Top 30 Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi

Tổng hợp trên 30 bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh) hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu 1

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........

Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng biết rằng tuổi trẻ là một thành phần, yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai đất nước, vì thế mà Bác đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngay nay với tương lai đất nước dân tộc.

Tuổi trẻ là những công dân ở lứa thành niên, thanh niên… là thế hệ măng đã sắp thành tre, là người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết vai trò của mình đối với bản thân, xã hội. Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.

Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ.

Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ. Bởi đó là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc.

Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết.

Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ - tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh vô song của tuổi trẻ “sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước.

Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nước như lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sinh ra ở đời ai cũng khao khát được sống hạnh phúc, sung sướng. Mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là lý tưởng sống. Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn: “Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?”. Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.

Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Đây là những thanh niên của hơn 40 năm trước còn lớp thanh niên ngày nay thì sao?

Vâng. Cách bạn ạ! Chúng ta nên biết một điều: những thế hệ trước đã dâng hiến xương máu để ngày sau độc lập thì chúng ta phải biết “cùng nhau giữ nước” và nối tiếp, kế thừa truyền thống cao đẹp đó. Và một điều quan trọng là các bạn đừng nghĩ đó là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta phải hiểu rằng: được sinh ra là một hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên mà có mà đó xương máu, tâm huyết của biết bao người con của đất nước. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Chúng ta không được bác bỏ, phủ nhận quá khứ hay công sức của những anh hùng dân tộc. Đơn giản là vì mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng, nhận thức riêng mà chúng ta không nên so bì, tính toán. Vì vậy: “Không có chuyện lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ” (như tổng bí thư Đỗ Mười nói).

Nhưng tuổi trẻ chúng ta có điều kiện gì để xây dựng đất nước? Vâng, đó chính là học tập. Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói đến việc học hành... Trong cuộc sống ta gặp không ít trường hợp xem việc học là việc khổ sai chỉ do cha mẹ, thầy cô thúc ép, chứ không ham học. Họ xem đi học như một hình thức giải khuây cho vui nên không cần học tập, coi học tập là một nỗi nhọc nhằn. Có người lại coi việc học là để ứng phó với đời, để không xấu hổ với mọi người, để có “bằng cấp” mà hãnh diện với đời, dù đó chỉ là “hàng giả” mà thực lực không làm được. Chúng chẳng những không đưa nước ta “sánh kịp với cường quốc năm châu” mà còn đưa nước ta về lạc hậu, lụi bại.

Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới xán lạn, lấp lánh hào quang.

Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này. Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình xứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Trên đây là bài trình bày của tôi về trách nhiệm của học sinh với quê hương đất nước, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

Dàn ý Bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi

1. Trước khi thảo luận

- Từng thành viên trong lớp cần nêu vấn đề theo góc nhìn của mình, tập thể lớp trao đổi, thống nhất chọn một vấn đề trong đời sống phù hợp với tuổi, được nhiều người quan tâm làm đề tài cho cuộc thảo luận. Có thể xem lại các đề tài đã gợi ý ở phần Viết, hoặc tham khảo thêm một số đề tài sau để lựa chọn:

   + Học sinh có cần quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước?

   + Học sinh có trách nhiệm như thế nào với vấn đề trật tự an toàn giao thông?

   + Học sinh cần làm gì để góp phần giữ gìn tiếng nói của dân tộc?

- Sau khi thống nhất đề tài, mỗi cá nhân tự tìm hiểu, tham khảo thêm những tài liệu có liên quan, ghi chép nhanh các ý nảy sinh trong quá trình suy nghĩ để chuẩn bị phát biểu ý kiến thảo luận.

- Lớp cử một người điều hành thảo luận đảm nhận sắp xếp, giới thiệu tuần tự các ý kiến, định hướng vào trọng tâm đề tài, kiểm soát thời gian phát biểu ý kiến của từng người; tổ chức đánh giá, tổng kết cuộc thảo luận.

- Cử một thư kí ghi chép các ý kiến trong cuộc thảo luận.

2. Thảo luận

- Người điều hành nhắc lại đề tài, nêu định hướng và mục đích thảo luận.

- Theo định hướng của người điều hành, các thành viên trong lớp lần lượt phát biểu ý kiến. Ý kiến cần tập trung vào trọng tâm vấn đề, phân tích từng khía cạnh, có lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người nghe.

- Người phát biểu sau có thể bàn luận về vấn đề theo góc nhìn riêng, tán thành hay phản đối ý kiến của người phát biểu trước, trên cơ sở đó, khẳng định quan điểm của mình.

- Các thành viên tham gia thảo luận cần nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi và trình bày lại được nội dung các ý kiến đó.

- Thư kí ghi chép các ý kiến, người điều hành dựa vào đó tổng hợp, kết luận về vấn đề. Tùy thực tế cuộc thảo luận, người điều hành có thể khẳng định sự đồng thuận của các ý kiến hoặc khái quát các nhóm ý kiến khác nhau. Mục đích cuối cùng là để mọi người hiểu sâu sắc hơn về bản chất vấn đề và có thái độ, hành động phù hợp.

3. Sau khi thảo luận

- Vấn đề đời sống được thảo thực sự có ý nghĩa không, có tác động gì đến nhận thức của bản thân?

- Các ý kiến phát biểu đã tập trung vào trọng tâm của vấn đề chưa, có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề như thế nào?

- Các thành viên tương tác với nhau ở mức độ nào, có thể hiện thái độ tôn trọng, học hỏi nhau trong thảo luận không?

- Người điều hành và thư kí đã thể hiện đúng vai trò của mình chưa?

Bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (các mẫu khác)

Tham khảo thêm các bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh) hay khác:

Bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu 2

Hàng triệu lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng lớp bụi thời gian không thể phủ mờ những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ thanh niên quyết tâm “Ba sẵn sàng” để bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ thanh niên hiện nay đang được sống trong hòa bình và một môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện có đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mình cần phải làm gì cho Tổ quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hay không?

Trong mọi thời kỳ, với mỗi quốc gia, thanh niên bao giờ cũng có vai trò hết sức to lớn, họ là sức sống hiện tại và tương lai của dân tộc. Bác Hồ đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn hồi sinh, trước hết phải hồi sinh thanh niên, nếu thanh niên không chịu giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, không được tổ chức lại, chỉ chìm đắm trong rượu cồn và thuốc phiện thì dân tộc có nguy cơ bị diệt vong. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) Đảng ta cũng đã khẳng định: Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ thanh niên.

Năm 2000, năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Đảng, Chính phủ đã đồng ý đặt tên là “Năm Thanh niên”, chúng ta đã gửi “Thông điệp Tháng Ba” đến bạn bè trên toàn thế giới. Trong những năm qua, chúng ta đã mở rộng quan hệ bè bạn và hợp tác với hàng trăm tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới. Chúng ta đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công các hoạt động giao lưu với thanh niên các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với Đoàn thanh niên Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba, Liên bang Nga; đã tích cực tham gia các hoạt động tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới. Vị thế và ảnh hưởng của thanh niên Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều cuộc thi thế giới và khu vực về toán học, vật lý, thể thao. Hiện tại, hàng chục vạn lao động Việt Nam mà chủ yếu là thanh niên đang đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế trong nước và thế giới với sự thông minh sáng tạo, đức tính cần cù chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu khoa học.

Nếu như trong kháng chiến, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, bạn bè thế giới ngợi ca, thì ngày nay, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, một thế hệ thanh niên mới đã ra đời và từng bước trưởng thành. Có thể nói ít có thời kỳ nào mà tuổi trẻ Việt Nam lại có cơ hội và vai trò to lớn đến thế trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Số đông thanh niên là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng và không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã làm xanh nhiều góc phố bộn bề và bản làng xa xôi. Hàng chục ngàn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi. Nhiều chương trình, dự án lớn, đậm chất thanh niên ra đời như: xây dựng các Cung đường Thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại; xoá hàng ngàn cầu khỉ thay thế bằng cầu nông thôn mới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tình nguyện đi lập nghiệp tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ với những công trình hiện đại như đóng mới tàu cao tốc Bạch Long, xây dựng trạm điện sức gió, xây dựng công viên tuổi trẻ Sông Hồng trên đảo xa, xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới…Bên cạnh đội hình Thanh niên xung phong lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn có hàng ngàn doanh nghiệp trẻ đang hăng hái, trăn trở góp phần tạo dựng nên “Thương hiệu Việt” và nhiều bạn trẻ khác đang “khởi nghiệp” bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm và biết làm của mình. Như vậy là phần đông thanh niên thời đại ngày nay vẫn tiếp bước tinh thần “Ba sẵn sàng” của các thế hệ cha anh, tự ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước với những đóng góp không nhỏ.

Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến thế hệ thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước. Những cơ chế chính sách chủ yếu tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và cơ bản của thanh niên về học tập, sao cho thanh niên Việt Nam không còn tụt hậu so với thanh niên thế giới về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý và hoà nhập nhanh vào kinh tế thị trường, kinh tế tri thức; về định hướng nghề nghiệp và việc làm, sao cho chuyển đổi được nhận thức toàn xã hội không còn coi cánh cổng trường đại học là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên, để xã hôị ta “giảm thầy tăng thợ giỏi”; về nâng cao trình độ thẩm mỹ, lối sống, thể lực và nâng cao tâm hồn cốt cách cho thanh niên Việt Nam…

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường đang làm biến đổi nhiều mặt đời sống xã hội, đã xuất hiện ngày càng gia tăng những lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả, thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thụ động, thờ ơ, ngại tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan… trong một bộ phận không nhỏ thanh niên và trong xã hội. Chính vì thế, cần nâng cao vai trò của Đoàn trong việc định hướng tư tưởng và hành động của thanh niên, phát động nhiều chiến dịch thiết thực thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, giúp thanh niên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xứng đáng là thế hệ thanh niên mới tiếp nối truyền thống tự hào của cha anh.

Bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu 3

Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề vai trò của thiên nhiên trong cuộc sống của con người.

Ý thức cộng đồng là gì?

Ý thức vốn là một phạm trù triết học khá trừu tượng và khó hiểu. Nhưng hiểu một cách đơn giản, ý thức là sự nhận thức trực tiếp, tức thời về hoạt động tâm lý của bản thân; sự nhận thức rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Có hai loại ý thức là ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Ý thức cá nhân thiên về những suy nghĩ của riêng từng người, phân biệt giữa người này với người khác. Còn ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng chính là thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có ý thức cộng đồng cao sẽ gây được thiện cảm cho những người xung quanh thông qua những hành động đẹp, từ đó có được lòng tin và niềm yêu thương của mọi người.

Ý thức cộng đồng của học sinh?

Học sinh cần hạ thấp cái tôi để hòa nhập với tập thể (trường, lớp), cùng nhau xây dựng để phát triển. Hoặc như việc giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp, ý thức giữ gìn của công,… Ý thức cộng đồng còn thể hiện ở sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc mọi người xung quanh (bạn bè). Tích cực tham gia các hoạt động tri ân, tưởng niệm của các cá nhân tổ chức, đoàn thể dành cho người có công với cách mạng, các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc cũng được gọi là ý thức cộng đồng. Mỗi học sinh cũng cần có lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hội nhập cũng có thể xem là một phần của ý thức cộng đồng….

Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

Bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu 4

Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, em tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, em sẽ trình bày ý kiến về vấn đề trách nhiệm của học sinh với vấn đề an toàn giao thông.

Là một người tham gia giao thông các em học sinh cần nhận thấy rằng chúng ta cần phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta cần nêu cao ý thức chấp hành luật giao thông, tích cực tham gia xây dựng văn hóa giao thông không chỉ bằng những lời nói mà cả bằng hành động cụ thể, thiết thực để góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn giao thông gây nên. Chúng ta cần hiểu rõ trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, cụ thể như sau :

Trách nhiệm của học sinh trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông: Chấp hành đúng quy định của các biển hiệu khi đi đường. Lái xe an toàn, phù hợp với lứa tuổi. Đảm bảo đúng tốc độ. Nêu cao ý thức nhường đường, rẽ trái, rẽ phải… đúng quy định. Rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường. Không gây mất trật tự khi tham gia giao thông. Phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắng máy,mô tô,... Biết nhường đường cho người khác, rẽ trái, rẽ phải. Chờ đợi khi gặp đường tín hiệu giao thông. Giúp đỡ người khác khi họ bị nạn. Luôn luôn chấp hành đúng quy định giao thông,.. Tuyên truyền vận động người thân và bạn bè thực hiện nghiêm chỉnh khi tham gia giao thông.

Trên đây là phần trình bày của em, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

Bài thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu 5

Tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra trên khắp thế giới ở tất cả các bậc học khác nhau, trong đó có ở Việt Nam. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh. Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…).

Ở nước ta, hầu hết những vụ việc học sinh đánh, chửi nhau xảy ra gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè. Tuy nhiên, hậu quả của nó đôi khi lại không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường mà đã có những án mạng thương tâm, gây rúng động dư luận.

Mới đây, vào ngày 15/2, tại Trường THCS Phong An (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), một học sinh lớp 6 của trường tên H. khi đi vệ sinh tại nhà vệ sinh chung của trường đã xảy ra xô xát với một học sinh lớp 7 tên C. Lúc này một học sinh khác tên Y. học cùng lớp với C. chạy đến bênh vực bạn mình. Trên tay Y. có cầm theo một con dao rọc giấy để dọa H. Hai bên xảy ra xô xát và cây dao rọc giấy trên tay Y. đã đâm trúng vùng bụng của H. H được đưa đi cấp cứu ngay sau đó tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 nhưng không qua khỏi vì mất máu nhiều.

Hay như trước đó, vào sáng 1/4/2021, trong giờ ra chơi sau tiết học thứ nhất, em N.V.H.D. (lớp 8 Trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xảy ra mâu thuẫn với Q.K. (15 tuổi, học cùng trường với em D.).

Do bức xúc, K. đã dùng dao nhọn đâm em D. gục tại chỗ. Phát hiện sự việc, lãnh đạo nhà trường đã đưa em D. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, D. đã tử vong.

Những vụ việc học sinh đánh nhau rồi tung lên mạng xã hội hay những cái chết thương tâm như trên thật sự đã gây hoang mang trong dư luận, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an đồng thời cũng vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Bởi lẽ, chúng ta vẫn luôn nhìn nhận môi trường giáo dục dưới góc độ với những đặc trưng cơ bản của nó đó chính là tính giáo dục, là sự tôn trọng, là nơi an toàn, có sự tin tưởng, cởi mở và thân thiện; đó là nơi được mọi người kỳ vọng mang lại những giá trị nhân văn, giáo dục cho con người những đức tính tốt đẹp, chuẩn mực.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra trong một cuộc hội thảo vào năm 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức thì trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày); khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì lý do này.

Hiện tượng bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, có chiều hướng gia tăng trong các trường học và bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Những số liệu trên thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội; nhắc nhở chúng ta cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Trước hết, để hạn chế được bạo lực học đường, trong nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, vui vẻ, tích cực để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có sự gần gũi với các em học sinh để hiểu tính cách của từng em cũng như các mối quan hệ trong lớp, ngoài lớp để kịp thời phát hiện, uốn nắn, hỗ trợ các em giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh, tránh nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực học đường không đáng có.

Bên cạnh đó, các em học sinh cần được trang bị thêm nhiều bài học về kỹ năng sống. Thông qua sách vở trong chương trình hay các buổi ngoại khóa để giúp cho học sinh hình thành những đức tính tốt, có thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình và những người xung quanh, khơi gợi tinh thần nhân ái, biết sẻ chia, bao dung, biết sống vì cộng đồng. Đồng thời, nhà trường cũng giúp các em rèn luyện bản thân, biết kìm chế các cơn nóng giận và giải toả nó.

Bạo lực học đường đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Tất cả chúng ta cùng phải chung tay để đẩy lùi vấn nạn này để những hình ảnh tiêu cực trên sẽ không còn xuất hiện trong môi trường giáo dục

Chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong những sự việc như thế, cần quan tâm nhiều hơn đến cách quản lý các rủi ro trong trường học. Nếu có các bước quản lý tốt, phối hợp giữa cha mẹ và phụ huynh chặt chẽ, có hoạt động kết nối học sinh… các trường sẽ giảm thiểu những nguy cơ các vụ việc bạo lực học đường.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về phía nhà trường, mà đối với mỗi gia đình, phụ huynh cũng cần có thời gian nhiều hơn nữa để vui chơi, trò chuyện cùng các em. Có lẽ do cuộc sống ngày càng bị cuốn vào guồng quay, không ít gia đình mải tập trung làm ăn, dường như còn lơ là với con cái. Việc ít quan tâm, ít gần gũi với con, không nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, những biểu hiện bất thường của con mình, từ đó sẽ tạo ra khoảng cách và cha mẹ rất khó có thể chia sẻ, hỗ trợ kịp thời khi con gặp vấn đề trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần thường xuyên có sự trao đổi với nhau. Chính điều này sẽ giúp 2 bên có sự phối hợp để có tiếng nói chung trong việc cùng xử lý các vấn đề phát sinh một cách khéo léo, không để sự việc đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát.

Các chuyên gia tâm lý và chuyên gia về giáo dục cho rằng, lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở và trung học phổ thông đang có sự thay đổi về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì nên thường có những hành vi bột phát, khó kiểm soát. Do đó, trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng cần có phương pháp, phân tích cặn cẽ đúng sai làm sao để các em nhận ra hành vi chưa đúng của mình và có ý thức sửa chữa nhưng không có nghĩa là bằng mọi cách phải “làm cho ra lẽ”, khiến cho “người sai” thì “bẽ mặt”, người đúng thì “hả hê”. Đó là tinh thần chung, tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể và tùy từng mức độ vi phạm, mà chúng ta cũng có biện pháp xử lý cho phù hợp, thậm chí phải xử lý thật nghiêm theo luật pháp để có tính răn đe.

Với những em học sinh là nạn nhân của nạn bạo lực học đường thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tháo gỡ những vướng mắc.

Trên thực tế đã có không ít vụ bạo lực học đường xảy ra, người dân xung quanh biết nhưng thờ ơ “đứng nhìn” không can thiệp. Thiết nghĩ, đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, mỗi chúng ta cũng cần có cách ứng xử kịp thời để góp phần hạn chế các vụ bạo lực học đường cũng như giảm đi mức nghiêm trọng của sự việc. Trên các phương tiện truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền để chính các em học sinh hiểu ra mặt trái của bạo lực học đường, giúp đẩy lùi vấn nạn này, để môi trường giáo dục thật sự đúng với ý nghĩa và sứ mệnh của nó.

Xem thêm các bài Soạn văn 8 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác: