Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 5 môn Tiếng Việt cực hay
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 5 môn Tiếng Việt cực hay (Đề 1)
Thời gian: 45 phút
Phần 1: Kiểm tra đọc hiểu (5 điểm)
Sông nước Cà Mau
Gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên. Gọi kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây (Ba khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ớt ăn rất ngon). Còn như xã Năm Căn thì nghe nói ngày xưa trên bờ sông chỉ độc có một cái lán năm gian của những người tới đốn củi hầm than dựng nên, cũng như Cà Mau là nói trại đi theo chữ tức khơ mâu, tiếng Miên nghĩa là “nước đen”.
Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ,... loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.
Câu 1: Con Bọ Mắt có đặc điểm gì nổi bật? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng
A. Màu trắng như tuyết
B. Màu đỏ như lòng đỏ trứng gà
C. Màu đen như hạt vừng
D. Màu tím như hoa sim
Câu 2: Con Ba Khía thường được dùng để làm món gì? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng
A. Làm mắm, xé ra trộn với tỏi ớt
B. Nấu canh chua với dọc mùng
C. Hấp lên chung với hành sả ớt
D. Nướng trên bếp than hồng
Câu 3: Tên gọi Năm Căn xuất phát từ điều gì? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng
A. Ngày xưa, trên bờ sông có một ngôi nhà năm tầng
B. Ngày xưa, trên bờ sông có năm cái lán
C. Ngày xưa, trên bờ sông có một cái lán có năm gian
D. Ngày xưa, trên bờ sông có năm cái nhà gỗ
Câu 4: Đâu không phải đặc điểm của dòng sông Năm Căn? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng
A. Rộng mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác
B. Cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.
C. Dòng nước hiền hòa, phẳng lặng, chảy nhẹ nhàng
D. Con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận
Câu 5: Em hãy gạch chân dưới các danh từ có trong câu văn sau (1 điểm):
Gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên.
Câu 6: Em hãy gạch chân dưới chủ ngữ của câu sau (0,5 điểm):
Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn.
Câu 7: Em hãy liệt kê các danh từ riêng có trong đoạn trích trên (0,5 điểm)
Câu 8: Em hãy liệt kê các hình ảnh so sánh trong đoạn trích trên (1 điểm)
Phần 2: Kiểm tra viết
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Rùa con đi chợ mùa xuân
Mãi đến cổng chợ bước chân sang hè.
Chợ đông, hoa trái bộn bề
Rùa mua hạt giống đem về trồng gieo.
Câu 2: Tập làm văn
Em hãy viết 1 bài văn (từ 15 đến 20 câu) tả một loại cây ăn quả mà em yêu thích.
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 5 môn Tiếng Việt cực hay (Đề 2)
Thời gian: 45 phút
Phần 1: Kiểm tra đọc hiểu (5 điểm)
Thỏ út trồng củ cải
Mùa đông đi qua, mùa xuân đã tới. Thỏ mẹ dẫn cỏc con ra vườn và bảo:
- Các con ạ, bây giờ là vụ rau rồi, mẹ sẽ dạy các con trồng củ cải nhé.
Ba anh em thỏ ríu rít trả lời:
- Thưa mẹ, vâng ạ!
Bốn mẹ con quây quần bên luống đất, mẹ bắt đầu giảng:
- Muốn trồng rau, người ta phải làm đất, rồi gieo hạt…
Nhưng mới nghe mẹ nói vậy, thỏ út đã nghĩ thầm: “Thế thì mình cũng biết rồi” và không chịu để ý nghe mẹ nói nữa. Thỏ út ngồi đấy nhưng mải nhìn theo con bươm bướm ngoài vườn nên chẳng biết mẹ đã dặn điều gì nữa. Mẹ giảng xong, ba anh em bắt đầu làm việc, mỗi người phải trồng một luống rau nho nhỏ. Hai anh của thỏ út cặm cụi cuốc đất, đập đất cho đất nhỏ và tơi ra rồi mới gieo hạt, còn thỏ út thì chỉ làm qua quýt rồi nhảy đi chơi.
Ít ngày sau, hạt giống nảy mầm. Những cây rau bé li ti hiện ra. Hai luống rau của các anh cây mọc đều, trông như những chiếc khăn màu xanh tươi phủ lên mặt đất, còn luống rau của thỏ út thì mọc thưa thớt, cây cao, cây thấp. Thế nhưng thỏ út vẫn mải chơi chẳng chịu chăm bón gì cả. Tới vụ thu hoạch, cây rau nào của các anh cũng cao, củ cũng lớn, còn những cây rau của thỏ út thì cằn cỗi vì thiếu nước, củ bé tí tẹo. Thỏ út xấu hổ quá, bật khóc nức nở. Thấy vậy, thỏ mẹ bảo:
- Nếu con chú ý nghe lời mẹ và chăm sóc vườn rau thì rau của con sẽ tươi tốt như của các anh vậy.
Sau sự việc ấy, thỏ út hỏi lại mẹ cách làm đất, trồng rau, vun luống, gieo hạt rồi bắt đầu trồng lại luống rau khác. Lần này, rau của thỏ út lớn rất nhanh. Đến vụ thu hoạch, thỏ út chở về nhà rất nhiều những cây rau có lá xanh non.
Câu 1: Khi mùa xuân tơi, thỏ mẹ dẫn các con ra vườn để làm gì? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào các chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
A. Để cùng nhau thu hoạch cà rốt
B. Để tập luyện thể dục
C. Để dạy các con cách trồng củ cải
D. Để phơi nắng ấm sau mùa đông lạnh lẽo
Câu 2: Lúc thỏ mẹ giảng bài thì thỏ út đã làm gì? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào các chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
A. Chăm chú lắng nghe từng lời mẹ dạy
B. Vừa học vừa gặm cà rốt
C. Mải nhìn theo con bươm bướm ngoài vườn
D. Mải nhìn các chú nông dân đang thu hoạch cà rốt trên cánh đồng.
Câu 3: Khi được mẹ yêu cầu trồng một luống rau nhỏ, thỏ út đã làm như thế nào? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào các chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
A. Cặm cụi cuốc đất, đập đất cho đất nhỏ và tơi ra
B. Làm qua quýt rồi bỏ đi chơi
C. Quan sát các anh rồi bắt chước theo
D. Không chịu làm mà nhờ mẹ làm giúp
Câu 4: Tới lúc thu hoạch thì luống rau của thỏ út trông như thế nào? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào các chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
A. Cây rau nào cũng cao, củ cũng lớn.
B. Không có một cây rau nào mọc lên cả
C. Cây rau nào cũng cằn cỗi vì thiếu nước, củ bé tí tẹo.
D. Các cây rau phát triển tươi tốt nhưng không có củ
Câu 5: Vì sao các cây của thỏ út lại không phát triển tốt? (0,5 điểm)
Em hãy khoanh tròn vào các chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
A. Vì thời tiết lúc thỏ út gieo trồng rất xấu
B. Vì thỏ út không chịu chăm sóc cho cây
C. Vì hạt giống của cây không tốt
D. Vì cây không muốn phát triển
Câu 6: Em hãy gạch chân dưới các động từ có trong câu dưới đây (0,5 điểm)
Hai anh của thỏ út cặm cụi cuốc đất, đập đất cho đất nhỏ và tơi ra rồi mới gieo hạt, còn thỏ út thì chỉ làm qua quýt rồi nhảy đi chơi.
Câu 7: Em hãy chỉ ra hai hình ảnh được so sánh với nhau ở câu dưới đây (1 điểm)
Hai luống rau của các anh cây mọc đều, trông như những chiếc khăn màu xanh tươi phủ lên mặt đất, còn luống rau của thỏ út thì mọc thưa thớt, cây cao, cây thấp.
Câu 8: Qua câu chuyện trên em rút ra được cho mình bài học gì? (1 điểm)
Phần 2: Kiểm tra viết (5 điểm)
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.
Câu 2: Tập làm văn (3 điểm)
Em hãy viết bài văn kể lại buổi lễ khai giảng đầu năm học mà em ấn tượng nhất.
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 5 môn Tiếng Việt cực hay (Đề 3)
Thời gian: 45 phút
I. Đọc thầm
GU-LI-VƠ Ở XỨ SỞ TÍ HON
Trong một lần đi biển, Gu-li-vơ tình cờ lạc vào xứ sở của người Li-li-pút tí hon.
Anh được vua nước Li-li-pút mời ở lại và trở thành một người khổng lồ giữa những người chỉ bé bằng ngón tay cái. Dưới đây là câu chuyện của anh.
Một buổi sáng, ngài tổng tư lệnh bất ngờ đến thăm tôi. Đứng trên lòng bàn tay tôi, ngài báo tin nước láng giềng Bli-phút hùng mạnh đang tập trung hải quân bên kia eo biển, chuẩn bị kéo sang. Nhà vua hạ lệnh cho tôi đánh tan hạm đội địch.
Thế là tôi đi ra bờ biển. Quan sát bằng ống nhòm, tôi thấy địch có độ năm mươi chiến hạm. Tôi bèn cho làm năm mươi móc sắt to, buộc vào dây cáp, rồi ra biển. Chưa đầy nửa giờ, tôi đã đến sát hạm đội địch. Quân trên tàu trông thấy tôi, phát khiếp, nhảy ào xuống biển, bơi vào bờ. Tôi lấy dây cáp móc vào từng tàu chiến một rồi buộc tất cả đầu dây vào nhau, kéo về Li-li-pút.
Khỏi phải nói nhà vua mừng như thế nào. Ngài còn muốn nhân dịp này biến Bli-phút thành một tỉnh của nước ngài. Nhưng tôi cố thuyết phục ngài từ bỏ ý định ấy. Khoảng ba tuần sau, nước Bli-phút cử một đoàn đại biểu sang thương lượng và hai bên đã kí một hòa ước lâu dài.
Theo J.XUÝT
Đỗ Đức Hiểu dịch
II. Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi dưới đây:
Câu 1: Nhân vật chính trong đoạn trích tên là gì?
a. Li-li-pút
b. Gu-li-vơ
c. Không có tên
Câu 2: Có những nước tí hon nào trong đoạn trích này?
a. Li-li-pút
b. Bli-phút
c. Li-li-pút, Bli-li-phút
Câu 3: Nước nào định đem quân xâm lược nước láng giềng?
a. Li-li-pút
b. Bli-phút
c. Cả hai nước
Câu 4: Vì sao khi trông thấy Gu-li-vơ, quân địch “phát khiếp”?
a. Vì thấy người lạ.
b. Vì trông thấy Gu-li-vơ quá to lớn.
c. Vì Gu-li-vơ mang theo nhiều móc sắt.
Câu 5: Vì sao Gu-li-vơ khuyên nhà vua nước Li-li-pút từ bỏ ý định biến nước Bli-phút thành một tỉnh của Li-li-pút?
a. Vì Gu-li-vơ ghét chiến tranh xâm lược, yêu hòa bình.
b. Vì Gu-li-vơ ngại đánh nhau với quân địch.
c. Vì Gu-li-vơ đang sống ở nước Li-li-pút.
Câu 6: Nghĩa của chữ “hòa” trong “hòa ước” giống nghĩa của chữ “hòa” nào dưới đây?
a. Hòa nhau
b. Hòa tan
c. Hòa bình
Câu 7: Câu Nhà vua lệnh cho tôi đánh tan hạm đội địch là loại câu gì?
a. Câu kể
b. Câu hỏi
c. Câu khiến
Câu 8: Trong câu Quân trên tàu trông thấy tôi, phát khiếp, bộ phận nào là chủ ngữ?
a. Tôi
b. Quân trên tàu
c. Trông thấy
III. Chính tả (Nghe - viết), thời gian 15 phút
KHU VƯỜN NHỎ
Ban công nhà bé Thu là một khu vườn nhỏ.
Cây quỳnh lá dày, giữ được nước, chẳng phải tưới nhiều. Cây hoa ti gôn thích leo trèo, cứ thò những cái râu ra, theo gió mà ngọ ngoậy như những cái vòi bé xíu. Cây hoa giấy mọc ngay bên cạnh bị nó cuốn chặt một cành. Những chiếc vòi cuốn chắc nhiều vòng, rồi một chùm ti gôn hé nở. Cây đa Ấn Độ thì liên tục bật ra những búp đỏ hồng nhọn hoắt. Khi đủ lớn, nó xòe ra thành chiếc lá nâu rõ to.
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 5 môn Tiếng Việt cực hay (Đề 4)
Thời gian: 45 phút
Phần 1: Trắc nghiệm
Rùa học bay
Trong lùm cỏ, một chú rùa đang ra sức tập bay. Một chú chim sẻ bay ngang qua thấy thế liền hỏi:
- Anh rùa ơi, anh đang làm gì thế?
Rùa thở dài đáp:
- Tôi đang tập bay đấy, chim sẻ ạ.
- Sao cơ? Chẳng phải anh đã chiến thắng trong cuộc thi chạy với thỏ đó sao? Tất cả là nhờ bốn chiếc chân của anh mà.
- Thôi thôi, chú đừng nhắc nữa. Tôi và thỏ đã thi lại lần nữa. Thỏ không ngủ quên giữa cuộc đua nữa nên đã dễ dàng thắng tôi. Lần này, khi tập bay được tôi sẽ quyết đấu một trận nữa với thỏ.
Chim sẻ bật cười:
- Nhưng mà anh đâu có cánh!
- Bất kể thế nào tôi cũng phải học bay cho bằng được, sẻ ạ.
Kết thúc cuộc trò chuyện, rùa đi kiếm về rất nhiều lông chim, may cho mình một đôi cánh tuyệt đẹp. Nó ra sức tập luyện, nhưng đã mấy ngày trôi qua mà vẫn không có gì tiến triển. Nó nghĩ: “Thế này không ổn. Mình phải đi mời thầy về dạy mới được”.
Ngày hôm sau, rùa lên đường đi tìm thầy dạy bay. Ròng rã mấy ngày, nó đi đến một vách núi cheo leo hy vọng sẽ tìm được thầy giáo. Một hôm, rùa đi tới một vách đá, đột nhiên có một đôi cánh lớn liệng qua. Rùa ta vô cùng ngưỡng mộ, nghĩ bụng: “Đây chính là người thầy mà mình đang kiếm tìm”. Thế là rùa liền hét to:
- Anh Chim ưng ơi, xin hãy dạy em biết bay nhé!
Chim ưng ân cần nhắc nhở Rùa:
- Em rùa à, em và anh không giống nhau, em không có cánh, làm sao mà bay được?
Rùa cầm ra đôi cánh tự làm, liên tục xin:
- Anh xem, em có cánh rồi đây này, xin anh hãy nhận em làm đồ đệ đi.
Chim ưng đành phải chấp nhận lời thỉnh cầu của rùa. Chim ưng nhấc bổng rùa lên, khi bay lên không trung thì bỏ rùa ra. Rùa ta giống như diều đứt dây, rơi vập xuống một tảng đá to, khiến cho mai rùa bị vỡ rạn.
Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng:
Câu 1: Chim sẻ nhìn thấy chú rùa đang làm gì trong lùm cỏ? (0,5 điểm)
A. Đang ngủ trưa
B. Đang tập hát
C. Đang tập bay
D. Đang học bài
Câu 2: Vì sao chú rùa lại muốn tập bay? (0,5 điểm)
A. Vì muốn được bay đến những vùng đất mới
B. Vì muốn đánh bại thỏ
C. Vì muốn làm bạn với chim sẻ
D. Vì không muốn bò dưới mặt đất nữa
Câu 3: Tại sao chim sẻ cho rằng rùa không thể bay được? (0,5 điểm)
A. Vì rùa không có cánh
B. Vì rùa quá nặng
C. Vì rùa không có thầy dạy
D. Vì sẻ xem thường rùa
Câu 4: Rùa đã không làm gì để có thể bay được như chim? (0,5 điểm)
A. Ra sức tập luyện suốt ngày
B. Tự may một đôi cánh thật đẹp
C. Tìm một người thầy giỏi
D. Đi chơi cùng chim sẻ
Câu 5: Chim ưng đã tập bay cho rùa bằng cách nào? (0,5 điểm)
A. Chở rùa bay trên bầu trời
B. Thả rùa xuống từ trên không trung
C. Cho rùa đọc sách tập bay
D. Đưa rùa đến nhà chú đại bàng
Câu 6: Kết quả sau chuyến tập bay của rùa với chim ưng là gì? (0,5 điểm)
A. Mai rùa bị vỡ rạn
B. Rùa có thể bay lượn như chim
C. Rùa bị thả xuống hồ nước
D. Rùa bị thầy phạt
Phần 2: Tự luận
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha áo mẹ chữ thầy,
Lo sao cho bõ những ngày ước ao.
Câu 2: Luyện từ và câu (3 điểm)
1. Em hãy tìm trong câu văn dưới đây các từ đơn, từ ghép, từ láy
Ròng rã mấy ngày, nó đi đến một vách núi cheo leo hy vọng sẽ tìm được thầy giáo.
- Từ đơn:
- Từ láy:
- Từ ghép:
2. Đọc đoạn hội thoại sau và trả lời câu hỏi:
Chủ nhật, Minh sang nhà Tuấn chơi. Đến nơi, thấy Tuấn đang ngồi trên hiên nhà, Minh gọi:
- Tuấn ơi, bọn mình đi đá bóng đi!
- Không được đâu Minh ơi, tớ phải trông nhà cho mẹ đi chợ. - Tuấn trả lời.
- Thật sự không đi được sao? - Minh hỏi lại
- Không được đâu. Cậu cứ ra sân đá bóng với các bạn đi. - Tuấn ủ rũ trả lời.
Nghe vậy, Minh suy nghĩ một lát rồi nói:
- Vậy thì tớ sẽ ở đây chơi với cậu, chờ mẹ cậu về thì mình ra sân đá bóng.
- Tớ đồng ý! - Tuấn vui sướng reo lên.
a. Em hãy phân tích cấu tạo câu “Chủ nhật, Minh sang nhà Tuấn chơi.”
b. Em hãy liệt kê câu hỏi có trong đoạn hội thoại trên và chỉ ra từ nghi vấn trong câu đó.
c. Em hãy nêu công dụng của các dấu hai chấm có trong đoạn hội thoại trên.
Câu 3: Tập làm văn (3 điểm)
Em hãy kể lại một buổi dọn vệ sinh lớp học mà mình đã tham gia.
Xem thêm bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm chọn lọc hay khác:
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 1 môn Tiếng Việt cực hay
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 3 môn Tiếng Việt cực hay
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 4 môn Tiếng Việt cực hay
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 2 môn Tiếng Việt cực hay
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án điện tử lớp 5 (các môn học)
- Giáo án Toán lớp 5
- Giáo án Tiếng Việt lớp 5
- Giáo án Khoa học lớp 5
- Giáo án Đạo đức lớp 5
- Giáo án Lịch Sử và Địa Lí lớp 5
- Giáo án Tin học lớp 5
- Giáo án Công nghệ lớp 5
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi Tiếng Việt lớp 5 (có đáp án)
- Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5(có đáp án)
- Đề thi Toán lớp 5 (có đáp án)
- Bài tập cuối tuần Toán lớp 5 (có đáp án)
- Ôn hè Toán lớp 5 lên lớp 6
- Đề thi Tiếng Anh lớp 5 (có đáp án)
- Đề thi Khoa học lớp 5 (có đáp án)
- Đề thi Lịch Sử & Địa Lí lớp 5 (có đáp án)
- Đề thi Đạo Đức lớp 5 (có đáp án)
- Đề thi Tin học lớp 5 (có đáp án)
- Đề thi Công nghệ lớp 5 (có đáp án)