, dẫn đến bệnh tật, tù tội, bế tắc không lối thoát, tử vong,…Lười nhác và ăn chơi hưởng thụ sẽ đưa con người đến vực thẳm của tội lỗi.
Lười nhác ở thanh niên không chỉ là hiện tượng tức thời mà đã trở thành căn bệnh nhức nhối thường xuyên của xã hội: lười học tập, lười thể dục để rèn luyện thân thể, lười lao động để phục vụ bản thân, lười suy nghĩ, thờ ơ, trể nải, lừng khừng, không tha thiết gì với công việc, lười đọc sách báo để cập nhật tin tức…
Nạn ăn chơi của thanh niên đáng báo động, khá phổ biến, khá phức tạp với nhiều hình thức khác nhau, đã tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lí, hành vi, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị sống và làm mất niềm tin của xã hội.
Để chống lại căn bệnh lười nhác, ăn chơi và lối sống hưởng thụ, mỗi thanh niên cần phải dùng bản lĩnh để cai trị bản thân. Dùng tinh thần để động viên ý chí, nói không với tệ nạn xã hội, cụ thể là phải tránh xa những cạm bẫy của thói hư tật xấu để trước hết là bảo vệ nhân cách được trong sáng, sau đó là góp phần bảo vệ gia đình, xã hội, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Những yếu tố giúp con người thành công đó là có trí tuệ, có kĩ năng làm việc, niềm đam mê, tự tim, có bản lĩnh, quyết tâm cao,có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ tích cực với cuộc sống, có kĩ năng giao tiếp tốt, biết nắm bắt cơ hội, có khả năng làm việc tập thể. Bởi thế, muốn thành công không nên sống lười nhác, ỷ lại, hay dựa dẫm vào người khác mà phải hoàn thiện bản thân, nâng có ý chí, lao động chân chính, tự tạo ra cơ hội cho chính mình.
Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn dễ khiến con người sa ngã. Để không rơi vào trạng thái lười nhác, lối sống ăn chơi, phóng túng, cần phải luôn luôn đặt mục tiêu phấn đấu và phải quyết tâm hoàn thành cho bằng được. Lựa chọn công việc phù hợp với khả năng, trình độ và sở thích của mình để say mê trong công việc.
Lập thời gian biểu về học tập, việc làm, việc chơi để từ đó đánh giá việc nào chưa làm và sẽ hoàn thành vào lúc nào. Tạo ra động lực, xem việc học tập và lao động là cần thiết để đạt đến ước mơ của mình. Áp dụng triệt để phương châm “việc hôm nay, chớ để ngày mai”.
Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Lao động là vinh vang. Chỉ có lao động mới mang lại cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc. Bởi thé, con người nên sống tốt hơn trước khi sống sướng hơn. Hãy luôn làm việc, vì làm việc là vinh quang, là cơ sở tạo ra mọi hạnh phúc của con người.
Bài văn nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn - mẫu 4
Trong cuộc sống hiện đại, xuất hiện rất nhiều những thói hư, tật xấu mới của con người. Nhưng cùng với đó, là sự phát triển của những thói xấu đã có từ trước đây rất lâu, vẫn luôn len lỏi trong xã hội. Một trong số đó chính là thói lười nhác, hay than vãn.
Thói xấu này không thuộc về một nhóm đối tượng cụ thể nào cả. Bất kì ai ở độ tuổi nào, công việc gì cũng có thể mắc phải thói lười nhác, hay than vãn. Điều này xảy ra, khi một người cần phải hoàn thành một công việc nào đó, như bài tập về nhà, hay công việc ở cơ quan, thâm chí chỉ là những việc nhà cơ bản để phục vụ cuộc sống. Nhưng thay vì hoàn thành điều đó, họ lại chỉ ngồi một chỗ, không chịu làm việc. Hoặc có làm với thái độ hời hợt, luôn miệng than thở về sự bất mãn, chán ghét của mình. Điều đó phổ biến nhiều nhất ở giới trẻ, với các câu cửa miệng như “chán quá”, “không muốn làm chút nào”, “bỏ đi”, “không làm nữa”...
Nguyên nhân của loại thói xấu này, chính là tâm lý lười biếng, ỷ lại, chỉ thích hưởng thụ chứ không muốn làm việc của một số cá nhân. Dù là những việc cơ bản để phục vụ cuộc sống như gấp chăn màn, quét nhà, rửa bát, cho đến những việc lớn hơn như học bài, làm việc họ đều không muốn làm. Chỉ muốn làm những điều mình thích, còn lại thì phó mặc cho người khác. Điều này thể hiện sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức nặng nề. Không chỉ gây trì trệ, ảnh hưởng đến chính người có thói xấu. Mà còn kéo theo việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu suất của cả tập thể. Vì vậy, chúng ta cần phải “đập tan” thói hư tật xấu này càng sớm càng tốt. Mà trước hết và cần thiết nhất là đi từ ý thức của mỗi người. Chúng ta phải có những kế hoạch học tập, làm việc cụ thể, tự đốc thúc bản thân để vượt qua bệnh lười. Đồng thời luôn cố gắng hoàn thành các kế hoạch đã đặt ra, sống tích cực hơn mỗi ngày. Chỉ có như vậy, mới có thể trị được bệnh lười, hay than vãn cho xã hội.
Em trước đây cũng từng có một giai đoạn mắc phải thói xấu lười biếng, hay than vãn. Nhưng sau khi nhận được sự góp ý và khuyên nhủ từ người thân, bạn bè, thì đã tự sửa đổi, thay đổi theo hướng tích cực hơn. Vì vậy, em tin rằng căn bệnh này không hề khó để xóa bỏ, quan trọng là chúng ta phải tích cực và quyết liệt hơn. Có như vậy thì mới thành công được.
Bài văn nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn - mẫu 5
Xin chào cô và các bạn! Nhà soạn nhạc vĩ đại Mozart từng phải thốt lên: "Tôi rất muốn biết vì sao sự lười nhác lại thịnh hành trong những người trẻ tuổi đến nỗi không thể khuyên ngăn họ rời khỏi nó dù bằng ngôn từ hay bằng sự trừng phạt". Và đây cũng chính là một trong những thói quen mang tính tiêu cực của con người hiện đại: lười nhác và hay than vãn.
Trước tiên, về mặt khái niệm, "lười nhác" là cụm từ dùng để chỉ thái độ ngại khó, ngại khổ, không muốn làm việc của một bộ phận người dân. Thay vào đó, họ thích "ăn không ngồi rồi", chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Nhưng cũng chính những kẻ này khi gặp chuyện lại rất hay than vãn. Họ dùng lời lẽ để kêu ca, than thở, chống đối một cách tiêu cực. Không những không hành động để giải quyết vấn đề mà họ còn liên tục phàn nàn, gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hiện tượng này xảy ra một phần do bản tính vốn có của cá nhân, phần khác cũng do họ quá phụ thuộc vào khoa học, máy móc. Và nó lại càng nghiêm trọng hơn trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Dễ thấy, sự lười biếng, hay than vãn mang lại rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống con người. Nó gây ra thói ỷ lại, làm chúng ta trì trệ đi, dần dần trở nên phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Và trên thực tế, không ai có một cái nhìn thiện cảm đối với người lười nhác cả. Người xưa cũng từng có câu: "Nhàn cư vi bất thiện". Khi không chịu làm việc, con người sẽ sinh ra rảnh rỗi. Từ đó, thực hiện những hành vi đi ngược lại với thuần phong mĩ tục hay các giá trị đạo đức đã đề ra. Việc này làm tăng tỉ lệ tệ nạn, trực tiếp kéo lùi sự phát triển của cộng đồng.
Mang hậu quả nghiêm trọng là vậy nhưng vẫn có ý kiến cho rằng việc các cá nhân lười biếng, than vãn là chuyện của họ. Nếu như họ vẫn hoàn thành công việc thì chẳng có gì đáng chê trách. Cá nhân tôi hoàn toàn phản đối cách suy nghĩ này. Đúng là việc lười nhác, than thở bắt nguồn từ họ. Nhưng nếu trong hoạt động tập thể, chỉ cần một cá nhân bị thụt lùi, tiến độ công việc của mọi người sẽ đều bị ảnh hưởng. Chưa kể, không ai muốn suốt ngày nghe một người than thở, chê trách cuộc đời cả. Điều đó phần nào khiến tâm trạng của những người xung quanh tệ đi rất nhiều.
Chính vì vậy, dù là lười biếng hay than vãn đều là thói quen xấu mà chúng ta cần loại bỏ. Thay vào đó, hãy không ngừng phát triển bản thân, rèn luyện sự kiên nhẫn, ý chí cầu tiến. Có như vậy ta mới dần hoàn thiện được chính mình.
Trên đây là những ý kiến cá nhân của tôi. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Xem thêm các bài văn mẫu 8 Kết nối tri thức hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:
- Soạn văn 8 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 8 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Giải lớp 8 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 8 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 8 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 8 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 8 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 8 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 8 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 8 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 8 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - KNTT
- Giải sgk Tin học 8 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 8 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 8 - KNTT