Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát (hay, ngắn gọn)

Tổng hợp các đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 1

Cây bàng gắn bó với tuổi thơ trong những năm tháng đến trường. Bàng là loài cây thân gỗ, thân cây mọc thẳng đứng, hiên ngang giữa khoảng sân trường. Thân cây có vỏ màu nâu đậm, khá to, bằng vòng tay của chúng em. Vỏ cây mang vẻ sần sùi như những vết sẹo dài. Chúng em gọi đó là những vết tích mà sự khắc nghiệt của thời tiết ghi dấu ấn vào nó. Bàng khá cao, vươn mình đón lấy ánh nắng của tiết trời mùa hạ. Vào những ngày thu, vỏ bàng khô khốc, lần lượt xa cây trong niềm tiếc nuối. Ngày đông, thân bàng một mình trơ trọi giữa tiết trời giá rét, chống chọi với cái lạnh giá của thời tiết. Khi xuân về, bàng lại tràn sức sống, bàng đung đưa như mỉm cười vẫy gọi đón xuân sang.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 2

Lá cây xoài lúc còn non chỉ nhỏ như ngón tay. Lúc ấy lá có màu đỏ nâu rất đẹp, lại có hiệu ứng bóng loáng như mặt kính dưới ánh mặt trời. Khi còn non, lá xoài rất thơm, khi ăn có vị chua và chát nhẹ nhàng, nếu đem ăn cùng các món cuốn thì rất ngon. Chờ qua vài tuần, lá xoài lớn lên, sẽ to gấp năm sáu lần khi còn nhỏ. Lúc này, lá xoài chuyển sang màu xanh thẫm, độ bóng trên bề mặt cũng mất đi. Lá không dàn phẳng, mà hơi cong cong lên theo sống lá ở giữa. Nhờ vậy, khi có trời mưa hay được tưới nước, lá xoài có thể giữ lại nước trên bề mặt nhiều hơn các loại lá khác.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 3

Nhìn từ xa, cây phượng như một chiếc ô khổng lồ màu xanh đốm đỏ. Thân cây màu nâu sẫm, xù xì đẫm những u bướu. Lại gần, em thấy những chiếc rẽ ngoằn ngoèo như đang uốn lượn trên mặt đất. Lá phượng thay đổi theo từng mùa trong năm. Mùa đông, cây rụng hết lá, phô ra những cành khẳng khiu như những bàn tay gân guốc đang ngửa xin chút gì của thời gian. Xuân sang, những giọt mưa phùn đã đánh thức các mầm non bé xíu. Chỉ sau một đêm, phượng đã khoác lên mình một chiếc áo mới màu xanh tuyệt đẹp. Từ lúc lá mơn mởn đến lúc kết nụ chẳng lâu là mấy. Nụ phượng đẹp lắm: bé bé xinh xinh như các cúc áo kết từng chùm trắng xoá. Xuân qua, hè về, phượng bắt đầu nở hoa. Mỗi bông phượng có năm cánh mỏng, màu đỏ rực. Hoa phượng có mùi hương chẳng giống loài hoa nào, một mùi hương mà chỉ đám học trò chúng em mới hiểu. Vào những ngày hè oi bức, còn gì thú vị hơn khi được vui đùa cùng đám bạn dưới gốc cây râm mát này cơ chứ!

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 4

Cây sắn là một loài cây ấy củ, nên rễ cũng chính là củ của cây. Ở trên mặt đất là phần thân cây không quá lớn, chỉ bằng chừng hai đến ba ngón tay. Thế nhưng ẩn dưới mặt đất là cả một bộ rễ to lớn bất ngờ. Thay vì những sợi rễ nhỏ như sợi dây, phía dưới thân cây sắn, là các chùm củ to và dài. Những củ sắn to như cái bắp tay, chắc nịch. Củ ngắn thì độ một gang tay, cù dài có khi cũng bằng cả bắp chân dưới. Phần vỏ của củ sắn khá dày, màu nâu sẫm, có mấy sợi râu dài màu trắng bám vào. Bên trong là phần thịt củ màu trắng, giòn và cứng. Nếu đem luộc lên thì bùi và béo chẳng kém gì khoai lang.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 5

Lá mít to chừng ba đến bốn ngón tay, khá dày dặn nên nhìn cây cứ như một cái nấm rơm khổng lồ. Không như lá bàng, lá mít xanh quanh năm. Và hầu như mùa nào cũng có những chiếc lá già chuyển đỏ cam mà rụng xuống đất. Bà còn dạy em làm những con nghé ọ bằng lá mít thật vui nữa. Chiều chiều thì các bạn hàng xóm chạc tuổi em cũng sang chơi cùng khiến cho em càng thích thú hơn.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 6

Đa phần các loại cây trái đều được trồng để lấy quả cho người ăn. Riêng cây mía hiến hết thân nó cho con người sử dụng. Thân mía giống như thân tre nhưng nhỏ hơn, các đốt mắt ngắn hơn, ruột cây mía đặc, mọng nước. Nước mía có màu vàng chanh. Mía mây ăn ngọt thanh, thân nó mềm nên nhiều người nhai được. Mía đường cứng, vỏ nó màu vàng ngà, phủ đầy phấn trắng. Nước của nó được dùng để sản xuất đường. Mía tím có thân màu tím như lá cẩm, thịt mía mềm, ngọt, được dùng trong các thang thuốc lá mát hoặc róc vỏ ăn cũng rất ngon. Mía chặt từng khúc độ ba đốt mía là món quà quê tươi mát cho lũ trẻ khi mẹ đi chợ về. Với thân thẳng đuột, cao từ một mét rưỡi đến hai mét, mía đem lại vị ngọt mà đấng tạo hoá làm ra, nó giúp đời sống con người thêm ngọt dịu, mát lành.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 7

Thân cây ổi không to như thân cây mít hay cây nhãn, chỉ lớn bằng bắp chân của em. Thế nhưng nó lại cứng cáp và rắn chắn hơn các cây ăn quả khác rất nhiều. Thân ổi đặc và cứng như thân cây bạch đàn. Bởi vậy dù nhỏ nhắn nhưng nó vẫn thoải mái gánh cả một tán ổi lớn xum xuê. Lớp vỏ ngoài của thân cây ổi khá mỏng, có màu trắng xám. Nhiều chỗ có vết loang lổ màu trắng như ai vẩy sơn lên. Phần thân sát mặt đất, lớp vỏ thân cây còn tự bong ra như vẩy rắn, để lộ phần thân trắng ngà ở bên trong. Khi lên cao chừng gần 2m, thân cây tự chẻ ra làm đôi, tạo ra hai cái cành lớn - bắt nguồn của tán ổi.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 8

Cây sầu riêng sau vườn nhà em có thân to và khỏe lắm. Thân cây cao chừng hơn 5m. Phần gốc phải to hơn cái cột nhà một chú. Càng lên cao, thân cây càng nhỏ dần lại, đến ngọn thì chỉ còn lớn bằng cổ tay mà thôi. Thân cây khoác một lớp áo dày cộm màu nâu sẫm, thô ráp và sần sùi. Phần ở gần gốc còn có nhiều vết nứt, tạo thành khe rãnh. Ngay từ đoạn cách mặt đất chừng một mét, cây sầu riêng đã bắt đầu mọc cành. Những cành cây to, khỏe và dài mọc ra từ thân cây tỏa ra nhiều hướng đều được phần thân chắc nịch giữ vững.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 9

Lá cây mía trông giống như một lưỡi gươm dài khổng lồ vậy. Một chiếc lá trưởng thành dài khoảng 1m, bề ngang chừng 5cm-7cm. Nhìn lá cong cong duyên dáng, nhiều người dễ nghĩ rằng lá mía rất mềm mại. Nhưng thật ra đó là suy nghĩ sai lầm. Lá mía khá cứng cáp, dày dặn. Sống lá trải dài theo thân lá cứng như thân tre, chỉ có thể gãy ra chứ không thể uốn cong được. Lá mía sẽ nhỏ dần về phía ngọn lá, tạo thành mũi lá nhọn hoắt. Kết hợp với mép lá sắc bén, có thể dễ dàng làm xước da lúc va phải, lá mía thực sự là một chiếc gươm của tự nhiên.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 10

Cây lúa là loại cây lương thực chính của nước ta. Thân cây lúa thuộc nhóm thân thảo, có sự thay đổi rõ rệt từ khi còn nhỏ đến khi đã lớn. Lúc cây còn nhỏ, phần thân được tạo nên hoàn toàn từ các bẹ lá mọc trực tiếp từ bộ rễ, úp chặt vào nhau tạo thành. Khi cây lớn dần lên, phần thân mới phát triển, chia thành từng đốt như thân cây tre. Bao bọc bên ngoài phần thân đó là các bẹ lá lúa. Vì vậy, dù lúc còn non thân lúa bên trong có màu trắng ngà, nhưng nhìn bên ngoài lại có sắc xanh, chính là do màu xanh của bẹ lá đó. Theo cây lúa càng lớn, các đốt ngày càng sẫm màu và dài ra. Các phần trên của từng đốt còn nhô ra khỏi phần che của bẹ lá. Cho đến khi nào cây lúa trổ bông, thì phần thân này sẽ ngừng dài ra, vì cây chuyển hết chất dinh dưỡng cho hạt lúa. Khi lúa chín, phần thân này sẽ cong dần ra như cái lưỡi liềm, không hề bị gãy hay đổ rạp. Vỏ của thân cây cũng sẽ đồng bộ với màu của hạt thóc. Khi hạt thóc chín vàng thì thân cây cũng chuyển màu vàng ươm.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 11

Cây me tây được trồng ở sân trường em. Gốc cây ước chừng hai vòng tay người lớn ôm không xuê. Những cái rễ to, nhỏ đủ cỡ bò lan trên mặt đất, dùng làm ghế tạm cho khách đi đường nay đã nhẵn bóng nằm phơi mình như những con trăn khống lồ trong bóng râm. Thân cây thẳng đứng từ mặt đất lên chừng ba, bốn mét chĩa thành ba nhánh lớn tạo nên cái vòm tròn như một cái dù phi công màu xanh lục. Vỏ cây xù xì màu nâu xám. Một vài vị khách muốn lưu lại đây một vài kỷ niệm nào đấy đã dùng dao khắc lên vỏ cây ngày tháng năm và chữ ký loằng ngoằng cùng họ tên của mình. Tít trên cao, tán lá xum xuê toá rộng là nơi những chú chích bông, chào mào, sáo sậu… thỉnh thoảng tụ hội về đây dự “hội diễn ca nhạc”. Đến mùa ra hoa, cái vòm xanh lục khổng lồ này điểm sáng vô vàn những chấm nhỏ li ti màu hồng tím, trông mới đẹp làm sao!

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 12

Cây bàng sân trường em cao khoảng 4m, cao hơn cả tầng hai của tòa nhà học tập. Thân cây rắn chắc, cứng cáp, phải cả hai đứa học sinh cùng ôm thì mới xuể. Thân cây thô ráp, sần sùi. Ở phần gần gốc, có chỗ còn nứt ra, tạo thành từng rãnh sâu khá đáng sợ. Bộ rễ của cây vùi sâu trong lòng đất. Nhưng chỉ cần nhìn thấy một vài nhánh trồi lên trên thô to như cổ chân, cũng đủ để tưởng tượng ra cả một chùm rễ khổng lồ dưới kia rồi. Từ cách mặt đất khoảng gần 2m, các cành cây bắt đầu tỏa ra. Các cành ở phía dưới khá lớn, có cái to như bắp đùi, bắp chân. Càng lên cao các cành sẽ nhỏ dần. Rồi từ các cành, các nhánh thi nhau tỏa ra, đan cài vào nhau chằng chịt. Chỉ khi đến mùa đông, lá rụng hết, thì mới có thể chiêm ngưỡng hệ thống cành dày như mạng nhện của cây bàng. Còn lại, quanh năm lá bàng dày và xum xuê y như cái ô khổng lồ. Lá bàng thường to như bàn tay của người lớn, mỏng và tròn ở đầu. Vào ngày hè, chúng em thường lấy lá cây để làm quạt mát. Bạn nào tìm được chiếc lá thật to và đẹp sẽ là người oai nhất. Dưới gốc cây bàng, được nhà trường xây một đường tròn quanh gốc để bảo vệ gốc cây. Đồng thời, nó cũng trở thành chiếc ghế cho chúng em ngồi chơi.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 13

Thoạt nhìn, cây dừa như một cái ô khổng lồ vươn thẳng lên trời, phủ bóng râm mát rượi xuống lối ra vào nhà. Gốc dừa lớn như cột đình, rễ tua tủa ăn sâu bám chắc vào lòng đất. Thân dừa thẳng đuột, màu nâu xám. Trên ngọn, lá mọc thành vòng tròn xòe đều ra xung quanh. Có những tàu dài đến hai, ba mét. Lá dừa xanh bóng, mọc xuôi theo cuống. Nhìn từ xa, chúng giống như những chiếc lược khổng lồ chải mái tóc mây thêm suôn mượt. Từ các nách bẹ, từng chùm quả nhỏ mập mạp trắng sữa chĩa ra, dần dần thành quả lớn. Khi lớn bằng trái bưởi, mỗi cuống quả dừa có một cái dải dài buông lỏng, trông giống như cái dải lụa của một cái nơ. Quả dừa tròn, phía đuôi hơi thon lại. Nước dừa ngọt mát, trong lành. Giữa trưa hè mà có một quả dừa để uống thì thật là tuyệt!

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 14

Em ngồi xuống trên một cái rễ đa to như bắp chân người lớn nghỉ xả hơi cho đỡ mệt. Nhìn quanh gốc cây, những chiếc rễ đa chằng chịt đan quyện vào nhau, nổi lên trên mặt đất như những con trăn hoa nằm hóng gió. Cái gốc của nó năm sáu đứa chúng em nối tay nhau mới ôm xuể được. Thân cây cao độ bốn mét với vô vàn nhánh. Các nhánh lớn lại đẻ ra nhiều cành nên tán lá đa xoè ra phủ kín một khoảng đất rộng, ước chừng đến cả trăm người ngồi dưới vẫn con thấy thoáng mát. Những chiếc lá xanh thẫm hình bầu dục to như bàn tay người lớn khép kín. Lá to, lá nhỏ, tầng tầng, lớp lớp tạo ra một vóm lá dày đặc xanh um, nắng mưa khó lòng lọt qua được. Trên tán lá xanh cao vời vợi ấy lũ chim sáo, chào mào, chìa vôi … kéo về hàng đàn, tha hồ thi nhau ca hát”.

Đoạn văn tả một bộ phận của cây mà em đã quan sát - mẫu 15

Cây dừa xiêm không cao như cây dừa bung. Dừa xiêm cây nào cao nhất chỉ độ bốn mét kể cả ngọn. Từ gốc tròn mập mạp thân dừa thon đều đến ngọn. Thân cây chỉ to bằng một vòng tay ôm của em, vỏ cây màu đen xám, mốc thếch, sờ tay thấy ram ráp, khô. Thân cây có các vạch đen chia từng khoảng, càng lên cao, khoảng cách các vạch đen dài ra. Các vạch đen ây là sẹo của bẹ dừa khi lá dừa khô rụng xuống để cây lớn cao thêm. Dừa xiêm mọc thân thẳng, không cao lắm nên khi dừa có buồng cũng dễ hái quả. Thân dừa dội một tán lá xòe rộng, dài xanh mướt. Cây dừa chịu đựng nắng mưa cần mẫn chắt lọc từ đất chất bổ để nuôi lá xanh tươi, quả mát lành.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 4 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 4 hay khác: