Đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Cần Giờ 2025 (có đáp án)



Thành phố Hồ Chí Minh công bố đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn theo chương trình mới. Mời các bạn đón đọc:

Đề thi minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Cần Giờ 2025

UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giờ

Đề minh họa Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018

Môn thi: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 120 phút

PHẦN I (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG

Nguyễn Bính

...Quê hương tôi có cây bầu cây nhị

Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang...”

Có cô Tấm náu mình trong quả thị,

Có người em may túi đúng ba gang.

 

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,

Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.

Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,

Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

 

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất

“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng

Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.

Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.

 

Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu

Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.

Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,

Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.

 

Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,

Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.

Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.

Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.

 

Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,

Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang

Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.

Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.

Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt

Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.

Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,

Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.

 

Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,

Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.

Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,

Có cây lim đóng cả một thân tàu.

 

Quê hương tôi có những người con gái

“Một ngày hai bữa cơm đèn...”

Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,

Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.

 

Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;

Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.

Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,

Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.

 

Khi có giặc những tre làng khắp nước,

Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,

Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc

Thoắt vươn vai thành những anh hùng...

(Hoàng Xuân, Nguyễn Bính – Thơ và đời, NXB Văn học, 2003)

Thực hiện yêu cầu sau:

Câu 1. (3,0 điểm)

a. Tác giả đã gợi nhắc đến những những câu chuyện cổ tích nào trong khổ thơ thứ nhất? (0,5 điểm)

b. Xác định lời dẫn và cách dẫn trong đoạn thơ sau: (0,5 điểm)

Quê hương tôi có những người con gái

“Một ngày hai bữa cơm đèn...”

Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,

Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.

c. Con người và quê hương tôi được hiện lên như thế nào trong bài thơ? (1,0 điểm)

d. Bài thơ Bài thơ quê hương của Nguyễn Bính đã khơi gợi trong em những tình cảm nào dành cho quê hương, đất nước – nơi mình đã sinh ra và lớn lên? (1,0 điểm)

Câu 2. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hai khổ thơ cuối trong văn bản “Bài thơ quê hương” của Nguyễn Bính.

PHẦN II (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Lý do chủ yếu khiến những đứa trẻ sống không định hướng, không dám đưa ra mục tiêu và không hành động là vì chúng ta sợ thất bại. Nhiều em rất sợ thất bại, sợ mất mát, sợ mắc phải sai lầm và sợ cảm giác tồi tệ. Chính nỗi sợ này cản trở chúng đặt ra những mục những tiêu chuẩn cao cho bản thân hoặc nỗ lực để thành công.

Tất cả chúng ta điều biết việc vô tình mắc phải sai lầm là điều bình thường và cần thiết trong quá trình học hỏi hoặc bất cứ việc gì. Chúng ta biết rằng thất bại tạm thời – nếu biết tận dụng đúng – chắc chắn sẽ trở thành tiền đề cho thành công lâu dài. Hầu hết trẻ em hành động vì bản thân chúng, vào lúc này hay lúc khác. Tuy nhiên khi chúng không đạt được mục tiêu, chúng sẽ bỏ cuộc, chúng sẽ tự biện hộ, đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh, than phiền rằng chúng không có đủ điều kiện để thành công và sẽ không dám hành động nữa. Với cách hành xử như thế, tôi dám đảm bảo rằng đứa trẻ không bao giờ làm nỗi việc gì to tát trong cuộc sống.

Vậy những người thành công vượt bậc có sợ thất bại không? Có, họ sợ chứ, rất sợ nữa là khác. Chỉ có điều họ có khuynh hướng định nghĩa sự thất bại khác với nghĩa thông thường. Bất cứ khi nào họ làm hết sức mình nhưng không đạt được mục tiêu, họ không xem đó là thất bại mà coi đó là kinh nghiệm để học hỏi, để hoàn thiện bản thân. Sau đó họ sẽ tránh không mắc phải sai lầm tương tự bằng  cách thay đổi phương pháp và làm lại từ đầu. Và cứ thế cho đến khi họ thành công. Đối với những người này, chỉ khi nào bỏ cuộc mới là sự thất bại thật sự.

(Con cái chúng ta đều giỏi, Adam Khoo & Gary Lee, dịch giả Trần Đăng Khoa & Uông Xuân Vy, NXB Phụ nữ, 2016, tr176,177)

 Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. (1,0 điểm)

a. Xác định luận đề của đoạn trích trên. (0,5 điểm)

b. Em hiểu câu: Chúng ta biết rằng thất bại tạm thời – nếu biết tận dụng đúng – chắc chắn sẽ trở thành tiền đề cho thành công lâu dài như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 2. (4,0 điểm)

Việc đánh mất niềm tin vào bản thân đang là một thực tế nhức nhối trong cuộc sống hiện đại của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên và đề xuất những giải pháp khắc phục. (4,0 điểm)

------------------------- HẾT -------------------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. 

Đáp án tham khảo Đề thi minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Cần Giờ 2025

(Hướng dẫn chấm có 07 trang)

A.  HƯỚNG DẪN CHUNG

Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Đáp án - Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh chỉ quan tâm ý mà cho điểm một cách đơn thuần. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, tính chất cụ thể của đề thi và đặc điểm của kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT; trên cơ sở bám sát biểu điểm và từng bài làm cụ thể của học sinh, giám khảo chủ động, linh hoạt trong vận dụng tiêu chí cho điểm. Tôn trọng và khuyến khích những bài làm sáng tạo, độc đáo, giàu cảm xúc.

Trong trường hợp thí sinh tổ chức bài làm theo cách riêng nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đáp án thì vẫn cho điểm như Đáp án - Hướng dẫn chấm. Điểm từng câu không làm tròn. Điểm bài thi bằng tổng điểm các câu, không làm tròn.

B. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

5,0

1

 

a. Tác giả đã gợi nhắc đến những những câu chuyện cổ tích trong khổ thơ thứ nhất là: Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây khế

0,5

b. Lời dẫn: Một ngày hai bữa cơm đèn

Cách dẫn trực tiếp: Dùng dấu ngoặc kép nhắc lại nguyên văn câu ca dao của người xưa.

0,5

c. Con người và quê hương tôi được hiện lên trong bài thơ là:

- Con người:

+ Yêu say đắm văn học truyền thống

+ Sống nghĩa tình, thủy chung

+ Yêu quê hương, đất nước

- Vẻ đẹp quê hương

+ Giàu truyền thống văn hóa với bản sắc riêng.

+ Địa lý phong phú, đa dạng, hùng vĩ.

+ Sản vật phong phú gắn với từng vùng đất.

 

0,5

 

 

 

0,5

d. Học sinh chia sẻ theo nhận thức, cảm xúc của bản thân.

Thể hiện được tình cảm với quê hương, đất nước - nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

1,0

2

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hai khổ thơ cuối trong văn bản Bài thơ quê hương của Nguyễn Bính.

2,0

 

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân - hợp,...

- Đảm bảo bố cục ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Đây chỉ là một đoạn trong bài văn phân tích tác phẩm văn học. HS không biến thành bài văn thu nhỏ.

0,25

 

b. Xác định yêu cầu về mặt nội dung:

* Đoạn văn phải phân tích nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và nội dung của hai khổ thơ cuối văn bản.

- Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của 2 khổ thơ.

- Thân đoạn: Lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật chủ đề  và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

Gợi ý:

+ Chủ thể trữ tình: nhân vật “tôi”

+ Thể thơ: tự do

+ Hình ảnh: tiếng hát quê hương, trẻ nhỏ trong nội, cánh cò đưa, tre làng giữ nước, trai gái thôn Đông, xóm Bắc anh hùng,...

=> Những hình ảnh bình dị, gần gũi nhưng lớn lao, thiêng liêng trong mỗi trái tim con người Việt. Từ câu ca dao, tiếng võng đưa nôi đã nuôi dưỡng tâm hồn người Việt, biến thành cội nguồn sức mạnh biến những con người hiền hòa, nhỏ bé thành anh hùng,...

+ BPTT

Ÿ Lối nói quá tài tình vẫn diễn tả được cái thật “Trong bụng mẹ đã mê tiếng hát” → mạch máu chảy nối đời nối kiếp, là thứ siêu gen di truyền mang tên gọi Việt Nam

Ÿ Liệt kê những hình ảnh quê hương: từ hình ảnh hiện thực biến thành chất lãng mạn trong lời ca, tiếng hát của quê hương anh hùng.

- Kết đoạn: Khái quát vấn đề.

* Đoạn văn phải sử dụng lí lẽ, bằng chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề trên.

0,25

 

c. Hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

- Xác định được các ý phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.

- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5

 

d. Viết đoạn văn đảm bảo các các yêu cầu sau:

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề.

- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5

 

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, đúng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25

 

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

II

 

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

1,0

1

a. Luận đề của đoạn trích trên: Nỗi sợ thất bại

0,5

b. Câu nói Chúng ta biết rằng thất bại tạm thời – nếu biết tận dụng đúng – chắc chắn sẽ trở thành tiền đề cho thành công lâu dài được hiểu là:

- Thất bại tạm thời: thất bại chỉ là tình trạng tạm thời, không phải là một kết quả cuối cùng. Tận dụng: sử dụng hết mọi khả năng có được, không bỏ phí. Tiền đề: điều kiện ban đầu.

- Câu nói đã khẳng định: Thất bại là một tình trạng tạm thời, không phải là một kết quả cuối cùng. Nếu biết sử dụng đúng nó sẽ là điều kiện ban đầu để đạt được thành công bền vững, lâu dài.

- Câu nói khuyên con người đừng sợ thất bại, hãy coi thất bại là tiền đề thành công.

0,5

2

Việc đánh mất niềm tin vào bản thân đang là một thực tế nhức nhối trong cuộc sống hiện đại của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên và đề xuất những giải pháp khắc phục.

4,0

 

a. Đảm bảo cấu trúc một bài văn nghị luận.

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

0,5

b. Đọc văn bản và xác định đúng vấn đề nghị luận

(vấn đề nghị luận được phát hiện trong quá trình đọc sẽ thể hiện bằng cách tích hợp trong bài nghị luận ở phần nội dung nghị luận và không cần trả lời bằng câu trả lời riêng).

1,0

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Học sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề thành các luận điểm rõ ràng, cụ thể.

Về nội dung: xác định, phân tích được vấn đề cần giải quyết và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, thuyết phục.

Về hình thức: Lập luận chặt chẽ, đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Bố cục bài viết cần đảm bảo:

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề: Việc mất niềm tin vào bản thân của giới trẻ và cần có giải pháp khắc phục.

* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận

- Giải thích vấn đề nghị luận.

+ “Niềm tin”  là sự tin tưởng vào một điều gì đó tồn tại, đúng đắn hoặc có giá trị.

+ “Niềm tin vào bản thân”là sự tin tưởng, tự tin vào khả năng của bản thân trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đó còn là sự cố gắng, kiên trì, nỗ lực hướng đến mục tiêu mà bản thân mình đề ra.

- Phân tích vấn đề:

+ Thực trạng

Việc đánh mất niềm tin vào bản thân đang là một thực tế nhức nhối trong cuộc sống hiện đại của một bộ phận giới trẻ: thiếu bản lĩnh sống, dễ đầu hàng, gục ngã trước khó khăn, thử thách của cuộc sống; có tâm lí thua kém , tự ti, không xác định được phương hướng của cuộc đời.

+ Nguyên nhân

 Do cuộc sống quá đầy đủ, được cha mẹ bao bọc từ nhỏ, thiếu kinh nghiệm sống

Không trau dồi, rèn luyện dẫn đến thiếu kiến thức và kỹ năng.

+ Hậu quả:

Không đủ bản lĩnh, không khẳng định được mình, mất tự chủ, dần buông xuôi, rồi dẫn đến đánh mất chính mình.

Không có khả năng đương đầu với những khó khăn thử thách nên dễ dàng buông xuôi, bỏ mất những cơ hội trong cuộc sống

- Nêu giải pháp khắc phục phấn đề

+ Giải pháp 1: Về phía gia đình: Cha mẹ tạo môi trường sống thân thiện và khuyến khích cho con trẻ phát triển niềm tin vào bản thân, tạo cơ hội học hỏi, động viên họ trải nghiệm, tin tưởng vào khả năng của con trẻ và tạo điều kiện thuận lợi để con phát triển.

+ Giải pháp 2: Về phía các bạn trẻ: phải biết nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân: học tập tốt và rèn luyện tốt, có được những kỹ năng sống cần thiết để học hỏi và khám phá những thế mạnh tiềm ẩn của bản thân. Để từ đó cổ vũ, nuôi dưỡng niềm tin, thực hiện ước mơ trong cuộc sống.

….

* Kết bài: Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

Học sinh có thể có nhiều cách hiểu khác nhau miễn sao lập luận hợp lí, thuyết phục, đưa ra các bằng chứng làm sáng tỏ lí lẽ.

2,0

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt, dùng từ, đặt câu, diễn đạt mạch lạc.

0,25

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25

Lưu ý:

- Khuyến khích và trân trọng những bài làm có sự sáng tạo và giọng điệu riêng.

- Chấp nhận cách kiến giải khác nhau về vấn đề kể cả không có trong hướng dẫn chấm miễn là hợp lý và thuyết phục.

Tổng điểm toàn bài là 4,0 điểm có thể cho điểm lẻ đến 0,25 điểm. Việc chi tiết hóa điểm số phải có sự thống nhất trong tổ chấm thi đảm bảo không có sự sai lệch với tổng điểm của mỗi câu.

Tổng điểm

10,0

------------------- HẾT -------------------

Xem thêm đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 năm 2025 các tỉnh khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:




Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học