Soạn bài Về đích: Ngày hội với sách Phát triển văn hóa đọc - Kết nối tri thức

Với soạn bài Về đích: Ngày hội với sách Phát triển văn hóa đọc trang 128, 129, 130 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

Phát triển văn hóa đọc

Em đã thực hiện vai trò của một người đọc có khả năng vận dụng những tri thức về lịch sử văn học để tìm hiểu tác phẩm văn học, một người viết có kĩ năng quảng bá giá trị của sách. Đồng thời, em cũng đã bước đầu đặt mình trong vai trò của một độc giả có thể nêu những vấn đề, những câu hỏi định hướng, có vai trò lí giải rõ hơn về mối quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm, nhà văn và thời kì, bối cảnh lịch sử. 

Trong hoạt động nói và nghe, cùng với việc triển lãm, giới thiệu các sản phẩm đọc, việt đã chuẩn bị và hoàn thành trong suốt quá trình thực hiện dự án Văn học - lịch sử tâm hồn, em hãy cùng các bạn hợp tác để tiến hành một cuộc phỏng vấn. Đề tài phỏng vấn có thể là vai trò của sách, văn hoá đọc, vấn đề gợi ra từ cuốn sách đã đọc hoặc chỉ đơn giản là chia sẻ về những trải nghiệm trong quá trình lựa chọn sách, đọc và xây dựng các sản phẩm đọc, viết của mỗi cá nhân, mỗi nhóm trong thời gian qua. Đó cũng chính là cách để lan toả giá trị của sách, phát triển văn hoá đọc của chính mình và cộng đồng.

Tiến hành một cuộc phỏng vấn về sách, văn hóa đọc, vấn đề gợi ra từ cuốn sách và những trải nghiệm đọc, viết trong dự án Văn học - lịch sử tâm hồn

* Trước khi nói: chuẩn bị vấn đề và câu hỏi phỏng vấn

Để có thể tiến hành một cuộc phỏng vấn có hiệu quả, em cần xác định rõ vấn đề, đối tượng của cuộc phỏng vấn: Vấn đề cần phỏng vấn là gì? Cần phỏng vấn ai để có thể làm rõ thông tin liên quan đến vấn đề?

Sau khi đã lựa chọn và xác định rõ vấn để, đối tượng phỏng vấn, em cần chuẩn bị bộ câu hỏi phỏng vấn, lưu ý:

- Vấn đề cần được triển khai thành bộ câu hỏi để giải quyết từng nội dung thông tin cụ thể. Các câu hỏi cần có sự liên kết với nhau và tập trung hướng tới việc làm rõ nội dung vấn đề đã được xác định.

- Bộ câu hỏi phỏng vấn tương ứng với các ý cần triển khai để làm rõ thông tin liên quan đến vấn đề, cần sắp xếp theo trình tự phù hợp: từ bao quát đến cụ thể, chi tiết; từ đơn giản đến phức tạp; từ phạm vi hẹp, liên quan trực tiếp đến mở rộng, liên hệ gián tiếp (nếu cần); từ định lượng đến định tính (nếu có)....

- Số lượng câu hỏi phỏng vấn không quá nhiều, nội dung câu hỏi cần rõ ràng để người được phỏng vấn dễ tiếp nhận và phản hồi thông tin.

- Cùng một bộ câu hỏi, có thể tiến hành phỏng vấn một người hoặc nhiều người. Tuy nhiên, cũng có thể phân loại câu hỏi cho từng đối tượng. Cần xem xét kĩ mục đích và hiệu quả phỏng vấn từng đối tượng.

- Dự đoán một số câu trả lời và dự kiến một số câu hỏi bổ sung trong quá trình phỏng vấn (nếu cần).

2. Trình bày bài nói: tiến hành phỏng vấn trực tiếp

Cần lưu ý rằng người phỏng vấn phải giữ vai trò chủ động trong quá trình tìm hiểu, khai thác thông tin về vấn đề được nêu ra. Người phỏng vấn và người được phỏng vấn đồng thời đóng vai trò người nói - người nghe. Tuy nhiên, người phỏng vấn luôn giữ quyền nêu câu hỏi và tạo cơ hội để người được phỏng vấn trả lời đúng vào câu hỏi đã được đưa ra. Chỉ có như vậy thì thông tin mới được khai thác một cách hiệu quả.

Khi tiến hành phỏng vấn trực tiếp, người phỏng vấn cần chú ý:

- Mở đầu cuộc phỏng vấn một cách thân thiện và cởi mở, kết thúc cuộc phỏng vấn một cách lịch sự: nói lời chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn khi cần thiết; giữ khoảng cách phù hợp trong không gian được chọn để tổ chức phỏng vấn; nói to, rõ ràng để người được phỏng vấn và những người nghe có thể lĩnh hội được thông tin; không ngắt lời người được phỏng vấn khi phần trả lời chưa kết thúc; không hỏi vặn một cách thiếu thiện chí hoặc áp đặt câu trả lời; không ép người được phỏng vấn trả lời khi đã có lời từ chối (nếu xảy ra tình huống không có lợi cho phỏng vấn); không nhận xét về thể diện cá nhân, sở thích hoặc quan điểm riêng của người được phỏng vấn, chỉ tập trung vào vấn đề đã được nêu ra một cách khách quan.

- Sử dụng bộ câu hỏi đã chuẩn bị để đảm bảo vấn đề được nêu ra có thể được tìm hiểu, khai thác thông tin đúng hướng.

- Chú ý lắng nghe khi người được phỏng vấn trả lời các câu hỏi đã nêu và nhanh chóng xác định được tính xác đáng, đầy đủ hay chưa của thông tin để có thể nêu câu hỏi tiếp theo (đã được chuẩn bị) hoặc bổ sung câu hỏi mới.

- Khi cuộc phỏng vấn sắp kết thúc, cần chú ý chuẩn bị để tóm tắt, tổng kết vấn để một cách hiệu quả.

* Bài nói tham khảo:

Phỏng vấn về sách, văn hóa đọc, vấn đề gợi ra từ cuốn sách và trải nghiệm đọc, viết trong dự án “Văn học - lịch sử tâm hồn”

Khách mời: Nguyễn Văn Anh

Người phỏng vấn: Nguyễn Xuân Bắc

Nội dung phỏng vấn:

1. Xin chào Nguyễn Văn Anh, cảm ơn bạn đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Là một người đam mê đọc sách và hoạt động trong dự án “Văn học - lịch sử tâm hồn”, bạn có thể chia sẻ một số suy nghĩ của mình về tầm quan trọng của việc đọc sách trong cuộc sống?

- Nguyễn Văn Anh: Chào bạn Nguyễn Xuân Bắc. Đối với tôi, đọc sách là một hoạt động vô cùng quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Sách giúp chúng ta mở rộng kiến thức, hiểu biết về thế giới xung quanh, đồng thời bồi dưỡng tâm hồn và hoàn thiện nhân cách.

2. Theo bạn, văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam đang ở mức độ nào? Và chúng ta cần làm gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn?

- Nguyễn Văn Anh: Văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, tỉ lệ người đọc sách ở Việt Nam vẫn còn khá thấp. Để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn, tôi nghĩ rằng chúng ta cần có những giải pháp thiết thực như:

- Nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa nguồn sách, tổ chức các hoạt động thu hút người đọc đến thư viện.

- Thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá sách để sách đến tay người đọc dễ dàng hơn.

- Phát động các phong trào đọc sách, tổ chức các hội thảo, tọa đàm về sách, giới thiệu sách hay đến với cộng đồng.

- Khuyến khích học sinh đọc sách, giáo dục kỹ năng đọc hiểu cho học sinh.

3. Trong dự án “Văn học - lịch sử tâm hồn”, bạn đã đọc và trải nghiệm những gì? Dự án đã mang lại cho bạn những điều gì?

-Nguyễn Văn Anh: Tham gia dự án “Văn học - lịch sử tâm hồn”, tôi có cơ hội đọc và trải nghiệm nhiều tác phẩm văn học kinh điển, từ đó hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Dự án đã giúp tôi bồi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách và có thêm nhiều kiến thức mới.

4. Cuốn sách nào đã để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất trong dự án “Văn học - lịch sử tâm hồn”? Vì sao?

- Nguyễn Văn Anh: Cuốn sách đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất trong dự án là “Hà Nội – dấu xưa phố cũ” của tác giả Uông Triều. Cuốn sách này đã giúp tôi hiểu hơn về Hà Nội - nơi chứa những dấu vết của quá khứ đẹp và lịch sử, những lối cũ vẫn còn tồn tại và gợi nhớ về những kỷ niệm xưa. Đó là nơi mà những người dân yêu thương và gìn giữ những giá trị truyền thống của thành phố, từ những con phố cổ, những ngôi nhà cổ, đến những cổng làng đậm chất văn hóa. Hà Nội không chỉ là một thành phố hiện đại mà còn là nơi đong đầy những hồi ức và tình yêu với quá khứ.

5. Theo bạn, những vấn đề nào được nêu ra trong các tác phẩm văn học có thể giúp ích cho cuộc sống hiện đại?

- Nguyễn Văn Anh: Các tác phẩm văn học thường phản ánh những vấn đề của cuộc sống xã hội, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về con người và thế giới xung quanh. Một số vấn đề được nêu ra trong các tác phẩm văn học có thể giúp ích cho cuộc sống hiện đại như:

- Giúp con người sống tốt đẹp hơn, hướng đến những giá trị chân thiện mỹ.

- Giúp con người hiểu biết và trân trọng những giá trị tình cảm trong cuộc sống.

- Giúp con người hiểu rõ hơn về những vấn đề xã hội, từ đó có ý thức trách nhiệm và chung tay giải quyết.

6. Bạn có lời khuyên nào dành cho những người đang muốn bắt đầu đọc sách?

- Nguyễn Văn Anh: Đối với những người đang muốn bắt đầu đọc sách, tôi có một số lời khuyên sau:

- Hãy chọn những cuốn sách mà bạn cảm thấy hứng thú để việc đọc sách trở nên thú vị hơn.

- Nếu bạn mới bắt đầu đọc sách, hãy bắt đầu từ những cuốn sách ngắn và dễ đọc.

- Hãy dành thời gian đọc sách mỗi ngày, dù có bận rộn như nào nhé!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian tham gia buổi chia sẻ này. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe! Rất mong đợi được tiếp tục nghe những chia sẻ của bạn trong những dự án sau!

3. Sau khi nói: trao đổi, rút kinh nghiệm về cuộc phỏng vấn

Sau khi cuộc phỏng vấn đã hoàn thành, cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn có thể tiếp tục trao đổi với những người có mặt, chứng kiến để trao đổi, rút kinh nghiệm.

Người phỏng vấn

Người được phỏng vấn

• Nghe góp ý về cách nêu câu hỏi và cách điều khiển, duy trì, kết thúc cuộc phỏng vấn.

• Nêu ý kiến của bản thân về những điểm có thể rút kinh nghiệm sau khi thực hiện cuộc phỏng vấn.

 

• Nghe góp ý về cách tương tác, trả lời các câu hỏi được nêu ra trong cuộc phỏng vấn.

• Trao đổi lại với người phỏng vấn và những người chứng kiến về nội dung của các câu hỏi, câu trả lời và cách đối thoại trong phỏng vấn.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác