Top 20 Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi

Tổng hợp các bài văn Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Đề bài: Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi đã học ở Bài 5 và Bài 7 trong sách “Ngữ văn 11”, tập hai.

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 1

Mác-xim Go-rơ-ki là nhà văn nổi tiếng đến từ Nga. Từ nhỏ ông là người rất đam mê đọc sách và cùng với những gian khó tuổi thơ đã thắp sáng và nảy sinh khát vọng sáng tác của ông. Truyện “Trái tim Đan-kô” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông, được trích ở phần cuối “Tuyển tập truyện ngắn Mác-xim Go-rơ-ki”. Tác phẩm kể về sự hy sinh cao cả, tấm lòng vị tha yêu thương của người anh hùng Đan-kô.

Mở đầu là bức tranh thiên nhiên ở thảo nguyên u ám, với cảnh vật đáng sợ. Rồi lại có sự xuất hiện của ánh lửa xanh kỳ dị, gợi đến những câu chuyện hoang đường. Chính ánh lửa này xuất phát từ câu chuyện của một người anh hùng với trái tim vĩ đại và tràn đầy yêu thương. Một đoàn người trên thảo nguyên đang bị bủa vây trong bóng tối của khu rừng, cành lá thì dày đặc và ánh sáng mặt trời thì không chiếu đến. Họ không có con đường nào có thể thoát ra, ngày một tuyệt vọng và buông xuôi tất cả. Nhưng một vị anh hùng, một chàng trai đã xuất hiện để cứu lấy cuộc sống của họ. Đan-kô đã tìm cách để dẫn dắt mọi người vượt qua khu rừng đáng sợ và tràn ngập bóng tối này. Nhưng khi đứng trước một khu rừng rậm rạp, con người mỗi lúc một kiệt sức thì con người lại lộ ra bộ mặt yếu hèn và nhút nhát của mình. Trước đó thì họ xin anh dẫn họ đi, bây giờ họ lại bắt đầu đổ lỗi cho Đan-kô. Họ mắng mỏ, họ bảo anh phải chết đi. Mặc dù Đan-kô rất phẫn nộ trước hành động ấy nhưng anh lại nhận ra rằng “Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất”. Một chàng trai có tấm lòng vị tha và yêu thương con người mặc cho bị đối xử tệ bạc nhưng vẫn quyết định cứu mọi người. Ý nghĩa muốn cứu mọi người quá mãnh liệt nhưng lại không được tin tưởng đến mức phải gào to lên như sấm. Và anh đã có một hành động xé toang lồng ngực của mình và dơ cao lên. 

Ngọn lửa trong trái tim Đan-kô đã xua tan đi mây mù và anh đã dẫn mọi người chạy ra khỏi khu rừng tối tăm này. Anh đã đưa được mọi người ra ngoài và sau đó gục xuống chết. Bằng cách đổi lấy sinh mạng của mình, anh ấy đã mang trái tim ấm áp, một lòng tốt của một trái tim dũng cảm soi sáng dẫn đường cho đoàn người. Nhưng rồi có ai nhớ đến sự hy sinh cao cả của anh? Họ vui sướng tràn đầy hy vọng vì được cứu sống rồi họ lại lập tức quên luôn người đã cứu mình. Đan-kô là hiện thân cho hình ảnh một con người xả thân cứu người mà không đòi hỏi được đền đáp. Go-rơ-ki đã dùng những từ ngữ chân thành và tốt đẹp nhất để ca ngợi, để trân trọng trước cái chết của Đan-kô. Đó còn là bức tranh gợi cho ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Phải chăng khi con người đứng trước những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống thì họ sẽ quên mất mình là ai, sống một cách ích kỷ và tham lam. Nhưng vẫn sẽ có những con người giống như Đan-kô xuất hiện. Đứng trước vực tối cuộc sống, vẫn giữ trong mình trái tim yêu thương, một lòng tốt chân thành mà không cần đền đáp.

Một bức tranh thiên nhiên, một sự đấu tranh sự sống của con người đã hiện lên thật đặc sắc trong tác phẩm “Trái tim của Đan-kô” của Go-rơ-ki. Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy nghĩ về những giá trị sống và mối quan hệ giữa con người trong hiện thực thực cuộc sống.

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 2

Nguyễn Khải là nhà văn hiện đại xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông chủ yếu viết về đề tài nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới. Ông để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó chủ yếu là truyện ngắn và tiểu thuyết. Truyện ngắn của Nguyễn Khải được đặc trưng bởi lối viết truyện ngắn không có cốt truyện, Một người Hà Nội là truyện ngắn đi theo hướng ấy, hướng của một truyện ngắn không có cốt truyện và nhân vật không hẳn là hình thành trong những tình huống hay xung đột nội tâm. Cô Hiền được coi là một nhân vật chính của truyện ngắn này, khi bàn về nhân vật có ý kiến cho rằng: “Qua nhân vật cô Hiền nhà văn Nguyễn Khải đã khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội”.

Truyện ngắn “Một người Hà Nội” là truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Khải phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước. Khi xây dựng truyện ngắn này, phải chẳng nhà văn muốn định hình một phong cách sống, một thứ nền nếp, gia phong của người Hà Nội cũng là một sự sàng lọc của thời gian để cái còn lại là những tinh chất, những phẩm chất vượt trội, “Những hạt bụi vàng” để rồi cả Hà Nội. cả đất kinh kỳ “chói sáng những ánh vàng” như một niềm tự hào hãnh diện về dân tộc Việt Nam? Cô Hiền là một nhân vật được xây dựng để hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy. Đó là một người phụ nữ với phong cách đạo lí vừa triết lý một tính cách vừa thiết thực cũng lại rất đỗi hào hoa xoay quanh những mối quan hệ của nhân vật về gia đình, người thân, đất nước, bạn bè,……ở nhiều thời điểm cả quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Cô Hiền sinh ra trong một gia đình lương thiện, khá giả, được dạy dỗ đàng hoàng, từ nhỏ cô đã là một người con gái xinh đẹp, lớn lên cô trở thành một thiếu nữ Hà Thành, vẫn đầy đủ những nét xinh xắn và vẻ thông minh, sâu sắc của người thiếu nữ ngày nào. Cô là con người trí thức, hiểu biết rộng và còn tự mình mở được một salon văn chương, thế giới mà cô tiếp xúc cũng chính là toàn bộ những con người thuộc thế giới thượng lưu, văn nghệ sĩ Hà Thành.

Qua mỗi thời kỳ, cô Hiền đều có cho mình những thái độ, cách hành xử phù hợp và thể hiện được những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Sau năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhân vật “ Tôi” từ chiến trường trở về, Hà Nội nhỏ và vắng hơn trước, bởi rằng, những người vốn sống ở Hà Nội trước đây thì giờ đều chuyển đi những vùng đất mới để làm ăn sinh sống và lập nghiệp. Nhưng, cô Hiền thì lại khác cô vẫn không rời xa Hà Nội, không sinh cơ lập nghiệp ở vùng khác. Phải chăng đây chính là sự gắn bó máu thịt của một con người với vùng đất chôn rau cắt rốn của họ? Sợi dây gắn kết ấy phải có lẽ được tạo ra bởi chính tình yêu của cô đối với Hà Nội.

Mỗi khi nhân vật “ tôi” về thăm Hà Nội, cô luôn băn khoăn hỏi “Anh ra Hà Nội lần này thấy phố xá như thế nào, dân tình thế nào ?”. Câu hỏi ấy tưởng như một câu hỏi xã giao đơn thuần, nhưng thực chất thì lại không phải thế! Ngay trong câu hỏi đã ẩn chứa một nỗi niềm đau đáu, phấp phỏng và tràn đầy hy vọng của một người phụ nữ về vùng đất mà mình yêu mến.

Cô Hiền mang vẻ đẹp thanh lịch, nhã nhặn của người Hà Nội, một vẻ đẹp mà nhân vật ấy không ngừng xây đắp và luôn luôn có ý thức đề cao. Người xưa đã có câu:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Vẻ đẹp thanh lịch đó thể hiện qua cách cô hiền dạy dỗ và uốn nắn những đứa con của mình. Trong ăn uống, từ cách cầm bát đũa, cách lấy canh, nói chuyện trong bữa ăn, ….đều được cô hướng dẫn tỉ mỉ cẩn thận. Cách ăn uống của gia đình cô Hiền được đặt trong sự đối sánh với cách ăn uống của gia đình nhân vật “tôi” đó là “Cứ việc sục muôi, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát mắng con cái, nhồm nhoàm, hả hê, không phải theo một quy tắc nào cả”. Cách ăn uống ấy chính là biểu hiện của một trong những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, những giá trị văn hóa được lưu giữ và phát triển cho tới ngày hôm nay.

Bên cạnh cách ăn uống, còn là cách đi đứng, nói năng sao cho chuẩn mực, không tùy tiện buông tuồng và đặc biệt là “ Biết lòng tự trọng, biết xấu hổ.” Sự thanh lịch, những thói quen lịch lãm như dòng máu luôn chảy trong người cô, dù cho giữa nhịp sống xô bồ nhộn nhịp thì những thói quen ấy vẫn luôn giữ cho tốt tất cả những điều này.

Ngoài những nét thanh lịch, ở cô Hiền còn toát lên vẻ đẹp của bản lĩnh cá nhân, bản lĩnh sống của người Hà Nội, cô có cho mình hiểu biết nhận thức rất thực tế về cuộc sống. Là người phụ nữ nhưng cô luôn khẳng định được vai trò “nội tướng” của mình, luôn chủ động, tự tin, mạnh mẽ, dám làm dám là chính mình. Việc cô Hiền lấy chồng là một ông giáo tiểu học, hiền lành chăm chỉ, sự kiện ấy khiến cả Hà Thành kinh ngạc. Chuyện sinh con đẻ cái cũng vậy, cô tính toán chuyện sinh con sao cho hợp lí và có thể nuôi dạy chúng cho tốt đến khi chúng trưởng thành. So sánh với thời kì phong kiến, hoặc không ít những người phụ nữ ngay trong thời đại của cô, họ là phái yếu luôn bị xã hội khinh rẻ, coi thường thì cô Hiền lại luôn thể hiện ngược lại. Người phụ nữ ấy quyết định nhiều việc trong gia đình, ngay cả vấn đề kinh tế cũng vậy, khi chồng bà định mua máy in, cô đã phân tích cho ông hiểu và thuyết phục thành công người chồng của mình. Như vậy người ta nhìn thấy được ở cô Hiền còn chính là cái nhìn bao quát và toàn diện, sự sâu sắc và thấu đáo trong tất cả những vấn đề của cuộc sống.

Cô Hiền còn là một người phụ nữ đầy bản lĩnh, tính tình thẳng thắn. Cô đưa ra quan điểm của mình về việc Chính phủ can thiệp quá sâu vào đời sống của người dân, “Chính phủ can thiệp quá nhiều vào việc của dân quá, nào là phải tập thể dục mỗi sáng, sinh hoạt văn nghệ mỗi tối”. Sự thẳng thật với chế độ với thời đại, chính là thái độ thẳng thắn, trung thực của con người Hà Nội.

Lòng tự trọng, nhân cách cao thượng của cô Hiền thể hiện rõ qua việc cô cho những đứa con của mình đi bộ đội. Khi đứa con trai đầu – “ Dũng” xin đi bộ đội vào Nam chiến đấu bà nói với nhân vật “tôi” : “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Đến lượt thằng con thứ hai lên đường cô cũng nói “Tao không khuyến khích cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm con đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Đó chính là một lối sống cao thượng, không thấp hèn, bám vào sự hi sinh của người khác, sống hổ thẹn với lương tâm. Ở đây cô còn hiện lên vẻ đẹp của người mẹ thời chiến có ý thức trách nhiệm với đất nước với dân tộc, biết sẻ chia trước đau thương mất mát của biết bao người mẹ khác. Lòng tự trọng giúp con người ta sống có trách nhiệm với cộng đồng. Ở cô Hiền, lòng tự trọng của cá nhân đã hòa vào lòng tự trọng của dân tộc. Đây là một cách ứng xử rất nhân bản.

Đặc biệt, cô Hiền luôn luôn tin tưởng vào những giá trị văn hóa bền vững của con người Hà Nội. Mỗi thời đại, mỗi vẻ đẹp riêng, đều có những nét đẹp không bao giờ đổi thay. Hình ảnh cây si cổ thụ xuất hiện ở cuối truyện đã khẳng định rằng, niềm tin và tình yêu, những giá trị tinh thần chính là liều thuốc quan trọng để lưu giữ và làm sống dậy những gì tưởng chừng như đã mất. Sự sống lại của cây cổ thụ là niềm lạc quan tin tưởng của tác giả vào sự phục hồi của những giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội. Những giá trị văn hóa bền vững sẽ không mất đi, nhà văn ao ước những giá trị ấy sẽ hóa thân vào hiện tại “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ…”

Qua nhân vật cô Hiền nhà văn Nguyễn Khải đã khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội. Nhận định như một lời nhận xét chính xác và đầy đủ nhất về vẻ đẹp của con người Hà Nội trong mọi thời đại, thời nào cũng vậy, con người nơi đây luôn lưu giữ, duy trì và phát huy những giá trị tốt đẹp. Cô Hiền – nhân vật chính của thiên truyện chính là một người như thế, một con người sắc sảo đến khôn ngoan, trải đời đến già dặn, nhưng cô cũng là một người bộc trực vô tư. Đối với đất nước và cách mạng, cô có quan niệm khá rạch ròi, với cuộc sống bản thân và gia đình, người phụ nữ ấy cũng nuôi dưỡng cho mình những quan niệm rất độc đáo và thông minh

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 3

Sống giữa cuộc đời đầy rẫy oan trái, nghịch lý, bất công, đã bao lần ta bắt gặp trong văn chương một đôi câu thơ nét bút, một vài điều nhỏ nhoi biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể. Là một chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ”, bất chấp thân phận nhỏ bé, vùng lên chống trả quiết liệt tay lý trưởng, bảo vệ chồng. Hay là một Lão Hạc chất phác, cuộc đời Lão cuối cùng phải hứng chịu một kết cục ngắn ngủi sau bao biến cố lão phải chịu đựng và đấu tranh nội tâm gay gắt.

Đọc “Chữ người tử tù”, một lần nữa ta lại bắt gặp cái vẫn được gọi là kỳ tích. Với nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại, Nguyễn Tuân đã đưa tới cho người đọc một triết lý: Cuộc đời này đã tạo ra chốn ngục tù tối tăm kìm kẹp bao hế hệ. Để rồi chính tại nơi ấy, đặt vào đó luồng sáng tuy leo lắt mỏng manh nhưng lại có sức mạnh làm bừng tỉnh, cứu vớt bao tâm hồn vẫn hằng mong được vượt ngục tìm tới nguồn sáng cuộc đời mình. Sức mạnh ấy phải chăng chính là sức mạnh của lòng chính nghĩa, lòng tự tôn dân tộc và trên hết là vẻ đẹp của chữ, sự trường tồn bất tử của cái đẹp hiện hữu, cái đẹp thống trị nơi ngục tù tăm tối.

Nhắc tới “Chữ người tử tù”, không ai quên nhắc tới chiều sâu nhân văn mà nó mang lại, nói cách khác, ý nghĩa của tác phẩm đã khắc sâu vào tâm khảm độc giả, bởi lẽ nhớ tới “Chữ người tử tù” giờ đây không còn chỉ đơn giản là cảm thụ vẻ đẹp lời văn, mà đã là lời tự nhắc về vẻ đẹp trường tồn của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Một viên quan coi ngục, phục vụ cho chế độ phong kiến, lại mang trong mình một ấp ủ, hoài bão về một nét chữ được người đời lưu truyền lâu nay. Một Huấn Cao, con người viết chữ chẳng vì vinh hoa vàng bạc, dù cho bị giam cầm kìm hãm vẫn nhất quyết không chịu khuất phục, rất quý trọng với những người có lòng trong thiên hạ và phát huy vẻ đẹp và tinh hoa của chữ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Vẻ đẹp của chữ và ý nghĩa của ngôn từ được Nguyên Tuân bộc lộ và sử dụng rất hiệu quả. Điều đó không chỉ làm nên ý nghĩa cho toàn bộ tác phẩm mà còn tạo nên giá trị thẩm mỹ mà hiếm thấy được ở các tác phẩm phản ánh thực trạng xã hội. Đọc “Chữ người tử tù”, người đọc chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ẩn trong mình triết lý sâu xa của chữ. Vẻ đẹp của chữ là hình ảnh chủ đạo xuyên suốt toàn tác phẩm. Vẻ đẹp của chữ làm toát lên nhân cách của nhân cách và thiên lương của viên quan ngục, khí phách và lòng người biết biệt nhỡn liên tài và tài năng thiên bẩm làm cảm hóa lòng người của Huấn Cao. Phải chăng chính những tình huống, hành động cao đẹp của nhân vật đã làm cho vẻ đẹp của chữ lên ngôi.

Viên coi ngục, được đánh giá như là một tấm lòng biết giá người và biết quý trọng người ngay, là một “âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản dàn mà nhạc luật đều hồn loạn xô bồ”. Trong hoàn cảnh đề lao, giữa cái nơi người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, vẻ đẹp của chữ đã cảm hóa tấm lòng những con người ẩn mình dưới cái ác. Sự hiện thân của cái đẹp, chữ Huấn Cao sáng lên như một ngọn lửa trong màn đêm tăm tối, làm sáng chính mình và  nhóm lên ngọn lửa vĩnh cửu trong lòng mến mộ cái đẹp của quản ngục. Nhưng cái đẹp đâu chỉ dừng lại ở đó. Thoạt đầu, đơn thuần chỉ là vẻ đẹp của chữ ngấm vào cốt cách viên quản ngục. Cho tới cuối tác phẩm, ngọn lửa rực sáng trong lòng Huấn Cao, nhen nhóm trong viên quản ngục, rồi lan tỏa, làm bừng sáng, làm sống dậy nơi ngục tù tăm tối.

Một lần nữa, sự tác động sâu xa của chữ được thể hiện qua chi tiết mở nút của tác phẩm, hình ảnh cho chữ Huấn Cao. Sống giữa buổi giao thời giữa hai thời đại, con người ta cũng chuyển biến thật kỳ lạ. Trong bóng tối của ngục tù, ánh sáng đỏ rực của bó đuốc rọi khắp. Từ vị trí của kẻ thống trị, giờ đây bỗng cúi mình, cúm rúm dưới sức mạnh của chữ. Thư pháp của Huấn Cao biến tầng lớp xã hội đương thời, cùm kẹp chữ nghĩa văn chương trở nên “khúm núm”. Hình ảnh “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng” làm nổi bật lên sự bất khuất trường tồn của đẹp, mặc cho sự hạn chế của xã hội, bất chấp mọi điều kiện cản trở, từng nét bút của Huấn Cao vút đưa lên, đậm tô nét ở trên tấm lụa trắng tinh, tựa như một nét chấm phá của vẻ đẹp của chữ chốn ngục tù nhem nhuốc.

Như đã nói ở trên, trong cái chuyển mình của xã hội luôn bao hàm và dẫn tới sự biến đổi của con người. Trong hoàn cảnh xiềng xích, Huấn Cao, từ người tử tù, bỗng chốc thoát mình trở thành người nghệ sỹ tự do sáng tạo ra cái đẹp. Còn viên quản ngục trở nên người tri âm cái đẹp cùng người nghệ sỹ. Hình ảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có” này, đồng thời lại như đang giải thích cho gốc rễ của nhân cách, xuất phát điểm là nơi của tài năng và khí phách. Quả thực, không thể phủ nhận rằng, vẻ đẹp hiện hữu dường như luôn vô hình ẩn sau mỗi chi tiết và bộc lộ qua tấm lòng từng nhân vật, làm sáng lên nhân cách và làm bừng lên những hoài bão tung hoành của đời người.

Kết thúc tác phẩm là hình ảnh viên quản ngục nhận lấy chữ từ người tử tù. Trong thời khắc này, mùi mực thơm lan tỏa khắp gian phòng ẩm thấp, hay phải chăng chính tâm hồn Huấn Cao đang truyền đời cái đẹp, viên quản ngục đón nhận nó và tâm hồn trân trọng cái đẹp của ông dường như được giải thoát và thỏa mãn phần nào. Cái đẹp đang bao trùm lên cái nơi “ khó giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện” ấy, hay là Huấn Cao đã để lại một nét “Tâm” cho người đời sau. Một chữ Tâm hoàn toàn có khả năng làm thay đổi một phần bị ảnh hưởng bởi xã hội đen tối, một chữ Tâm  ngấm vào cái tâm đã sẵn muốn được hoàn lương…

Vẻ đẹp của chữ hiện lên trong lao ngục làm cho hình ảnh vĩ nhân tưởng chừng như tầm thường trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết, khiến hoàn cảnh bỗng trở nên dễ dàng nhẹ bỗng, cái tối tăm nhường chỗ cho ánh sáng của thiên lương và cái đẹp luôn ẩn náu. Đã bao lần ta đọc một trang sách, đáng lẽ nên lật qua trang mới, nhưng lại lật ngược trở lại, suy ngẫm? Các tác phẩm của Nguyễn Tuân là vậy, nghe thì tưởng như đơn giản vô cùng, nhưng ý nghĩa và triết lý mà nó để lại trong lòng mỗi người đọc thì lớn vô cùng. “Chữ người tử tù” cũng là một trong số đó.

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 4

Mỗi tác phẩm văn học mang một sức sống riêng, để lại những ấn tượng, những nỗi ám ảnh riêng. Mỗi hình tượng nghệ thuật, mỗi hình ảnh hay đơn giản là một chi tiết trong tác phẩm cũng đủ khiến người đọc nao lòng, bận bịu bao suy tư. Đọc “Chí Phèo” của Nam Cao, người đọc không thể không nghĩ đến một con đường in bóng hình những bước chân loạng choạng, ngật ngưỡng đầy phẫn uất của một Chí Phèo say – tỉnh. Và trên con đường - hành trình đời đầy nỗi đau và bi kịch ấy, những giây phút hạnh phúc, những cử chỉ yêu thương mà Chí được hưởng thật hiếm muộn. Song dù chỉ là một giọt nước giữa sa mạc đời bao la của Chí thì bát cháo hành của thị Nở vẫn làm tròn nhiệm vụ của một nguồn nước mát lành góp phần thức tỉnh, hồi sinh tâm hồn Chí sau bao tháng năm đọa đày trong kiếp quỷ dữ. Cùng với những ám ảnh về bi kịch nhân sinh của con người, hương cháo hành thoang thoảng trong “Chí Phèo” mãi mãi còn vương vấn trong hồn người đọc như một biểu tượng của tình cảm nhân đạo sâu sắc, đậm đà trong siêu phẩm này.

Trước khi gặp thị, Chí đã từng là một người nông dân lương thiện, hiền lành như cục đất. Con người ấy dù có tuổi thơ bất hạnh, bị chuyên tay như một món hàng nhưng vẫn giữ trọn những vẻ đẹp tâm hồn cao quý, thiêng liêng của một đời lương thiện, biết phải trái, đúng sai, biết tự trọng. Nhưng bàn tay của bọn cường hào phong kiến (mà đại diện là Bá Kiến) và cái nhà tù thực dân không cho con người ấy sống đời lương thiện. Chúng hùa với nhau, tước đi cả nhân hình, nhân tính của người nông dân lương thiện, để biến anh Chí thành thằng Chí Phèo, biến anh canh điền hiền lành, chăm chỉ thành kẻ lưu manh có mỗi một nghề là rạch mặt ăn vạ. Sau 7, 8 năm đi khỏi làng Vũ Đại, Chí Phèo hồi hương trong tình cảnh vô sản.

Sự hiện hữu của Chí Phèo ở làng Vũ Đại là một con số “không” tròn trĩnh, không nhà không cửa, không bạn bè người thân, không một tấc đất cắm dùi, không được thừa nhận là một con người. Đó là cái bi kịch đau đớn của con người cô đơn đi giữa đồng loại. Chí chửi mong nhận được sự hồi đáp – dù là sự hồi đáp thấp hèn nhất nhưng cũng không có. Chẳng ai cho Chí chút quan tâm, không ai coi hắn là người. Hắn chửi vào khoảng không bao la của sự vô tình, lạnh lẽo. Hắn chửi thì tai gần miệng đấy, hắn lại nghe. Chỉ còn một thằng say rượu cùng ba con chó dữ. Còn gì thê thảm hơn thân phận của con người ấy – thân phận của con người – vật. Cái lần đầu tiên ra tù rồi đến nhà Bá Kiến chửi đổng, hình như Chí Phèo đã lờ mờ nhận ra kẻ thù đã dìm mình xuống vũng bùn tha hóa. Nhưng ở cái mảnh đất “quần ngư tranh thực” này, trước một Bá Kiến gian hùng, “khôn róc đời”, Chí Phèo thật thảm hại biết bao. Chí không những không trả thù được mà còn trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến – kẻ thù của mình, tiếp nối đời Năm Thọ, Binh Chức.

Từ đó, Chí Phèo trượt dài trên con dốc tha hóa, xuống đáy vực của nó để thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Người ta tránh hắn, sợ hắn vì hắn làm bao nhiều việc cướp bóc, đốt phá, làm chảy máu và nước mắt của bao người lương thiện. Hắn làm tất cả những việc ấy trong cơn say triền miên, vô tận, đến nỗi chính hắn không biết về chính bản thân mình. Gương mặt quỷ dữ, hành động tác quái theo kiểu quỷ dữ của Chí đã khiến con đường trở về của Chí cụt lối. Cánh cửa của xã hội lương thiện đã đóng sầm trước mặt hắn khi hắn hồi hương thì đến nay nó được chèn cài kỹ lưỡng, im ỉm như một khối băng. Chí hiện diện như một bóng hình hắc ám đi bên lề cuộc sống của làng Vũ Đại. Thế nhưng, phía cuối đường hầm vẫn còn chút ánh sáng le lói để Chí hy vọng. Trong cái làng Vũ Đại ấy vẫn còn một con người nhìn đến Chí, không sợ Chí Phèo và luôn đi qua vườn nhà hắn để kín nước. Đó là một người đàn bà khốn nạn, khổ đau, chịu nhiều thiệt thòi - thị Nở.

Chao ôi! Sao Nam Cao lại dùng những lời văn lạnh lùng đến tàn nhẫn, mỉa mai để tả người đàn bà khốn khổ ấy? Đã mang một dung nhan “xấu ma chê quỷ hờn”, Thị lại còn dở hơi “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”, mà thị lại còn nghèo nếu trái lại thì ít nhất có một người đàn ông khổ sở. Chưa hết, thị Nở còn có dòng giống mả hủi nên người ta vẫn “tránh thị như tránh một con vật rất tởm”. Ngoài 30 tuổi thị vẫn chưa lấy chồng trong khi ở cái làng Vũ Đại người ta kết bạn từ lúc lên tám, lên chín, có con từ lúc 15, không đợi đến năm hai mươi đẻ đứa con thứ nhất. Trong tình hình đó ta có thể nói quách thị không có chồng. Ông trời nhiều khi run rủi, thương người nhưng thực sự ở trường hợp Chí Phèo - thị Nở này ta có thể nói ông thương hay ông ác, gây nghịch cảnh trớ trêu? Trách trời chi cho xa, trách nhà văn Nam Cao sao không tác thành cho mối tình “đôi lứa xứng đôi” ấy? Song làm sao mà tác thành được, ai cho phép họ đến với nhau. Cả một xã hội với bao định kiến không cho họ đến với nhau, không cho họ hạnh phúc trọn vẹn.

Đọc kỹ, ngẫm ở chiều sâu văn bản tác phẩm, ta mới thấy Nam Cao thương người! Nếu không có ngòi bút của ông thì những kẻ tha hóa như Chí Phèo, những người đàn bà cùng khốn như thị Nở chẳng bao giờ được biết đến chút ít hạnh phúc của yêu thương, của tình ái. Họ đã gặp nhau trong một đêm gió mát, rười rượi ánh trăng ở vườn chuối cạnh bờ sông mà những tàu chuối bị gió bay lại “giẫy lên đành đạch như là hứng tình”. Khung cảnh lãng mạn đang tác thành cho họ. Chí Phèo uống rượu ở nhà Tự Lãng đã say từ nửa đường; thị Nở đi kín nước cũng hớ hênh tựa vào gốc chuối ngủ trong cái gió mát như quạt hầu. Hai con người dị dạng, hai số phận trớ trêu đã trải qua một đêm tình lãng mạn đúng kiểu “Chí Phèo – thị Nở”. Nhưng Nam Cao dựng lên mối tình “người – ngợm” này không phải để câu khách rẻ tiền mà làm tỏa sáng tình người, tình yêu thương và sự săn sóc ấm áp của một người đàn bà xấu xí ngoại hình nhưng lại có một tấm lòng vàng. Đêm tình ấy khiến thị Nở xao xuyến, suy nghĩ nhiều, đặc biệt về Chí Phèo, về trận ốm của Chí.

Thị về nhà sau cuộc tình, sau khi dìu Chí vào nhà và trằn trọc không sao ngủ được. Thị nghĩ “thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc nhừ”. Và thị thấy phải cho hắn ăn một tí gì mới được: “Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà”. “Thế là vừa sáng thị đã chạy đi tìm gạo để nấu cháo cho Chí. Hành thì nhà thị may lại còn”. Nam Cao đã miêu tả chiều sâu tâm lý nhân vật với những rung cảm, những suy tư tinh tế. Tâm lí của thị Nở vừa rất ngô nghê lại vừa sâu sắc. Đó là những rung động, những tình cảm tha thiết của một người đàn bà, nhất là một người đàn bà đang yêu và muốn chăm sóc cho người yêu của mình. Thị không dở hơi mà ta thấy thị rất lo cho Chí, lo với tình cảm của nhân tình, nhân ngãi, của người làm ơn và cũng là của người chịu ơn. Thị nghĩ: “mình bỏ hắn lúc này cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau như “vợ chồng”. Tiếng “vợ chồng” thấy ngường ngượng mà thinh thích…”. Thiên tính nữ, thiên chức của người đàn bà thức dậy trong thị. Thị khao khát hạnh phúc, tình yêu như mọi người, dù chỉ là làm vợ của thằng… Chí Phèo, cho nên bát cháo hành của thị Nở đem cho Chí không chỉ là trách nhiệm mà còn là cả một tấm lòng.

Hơn tất cả những người đẹp đẽ ở làng Vũ Đại, thị có một tấm lòng vàng, tấm lòng chân thành và cao cả. Trong thâm tâm của thị, thị lo cho Chí, một nỗi lo thực sự của những người thân yêu dành cho nhau. Thị còn thấy thương Chí: “cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”. Đồng thời bát cháo ấy còn có lòng yêu, tình yêu: “Thị thấy như yêu hắn: đó là cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn”. Vì thế, thị đem cho Chí nồi cháo hành còn nóng nguyên để hắn ăn cho khỏi ốm. Hơn một chi tiết nghệ thuật, bát cháo hành của thị Nở đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật, một siêu mẫu trong văn học hiện đại Việt Nam. Bát cháo ấy do thị Nở nấu có thể chẳng mấy ngon nhưng quan trọng nó là tình thương, tình yêu, tình người ấm áp. Nó là sự chăm sóc ân cần mang theo những nỗi lo âu thực sự của tấm lòng thị Nở dành cho Chí.

Đặt trong quãng đời dài dặc đầy bi kịch của Chí, trong hoàn cảnh dưới đáy hiện tại của Chí, bát cháo ấy là tình người hiếm hoi mà Chí nhận được, là hạnh phúc tình yêu muộn mằn, quý giá vô ngần mà lần đầu tiên trong đời hắn được hưởng. Hương vị cháo hành – hương vị tình yêu tỏa sáng, vượt lên hoàn cảnh, lên trên mọi định kiến của xã hội. Nó mãi mãi còn thoang thoảng, lan tỏa theo suốt cuộc đời của Chí. Một điều độc đáo ở đây là Nam Cao đã miêu tả quá tình diễn biến tâm lý nhân vật Thị Nở rất tinh, rất sâu theo một tiến trình, một quá trình. Cách miêu tả tâm lý ấy cộng hưởng cùng nghệ thuật đối lập (giữa ngoại hình và tâm hồn nhân vật thị Nở) khiến mỗi người đọc cũng xúc động rưng rưng cùng nhân vật. Hóa ra Nam Cao không thóa mạ, hay hạ thấp con người bằng những nét vẽ ngoại hình trần trụi, mà ngược lại, ông đề cao, tôn vinh con người. Vẻ đẹp cao quý nhất của con người là vẻ đẹp tâm hồn, là tình người, là tấm lòng cao cả. Đó là tiêu chuẩn, là thước đo giá trị người của con người. Nhìn như thế, ta sẽ thấy Thị Nở là người phụ nữ đẹp nhất làng Vũ Đại và đẹp nhất trong văn học Việt Nam.

Nói Thị Nở đẹp không hề quá đáng bởi bát cháo hành kia đâu chỉ là tình thương, tình yêu, là sự chăm sóc ân cần mà nó có tác dụng diệu kỳ – cảm hóa con người, thức tỉnh phần người, phần nhân tính bị vùi lấp bao lâu nay trong Chí Phèo. Nói đúng hơn là Thị Nở đã thức tỉnh Chí, cứu vớt Chí, làm hồi sinh tâm hồn, nhân tính trong Chí. Điều đó không phải ai cũng làm được. Và như thế, ta thấy chi tiết bát cháo hành không thể thiếu trong tác phẩm. Nó thể hiện tình cảm, tư tưởng nhân văn sâu sắc của nhà văn Nam Cao. Ông luôn luôn băn khoăn, trăn trở về vấn đề nhân tính của con người. Ông luôn mang trong mình niềm tin mãnh liệt vào con người, vào phần lương thiện thiêng liêng, quý báu trong mỗi con người. Thiên lương ấy không bao giờ bị mất đi, không một thế lực nào giết được. Nó như một thứ lửa luôn âm ỉ cháy trong trái tim của con người, kể cả những con người ở giữa vũng bùn lầy của sự tha hóa như Chí Phèo – không còn chút nhân hình, nhân tính nào nữa – theo cái nhìn từ bên ngoài, từ người ngoài.

Những dòng Nam Cao miêu tả Chí Phèo ăn cháo hành có thể nói là những dòng văn sâu sắc, xúc động nhất tác phẩm. Nhìn thấy bát cháo hành “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì…”. Chí đi từ ngạc nhiên đến xúc động nghẹn ngào. Đây là lần thứ nhất trong đời hắn khóc sau những năm tháng bị đọa đày và cũng là lần thứ nhất trong đời hắn nhận được một thứ người ta cho, cho vô tư, không tính toán. Hắn không phải dọa nạt hay cướp giật mà vẫn có được. Quan trọng, đây là lần đầu tiên trong đời Chí được một người đàn bà quan tâm, săn sóc, dành tình cảm cho; cũng là lần đầu tiên sau khi ra tù Chí được một con người nhìn nhận mình như một con người, đối xử với mình theo cách con người dành cho nhau. Và hắn thấy thị có duyên bởi trong mắt kẻ si tình người yêu của mình bao giờ chẳng đẹp, chẳng duyên. Để rồi sau đó, Chí Phèo tỉnh, tỉnh để suy tư, chiêm nghiệm.

Chí thực sự đã tỉnh rượu, đã tỉnh ngộ và ý thức được về cuộc sống sau những tháng năm say triền miên, vô tận, say để không biết có sự hiện hữu của mình trên cõi đời. “Hắn thấy vừa vui, vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn”. Chí cảm nhận được tất cả vị thơm ngon của nồi cháo hành: “Trời ơi cháo mới thơm sao! Chỉ khói xông lên mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon…”. Hơi cháo hành, bàn tay chăm sóc và tình cảm của thị Nở đã làm cho Chí tỉnh, tỉnh để mà nhận ra mình, nhận thức về những việc mình đã làm. Hơi cháo làm Chí nhẹ người, chí khỏi ốm để ăn năn, sám hối. Hơn lúc nào, Chí cảm thấu tình cảnh thê thảm, bi đát của mình cho nên hắn vừa vui lại vừa buồn. Vui vì tình yêu, hạnh phúc muộn mằn, dù muộn nhưng đã đến; buồn vì thân phận, vì cuộc sống quá loài vật của bản thân. Cháo hành rất ngon nhưng “tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?”. Hắn hỏi rồi hắn tự trả lời: “có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”. Thê thảm quá! Bi kịch quá! Xót xa muôn phần! Một chút gì như cay đắng nghẹn lòng nữa! Chí nghĩ đến những tháng ngày nhục nhã bị bà ba nhà Bá Kiến – “con quỷ cái” cứ hay gọi hắn đấm lưng, bóp chân “mà lại cứ bắt bóp lên trên, trên nữa”. Hắn thấy nhục chứ sung sướng gì. “Hai mươi tuổi người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Người ta không thích những cái người ta khinh …”.

Rõ ràng đến đây, Chí hiện lên là một chân dung con người đầy đủ, vẹn toàn có cả quá khứ, hiện tại, có những suy nghĩ sâu xa, những tâm trạng phong phú, ý thức đầy đủ về bản thân. Người nông dân lương thiện trong Chí đang trở về sau những năm tháng dài bị đi đày xa tắp. Nhưng có ai nhận thấy đâu, họa chăng chỉ có thị Nở vì thị thấy chí rất hiền, “ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?” Nam Cao vốn là một nhà văn có cái nhìn đời thấu suốt, tinh sắc. Ông không dừng lại ở sự thức tỉnh của Chí Phèo nhờ bát cháo hành mà ông còn đưa người đọc đi xa hơn đến chân trời ước mơ, hy vọng của Chí. Với ước mơ quá khứ sống dậy, ước mơ trong hiện tại bùng cháy thiêu đốt tâm can, Chí đã thực sự hồi sinh, là một con người hoàn toàn theo đúng nghĩa của hai chữ CON NGƯỜI viết hoa (chữ của M.Gorki). Bát cháo húp xong, thị Nở đỡ lấy bát và múc thêm bát nữa. Hắn thấy đẫm bao nhiêu mồ hôi, những giọt mồ hôi to như giọt nước. Chí biết mình đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời và chí thấy “thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn sao người khác không thể… Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”.

Hạnh phúc chớm nở như hoa hàm tiếu và hy vọng được nhen lên rồi bùng cháy mãnh liệt như ngọn lửa được tiếp ôxi. Chí khao khát cuộc đời lương thiện, muốn làm hòa với mọi người. Thị Nở sẽ là cầu nối, là hy vọng, mở ra cánh cửa của thế giới lương thiện vẫn đóng im ỉm cho Chí. Bát cháo hành của tình yêu, tình người đã làm tươi lại, thanh lọc tâm hồn Chí. Cái ước mơ của Chí rất giản dị mà thiêng liêng, cao cả xiết bao. Nó mang tư tưởng nhân văn sâu sắc, mới mẻ của nhà văn Nam Cao. Bởi đã là con người, dù dị dạng, dù tha hóa nhưng họ vẫn có quyền được sống lương thiện, vẫn không thôi ước mơ, không hết sự khát thèm cuộc đời bình dị trong hạnh phúc và tình yêu. Song xã hội lương thiện mà Chí Phèo thấy bằng phẳng kia không hề bằng phẳng. Nó còn bao định kiến, bao sự cách ngăn, bao điều nghi kỵ. Tất cả đã không cho Chí một cơ hội nào trở về cuộc đời bình thường như bao người bình thường.

Bị thị Nở cự tuyệt, hắn phẫn uất, cùng cực tìm đến rượu. Nhưng hắn “càng uống lại càng tỉnh ra”. “Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Hơi cháo hành ấy là dư ảnh của bát cháo kia xuất hiện lần cuối để giữ Chí lại bên bờ tỉnh, để hắn tự ngấm, tự thấm bi kịch nhân sinh cuộc đời. Tất cả hy vọng của Chí đã tan biến theo làn khói hành mong manh, hư ảo. Nhưng hắn không thể sống như trước nữa vì hắn đã tỉnh, hắn vẫn không thôi ước mơ. Chí khóc rưng rức trong tuyệt vọng, trong những tỳ vết tâm hồn. Những vết cứa, vết xước của tội ác trong tim hắn biểu hiện lên khuôn mặt dị dạng của hắn vĩnh viễn không thể mất đi. Tất cả đưa Chí Phèo đến kết cục bi thảm, cùng cực khiến người đọc bao năm nay vẫn thôi day dứt trong ám ảnh về những câu nói của Chí: “Ai cho tao lương thiện? … Tao không thể làm người lương thiện nữa…”

Mỗi tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật song chỉnh thể ấy chỉ có được từ sự phối hợp hài hòa các yếu tố nhỏ hơn, thậm chí chỉ là một chi tiết. Một chi tiết nhiều khi mang sức nặng, cất chứa toàn bộ tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm, là chìa khóa thâm nhập vào thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Chi tiết bát cháo hành mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao thật ấn tượng, mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc. Nó thúc đẩy sự phát triển, tạo bước ngoặt cho cốt truyện. Đồng thời, nó cũng đầy ám gợi để khắc họa sắc nét, tinh tế thế giới tâm hồn, diễn biến tâm trạng phong phú, phức tạp của các nhân vật. Từ đó, chi tiết làm bật nổi tính cách và bi kịch của các nhân vật ấy như những hồi chuông gióng giả, vang vọng đầy ám ảnh về con người. Bát cháo hành của thị Nở có thể không thể toàn vẹn, thơm tho như chính con người nhân vật nhưng nó là bát cháo của tình yêu thương, của tình người ấm áp, của tình cảm nhân đạo sâu sắc và mối quan hoài thường trực mà nhà văn Nam Cao dành cho con người, nhất là con người có số phận bi kịch. Chính cái nhỏ nhoi, bình dị ấy là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên tầm vóc kinh điển cho kiệt tác “Chí Phèo”.

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 5

“Tầng hai” là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn đất Nam Định Phong Điệp. Tác phẩm được in trong tập truyện ngắn “Kẻ dự phần”. Đây là một câu chuyện kể về lối sống của các thành viên trong một căn nhà cho thuê. Qua đó là những suy nghĩ về triết lý cuộc sống.

Mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu về nhân vật Phan đang thuê trọ trong một căn nhà có một người mẹ và vợ chồng người con. Hàng ngày cô đều lắng nghe và hình dung về cuộc sống của ba người ở trên tầng hai. Cuộc sống của cô cũng như bao người bận rộn khác, sáng đi sớm còn tối về thì bản tin cuối ngày đang phát. Tác giả đã miêu tả về cuộc sống của Phan rất chân thực nhưng cũng rất là cô đơn, nhàm chán, buồn tẻ. Lúc nào trước khi đi ngủ trong đầu cũng chỉ là những lập trình sẵn về công việc và những việc mình phải làm vào ngày mai. Và một cô gái có cuộc sống chỉ xoay quanh công việc lại nghĩ đến việc theo dõi cuộc sống của những người ở tầng trên. Phan lắng nghe được rất nhiều những âm thanh mà thật trái ngược với sự tĩnh lặng trong căn phòng của cô. Tiếng người con dâu khóc vì người người chồng đi làm về muộn, rồi người mẹ lại dỗ dành người con dâu. Đây là những khung cảnh mà ta thường thấy của những cặp vợ chồng. Đối với Phan buổi tối trước khi đi ngủ là lắng nghe những âm thanh ở tầng trên, rồi nghe những âm thanh của tiếng nước chảy rồi chìm vào giấc ngủ. Những ý nghĩ rằng mình phải bám trụ ở đây, không được từ bỏ và cô nghĩ như thế mới là hạnh phúc.

Tác giả đã rất tinh tế và khéo léo, khi đã lồng ghép miêu tả về cuộc sống đối lập giữa cuộc sống của Phan và cuộc sống của gia đình trên tầng hai. Người mẹ hiện lên là một người rất hiền từ, luôn động viên và bảo vệ người con dâu của mình. Người con dâu thì như một cô vợ nhỏ, lúc thì giận dỗi chồng, lúc thì lại yêu thương cười nói nhưng cô rất là quan tâm mẹ của mình. Còn người chồng thì hiện lên không phải là người chồng quá mẫu mực nhưng vẫn rất yêu thương mẹ và vợ. Khung cảnh gia đình ba người rất bình thường như bao gia đình khác, nhưng người đọc có thể cảm nhận được cái bình dị, cái quan tâm của các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Chính vì điều đó đã tạo nên một thói quen khiến Phan quan sát lắng nghe những âm thanh của tầng trên. Khi gia đình đón thành viên mới, có lẽ đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của gia đình. Người đọc có thể cảm nhận được tình cảm và sự vui mừng của các thành viên dành cho nhau. Lúc này Phan lại càng có suy nghĩ thôi thúc muốn nhìn khung cảnh sống ở trên tầng. Chính lúc này Phan lại nhận ra rằng, hình như mình đang đi tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa, mà quên mất rằng hạnh phúc của mình ở trong chính gia đình mà mình vẫn thường không quan tâm đến.

Một bức tranh gia đình đơn giản, ấm áp đã được Phong Điệp miêu tả rất sâu sắc trong tác phẩm “Tầng hai”. Từ đó thấy được những triết lý về cuộc sống rằng hạnh phúc không phải cái gì lớn lao, mà nó ở ngay bên cạnh chúng ta.

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 6

Lưu Quang Vũ đến với thể loại kịch nói và thực sự tìm thấy sở trường của mình sau khi đã tham gia sáng tác ở nhiều mảng cả thơ, truyện ngắn mà vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn Việt Nam. Với cái nhìn thấu đáo, mới mẻ và thực tế của một người lính từng trải qua chiến trường và đi qua những năm tháng đất nước đang chuyển mình đổi mới với nền kinh tế bao cấp lạc hậu, nhiều khó khăn Lưu Quang Vũ đã cho ra đời đến gần 50 vở kịch lớn nhỏ, phản ánh nhiều khía cạnh của xã hội lúc bấy giờ. Kịch của ông thời điểm đó rất được người dân ưa chuộng bởi lối viết rất tinh tế, rất đời, lại đậm tính triết lý nhân văn sâu sắc. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến vở Hồn Trương Ba da hàng thịt được tác giả dựng lại từ một câu chuyện dân gian cùng tên, nói về bi kịch của một người là Trương Ba chết oan vì sự tắc trách của các quan trên thiên đình, cuối cùng được cho sống lại dưới xác của anh hàng thịt. Sự sống lại kỳ dị ấy của Trương Ba đã khiến cuộc sống của hai gia đình đảo lộn, đồng thời gây nên đau khổ cho chính bản thân ông, vì sống mà trong ngoài bất nhất, không thể sống theo ý mình. Việc biến một câu chuyện dân gian thành một vở bi kịch đã mang đến cho người đọc nhiều triết lý sống sâu sắc, thông qua suy nghĩ, lời thoại của hồn Trương Ba.

Trương Ba vốn là một người làm vườn khéo léo, chăm chỉ, giỏi đánh cờ, lại hiền lành, có lối sống thanh cao, trong sạch nên được mọi người yêu mến kính trọng. Bi kịch bắt đầu khi Nam Tào cai quản sổ sinh tử trên thiên đình vì vội đi dự tiệc mà gạch nhầm tên của Trương Ba, khiến ông chết bất ngờ và đầy oan ức. Chuyện ông chết đến tận gần một tháng sau thì Đế Thích vốn là tiên, đồng thời là bạn cờ tri kỷ của ông, mới biết chuyện. Vì thương cho Trương Ba chết oan uổng, lại tiếc vì mất đi một tay đấu cờ giỏi, thế nên Trương Ba đã khuyên Nam Tào, Bắc Đẩu nên "sửa sai" bằng cách cho hồn Trương Ba được sống lại vào xác anh hàng thịt vừa mới chết hôm qua, bởi lẽ xác của Trương Ba đã bị mục rữa, không thể chứa hồn được nữa. Câu chuyện sống lại kỳ dị của Trương Ba đã đem đến cho cả hai gia đình một phen rối bời, nhưng vì Trương Ba trong xác hàng thịt đã chứng minh được mình là Trương Ba nên quay trở về nhà mình và bắt đầu cuộc sống với thân xác mới.

Những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp, nhưng hàng loạt bi kịch đã xảy đến, khiến Trương Ba vô cùng đau khổ. Nếu như theo cốt truyện dân gian cũ, thì sau khi Trương Ba về nhà với thân xác mới thì ông tiếp tục an hưởng cuộc sống với vợ con mình, mang đến một triết lý rất đơn giản: Đề cao sự quan trọng, tuyệt đối của phần hồn, đem tách rời giữa linh hồn và thể xác làm hai khía cạnh, trong khi hồn nắm giữ mọi tư tưởng, quyết định, còn xác chỉ đơn giản là cái xác, không có hồn thì xác chỉ là một cái túi thịt không hơn không kém, không có suy nghĩ, tư tưởng. Tuy nhiên đến với ngòi bút của Lưu Quang Vũ, mối quan hệ giữa hồn và xác được nhìn nhận một cách sâu sắc và đậm tính triết lý. Tác giả vẫn đi vào khẳng định vai trò cao hơn của linh hồn, thông qua các sự kiện Trương Ba nhớ ký ức của mình, cũng như tình cảm dành cho gia đình và dẫn theo xác anh hàng thịt về nhà sinh sống, cùng với việc các thành viên trong gia đình qua những cử chỉ, thói quen và ký ức chính xác của Trương Ba cũng nhanh chóng chấp nhận Trương Ba dưới xác anh hàng thịt, mặc dù điều đó là rất khó khăn.

Tuy nhiên Lưu Quang Vũ không chỉ đơn giản là khẳng định vai trò của linh hồn so với thể xác, mà còn đưa ra mối quan hệ mật thiết gắn bó hữu cơ giữa phần xác và phần hồn. Linh hồn Trương Ba sau một thời gian sống trong xác anh hàng thịt thì dần nhận ra sự thay đổi của bản thân, mà chúng ta gọi đó là sự tha hóa. Ông bắt đầu thích uống rượu, ăn tiết canh, thích ăn ngon, nước cờ đi cũng khác xưa, thậm chí ông còn ham bán thịt lợn hơn cả chơi cờ. Trước sự thay đổi đến mức bị người hàng xóm phê bình rằng ông đổi tính, đổi nết Trương Ba đã rất đau khổ, ông cảm thấy căm ghét và ghê tởm cái thể xác âm u, đui mù này ghê gớm, ông ước mình có thể thoát khỏi nó dù một chút thôi. Như vậy ta có thể nhận thấy rằng bản thân Trương Ba bắt đầu chán ghét cuộc sống hồn một đằng, xác một nẻo và ông bắt đầu nhận thức được sự không thích hợp của cả hai, thế nên ông mới cảm thấy ngột ngạt và muốn thoát khỏi nó để dễ thở hơn. Sự không hòa hợp giữa hồn và xác càng được làm rõ thông qua cuộc tranh luận giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt. Hồn Trương Ba luôn tự tin vì mình có một tâm hồn trong sạch, thanh cao, khác hẳn với cái xác tầm thường chỉ toàn những ham muốn phàm tục.

Thế nhưng những tưởng hồn sẽ thắng thế, nhưng cái xác với giọng điệu mỉa mai, lý lẽ sắc bén đã liên tục phản biện lại, nó chỉ ra bản thân hồn Trương Ba đã thay đổi ra sao, thích ăn ngon, thích uống rượu, hơn thế nữa còn chút nữa thì không kiềm lòng được trước người vợ trẻ trung của anh hàng thịt trong một đêm nọ, chỉ ra việc ông đã tát thằng con trai đến hộc cả máu mồm việc mà trước đây ông chẳng bao giờ làm thế,... Những biểu hiện tha hóa ấy đã giáng một cái tát thật mạnh vào hồn Trương Ba khiến ông thấy xấu hổ vô cùng vì sự đổ đốn kỳ lạ của bản thân. Thế nhưng Trương Ba vẫn không chấp nhận sự thật rằng bản thân đã thay đổi, ông cố chấp cho rằng chính những cái ham muốn tầm thường, nhục dục của cái xác "âm u, đui mù" đã làm vấy bẩn linh hồn ông, khiến ông thay đổi mặc dù bản thân ông không muốn. Nhưng xác lập tức vạch trần sự hoang mang của hồn bằng việc chỉ trích ông là kẻ ưa sĩ diện, hay tự ái, mỗi khi tham gia vào việc gì xấu xa thì lại muốn đẩy hết trách nhiệm cho cái xác, để bản thân mình được thanh thản và tâm hồn vẫn luôn cao khiết, thánh thiện.

Như thế có thể thấy tuy phần hồn Trương Ba vẫn luôn muốn điều khiển sự ham muốn cái xác, tuy nhiên vì sự không phù hợp về bản chất thế nên ngược lại ông bị cái xác người hàng thịt chi phối lại, và thường làm ra những chuyện khác xa với bản tính trong vô thức, đến khi nhận ra thì lại hối hận không kịp. Từ đó ta rút ra một triết lý rằng giữa phần hồn và phần xác phải có một sự thống nhất hữu cơ chặt chẽ, xác nắm giữ vai trò nhận thức lý tính, là cơ sở để chứa đựng linh hồn, đồng thời cho linh hồn nhận thức cảm tính, xây dựng nên vẻ đẹp của tâm hồn, cả hai phải phối hợp chặt chẽ ăn ý với nhau, thì mới có thể trở thành một con người toàn vẹn và sống đúng với bản thân mình được. Bản thân xác thịt cũng có những như cầu nhất định, được ăn uống chăm sóc, mà các nhu cầu sinh lý khác cần được thỏa mãn, nhưng phần hồn phải khống chế và điều khiển được những nhu cầu ấy sao cho hợp lý, chứ không thể bị xác thịt điều khiển. Bởi vì là một thực thể thống nhất, trong đó linh hồn là nắm giữ vai trò trọng yếu hình thành nên nhân cách, tư tưởng, chính vì vậy nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì xác thịt đã tạo nên, chứ không thể giống như hồn Trương Ba, rõ ràng đã "dung túng" cho thể xác, rồi cuối cùng lại đổ hết tội lỗi cho nó để bảo vệ sĩ diện của mình. Có thể thấy rằng cuộc tranh luận gay gắt giữa hồn và xác chính là cuộc đấu tranh liên tục trong mỗi cá nhân, là sự đấu tranh tư tưởng giữa linh hồn và thể xác trong cuộc sống để hoàn thiện nhân cách đạo đức, và rèn luyện được khả năng làm chủ bản thân, giữ cho phần "người" ưu thế hơn phần "con" của chính chúng ta trong xã hội.

Triết lý thứ hai nữa của tác phẩm nằm ở việc hồn Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt, còn mình thì chấp nhận chết đi thật sự. Hồn Trương Ba đã khẳng định với Đế Thích "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Nhân vật này đã nhận ra sự chắp vá kệch cỡm kỳ dị này là vô cùng vô lý, nó đã khiến cho ông và cả những người xung quanh ông phải chịu đau khổ, giày vò, thà rằng ông thật sự chết hẳn thì có lẽ giờ đây gia đình ông đã yên ổn trở lại, và mọi người vẫn nhớ về ông với tấm lòng thương yêu, kính trọng chứ không phải là sự lạ lẫm, ghê sợ và xa lánh như ngày hôm nay. Thế nên ông quyết trả lại xác cho anh hàng thịt để bảo vệ cho phần hồn của mình được những giá trị cao khiết, trong sáng chứ không phải sự đổ đốn vì sự chi phối của xác thịt. Đó chính là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và đầy đạo đức, người ta không thể vì ham sống mà làm hại những người xung quanh mình phải khổ sở được.

Hơn thế nữa người ta cũng không thể sống mà hồn một đằng xác một nẻo, không thống nhất biện chứng với nhau được, điều ấy được chỉ ra trong vở kịch, người ta đã nhìn nhận rất rõ sự sai lệch giữa linh hồn và thể xác, khiến nó trở thành một sự chắp vá kệch cỡm vô cùng. Linh hồn Trương Ba thích làm vườn, lại chăm chỉ, khéo léo và rất yêu cây, khi sống trong xác hàng thịt ông vẫn giữ thói quen ấy, thế nhưng sự thô lỗ, vụng về của cái xác đã làm gãy tiệt cái chồi non, bàn chân to như cái xẻng đã xéo nát hết cả mấy cây sâm quý, rồi đôi tay giết heo đã làm hỏng luôn cả cái diều mà cu Tị hằng yêu quý,... Sự không thống nhất đã khiến cho mọi việc trở nên bung bét cả ra, bởi những công việc khéo léo, tỉ mẩn ấy không dành cho người vai u thịt bắp quen việc giết mổ, mà là để dành cho người có đôi bàn tay cẩn thận, gầy guộc giống như cái xác cũ của Trương Ba thì mới phù hợp. Cuối cùng người đọc rút ra một chân lý rằng người ta chỉ có thể sống một cách toàn vẹn và chân thực khi có sự thống nhất ăn ý giữa hồn và xác, chứ không phải kiểu chắp vá hồn một đằng xác lại một nẻo được.

Một chi tiết khác cũng đậm tính triết lý trong truyện ấy là việc Đế Thích gợi ý cho hồn Trương Ba ngụ vào xác của cu Tị, nhưng Trương Ba từ chối. Đó lại cũng là một thử thách lớn đối với hồn Trương Ba, bởi Đế Thích cho rằng ông không thích cái xác thô lỗ của anh hàng thịt, có lẽ ông sẽ thích xác của cu Tị hơn. Thế nhưng Trương Ba đã từ chối, ông chấp nhận cái chết, chứ không giẫm vào vết xe đổ ấy lần nữa bởi bi kịch không thể tiếp tục tái diễn bằng một bi kịch tương tự nữa. Từ đó ta hiểu ra rằng trong cuộc chiến đấu gay gắt giữa phần hồn (phần người) - tượng trưng cho sự cao khiết, thanh sạch và phần xác (phần con) - tượng trưng cho những khao khát, nhục dục tầm thường, thì phần người, phần nhân cách cuối cùng cũng chiến thắng, thoát khỏi sự quyến rũ của việc được tiếp tục sống, được tận hưởng. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự cao thượng, vẻ đẹp của đạo đức và khát khao hoàn thiện nhân cách từ bao đời nay của con người. Có lẽ câu "chết vinh còn hơn sống nhục" nó lại khá đúng trong trường hợp này.

Đọc hết vở kịch của Lưu Quang Vũ ta phát hiện ra rằng ngoài cốt truyện đầy bi kịch và những triết lý chủ đề của tác phẩm , thì bản thân tác giả thông qua lời nhân vật cũng thường xuyên đưa vào những lời thoại mang tính chất triết lý nhân văn sâu sắc, khiến người đọc không chỉ nhìn nhận những nội dung chính như việc sống toàn vẹn thống nhất giữa thể xác và tâm hồn hay việc đấu tranh để hoàn thiện nhân cách cao thượng của con người, mà còn học thêm được nhiều điều khác. Khiến độc giả được mở rộng được tầm nhìn của mình với cuộc sống ví như trích lời Trương Ba: "Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm", nhằm khuyên nhủ con người không nên vì lòng ích kỷ của cá nhân mà gượng ép sửa chữa để rồi cuối cùng mọi chuyện càng trở nên không thể cứu vãn được, đồng thời lại còn khiến những người khác phải chịu tổn thương.

Như bản thân Nam Tào thì vì tắc trách lại muốn bưng bít tội trạng của mình, còn Đế Thích thì cứ tiếc mãi một người bạn chơi cờ hay, thành thử đã gây nên cho Trương Ba và những người bên cạnh ông ta một loạt các bi kịch. Hoặc khi Trương Ba nói với Đế Thích "ông phải tồn tại lấy chứ", lúc nhân vật này bảo rằng Trương Ba là lẽ sống của mình. Điều đó đã ngầm nhắc nhở mỗi chúng ta rằng bản thân sống không phải là dựa dẫm vào người khác, mà phải có mục tiêu lý tưởng riêng cho bản thân mình, chứ không thể cứ mãi bám theo cái bóng của người khác để tìm kiếm giá trị của bản thân được (bởi Đế Thích đánh cờ với Trương Ba thì luôn thắng).

Hồn Trương Ba da hàng thịt là một vở kịch hay mang đậm giá trị nhân văn và các triết lý nhân sinh sâu sắc, khuyên nhủ con người ta phải biết đấu tranh để hoàn thiện nhân cách của mình, phải sống được là chính mình, không thể sống mà trong ngoài bất nhất rồi cuối cùng phải chịu đau khổ, bi kịch. Bên cạnh đó cũng giáo dục con người không thể vì lòng ích kỷ riêng mà làm những chuyện ảnh hưởng đến người khác. Dẫu kết thúc câu chuyện là bi kịch thế nhưng đó lại là cái kết hợp lý nhất làm thỏa mãn độc giả hiện đại.

Xem thêm các bài Soạn văn 11 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Cánh diều khác