Top 20 Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày

Tổng hợp trên 20 bài văn nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày - mẫu 1

Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người, thông qua giao tiếp cá nhân gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, tiếp thu nền văn hoá xã hội lịch sử, biến nó thành cái riêng của mình, đồng thời cũng góp phần vào sự phát triển văn hoá chung. Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật càng hiện đại càng ảnh hưởng đến hành vi, sự suy nghĩ và cuộc sống con người nên mối quan hệ giữa con người với con người càng được quan tâm, vì thế giao tiếp được xem là vấn đề thời sự trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực làm việc trực tiếp với con người như giáo dục, dạy học, ngoại giao… Ngày nay giao tiếp là phương tiện để con người hợp tác cùng nhau, hướng tới mục đích bình đẳng, hạnh phúc. Nhu cầu giao tiếp là nhu cầu quan trọng của con người. Để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp và tiến hành giao tiếp có kết quả, con người cần có kỹ năng giao tiếp.

Có thể nói, thay đổi của giới trẻ không chỉ thể hiện ở cách ăn mặc, ở tóc tai, ở cách ứng xử mà thể hiện nhiều ở ngôn ngữ, ở lời ăn tiếng nói hàng ngày của các bạn. Ngôn ngữ “trong sáng” và “giàu có” của tiếng Việt đã được “thoát xác” hoàn toàn khỏi các quy chuẩn và hầu hết được giới trẻ thay bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu vì các bạn dùng tiếng lóng trong cộng đồng teen.

Người trẻ ngày nay không chọn cách ra sạp báo mua tờ Thanh niên, Tuổi trẻ, không mở thời sự để xem tin tức vào mỗi 19 giờ tối hàng ngày. Giới trẻ ngày nay, chỉ cần một chiếc laptop, một chiếc smartphone là các em có thể nắm bắt toàn bộ thông tin, tin tức của thế giới. Thế nhưng, những vấn đề về thế giới, về quân sự, về chính trị, văn hóa của đất nước hay thế giới không phải là vấn đề mà các em quan tâm. Vì vậy, vốn hiểu biết thực tế của giới trẻ ngày càng hạn chế.

Đối với các bạn trẻ, việc sử dụng ngôn ngữ riêng biệt như thế này cũng có những tác dụng nhất định như rút ngắn được thời gian khi gõ phím hay trò chuyện, khi trò chuyện. Đồng thời, nó cũng tạo điểm nhấn riêng cho mỗi cuộc nói chuyện cũng như làm tăng lên cá tính của các bạn. Thế nhưng, các bạn không thể lường trước được những hậu quả của từ việc sử dụng ngôn ngữ như vậy. Thứ nhất, nó làm méo mó đi sự trong sáng của tiếng việt, tiếng dân tộc thiêng liêng. Nó tạo nên một thói quen không tốt trong tác phong sinh hoạt hằng ngày nói chung và trong giao tiếp nói chung. Thứ hai, nó khiến cho người khác cảm thấy khó hiểu, thậm chí là khó chịu khi phải tiếp xúc với những loại ngôn ngữ như vậy. Bên cạnh đó, nó sẽ tạo thành một trào lưu, một tác động xấu làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội…

Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ 1 cách sai lệch như vậy? Nguyên nhân đầu tiên mà chúng ta có thể nhắc tới là sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội. Thông qua việc giao tiếp tràn lan, mất kiểm soát trên các trang mạng xã hội, ngôn ngữ teen code nhanh chóng trở thành một thứ “mốt” thời thượng của các bạn trẻ. Họ bị ảnh hưởng rất nhiều từ bạn bè và các sản phẩm trên mạng. Bên cạnh đó, tâm lý học theo, tâm lý theo số đông lại càng khiến cho teen code tác động sâu vào các bạn trẻ. Cùng với đó, gia đình và nhà trường vẫn chưa có sự quan tâm sát sao đối với con em trong việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.

Còn đâu việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo lời dạy của Bác Hồ vẫn căn dặn chúng ta. Vẫn biết rằng xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại thì con người cần phải đổi thay và phải tiếp thu những cái mới. Nhưng ngôn ngữ của teen thì ngày càng đi ngược lại với thuần phong mỹ tục tốt đẹp mà cha ông ta đã bao nhiêu đời nay vun đắp, xây dựng. Sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, tiếng lóng, hay những từ những câu thiếu văn minh lịch sự là điều đáng phê phán, đáng lên án. Việc sử dụng những ngôn ngữ có biến đổi để phù hợp với giới trẻ nên được kiểm soát, để tránh tình trạng lạm dụng và làm mất đi cái hay cái đẹp của tiếng Việt. Các bạn teen cần biết đâu là tốt, đâu là xấu; cần phân biệt được sự sáng tạo và sự biến đổi theo hướng thụt lùi. Người lớn cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, uốn nắn, răn dạy để bọn trẻ có hướng đi đúng với xã hội.

Ngoài ra các cơ quan chức năng, cơ quan văn hóa cũng nên có những biện pháp, những hướng xử lý đối với các bộ phận teen đang ngày càng làm mất đi cái hay của tiếng mẹ đẻ. Có như vậy, thì ngôn ngữ mới không bị biến đổi theo hướng tiêu cực như ngày hôm nay.

Thầy cô – những người có ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn sinh viên, những người định hướng, giúp các em hoàn thiện vốn ngôn ngữ của mình cần phải là những tấm gương về sử dụng ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ. Bản thân thầy cô cũng cần sử dụng những ngôn ngữ có tính chuẩn mực cao. Thường xuyên thiết lập các kênh đối thoại để từ đó khích lệ, nhắc nhở hay chấn chỉnh hoạt động ngôn ngôn ngữ của học sinh.

Nhà trường cần định hướng cho sinh viên những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt từ đó nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạo thêm nhiều cơ hội, tổ chức những cuộc thi, tạo môi trường tích cực, phát huy cũng như khích lệ tinh thần học hỏi để các em nói và làm theo lời hay ý đẹp. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp để chấn chỉnh những sinh viên đi ngược lại xu thế đó.

Trước thực trạng đó, chúng ta cần có những biện pháp khắc phục tình trạng này. Nhà trường và xã hội phải có những phương pháp giáo dục cụ thể để định hướng các bạn học sinh biết được tác hại của teen code cũng như bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt. Gia đình cũng cần sát sao hơn với con cái, trao đổi, tâm sự với con cái nhiều hơn để biết được những thay đổi tâm sinh lý của con. Mỗi người hãy là một tấm gương trong giao tiếp để các bạn thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt. Bản thân các bạn trẻ cũng phải có ý thức trong việc rèn luyện và bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ cũng như trau dồi khả năng ngoại ngữ thật tốt.

Tiếng Việt là thứ tiếng trong sáng và vô cùng ý nghĩa với mỗi con người. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt cũng chính là trau dồi bản thân cũng như thể hiện tình yêu nước. Giới trẻ cần có nhận thức đắn hơn trong việc trau dồi bản thân cũng như việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.

Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày - mẫu 2

Như chúng ta đã biết, nước Việt Nam là một đất nước có truyền thống lịch sử rất lâu đời với hơn 4000 năm văn hiến. Cùng với các chặng đường phát triển của lịch sử, người Việt Nam đã tạo ra một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Và càng đáng tự hào hơn khi chúng ta có một vốn từ ngữ cho riêng mình. Như nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trải qua quá trình gọt giũa tiếng Việt đã đạt được phẩm chất trong sáng, vì thế những yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần phải được quan tâm thực hiện. Thế nhưng hiện nay, một số người đặc biệt là giới trẻ - thanh niên học sinh đã lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài như một thói quen, một lối sống thời thượng.

Cùng với quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế thì việc sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) là rất quan trọng và cần thiết. Không ai có thể phủ nhận lợi ích vô cùng to lớn mà tiếng nước ngoài mang lại cho chúng ta. Bởi nó là phương tiện giúp chúng ta có thể hội nhập và phát triển với thế giới. Nhờ nó mà chúng ta dễ dàng trao đổi với người nước ngoài khi họ vào Việt Nam làm việc, kinh doanh,… Tuy nhiên nếu chúng ta sử dụng tiếng nước ngoài không đúng mục đích, không đúng hoàn cảnh thì chắc chắn sẽ gây tổn hại đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Tiếng Việt có một hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm và chữ viết, cách dùng từ, đặt cậu,.. Nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt sẽ đảm bảo được sự trong sáng của lời nói. Sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép dung nạp tạp chất. Do đó, tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, những yếu tố khác. Vậy mà thực tế hiện nay, ta có thể dễ dàng bắt gặp giới trẻ kết hợp cách nói hay viết giữa tiếng ta với tiếng nước ngoài theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ”, họ sử dụng tiếng nước ngoài một cách tuỳ tiện, thiếu ý thức, trong một câu tiếng Việt thường chêm vào một vài từ nước ngoài. chẳng hạn : “Trông con bé đó kute quá”, “Điện thoại sắp hết tiền rồi làm sao gọi cho honey đây”, “Anh ấy handsome thật!”, “Các superstar thích xài mobile loại xịn”,  “ Idol của tao kìa”, rồi nào là hotboy, hotgirl, …

Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là sự phong phú của tiếng Việt sẽ mất dần mà thay vào đó là sự nghèo nàn về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, không chỉ có vậy nó còn phá vỡ luôn hệ thống chuẩn mực, qui tắc của tiếng Việt. Hãy thử hình dung đến một lúc nào đó, người Việt Nam sẽ xa rời chính tiếng mẹ đẻ của mình, làm cho nó bị pha tạp, lai căng làm mất đi bản sắc vốn có của tiếng Việt. Đó quả là một sự thật đáng buồn!

Chúng ta không thể hoàn toàn phủ nhận tiếng nước ngoài là sai. Trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết : “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”. Có nghĩa là chúng ta phải biết sử dụng tiếng nước ngoài cho phù hợp, đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh giao tiếp.

Chính vì vậy việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang là công việc của tất cả mọi người đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Chúng ta phải biết rằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy phải làm cho nó ngày càng phong phú, giàu đẹp hơn, phải biết phát huy tính văn hoá của dân tộc không nên làm mất đi vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt, không nên quá lạm dụng tiếng nước ngoài nhưng vẫn cần tiếp nhận những yếu tố tích cực của tiếng nước ngoài. Đồng thời mỗi người cũng cần tránh những cách nói thô tục, kệch cỡm để cho lời nói đạt đến mức độ “lời hay, ý đẹp” và có văn hoá.

Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày - mẫu 3

Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Vấn đề này có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực.

Không ít thanh thiếu niên chúng ta đang có tình trạng sử dụng tùy hứng các ngôn ngữ có nguồn gốc châu Âu trong giao tiếp bằng tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp. Giới trẻ thường sử dụng tiếng lóng lai căng, pha giữa tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) và tiếng Việt. Hiện tượng này không còn ở phạm vi giới trẻ mà đã trở thành “hội chứng” của xã hội. Việc sử dụng từ ngữ ngoại lai theo kiểu vô thức cũng làm cho nhiều đối tượng “quen” đến mức quên mất cả từ tiếng Việt tương ứng.

Giới trẻ chúng ta, đặc biệt là học sinh, sinh viên là những người tiếp xúc với khoa học, công nghệ nhiều và có điều kiện tiếp nhận nhanh, nhất là trong thời kì công nghệ thông tin; Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần vài phút, thông tin về một vụ việc nào đó có thể phát tán tràn lan trên các trang mạng, trong lúc giới trẻ ngày nay, đại bộ phận đều có điện thoại đời mới. Mỗi lúc rảnh rỗi lại lôi ra lướt facebook, xem phim... và thứ “ngôn ngữ mạng” ấy rất dễ thâm nhập vào các đối tượng này. Mở cửa hội nhập cũng đồng nghĩa với việc những phong cách sống và văn hóa của các nước khác sẽ thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, mà giới trẻ lại là lứa tuổi thích cái mới, cái lạ, thích học hỏi và tiếp thu những thứ đó và tạo ra cái của riêng mình, dần dần nó xuất hiện trong lời nói, câu chữ.

Khách quan mà nói, ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được sử dụng nhằm thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay của giới trẻ. Điều này thấy rõ ở ngôn ngữ mạng, một kiểu ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội, có sức lan tỏa rất lớn. Ngôn ngữ trên mạng đôi lúc không câu nệ một sự chuẩn mực nào mà nó đã trở thành một phong cách. Tuy nhiên, nếu dùng mãi sẽ trở thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Xa hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy.

Giới trẻ là những người thích khẳng định mình và muốn thể hiện mình. Họ muốn cho người khác biết mình là một con người rất hiện đại, rất lạ và khác biệt trong cách sống, cách ăn mặc và nói năng; có tri thức và vốn ngôn ngữ phong phú. Bởi vậy, có người đã chạy theo một thứ thị hiếu mang tính cực đoan, cho rằng tiếng Việt không đủ sức diễn đạt ngữ cảnh của lời nói. Thậm chí có người tỏ ra đề cao quá mức các ngôn ngữ ngoại. Họ cho rằng phải dùng tiếng nước ngoài thì lời nói mới “sang”, mới “hiện đại”, mới “đẳng cấp”, mới “hợp mốt”. Quan niệm này đã khiến không ít các bạn trẻ tìm đến và sử dụng kiểu ngôn ngữ “lai tạp” nửa tây nửa ta một cách thản nhiên như vậy.

Nhận thức và trách nhiệm của gia đình cũng chưa theo kịp với những xu hướng của lớp trẻ. Nhiều bậc phụ huynh còn cổ súy cho lối đua đòi vô lối của con cái. Một đứa trẻ tiểu học cũng được sử dụng điện thoại, thậm chí dùng được cả facebook. Một bộ phận không nhỏ tỏ ra thời thượng, chiều con không đúng cách đã vô tình đẩy lớp trẻ vào thế giới ảo không thể kiểm soát.

Nhà trường và các tổ chức xã hội thường không để ý đến những khía cạnh mang tính cực đoan của xu hướng này. Các nội dung giáo dục hầu như chưa hề đả động đến một giải pháp cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở “khẩu hiệu” hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà thôi. Thậm chí một số cá nhân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông cũng vô tình “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều từ ngữ (có thể là từ vay mượn) đã được dân ta sử dụng từ bao đời, đã hiểu rất rõ về nghĩa và cả chức năng ngữ pháp, cách biểu hiện trong các tình huống giao tiếp khác nhau… lại được những người làm truyền thông đưa ra những thuật ngữ mới.

Từ thực trạng trên có thể thấy, nếu không có giải pháp chọn lọc, điều chỉnh và phần nào là ngăn ngừa kịp thời thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả xấu. Những nét đẹp truyền thống được hun đúc, tích tụ hàng ngàn năm của tiếng Việt có thể bị phá vỡ, thay vào đó là một sự pha tạp, lai căng, chắp vá. Vì vậy, thiết nghĩ, từ các cơ quan chức năng của nhà nước đến mỗi người dân đều phải có sự nhận thức đầy đủ, chung tay góp sức giải quyết vấn đề.

Nhà nước cần có các văn bản quy định cụ thể về cách sử dụng tiếng nước ngoài trong các loại hình văn bản, trên các hình thức truyền thông, quảng cáo. Các cơ quan báo chí, truyền thông, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo thì phải làm gương; phải trở thành mẫu mực trong việc sử dụng ngôn từ. Ở nhà trường, bên cạnh việc giáo dục cho học sinh thấy rõ được cái đẹp, cái tinh tế, bản sắc và tiềm năng của tiếng Việt chúng ta, với phương châm: có hiểu mới yêu, có yêu mới trân trọng, mới làm tốt việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các thầy cô giáo phải là tấm gương trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Ngôn ngữ của các thầy cô giáo phải trong sáng, chuẩn mực, phù hợp với quy tắc và phong cách tiếng Việt. Giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ là hiện tượng xã hội.

Để hạn chế những tiêu cực trong tiếp nhận, sử dụng cần có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội đóng vai trò quan trọng. Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở và giáo dục con em mình trong việc sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn mực; cần thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp với nhau giữa các thành viên gia đình, tập thể; không để những hiện tượng xấu trong giao tiếp ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến con em mình. Các tổ chức đoàn thể mà hạt nhân là Đoàn thanh niên, tổ chức các diễn đàn, bên cạnh tìm hiểu kiến thức về tiếng Việt còn hướng tới việc tạo môi trường thực hành ngôn ngữ, kịp thời điều chỉnh những sai lạc trong tiếp nhận, sử dụng các ngôn ngữ ngoại lai.

Sử dụng tiếng nước ngoài một cách hợp lý là điều cần thiết trong thời đại hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có trách nhiệm.

Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày - mẫu 4

Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang là một vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều tranh cãi. Biểu hiện của hiện tượng này là việc lạm dụng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, trong giao tiếp hằng ngày, ngay cả khi không cần thiết. Giới trẻ thường chêm tiếng nước ngoài vào câu nói tiếng Việt, hoặc viết tin nhắn, bài đăng trên mạng xã hội bằng tiếng nước ngoài.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do ảnh hưởng của sự toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Giới trẻ muốn thể hiện bản thân, tạo sự khác biệt, "bắt trend". Do tâm lý sính ngoại, coi trọng tiếng nước ngoài hơn tiếng Việt, cộng với hệ thống giáo dục chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh, nên hiện tượng này ngày càng phổ biến.

Hậu quả của việc sính dùng tiếng nước ngoài là làm méo mó, pha tạp tiếng Việt, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, nó còn gây khó khăn cho giao tiếp, đặc biệt là đối với những người không hiểu tiếng nước ngoài, tạo ra sự phân biệt đối xử, rạn nứt trong các mối quan hệ, làm giảm lòng tự tôn dân tộc, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, cần nâng cao ý thức của giới trẻ về tầm quan trọng của tiếng Việt. Việc tăng cường giáo dục về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc trong nhà trường và gia đình là rất quan trọng. Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động giao tiếp, sáng tạo nội dung tiếng Việt trên mạng xã hội, tạo môi trường sử dụng tiếng Việt lành mạnh, hạn chế sự ảnh hưởng của tiếng nước ngoài.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu đẹp và có sức sống mãnh liệt. Nó là linh hồn của dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi người cần ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Hãy sử dụng tiếng Việt một cách có trách nhiệm, để tiếng Việt tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của mình trong đời sống xã hội.

Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày - mẫu 5

Ngày nay, việc giao lưu hội nhập quốc tế đòi hỏi con người phải học thêm ngoại ngữ. Trong đó, tiếng Anh được người học coi là "sự lựa chọn hàng đầu". Vì thế, hiện tại, ở Việt Nam, việc học tiếng Anh đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một vài người đang có xu hướng lạm dụng ngôn ngữ đó vào giao tiếp hàng ngày. Hành vi này đã dẫn đến nguy cơ đánh mất sự trong sáng vốn có ở tiếng Việt.

Vậy nguyên nhân của thực trạng này đến từ đâu? Trước hết, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do tư tưởng sính ngoại cùng những ảo tưởng về sự sang trọng, thời thượng, thích thể hiện của một vài cá nhân. Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn đến từ suy nghĩ lệch lạc khi tiếp nhận các trào lưu, xu hướng mới mẻ.

Lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp để lại rất nhiều hệ lụy đáng báo động. Chêm xen tiếng Anh vào tiếng Việt khiến cho cuộc trò chuyện dễ bị cản trở vì không phải ai cũng hiểu được nghĩa của từ ngữ mà người nói sử dụng thay thế cho tiếng Việt. Từ đó, dẫn tới việc người nghe khó hiểu, không tiếp nhận đầy đủ thông tin. Đồng thời, lạm dụng tiếng Anh còn dễ dàng làm mất đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Việc giao tiếp kiểu nửa Anh, nửa Việt khiến con người dễ quên đi các quy tắc, chuẩn mực chung của ngôn ngữ dân tộc. Bên cạnh đó, nó cũng khiến bạn bè quốc tế lầm tưởng tiếng Việt nghèo nàn, không đủ khả năng diễn đạt những ý nghĩa cơ bản.

Bởi vậy, là người Việt Nam, chúng ta phải ra sức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đầu tiên, mỗi người cần hiểu được những vai trò, giá trị mà Tiếng Việt chứa đựng, luôn biết tự hào về sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, mỗi người cần sử dụng tiếng Anh đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng giao tiếp.

Xem thêm các bài Soạn văn 11 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Cánh diều khác